Đoàn Nam Sinh
Si-li-cát hóa thủ đô
Hơn năm năm trước, chúng tôi có luận bàn với GS Nguyễn Khắc Tụng về tình trạng chất trọng tải lên nền địa bồn cổ ven sông Hồng ắt sẽ dẫn đến tác hại của nó cho thủ đô như sụt lún, hủy hoại hệ thống thoát nước, ngập nước,… Ít lâu sau thì Hà Nội rơi vào thảm trạng đó, đặc biệt là khu nhà tập thể của giáo sư vốn gần một con mương mà nước cũng không thoát nổi. Giờ thì chỉ một cơn mưa thôi, thường thường bậc trung, cũng đủ làm cho nhiều phố xá thông thương trên cùng mặt phẳng… ngập nước.
Hệ lụy của quá trình “si-li-cát” hóa ao chuôm và đất yếu trên “cốt nền cố cựu của cư dân sông nước gắn liền với văn minh thung lũng” – như giáo sư thường nhắc, nhất cận thị, nhị cận giang – đã lưu dấu lên DNA của nó những đột biến tật nguyền và tai họa.
Bây giờ đứng trên cầu Thăng Long nhìn sang trái, sang phải rồi hướng lên thượng nguồn thì ôi thôi, cơ man nào cần cẩu xà lan. Các dòng sông đất Bắc bây giờ chỉ làm một nhiệm vụ quan trọng nhất là chuyên chở cát sỏi và bị móc ruột để khai thác cát sỏi.
Lòng tham sẽ vục sâu và sâu hơn nữa những miệng gàu cỡ khối cắn cạp vào lòng sông qua gương nước ngầm thành những vực sâu, rồi chỗ đó sẽ là những “mỏ cát” nhờ nước ngầm ngày đêm chuyển tới. Cát từ đâu ai cũng hiểu và hố “tử thần” sẽ xuất hiện ở bất kỳ đâu, với quy mô ngày một khổng lồ hơn.
Tai họa có thể bắt đầu từ việc xin “tận thu” cát ở lòng sông, từ việc cần san lấp để làm đường cất phố,… Nhưng nhà quản lý đã không xem xét tận nơi, không nhìn tới viễn cảnh hậu nhiệm kỳ, cũng không kịp nghĩ rằng… tọa thực sơn băng.
Động đất Sơn La ngày cuối năm ‘10
Ôn cố nhi tri tân, nhớ lại cũng cuộc mạn đàm này, có biết bao cụ đã lên tiếng về một nguy cơ do chất trọng tải chục tỉ tấn lên vùng có 5 đứt gãy địa chất và thường xảy ra động đất.
Sơn La xả lũ
Năm 1959, hình ảnh lưu lại cho thấy chiếc xe ủi 9 tấn lao đi trong dòng nước như một thanh củi mục, khi đập Đa Nhim chỉ bị lũ về bất thường trong lúc đang thi công bờ đập, do số liệu thủy văn từ 1938 chưa đủ giá trị thống kê.
Trưa cuối năm nghe tin động đất Sơn La hơn 5 độ rich-te, chiều lại nghe dư chấn khoảng 4 độ, nên lời cảnh báo về một sự cố vỡ đập lớn nhất Đông Nam Á có thể “thổi bay chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây như chiếc lá” là vẫn còn quá dè dặt về hình tượng, mà phải như chiếc lông chim mới thỏa.
Không biết việc trang bị sẵn mỗi người một phao cứu sinh cho hạ lưu Sơn La đã có chưa, với 15 triệu người ta cần có 1000 tỉ để sắm ao phao bọt xốp bọc vải đỏ cam không thấm nước, là một khoảng chi nhỏ trong hơn 2-3 tỉ đô-la, nhưng quá cần thiết khi các đường nứt trên thân đập không tràn cả hai phía phải trái đã xuất lộ rõ.
Hay ta nên xã hội hóa ngay việc tự cứu lấy mình theo chủ trương “4 tại chỗ” của chính phủ như trong tình trạng bão lụt?
Nhìn lại Hồ Nước Trong Quảng Ngãi
Đánh một vòng suốt ngày từ Trà Bồng lên Tây Trà băng đèo lội suối vượt sông qua Trà Sinh về lại Di Lăng, huyện lỵ Sơn Hà mới thấy hết cảnh tượng lòng sông phơi sỏi cát, thi thoảng có vài dàn máy tận thu vàng sa khoáng.
Một số nhà đồng bào Cor, Hrê đã di dời lên cao, rời bỏ đồng ruộng vườn cau ngàn đời dẫu không phì nhiêu nhưng cũng còn cho cái ăn, giờ lên cao hơn mực nước dâng mà rừng đã kiệt, đất rất dốc không biết sống bằng cách gì.
Ruộng bỏ hoang, làng xóm di dời lên vách núi.
Đường tuy lầy nhưng có nhiều cát nên không trơn trợt, cũng không dính bánh xe, lại ít đá lông chông nên có vất vả nhưng không gặp rủi ro vỡ lốc máy. Nhìn kỹ, cả một vùng rộng lớn không thấy lớp đá mẹ vững chắc, thuần là diệp thạch có nguồn gốc cát kết, bùn kết. Chẳng vì thế mà đường lên Tây Trà sạt lở luôn, các dãy núi hết xuất hiện khe nứt lại xuất lộ những mảng sạt, có lúc vùi người phải di dời cả xóm. Mà nguyên nhân sạt lở thì ai cũng biết, rừng tiếp tục bị khai thác, cát sỏi dưới sông bị đào xới đãi vàng, dòng chảy bị đào đắp cho chuyển hướng, đường giao thông đã thay đổi cân bằng về lâm hình lâm tướng, thay đổi địa mạo và cả nước ngầm.
Sạt lở núi Trà Bình
Bây giờ mọi việc dường như đã an bài. Bờ đập của công trình hồ chứa Nước Trong đang vượt lên, đồi núi ngay đầu mối đã được san bạt thành bậc thang hàng chục triệu mét khối. Từ Di Lăng về thượng nguồn phải vượt lên bao đèo dốc nhân tạo tức ngược, có chỗ cao lên tầm trăm mét.
Diện tích hồ chứa khoảng hơn 90 km vuông, chưa bằng phân nửa của hồ Sơn La, chưa phải là những đứt gãy sâu, chưa có biểu hiện động đất, nhưng cấu tạo địa chất thì vô cùng khác biệt: Một đằng là thung lũng đá vôi, một đằng là trầm tích diệp thạch dễ trượt khối.
Các số liệu về thủy văn của chúng ta chỉ cao lắm là 80 năm, không kể đến những biến động dữ dội trong thời gian qua và sắp tới vì thảm trạng biến đổi khí hậu. Nên những kết luận nghe chừng chắc chắn vẫn chưa có cơ sở gì vững vàng.
Có thể nào khi xây xong đóng nước thì nước không đủ vào hồ do rừng đã kiệt? Rồi khi lũ bất thường lại xả nước cứu hồ như bài học A Vương? Có khi nào sau đó dưới hạ lưu vẫn được đào đãi tận thu từ cát tới vàng mà không đoái hoài gì đến thân đập? Và trên thượng nguồn dân tiếp tục bóc kiệt cả đất rừng để kiếm sống qua ngày, là cơ nguyên lũ quét và bồi lắng nghẹt cửa xả như Hố Hô?
Hy vọng cấp nước trong lành cho Dung Quất và thu được ít nhiều điện từ tua-bin nước có vẻ như rất sáng suốt hiện thực, còn các yếu tố chưa lường hết sẽ là rủi ro thiên tai cả sao?
Có lẽ từ khi có nước đến nay, kẻ thù của chúng ta là giặc giã, là bọn cướp nước, bọn đế quốc mang bom lửa dội trên đầu, thì nay lần đầu tiên cả bọn thủy-hỏa-đạo-tặc đủ mặt, với nguy cơ mới là những trận hồng thủy treo lơ lửng trên đầu muôn dân – những quả bom nước không hẹn giờ.
Ngày 01 tháng 01 năm ‘11
Đ. N. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét