Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa ô nhiễm

Dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa ô nhiễm
Tô Văn Trường



Lượng bùn đỏ lớn ở Tây Nguyên sẽ là "quả bom bẩn" rình rập nếu không xử lý ổn thỏa (Ảnh ĐV)


(VNR500) - "Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài" - TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho hay.

LTS: Ngay sau khi mở diễn đàn tranh luận về việc nên tiếp hay dừng dự án bô-xít Tây Nguyên, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 đã nhận được bài viết của TS. Tô Văn Trường.

Từ việc hoan nghênh sự thận trọng trong việc đưa ra các khuyến nghị cần thiết trên diễn đàn Quốc hội, bài viết đã đưa ra những lập luận lý giải tại sao chúng ta không nên triển khai dự án bô-xít Tây Nguyên vào thời điểm này.

Theo tác giả, chờ đến khi khoa học và công nghệ phát triển, việc khai thác bô-xít trở lại cũng chưa là muộn. Hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau. Và hãy nhìn những bài học trước đó mà chính Việt Nam đã vấp phải để xem xét đến hiệu quả và tính an toàn của dự án.

Mời bạn đọc tham khảo và cùng tranh luận với quan điểm của tác giả. Mọi ý kiến xin gửi về: vnr500@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn.

Sự thận trọng cần thiết


Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị: "Cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô-xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên một tờ báo điện tử ngày 23/10, ông Dương Trung Quốc lại cho rằng, vì không có kiến thức chuyên môn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên, nên không vội vã đề nghị ngừng ngay dự án.

Trong cuộc sống, dù có là vĩ nhân cũng không thể biết hết tất cả mọi lĩnh vực, cho nên thận trọng lắng nghe các ý kiến đa chiều suy ngẫm để hiểu và có ý kiến của riêng mình là điều cần và bắt buộc phải có của người đại diện nhân dân.

Tôi chưa có dịp được gặp mặt, trò chuyện trực tiếp với đại biểu Dương Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên "giao lưu" qua email, nhất là sau sự kiện mở rộng thủ đô vì tôi luôn quý trọng ông là người biết lắng nghe và có chính kiến.

Dự án bô-xít là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Đã có quá nhiều bài viết, ý kiến sâu sắc, tâm huyết của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước về dự án bô-xít, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa qua.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ mong sao giải tỏa được nỗi băn khoăn, thận trọng của đại biểu Dương Trung Quốc và xin góp một số ý kiến để các đại biểu Quốc hội tham khảo khi chuẩn bị thảo luận trên diễn đàn của Quốc hội.

Về lý thuyết, khi thiết kế bất cứ công trình nào người ta cũng phải đảm bảo an toàn, nhưng thực tế sau đó không ít công trình vẫn xảy ra sự cố.

Khu vực xây dựng hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên không phải là vùng ít mưa như một số người "ngụy biện", mà là vùng có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.100 mm, khác hẳn với Phan Rang, Phan Thiết chỉ có 700 mm/năm.

Về nguyên lý nước mưa rơi xuống mặt đất phải tìm chỗ thấp trũng để chảy "nước chảy chỗ trũng", do đó thung lũng là nơi lý tưởng để dòng nước tập trung đến. Sức chứa của thung lũng không thể vô hạn, nếu lượng mưa quá khả năng dung tích của hồ chứa, trong khi đáy hồ đã được lót chống thấm kỹ lưỡng, nước mưa không thể thấm xuống đất, chỉ còn cách phải chảy tràn ra ngoài.

Bùn đỏ chứa xút (tức soda: NaOH), sắt, nhôm, silic, natri, canxi, titan, mangan, vanadium, crôm, chì, cadmium. Sự kết hợp của nhiều kim loại và khoáng sản, khiến chất thải bùn đỏ rất độc hại với con người, động vật, thuỷ sản, vật nuôi, cây trồng. Trong nước ngọt, nồng độ nhôm 1,5 mg/lít và sắt 3 mg lít đủ để gây chết cho cá. Ngoài ra, bùn đỏ có độ phóng xạ cao gấp 3 lần so với bauxite.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên, khi trả lời các nhà báo ở hành lang Quốc hội, cho rằng: "Công nghệ xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên làm hơi khác ở chỗ, Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác"...

Để tránh cho người đọc hiểu là Bộ trưởng đá "lộn sân", chỉ nên giải thích những điều gì trong phạm vi mà ngành mình phụ trách, không nên giải thích thay mặt TKV hay nhà thầu Trung Quốc.

Các lô mà Bộ trưởng nhắc đến cũng đều nằm chung nhau trong "hồ bùn đỏ", một khi có sự cố thì cũng mất an toàn như nhau.

Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện năm xưa, khi đi khảo sát thực tế thấy người dân Kiên Giang nghèo khó lại thiếu nước sinh hoạt, Chủ tịch nước Trần Đức Lương chỉ thị xây hồ Nam Du.

Hồ được thiết kế an toàn (theo lý thuyết), có lớp vải địa kỹ thuật chống thấm ở đáy hồ nhưng khi vận hành, hồ không giữ được nước. Truy tìm nguyên nhân, thì ra các lớp vải địa kỹ thuật đã không còn nguyên vẹn, những chỗ rách của vải chống thấm dù không nhiều cũng đã làm thấm mất nước hồ.

Đến ngày nay, mặc dù đã đi vào vận hành, không ít người vẫn cho rằng vì chính trị và tư duy vùng miền nên phải trả giá về việc đặt vị trí và hiệu quả thực sự của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Coi bô-xít như của để dành

Đối với dự án bô xít Tây Nguyên dễ nhận dạng hơn. Nguy cơ lớn nhất là sản lượng alumina nếu sản xuất càng lớn sẽ càng phải cần khối lượng xút (NaOH) theo tỷ lệ tương ứng để chế biến quặng (theo công thức hóa học).

Nước ta không thể sản xuất ra xút vì quá tốn kém và không đủ điện năng, chỉ còn cách phải mua của Trung Quốc là tiện lợi nhất.

Lượng xút khổng lồ này phải vận chuyển từ cảng biển lên Tây Nguyên và quay lại chở sản phẩm ra cảng biển, tốn kém về kinh tế và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.



Rõ ràng, nếu đặt nhà máy tinh luyện ở gần biển, vừa đỡ mất công vận chuyển nguyên liệu xút, vừa không lo nguy cơ quả "bom bùn đỏ" ở trên núi cao.

Không cần đến chuyên gia sử dụng mô hình cân bằng tổng thể kinh tế để chỉ ra rằng dự án bô-xít lỗ to.

Chỉ cần tính đem chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm tại chỗ, cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí sản xuất cần tính cả chi phí đầu tư. Nếu có giá trị tổng đầu tư thì đem chia cho 50 (đời sống của nhà máy 50 năm) để ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành. Tôi khó tưởng tượng là một nhà máy luyện alumina có thể có tuổi thọ 50 năm.

Sau đó, so sánh giá 1 tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án.

Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh với lãi nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bô-xít trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.

Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài.

Cũng cần lưu ý rằng, nhà đầu tư TKV, đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường "bao cấp" không tính phí tài nguyên môi trường, Bộ GTVT "hỗ trợ" tuyến đường vận chuyển (bằng tiền ngân sách), Bộ Công Thương dự trù "biếu không" nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bô-xit, v.v.

Tất cả các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, cần phải hết sức thận trọng, suy tính sử dụng cho có hiệu quả vì nợ công đã đến mức báo động đỏ.

Nhiều nước như Australia, Mỹ, châu Âu vẫn đang sử dụng phương pháp xử lý bùn đỏ bằng bể lưu trữ theo công nghệ khép kín hoặc thải ra biển. Mặc dù an toàn như thế, nhưng người ta vẫn không an tâm.

Ở Pháp, có nhà máy sản xuất nhôm duy nhất của Công ty Rio Tinto Alcan, nằm ở Gardanne, gần tỉnh Cassis có khối lượng tích tụ bùn đỏ hiện nay khoảng 20 triệu tấn. Nhà máy Gardanne đang chuẩn bị giải pháp công nghệ mới để nâng cấp việc xử lý bùn đỏ được chuyển thành "Bauxaline".

Chất này, được dùng làm vật liệu trơ trong các lĩnh vực công trình công cộng, xây dựng và có lợi thế là có thể được sử dụng lại. Từ năm 2015 ở Pháp sẽ bị cấm thải bùn đỏ ra biển và bể lưu giữ cũng sẽ bị cấm từ năm 2021.

Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo. Con người cần nhôm, do đó phải khai thác bauxite và đương nhiên phải chấp nhận giải quyết chất thải bùn đỏ độc hại thật rốt ráo, an toàn.

Khoa học và công nghệ của loài người để xử lý bùn đỏ đến nay tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa có phương cách xử lý tối ưu tuyệt đối, ngoài ra còn phải đối đầu với những tai nạn, rủi ro bất thường trong quá trình sản xuất và biến đổi của khí hậu, thời tiết...

Đây là lý do rất chính đáng khiến rất nhiều người dân, nhà khoa học, nhiều trí thức uy tín đã đề nghị nước ta chưa vội khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, luyện alumina và nhôm, vì nhiều điều kiện về công nghệ, kinh tế (sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ...), văn hoá, xã hội đều thiếu hoặc thậm chí chưa có.

Chờ những năm sau khi khoa học và công nghệ của con người tiến bộ hơn, hoàn chỉnh hơn mới khai thác thì cũng chẳng muộn, coi bô-xít như vốn tài nguyên, của để dành cho thế hệ con cháu mai sau.

Dự án bô-xít Tây Nguyên nếu nhìn lại quá trình đàm phán và cam kết, có thể nói đó là chuyện đã trót lỡ, rồi mới đưa ra Quốc hội cho đủ thủ tục. Ngay Trung Quốc cũng đã phải tự đình chỉ khai thác một số dự án bô-xít vì ô nhiễm đến môi trường.

Ở nước ta từ thập niên 80 đã tuyển luyện pyrite (FeS2) ở Phú Thọ, Hà Sơn Bình để lấy lưu huỳnh làm superphotphat Lâm Thao. Đến năm 1992 thấy ô nhiễm môi trường và quá tốn kém, sản phẩm làm ra còn đắt hơn rất nhiều so với nhập khẩu nên nhà nước đã đình chỉ khai thác pyrite.

Đó là bài học kinh nghiệm quý báu đối với những người có trách nhiệm về dự án bô-xit Tây Nguyên.

T. V. T.

Nguồn: vnr500

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét