Mới hai tuần trước Ai Cập còn được coi là đất nước có
nền kinh tế phát triển khá. Nước này được liệt vào một
trong số những nền kinh tế "đang thức tỉnh", có sự phát
triển kinh tế ổn định trong suốt cả chục năm. Còn Hosni
Mubarak thì xứng đáng được ngợi khen vì những cải cách kinh
tế mà ông ta đã tiến hành, trong đó có quá trình giải tư và
chống tệ quan liêu. Các quan chức của IMF hồi hộp nói về
sự phát triển đấy ấn tượng của những khoản đầu tư
trực tiếp của nước ngoài vào nền kinh tế Ai Cập, và
thường xuyên viện dẫn khẩu hiệu của chính quyền Ai Cập:
"Ai Cập mở cửa cho kinh doanh".
Thế rồi những cuộc biểu tình bất ngờ bùng phát. Lúc đó
các nhà kinh tế học mới nhận ra rằng họ đã bỏ sót điều
quan trọng nhất. Tình trạng kinh tế ổn định bất ngờ bị
xấu đi, còn nhà cải cách với tinh thần khai sáng Mubarak thì
biến thành nhà độc tài. Các tổ chức tín dụng quốc tế
lập tức hạ điểm tín nhiệm của Ai Cập, còn Barak Obama thì
không những không chìa bàn tay hữu nghị ra cho tổng thống Ai
Cập mà còn tìm mọi cách nhắc nhở ông ta rằng cần phải từ
chức ngay.
Ai Cập lập tức trở thành biểu tượng của nghèo đói, trở
về với địa vị của đất nước thuộc thế giới thứ ba
với rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, trong đó tầng lớp
tinh hoa thiểu số có mức thu nhập cao hơn hẳn hàng chục
triệu người dân, những người chỉ sống với hai dollar một
ngày. Không phải vô tình mà những cuộc bạo lọan của dân
chúng hiện nay được gọi là "Intifada của những người
nghèo đói".
Các nhà kinh tế học lập tức rút ra kết luận độc đáo là
ờ Ai Cập không có tầng lớp trung lưu, thậm chí họ còn nói
rằng những người có bằng đại học hiện nay (một triệu
người tốt nghiệp đại học một năm) chỉ có mỗi việc là
lau nhà hay làm trong ngành bán lẻ mà thôi. Xin nói thêm rằng
cuộc cách mạng ở Tunisia - ngòi nổ cho cơn tức giận sự bùng
phát ở Ai Cập - bắt đầu từ việc một chàng thanh niên 26
tuổi, tốt nghiệp đại học, đã tự thiêu sau khi cảnh sát
tịch thu quầy rau của anh ta.
Tổng sản phẩm quốc nội của Ai Cập là 220 tỉ dollar, đúng
bằng Israel, nhưng Ai Cập có 80 triệu người, trong khi Israel
chỉ có 7,5 triệu dân. Vì vậy mà mức sống của người Ai
Cập chỉ bằng 10% dân Israel. Nếu cộng thêm vào đây cách
biệt thu nhập cực kì to lớn giữa người giàu và người
nghèo thì người ta sẽ hiểu ngay nguyên nhân của sự tuyệt
vọng và bất bình của dân chúng nước này.
Năm 2010 lạm phát ở Ai Cập là 13%. Giá lương thực thực phẩm
tăng 20%, thất nghiệp chiếm đến 25% dân số. Trong một nước
mà 40% thu nhập được giành để mua lương thực thực phẩm
(ở Israel con số này là 17 %), thì đấy chính là nguyên nhân
quan trọng nhất của sự tức giận và bất bình của quần
chúng nhân dân, những người không thể "vắt mũi bỏ vào
miệng" được nữa. Ngoài ra, Ai Cập còn bị nạn tham nhũng
và thiếu vắng tự do ngôn luận nữa. Các cơ quan bảo vệ pháp
luật có thể bắt người bất cứ lúc nào, bầu cử quốc hội
chỉ là giả tạo. Nếu không thì làm sao có thể giành được
đến 97% phiếu bầu trong suốt 30 năm?
Những cuộc cách mạng trong các nước Arab bao giờ cũng kết
thúc một cách đáng buồn. Cách mạng bao giờ cũng bắt đầu
là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giá lương thực thực phẩm
leo thang. Quần chúng xuống đường còn chính quyền thì hạ
lệnh cho quân đội đàn áp. Nếu quân đội thành công thì cách
mạng sẽ bị đẩy lùi trong một vài năm. Nếu không – quân
đội sẽ liên kết với người biểu tình và nhà độc tài
phải ra đi. Sau đó sẽ là "những cuộc bầu cử tự
do", mà kết quả sẽ chẳng ăn nhập gì với nền dân
chủ mà Obama và Agela Merkel đang kêu gọi. Những nhóm có tổ
chức tốt sẽ nắm được quyền lực. Đấy là những người
Hồi giáo ở Iran hay Hamas ở dải Gaza, Hesbola ở Liban. Mọi
người đều sợ rằng kịch bản tương tự cũng sẽ diễn ra
ở Ai Cập và Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) sẽ nằm
được quyền lực ở Ai Cập.
Nguồn: Haaretz, 06/02/2011 00:05
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét