Quốc hội cần có phản hồi về dự án bô-xít
Cao Nhật - Lan Anh
GS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: VietNamNet
(VNR500) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng và Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Thuyết đều bày tỏ sự quan tâm, lo ngại về dự án bô-xít Tây Nguyên, đặc biệt khi mới đây, các nhân sĩ trí thức đã cùng ký tên vào bản kiến nghị tạm dừng khai thác, khi trao đổi với báo giới bên hành lang QH sáng 25/10.
GS. Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH ĐăkLăk): Không đồng tình với "trấn an" của lãnh đạo Bộ Công thương
Tôi đã đọc bản kiến nghị đó, nhiều bạn bè thân thiết của tôi cũng đã đặt bút ký ủng hộ. Nhưng lần này tôi không tham gia ký vì lần trước cả Quốc hội cũng chỉ có tôi ký nên bị "kêu" nhiều quá. Thêm vào đó thì Quốc hội cũng là một diễn đàn, một kênh để chúng tôi bày tỏ ý kiến rồi.
Tôi cũng rất băn khoăn ở chỗ là nhiều ý kiến bảo chúng ta làm nhưng không có lãi, không có lãi thì làm gì? Nếu có lãi nhiều thì mình còn có lý do làm ngay chứ không có lãi thì tôi không hiểu làm để làm gì?!
Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, vì một số ý kiến lãnh đạo ở Bộ này bảo là Việt Nam khác Hungary vì Việt Nam có thung lũng.
Nhưng họ quên là thung lũng ở trên cao, có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, mà ngấm xuống nước ngầm thì nó chảy xuống cả Đồng bằng Nam Bộ, quá nguy hiểm!
Ngoài ra, Đông Nam Bộ cũng đang bị đe dọa bởi hiện tượng dâng lên của mực nước biển. Vì thế, tương lai vùng này sẽ đối diện nhiều nguy cơ - mà đây lại là vựa lương thực của cả nước - nên rất đáng phải quan tâm.
Thảm họa xảy ra ở Hungary làm tôi rất suy nghĩ vì họ đã có hơn 30 năm kinh nghiệm và vẫn phải chịu thảm họa như thế, nói gì đến mình. Vì vậy nguy cơ xảy ra thảm họa đối với mình là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Đọc bản kiến nghị tôi thấy có đủ cơ sở, hơn 1.500 người ký. Tôi nghĩ sẽ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Họ đều là những người rất uy tín như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, các lão tướng, các lão thành cách mạng, đông đảo trí thức trong và ngoài nước, kể cả GS. Ngô Bảo Châu... thì chắc chắn lãnh đạo Đảng và Chính phủ không thể không xem xét kiến nghị đó.
Ngay cả Quốc hội cũng rất quan tâm và tôi nghĩ là Quốc hội cũng nên có phản hồi, nhưng thực sự trong hoàn cảnh như lúc này trả lời như thế nào cũng là bài toán khó vì mọi thứ đã ký kết và đang triển khai hết rồi.
Ý kiến cá nhân của tôi thì tôi muốn Quốc hội sẽ có thảo luận và ra một Nghị quyết mới, nhưng tôi cũng không chắc là đề nghị này có được không. Theo tôi biết, trong chương trình kỳ này sẽ có thảo luận, và nếu trong trường hợp không có thảo luận thì sẽ có phát biểu tại hội trường. Chắc chắn có tôi trong số những người đó.
Đại biểu Phạm Thị Loan (ĐBQH Hà Nội): Nên tính quy mô và làm thử
Về khía cạnh trách nhiệm với đất nước thì ai cũng lo lắng. Và những người cùng ký tên gửi kiến nghị gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước là những người rất có trách nhiệm về sự phát triển của đất nước.
Về chuyện này, cá nhân tôi có một số lo lắng, như dự án khai thác bô-xít của chúng ta đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế nghe ra không tương xứng.
ĐBQH Phạm Thị Loan. Ảnh: VietNamNet
Ngoài ra, rủi ro cũng rất là lớn vì những nước như Hungary có kinh nghiệm khai thác từ rất lâu rồi mà vẫn phải chịu thảm họa như vậy thì mình cũng phải có những suy xét rất nghiêm túc về sự đầu tư đó.
Vì vậy, chúng ta nên xem lại quy mô và mức độ đầu tư như thế nào, và phải rà soát lại về mặt kỹ thuật để xem đầu tư thế nào cho tương xứng.
Tôi cũng cho rằng, không phải bây giờ Quốc hội ra Nghị quyết rồi thì mình cứ đầu tư ào ạt, làm lớn thì theo quan điểm của tôi cũng cần phải cân nhắc lại suy xét cho thấu đáo.
Nếu có chăng nữa thì theo tôi, cũng nên tính đến quy mô và làm thử thế nào đó, làm dần dần, mình mở rộng sau, hay để dành cho con cháu có công nghệ tốt hơn làm cũng không muộn.
Hơn nữa là trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đang khan hiếm về đồng vốn như hiện nay thì nên chăng, chúng ta cũng phải ưu tiên những dự án có hiệu quả kinh tế có thể nhìn thấy được kể cả trước mắt và lâu dài.
Chúng ta cần phải ưu tiên vốn cho những dự án như vậy hơn là mạo hiểm cho những dự án rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế thì vẫn đang là một câu hỏi chưa đầy rủi ro và thực sự là tôi không đồng tình.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Có thể hoãn dự án Nhân Cơ
Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước nên tiếp nhận kinh nghiệm của Hungary và nghiên cứu hết sức cẩn thận, đặc biệt khi bản kiến nghị đó của các nhân sĩ trí thức có bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước và rất nhiều trí thức hàng đầu Việt Nam, nhiều người giữ chức vụ quan trọng chính quyền, nhiều nhà chuyên môn.
Bởi hiện nay ta mới định làm thí điểm ở Tân Rai, Nhân Cơ. Nhưng vừa rồi vụ việc bùn đỏ Hungary cho mình một bài học rất nghiêm khắc và nếu không rút kinh nghiệm kịp thời thì sẽ chịu hậu quả.
Hungary là nước công nghiệp phát triển có kinh nghiệm khai khoáng chế biến khoảng sản. Nhưng Việt Nam là một nước kĩ nghệ chưa phát triển.
Tôi biết chủ thầu sẽ là người thiết kế bùn đỏ ấy nên mình phải giám sát thiết kế xem có đảm bảo hay không, thứ hai là giám sát thi công vì kĩ nghệ thi công hiện nay tương đối tốt, nhưng kỷ luật cán bộ của mình trong thi công là chưa tốt. Rất nhiều công trình quan trọng bị rút ruột nên nếu bùn đỏ để xảy ra như vậy nữa thì vô cùng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cũng phải tính toán thêm chuyện khả năng bùn đỏ tràn ra như thế nào. Vì Tây Nguyên khí hậu khắc nghiệt, mùa khô không có giọt mưa nào, lúc mưa thì mưa xối xả nên cần xem xét trong khâu thiết kế tính đường thoát cũng như những đường thoát nước ở đê sông Hồng. Nếu xảy ra sự cố như thế thì phải mở chỗ nào ra để ít thiệt hại nhất.
Với những lí do trên tốt nhất nên tập trung vào Tân Rai làm cho tốt, còn Nhân Cơ có thể hoãn được.
C. N. – L. A.
Nguồn: Vnr500
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét