Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

VN nỗ lực giữ cho tiền đồng không bị mất giá, tăng lượng dự trữ ngoại tệ





Các công ty nhà nước ở Việt Nam phải bán đô la cho các ngân hàng thương mại kể từ ngày 1 tháng 7 để ổn định tiền đồng và ứng phó với tình trạng nhập siêu ngày càng tăng.

Bản tin hôm thứ Năm của hãng thông tấn Pháp trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổng công ty, tổ hợp kinh tế có vốn nhà nước từ 50% trở lên phải bán ngoại tệ cho các ngân hàng.

Báo chí Việt Nam trích lời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết 78 công ty nhà nước đã giữ hơn 1,6 tỉ đô la tính đến cuối tháng 3.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với khoản tiền gởi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng tại các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7% (trừ Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng những biện pháp mới nhất này là một phần trong những nỗ lực của chính phủ để giữ cho tiền đồng không bị mất giá và gia tăng lượng dự trữ ngoại tệ.

Trong năm tháng đầu năm nay, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam đã lên tới mức 6,6 tỉ đô la, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giới hữu trách đã giảm tỉ giá tiền đồng 9,3% hồi tháng 2 nhằm giảm thiểu mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.

Trong khi đó, lượng dự trữ ngoại tệ được ước tính ở vào khoảng từ 10 tỉ đô la đến 15 tỉ đô la, thấp hơn nhiều so với mức bình thường trước đây là từ 20 tỉ đến 25 tỉ.

Nguồn: Reuters, AFP, Wall Street Journal

Làm cách nào để giữ vững chủ quyền đất nước?


Nguyễn Hoàng Hà
imageVụ tàu hải giám của Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang khiến dư luận hết sức bất bình, chẳng khác nào như giọt nước rót vào ly nước vốn đã đầy làm tràn ly. Sau biết bao cuộc gây hấn đem tàu chiến, tàu giả dạng đánh cá trong ngư trường Việt Nam, đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên khu vực chủ quyền biển của quốc gia mình, gây chết chóc và phá họai tài sản của họ; tung hàng mấy chục tỷ đô la để xây dựng mới và tân trang lại những đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm đóng của Việt Nam, hung hăng tự mình vẽ đường hàng hải quốc tế vơ cả biển của Việt Nam và nhiều nước làm của mình, coi thường dư luận, Trung Quốc đã làm dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ bao giờ hết tại Việt Nam và dư luận quốc tế.

Nhiều báo chí trong và ngoài nước đã phanh phui mổ xẻ sự kiện bạo ngược này. Báo Lao Động đã có bài phân tích rất chính xác của tác giả Nguyễn Đăng Thắng (nghiên cứu sinh Luật tại Vương quốc Anh) khi nói rằng: “Việc Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố yêu sách đối với khu vực mà tàu Bình Minh 02 hoạt động là không thể chấp nhận được, bởi nó không dựa trên bất cứ một cơ sở nào trong pháp luật quốc tế hiện đại về biển. Việc xác định vùng biển theo pháp luật quốc tế bắt nguồn từ nguyên tắc rất cơ bản: “Đất thống trị biển”. Nội hàm của nguyên tắc này đó là quốc gia nào có bờ biển ở đâu thì sẽ có vùng biển ở đó. Có thể minh họa một cách sinh động nguyên tắc này bằng “hình” và “bóng”: Không có hình (bờ biển) thì làm sao có bóng (vùng biển)? Chỉ khi đáp ứng được tiêu chí đầu tiên và cơ bản nói trên, đó là có bờ biển, thì một quốc gia mới có thể nói đến chuyện có được các yêu sách vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển – thông thường không quá 200 hải lý. Với thực tế địa lý của mình, Trung Quốc không thể có yêu sách về vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu vực xảy ra vụ tàu Bình Minh 02 – nơi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý. Thậm chí, nếu Trung Quốc cố tình cho rằng vị trí hoạt động của tàu Bình Minh 02 sáng 26/5 nằm trên thềm lục địa kéo dài vượt ra ngoài 200 hải lý thì cũng phải phù hợp nguyên tắc đó là yêu sách về thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý không được chồng lấn lên vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia khác”.
Hay như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đã nói: “Hành động tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam đã thể hiện tính ngang ngược của họ. Trung Quốc tự vẽ đường lưỡi bò, nhận khu vực trong đó là hải phận của họ. Thực tế điểm họ cắt cáp cách rất xa lãnh hải Trung Quốc. Họ vẽ đường lưỡi bò, nhưng họ không được nước nào công nhận cả. Trong khi Trung Quốc nêu 16 chữ trong quan hệ với Việt Nam thì hành động của họ thực tế lại đi ngược lại phương châm đó. Việc này cũng cho thấy ta phải đưa vấn đề ra công khai đấu tranh, lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, đưa các tài liệu chứng cứ. Ta cũng cần phải gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc tố cáo họ vi phạm Luật biển Liên Hiệp Quốc, vi phạm vào hải phận của chúng ta”.
Đa số nhân dân Việt Nam và dư luận quốc tế cho rằng đó là đòn nắn gân sức mạnh của Việt Nam để tiếp đó họ có những kế sách tiếp theo. Vậy tại sao Trung quốc lại có thể ngạo mạn hành động thô bạo đến như vậy? Có mấy lý do cần phải nói đến:
(1) Từ xưa đến nay Việt Nam luôn luôn giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với Trung quốc. Nhưng ai cũng biết cha ông chúng ta xưa cũng thế, mà Trung quốc không thể dám gây hấn hay hành động thô bạo như hiện nay. Vì sao? Vì sách lược của cha ông ta là mềm dẻo nhưng kiên quyết. Hàng năm vua chúa phong kiến Việt Nam vẫn mang sản phẩm quý lạ sang Trung quốc tặng thí, nhưng một khi họ đem quân đe dọa thì cha ông ta kiên quyết đánh chặn, thậm chí các vua chúa Việt Nam còn tấn công thẳng vào nơi vua chúa Trung Quốc đang chuẩn bị lương thực, vũ khí để xâm lược Việt Nam như lịch sử đã ghi thời nhà Lý. Lý Thường Kiệt khi biết được âm mưu chuẩn bị tấn công Việt Nam của nhà Tống, ông đã cho quân tấn công thẳng vào Ung Châu Trung Quốc, phá hết lương thảo, đốt sạch vũ khí mà quân nhà Tống đang tích trữ để xâm lược Việt Nam khiến vua Tống phải kinh sợ.
Mối quan hệ Việt Trung ngày nay không như vậy, Việt Nam đã quá nhún nhường đến mức họ coi thường, thậm chí ngạo mạn tự coi mình là bề trên, phớt lờ những nguyên tắc quan hệ ngoại giao sơ đẳng nhất. Tại sao nói vậy? Vì ai cũng biết việc Trung Quốc đem tàu chiến hay tàu chiến cũ tân trang lại giả dạng tàu đánh cá xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam, có lúc họ vào cả khu vực Dung Quất, khu vực trong vòng 200 hải lý như quy định của luật quốc tế, bắt bớ, thu tàu lưới của ngư dân Việt Nam, thậm chí đâm vỡ tàu gây chết người, mất tài sản, bắt nộp phạt, v.v. nhưng phía Việt Nam phản ứng thật là yếu ớt. Chỉ có vài lời ngắn gọn và quen thuộc của bà Nguyễn Phương Nga khiến họ xem nhờn, chẳng để vào tai, việc gì họ làm họ cứ làm, tự tung tự tác ra vào biển của Việt Nam như chốn ao nhà họ. Lại còn một vài cá nhân bị bùa mê của các thứ khẩu hiệu nhì nhằng bốn tốt, mười mấy chữ vàng mà quên hết cái họa đang đến, chẳng nhìn thấy con dao bầu sáng loáng “bạn tốt” để sau lưng, chỉ loáng qua một cái là đầu rơi lúc nào không biết. Họ còn tin vào thương lượng hữu nghị, đơn phương như Trung Quốc vẫn hằng ru, chứ không muốn nghe các góp ý của các công thần là đem chuyện đại sự liên hệ đến vận mệnh quốc gia dân tộc ra bàn dân thiên hạ, ra tòa án quốc tế và khu vực để giải quyết tranh chấp lãnh hải chủ quyền đảo biển của Việt Nam. Đến hôm nay không biết những người này có còn biện minh được nữa không, hay bùa mê vẫn làm lú trí? 
2. Một lý do nữa, Trung Quốc đã thấy rõ, nhiều năm qua, khi vì lòng yêu nước nhiều đồng bào, chiến sỹ, các trí thức, các nhà báo… tự mình đến trước đại sự quán hay lãnh sự quán Trung quốc tại Hà nội hay thành phố Hồ Chí Minh để tỏ thái độ bất bình lên án thì chẳng những chính phủ Việt Nam không hoan nghênh mà lại còn bắt bớ, giam cầm. Nhiều nhà báo viết lên tiếng nói của mình, của bạn đọc phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thì bị mất nghề, thậm chí bị bắt giam. Ngọn lửa yêu nước đó như bị dội những thùng nước lạnh làm buốt tim, khiến cho nó không thể bùng cháy, tiếp thêm sức mạnh vốn đã bao đời cha ông ta dày công hun đắp, mà bị tàn lụi đi. Từ đó Trung quốc cho là nhà nước Việt Nam sợ một Trung quốc mạnh, nên cứ diễn hoài vở tuồng vào ra đất nước Việt Nam mà không hề biết sợ, cái gì của hàng xóm cũng cho là của mình tha hồ vơ vét “tháo nhể”.
Vũ khí, sức mạnh quân sự để phòng thủ đất nước là điều quan trọng, nhưng lòng yêu nước của toàn dân, tình đoàn kết trên dưới một bề trong ngoài của người Việt Nam mới là cái quyết định trên tất cả, nếu không có cái sức mạnh này thì vũ khí kia chỉ là mớ sắt vụn không hơn không kém.
Ngày nay sao nhà nước ta chỉ lo mở rộng Hà Nội? Hết mở đông lại sang tây, hết phía bắc lại phía nam, thậm chí định còn mở cả thành phố lớn trên sông Hồng. Thử hỏi nước nếu mất thì nhà ở đâu? Xây gì cho lắm, khi đạo đức cán bộ không được vun đắp, thiếu kỷ cương, thì đó chỉ là miếng mồi làm phát sinh tham nhũng. Hết cắt đất công, đất ruộng đem bán, nay lại lấy đất của dân cho nên oán giận ngút trời, sao có thể đoàn kết lòng người quy vào một mối mà lo giữ nước? Họa phương Bắc cướp biển hiện hữu, là tình trạng có thật và đang trong cơn nguy hại lửa đã bén rơm, nhưng hễ ai muốn nói ra đều quy cho là “vấn đề nhạy cảm” và cho là nói xấu, làm mất an ninh đất nước. Người công thần như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như Tướng Đồng Sỹ Nguyên góp ý chẳng nghe, hay nghe để đấy, ông nói mặc ông. Đến những tri thức con nhà cách mạng như Cù Huy Hà vũ, như hàng nhà trí thức, giáo sư đầy nhiệt huyết góp ý cũng mặc, thậm chí đem lao lý khoác vào cổ họ thì sao có thể hun đúc sức mạnh nhân dân? Trung Quốc biết rất rõ điều này nên nay làm liều như vậy, họ đâu có sợ. Chúng ta tại sao không nghe những người đạo đức, những người ưu tú đó của đất nước mà lại đi nghe lời ru ngủ của Trung quốc kẻ đã vừa mới đem quân giết hại dân mình nay đang cướp biển đảo của mình? Nghe ai đó là điều cần phải suy xét cân nhắc, ta nghe Phật, nghe Thánh, nghe những người công thần, những người yêu nước vốn đã quyên mình vì đất nước hay nghe kẻ cướp đây? Đó là tùy theo nơi bạn, nơi anh, nơi chị.
Kiều bào của đất Việt ở nước ngoài ăn chắt để dè, hàng năm gửi về 20 tỷ đô la tạo nguồn sinh khí để xây dựng đất nước. Tiền thì được khuyến khích gửi, nhưng nếu ai đó mua đất thì không thể đứng tên, mọi thứ rào ngăn không để họ có một chỗ đứng. Vậy chỗ của họ ở đâu trong đất nước và trong lòng dân tộc này? Cái gọi là “đoàn kết toàn dân” hay “kiều bào ta khúc ruột Việt Nam” mỗi khi được ai đó cất lên trong những ngày lễ đón giao thừa hay ngày hội lớn dân tộc thì chỉ khiến làm họ mủi lòng, xót xa chứ khó sinh đồng cảm.
Biển Đông đang dậy sóng, gió phương Bắc thổi về làm nó dâng cao như sóng lừng. Làm gì đây để giữ yên lòng dân, giữ vững chủ quyền đất nước, đảo, biển đó là những thách thức và trách nhiệm đòi hỏi người cầm quân, lái con tàu đất nước phải lo lắng giải quyết. Thắng hay thua, thành hay bại đều là ở chốn này.
Nam quốc sơn hà nam đế cư!
Đất nước Việt Nam còn hay mất, thịnh hay suy đang phải trông vào mỗi người lãnh đạo có trách nhiệm cao của đất nước và của mọi người con đất Việt ở khắp mọi nơi, trên biển hay dưới xuôi, ở trong hay ở ngoài nước.
Trang báo hôm nay chắc đã ướt bởi nước mắt người con đất Việt xa xứ, lại cũng đau thêm lòng người Việt quê nhà. Viết báo hôm nay như để khóc để than, ngòi bút đó nghe có cả máu và vị mặn của người viết khi trang báo đến phải kết thúc.                                          
Ngày 1 tháng 6 năm 2011
N. H. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thái Bình Dương dậy sóng và cuộc đối đầu Mỹ-Trung


Mạnh Kim
imageCó thể hiểu như thế nào về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng “chúng tôi đã trở lại” (tại Bangkok ngày 21-7-2010) và tiếp đó là khẳng định Mỹ có “quyền lợi quốc gia” tại Biển Đông cũng như việc “Hoa Kỳ ủng hộ Tuyên bố ứng xử về Biển Đông của ASEAN-Trung Quốc 2002” (tại Hà Nội ngày 23-7-2010)? Còn gì nữa, nếu đó không là thái độ tiếp cận mới của Mỹ tại châu Á đối với chính sách bành trướng của Trung Quốc? Hung hăng coi thiên hạ tại Biển Đông chẳng ra cái đinh gì, Trung Quốc khiến Mỹ bắt đầu thấy ngứa mắt và bắt đầu đối đầu trực diện hơn với Bắc Kinh sau một thập niên gần như vắng bóng ở châu Á-Thái Bình Dương…
Xin cho thôi một chữ “hòa hài”!
Một tuần sau khi tại Hà Nội Hillary Clinton tuyên bố “gây hấn” đầy tính “tấn công trực tiếp Trung Quốc” với “mục đích quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đại tá Cảnh Nhạn Sanh, đã giận dữ tái khẳng định rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông với diện tích 3.367.000 km2, cùng “đầy đủ tài liệu lịch sử và pháp lý hỗ trợ”, và rằng Mỹ đừng có mà lý này cớ nọ “can thiệp nội bộ” Đông Nam Á, cũng như đừng có dựng đứng chuyện Trung Quốc muốn thao túng Biển Đông để mà kích động gây chia rẽ tình đoàn kết các nước láng giềng. Nói cách khác, Mỹ khôn hồn đừng dây vào các cuộc tranh chấp pháp lý về chủ quyền biển đảo khu vực Biển Đông với Trung Quốc, kẻo mang họa chứ chẳng đùa. Mỹ không thấy PLA lớn mạnh từng ngày hay sao? Mỹ thiển cận đến mức cứ nghĩ hải quân Trung Quốc của thế kỷ 21, dù vẫn chưa tự đóng nổi một hàng không mẫu hạm để có dịp so với những chiếc mẫu hạm của Nhật thời thập niên 1930, vẫn còn chèo thuyền chiến ra trận như thời Tam Quốc hay sao? Mỹ ấu trĩ ngộ nhận rằng Trung Quốc không đủ sức chế tạo chiến đấu cơ tàng hình (dù động cơ máy bay phải mua của Nga) à? Thế thì nghe này…
Trong 8 năm tính đến 2002, Trung Quốc đã mua 12 tàu ngầm Kilo của Nga đồng thời liên tiếp nâng cấp thiết kế để dàn tàu ngầm hải quân PLA có khả năng chiến đấu xa bờ cũng như mang đầu đạn hạt nhân. Hải quân PLA hiện có 66 tàu ngầm, nhiều nhất thế giới, chỉ sau Mỹ; và đến năm 2030, theo Tổ chức Kokoda (cơ quan nghiên cứu độc lập của Úc), Trung Quốc có thể có đến 85-100 tàu ngầm (so với 71 hiện nay của Mỹ). Năm 2007, một tên lửa đạn đạo phóng từ Trung tâm không gian Tây Xương (Tứ Xuyên) đã làm nổ tung một vệ tinh thời tiết như ngọn pháo hoa hân hoan chào đón một cột mốc thăng thiên của kỹ thuật quân sự Trung Quốc. Và theo Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (một viện nghiên cứu Mỹ), hỏa lực Trung Quốc hoàn toàn có thể đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Á. Quân đoàn hai pháo binh (“Đệ nhị pháo binh bộ đội”), nơi kiểm soát các đơn vị tên lửa chiến lược Trung Quốc, có thể dạy cho Mỹ một bài học đích đáng bằng khả năng dập tơi tả toàn bộ hệ thống phòng không, đường băng cũng như dàn máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ tại khu vực. Nhật đang nằm gọn trong tầm bắn tên lửa Trung Quốc và không lâu sau nữa sẽ là Guam. Còn về năng lực hải chiến? Hệ thống tên lửa hành trình chống tàu ngầm của hải quân PLA bây giờ đã đủ khả năng đe dọa hàng không mẫu hạm Mỹ, có thể bắn hạ mẫu hạm địch từ khoảng cách 1.600km (dù cho đến nay trên thế giới chưa có kỹ thuật quân sự tiên tiến nào được biết có thể làm được điều này)… (1). Tất cả thành tích trên có được nhờ sự quan tâm đúng mực của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, với hầu bao cho ngân sách quốc phòng tăng dần (tăng 12,7% năm 2011, lên 601 tỉ tệ, tức 91,5 tỉ USD –Tân Hoa Xã 4-3-2011).
Năm 2009, một báo cáo của RAND (Research ANDevelopment – tổ chức nghiên cứu độc lập uy tín nhất nhì Mỹ) cho biết, vào trước năm 2020, Mỹ sẽ không còn có thể bảo vệ nổi Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công (chết chửa!). Nghiên cứu viết rằng, Trung Quốc, thời điểm đó, hoàn toàn có thể đánh gục Mỹ trong một cuộc chiến tại eo biển Đài Loan, ngay cả khi Mỹ có chiến đấu cơ F-22, hai hàng không mẫu hạm và vẫn có thể được viện binh từ căn cứ không quân Kadena (Okinawa) ào ạt đến ứng cứu! Trung Quốc có lợi điểm là chỉ cách Đài Loan 160km trong khi nguồn cung cấp hỏa lực Mỹ cách xa họ đến nửa vòng Trái đất... Tóm lại, Trung Quốc bây giờ không chỉ là cường quốc kinh tế (hạng hai thế giới chứ ít gì!) mà còn là siêu cường về quân sự, với những khả năng và tiềm lực không thể ngờ có thể gây khiếp đảm kể cả đối với “đế quốc Mỹ”. Và như vậy, nếu muốn rắn, Trung Quốc sẵn sàng chơi rắn và đến lúc đó đừng trách là không báo trước! Dù thế, Trung Quốc, trong chính sách ngoại giao thế kỷ 21, luôn thể hiện họ là một quốc gia luôn chủ trương “hòa hài thế giới” (和谐世界 – thế giới thuận hòa), lấy tiêu chí tinh thần hòa khí với bàn tay giang rộng “tứ hải giai huynh đệ” làm đường lối chủ đạo, xuyên suốt và nhất quán, như được thể hiện trong nhiều diễn văn đó đây của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Chỉ kẻ hạ lưu mới cần đến nắm đấm. Trung Quốc thì chẳng cần! Và Trung Quốc cũng không vì sự lớn mạnh “vượt trội” mà ngạo mạn nói rằng mình có thể đối đầu Mỹ về quân sự – như phát biểu đầy nhún nhường của Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức trong chuyến công du Mỹ trung tuần tháng 5-2011.
Thế nhưng chú Sam vẫn trở lại…
Vấn đề ở chỗ, thái độ “ngôn hành bất nhất” khiến mức độ khả tín của Trung Quốc đối với giới ngoại giao thế giới đã và tiếp tục bị đặt dấu hỏi. Người ta nghi ngờ. Người ta lo ngại. Và người ta hành động. Chưa bao giờ mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên sôi sùng sục cuộc chiến chạy đua vũ trang bằng lúc này, với cường độ mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, trong nỗ lực cân bằng quyền lực quân sự. Súng ống bắt đầu khua động. Với Mỹ, họ đã thay đổi quan điểm 180o, bằng một chính sách tiếp cận mới đối với châu Á-Thái Bình Dương, trái với tuyên bố ban đầu khi mới nhậm chức tổng thống của Barack Obama rằng, Mỹ tôn trọng quyền “tự xử” của các nước châu Á và không can thiệp các cuộc tranh chấp chủ quyền. Mỹ bắt đầu thiết kế chương trình cho “phiên bản châu Á kiểu Obama”, như một cách khẳng định lại lời nhắc nhở của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại cuộc hội đàm Nhà trắng cuối năm 2009, rằng: “Nếu không đặt chân vào Thái Bình Dương, các anh không thể được xem là lãnh đạo thế giới” (2). Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg bắt đầu lên tiếng: “Chúng tôi đã thật sự nhận thấy điều này – vai trò chúng tôi tại Đông Á – sẽ là tối quan trọng đối với tương lai chúng tôi”. Vậy là chuyến kinh lý đầu tiên của Hillary Clinton với tư cách ngoại trưởng là đến Đông Nam Á. Sự trở lại của Mỹ có thể thấy rất rõ ở sân khấu ngoại giao. Tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN (ngày 7 và 8-5-2011) ở Jakarta, Mỹ đã lần đầu tiên cho “chào sân” vị đại sứ ASEAN Hoa Kỳ đầu tiên, David Lee Carden (Tổng thống Obama thành lập Văn phòng đại sứ ASEAN Hoa Kỳ vào tháng 11-2010). Trước đó, sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hillary Clinton với đồng cấp các nước hạ Mekong (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) tổ chức tại Phuket ngày 23-7-2009, Washington cũng giúp thành lập Sáng kiến hạ Mekong – động thái mà báo chí Trung Quốc diễn giải là một phương án tiếp cận của Mỹ nhằm mục đích can thiệp sâu nội bộ khu vực để Đông Nam Á giảm bớt ảnh hưởng Trung Quốc…
Viết trên Wall Street Journal (3), Daniel Blumenthal (nguyên viên chức Phòng an ninh quốc tế thuộc Bộ quốc phòng Mỹ) nói thẳng rằng Trung Quốc không hề chơi đúng luật đối với vấn đề Biển Đông, bằng thái độ “bắt nạt” nước nhỏ, và “Washington đang đặt dấu chấm hết cho chiến lược chia cắt-chinh phục của Trung Quốc tại Đông Nam Á”; khi “Mỹ không thể nói Trung Quốc hành xử có trách nhiệm khi để những vụ quấy nhiễu Việt Nam xảy ra mà không lên tiếng”. Rõ ràng, chuyển động phản ngược với tinh thần “hòa hài thế giới” của Trung Quốc đã, một phần, gián tiếp mở cửa đưa Mỹ trở lại khu vực, sau một thập niên chính sách ngoại giao bỏ ngỏ châu Á của George W. Bush bởi chiến lược sai lầm trong việc nhận dạng bạn-thù trong cuộc chiến chống khủng bố. Nước Mỹ của Obama bắt đầu nói nhiều đến vai trò Trung Quốc hơn, có khi chẳng bằng ngôn ngữ đẩy đưa mà huỵch toẹt hẳn, rằng Trung Quốc đã là cường quốc thì cần phải hành xử cho ra tư cách đàng hoàng, rằng vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết trên tinh thần đàm phán chứ không phải đe nẹt, rằng Mỹ cực lực phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực tại Biển Đông – như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 31-5-2011 trước câu trả lời của phóng viên TTXVN tại Mỹ về sự kiện tàu hải giám Trung Quốc đột nhập hải phận Việt Nam và làm “nhiệm vụ” cắt cáp tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.
Song song hiện diện ngoại giao, Mỹ cũng bắt đầu tăng cường quân sự tại Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận giữa Mỹ với Hàn Quốc, Nhật, Malaysia… rộn rịp tiến hành vài năm gần đây (có khi vài tháng một vụ) hẳn nhiên không phải là những cuộc lau chùi để súng ống khỏi han gỉ. Vài cuộc tập trận còn được bắn đạn thật để anh em binh sĩ lên tinh thần! Dấu hiệu tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng Hạm đội 7 Hoa Kỳ ngày một đậm đặc. Tướng tư lệnh trưởng Hạm đội 7 Scott Van Buskirk thậm chí có lúc đã “tế nhị” gửi một “tin nhắn” đến Bắc Kinh qua “tổng đài” (hãng tin) AP, khi “tiết lộ” kế hoạch trang bị dàn máy bay không người lái chuyên dụng cho mẫu hạm hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (4). Cần biết, Hạm đội 7, với “siêu hàng không mẫu hạm” (super carrier) USS George Washington (từng cập gần cảng Đà Nẵng và đón phái đoàn viên chức Việt Nam tham quan tháng 8-2010), là hạm đội mạnh nhất hải quân Mỹ. Luôn đi cùng USS George Washington là khoảng 60 tàu chiến, 80 chiến đấu cơ và lực lượng thủy thủ-binh sĩ chừng 4.000 người…
PLA đã đủ mạnh để quét sạch Mỹ khỏi Biển Đông?
“Với chiến thuật hải quân đang thay đổi, chúng ta sẽ đi từ việc bảo vệ bờ biển (“duyên hải phòng ngự”) chuyển sang bảo vệ vùng biển xa (“viễn dương phòng ngự”)” - tướng Trương Hoa Thần, hạm đội phó hạm đội Đông Hải, nói với Tân Hoa Xã vào năm 2010 (5). Tháng 4-2010, hạm đội Đông Hải – binh đoàn hải quân chịu trách nhiệm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc tại Biển Đông – đã tổ chức tập trận rầm rộ, với tổng cộng 10 tàu chiến và tàu ngầm trong đó có khu trục hạm được trang bị tên lửa Sovremenny. Đông Hải đã làm dậy sóng Biển Đông với màn tập trận trên diện rộng từ khu vực Nam Trung Quốc đến quần đảo Okinawa và eo Miyako rồi ra ngoài khơi quần đảo Okinotori (điểm cực Nam của Nhật). Cuộc diễu võ của hạm đội Đông Hải là một sự cụ thể hóa chiến lược ba bước của hải quân PLA, như được nêu trong Sách trắng 2008 (“Trung Quốc quốc phòng bạch bì thư”). Đó là: 1/ Phát triển lực lượng hải quân hiện đại có khả năng hoạt động trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất (第一岛链, đệ nhất đảo liên), tức dãy đảo kéo dài từ bán đảo Triều Tiên, quần đảo Kuril (Nga), Nhật đến Đài Loan rồi Philippines; 2/ Phát triển lực lượng hải quân ở tầm khu vực có thể hoạt động vượt khỏi chuỗi đảo thứ nhất để vào hải phận “đệ nhị đảo liên” gồm Guam, Indonesia và Úc; và bước 3 là phát triển lực lượng hải quân rộng khắp toàn cầu vào giữa thế kỷ 21.
Tuy nhiên, cái gọi là bức tường “đệ nhất đảo liên” của Trung Quốc, theo cách nói của James Holmes và Toshi Yoshihara thuộc Đại học chiến tranh hải quân Hoa Kỳ, thật ra chẳng khác gì một “Vạn Lý Trường Thành lộn ngược”, bởi chuỗi dài các nước đồng minh Mỹ trong khu vực (Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines…) đã trở thành một thứ tháp canh giám sát và khi cần có thể chặn đứng ngõ vào Thái Bình Dương của Trung Quốc (6). Và một trong những điểm canh chắc chắn nhất của Mỹ không thể không đề cập là Đài Loan, như tướng Mỹ Douglas MacArthur từng nhận định: “Đài Loan là một hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm”. Ngoài ra, “chốt biên phòng” cực kỳ quan trọng đối với Mỹ còn là Guam, nơi cách Bắc Triều Tiên bốn giờ bay và cách Đài Loan hai ngày hải hành. Căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại Guam hiện là đồn tiền trạm chỉ huy quan trọng bậc nhất đối với tất cả chiến dịch động binh của Mỹ tại bất kỳ nơi nào thế giới. Với 100.000 quả bom và tên lửa cùng kho xăng 249,8 triệu lít nhiên liệu phản lực, Guam là trạm tiếp nhiên liệu chiến lược lớn nhất của không quân Mỹ. Những hàng dài vận tải cơ C-17 Globemaster và chiến đấu cơ F/A-18 Hornet luôn đậu kín các đường băng Guam. Guam cũng là nơi đồn trú của hạm đội tàu ngầm Mỹ và đang được mở rộng để thành một căn cứ hải quân. Tính toàn cầu, Mỹ hiện có hơn 1.000 căn cứ quân sự đặt tại hơn 46 quốc gia, từ châu Âu, châu Phi đến châu Á (7), từ đất liền đến biển xa…
Giới tình báo quân sự Trung Quốc hẳn còn biết nhiều hơn về sức mạnh quân sự Hoa Kỳ so với những gì báo chí biết được (8). Việc có thể hạ gục Mỹ hay không, ít nhất ở thời điểm này, trong bất kỳ cuộc chiến qui ước nào, từ hải chiến, không chiến đến địa chiến, họ hẳn hiểu rõ hơn ai hết, nếu không kể các “chiến lược gia” diều hâu quá khích mắc phải chứng hoang tưởng đặc biệt trầm trọng!
M. K.
Chú thích:
(1) A special report on China's place in the worldThe Economist (2-12-2010)
(2) U.S. is reaching out to East Asia's powerful nations, John Pomfret, Washington Post (7-11-2009)
(3) The U.S. Stands Up to China's Bullying, Daniel Blumenthal, Wall Street Journal (27-7-2010)
(4) US Navy drones: Coming to a carrier near China?, Eric Talmadge,AP (16-5-2011)
(5) PLAN East Sea Fleet Moves Beyond First Island Chain, Russell Hsiao, China Brief (29-4-2010)
(6) The Geography of Chinese PowerRobert Kaplan, Foreign Affairs(May/June 2010)
(7) Bring War Dollars Home by Closing Down BasesChristine Ahn và Sukjong Hong, Foreign Policy In Focus (31-3-2011)
(8) Để biết thêm về nội lực thật sự của quân đội Trung Quốc, xin xem lại hồ sơ thực lực sức mạnh quân sự Trung Quốc dài 5 kỳ, khởi đăng trênNăng Lượng Mới từ ngày 21-3-2011; hoặc xem website Anh Ba Sam hayDan Luan.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Việt Nam sắp có máy bay trinh sát, tuần tra biển


 clip_image002 
DCH-6 có khả năng hoạt động linh hoạt cả trên biển lẫn trên đất liền. Việc trang bị loại máy bay này sẽ mở ra năng lực mới cho đảm bảo an ninh hàng hải của nước ta.
 
Tuần tra hàng hải đường không có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh tình hình biển Đông ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Tuần tra hàng hải đường không là một bộ phận không thể thiếu đối với đảm bảo an ninh hàng hải và khả năng tác chiến của hải quân các nước trên thế giới.
Đối với các nước lớn trên thế giới, từ lâu tuần tra hàng hải đường không có vai trò mang tầm chiến lược. Các nước như Nga, Mỹ liên tục phát triển những năng lực mới cho các loại máy bay tuần tra hàng hải.
Theo đó, các máy bay này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải, chống cướp biển, buôn lậu, phát hiện và xử lý sớm các tàu thuyền lạ xâm nhập lãnh hải.
Các máy bay trinh sát thực hiện phát hiện, định vị và tiêu diệt tàu chiến của đối phương điển hình có máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon, P-3 Orion của Mỹ, IL-38, Tu-142F của Nga.
Đây là các loại máy bay có tầm hoạt động xa, khả năng bao phủ một vùng rộng lớn từ trên cao, nhanh chóng có mặt tại các điểm nóng, đối phó hiệu quả với các tình huống bất ngờ.
Hiểu rõ được vai trò của tuần tra hàng hải đường không trong tình hình biển Đông đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Quân đội Nhân dân Việt Nam đang từng bước phát triển lực lượng tuần tra hàng hải đường không.
Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam ký kết một hợp đồng mua bán máy bay với các nước phương Tây. Hợp đồng mua bán 6 máy bay thủy phi cơ lưỡng dụng DHC-6 Twin Otter series 400 đã được ký kết với Tập đoàn Viking Air Canada.
Dự kiến, công việc giao hàng sẽ được bắt đầu trong giai đoạn từ 2012-2014, phía Tập đoàn Viking Air Canada sẽ hỗ trợ công tác đào tạo phi công tại Canada. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký một hợp đồng mua 3 chiếc máy bay trinh sát hàng hải  CASA C-212 từ Tây Ban Nha.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lộ trình thành lập lực lượng Không quân Hải quân Quân đội Nhân Dân Việt Nam nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, không chỉ thể hiện Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có trang bị kỹ thuật đa dạng mà còn mở ra một hướng xây dựng lực lượng tác chiến đa dạng, đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh quốc tế ngày một phức tạp.
Đặc điểm kỹ thuật DHC-6
DHC-6 một loại thủy phi cơ lưỡng dụng linh hoạt cao, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải, theo dõi thời tiết, chụp ảnh hiện trường, đánh dấu vị trí trên biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, vận tải hàng hóa và hành khách.
Máy bay này có khả năng cất hạ cánh trên đường băng rất ngắn, có thể cất hạ cánh trên biển và trên đất liền. Đặc biệt hữu ích trong các tình huống cứu hộ hay chi viện lực lượng cho các đảo, nơi có đường băng thường rất ngắn.
Thủy phi cơ lưỡng dụng DCH-6 được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại, tích hợp radar thời tiết hiển thị đa màu sắc, radar đo độ cao, máy ảnh tích hợp, hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống điều khiển và liên lạc vô tuyến hàng hải Loran-C  và hệ thống thả phao đánh dấu vị trí trên biển.

clip_image004
Buồng lái của DCH-6 được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại.


Ngoài thiết bị điện tử tích hợp sẵn, thủy phi cơ DCH-6 có thể mang theo các thiết bị phụ trợ bên  ngoài, hoặc bên trong khoang theo yêu cầu của phía khách hàng.
Thủy phi cơ DCH-6 series 400 được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt PT-6A35 hiệu suất cao, tốc độ trung bình khoảng 300km/giờ. Hệ thống điều áp của máy bay được thiết kế với khả năng hoạt động tại độ cao 4,2km mà không cần oxy hỗ trợ.  
Máy bay có khả năng hoạt động tại độ cao tối đa là 8,5 km, tầm hoạt động 1.248km với thùng nhiên liệu phụ trợ, 896km với lượng nhiên liệu tiêu chuẩn. Khi được nạp đầy vào bình nhiên liệu, DCH-6 có khả năng hoạt động liên tục trong 6 giờ.
Phi hành đoàn của DCH-6 gồm có 2 người, khoang máy bay có thể chứa 18-20 hành khách hoặc hàng hóa tùy theo yêu cầu nhiệm vụ
Thông số cơ bản: Dài 15,77 mét, sải cánh 19,81 mét, cao 5,94 mét, trọng lượng rỗng 3365 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 5670kg, tải trọng hàng hóa 1135kg.
Việt Trung (theo Vikingair, Aoc)

Luật chơi nào cho vấn đề biển Đông ASEAN - Trung Quốc?


clip_image001(VTC News) - Sự việc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên can thiệp việc thăm dò hợp pháp trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mới đây nằm trong chuỗi bất đồng có xu hướng gia tăng giữa nước này và các quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề biển Đông, gây quan ngại cho nhiều nước về hòa bình và an ninh trong và ngoài khu vực.
Để có cái nhìn đa chiều, dưới đây, xin gửi đến độc giả VTC News bài phân tích trên trang AsiaNews.
Sau 15 năm thực hiện các biện pháp ngoại giao kín đáo và kiên nhẫn về những tranh chấp trên biển Đông (tức biển Nam Trung Hoa theo cách gọi quốc tế), cả ASEAN và Trung Quốc đều đang có những dấu hiệu mệt mỏi khi chưa có tiến bộ nào đạt được trong việc hướng đến một nghị quyết hoặc đề án phát triển chung.
Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 2/3 khi tàu thăm dò dầu Philippines MV Veritas Voyager đụng độ tàu tuần tra hải quân Trung Quốc tại khu vực Reed Bank (tức bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa), gần Philippines. Vụ việc đã trở thành tâm điểm của chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt tới Phillipines hồi tuần trước.
Câu chuyện này ngay lập tức khiến người ta nhớ lại việc Phillipines đã từng đối đầu với Trung Quốc vào tháng 3/1995 sau khi phát hiện ra các cấu trúc mới trong rặng san hô Mischief, dẫn đến việc các nước ASEAN ra một tuyên bố chung lần đầu tiên và và cũng là duy nhất tính tới thời điểm này, thể hiện "sự quan ngại sâu sắc" đối với cách hành xử của Bắc Kinh.
Trong những năm qua, đã có những hy vọng mạnh mẽ rằng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông được đưa ra vào năm 2002 sẽ không chỉ khuyến khích các bên tranh chấp hạn chế các hoạt động gây bất ổn cho toàn bộ khu vực, mà còn giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Nhưng vì một vài lý do, các cam kết lâu dài đối về việc thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác cùng có lợi vẫn tiếp tục là một mục tiêu khó nắm bắt trong hơn 9 năm qua.
Một trở ngại lớn chính là cách hiểu của các bên trong việc thực hiện những quy tắc đã nên ra trong văn kiện năm 2002 - được thông qua khi quan hệ song phương đang ở thời kỳ đỉnh cao. Các bên bao gồm Trung Quốc và một số nước ASEAN là Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines vẫn tiếp tục tranh cãi trong cuộc họp của các quan chức cấp cao gần đây nhất ở Medan, Indonesia.
Với sự căng thẳng hiện tại cùng với những nghi ngờ ngày càng tăng giữa các bên với nhau, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung Quốc và Philippines, thì sẽ khó có thể hoàn thiện các quy tắc cho kịp với lễ kỷ niệm lần thứ 10 diễn ra trong năm tới tại Phnom Penh, Campuchia khi nước này tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20.
Quyết tâm tập thể của họ cho thấy rằng, tranh chấp ở biển Đông chính là lợi ích cốt lõi của quốc gia.

clip_image002
Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tại diễn đàn ARF tháng 7/2010

Hơn cả những gì mà các bên xung đột thừa nhận, môi trường tương đối lành tính mà ASEAN và Trung Quốc đã từng tạo ra trong việc giải quyết vấn đề biển Đông sau vụ Mischief Reef năm 1995 đã chính thức chấm dứt vào cuối tháng 7 vừa qua. Vụ tranh chấp nhận được nhiều sự quan tâm của quốc tế khi Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton công khai đặt vấn đề về tự do và an toàn hàng hải trên biển Đông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với bản văn kiện của ASEAN.
Hơn nữa, Mỹ cũng đề nghị hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao để tìm ra một giải pháp.
Từ thời điểm đó, Trung Quốc và ASEAN biết rõ rằng những bất đồng của họ đã được quốc tế lưu tâm đến - sau khi đã giữ bí mật trong 15 năm qua, khi Trung Quốc được thoải mái đàm phán với ASEAN về các quy tắc mà không có sự can thiệp của những "người chơi" khác.
Trở lại năm 1994, khi Trung Quốc vẫn còn là một đối tác tham vấn của ASEAN, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm đã nói với các đối tác ASEAN tại Brunei Darusalam rằng các nước châu Á phải giải quyết vấn đề của họ theo cách phương Đông.
Phương pháp tiếp cận này có vẻ "không chân thành" và không báo hiệu một điềm lành trong bối cảnh hiện tại. Việc thiếu sự tiến triển và sự hiện diện ngày càng tăng của các bên cũng như các yếu tố nhìn thấy được đã tạo cơ sở quan trọng cho việc tồn tại của các tranh chấp thuộc ASEAN.

clip_image003
Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội 2010


Tháng 7 năm ngoái tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tỏ rõ sự khó chịu khi vấn đề Biển Đông được đưa ra và thảo luận công khai tại Diễn đàn khu vực ASEAN. Đó là một khởi đầu hoàn toàn mới kể từ khi một cơ chế đặc biệt đã được nhất trí tại cuộc họp ở Hoàng Châu giữa Trung Quốc và ASEAN vào tháng 4 năm 1995, với việc cả 2 bên đồng ý giữ bí mật về vụ tranh chấp. Tại cuộc gặp này, ASEAN lần đầu tiên cùng nhau kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong những tuyên bố về vấn đề biển Đông - bao gồm cả đường yêu sách 9 điểm do nước này đưa ra.
Việc thiếu các đáp án và các thực tiễn tốt đẹp hơn dần dần đã khiến các nước ASEAN tham gia tranh chấp từ bỏ các khuôn khổ song phương. Thực tế là vụ tranh chấp năm ngoái đã nhận được sự chú ý rộng rãi hơn của quốc tế cũng một phần do khả năng ngoại giao linh hoạt của nước chủ tịch ASEAN.
Một hệ quả trực tiếp của sự thay đổi này có thể là sự "khách khí" sẽ ít đi trong thái độ và chính sách của Trung Quốc đối với ASEAN. Bắc Kinh cho rằng lập trường của ASEAN về các quy tắc là "có vấn đề" và ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Với mâu thuẫn của Trung Quốc với ASEAN nói chung, quan hệ giữa một nhóm nước và một cường quốc khu vực này sẽ phải đối mặt với những thử thách quan trọng từ bây giờ. Nếu không có một bộ quy tắc ứng xử có giá trị ràng buộc pháp lý, rất khó để dự đoán trong dài hạn về sự hòa bình và ổn định trên vùng biển của khu vực.

clip_image004

Những kế hoạch đang trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh chiến lược mới với sự trỗi dậy của Trung Quốc và hạm đội hải quân của họ, cũng như sự tham gia chủ động của Mỹ ở châu Á. Như vậy, không khó để dự đoán rằng những bên không tham gia tranh chấp hoặc các bên điều phối đều muốn đảm bảo sự an toàn của những tuyến đường biển quan trọng cho các hoạt động buôn bán.
Cuối cùng, nếu các tranh chấp đang diễn ra không được xử lý đúng cách, nó sẽ gây ra những tác động có lớn có sức lan tỏa trong sự cạnh tranh trên nhiều mặt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại khu vực này. Philippines là một đồng minh quan trọng của Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đã tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo chồng lấn với Trung Quốc. Chẳng hạn, một cuộc tấn công vũ trang nhỏ ngẫu nhiên trên quần đảo Kalayaan có thể dễ dàng làm xấu đi sự cạnh tranh Mỹ - Trung đang lên.
Chính phủ Philippines tỏ ra khá tự tin vì bất kỳ cuộc tấn công vào một tàu Philippines ở các khu vực thuộc quyền quản lý của họ cũng có nghĩa là một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào Mỹ, theo quy định trong hiệp ước phòng thủ với Mỹ.
Theo AsiaNews
Vũ Mạnh dịch

Đại tướng Lê Đức Anh: Nếu sợ thì mất chủ quyền


Lương Thị Bích Ngọc
clip_image003 
Đại tướng Lê Đức Anh: "Phải đối thoại trước khi đưa ra Tòa án quốc tế".
 
"Không sợ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền khu vực đó, vừa giữ được hòa khí. Cách đó phải học lịch sử. Kể cả lịch sử gần đây nhất" - Đại tướng, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trò chuyện với Bee về câu chuyện biển Đông ngày 2/6/2011.
Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột
Vài tuần trở lại đây, có những lình xình xung quanh câu chuyện biển Đông, như chuyện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, tàu Trung Quốc tấn công tàu ngư dân trong lãnh hải Việt Nam. Ông có nghe chuyện đó không ạ?
Tôi có nghe. Nghe đài. Biết một số chuyện không vui.
Trong những trường hợp tương tự như thế này chúng ta phải làm gì, phản ứng thế nào cho đúng để đem lại lợi ích cho nhiều phía?
Phải đặt chủ quyền đất nước là sự quan tâm số 1. Đồng thời, ta phải sống hòa hiếu với nhân dân tất cả các nước.  Lợi ích của tất các bên sẽ được tôn trọng nếu quốc gia nào cũng tôn trọng chủ quyền, bảo vệ sự hòa hiếu, hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới.
Về chuyện Biển Đông, ta phải xem chủ quyền của ta tới đâu. Và chủ quyền các nước trong khu vực tới đâu. Phải đối chiếu lại với quy định của luật pháp quốc tế. Chỗ nào của ta, ta phải giữ. 
Nếu chúng ta tôn trọng quy định chung mà các nước trong khu vực không tôn trọng thì chúng ta phải làm gì?
Phải đối thoại với người ta trước khi đưa ra Tòa án quốc tế.  Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang. Trừ trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ. Bảo vệ Chủ quyền là số 1.  Giữ gìn Hữu nghị với họ là số 2.  Nói chung, phải giữ gìn Hòa bình, ổn định để phát triển. Ta nói họ không nghe mà họ quyết vi phạm thì ta phải tự vệ, tự vệ để bảo vệ chủ quyền.
Nước nhỏ mà để mất nhà, mất cửa, mất chủ quyền thì còn gì mà sống
Thưa ông, người ta nói rằng nhỏ thì khó mạnh. Mà yếu thì làm việc gì cũng khó. Với tư cách là một người dân nước nhỏ ở cạnh nước lớn, ý kiến của ông như thế nào?
Nhỏ không có nghĩa là yếu. So với Ấn độ, Trung Quốc mình cũng là nước nhỏ. So với Mỹ, mình cũng là nước nhỏ. So với EU, mình cũng là nước nhỏ.
Nhưng nước nhỏ mà để mất nhà, mất cửa, mất chủ quyền thì còn gì mà sống.
Ngày xưa các ông đánh Mỹ có bao giờ có cảm giác là nước nhỏ đánh nhau với nước lớn không?
Có biết.
Có sợ không ạ?
Không sợ. Sợ làm sao thắng được.
Và chiến thắng cuối cùng là "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" - nghĩa là đánh cho Mỹ không còn xâm lược chứ không phải là tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng đó thể hiện tinh thần là bảo vệ chủ quyền và chiến thắng ngoại xâm.

Đại tướng Lê Đức Anh nhắn tới ngư dân: "Người dân chỉ khai thác trong khu vực quyền được khai thác cho phép. Đừng để va chạm. Nếu có xảy ra chuyện gì kịp thời báo cáo để cấp trên xử lý. Người dân đừng để xảy ra va chạm vũ trang. Nhà nước phải phổ biến cho kỹ với mọi người dân đi ra biển, chủ quyền của ta tới đâu và quyền khai thác đến đâu"


Ông đã từng đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng ở giai đoạn mà giữ được hòa khí và chủ quyền dân tộc là chuyện không dễ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm?
Đó là một quá trình khó khăn. Không sợ thì sẽ  hiểu và hóa giải được mọi vấn đề. Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí.
Cách đó phải học lịch sử. Kể cả lịch sử gần đây nhất. 
Nói về kinh nghiệm của một nước nhỏ bé ở cạnh một nước lớn, ông thích chương nào của lịch sử dân tộc? Thời Ngô Quyền, Bạch Đằng, thời Trần, thời Lý, hay thời Quang Trung – Nguyễn Huệ...?
Thời nào cũng hay. Thời Lý hay, thời Trần giỏi, thời Nguyễn Huệ đặc sắc. Nhưng đỉnh cao là thời đại Hồ Chí Minh.
Phải học từ lịch sử cách làm sao bảo vệ được Tổ quốc mà không bị tổn thất nhiều. Điều đó là rất quan trọng.
Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân
Thưa ông, cảm nghĩ của ông về câu chuyện biển Đông tại thời điểm này như thế nào?
Tin là ta thuộc về lẽ phải. Thế giới bây giờ công khai rồi, có ai giấu được ai chuyện gì đâu, nữa là chuyện trên biển Đông. Nước nào dù có ý đồ không tốt đi nữa cũng phải tôn trọng lẽ phải. Không giấu được. Giấu thì người ta lại tưởng mình sợ.
Và vì thế, với thế giới ta phải công khai minh bạch và nói rõ thông tin, không những các nước Đông Nam Á sẽ đồng tình và đấu tranh mà cả thế giới nữa. Ngay cả người dân Trung Quốc họ hiểu, họ ủng hộ và tôn trọng lẽ phải. Không phải người dân Trung Quốc bất chấp lẽ phải đâu. Họ cũng muốn hòa hiếu, muốn ổn định, hòa bình.
Phải tin tưởng ở người dân mà kiên trì đấu tranh công khai. Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân.
L. T. B. N.
Nguồn: bee.net.vn

Truy trách nhiệm 20 lãnh đạo Vinashin


Những sai phạm của Vinashin đã ảnh hưởng tới tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận. Cơ quan này cũng liệt kê 20 cán bộ lãnh đạo Vinashin phải chịu trách nhiệm về sự thua lỗ của Tập đoàn này.
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đòan Công nghiệp tàu thủy Vinashin. Đầu tư dàn trải tùy tiện và không hiệu quả là nhận định đầu tiên của cơ quan này.

Từ cuối năm 2005 đến nay, Tập đoàn Vinashin đã huy động khoản vay cả dài hạn, ngắn hạn tính tới 30/6 là trên 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản vốn này đã được Tập đoàn sử dụng tùy tiện, vi phạm các qui định pháp luật để lại hậu quả nghiêm trọng. Hệ lụy là Tập đoàn đã không tăng cường kịp thời năng lực đóng tàu theo đúng chủ trương của Chính phủ. Điều này đã lý giải cho hiện trạng từ cuối năm 2007, Vinashin rơi vào tình trạng không đủ năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tay nghề, quản lý và tiềm lực tài chính để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Nhiều hợp đồng bị hủy mà không phải do khủng hoảng xảy ra. Nhiều khách hàng đã nhân nhượng, chia sẻ với Tập đoàn này bằng việc cho chấp thuận gia hạn hợp đồng giao hàng, song Vinashin lại là người vi phạm giao kết hợp đồng với khách hàng trong và ngòai nước, dẫn tới phải hủy quá nhiều hợp đồng đóng tàu. Kèm theo đó, Tập đoàn này buộc phải chấp nhận trả lãi tiền đặc cọc và bị phạt vi phạm hợp đồng, thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.

Tập đoàn đã không cân đối được dòng tiền trả nợ vay trong ngắn hạn và dài hạn, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Sự yếu kém đó đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước và ảnh hưởng tới cả tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường quốc tế.

Mất vốn Nhà nước tới 5.000 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ cho biết, về tải sản và nguồn vốn, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, giá trị tài sản và nguồn vốn của Vinashin tại thời điểm 31/12/2008 là 102.536 tỷ đồng. Nếu loại trừ công nợ nội bộ, giá trị nguồn vốn và tài sản của Vinashin chỉ còn 92.575 tỷ đồng. Nợ phải trả là 86.745 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lỗ của Vinashin trong năm 2009 là năm xảy ra khủng hoảng, Thanh tra Chính phủ đưa ra con số lớn hơn nhiều so với kết quả kiểm toán

Theo đó, kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 chỉ xác định số lỗ là 1.682,5 tỷ đồng nhưng cơ quan thanh tra cho rằng, thực chất là 4.985,16 tỷ đồng, tăng thêm 3.302,66 tỷ đồng.

Trong đó, lỗ 848 tỷ đồng do yếu tố chi phí như: chi phí chưa phân bổ hết đối với những hợp đồng đã đóng tàu hoàn thành, bàn giao cho chủ tàu là 114 tỷ đồng. Chi phí phải trả cho các công ty quản lý tàu chưa ghi nhậ là 57 tỷ đồng, chi phí khấu hao, tài sản cố định mà Tập đoàn chưa trích là 527 tỷ đồng, các khoản chi phí trả trước dài hạn chưa phân bổ là 151 tỷ đồng.

Tuy vậy, khoản lỗ lớn tăng thêm chủ yếu do khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc đánh giá lại tài sản và nợ phả trả dài hạn bằng tiền là 2.455 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng cảnh báo, có những khoản chưa ghi nhận là lỗ nhưng giờ phải đặc biệt lưu ý vì khả năng trở thành lỗ là tiềm tàng, hiện thực. Đó là khoản 2/787 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của những hơp đồng đã bị hủy, chênh lệch các khỏan phải thu nội bộ nhưng không xác định được đối tượng phải thu là 4.688 tỷ đồng và khoản 1.035 tỷ đồng bị phạt hợp đồng.

Thanh tra Chính phủ xác định, đến thời điểm 31/12/2009, Vinashin đã không bảo toàn vốn được giao, làm thâm hụt mất gần 5000 tỷ đồng vốn điều lệ Nhà nước cấp.

20 lãnh đạo Vinashin sai phạm

Theo bản đánh giá của Thanh tra Chính phủ, điểm khởi phát cho những sai phạm yếu kém của Tập đoàn này chính là một thể chế tổ chức đồ sộ, đa dạng, phức tạp trong các mối quan hệ kinh tế phụ thuộc, độc lập, đan xen, trong khi đó, lại thiếu, buông lỏng quản lý. Và nguyên nhân chính là bắt đầu từ sự thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng Quyết định của Thủ tướng của HĐQT công ty mẹ.

Gần 5 năm qua, công ty mẹ của Tập đoàn vẫn hoạt động theo Điều lệ “cũ”, theo Quy chế tài chính “cũ” của thời kỳ trước khi lên tập đoàn năm 2006 trở về trước. Đồng thời, đơn vị cũng không thực hiện việc đề xuất, bổ nhiệm, hoặc thuê Tổng giám đốc mà để chủ tịch HĐQT kiêm chức Tổng giám đốc kéo dài trong nhiều năm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là năm 2007, Vinashin đã thành lập, sáp nhập thêm quá nhiều công ty con, số lượng tăng thêm trên 200 doanh nghiệp, song, nhiều đơn vị con này lại ra đời không phải do nhu cầu tăng cường năng lực ngành chính là đóng tàu. Có nhiều trường hợp ở các công ty con đã có vi phạm nghiêm trọng về qui định tổ chức nhân sự, quản lý vốn, tài sản.

Hầu hết các qui định quản lý trong Tập đoàn đều ở tình trạng buông lỏng như Điều lệ tổ chức hoạt động, quy chế quản lý tài chính, tổng giám đốc điều hành, quy chế, quy trình trong quản lý cán bộ, tiền, tài sản.

Phân tích về các nguyên nhân, cơ quan thanh tra nhấn mạnh lãnh đạo Tập đoàn, trước hết là HĐQT và người đứng đầu đã có khuyết điểm sai phạm trong tổ chức, quản lý điều hành Tập đoàn. Trình độ cán bộ lãnh đạo không đáp ứng yêu cầu quản trị của một Tập đoàn kinh tế lớn. Đặc biệt, người đứng đầu và một số cá nhân hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, tùy tiện, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ cho rằng ông Phạm Thanh Bình và các thành viên HĐQT tập đoàn giai đoạn 2006- 30/6/2010 phải chịu trách nhiệm về các vấn đề yếu kém trên. Theo đó, ngoài ông Bình, các thành viên HĐQT phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của Tập đòan là: Ông Ngô Thế Việt, Chu Thế Hưng, Hồ Ngọc Tùng, Nguyễn Đức Thận, Trần Văn Liêm, Đỗ Thành Hưng, Lưu Quyết Thắng, Trần Quang Vũ.

Trong đó, ông Vũ phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc thanh lý tàu Bạch Đằng Giang và những sai phạm dẫn tới thua lỗ lớn ở Tổng công ty Nam Triệu. Ông Tùng là Tổng giám đốc Tài chính Tập đoàn, Trưởng ban Kiểm soát.

Ngoài ra, các cá nhân khác là Tổng giám đốc kinh doanh Nguyễn Quốc Ánh, Tổng giám đốc đầu tư Lê Lộc, Kế toán trưởng, Trưởng ban tài chính kế toàn Đỗ Văn Phệch, các trưởng ban Kế hoạch đầu tư qua các thời kỳ là Nguyễn Hữu Ngọc và Lê Anh Tuấn, trưởng ban kinh doanh đối ngoại là Phạm Thu Hằng.

Cũng theo kết luận của Thanh tra, ông Phạm Thanh Bình còn phải chịu trách nhiệm cụ thể với các sai phạm như thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện sông Hồng, sử dụng nguồn vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ mua lại nợ từ ngân hàng BIDV, trong đó nhiều khoản là nợ xấu. Ngoài ra còn có những sai phạm trong việc chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng Nhà Hà Nội, việc đầu tư mua cổ phần của Công ty CP đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin, mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt, tiếp quản Công ty Vật tư tổng hợp Yên Bái, quyết định cử ông Nguyễn Tuấn Dương làm chủ tịch HĐQT công ty Cửu Long do vợ ông Dương tham gia sáng lập, đầu tư dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất giai đoạn 1. Ông Dương nguyên là chủ tịch kiêm TGĐ cty thép Cái Lân.

Ngoài ra, nhiều cá nhân ở các công ty con của Vinashin cũng phải chịu trách nhiệm cụ thể ở từng vụ việc.  Theo Thanh tra Chính phủ xác định, liên quan công ty CP CNTT Hòang Anh lâm vào tình trạng mất vốn và khả năng thanh toán hiện nay là trách nhiệm của ông Ngô Tùng Lâm, nguyên chủ tịch HĐQT Tcty và ông Lưu Văn Hợp, Trưởng ban kiểm soát Tập đoàn Vinashin.

Trong đó, trực tiếp nguyên TGĐ Nguyễn Văn Tuyên đã cố ý làm trái qui định về việc góp vốn thành lập do bản thân ông Tuyên và các anh em ruột thành lập. Tiêu biểu nhất là việc phê duyệt 4 dự án có chi phí đã đầu tư là 87,31 tỷ đồng với các sai phạm như chia nhỏ các dự án nhóm A để trình Tập đòan và tự duyệt, tự ký ký hợp đồng tổng thầu mà không đấu thấu… Các “nhân vật” chủ chốt của Cty Viễn dương Vinashin cũng bị nêu tên như bà Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp đối với công ty Biển Đông, ông Vũ Xuân Bão đối với công ty Bạch Đằng.

Thanh tra kiến nghị Tập đoàn Vinashin phối hợp với Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty hàng hải thu hòi 615 tỷ đồng chi sai cho các công ty thành viên, giảm trừ 138 tỷ đồng khi nghiệm thu quyết toán một số dự án, giảm dự toán một số gói thầu ở các Tổng công ty Phà Rừng, Hạ Long, Cam Ranh- Nha Trang và Bạch Đằng.

Sau kết quả thanh tra, cơ quan này đã chuyển hồ sơ 7 vụ việc sang Bộ Công an tiếp tục điều tra xử lý.

Đến nay, Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng. Trong các kiến nghị của cơ quan thanh tra, ngoài việc rà soát, chấn chính vấn đề tài chính, tổ chức đáng chú ý nhất là đề xuất tới Chính phủ cần có tổng kết thí điểm việc thành lập cái Tập đoàn kinh tế Nhà nước qua sự việc của Vinashin. Trong đó, những vấn đề cần được đút rút là việc giao quyền tự chủ cho HĐQT Tập đoàn lớn nhưng chưa có cơ chế kiểm soát tương ứng, công ty mẹ cấp tín dụng nhưng không có cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, các hoạt động quản lý, ủy thác vay vốn giữa công ty mẹ và công ty tài chính trong Tập đoàn, việc thành lập các công ty cấp 3, cấp 4 của tập đoàn.
7 vụ việc ở Vinashin chuyển bộ Công an xử lý

Với một loại sai phạm ở Vinsahin, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 7 vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự sang Bộ Công an, bao gồm:

- Vụ việc cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc dùng 1000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế để mua nợ từ BIDV.

- Vụ thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái trong dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất giai đoạn 1, gây thiệt hại 59 tỷ đồng tiền thuế nộp cho nhà thầu nước ngoài và thiệt hại do không phạt nhà thầu nước ngoài vi phạm hợp đồng

- Vụ thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu tham nhũng trong chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng nhà Hà Nội.

- Vụ việc cố ý lam trái qui định, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong các tổ chức doanh nghiệp của ông Ngô Tùng Lâm, nguyên CT HĐQT Công ty CP CNTT Hoàng Anh, Lưu Văn Hợp, ủy viên HĐQT công ty CP Hoàng Anh, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin, ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên TGĐ công ty Hoàng Anh.

- Vụ cố ý làm trái qui định Nhà nước về đầu tư sử dụng vốn vay 300 tỷ đồng của Tập đoàn sai mục đích, dẫn đến nợ quá hạn, có khả năng mất vốn đối với Ông Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long.

- Vụ làm trái qui định Nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, gây thất thoát số tiền lớn tại dự án Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu

- Vụ sai phạm đầu tư, gây thiệt hại nghiêm trọng tại công ty CNTT Cái Lân: dự án san lấp giai đoạn 1, khu kinh tế Hải Hà, dự án đóng mới tàu khách 200 chỗ, việc thiệt hai 4,3 tỷ đồng tiền đặt cọt cho công ty Cổ phần Phương Trinh mua ôtô tải sản lấp, việc cho công ty CP Cửu Long Vinashin vay 13 tỷ đồng dẫn tới khả năng mất vốn.

Bên cạnh đó, cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an giao nghiên cứu, thu thập bổ sung tài liệu cần thiết để nếu đủ điều kiện thì điều tra, xử lý theo qui định, cụ thể 4 dự án: Cố ý làm trái gây thiệt hại trong hợp đồng tư vấn Dự án mua tàu Enery của công ty Vận tải Biển Đông; Tthiếu trách nhiệm làm trái chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tiếp nhận công ty Vật tư tổng hợp Yên Bái; Đầu tư mua cổ phàn của công ty CP đầu tư và vận tải Dầu khí có dấu hiệu che dấu, biển thủ 318 tỷ đồng; Cố ý làm trái qui định trong đầu tư, quản lý tài chính, gẫn tới lãng phí trong sử dụng gần 1000 tỷ đồng vốn đầu tư tại 2 dự án của nhà máy đóng tàu Bến Thủy.
 
Theo VEF

Vinashin yêu cầu các chủ nợ xóa 90% các khoản nợ


Sau khi không thể thanh toán nợ trong tháng 4, Vinashin yêu cầu các chủ nợ Việt Nam xóa nợ và các chủ nợ nước ngoài gia hạn nợ thêm 1 năm.
Hôm nay, Bloomberg đưa tin, dẫn nguồn từ một chủ nợ của Vinashin cho biết, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin với khoản nợ hơn 4 tỷ USD đang yêu cầu các chủ trái phiếu nội tệ xóa tới 90% các khoản nợ của tập đoàn.

Ông Phạm Việt Bắc, tổng giám đốc của quỹ Sabeco cho biết, Vinashin nói với các chủ nợ tại cuộc họp ở Hà Nội là họ không thể thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nợ nào, sớm nhất là đến năm 2015.

Ông Bắc cho biết, ông rất thất vọng với thông tin đó. Vinashin cũng từ chối cung cấp một bản sao kiểm toán mới nhất của tập đoàn. Ông nói rằng, ông muốn Vinashin phải minh bạch tài chính cho các chủ nợ, và các chủ nợ có quyền được biết. 

Vinashin đã mất khả năng thanh toán đối với 3.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 9%, kì hạn 10 năm đáo hạn vào 13/4.

Cuối tháng 11 vừa qua, Vinashin đã yêu cầu các chủ nợ quốc tế gia hạn nợ thêm 1 năm sau khi không có khả năng trả 60 triệu USD tiền lãi trên khoản nợ 600 triệu USD đáo hạn vào ngày 20/12.
Theo Moody’s, việc đi vay của Việt Nam và các doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khăn hơn sau khi các báo cáo cho thấy Vinashin không thể trả nợ đúng hạn. 
 
Tuyết Ma

Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh

Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh – Lời Nói Đầu

giaithoai_bia
(Lê Thy đánh máy lại)
LỜI MỞ ĐẦU
huahoanh
Những chuyện kể ra trong sách nầy đều là chuyện thật không phải tiểu thuyết. Các chuyện ấy xảy ra trên đất Nam kỳ trên dưới 100 năm nay, nhưng không có tài liệu chính thức nào ghi chép. Với ý định viết bộ sách về Nam Kỳ Lục Tỉnh, cho nên hơn mười năm qua, kể từ ngày còn trong trại tị nan tại Mã Lai, chúng tôi bắt đầu sưu tầm tài liệu. Các tư liệu ấy rải rác trong sách báo xưa, hoặc nằm trong ký ức của những vị cố cựu đất Nam Kỳ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Lúc khởi sự viết, chúng tôi có ý định chia bộ sách làm 10 quyển, đều lấy tên “Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Sách ra đến tập 5, theo lời nhà xuất bản và một vài nhà sách khuyến cáo, kể từ tập 6 trở đi, mỗi quyển nên lấy một tựa đề khác, nhưng nội dung vẫn là những chuyện mới vừa khám phá, sưu tầm được. Nếu tiếp tục dùng tên cũ, bộ sách quá dài, độc giả sẽ ngán tiền, khó dám mua trọn bộ, mặc dù mỗi quyển đều độc lập với nhau, không có liên quan như một bộ trường thiên tiểu thuyết.
Đam mê môn lịch sử từ hồi nhỏ, lớn lên tôi theo học môn sử địa, và sau cùng trở thành thày giáo dạy môn này nhiều năm, đủ các lớp khác nhau, nên tôi rất ham thích môn lịch sử. Với thời gian và tuổi đời chồng chất, chúng tôi tích tụ được nhiều hiểu biết về lịch sử miền Nam, một lãnh vực từ trước tới nay bị lãng quên, nên cố thu thập ghi chép để dành. Mặc dầu quyển sách nói nhiều đến các biến cố lịch sử các nhơn vật lịch sử, nhưng đây vẫn không phải là một quyển sử mà chỉ có giá trị như “giai thoại”. Tôi có ý định viết các giai thoại về Nam Kỳ tương tự như cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc viết về “Giai Thoại Làng Nho” mà thôi, nhưng chú trọng đến địa lý, các di tích, văn hoá, lịch sử cùng cảnh đẹp thiên nhiên của miền Nam.
Tài liệu sử dụng, phần lớn là truyền khẩu, mới mẻ, mức độ chính xác rất hạn chế. Mỗi người kể lại chỉ biết một giai đoạn, một biến cố mà thôi. Các sự kiện ấy chưa bao giờ được kiểm chứng, đánh giá lại, nên chúng tôi không bao giờ dám coi đây là tài liệu lịch sử chính thức. Nó cũng như môn ngoại sử, chắc chắn có nhiều thiếu sót, sai lầm, không trung thực, nhưng nội dung vẫn giữ được cốt lõi của vấn đề.
Trân trọng xin quý độc giả vui lòng lượng thứ cho những điều sơ sót vừa kể trên. Tác giả cũng trân trọng kính gởi đến quý vị có phương danh trong tác phẩm lời biết ơn chơn thành.
Tác giả kính cáo.
huahoanh_sign