Chứa bùn đỏ trong thung lũng – an toàn hay nguy cơ?
Tấn Đức
(TBKTSG) - Ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư của hai dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên, có nói với báo chí là đang rà soát lại thiết kế hồ chứa bùn đỏ. Ông cũng cho rằng, các hồ này được đặt trong thung lũng sâu 15 mét, nên rất an toàn. Nhưng chính việc lấy thung lũng làm nơi chứa bùn đỏ lại khiến một số nhà khoa học lo lắng.
TS. Nguyễn Thành Sơn khẳng định, chọn thung lũng làm nơi chứa chất thải bùn đỏ là cách tính toán rất dở về an toàn môi trường. Nó chỉ hay nếu nhìn ở khía cạnh tiết kiệm.
Ông nói: “Trong xây dựng, người ta kiêng kỵ đặt công trình, kể cả bãi chứa chất thải, ở những nơi tụ thủy. Chọn thung lũng làm hồ chứa bùn thải đã vi phạm vào điều cấm kỵ đó. Vì khi có mưa bão, đây sẽ là nơi hứng nước từ trên triền đồi, núi đổ xuống, gây ra nguy cơ phát tán chất thải rất lớn”. “Dù rằng dưới góc độ hiệu quả kinh tế của dự án, thì đây là sáng kiến hay”, ông Sơn nói tiếp: “Vì chỉ cần xây một đập chắn ở hạ lưu là đã có được một hồ chứa”.
Tây Nguyên là vùng thường xuyên bị bão hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão ở miền Trung. Hệ quả là ở đây thường xuyên có những trận mưa rất lớn và có thể gây ra lở đất. Vấn đề đặt ra là các hồ chứa này, vốn là nơi hội tụ của các dòng nước từ trên cao đổ xuống, sẽ ra sao nếu bị ngập?
Trong tình huống này, dù đập chứa không bị vỡ, thì nước vẫn có thể tràn qua đập, cuốn theo nó những chất thải độc hại xuống những vùng đất, sông, suối ở hạ du, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
Ở đây cũng xin mở ngoặc nói thêm, trong thiết kế hồ chứa bùn đỏ của TKV, có xây dựng các mương thu hồi và thoát nước mưa. Đại diện TKV cho biết, việc xây dựng mương thoát đã được tính toán phù hợp với thực tế. Nhưng thời tiết luôn chứa đựng những bất ngờ. Không rõ TKV đã tính tới tình huống một trận lũ, lụt kinh hoàng giống như đang diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh xảy ra ở Tây Nguyên thì hậu quả sẽ như thế nào chưa?
TS. Nguyễn Đình Hòe – Khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng có chung mối lo lắng như ông Nguyễn Thành Sơn. Ông không bàn trực tiếp tới giải pháp chứa bùn đỏ của TKV, vì theo ông về lý thuyết người ta có thể chứa cả chất thải trên mặt trăng! Ông đặc biệt lưu tâm đến khía cạnh địa động lực của khu vực Tây Nguyên. Ông nói: “Thung lũng, đặc biệt là những thung lũng dài, thường phát triển dọc theo những vùng đứt gãy đang hoạt động của vỏ quả đất. Vì vậy, khi chọn thung lũng làm hồ chứa bùn đỏ, dứt khoát TKV phải chắc chắn rằng khu vực đó địa chất đã ổn định”.
TS. Nguyễn Đình Hòe trưng ra các dữ liệu khoa học cho thấy, Tây Nguyên được hình thành do hoạt động xô đẩy của vỏ trái đất, làm cho vùng đất này nhô cao và quá trình này diễn ra rất nhanh. “Nếu hoạt động này vẫn đang tiếp diễn, sẽ tiếp tục quá trình tạo vòm, đứt gãy và nguy cơ đối với các hồ chứa sẽ rất lớn”, ông nói.
Điều đáng lo ngại là hoạt động kiến tạo của vỏ đất ở vùng Tây Nguyên không chỉ là chữ “nếu” của thì tương lai, mà nó thực sự đang hiện hữu. TS. Hòe cho biết, những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều “hiện tượng lạ”. Chẳng hạn như những vết nứt tự dưng xuất hiện trên mặt đất; giữa mùa khô hạn mà nước nóng tự dưng phun lên từ dưới lòng đất; hai hàng cây cà phê cách nhau tới năm mét, tự dưng bị dịch chuyển sát lại nhau thành một hàng...
Theo ông Hòe, những hiện tượng được cho là lạ kể trên thực chất là kết quả của sự chuyển động, xô đẩy của vỏ trái đất gây nên. Ông khẳng định: “Tây Nguyên không yên bình. Đây vẫn là vùng có địa động lực hoạt động khá mạnh”.
Ngoài ra, TS. Hòe còn khuyến cáo về tình trạng xói mòn, mối nguy cơ tiềm ẩn đối với khả năng phát tán chất thải độc hại từ bùn đỏ về lâu dài. Ông nói: “Đây là khu vực có tốc độ xói mòn rất mạnh. Trước đây, do tốc độ tạo vòm phát triển nhanh, nên chưa kịp phá hủy các vùng đất Tây Nguyên, mà để lại ở đây những vùng bình nguyên rộng lớn. Trong tương lai, việc xói mòn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ để tạo thành những địa hình phân cấp”.
Theo thiết kế của TKV, những hồ chứa bùn đỏ sẽ được chôn lấp vĩnh viễn. Với sự xói mòn lớn như vậy, về lâu dài việc bảo đảm bùn đỏ trong các hồ chứa không bị nước cuốn trôi ra khỏi bãi chôn lấp là ẩn số lớn. Nhất là sau khi khai thác xong, các bãi chứa chất thải bị bỏ phế, không còn được đầu tư để bảo dưỡng, duy tu. Khi ấy, nước trôi ra từ hồ chứa bùn đỏ cũng có màu đỏ như nước từ khu vực đất đỏ bazan khác, thì liệu có thể phát hiện kịp thời để ngăn chặn hay không?
Ông Hòe cho rằng, giải pháp chôn lấp bùn đỏ vĩnh viễn của TKV cũng đồng nghĩa với duy trì mối nguy hiểm vĩnh viễn. Ông nhấn mạnh: “Cái gì chôn vĩnh viễn thì rủi ro cũng vĩnh viễn”.
T. Đ.
Nguồn: Thesaigontimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét