Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Thư của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Chủ tịch Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội

Thư của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gửi Chủ tịch Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội




Một lão tướng 95 tuổi đời, 71 tuổi Đảng như cụ Nguyễn Trọng Vĩnh mà vẫn sôi sục nhiệt huyết vì sự tồn vong của dân tộc, viết bức thư dưới đây gửi Chủ tịch Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội về hiểm hoạ của việc khai thác bauxite Tây Nguyên. Lớp hậu sinh chúng ta nhiều kẻ phải lấy làm thẹn trước chí khí của cụ.

Nhưng than ôi biết đâu bức thư này của cụ chẳng làm cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phải phiền lòng.

Còn nhớ khi công luận phê phán mãnh liệt dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, thì chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã cố gạt việc xây dựng hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ ra khỏi sự giám sát của Quốc hội. Đến khi không thể không đưa ra Quốc hội thảo luận các dự án bauxite, Quốc hội Chủ tịch đã phát biểu với lời lẽ đe doạ những ý kiến phản biện một cách không che giấu: “[…] trong góp ý không nên mơ hồ, tránh sự lợi dụng, kích động của nhiều thế lực sẽ làm hại đến sự đồng thuận trong Đảng, Chính phủ, nhân dân và ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao”.

Nói trắng ra, Quốc hội Chủ tịch sợ việc phản biện bauxite sẽ làm mất lòng ông anh 16 chữ vàng! Chẳng thế, mà cách đây mới hai tháng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Lê Quang Bình đề nghị Chính phủ có báo cáo về tình hình biển Đông và tình hình an ninh trước Đại hội Đảng để các đại biểu thảo luận, tạo sự đồng thuận thì Quốc hội Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kết luận chưa cần báo cáo tình hình biển Đông vì so với báo cáo của Bộ Ngoại giao một năm trước đến nay “không có gì mới”!

Vâng, thì có gì mới đâu chuyện Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của họ, là lợi ích cốt lõi của họ. Có gì mới đâu chuyện Trung Quốc bắt bớ, đánh đập đòi tiền chuộc ngư dân ta. Và cũng có gì mới đâu khi Quốc hội Chủ tịch phen này đến phen khác hành động như thể “người lạ”, “nước lạ”.

Than ôi!!!

Bauxite Việt Nam





Hà Nội, ngày 26-10-2010

Kính gửi: Chủ tịch và các vị Đại biểu Quốc hội

Ngay khi bắt đầu công bố dự án để Trung Quốc vào khai thác bôxít Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia, trí thức văn nghệ sĩ đã góp ý kiến là không nên, vì có hại cho an ninh quốc phòng, phá hoại môi trường, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, vì nguy cơ bùn đỏ độc hại và rất phi kinh tế…

Nhưng dự án vẫn được triển khai.

Vừa qua, xảy ra vụ vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari, đầu độc cả một làng và ảnh hưởng đến nhiều nước dọc sông Đanuyp. Liên hệ đến việc việc khai thác bôxít Tây Nguyên, mọi người nơm nớp lo lắng.

Vị lãnh đạo TKV trấn an rằng “ta sẽ làm tốt hơn”. Đấy chỉ là lời nói, thực tế vấn đề không đơn giản! Hungari luyện nhôm ở địa bàn tương đối bằng phẳng, họ đã có truyền thống luyện nhôm lâu đời, có kinh nghiệm, có kỹ thuật cao, xây dựng hồ chứa bùn đỏ với tinh thần trách nhiệm cao với chính dân của họ, hẳn là đập quanh hồ phải hết sức vững chắc, thế mà còn xảy ra sự cố vỡ đập. Còn ở ta, đối tác nước ngoài thực hiện mọi công đoạn trong việc khai thác và luyện alumina. Họ đâu có kinh nghiệm và kỹ thuật cao bằng Hungari. Tinh thần trách nhiệm đối với dân ta đến đâu ai mà biết. Tây Nguyên bình thường thì khan hiếm nước, nhưng đến mùa mưa thì mưa xối xả, nhiều khi kéo dài, ai dám bảo đảm bùn đỏ không tràn bờ hoặc vỡ đập? Khác với Hungari, Tây Nguyên ở độ cao trên 1000m, là nóc nhà của Đông Dương, rừng lại đã tàn phá nhiều, một khi sự cố xảy ra, bùn đỏ độc hại ào ào trút xuống sẽ là đại thảm họa khủng khiếp cho hàng triệu đồng bào miền Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ. Đến lúc ấy ai chịu trách nhiệm? Di họa nhiễm độc còn truyền đến con cháu. Vì là “nóc nhà Đông Dương” nên còn có thể ảnh hưởng đến cả Lào và Campuchia nữa.

Luyện alumina tiêu thụ lượng điện cực lớn. Để vận chuyển alumina xuống đến cảng biển, phải xây dựng hàng mấy trăm km đường theo độ dốc quanh co, khúc khuỷu, phải đầu tư một khoản vốn khổng lồ. Giá thành một tấn alumina sẽ rất cao. Theo tính toán, bán sẽ lỗ. Như vậy khác nào đào tài nguyên của Tổ quốc đem biếu không cho đối tác! Đã không thu được lợi lại chuốc lấy thảm họa.

Tôi đề nghị Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vì lợi ích Tổ quốc, vì an toàn của hàng triệu đồng bào, xem xét, biểu quyết dừng ngay dự án bôxít Tây Nguyên bằng bất cứ giá nào!

Nguyễn Trọng Vĩnh

Cán bộ cách mạng, 71 tuổi Đảng

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Quốc hội cần có phản hồi về dự án bô-xít

Quốc hội cần có phản hồi về dự án bô-xít
Cao Nhật - Lan Anh



GS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: VietNamNet


(VNR500) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng và Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Thuyết đều bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về dự án bô-xít Tây Nguyên, đặc biệt khi mới đây, các nhân sĩ trí thức đã cùng ký tên vào bản kiến nghị tạm dừng khai thác, khi trao đổi với báo giới bên hành lang QH sáng 25/10.

GS. Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH ĐăkLăk): Không đồng tình với "trấn an" của lãnh đạo Bộ Công thương

Tôi đã đọc bản kiến nghị đó, nhiều bạn bè thân thiết của tôi cũng đã đặt bút ký ủng hộ. Nhưng lần này tôi không tham gia ký vì lần trước cả Quốc hội cũng chỉ có tôi ký nên bị "kêu" nhiều quá. Thêm vào đó thì Quốc hội cũng là một diễn đàn, một kênh để chúng tôi bày tỏ ý kiến rồi.

Tôi cũng rất băn khoăn ở chỗ là nhiều ý kiến bảo chúng ta làm nhưng không có lãi, không có lãi thì làm gì? Nếu có lãi nhiều thì mình còn có lý do làm ngay chứ không có lãi thì tôi không hiểu làm để làm gì?!

Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, vì một số ý kiến lãnh đạo ở Bộ này bảo là Việt Nam khác Hungary vì Việt Nam có thung lũng.


Nhưng họ quên là thung lũng ở trên cao, có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, mà ngấm xuống nước ngầm thì nó chảy xuống cả Đồng bằng Nam Bộ, quá nguy hiểm!

Ngoài ra, Đông Nam Bộ cũng đang bị đe dọa bởi hiện tượng dâng lên của mực nước biển. Vì thế, tương lai vùng này sẽ đối diện nhiều nguy cơ - mà đây lại là vựa lương thực của cả nước - nên rất đáng phải quan tâm.

Thảm họa xảy ra ở Hungary làm tôi rất suy nghĩ vì họ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm và vẫn phải chịu thảm họa như thế, nói gì đến mình. Vì vậy nguy cơ xảy ra thảm họa đối với mình là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Đọc bản kiến nghị tôi thấy có đủ cơ sở, hơn 1.500 người ký. Tôi nghĩ sẽ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Họ đều là những người rất uy tín như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các lão tướng, các lão thành cách mạng, đông đảo trí thức trong và ngoài nước, kể cả GS. Ngô Bảo Châu... thì chắc chắn lãnh đạo Đảng và Chính phủ không thể không xem xét kiến nghị đó.

Ngay cả Quốc hội cũng rất quan tâm và tôi nghĩ là Quốc hội cũng nên có phản hồi, nhưng thực sự trong hoàn cảnh như lúc này trả lời như thế nào cũng là bài toán khó vì mọi thứ đã ký kết và đang triển khai hết rồi.

Ý kiến cá nhân của tôi thì tôi muốn Quốc hội sẽ có thảo luận và ra một Nghị quyết mới, nhưng tôi cũng không chắc là đề nghị này có được không. Theo tôi biết, trong chương trình kỳ này sẽ có thảo luận, và nếu trong trường hợp không có thảo luận thì sẽ có phát biểu tại hội trường. Chắc chắn có tôi trong số những người đó.

Đại biểu Phạm Thị Loan (ĐBQH Hà Nội): Nên tính quy mô và làm thử

Về khía cạnh trách nhiệm với đất nước thì ai cũng lo lắng. Và những người cùng ký tên gửi kiến nghị gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước là những người rất có trách nhiệm về sự phát triển của đất nước.

Về chuyện này, cá nhân tôi có một số lo lắng, như dự án khai thác bô-xít của chúng ta đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế nghe ra không tương xứng.




ĐBQH Phạm Thị Loan. Ảnh: VietNamNet



Ngoài ra, rủi ro cũng rất là lớn vì những nước như Hungary có kinh nghiệm khai thác từ rất lâu rồi mà vẫn phải chịu thảm họa như vậy thì mình cũng phải có những suy xét rất nghiêm túc về sự đầu tư đó.

Vì vậy, chúng ta nên xem lại quy mô và mức độ đầu tư như thế nào, và phải rà soát lại về mặt kỹ thuật để xem đầu tư thế nào cho tương xứng.

Tôi cũng cho rằng, không phải bây giờ Quốc hội ra Nghị quyết rồi thì mình cứ đầu tư ào ạt, làm lớn thì theo quan điểm của tôi cũng cần phải cân nhắc lại suy xét cho thấu đáo.

Nếu có chăng nữa thì theo tôi, cũng nên tính đến quy mô và làm thử thế nào đó, làm dần dần, mình mở rộng sau, hay để dành cho con cháu có công nghệ tốt hơn làm cũng không muộn.

Hơn nữa là trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đang khan hiếm về đồng vốn như hiện nay thì nên chăng, chúng ta cũng phải ưu tiên những dự án có hiệu quả kinh tế có thể nhìn thấy được kể cả trước mắt và lâu dài.

Chúng ta cần phải ưu tiên vốn cho những dự án như vậy hơn là mạo hiểm cho những dự án rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế thì vẫn đang là một câu hỏi chưa đầy rủi ro và thực sự là tôi không đồng tình.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Có thể hoãn dự án Nhân Cơ

Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước nên tiếp nhận kinh nghiệm của Hungary và nghiên cứu hết sức cẩn thận, đặc biệt khi bản kiến nghị đó của các nhân sĩ trí thức có bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước và rất nhiều trí thức hàng đầu Việt Nam, nhiều người giữ chức vụ quan trọng chính quyền, nhiều nhà chuyên môn.

Bởi hiện nay ta mới định làm thí điểm ở Tân Rai, Nhân Cơ. Nhưng vừa rồi vụ việc bùn đỏ Hungary cho mình một bài học rất nghiêm khắc và nếu không rút kinh nghiệm kịp thời thì sẽ chịu hậu quả.

Hungary là nước công nghiệp phát triển có kinh nghiệm khai khoáng chế biến khoảng sản. Nhưng Việt Nam là một nước kĩ nghệ chưa phát triển.

Tôi biết chủ thầu sẽ là người thiết kế bùn đỏ ấy nên mình phải giám sát thiết kế xem có đảm bảo hay không, thứ hai là giám sát thi công vì kĩ nghệ thi công hiện nay tương đối tốt, nhưng kỷ luật cán bộ của mình trong thi công là chưa tốt. Rất nhiều công trình quan trọng bị rút ruột nên nếu bùn đỏ để xảy ra như vậy nữa thì vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cũng phải tính toán thêm chuyện khả năng bùn đỏ tràn ra như thế nào. Vì Tây Nguyên khí hậu khắc nghiệt, mùa khô không có giọt mưa nào, lúc mưa thì mưa xối xả nên cần xem xét trong khâu thiết kế tính đường thoát cũng như những đường thoát nước ở đê sông Hồng. Nếu xảy ra sự cố như thế thì phải mở chỗ nào ra để ít thiệt hại nhất.

Với những lí do trên tốt nhất nên tập trung vào Tân Rai làm cho tốt, còn Nhân Cơ có thể hoãn được.

C. N. – L. A.

Nguồn: Vnr500

"Tôi muốn Quốc hội ra nghị quyết mới về bô xít"

"Tôi muốn Quốc hội ra nghị quyết mới về bô xít"


Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: "thảm họa ở Hungari làm tôi rất suy nghĩ"

(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nguy cơ xảy ra thảm họa từ việc khai thác bô xít là hoàn toàn có thể, trong khi đại biểu QH Phạm Thị Loan đề nghị xem xét lại quy mô, mức độ đầu tư và rà soát lại về kỹ thuật.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: “Ngành công nghiệp này quá nguy hiểm!”

Tôi đã đọc bản kiến nghị nhân sĩ trí thức về khai thác bô xít ở Tây Nguyên và nhiều bạn bè thân thiết của tôi cũng đã đặt bút ký ủng hộ. Nhưng lần này tôi không tham gia ký vì Quốc hội cũng là một diễn đàn, một kênh để chúng tôi bày tỏ ý kiến rồi.


Tôi thấy những người ký vào bản kiến nghị là những người yêu nước, có quá trình hoạt động cách mạng được kiểm chứng và đông đảo trí thức cho nên chúng ta không thể không quan tâm. Tôi nghĩ Chính phủ và Quốc hội nên có trả lời kiến nghị này.

Tôi mong muốn Quốc hội sẽ ra một Nghị quyết mới về khai thác bô xít vì từ thảm họa bùn đỏ Hungary, tôi thấy ngành công nghiệp này quá nguy hiểm. Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, vì một số ý kiến lãnh đạo ở Bộ này cho rằng, Việt Nam khác Hungary vì Việt Nam có thung lũng.

Nói như vậy là họ quên, thung lũng ở trên cao còn nguy hiểm hơn. Thung lũng Tây Nguyên có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, từ đó sẽ chảy xuống cả đồng bằng Nam bộ, rất nguy hiểm!

Thảm họa xảy ra ở Hungary làm tôi rất suy nghĩ vì họ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm [Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhầm: Đầu thế kỷ 20, vương quốc Hungary đã có những cơ sở khai thác bôxit và vào năm 1917, đã xuất khẩu 150.000 tấn bôxit Đức – BVN] mà vẫn phải chịu thảm họa như thế. Nguy cơ thảm họa đối với ta là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Tôi cũng rất băn khoăn ở chỗ, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta làm nhưng không có lãi. Nếu có lãi nhiều, mình còn có lý do làm ngay, còn không mình sẽ để lại khi có trình độ kỹ thuật cao, con cháu mình sẽ làm.

Đại biểu Phạm Thị Loan: “Phải cân nhắc lại cho thấu đáo”

Về trách nhiệm với đất nước, ai cũng lo lắng và những người cùng ký tên gửi kiến nghị đó là những người rất lo lắng.

Ở đây có 2 yếu tố, dự án đầu tư lớn, nhưng hiệu quả kinh tế xem ra không tương xứng. Thứ nữa, trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đang khan hiếm về đồng vốn như thế này, nên chăng chúng ta ưu tiên những dự án có hiệu quả tức thời và lâu dài.

Ngoài ra, ngành công nghiệp khai thác bô xít rủi ro cũng rất lớn. Những nước như Hungary có kinh nghiệm từ rất lâu rồi mà bây giờ họ bị thảm họa như vậy, mình cũng phải có những suy xét rất nghiêm túc về sự đầu tư đó.



Bà Phạm Thị Loan: "Nên chăng ưu tiên những dự án hiệu quả tức thời và lâu dài" (Ảnh: Việt Hưng)

Nhưng đến lúc này bao nhiêu công sức đã bỏ ra rồi, dừng lại ngay các dự án bô xít cũng rất khó. Tôi nghĩ, chúng ta nên xem lại quy mô, mức độ đầu tư như thế nào và phải rà soát lại về mặt kỹ thuật để xem đầu tư thế nào cho tương xứng. Phải cân nhắc lại cho thấu đáo và mình làm thử, rồi dần dần mở rộng sau.

Đầu tư như hiện nay tôi chưa đồng tình. Tôi nghĩ, với bô xít mình chưa khai thác lúc này, vẫn có thể khai thác lúc khác nên phải làm hết sức thận trọng.

Cấn Cường (ghi)

Nguồn: Dantri

Chứa bùn đỏ trong thung lũng – an toàn hay nguy cơ?

Chứa bùn đỏ trong thung lũng – an toàn hay nguy cơ?
Tấn Đức

(TBKTSG) - Ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư của hai dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên, có nói với báo chí là đang rà soát lại thiết kế hồ chứa bùn đỏ. Ông cũng cho rằng, các hồ này được đặt trong thung lũng sâu 15 mét, nên rất an toàn. Nhưng chính việc lấy thung lũng làm nơi chứa bùn đỏ lại khiến một số nhà khoa học lo lắng.

TS. Nguyễn Thành Sơn khẳng định, chọn thung lũng làm nơi chứa chất thải bùn đỏ là cách tính toán rất dở về an toàn môi trường. Nó chỉ hay nếu nhìn ở khía cạnh tiết kiệm.

Ông nói: “Trong xây dựng, người ta kiêng kỵ đặt công trình, kể cả bãi chứa chất thải, ở những nơi tụ thủy. Chọn thung lũng làm hồ chứa bùn thải đã vi phạm vào điều cấm kỵ đó. Vì khi có mưa bão, đây sẽ là nơi hứng nước từ trên triền đồi, núi đổ xuống, gây ra nguy cơ phát tán chất thải rất lớn”. “Dù rằng dưới góc độ hiệu quả kinh tế của dự án, thì đây là sáng kiến hay”, ông Sơn nói tiếp: “Vì chỉ cần xây một đập chắn ở hạ lưu là đã có được một hồ chứa”.


Tây Nguyên là vùng thường xuyên bị bão hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão ở miền Trung. Hệ quả là ở đây thường xuyên có những trận mưa rất lớn và có thể gây ra lở đất. Vấn đề đặt ra là các hồ chứa này, vốn là nơi hội tụ của các dòng nước từ trên cao đổ xuống, sẽ ra sao nếu bị ngập?

Trong tình huống này, dù đập chứa không bị vỡ, thì nước vẫn có thể tràn qua đập, cuốn theo nó những chất thải độc hại xuống những vùng đất, sông, suối ở hạ du, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Ở đây cũng xin mở ngoặc nói thêm, trong thiết kế hồ chứa bùn đỏ của TKV, có xây dựng các mương thu hồi và thoát nước mưa. Đại diện TKV cho biết, việc xây dựng mương thoát đã được tính toán phù hợp với thực tế. Nhưng thời tiết luôn chứa đựng những bất ngờ. Không rõ TKV đã tính tới tình huống một trận lũ, lụt kinh hoàng giống như đang diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh xảy ra ở Tây Nguyên thì hậu quả sẽ như thế nào chưa?

TS. Nguyễn Đình Hòe – Khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng có chung mối lo lắng như ông Nguyễn Thành Sơn. Ông không bàn trực tiếp tới giải pháp chứa bùn đỏ của TKV, vì theo ông về lý thuyết người ta có thể chứa cả chất thải trên mặt trăng! Ông đặc biệt lưu tâm đến khía cạnh địa động lực của khu vực Tây Nguyên. Ông nói: “Thung lũng, đặc biệt là những thung lũng dài, thường phát triển dọc theo những vùng đứt gãy đang hoạt động của vỏ quả đất. Vì vậy, khi chọn thung lũng làm hồ chứa bùn đỏ, dứt khoát TKV phải chắc chắn rằng khu vực đó địa chất đã ổn định”.

TS. Nguyễn Đình Hòe trưng ra các dữ liệu khoa học cho thấy, Tây Nguyên được hình thành do hoạt động xô đẩy của vỏ trái đất, làm cho vùng đất này nhô cao và quá trình này diễn ra rất nhanh. “Nếu hoạt động này vẫn đang tiếp diễn, sẽ tiếp tục quá trình tạo vòm, đứt gãy và nguy cơ đối với các hồ chứa sẽ rất lớn”, ông nói.

Điều đáng lo ngại là hoạt động kiến tạo của vỏ đất ở vùng Tây Nguyên không chỉ là chữ “nếu” của thì tương lai, mà nó thực sự đang hiện hữu. TS. Hòe cho biết, những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều “hiện tượng lạ”. Chẳng hạn như những vết nứt tự dưng xuất hiện trên mặt đất; giữa mùa khô hạn mà nước nóng tự dưng phun lên từ dưới lòng đất; hai hàng cây cà phê cách nhau tới năm mét, tự dưng bị dịch chuyển sát lại nhau thành một hàng...

Theo ông Hòe, những hiện tượng được cho là lạ kể trên thực chất là kết quả của sự chuyển động, xô đẩy của vỏ trái đất gây nên. Ông khẳng định: “Tây Nguyên không yên bình. Đây vẫn là vùng có địa động lực hoạt động khá mạnh”.

Ngoài ra, TS. Hòe còn khuyến cáo về tình trạng xói mòn, mối nguy cơ tiềm ẩn đối với khả năng phát tán chất thải độc hại từ bùn đỏ về lâu dài. Ông nói: “Đây là khu vực có tốc độ xói mòn rất mạnh. Trước đây, do tốc độ tạo vòm phát triển nhanh, nên chưa kịp phá hủy các vùng đất Tây Nguyên, mà để lại ở đây những vùng bình nguyên rộng lớn. Trong tương lai, việc xói mòn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ để tạo thành những địa hình phân cấp”.

Theo thiết kế của TKV, những hồ chứa bùn đỏ sẽ được chôn lấp vĩnh viễn. Với sự xói mòn lớn như vậy, về lâu dài việc bảo đảm bùn đỏ trong các hồ chứa không bị nước cuốn trôi ra khỏi bãi chôn lấp là ẩn số lớn. Nhất là sau khi khai thác xong, các bãi chứa chất thải bị bỏ phế, không còn được đầu tư để bảo dưỡng, duy tu. Khi ấy, nước trôi ra từ hồ chứa bùn đỏ cũng có màu đỏ như nước từ khu vực đất đỏ bazan khác, thì liệu có thể phát hiện kịp thời để ngăn chặn hay không?

Ông Hòe cho rằng, giải pháp chôn lấp bùn đỏ vĩnh viễn của TKV cũng đồng nghĩa với duy trì mối nguy hiểm vĩnh viễn. Ông nhấn mạnh: “Cái gì chôn vĩnh viễn thì rủi ro cũng vĩnh viễn”.

T. Đ.

Nguồn: Thesaigontimes

TKV xử lý bùn đỏ thế nào?

TKV xử lý bùn đỏ thế nào?
SGTT.VN - Dư luận rất muốn biết tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) xử lý bùn đỏ thế nào khi khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Không có tài liệu được công bố chi tiết, chúng ta đành dựa vào phát ngôn của những người có trách nhiệm để suy đoán và hình dung TKV sẽ làm như thế nào.




Hồ chứa thất thải của nhà máy Ajkai Timfoldgyar (Hungary) bị vỡ một đoạn lớn vào ngày 4.10, và bùn đỏ từ đây tràn ra các khu vực dân cư lân cận. Ảnh: Green Peace/ Reuters




Ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với báo giới, “chúng tôi bảo đảm hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn”. Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết. Nên “chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu về hệ số an toàn... Chúng tôi đã sang khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil, Úc và khu vực bùn đỏ ở những nơi này đã trồng cây xanh được 20 năm nay. Hiện tại, chúng ta đang làm theo mô hình của Brazil và Úc, chứ không phải mô hình của Hungary... Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác”.

Về phía TKV, một ông Phó Tổng giám đốc nói rằng: “Các hồ chứa bùn đỏ được xây dựng xa hệ thống sông suối, xa các khu dân cư. Mỗi hồ được chia thành các khoang, mỗi khoang có diện tích 14 – 16 ha, có khả năng chứa hàng triệu mét khối”.

Còn ông Trưởng ban nhôm – bôxít của TKV cho rằng, tuy TKV cũng dùng công nghệ thải ướt như Hungary, nhưng ông thấy “điều kiện của Hungary và Việt Nam khác nhau. Hungary dung tích bể chứa rất lớn, nằm trên bề mặt đồng bằng, mặt bể chứa bùn đỏ lại đắp nổi. Các bể chứa bùn đỏ của TKV nằm trong thung lũng, chia khoang nhỏ hơn, việc chảy tràn rất khó xảy ra. Giả sử có tràn bùn thì dung tích tràn cũng rất nhỏ... Theo thiết kế của dự án Tân Rai, hồ số 1 có diện tích 110 ha chia làm tám khoang, khoang nhỏ khoảng 600.000 m3, khoang lớn 1,6 triệu m3... Tổng công suất của hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ là 1,25 triệu tấn/năm, lượng bùn đỏ thải ra ước tính 2,4 triệu tấn/năm”.

Bạn đọc chẳng thể hiểu các khoang của hồ bùn đỏ lớn hay nhỏ thế nào. Ông Bộ trưởng bảo các khoang (lô) rất bé chỉ có 5 ha. Còn TKV nói các khoang cũng nhỏ thôi, khoảng 14 – 16 ha. Sự vênh nhau là ba lần! Có lẽ con số của TKV gần thực tế hơn.

Không rõ mô hình của Úc và Brazil như thế nào, nhưng từ cách giải thích trên của những người có trách nhiệm có thể thấy, cách làm của TKV cũng na ná như cách làm ở Hungary.

Tại Ajka ở Hungary, dây chuyền sản xuất số 1 hoạt động từ năm 1943 - 1982 với công suất dần tăng lên đến 180.000 – 185.000 tấn/năm. Dây chuyền số 2 được đưa vào hoạt động năm 1972 với công suất 240.000 tấn/năm. Công suất này được nâng lên 300.000 tấn/năm trước 1980. Bây giờ, dây chuyền số 2 là nhà máy đang hoạt động duy nhất ở Hungary. Sản lượng hiện nay khoảng 250.000 tấn/năm (nói cách khác Tân Rai lớn hơn nhà máy này của Hungary 2,6 lần!). Từ đó đến nay, nhà máy này đã thải ra khoảng 30 triệu tấn bùn đỏ được chứa trong hồ có mười khoang, sự cố vỡ đập xảy ra ở khoang số 10, khoang này có diện tích khoảng 30 ha. Sức chứa của mỗi khoang cỡ 4 – 6 triệu m3.

Theo giấy phép mà Bộ Bảo vệ Môi trường và Thuỷ lợi Hungary cấp cho công ty MAL (chủ mỏ, tương tự như TKV ở ta), thì khoang số 10 đã chứa 1,287 triệu m3 (khoảng 2 triệu tấn) bùn đỏ, và còn có thể chứa thêm 2,9 triệu m3 (6,2 triệu tấn) bùn đỏ nữa.

Có thể thấy nếu số liệu TKV đưa ra (0,6 – 1,6 triệu m3) chính xác, các khoang của MAL có sức chứa lớn hơn của TKV khoảng 2 – 2,5 lần (14 – 16 ha so với 30 ha hay 1,6 triệu so với 4,2 triệu m3).

Nhưng lưu ý rằng khi vỡ, khoang số 10 của MAL chưa đầy.
Công nghệ chế biến bôxít thành alumin của TKV và của MAL là như nhau.

Quy trình xử lý bùn đỏ được phép của MAL gồm sáu khâu chính như sau:

– Bùn đỏ được bơm đến các khoang qua các đường ống thép.
– Bùn đỏ được tích liên tục vào các khoang đang hoạt động.
– Thu gom nước (mưa, tuyết và nước thải) qua hệ thống rãnh và bể thu gom nước và đưa lên khoang hoạt động.
– Nước đọng trên lớp bùn đỏ đã lắng trong khoang hoạt động được dẫn vào máy bơm để thu hồi nước cho quá trình sản xuất alumina cũng như để trung hoà nước được thu hồi.
– Phủ các khoang đã đầy bằng một lớp xỉ và tro dày từ 0,4 – 0,5 m để chống bùn đỏ biến thành bụi khi khô và làm cứng bề mặt phục vụ cho quá trình hoàn thổ tiếp theo.
– Vận hành mạng lưới giám sát, đánh giá các kết quả đo lường và khảo sát.

Tuy TKV không nói rõ, nhưng có lẽ các khâu xử lý của TKV đại thể cũng vậy. Thí dụ, tương ứng với khâu thứ năm kể trên, đại diện của TKV nói: “Trong 1 – 2 năm sẽ tiến hành đóng hồ, phủ một lớp đất dày, rải nhựa chống nước ngấm xuống và hơi bùn đỏ bốc lên, dùng tro bay núi lửa và lớp đất dày phủ lên trồng cây. Các nước trên thế giới đều thực hiện điều này bình thường và an toàn”.

Có thể nói toàn bộ công nghệ chế biến bôxít và công nghệ xử lý bùn đỏ của TKV về cơ bản như của Hungary, có khác chăng là điều kiện cụ thể của địa phương.

Nhưng lập luận rằng “Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác” là không chính xác. Ở khu bị vỡ đập, các khoang của Hungary lớn hơn, nhưng cũng không lớn hơn quá nhiều.

Tổng số bùn đỏ trong hơn 50 năm hoạt động và được chứa trong các khoang của nhà máy này tại Hungary là khoảng 30 triệu tấn. Hồ số 1 tại Tân Rai, theo số liệu của TKV có thể ước tính ra sức chứa cỡ 17 triệu tấn bùn đỏ, đảm bảo cho nhà máy hoạt động 12 năm và sẽ chuyển qua hồ chứa số 2.

Người ta cũng nói, hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên không gần sông, suối, là “thung lũng chết” nên không thể vỡ đập, trừ khi có động đất cấp 7 (ông Bộ trưởng nói nay đã quy định phải chịu được động đất cấp 9).

Một khác biệt quan trọng nữa là mưa lũ ở chúng ta lớn hơn ở Hungary rất nhiều, độ cao của Tây Nguyên khoảng 700 m, nên người ta nói các hồ bùn đỏ sẽ là “các quả bom nổ chậm” treo trên nóc nhà quả là không sai.

Thông tin chưa thật sự rõ ràng, TKV hãy đưa ra công khai các thông tin như vị trí, số liệu của hồ chứa bùn đỏ, công nghệ xử lý... một cách chính thức để người dân có thể “củng cố” lòng tin vào sự chắc chắn của hồ bùn đỏ. Còn mỗi người đưa ra một loại thông tin khác nhau (có khi chênh nhau đến ba lần) thì rất khó tin vào những lời hứa như đinh đóng cột của các vị.

TS Nguyễn Quang A

Nếu không an toàn thì dừng

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban dự án nhôm của tổng công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam – TKV:

“Phương pháp xử lý bùn đỏ áp dụng tại hai nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Dăk Nông) không phải là phương pháp tiên tiến nhất. Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không”.

Hồ chứa bùn đỏ an toàn về lý thuyết

Bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên:

“Tôi không giật mình vì sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Hungary, công nghệ của họ khác hoàn toàn của Việt Nam. Chúng tôi đã sang tận Brazil, Úc khảo sát mô hình chứa bùn đỏ để học tập”.

Không nhất thiết dừng dự án

Ông Dương Văn Hoà, Phó tổng giám đốc TKV:

“Không nên vì sự cố ở Hungary mà dừng hoàn toàn công nghiệp nhôm. Rõ ràng nếu dừng nhà máy, thiệt hại lớn, nặng nề là nhãn tiền bởi đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bôxit Tây Nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng (khoảng 600 triệu USD). Các nhà máy ở Việt Nam đã có phương án đảm bảo an toàn, đã tính hết phương án chống thấm, chống tràn, động đất, lũ quét và tiếp tục nghiên cứu để tăng tính an toàn”.

Cơ hội để rút khỏi dự án trong danh dự

GS Chu Hảo:

“Thảm hoạ bùn đỏ mà người Hungary đang phải gánh chịu là một thời điểm thích hợp, thậm chí là cơ hội tốt nhất để chúng ta rút khỏi dự án một cách hợp lý, trong danh dự”.


Nguồn: SGTT

Dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa ô nhiễm

Dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa ô nhiễm
Tô Văn Trường



Lượng bùn đỏ lớn ở Tây Nguyên sẽ là "quả bom bẩn" rình rập nếu không xử lý ổn thỏa (Ảnh ĐV)


(VNR500) - "Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài" - TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho hay.

LTS: Ngay sau khi mở diễn đàn tranh luận về việc nên tiếp hay dừng dự án bô-xít Tây Nguyên, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 đã nhận được bài viết của TS. Tô Văn Trường.

Từ việc hoan nghênh sự thận trọng trong việc đưa ra các khuyến nghị cần thiết trên diễn đàn Quốc hội, bài viết đã đưa ra những lập luận lý giải tại sao chúng ta không nên triển khai dự án bô-xít Tây Nguyên vào thời điểm này.

Theo tác giả, chờ đến khi khoa học và công nghệ phát triển, việc khai thác bô-xít trở lại cũng chưa là muộn. Hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau. Và hãy nhìn những bài học trước đó mà chính Việt Nam đã vấp phải để xem xét đến hiệu quả và tính an toàn của dự án.

Mời bạn đọc tham khảo và cùng tranh luận với quan điểm của tác giả. Mọi ý kiến xin gửi về: vnr500@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn.

Sự thận trọng cần thiết


Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị: "Cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô-xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên một tờ báo điện tử ngày 23/10, ông Dương Trung Quốc lại cho rằng, vì không có kiến thức chuyên môn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên, nên không vội vã đề nghị ngừng ngay dự án.

Trong cuộc sống, dù có là vĩ nhân cũng không thể biết hết tất cả mọi lĩnh vực, cho nên thận trọng lắng nghe các ý kiến đa chiều suy ngẫm để hiểu và có ý kiến của riêng mình là điều cần và bắt buộc phải có của người đại diện nhân dân.

Tôi chưa có dịp được gặp mặt, trò chuyện trực tiếp với đại biểu Dương Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên "giao lưu" qua email, nhất là sau sự kiện mở rộng thủ đô vì tôi luôn quý trọng ông là người biết lắng nghe và có chính kiến.

Dự án bô-xít là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Đã có quá nhiều bài viết, ý kiến sâu sắc, tâm huyết của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước về dự án bô-xít, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa qua.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ mong sao giải tỏa được nỗi băn khoăn, thận trọng của đại biểu Dương Trung Quốc và xin góp một số ý kiến để các đại biểu Quốc hội tham khảo khi chuẩn bị thảo luận trên diễn đàn của Quốc hội.

Về lý thuyết, khi thiết kế bất cứ công trình nào người ta cũng phải đảm bảo an toàn, nhưng thực tế sau đó không ít công trình vẫn xảy ra sự cố.

Khu vực xây dựng hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên không phải là vùng ít mưa như một số người "ngụy biện", mà là vùng có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.100 mm, khác hẳn với Phan Rang, Phan Thiết chỉ có 700 mm/năm.

Về nguyên lý nước mưa rơi xuống mặt đất phải tìm chỗ thấp trũng để chảy "nước chảy chỗ trũng", do đó thung lũng là nơi lý tưởng để dòng nước tập trung đến. Sức chứa của thung lũng không thể vô hạn, nếu lượng mưa quá khả năng dung tích của hồ chứa, trong khi đáy hồ đã được lót chống thấm kỹ lưỡng, nước mưa không thể thấm xuống đất, chỉ còn cách phải chảy tràn ra ngoài.

Bùn đỏ chứa xút (tức soda: NaOH), sắt, nhôm, silic, natri, canxi, titan, mangan, vanadium, crôm, chì, cadmium. Sự kết hợp của nhiều kim loại và khoáng sản, khiến chất thải bùn đỏ rất độc hại với con người, động vật, thuỷ sản, vật nuôi, cây trồng. Trong nước ngọt, nồng độ nhôm 1,5 mg/lít và sắt 3 mg lít đủ để gây chết cho cá. Ngoài ra, bùn đỏ có độ phóng xạ cao gấp 3 lần so với bauxite.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên, khi trả lời các nhà báo ở hành lang Quốc hội, cho rằng: "Công nghệ xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên làm hơi khác ở chỗ, Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác"...

Để tránh cho người đọc hiểu là Bộ trưởng đá "lộn sân", chỉ nên giải thích những điều gì trong phạm vi mà ngành mình phụ trách, không nên giải thích thay mặt TKV hay nhà thầu Trung Quốc.

Các lô mà Bộ trưởng nhắc đến cũng đều nằm chung nhau trong "hồ bùn đỏ", một khi có sự cố thì cũng mất an toàn như nhau.

Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện năm xưa, khi đi khảo sát thực tế thấy người dân Kiên Giang nghèo khó lại thiếu nước sinh hoạt, Chủ tịch nước Trần Đức Lương chỉ thị xây hồ Nam Du.

Hồ được thiết kế an toàn (theo lý thuyết), có lớp vải địa kỹ thuật chống thấm ở đáy hồ nhưng khi vận hành, hồ không giữ được nước. Truy tìm nguyên nhân, thì ra các lớp vải địa kỹ thuật đã không còn nguyên vẹn, những chỗ rách của vải chống thấm dù không nhiều cũng đã làm thấm mất nước hồ.

Đến ngày nay, mặc dù đã đi vào vận hành, không ít người vẫn cho rằng vì chính trị và tư duy vùng miền nên phải trả giá về việc đặt vị trí và hiệu quả thực sự của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Coi bô-xít như của để dành

Đối với dự án bô xít Tây Nguyên dễ nhận dạng hơn. Nguy cơ lớn nhất là sản lượng alumina nếu sản xuất càng lớn sẽ càng phải cần khối lượng xút (NaOH) theo tỷ lệ tương ứng để chế biến quặng (theo công thức hóa học).

Nước ta không thể sản xuất ra xút vì quá tốn kém và không đủ điện năng, chỉ còn cách phải mua của Trung Quốc là tiện lợi nhất.

Lượng xút khổng lồ này phải vận chuyển từ cảng biển lên Tây Nguyên và quay lại chở sản phẩm ra cảng biển, tốn kém về kinh tế và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.



Rõ ràng, nếu đặt nhà máy tinh luyện ở gần biển, vừa đỡ mất công vận chuyển nguyên liệu xút, vừa không lo nguy cơ quả "bom bùn đỏ" ở trên núi cao.

Không cần đến chuyên gia sử dụng mô hình cân bằng tổng thể kinh tế để chỉ ra rằng dự án bô-xít lỗ to.

Chỉ cần tính đem chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm tại chỗ, cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí sản xuất cần tính cả chi phí đầu tư. Nếu có giá trị tổng đầu tư thì đem chia cho 50 (đời sống của nhà máy 50 năm) để ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành. Tôi khó tưởng tượng là một nhà máy luyện alumina có thể có tuổi thọ 50 năm.

Sau đó, so sánh giá 1 tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án.

Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh với lãi nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bô-xít trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.

Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài.

Cũng cần lưu ý rằng, nhà đầu tư TKV, đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường "bao cấp" không tính phí tài nguyên môi trường, Bộ GTVT "hỗ trợ" tuyến đường vận chuyển (bằng tiền ngân sách), Bộ Công Thương dự trù "biếu không" nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bô-xit, v.v.

Tất cả các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, cần phải hết sức thận trọng, suy tính sử dụng cho có hiệu quả vì nợ công đã đến mức báo động đỏ.

Nhiều nước như Australia, Mỹ, châu Âu vẫn đang sử dụng phương pháp xử lý bùn đỏ bằng bể lưu trữ theo công nghệ khép kín hoặc thải ra biển. Mặc dù an toàn như thế, nhưng người ta vẫn không an tâm.

Ở Pháp, có nhà máy sản xuất nhôm duy nhất của Công ty Rio Tinto Alcan, nằm ở Gardanne, gần tỉnh Cassis có khối lượng tích tụ bùn đỏ hiện nay khoảng 20 triệu tấn. Nhà máy Gardanne đang chuẩn bị giải pháp công nghệ mới để nâng cấp việc xử lý bùn đỏ được chuyển thành "Bauxaline".

Chất này, được dùng làm vật liệu trơ trong các lĩnh vực công trình công cộng, xây dựng và có lợi thế là có thể được sử dụng lại. Từ năm 2015 ở Pháp sẽ bị cấm thải bùn đỏ ra biển và bể lưu giữ cũng sẽ bị cấm từ năm 2021.

Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo. Con người cần nhôm, do đó phải khai thác bauxite và đương nhiên phải chấp nhận giải quyết chất thải bùn đỏ độc hại thật rốt ráo, an toàn.

Khoa học và công nghệ của loài người để xử lý bùn đỏ đến nay tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa có phương cách xử lý tối ưu tuyệt đối, ngoài ra còn phải đối đầu với những tai nạn, rủi ro bất thường trong quá trình sản xuất và biến đổi của khí hậu, thời tiết...

Đây là lý do rất chính đáng khiến rất nhiều người dân, nhà khoa học, nhiều trí thức uy tín đã đề nghị nước ta chưa vội khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, luyện alumina và nhôm, vì nhiều điều kiện về công nghệ, kinh tế (sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ...), văn hoá, xã hội đều thiếu hoặc thậm chí chưa có.

Chờ những năm sau khi khoa học và công nghệ của con người tiến bộ hơn, hoàn chỉnh hơn mới khai thác thì cũng chẳng muộn, coi bô-xít như vốn tài nguyên, của để dành cho thế hệ con cháu mai sau.

Dự án bô-xít Tây Nguyên nếu nhìn lại quá trình đàm phán và cam kết, có thể nói đó là chuyện đã trót lỡ, rồi mới đưa ra Quốc hội cho đủ thủ tục. Ngay Trung Quốc cũng đã phải tự đình chỉ khai thác một số dự án bô-xít vì ô nhiễm đến môi trường.

Ở nước ta từ thập niên 80 đã tuyển luyện pyrite (FeS2) ở Phú Thọ, Hà Sơn Bình để lấy lưu huỳnh làm superphotphat Lâm Thao. Đến năm 1992 thấy ô nhiễm môi trường và quá tốn kém, sản phẩm làm ra còn đắt hơn rất nhiều so với nhập khẩu nên nhà nước đã đình chỉ khai thác pyrite.

Đó là bài học kinh nghiệm quý báu đối với những người có trách nhiệm về dự án bô-xit Tây Nguyên.

T. V. T.

Nguồn: vnr500

Năm tử huyệt của đảng CSVN

Năm tử huyệt của đảng CSVN
Posted on 26/10/2010 by danlambaoblog
Phạm Thị Oanh Yến (danlambao) – Hiện tại, trong nội bộ đảng CSVN đang tồn tại năm mâu thuẫn một cách khách quan.

1. Mâu thuẫn giữa các bè phái, phe cánh. Khi mâu thuẫn đối kháng bị triệt tiêu, thì mâu thuẫn nội bộ sẽ trở nên khốc liệt, phủ định và triệt tiêu lẫn nhau. Do quyền lực được tập trung hầu như tuyệt đối nên xuyên suốt trong quá trình tồn tại của các đảng CS, từ châu Á qua châu Âu, trong nội bộ đảng CS lúc nào cũng xẩy ra những cuộc chạy đua quyền lực khốc liệt và nạn bè phái, phe cánh.

Từ Stalin với Trosky, Mao Trạch Đông với bè lũ bốn tên, Lê Đức Thọ với Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ văn Kiệt với Lê Đức Anh, Đỗ Mười v.v…. Nạn bè phái không chỉ ở cấp trung ương mà cả địa phương, các cơ quan bộ ngành. Tình trạng này dẫn tới cách làm việc bằng mặt nhưng không bằng lòng, thiếu sự phối hợp. Chính sự mâu thuẫn này đã ảnh hưởng đến cách điều hành đất nước, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và cả đường hướng đối ngoại của Việt Nam. Do đó chẳng lấy gì làm lạ khi các chính sách của chính phủ Việt Nam đưa ra không nhất quán. Theo kiểu sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng. Có tính cách giật cục, cà giựt.

2. Mâu thuẫn giữa năng lực, trình độ cán bộ, quan chức và chức vụ, trọng trách được giao.

Trước hết xuất phát từ tâm lý ghét và sợ trí thức. Mao Trạch Đông đã từng gọi trí thức là cục phân, và với cuộc cách mạng văn hóa, phong trào trăm hoa đua nở, với lực lượng Hồng Vệ Binh đã đưa không biết bao trí thức vào cảnh đọa đầy, tra khảo. Liên Xô cũng không khác gì qua mô tả của Solzhenitsyn trong tác phẩm quần đảo ngục tù, một ngày trong đời của Ivan…

Ở Việt Nam một thời với khẩu hiệu của Trần Phú : TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO đào tận gốc trốc tận rễ, và vụ án NHÂN VĂN GIAI PHẨM đã vùi dập nhiều trí thức xuống tận cùng xã hội. Cộng sản ghét và sợ trí thức vì nhẽ khi có một kiến thức nhất định, với một tâm trí thông tuệ thì hầu như ai cũng nhận thức ra rằng cái mớ lý luận tạp nham của học thuyết Mác Lê là viển vông, vớ vẫn. Chỉ có bọn tâm thần hoặc quá ngu độn mới mù quáng tin theo. Chính vì vậy khi kết nạp đảng viên lý lịch phải được xét ba đời, và ưu tiên là thành phần bần cố nông. Lãnh đạo dĩ nhiên là đảng viên, nếu trình độ, năng lực kém thì cho đi học tại chức, chuyên tu. Nhưng khổ nỗi đã bần cố nông thì đầu toàn bã đậu học hành gì.

Đã có giai đoạn câu vè DỐT NHƯ CHUYÊN TU, NGU NHƯ TẠI CHỨC được truyền miệng trong lòng xhcn niền bắc trước 1975. Có trường hợp thành phần cơ bản nhưng sau khi được đi học, vỡ ra nhiều điều cũng bị loại bỏ, Hà Sỹ Phu là một minh chứng. Thử nhìn lại hàng ngũ lãnh đạo hiện nay có mấy ai từ địa phương đến trung ương học hành tử tế. Không bằng cấp ba rỡm thì cũng tiến sỹ, thạc sỹ đại học ma Nam Thái Bình Dương, sang lắm là cái bằng cao cấp hoặc thạc sỹ lý luận Mác Lê của cái trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Mà cái trường này dạy cái gì, khỏi nói ai cũng biết.

Kế đến bản thân đã dốt, lại còn phải kéo bè kéo cánh, phải kiếm những thằng cùng cạ, dốt cũng được không cần giỏi, mới dễ sai bảo và có đệ tử thực hiện những toan tính cá nhân. Tóm lại công tác tổ chức là cần hồng không cần chuyên, cần người tín cẩn không cần giỏi. Bố trí chức vụ rồi mới đào tạo sau. Mà ngày nay điều hành đất nước, nền kinh tế vĩ mô mà không có tri thức tương xứng là một thảm họa. VINASHIN là một bằng chứng còn tươi rói.

3. Mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích và quyền lợi của dân tộc, cộng đồng

Đảng Cộng Sản và chính phủ Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn với mong muốn tạo ra những quả đấm thép về kinh tế kiểu các chaebol Hàn quốc. Nhưng các tập đoàn này vì chạy theo lợi nhuận sẽ sẵn hy sinh quyền lợi dân tộc và cộng đồng. Điển hình là EVN, TKV liên tục kêu gào đòi tăng giá điện cho bằng giá với các nước trong khu vực. Trong khi đó thu nhập của dân VN như thế nào, không đếm xỉa đến. PETRO thì đòi lập quỹ dự phòng xăng dầu trong khi giá thế giới đã xuống tự khi nào.

4. Mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích

Vì lợi ích cục bộ các nhóm lợi ích sẽ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau. Có một dạo báo chí lề phải đã đăng rùm beng cuộc chiến cột điện giữa EVN và PNVT, FPT, VIETTEL. TKV, PETRO luôn gây sức ép tăng giá than, giá gas bán cho EVN. Cứ như vậy giá cả mọi mặt hàng cho sinh hoạt đều liên tục tăng. Lạm phát là điều không tránh khỏi. Lợi ích của dân tộc, cộng đồng bị bỏ mặc. Chính mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích sẽ đẩy mâu thuẫn giữa ĐCSVN với quyền lợi của dân tộc và cộng đồng lên đến đỉnh điểm và lúc đó sẻ là dấu chấm hết cho sự toàn trị của ĐCSVN.

5. Mâu thuẫn giữa một học thuyết đã lỗi thời, xơ cứng và trở nên phản động, cản trở sự tiến bộ của đất nước, dân tộc với không chỉ lớp trẻ ngày nay có kiến thức, có chính kiến riêng mà với cả những người một thời tin tưởng cống hiến với tâm huyết, nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ.

Với năm mâu thuẫn cơ bản trên, chính ĐCSVN đã và đang thúc đẩy quá trình diển biến hòa bình ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng và ngày càng quyết liệt hơn. Không cần có khả năng ngoại cảm nhưng tôi xác tín rằng sẽ tự đặt dấu chấm hết của sự độc tài toàn trị không quá 2014

Phạm Thị Oanh Yến (bạn đọc Danlambao)

Tặng chị Hằng.

Nguyễn Trần Cường says:
26/10/2010 lúc 9:06 sáng
Tặng chị Hằng.
Chị vùi mình Trường Sơn
Trong bom gào đạn xé
Trời nung người chảo lửa
Bão lũ giật triền miên
Chiến tranh và thiên nhiên
Bủa vây dòng đời chị
Tuổi xuân nhiều mộng mị
Thương hoa cải bướm vàng
Chứng kiến bao tóc tang
Máu đỏ loang đồng đội
Xót những người vô tội
Trở thành nấm mồ hoang
Lịch sử bước sang trang
Thả dấu chân đồng nội
Ngắm khung trời vời vợi
Hoa cải lại vàng tươi…
Rồi Trăng ơi Trăng ơi
Vầng Trăng chưa kịp cười
Màn đêm đà khép lại
Mây đen ám đầy trời
Lại đơn độc chơi vơi
Bàn tay không còn súng
Dòng máu người chiến sĩ
Vẫn chảy tràn khôn nguôi
Không thể nào buông xuôi
Trước tham tàn bạo ngược
Giữa màn đêm thẳng bước
Dù ngã xuống đâu sờn
Lại mùa hoa cải sang
Cùng bướm vàng đang đợi
Hồn những người đồng đội
Thôi thúc chị lên đàng.

Tan ..........Thơ Nghiêm Thị Hằng

Tan

Trăng vẫn chỉ là trăng
Nếu mình trăng lẻ bóng
Biển muôn ngàn con sóng
Vẫn một mình cô đơn
Nếu tình không trao nhau
Em như trăng lẻ bóng
Anh biển ôm mối sầu
Bạc đầu muôn lớp sóng.
Trăng tan vào lòng biển
Em tan vào tình anh
Biển tan trong muối mặn
Trời tan trong mắt xanh
Sóng tan trên bờ cát
Nụ hôn tan trên môi
Tình yêu tan cơn khát
Tan đắng cay cuộc đời
Tan nắng vào với gió
Tan gió vào với mây
Tân đất vào với nước
Tan cỏ vào với cây
Tan thừa vào với thiếu
Cuộc đời tan trong nhau
nên bao điều kỳ diệu
Tan Hòa Không lẻ loi.

Nghiêm Thị Hằng

Mùa Hoa Bưởi .....Thơ Nghiêm Thị Hằng

Mùa Hoa Bưởi

Nghiêm Thị Hằng

Chẳng phải vô tình em nhớ tháng ba
Nhớ về anh nhớ mùa hoa bưởi
Cánh hoa rơi lòng em bối rối
Chút hương thầm làng bãi lan xa

Chẳng phải vô tình em nhớ tháng ba
Ngõ nhà anh đầy hoa xoan tím
Nhớ bến sông thuyền ai ghé bến
Hương bưởi quê mình níu khách sang sông

Nhớ tuổi thơ em nhặt bông bưởi trắng
Tháng ba này mẹ giã bánh trôi
Anh lớn lên -đi vào quân ngũ
Chúng mình mỗi đứa mỗi nơi

Em về làng giữa mùa hoa bưởi
Hương hoa thơm ướp nước gội đầu
Mẹ bảo anh mùa này nơi biên giới
Hai đứa mày có nhận tin nhau?

Chẳng thể nào giấu mẹ được đâu
Chúng mình yêu nhau từ mùa hoa bưởi
Em đi học xa quê, xa mẹ
Anh về phép thăm nhà buổi ấy tiễn em

Chúng mình dọc lối ngõ quen
Vườn tím hoa xoan, trắng ngần hoa bưởi
Chiều chia tay có gì bối rối
Trăng mọc bao giờ hai đứa không hay

Một mùa hoa chúng mình chia tay
Một mùa mong ngày gặp lại
Ôi mùa hoa lòng em mong đợi
Mùa hoa quê mình, hoa bưởi tháng ba.

Mùa hoa cải bên sông ............. Thơ Nghiêm Thị Hằng

Mùa hoa cải bên sông

Thơ Nghiêm Thị Hằng

Có một mùa hoa cải
Nở vàng bên bến sông
Em đang thì con gái
Đợi anh chưa lấy chồng

Anh rụt rè không dám
Hái một bông cải ngồng
Sợ làm con bướm trắng
Giật mình bay sang sông.

Qua bao mùa hoa cải
Chỉ mình anh biết thôi
Mình anh không dám hái
Hoa cải bay về trời.

Bâng khuâng chiều làng bãi
Không còn hoa cải ngồng
Ai xui anh trở lại
Ngày em đi lấy chồng.

Anh lại gieo hạt cải
Lại âm thầm đợi mong
Có một người con gái
Đợi anh chưa lấy chồng.

*