Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Sinh Nhật Chúa Giê-xu

Sinh Nhật Chúa Giê-xu


Chúng ta đã bước vào tháng 12 dương lịch, và sống ở đây, dù có đạo hay không, chúng ta cũng ăn mừng Giáng Sinh, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Chúng ta đều biết, Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống trần làm người. Mừng Giáng Sinh là chúng ta mừng sinh nhật của Chúa Giê-xu. Tại Mỹ đây người ta thường kỷ niệm sinh nhật của những nhân vật lịch sử, những người có công trạng với đất nước. Chẳng hạn như kỷ niệm sinh nhật các vị tổng thống Abraham Lincoln, George Washington, v.v... Nhưng lễ kỷ niệm sinh nhật của những người đó rất khác với lễ kỷ niệm sinh nhật của Chúa Giê-xu. Khi mừng sinh nhật những người có công với đất nước, người ta không chưng bày hình ảnh khi người đó mới sinh, cũng không nhắc lại những diễn biến xảy ra trong ngày người đó ra chào đời. Người ta chỉ nhắc đến những điều họ làm khi đã thành nhân, những công trạng của họ khi đã trưởng thành và góp mặt với đời.

Đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu thì khác, mỗi khi kỷ niệm sinh nhật của Chúa, chúng ta lại nhắc đến hình ảnh Chúa Hài Đồng và những câu chuyện lạ lùng, liên quan đến sự ra đời của Chúa. Vì sao vậy? Vì sự ra đời của Chúa Cứu Thế Giê-xu là một biến cố lớn trong lịch sử nhân loại, chung quanh ngày Chúa ra đời có nhiều sự việc huyền nhiệm, lạ lùng mà Thánh sử ghi lại. Trước hết, ngày Chúa Giê-xu giáng sinh là ngày đem lại niềm vui lớn muôn dân. Ngày Chúa ra đời là cái mốc chia đôi giòng lịch sử của nhân loại. Ngày nay khi nhắc đến thời gian trong lịch sử, chúng ta nói đến trước công nguyên và sau công nguyên, hay trước Chúa và sau Chúa, tức là trước và sau khi Chúa Giê-xu sinh ra. Ngày Chúa Giê-xu ra đời có ảnh hưởng trên tất cả mọi người trên thế giới này. Mỗi chúng ta đều có ngày sinh và ngày chết, những ngày đó được tính dựa vào thời điểm Chúa Giê-xu giáng sinh. Mỗi khi viết thư hay một giấy tờ quan trọng, chúng ta phải ghi ngày tháng năm, và năm 2006 mà chúng ta có hôm nay là tính từ thời điểm Chúa Giê-xu ra đời.

Ngoài ra, khi kỷ niệm sinh nhật Chúa Cứu Thế, chúng ta không thể không nhắc đến những diễn biến lạ lùng xảy ra chung quanh sự ra đời của Ngài. Một số những diễn biến đó gồm có như sau:

1. Sự ra đời của Chúa Giê-xu được nói đến từ nhiều thế kỷ trước

Bảy trăm năm trước khi Chúa Giê-xu chào đời, một vị tiên tri đã viết: Dân đi trong bóng tối đã thấy ánh sáng lớn. Ánh sáng đã chiếu trên những kẻ cư ngụ trong vùng đất tối tăm... Vì một Con Trẻ đã ra đời cho chúng ta. Một Con Trai đã được ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai Ngài, Ngài sẽ được xưng là Cố Vấn Kỳ Diệu, Đức Chúa Trời Quyền Năng, Cha Đời Đời, Hoàng Tử Bình An (Ê-sai 9:1,5, BD Mới). Đó là lời tiên tri về thời điểm và hoàn cảnh khi Đấng Cứu Thế ra đời. Chúa Giê-xu đã ra đời khi người Do Thái sống trong bóng tối của nô lệ và tội lỗi, khi họ ở dưới quyền cai trị của người La-mã. Chúa đến đem ánh sáng hy vọng cho dân Ngài và cho mọi người trên trần gian.

2. Chúa Giê-xu do một trinh nữ sinh ra

Cũng vào khoảng 700 năm trước khi Chúa Giê-xu ra đời, nhà tiên tri Ê-sai tuyên bố: Chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu hiệu, nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên (Tiên tri Ê-sai 7:14, BD Mới). Lời tiên tri này đã thành sự thật, khi thiên sứ Gáp-ri-ên đến làng Na-xa-ét, nói với Trinh nữ Ma-ri những lời sau: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi, Chúa ở cùng ngươi ... Ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai, mà đặt tên là Giê-xu. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Rất Cao, và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, là tổ phụ Ngài (Phúc Âm Lu-ca 1:28, 31&32). Trinh nữ Ma-ri nghe lời thiên sứ nói bèn thưa: Tôi còn là trinh nữ, làm sao có việc đó? Thiên sứ đáp: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên Con Thánh sinh ra sẽ được xưng là Con Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:28, 31-35). Chúa Giê-xu do Trinh Nữ Ma-ri sinh ra, một trinh nữ sinh con là điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhân loại. Điều này được nói trước hằng bảy trăm năm và đã thành sự thật.

3. Tin Chúa ra đời khiến cả một triều đình bối rối

Tin một em bé chào đời mà làm cho cả một triều đình bối rối. Đây là điều cũng chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhưng đã xảy ra cho triều đình vua Hê-rốt. Kinh Thánh ghi rằng, khi có mấy nhà thông thái đến kinh thành Giê-ru-sa-lem, vào cung điện Hê-rốt và hỏi: Vua Giu-đa mới ra đời tại đâu, vì chúng tôi đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương? Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối, đến nỗi vua phải tra hỏi các học giả, bảo họ tìm trong sử sách xem vị vua đó ra đời tại đâu. Và khi các học giả nói rằng Chúa ra đời tại làng Bết-lê-hem, Hê-rốt đã tìm cách trừ khử Ngài (Ma-thi-ơ 2:1-8, 16).

4. Khi ra đời, Chúa được đặt nằm trong máng cỏ

Khi một em bé sắp chào đời, cha mẹ và người trong gia đình không những chuẩn bị nôi giường mà cũng trang hoàng cả một căn phòng để chào đón. Nếu gia đình nghèo thì ít nhất cũng có một cái nôi chuẩn bị sẵn. Khi Chúa Giê-xu chào đời, vì hoàn cảnh, Ngài không được ở trong căn phòng đẹp hay trong nôi ấm cúng nhưng Ngài phải ở trong một chuồng chiên dơ bẩn và nằm trong máng cỏ, là nơi người ta để cỏ khô cho súc vật ăn. Nơi Chúa sinh ra đời không những đặc biệt như thế nhưng thiên sứ đã biết và đó là hình ảnh thiên sứ báo cho các mục đồng, là dấu hiệu để họ tìm Đấng Cứu Thế mà thiên sứ vừa báo tin. Thiên sứ nói: Đây là dấu hiệu cho các anh nhận ra Ngài: các anh sẽ gặp một hài nhi bọc trong khăn, đặt nằm trong máng cỏ. (Lu-ca 2:12).

5. Tin Chúa ra đời được các thiên sứ loan truyền trên không trung

Đây cũng là điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Trong đêm Chúa Giê-xu sinh ra đời, có mấy người chăn chiên ở ngoài đồng, thức đêm canh bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến, hào quang Chúa tỏa sáng chung quanh, nên họ rất khiếp sợ. Thiên sứ bảo: Đừng sợ, vì này, tôi báo cho các anh một Tin Mừng, cũng là Niềm Vui lớn cho mọi người. Hôm nay, tại thành vua Đa-vít, một Đấng Cứu Thế vừa giáng sinh cho các anh. Ngài là Chúa Cứu Thế, là Chúa. Sau đó muôn vàn thiên binh hợp với vị thiên sứ đó hát ngợi ca Thiên Chúa: Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Ngài thương (Lu-ca 2: 8-14).

6. Tin Chúa ra đời được loan báo qua một vì sao trên trời

Thánh Kinh ghi: Khi Đức Chúa Giê-xu giáng sinh tại Bết-lê-hem, vào thời vua Hê-rốt, có mấy nhà thông thái từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem hỏi: Vua Do Thái mới hạ sinh ở đâu, vì chúng tôi thấy ngôi sao Ngài bên phương đông nên đến để tôn thờ Ngài (Ma-thi-ơ 2:1, 2). Khi các nhà thông thái, là người chuyên nghiên cứu các vì sao trên trời, thấy một vì sao lạ xuất hiện, họ biết là có một nhân vật đặc biệt ra chào đời, vì thế họ đã gác bỏ công việc, rủ nhau theo hướng vì sao lên đường đi tìm nhân vật đặc biệt mới sinh để tôn thờ Ngài.

7. Khi Chúa ra đời, các mục đồng đến tôn thờ Ngài

Thường khi một em bé ra chào đời có nhiều người đến thăm, nhưng chỉ những ai quen biết hoặc là bà con mới thăm. Trong trường hợp Chúa Giê-xu, không có người bà con nào đến thăm, vì ông Giô-sép và bà Ma-ri đang đi xa nhà, nhưng có các mục đồng đến. Đây là những mục đồng đã được thiên sứ báo tin. Họ tìm đến chuồng chiên máng cỏ để tôn thờ Chúa Hài Đồng. Khi gặp được Chúa, các mục đồng kể lại những điều họđã thấy và nghe thiên sứ nói. Ai nghe điều họ nói cũng rất là ngạc nhiên, vì tất cả mọi điều đều lạ lùng và huyền nhiệm vô cùng, chưa bao giờ xảy ra cho một người nào.

8. Khi Chúa ra đời các nhà thông thái đến dâng lễ vật cho Ngài

Các nhà thông thái đã đi theo vì sao, tìm đến nơi Chúa Hài Đồng sinh ra để tôn thờ Chúa và dâng quà tặng cho Ngài. Khi Thánh ghi như sau: Ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ Con Trẻ ở mới dừng lại. Thấy ngôi sao, các nhà thông thái mừng vô cùng. Bước vào nhà, thấy Con Trẻ và Ma-ri, mẹ Ngài; họ bèn quỳ xuống thờ lạy Ngài, rồi mở hộp châu báu, dâng lên Ngài các lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược (Ma-thi-ơ 2:9-11).

Chúa Giê-xu không những đã sinh ra đời một cách lạ lùng, với bao nhiêu sự việc lạ thường xảy ra chung quanh ngày Chúa ra đời, Nhưng Chúa cũng đã sống một cuộc đời đặc biệt, tràn ngập yêu thương. Ngài không chỉ dạy cho con người những mẫu mực yêu thương nhưng chính Ngài vì yêu thương đã hy sinh chịu chết cho nhân loại. Mừng Giáng Sinh năm nay, chúng ta đừng chỉ nghĩ đến ăn uống, quà tặng, dạ vũ nhưng hãy mừng sinh nhật Chúa cách ý nghĩa và xứng đáng với tình yêu của Chúa hơn hết. Đó là tiếp nhận Chúa vào cuộc đời và mời Ngài làm Đấng Cứu Thế cho riêng mình. Thánh Kinh cho biết: Chúa Cứu Thế đã đến trong nước Ngài mà dân Ngài không nghênh tiếp, nhưng những ai tiếp nhận Ngài, nghĩa là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con Đức Chúa Trời (Phúc Âm Giăng 1:12).
Phong tục ngày Tết Nguyên Đán



1. Tống cựu nghênh tân

Tục lệ này đơn giản và không cần nghi thức gì. Đó chỉ là thời điểm mọi người quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi. Các thành viên trong gia đình sắm sửa quần áo mới, mua đồ trang trí, lễ vật trên bàn thờ… hoặc cùng hàng xóm dọn dẹp đường phố, đình chùa.

2. Lễ rước vong linh ông bà

Chiều 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các thức ăn và trái cây được xếp thành mâm cỗ để dâng lên bàn thờ. Đây là dịp cả gia đình quây quần tưởng nhớ đến các vong linh ông, bà, tổ tiên… và cùng nhau kể chuyện năm cũ, ước nguyện năm mới.

3. Xông nhà (hay "xông đất")

Người Việt ta có tục xông nhà rất thú vị. Đầu năm mới mà người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm đó. Vì thế, những ai “nặng vía” thì phải chú ý vì nếu lỡ đến nhà ai sớm, mà trong năm đó người ta gặp chuyện gì không may sẽ "đổ" tại mình “vía không tốt”. Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người nào “nhẹ vía” và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ.

4. Hái lộc

Sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự “rước lộc”. Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

5. Chúc thọ, chúc Tết

Sáng sớm mùng Một Tết là lúc con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc thọ ông bà, cha mẹ. Người Việt quan niệm rằng cứ mỗi độ Xuân về là mọi người đều thêm một tuổi, không kể sinh vào ngày nào, tháng nào. Chính vì vậy mà lời chúc luôn được đón nhận nhiều nhất vẫn là “Sống lâu trăm tuổi”, trường thọ.

Chúc thọ của người Việt trong ngày đầu năm mới thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử. Đó là dịp để mỗi người con, người cháu bày tỏ tình cảm, lòng hiếu thảo, kính yêu đến ông bà, cha mẹ và những người xung quanh.

Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phát tài tài phát lộc… Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

6. Lì xì

"Lì xì" nguyên là chữ "lợi thị" (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Ông bà cha mẹ sẽ chuẩn bị một ít tiền cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng trông rất bắt mắt để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và dành những lời chúc hay nhất đến bọn trẻ như hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn…

8. Quà Tết, lễ Tết

Đi chúc Tết kèm theo những món quà, giỏ quà là điều vô cùng quý, đặc biệt là những ngày trước Tết. Bởi dù to hay nhỏ món quà ấy đều thể hiện mối ân tình, sự biết ơn và tôn kính.

Các cụ ngày xưa đã có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, vì vậy chúng ta không nên lạm dụng quà Tết, lễ Tết để thể hiện “cho được” tình cảm của mình với người thân, bạn bè, làng xóm… Tình cảm phải thực từ tâm, những lời chúc ý nghĩa, ly rượu thơm nồng chan chứa tình cảm, cái bắt tay hay vòng tay siết chặt… tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cổ truyền dân tộc.

MonngonHanoi.com (Tổng hợp)

Nguồn gốc và phong tục Tết Nguyên đán

Nguồn gốc và phong tục Tết Nguyên đán


Từ lúc lọt lòng , mổi người chúng ta đều đặn hưởng hương vị ngọt ngào và ấm cúng của ngày Tết cổ truyền , nhân dịp xuân về xin giới thiệu với các bạn bài sưu tầm để chúng ta hiểu hơn về ngày Tết Nguyên Đán và các phong tục trong những ngày này .

1 - Nguồn gốc Tết Nguyên Đán :



Nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ thời Ngũ Đế, Tam Vương. Đời Tam Vương, Anh Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, nhằm tháng Dần (con cọp) làm tháng đầu năm, do đó Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần. Nhà Thượng, thích màu trắng nên chọn tháng Sửu (con trâu) tức tháng chạp làm tháng đầu năm.

Đến thời nhà Chu ( 1056- 256 trước công nguyên) ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý (con chuột ) tức tháng Mười Một làm tháng Tết. Các vua nói trên, theo ngày giờ lúc mới tạo thiên lập địa: Nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh ra loài người mà đặt ra ngày Tết khác nhau. Đến đời Đông Chu, Khổng phụ Tử ra đời, đổi ngày Tết và một tháng nhất định: tháng Dần.
Mãi đến đời Tần ( thế kỷ III trước công nguyên), Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi ( con lợn), tức tháng Mười. Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế ( 140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần ( tức tháng Giêng) từ đời Hạ và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông phương Sóc, ông cho rằng tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ bốn sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế ngày Tết được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy.
Trong tiếng Hán, chữ “nguyên” nghĩa là bắt đầu, thứ nhất, chữ “đán” nghĩa là một ngày hoặc buổi sáng. Ghép lại, “nguyên đán” nghĩa là ngày đầu tiên của năm.

2- Phong tục ngày Tết :
Xin chữ đầu xuân :


Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy. Việc mang ý nghĩa này có nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước.
Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Ta nữa. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin.
Chưa có ai bán chữ, chỉ có người mua giấy để xin chữ. Người cho chữ vẫn có lộc nhưng tinh tế hơn. Việc tưởng như không bình thường nhưng lại thể hiện được nét thanh tao của công việc. Các thầy cô không phải bận bịu và hệ lụy vào chuyện giá cả, tiền nong để đủ thanh thản và toàn tâm trong công việc cho chữ mang vẻ thánh thiện này. Việc xin chữ đầu năm lâu nay đã có và ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến.
Tại Hà Nội, việc này diễn ra ở nhiều nơi: trong nhà riêng của một số thầy đồ có tiếng văn hay chữ tốt, trên đường phố nơi có khoảng hè rộng rãi và nhiều người qua lại. Chỗ có vẻ ấn tượng nhất là trước sân Miếu Văn, khoảng hè phố đường Bà Triệu, đoạn giao cắt với đường Trần Hưng Đạo...
Tại Miếu Văn những ngày đầu xuân, có đến nửa sân chen chúc những cô tú, cậu tú đương đại hoặc tương lai quanh các thầy đồ cho chữ. Bàn thầy cô có ghi số, mỗi bàn một thầy, cạnh đấy là nơi bán giấy. Cả hai nơi này đều bị quây chặt bởi người mộ chữ. Để ý kỹ sẽ thấy các thầy đồ còn rất trẻ lại ăn mặc theo mốt tân thời, tuy các thầy không giới thiệu nhân thân nhưng nhiều người phỏng đoán hình như họ là các sinh viên Hán Nôm hoặc giả có công việc nào đó đang theo đòi chữ Nho.
Vui nhất là những cô cậu đang tuổi cắp sách. Có cô cậu còn phải theo bố mẹ vì sợ lạc. Họ chen nhau mua giấy rồi lại chen nhau xin chữ. Với khuôn mặt mướt mát mồ hôi, họ hả hê mang các tờ giấy xuống nền sân gạch bát để phơi chữ cho khô. Có cô cậu vì sốt ruột quá đã phải lấy mũ và khăn ra quạt cho chữ chóng khô. Cảnh xin chữ của tuổi trẻ mà tôi được chứng kiến tại Văn Miếu thật vất vả nhưng cũng thật sảng khoái.
Quả là xúc động nếu nơi này và việc này thực sự là chỗ ban tặng cho nhau tình nghĩa, hoài bão. Dẫu không phải cái gì cũng có thể trở thành hiện thực được nhưng bước đầu gieo vào lòng kẻ ngưỡng mộ cái cơ bản của phẩm hạnh người trong quá trình say mê, hăm hở phấn đấu của mình... Trong số chữ chăng đối với những cháu bé đang còn tuổi học sinh phổ thông cơ sở? Nhẫn là chữ được nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau xin.
Xem ra không phải tất cả những người xin chữ này đều hợp, đều đúng. Có người bảo người thành đạt cần có chữ Nhẫn treo trước mặt để luôn tỉnh táo trong công việc. Có người lại bảo chữ Nhẫn là để dùng cho người mới bước vào đời, mới có công ăn việc làm. Nhẫn đây là nhẫn nại, nhẫn chịu. Người xin chữ đều có cái lý, cái tình riêng của mình. Cảnh nào ngộ ấy.
Riêng trường hợp sau đây thì tôi băn khoăn, một cháu còn rất nhỏ, hình như tuổi mẫu giáo thì phải, lại đang ngồi bên mẹ thẩn thờ với trước mắt họ là một chữ Nhẫn đang còn nhánh ướt màu mực đen chưa khô. Mấy năm nay khi phong trào xin chữ đầu năm thịnh hành thì Nhẫn là mặt hàng chữ được tuổi trẻ xin nhiều. Các nhà xã hội học, đạo đức học có để ý và lưu tâm tới hiện tượng này để nghiên cứu, phân tích?
Xin chữ là một nét đẹp văn hoá cần phát huy. Chỉ một chữ treo trước mặt mà có ý nghĩa về đạo đức và đời sống đối với những con người cụ thể sẽ giá trị hơn nhiều những lời rao giảng sáo rỗng. Tôi cảm phục nhiều về việc một thiếu phụ xin chữ cho con trước một thầy đồ già. Chị nói: - Thưa cụ, nhân năm mới, con muốn xin cụ một chữ cho cháu bé. Chữ cụ cho đầu xuân là lộc của cháu cả năm, cả đời... Cụ đồ nheo nheo cặp mắt già nhìn đứa cháu gái đang tuổi học lớp một, lớp hai cười hiền với nó rồi gật gù bảo: - Ông sẽ cho cháu ngoan của ông chữ Học.
Có học là có tất cả, cháu ạ! Với dáng tự tại và ung dung, cụ đồ già khẽ cúi người chấm ngọn bút lông lên nghiên mực rồi thả những nét chậm rãi, mềm mại lên nền mặt giấy dó cổ truyền một chữ Học đầy đặn và nghiêm túc. Có lần tôi xin chữ của một thầy đồ quen, chẳng cần nghỉ ngợi gì nhiều, cụ nheo mắt cười hóm hỉnh rồi trải giấy ra bàn, cầm bút và nói: - Tôi sẽ biếu ông chữ Tùy! - Đa tạ cụ. Nhưng... Tôi không dám nhận chữ cụ đồ cho trên mặt giấy. Tôi biết chữ Tùy này được khởi động từ chữ Nhu rất hợp với tâm linh của mình. Nó mềm mại như nước và cũng cứng cáp như nước. Cảm ơn sự thấu đáo chữ nghĩa ấy của một bậc túc nho. Một chữ cho cả một đời. Tôi xin ghi tạc chữ Tùy ấy trong tâm về một đắc tự. Sống giữa những người cho chữ và xin chữ, tôi càng nhận ra vẻ trang trọng và sự nghiêm túc của công việc.
Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ nữa. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Chữ Ta đã vậy, chữ Nho càng vậy. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thanh đức mới sáng. Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò sổ xố cầu may. Có được như vậy người cho chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy... Có được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa mai, hoa đào nở mang lộc chữ đến cho muôn nhà.

Văn hóa bàn thờ gia tiên :


Khi Tết đến Xuân về, khi tới kỳ giỗ ông bà, tổ tiên, dẫu đang sống tận nơi đâu, các cháu con cũng nhớ sắp xếp thời gian và mọi điều kiện bồng bế nhau về đủ mặt. Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ''bề trên''.
Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn... Theo các nhà nghiên cứu, có ba kiểu bàn thờ khác nhau. Đầu tiên là kiểu bàn thờ ông bà ta đưa từ miền Trung vào Nam Bộ, có 4 chân, bàn nghi ở giữa, có lư nhang, bộ chưng đèn.
Phía trong bàn thờ đặt giường thờ. Phỏng định kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đất phương Nam vào năm 1890, khi chưa có bóng dáng đô thị hóa và tiếp cận văn hóa phương Tây. Vào năm 1910, đổi lại kiểu bàn thờ nhỏ gọn hơn, có thợ từ Bắc vào chạm trổ cẩn xà cừ hoa văn chữ Hán. Cạnh bàn thờ có tranh vẽ trên kiếng nói về ước vọng sâu xa của con nguời muốn vươn tới chân, thiện, mỹ và cuộc sống ấm no, thịnh vượng, thái bình...
Khi có sự du nhập nền văn hóa phương Tây và kinh tế thị trường, ở những nơi thị tứ, đường nét đô thị hóa rõ dần, đèn sáp đã thay bằng đèn dầu hỏa, không gian thờ phụng thu hẹp hơn, thường chỉ 2,3 m2. Bàn thờ, giường thờ đã thay bằng tủ thờ cách tân theo kiểu tủ người Pháp, nhưng tuyệt nhiên cửa tủ trước không bao giờ mở; chỉ mở cửa hông hai bên để giữ gìn ý tứ và cử chỉ tôn kính tổ tiên.
Bên trong tủ thờ chỉ đặt để ngăn nắp những nhang đèn, hoa quả, bình tách, chai rượu quý, các giấy tờ hành chánh, hộ tịch, gia phả, di cảo điền thổ... Phỏng định những kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đây vào khoảng năm 1920, như vậy chỉ trong vòng 30 năm, từ 1890 - 1920, ở Nam Bộ đã có ba kiểu bàn thờ tổ tiên khác nhau. Từ bàn thờ 4 chân kê liền với giường thờ phía trong, có bàn nghi ở giữa, chiếm nhiều diện tích trong nhà, đã dần dần điều chỉnh đến đơn giản hóa, thu gọn vào cái tủ thờ mà ta thường thấy.
Ngày nay, nhà cửa nơi ăn chốn ở được kiến trúc xây dựng khang trang rộng lớn hơn, con cháu dành hẳn một phòng tĩnh lặng để thờ cúng tổ tiên. Thiết kế đúc vĩnh cửu một cái bàn thờ cũng bằng bê tông. Lát gạch men cao cấp bóng sạch. Còn có đặt để thêm mặt kính dày năm, bảy ly. Bề ngang bàn thờ dài đến ba thước, có khi hơn, đụng hai đầu vách tả hữu. Rộng đến cả thước sát vách tường. Bàn thờ mặt nhìn ra tiền diện có nhiều cửa hướng đất trời thiêng liêng trong sáng, dưới đáy bàn thờ là ngăn hộc tủ đựng lễ vật và tài sản quý báu.
Trang trí, thiết kế rất tinh tế, hoa đăng màu sắc hài hòa giữa tân và cựu. Tết đến Xuân về còn lấp lánh hàng chữ “MỪNG NĂM MỚI''. Có đẳng cấp, nhiều ngăn, nhiều tầng. Thờ phụng người quá cố từ nhỏ - tầng thấp đến các bậc ông sơ, ông cố ở tầng cao. Dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp.
Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo... Nấu nướng thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống ''dĩ nông vi bản'' và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê hương của ông cha để lại. Thời nay người Việt còn dâng cúng nhiều loại rượu bia, bánh hộp... nhiều loại thực phẩm chất lượng thời công nghiệp chế biến cao sang tân tiến.
Trên bàn thờ gia tiên đặt nơi cao quý tôn kính nhất trong nhà, dân ta lúc nào cũng trang hoàng, gìn giữ lau chùi thật tươm tất bóng sạch. Hương đèn quanh năm. Đêm ngày gắn liền với tâm linh và ánh mắt. Ấy chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền tự ngàn xưa.

Tại sao cúng giao thừa ngoài trời :


Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền.
Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì. Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.
Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy.
Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.
Xuất hành và hái lộc :



Đầu năm mới, người Việt còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần... Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết.
Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:
- Gió Nam: chỉ đại hạn
- Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc
- Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả
- Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải
- Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu
- Gió Đông: chỉ có lụt lớn....
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người mình còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si, cây xương rồng... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ Tiên.

Mâm Ngũ quả :

Trong ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ.
Ngoài ra, tên của loại trái cây mang một ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự sung túc, sức khỏe và may mắn như : Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Đào Tiên, Táo, Dưa Hấu... Mâm ngũ quả biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà, tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.

Giao thừa :


Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.

Lễ Trừ tịch :
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lê này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa
Cúng ai trong lễ Giao thừa :

Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển.
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừ
Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch
Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện. Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.
Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật ,Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.
Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.
Tục Tảo mộ :

Phong tục thuần tuý Việt Nam trong dịp Tết là tục tảo mộ cuối năm hay vào những ngày đầu năm mới. Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần của tổ tiên và những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và "cung thỉnh" hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu...
Tục tảo mộ Tết này, trước các thời kỳ chiến tranh vẫn còn được duy trì nhiều nơi ở miền Bắc và nhiều tỉnh ở miền Trung như ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa v.v... Theo sách "đại Nam thống Chí", nhiều nơi ở miền Bắc nhất là quanh vùng Hà Nội còn có tục cả họ (nghĩa là tất cả mọi người trong cùng một gia tộc) tụ họp nhau lại để cùng đi tảo mộ tổ tiên và thân quyến quá cố, vào những ngày trước tết... Có nơi thì đi thăm mộ vào những ngày đầu năm. Tục tảo mộ Tết này được gọi là Lễ Tổ Lạp.
Tục tảo mộ Tết này cho thấy ta khác với Tàu, vì chính lễ Thanh Minh tảo mộ của Trung Hoa là vào tháng Ba âm lịch, do đó thơ Kiều mới có câu: "Thanh minh trong tiết tháng Bạ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..."
Biểu tượng may mắn ngày Tết :



Nói đến những biểu tượng may mắn về ngày Tết, Nguyễn Công Trứ có vế câu đối: "Sáng mồng Một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà". Ông Phúc là một vị thường được thấy trong bộ Tam đa: Phúc-Lộc-Thọ.
Người Trung Quốc thường làm tượng bằng sứ, vẽ tranh hoặc thêu hình: Ông Thọ thì râu tóc bạc phơ, trán hói, ông Lộc thì mặc áo Lục (vì chữ lục với chữ lộc, tiếng quan thoại cùng đọc là "lou"), tay cầm cái hốt hoặc mặc áo đỏ, tay cầm "cái như ý", còn ông Phúc thì tay ẵm đứa cháu với một đứa con đứng bên cạnh (ý nói đông con nhiều cháu). Nhưng chữ Phúc cũng có khi là giàu (vì chữ phúc và chữ phú tiếng quang thoại đều đọc là fou) mà toại nguyện như ý nên các pho tượng hay các bức hoạ cũng tạc hay vẽ giống ông Lộc (cũng mặc áo đỏ, cũng cầm như ý).
Hoặc bộ Tam đa có chỗ lại vẽ: Ông Thọ là một ông già râu tóc bạc trắng, trán hói, tay cầm quả đào, bên cạnh có con hạc, ông Lộc là một ông già tay cầm cái như ý, đứng cạnh con hươu (hươu chữ nho là lộc, đồng âm với chữ lộc là bổng lộc) và ông Phúc là một ông già đứng với con cháu, lại có thêm con dơi ở trên xoè cánh bay xuống, (dơi chữ nho đọc là phúc, đồng âm với chữ phúc). Có chỗ lại vẽ một đồng tiền trên chữ phúc dưới con hươu, ngụ ý nói phúc với thọ hoặc phúc với lộc.
Tranh dân gian của ta thường vẽ một ông già gánh hai trái đào: Một trái để Trường Sinh, một trái để Bình An, ngụ ý chúc mừng ngày Tết. Người ta lại hay dán ở cửa câu" Ngũ Phúc Lâm Môn" nghĩa là năm phúc tới cửa. Có người bảo đó là phú, quí, thọ, khương và ninh ngụ ý chúc cho người ta được giàu sang, sống lâu, sức khoẻ dồi dào và đất nước bình an. Có người lại bảo đó là thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (mạnh khoẻ yên vui), du hiếu đức (ưa làm phúc đức) và khảo chung mệnh (tuân theo số mệnh mà chết).
Cũng có người chỉ dán một chữ Phúc (viết đại tự) nét chữ màu kim nhũ trên nền giấy đỏ. Màu vàng son rực rỡ làm cho cửa nhà thêm tươi vui, đẹp đẽ. Tranh dân gian của ta còn vẽ biểu tượng con gà trống oai hùng, vuốt đuôi, mạnh bước (chân co lên, chân đứng), phía trên có chữ đại cát (tốt lớn), ý nói đón xuân được tốt lành. Theo âm lịch, một năm có mười hai tháng thì mỗi tháng tương ứng với một con vật.
Gà trống tương ứng với tháng giêng và ngày mồng Một đầu năm cũng thuộc con gà. Do đó người ta, xưa kia, thường treo tranh con gà để cầu may, mong được thịnh vượng. ở thôn quê, người ta hay dán ngay ở hai bên cánh cửa, dán đối nhau, một bên là tranh tiền tài, một bên là tranh tiến lộc. Cả hai ông này đều được vẽ hình một vị văn quan, mặc triều phục, một vị mang biển Tiền tài, một vị mang biển Tiến lộc.
Tục xưa cho rằng dán tranh như vậy thì hai vị này sẽ mang lại cho sự thịnh vượng, nhiều tiền lắm của. Ở Nhật Bản, lại có tục lệ khác, họ làm một cái cào, trên có đính đồ mã, gắn ở bàn thờ gia tiên, ngụ ý dùng để cào lấy tiền bạc của cải và cả năm được thịnh vượng. Người Nhật cũng mua một tượng Daruma (Đạt Ma), vị tổ đã sáng lập ra đạo thiền (zen) ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ XI để cầu lấy sự may mắn thành công.
Trong dịp cuối năm, người Nhật đã tổ chức những chợ Daruma. Người ta đem tượng cũ đến chợ làm lễ đốt và mua một tượng mới màu đỏ mang về. Tượng làm theo kiểu con lật đật, đáy tròn, gắn vật nặng để nếu lật ngã xuống nó lại tự bật dậy được. Những người làm ăn buôn bán mua tượng ấy để hy vọng được thành công dù có phải trải qua những thất bại tạm thời. Vì lẽ đó mà người Nhật có câu tục ngữ: "Bảy lần thất bại, tám lần thành công". Tượng Daruma mua về mắt còn để trắng. Đầu năm người ta tô một con ngươi vào một mắt, mắt còn lại để khi nào ý nguyện đạt được thì tô sau. Nước ta còn có biểu tượng may mắn là đi hái lộc đầu năm.
Người ta đi lễ xong ra sân vườn chùa bẻ lấy một cành lá mang về giắt dưới mái nhà, trước bàn thờ gia tiên, ngụ ý năm mới sẽ có nhiều tài lộc (chữ lộc là chồi non đồng âm với lộc là bổng lộc). Người ta đi lễ xong cũng hay mang về nén hương thắp cháy để cắm vào bát hương Táo quân ở nhà. Đốm lửa đỏ ở đầu hương là biểu tượng của hồng vận, ngụ ý năm mới sẽ được may mắn, phát tài. Lại có tục đổ nước đầu năm.
Những người làm nghề gánh nước thuê gánh đến mỗi nhà một đôi thùng nước đổ vào lu và chúc mừng năm mới cho chủ nhà được tiền vào như nước. Chủ nhà vui vẻ thưởng tiền cho gấp năm, gấp mười lần công ngày thường. Kể như vậy cũng là một việc làm có ý nghĩa tương trợ. Nước, ở bên Lào, cũng là một biểu tượng cho sự may mắn nên người ta đầu năm có bị kẻ khác tát nước vào mình, dù ướt cả quần áo cũng không tức giận, mà còn vui vẻ vì thường là các cô con gái vẫn hay tát nước, đổ nước vào người ta.
Người nào càng ướt nhiều, người đó càng gặp được nhiều may mắn

TẾT NGUYÊN ĐÁN VIỆT NAM............ Ý NGHĨA VÀ PHONG TỤC

GS PHẠM THỊ NHUNG

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có tục lệ tổ chức lễ lạc trọng thể, hội hè tưng bừng và tiệc tùng linh đình vào ngày mồng một tháng giêng mỗi năm mà chúng ta gọi là Tết Nguyên Đán.

Tết do chữ Tiết (tức tiết khí, tính theo hệ mặt trời) mà ra, ở đây có nghĩa là lễ hội hằng năm ; Nguyên là bắt đầu và Đán là buổi sáng mai. Như thế Tết Nguyên Đán chính là ngày lễ hội mở đầu cho một năm mới.

Tuy nhiên thời điểm ăn Tết Nguyên Đán mỗi nơi lại mỗi khác. Một số quốc gia ở Đông Nam Á như Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Hoa, bắt chước họ ăn Tết Nguyên Đán vào ngày mồng một tháng giêng âm dương lịch, loại lịch vừa căn cứ vào sự chuyển vận của mặt trăng vừa tính theo hệ mặt trời (*). Một số quốc gia khác như Lào, Cao Miên, Thái Lan chịu ảnh hưởng Ấn Độ, lại ăn Tết Nguyên Đán theo Phật lịch, dựa vào ngày đản sinh đức Phật Tổ Như Lai, nhằm rằm tháng tư âm dương lịch. (Âm dương lịch sau gọi tắt là âm lịch)

Trong khi đó các dân tộc tây phương ăn Tết Nguyên Đán vào ngày mồng một tháng giêng dương lịch, loại lịch tính theo hệ mặt trời. Từ cuối thế kỷ thứ XIX (1873) thời Minh Trị Thiên Hoàng, dân Nhật đã chính thức bãi bỏ lệ ăn Tết âm lịch mà theo Tết dương lịch.

Riêng tại Việt Nam, tục ăn Tết Nguyên Đán của người Trung Hoa, cùng nhiều tập tục lễ nghi ngày Tết như lễ gia tiên của Khổng giáo, lễ chùa đầu năm của Phật giáo, cúng tế thần linh của Đạo giáo đã được truyền vào nước ta rất sớm, ngay từ thời Bắc thuộc, khoảng đầu kỷ nguyên dương lịch. Bởi chúng không hề đi ngược lại với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc (đạo thờ ông bà, lễ hội xuân), lại còn được Việt hóa để thích nghi với hoàn cảnh, ứng hợp với tâm tình của người Việt. Do đó, Tết Nguyên Đán đã thực sự trở thành hội lớn của dân tộc mà chúng ta gọi nôm na, thân mật là Tết ta, để đối lại với Tết tây, là Tết dương lịch của người phương Tây.

Chúng ta đều biết một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông luân lưu trôi chảy. Đông hết Xuân sang, năm hết Tết đến. Tết Nguyên Đán của ta diễn ra khoảng từ 21 tháng giêng đến 19 tháng hai dương lịch. Căn cứ theo khí hậu miền Bắc, đây thật là khoảng thời gian thuận lợi đủ đường, được cả thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Chẳng thế sao? Này nhé, vạn vật thiên nhiên theo thời tiết bốn mùa mà đổi thay. Những ngày đông xám rét mướt qua đi, xuân về, bầu trời trở lại trong xanh, thời tiết ấm áp, nắng mới xôn xao, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa đua nở thắm xinh, yến oanh líu lo ca hát, ong bướm dập dìu bay lượn, và theo với gió xuân, hương phấn, hoa đồng cỏ nội toả bay thơm ngát không gian.

Trước cảnh vạn vật đang tưng bừng reo vui đổi mới ấy, lòng người cũng thấy rộn ràng, hòa theo mạch sống đang tràn dâng của thiên nhiên mà mừng vui đón mùa Xuân mới.

Đã vậy, Tết Nguyên Đán rất phù hợp với đời sống nông nghiệp ở xứ ta. Xuân về, Tết cũng là lúc mùa màng vừa hoàn tất:

Khéo thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc, dám bề khoan thai

Tháng tám lúa trổ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người.
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng bất thời chờ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà nông
Từ rày mới được yên lòng ấm no.

Dân quê quanh năm làm lụng vất vả chân lấm tay bùn, hai sương một nắng, lại còn thêm bao nỗi lo lắng vì thời tiết bất thường, thuế má, nợ nần phải trang trải. Nay nông vụ tháng năm đã thành công, nông vụ tháng mười cũng đã được hoàn tất tốt đẹp, mọi chuyện đều đâu vào đấy. Vừa lúc được nghỉ ngơi, rảnh rỗi thì đúng dịp Xuân về, Tết đến, bảo sao nhà không hoan hỉ ăn Tết mừng Xuân, vui chơi hội hè đình đám, kéo dài cả tháng cho bõ những lúc đầu tắt mặt tối, ăn nhịn để dành :

- Tháng giêng là tháng ăn chơi.
- Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Thực ra dân Việt ta đã mở hội Tết ngay từ đầu tháng giêng và kết thúc bằng hội Đền Hùng, ngày 10 tháng 3 âm lịch. Không chỉ nhà nông ta mới ăn Tết thưởng Xuân mà mọi giới, mọi ngành nghề trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, hết thảy đều nao nức, say sưa nhiệt tình đón Tết, vui Xuân:

Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà.
Vui Xuân, vui cả một trời.

Quả thật, hiếm một dân tộc nào trên thế giới này lại ăn Tết kỹ và điệu như dân Việt mình.

Ai đã từng sống ở quê hương, hòa mình vào lòng dân tộc mới mong thấy (bằng cả tình cảm lẫn lý trí) được hết cái nao nức, cái trang trọng, cái thi vị, cái thâm thúy của người dân Việt trong diễn trình sửa soạn đón Tết, lễ Tết, ăn Tết và thưởng Xuân. Và đây chính là lúc bản sắc dân tộc biểu lộ rõ nét nhất.

Để sửa soạn đón Tết, các bà nội trợ ngay từ đầu tháng chạp đã lo sắm sửa giày dép, áo quần mới cho gia đình; mua sắm một số thực phẩm khô như nấm hương, măng khô, bóng, miến, mực cùng vài sóc tôm để dành nấu cỗ. Và không bao giờ quên mua trữ một vài tĩn nước mắm ngon vào dịp này như lời các cụ dạy :
Đầu năm mua muối - Cuối năm mua mắm.


Chả vì dân ta kiêng rước nước mắm về nhà đầu năm, sợ xui, gia đình sẽ gặp chuyện tai tiếng như mùi nước mắm lựng lên nồng nặc.

Giữa tháng chạp các bà lo muối vại dưa hành, ngâm hũ củ cải dầm hay lọ dưa món. Những ngày giáp Tết thì ngoài nồi cá kho riềng, nồi thịt bò hầm gừng, gói vài đòn giò thủ các bà còn làm mứt: mứt sen, mứt bí, mứt gừng đủ cả. Cuối cùng là nồi bánh chưng. Nồi bánh chưng vất vả nhất nên mấy cô gái đều phải xúm vào giúp mẹ, mỗi người một tay, kẻ rửa lá đãi đậu, kẻ tước lạt, ướp thịt, cuối cùng thì mấy chục thệp bánh cũng xong.

Đêm 29 Tết, cả nhà quây quần bên nồi luộc bánh, chuyện nổ như pháo ran, quên cả buồn ngủ.

Sáng 30 Tết, vừa vớt và nén bánh xong (cho ráo và rền), các bà đã bắt sang chuyện sửa soạn cỗ bàn cho kịp buổi chiều cúng gia tiên. Các ông bố và đám con trai thì lo đi mua pháo và dọn dẹp, sơn phết nhà cửa cho được khang trang. Gần Tết thì mấy chân nến cùng cái lư hương, cái đỉnh trầm bằng đồng đều được đánh bóng, sáng choang ; bàn thờ ông vải thì được lau chùi cẩn thận. Những bài vị ghi tên tuổi, chức phận và ngày sinh ngày mất của tổ tiên cùng thân quyến quá cố được bày ra, đặt trên ngai (hay gọi là mai).

Bàn thờ còn được trang hoàng lộng lẫy thêm bằng hai bình hoa đặt hai bên góc và một quả bồng ở chính giữa, chưng đầy ngũ quả như cam sành, quít đường, phật thủ và một chùm sung cùng nải chuối cau. Ngũ quả tượng trưng cho ngũ phúc : Phúc - Quí - Thọ - Khang - Ninh. Trong khi đó người miền Nam lại ưa chưng mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài với ngụ ý câu vừa đủ xài và còn thêm cam, quít, vú sữa, mận tùy hỉ.

Xưa dân ta vào dịp Tết còn có tục lệ trang hoàng nhà cửa bằng những câu đối, viết chữ đại tự đen trên nền giấy đỏ thẫm, thường là chính gia chủ sáng tác hoặc xin chữ nơi các vị khoa bảng đã về hưu. Người bình dân mới mua câu đối viết sẵn ở chợ. Ngoài ra, họ còn thích treo thêm tranh dân gian Đông Hồ, vẽ trên giấy điệp với đủ màu sắc, như tranh gà trống, tranh bầy lợn hay tranh tố nữ, tranh cậu bé ôm cá, sau lưng có cành hoa sen tất cả đều ngụ ý cầu chúc hay đem lại điềm lành cho gia đình. Có nhà còn treo tranh hai ông tướng Vũ Đinh, Thiên Ất, tay cầm khí giới ở hai bên cửa ngõ để trấn nhà trừ ma quỉ quấy phá.

Muốn tăng thêm vẻ rực rỡ và ý nghĩa cho ngày Tết, dân ta còn ưa chưng ở bàn khách một bình mai vàng thiệt lớn (ở miền Bắc là cành đào), trên cài những cánh thiệp chúc Tết, và đôi chậu cúc vạn thọ ở hai bên cửa ra vào ; chả vì hoa mai, hoa đào không những màu sắc lộng lẫy mà còn tượng trưng cho sự may mắn, còn hoa vạn thọ thì tiêu biểu cho sự sống lâu.

Các cụ ông thì từ hai, ba tuần lễ trước Tết đã lăng xăng chăm sóc mấy chậu lan đất hay mấy giỏ phong lan, cùng lo tước bỏ hết lá cây mai già ngoài vườn để cho hoa được nở rộ vào đầu năm mới. Các cụ bà thì lo gọt tỉa mấy giò thủy tiên để lễ giao thừa.

Trong nhà đã nhộn nhịp như thế, ngoài đường phố, nhất là chợ Tết còn sầm uất, huyên náo đến đâu, vì gia đình ai mà chả phải sắm Tết. Khu chợ Tết nào cũng kẻ mua người bán tấp nập suốt ngày. Nhưng ồn ào nhất phải kể là khu chợ gà lợn và rực rỡ, thanh lịch nhất phải kể là khu chợ hoa. Thôi thì đủ loại hoa, đủ màu sắc, mặc sức chọn lựa, nào hồng, nào huệ, nài glaieul, thược dược, nào những giò thủy tiên, những chậu cúc, phật thủ, quất. Riêng những cành đào (miền Bắc) hay những cành mai vàng (miền Trung và Nam) tuy được bán rất nhiều nhưng lại rất mắc, vì đây là hai loại hoa Tết truyền thống của dân tộc, gia đình nào cũng muốn mua ít nhất một, hai cành để bày trong nhà vào những ngày đầu năm.

Những người buôn bán còn thích mua về một vài chậu quất màu cam vàng hực, tríu trít những quả. Cây nào có đủ cả quả to, quả nhỡ, quả nhỏ, điểm thêm một ít nụ hoa nữa mới là quí, vì chúng đang mỗi ngày một tăng trưởng, một kết tụ, tượng trưng cho sự buôn bán mỗi ngày một phát tài sai lộc.

Trong Nam còn có tục lệ mở chợ Tết tới khuya, đông nhất vẫn là khu chợ hoa. Giờ này không khí mát mẻ, dưới ánh đèn muôn màu, trai thanh, gái tú, áo quần chưng diện, dập dìu đi lại, nói cười lẫn trong hoa, tạo nên một hoạt cảnh vô cùng thơ mộng, tình tứ. Quả thực lúc này người đi sắm Tết thì ít mà người đi ngắm hoa thiên nhiên, nhất là những bông hoa biết nói thì nhiều.

Hết chuyện mua sắm, đi chợ Tết đến chuyện biếu xén. Người Việt ta cứ đến những ngày giáp Tết thì có tục lệ biếu Tết. Người ta không chỉ biếu Tết những vị trưởng thượng trong gia tộc như ông bà, cha mẹ, cô bác, những người ơn nghĩa như thầy thuốc, thầy giáo, cùng những nơi làm ăn hay những chàng rể tương lai phải sêu Tết nhà vị hôn thê, mà người ta còn biếu Tết cả các bạn bè thân cùng bà con lối xóm. Nhiều người gọi đùa đây là tục trao đổi văn hóa. Cũng vì có sự biếu qua, biếu lại này mà đôi khi vật hoàn cố chủ. Thật là vui !

Thế là cả một dân tộc đang say sưa sửa soạn đón Tết, dẫu có phải bận rộn đến mấy người ta vẫn tươi cười vui vẻ, vì trong lòng ai giờ nay cũng đang xốn xang, nao nức chờ đón năm mới sắp đến.

Thật đúng là:

Vui từ trong cửa vui ra
Vui từ ngã bảy, ngã ba vui về
(Từ buồn trong câu ca dao thứ hai được đổi ra vui cho hợp tình, hợp cảnh)

Tết ta không chỉ bắt đầu từ ngày mồng một thánh giêng năm mới mà thực sự không khí Tết nhất đã ngự trị trên đất Việt ngay từ ngày 23 tháng chạp là ngày Tết Táo quân rồi.

Cứ đến ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng cúng Tết Táo quân tức Vua bếp. Người xưa tin rằng tới ngày này, Vua bếp gồm hai ông một bà sẽ về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế để báo cáo mọi chuyện tốt, xấu trong năm của những người trong gia đình. Để tiễn đưa và lấy lòng các vị này, người ta cúng cỗ và một bộ vàng mã gồm áo, mão cho hai ông một bà cùng ba con cá chép, vì theo người xưa, cá chép sẽ hóa long đưa các vị về trời. Cũng vì đó mới có câu :

Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà

Ở nước ta, tờ báo Xuân đầu tiên ra đời là tờ Phụ nữ Tân văn Xuân Canh Ngọ (1930) do bà Nguyễn Đức Nhuận chủ trương tại Sài Gòn. Từ đó các báo mới bắt chước, dần dần trở thành thông lệ. Hễ Xuân sang Tết đến là báo Xuân xuất hiện. Đặc biệt hầu hết các báo đều dựa vào chuyện Táo quân lập bô để đẻ ra mục sớ Táo quân mà tổng kết mọi chuyện trong nước hay trên khắp thế giới; đôi khi nhân đó mà ngụ ý mỉa mai, châm biếm hay hài hước mua vui.

Sau Tết Táo quân, bà con từ Bắc chí Nam đều lo đi tảo mộ. Người Việt không đi tảo mộ vào tiết Thanh minh tháng ba như người Trung Hoa mà đi tảo mộ vào cuối năm. Từ ngày 25 tháng chạp trở đi, ngày nào tối trời, bà con trong mỗi gia tộc lại họp nhau đi tảo mộ, tức đi quét dọn, sửa sang lại mộ phần của tổ tiên cùng các thân nhân quá cố. Xong đâu đấy họ thắp hương, dâng lễ và khấn khứa cung thỉnh vong linh các vị về ăn Tết.

Cũng từ ngày 23 tháng chạp trở đi, muộn lắm là ngày cuối năm, bà con ở thôn quê còn có tục dựng cây nêu ở trước sân nhà. Cây nêu làm bằng thân tre hay bương, chặt gốc rồi còn cao khoảng 5, 6 thước tây. Gần ngọn cây nêu người ta thường treo lủng lẳng một cái vòng lục lạc, có những chiếc chuông, chiếc khánh bằng đất nung và một dải lụa màu làm phướn, có tiếng leng keng của chuông khánh va chạm nhau, ma quỉ biết đất có Phật che chở nên không dám quấy nhiễu, mặc dù thời gian Tết này các vị thần giám sát việc thế gian đã vắng mặt, vì còn phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Cũng vì sự tích trồng nêu có liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo nên lễ dựng nêu, người ta không cúng mặn mà chỉ cúng hoa quả, xôi chè. Bởi ca dao mới có câu :

Cú kêu ba tiếng cú kêu
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè

Nhà nào không trồng cây nêu thì người ta gài cành đa, lá dứa trước cửa nhà hoặc rắc vôi bột ngoài ngõ và vẽ cung tên lên cánh cửa để trấn nhà, không cho ma quỷ xâm nhập gia cư như câu hát xa xưa :

Cành đa, lá dứa treo cao
Vôi bột rắc ngõ, chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào thì quỷ lại ra
Cành đa, lá dứa thì ta cứa mồm

Người ta trồng cây nêu còn vì tục lệ đón rước vong linh tổ phụ về ăn Tết.

Ai cũng biết những đêm cuối năm, nhất là đêm ba mươi không trăng sao, trời tối mò, thành ngữ chẳng có câu: Tối như đêm ba mươi Tết đó sao ? Bởi thế trên cây nêu, ngoài bộ lục lạc, người ta còn treo thêm một ngọn đèn dầu, được thắp sáng mỗi đêm để hướng dẫn linh hồn ông bà ông vải biết đường tìm về nhà.

Chiều ba mươi Tết, nhà nào cũng cỗ bàn thịnh soạn, trước là để cúng gia tiên, cung thỉnh vong linh các vị về ăn Tết cùng con cháu; sau để con cháu thừa hưởng lộc trong cảnh vui vầy. Vì tới chiều ba mươi Tết, ai đi buôn bán, làm ăn xa cũng đã trở về đoàn tụ dưới mái nhà tổ phụ.

Mâm cỗ Tết không bao giờ thiếu món bánh chưng, giò thủ cùng món dưa hành theo đúng truyền thống :

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh

Sau nữa phải có thêm đĩa cá kho riềng, đĩa thịt bò hầm gừng cùng các món xào, nấu như măng khô hầm gà nhồi bóng, măng tươi xào mực khô, nem rán. Cả gia đình ông bà, cha mẹ, con cái ăn uống, chuyện trò say sưa. Tiệc vừa tàn thì quay ra đánh tam cúc, chơi rút bất chờ đón giao thừa.

(Còn tiếp)

GS PHẠM THỊ NHUNG

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán ..........Hồng Anh (st)

Phụ nữ Việt Nam
04:41' PM - Thứ năm, 15/01/2009

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý - Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.

Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.

Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Mấy tiếng “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Không thế thì làm sao huỳnh Văn Nghệ có cảm hứng để lưu truyền cho hậu thế hai câu thơ bất hủ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội; tình thầy trò, bè bạn cố tri, ông mai bà mối đã tác thành cho đôi lứa.. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Các ngành, các cấp đều có kế hoạch cho ngày hội đặc biệt này. Từ thương nghiệp đến giao thông vận tải, văn hóa đến an ninh công cộng, nhất là các ngành dịch vụ thì cứ là “bận như Tết”. Các công sở, xí nghiệp, trường học cũng đều có kế hoạch tham gia Tết, đồng thời giải quyết những nhu cầu đặt ra trong nội bộ đơn vị.

Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về…

Theo tập tục, đến ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa, dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghỉ lễ từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày khai hạ (từ 7 tháng Giêng).

Ngày nay, trong thời kỳ hiện địa, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được quy định hợp lý, khoa học hơn – Vừa văn minh, lịch sự, không lãng phí thời gian, phù hợp nếp sống công nghiệp vừa bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc và ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết thì không có gì thay đổi. Đó cũng là nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian cần được giữ gìn và phát huy.

Nguồn: Phụ nữ Việt Nam

Tết Nguyên đán (tt)

Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niêm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.

Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành Mai, mấy ngỳa tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mân ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc. Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ tới già ai ai cũng biết, sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.

Tống cự nghênh tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi ddược nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay người"nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
Phong tục ta ngày Tết việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: không có quà ngại không đến...

Ở nước ta, vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày Tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rãnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ. Sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Ngườu thợ thủ công nếu chưa ai thuê nướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượi chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì người bố cho phép vui chơi. Tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Ðến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn hoá vàng.

Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết: Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hót rác ngày Tết.





Sắc Thái Tết

Lễ Chùa Đêm 30
Bánh Chưng Bánh Dầy
Về Với Cội Nguồn
Phong TụcNgày Tết
Xông Đất
Tết Miệt Vườn
Tết M'Nong
Giá Trị Tâm Linh
Câu Đối Tết
Trò Chơi Xuân
Xuân Và Tết
Tết Đoan Ngọ 2004





Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

Hà Phương Hoài

Tết Nguyên đán

Tết
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mục từ này nói Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất của người Việt; xem các nghĩa khác tại Tết (định hướng).


Bình hoa mai ngày Tết
Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Chữ "Tết" do chữ "Tiết" (節) mà thành.[1] Hai chữ "Nguyên đán" (元旦) có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" (Tết Nguyên đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết (春節), Tân niên (新年) hoặc Nông lịch tân niên (農曆新年).
Vì Trung Quốc và một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc dùng lịch pháp theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Mục lục [ẩn]
1 Lịch sử
1.1 Từ nguyên
1.2 Nguồn gốc ra đời
1.3 Quan niệm ngày Tết
2 Sắm tết
3 Dọn dẹp, trang trí
3.1 Mâm ngũ quả
3.2 Cây nêu
3.3 Tranh tết
3.4 Câu đối Tết
3.5 Hoa tết
3.5.1 Hoa đào
3.5.2 Hoa mai
3.5.3 Cây quất
4 Các giai đoạn chính trong tết
4.1 Những ngày cuối năm
4.1.1 Ngày Ông Công, Ông Táo
4.1.2 Ngày dựng Cây nêu
4.1.3 Ngày gói bánh chưng
4.1.4 Ngày Tất niên
4.2 Giao thừa
4.2.1 Cúng Giao thừa ngoài trời
4.2.2 Cúng Giao thừa trong nhà
4.3 Bảy ngày đầu năm
4.3.1 Ba ngày Tân niên
4.3.2 Xông đất
4.3.3 Xuất hành và hái lộc
4.3.4 Chúc Tết
4.3.5 Thăm viếng họ hàng, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp
4.3.6 Mừng tuổi
4.3.7 Hóa vàng
4.3.8 Khai hạ
5 Ẩm thực ngày Tết
6 Những phong tục tập quán và sinh hoạt ngày Tết
6.1 Phong tục ngày Tết
6.1.1 Phong tục chỉ còn tồn tại phảng phất
6.1.2 Phong tục vẫn đang tồn tại rộng rãi
6.2 Sinh hoạt ngày tết
6.3 Lễ hội Tết
7 Tín ngưỡng ngày tết
7.1 Điềm lành
7.2 Kiêng kỵ
8 Tết của người Việt Nam tại nước ngoài
9 Thi ca
10 Nhạc Tết
11 Các chương trình truyền hình đón Tết
12 Những ngày đầu năm theo 12 con giáp
13 Xem thêm
14 Chú thích
15 Liên kết ngoài
15.1 Tư liệu
15.2 Tin tức
15.3 Ảnh
15.4 Video
15.5 Nhạc và thơ
[sửa]Lịch sử

[sửa]Từ nguyên
Nguyên nghĩa của Tết chính là "tiết".[1] Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
[sửa]Nguồn gốc ra đời
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.[2] Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau.
Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.[1]
Trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 làm chuẩn. Vì thế hai miền nam bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền nam thì ngày 30 tháng 1). [3]
[sửa]Quan niệm ngày Tết
Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết họ kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn còn được lì xì bằng một phong bì đỏ thắm có đựng ít tiền dành cho chúng tiêu xài ngày Tết. Tết ở 3 miền Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam cũng có những điều khác nhau.
[sửa]Sắm tết

Bài chi tiết: Chợ Tết
Chợ Tết là những phiên chợ có phiên họp chợ vào trước tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp, bán nhiều mặt hàng, nhưng nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên đán, như lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp để gói bánh chưng hoặc nấu xôi, gà trống, các loại trái cây dùng thờ cúng (ngũ quả) để cúng tổ tiên,...[4] Vì tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ bán hàng trong những ngày Tết, những ngày đầu năm mới không họp chợ, nên phải mua để dùng cho đến khi họp chợ trở lại đưa đến mức cầu rất cao. Người Việt có câu mồng bốn chợ ma, mồng ba chợ người nên chợ được họp phiên đầu năm là mồng ba tết (ngày 3 tháng 1 âm lịch). Hơn nữa, chợ Tết cũng để thỏa mãn một số nhu cầu mua sắm để thưởng ngoạn, để lễ bái như hoa tết, những loại trái cây, đặc biệt là dưa hấu và những loại trái có tên đem lại may mắn như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài,... Những loại chợ Tết đặc biệt cũng sẽ chấm dứt vào trước giờ Ngọ giao thừa. Vào những ngày này, các chợ sẽ bán suốt cả đêm, và đi chợ Tết đêm là một trong những cái thú đặc biệt. Kèm theo các chợ mua bán ngày giáp tết đông đúc, nhiều nơi còn tổ chức các chợ hoa nhằm vui xuân.
Hiện nay, nhiều chợ Gốm đã được mở vào ngày giáp Tết để phục vụ người dân.[5]
[sửa]Dọn dẹp, trang trí

[sửa]Mâm ngũ quả
Bài chi tiết: Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có chừng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm: chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, quýt, lê-ki-ma, hồng xiêm, hồng đỏ. Chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc.
Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Mâm ngũ quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài.[6]
[sửa]Cây nêu
Bài chi tiết: Cây nêu
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét[7]. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai... Ở Gia Định xưa, sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".[7]
Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơiđây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu" phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi".[7]


Tranh Đông Hồ trang trí ngày Tết Nguyên Đán
[sửa]Tranh tết
Bài chi tiết: Tranh dân gian Việt Nam, Tranh Đông Hồ, Tranh Hàng Trống, và Tranh Kim Hoàng
Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư... có khi là một chữ Nho (chữ Tâm, Phúc, Đức...).
Tranh Tết từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi của người dân Việt Nam và không chỉ người có tiền mới chơi tranh mà người ít tiền cũng có thể chơi tranh. Nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa kia. Những màu sắc rực rỡ như khơi gợi nên cảm giác mới mẻ ấm cúng rộn rã sắc xuân trong mỗi gia đình của người Việt.[8]
[sửa]Câu đối Tết
Bài chi tiết: Câu đối
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ.[9] Bản thân chữ "câu đối đỏ" cũng xuất hiện trong câu đối Tết sau:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
[sửa]Hoa tết


Hoa đào Nhật Tân


Hoa mai ngày Tết
Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ...; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet, hoa đồng tiền,... Ngoài ra, hoa hồng, cẩm chướng, loa kèn, huệ tây, lá măng, thạch thảo... cắm kèm sẽ tạo sự phong phú và mang ý nghĩa sum họp cho bình hoa ngày tết. Màu sắc tươi vui chủ đạo của bình hoa cũng ngụ ý cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, gia đình an khang và sung túc.[10]
[sửa]Hoa đào
Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.[11]
Sự tích hoa đào ngày Tết:
Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào sum suê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là bỏ chạy xa bay. Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nhỡ ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà trừ ma quỷ.[12]

[sửa]Hoa mai
Hoa Mai, với miền Nam nước Việt, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới rất thích hợp môi trường cho hoa Mai đơm bông nẩy lộc mỗi dịp Xuân về Tết đến. Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hơn miền Bắc, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.[13] Đối với người miền Nam, nếu hoa Mai nở đúng vào lúc đón giao thừa hay nở vào sáng sớm ngày mùng một Tết thì điều đó có nghĩa là sự may mắn, thịnh vượng, và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó.[14]
[sửa]Cây quất
Tết đến, cây quất thường được trang trí tại phòng khách. Cây quất Tết ngày càng có nhiều kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn phải bảo đảm sự xum xuê, lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.[15]
[sửa]Các giai đoạn chính trong tết

[sửa]Những ngày cuối năm
[sửa]Ngày Ông Công, Ông Táo
Bài chi tiết: Táo quân
Tết của người Việt bắt đầu từ ngày Hai Mươi Ba tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu, những việc mà Ông Táo tai nghe mắt thấy. Ông Táo được cúng vào ngày Hai Mươi Ba tháng Chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép giấy kèm theo cỗ mũ), cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.
[sửa]Ngày dựng Cây nêu
Đây là ngày dựng Cây nêu. Theo phong tục của một số dân tộc, trong đó có người Kinh, cây nêu vừa biểu trưng cho sự tôn kính trời đất, vừa là biểu trưng cho sự tiễu trừ ma quỷ.[7]
[sửa]Ngày gói bánh chưng
Bài chi tiết: Sự tích bánh chưng, bánh dày
Theo phong tục của người Việt là ngày gói bánh chưng và chuẩn bị các món đồ tế lễ trong dịp Tết.[16] Cũng trong ngày này, nguời ta thường đi thăm mồ mả gia tiên, sửa sang, dọn cỏ, quét vôi và làm một mâm cỗ cúng mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
[sửa]Ngày Tất niên
Bài chi tiết: Tất niên
Có thể là ngày Ba Mươi tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc Hai Mươi Chín tháng Chạp (nếu là năm thiếu) được gọi là ngày Tất niên. Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Buổi tối ngày này, người ta làm cỗ cúng tất niên. Giữa ngày Ba Mươi (hoặc Hai Mươi Chín) tháng Chạp và ngày Mồng Một tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (00:00:00 ngày Mồng Một tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa.
Sắp dọn bàn thờ: Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...
[sửa]Giao thừa


Các ông đồ viết chữ lên giấy dó
Bài chi tiết: Giao thừa
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát.[17]
Cúng Giao thừa (hay lễ Trừ tịch): là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.[18]
[sửa]Cúng Giao thừa ngoài trời
Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Hết một năm, vị Hành khiển (行遣) cũ đã cai quản Hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản Hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Mười hai vị Hành khiển và Phán quan gồm:
Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.
Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.
Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.
Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón người mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản Hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà[19]. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã. Lễ trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa.[19]
[sửa]Cúng Giao thừa trong nhà
Cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm, bao gồm:
Cỗ mặn:
Bánh chưng;
Giò - chả;
Xôi gấc;
Thịt gà;
Xôi đậu xanh;
Các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình.
Cỗ ngọt và chay:
Hương, hoa, đèn nến;
Bánh kẹo;
Mứt Tết;
Rượu/bia và các loại đồ uống khác.
Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.
[sửa]Bảy ngày đầu năm
[sửa]Ba ngày Tân niên
Ngày Mồng Một tháng Giêng: là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất. Vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ còn sống, họ đến chúc tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.
Ngày Mồng Hai tháng Giêng: ngày này cũng có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, nguời ta chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.
Ngày Mồng Ba tháng Giêng: Sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy.[20]
Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.
[sửa]Xông đất
Xông đất (hay đạp đất, mở hàng). Tục lệ xông đất đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một "khai trương" một năm mới. Họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ.[21] Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.
Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.[21] Thời xưa, chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp tuổi với chủ nhà.
[sửa]Xuất hành và hái lộc
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.[21]
Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc, người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi và có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:
Gió Nam: chỉ đại hạn;
Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc;
Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả;
Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải;
Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu;
Gió Đông: chỉ có lụt lớn.[21]
[sửa]Chúc Tết
Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi).
[sửa]Thăm viếng họ hàng, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp
Thăm viếng họ hàng là để gắn kết tình cảm gia đình họ hàng. Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công... Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay người nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.
Đến thăm những người hàng xóm của mình, những gia đình sống gần với gia đình mình, chúc họ những câu tốt lành đầu năm mới. Những chuyến thăm hỏi này giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới.
Đến thăm những người bạn bè, đồng nghiệp, những người thân thiết với mình để chúc họ những câu tốt lành, giúp tình cảm bạn bè gần gũi hơn.
[sửa]Mừng tuổi
Lì xì (利市, phát âm theo người Quảng Đông: lishi): người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
Theo truyền thuyết:
Ngày xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm Giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một mụn con trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ chạy.

[22]
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng". Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.[23]
[sửa]Hóa vàng
Ngày Mồng Bốn tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia.
Tục hóa vàng ngày Mồng Bốn hoặc Mồng Năm, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn.[24] Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tục "hoá vàng" dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.[25]
Vào ngày Mồng Bốn và Mồng Năm Tháng Giêng, người ta kiêng xuất hành vì đây là ngày không tốt.
[sửa]Khai hạ
Ngày Mồng Bảy tháng Giêng (cũng có thể là Mồng Sáu Tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày Mồng Tám hoặc Mồng Chín tháng Giêng.[26]
[sửa]Ẩm thực ngày Tết



Một cặp bánh chưng vuông (chưa luộc)


Xôi gấc
Thành ngữ Việt Nam có câu Đói giỗ cha, no ba ngày Tết. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết sao cho "trẻ có bát canh, già được manh áo mới". Hơn thế nữa, dù có đói khát quanh năm thì đến Tết, mọi người mà nhất là trẻ em thường được ăn uống no đủ. Bữa ăn ngày Tết thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang trọng hơn bữa ăn ngày thường. Vì vậy mà người ta cũng thường gọi là "ăn Tết". Ngoài cơm, ngày Tết còn có:
Bánh truyền thống: bánh chưng, bánh dầy, bánh tét... Đây là các loại bánh đặc trưng cho phong tục ăn uống ngày Tết ở Việt Nam. Bánh chưng và bánh dầy còn được gắn với các sự tích cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt.
Cỗ Tết: dịp Tết người Việt thường tổ chức ăn uống lớn, gọi là ăn cỗ. Các món cỗ trong nhiều gia đình có thể có bóng bì, canh măng, chân giò có nấm hương, miến nấu lòng gà, nem rán, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối...
Mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng, sau đó dọn ra để đãi khách. Mứt có rất nhiều loại như: mứt gừng, mứt bí, mứt cà chua, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt mít, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt chà-là, mứt lạc, mứt me...
Trái cây, đặc biệt là dưa hấu đỏ không thể thiếu trong những gia đình miền Nam.[27] Dưa hấu được chưng cúng nơi bàn thờ Tổ tiên, bên cạnh các loại mứt, mâm ngũ quả, bánh kẹo..., và nhiều quả dưa còn được gắn thêm chữ Phước - Lộc - Thọ. Sáng mồng một Tết, người nhà cử người bổ quả dưa để bói cầu may và lấy hên xui.[27]
Kẹo bánh thì đa dạng hơn như: Kẹo bột, kẹo dồi, kẹo vừng (mè), kẹo thèo lèo, kẹo dừa, kẹo cau, kẹo đậu phụng (kẹo cu-đơ), bánh chè lam... Ngoài ra, Tết còn có hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ rang...
Thức uống ngày Tết: Phổ biến nhất vẫn là rượu. Các loại rượu truyền thống của dân tộc như rượu nếp thơm, nếp cái hoa vàng (người Kinh), nếp nương (người Thái), nếp cẩm (người Mường), rượu San lùng, rượu ngô (người H'Mong, người Dao), rượu Mẫu sơn (người Tày, nguời Nùng), ruợu Bàu đá (Trung bộ), rượu đế (Nam Bộ)... thường được dùng. Sau bữa ăn, người ta thường dùng trà xanh. Ngày nay còn có thêm các loại ruợu của phương Tây, bia và các loại nước ngọt.
Ngoài ra, các gia đình miền Nam thường có thêm nồi thịt kho nước dừa (thịt kho rệu) và nồi khổ qua hầm và nem bì, dưa giá miền Nam, củ kiệu ngâm, bánh tráng (để quấn) để ăn mấy ngày tết.[28][29] Ngày trước miền Bắc có chè kho ngày Tết, hiện nay ít được biết đến[30], cơm rượu và thịt đông, dưa hành. [31] Miền Trung có dưa món và món tré, giống giò thủ của miền Bắc nhưng nhiều vị củ riềng, thịt chua và tai heo.[31]
[sửa]Những phong tục tập quán và sinh hoạt ngày Tết

[sửa]Phong tục ngày Tết
[sửa]Phong tục chỉ còn tồn tại phảng phất
Sêu Tết: Ngày xưa các cặp trai gái đang trong thời kỳ hứa hôn, trước Tết người con rể tương lai phải mang lễ đến biếu bố mẹ vợ.[32]
Trồng và hạ nêu: Trên cây treo một số vật tượng trưng gọi là bùa nêu để trừ tà quỷ.[32]
Hát sắc bùa: Sau giao thừa, trẻ em nhà nghèo tụ thành từng nhóm, đến cửa các nhà vừa hát vừa gõ trống. Chủ nhà bao giờ cũng mở cửa ra phát tiền mừng tuổi cho các em để hai bên cùng gặp hên.[32]
Gánh nước: Ngay sau Giao thừa hoặc sáng mồng Một, người nhà mang thùng ra sông hoặc ra giếng làng gánh nước về đổ đầy chum vại, với hy vọng sang năm mới “của cải như nước non”.[32]
Chúc Tết theo thứ tự: Chúc theo thứ tự Mồng một nhà trai, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thày. Ngày nay tùy theo thời tiết, đường sá, tiện bên nào thì đến bên đó trước.[32]
Lạy sống ông bà: Con cháu đến chúc Tết việc đầu tiên là phải vào quỳ lạy sống các cố và ông bà.[32]
[sửa]Phong tục vẫn đang tồn tại rộng rãi


Phong bì lì xì treo trên cây mai
Mua và xin câu đối trước Tết: Nhiều người ta mua một câu đối hay hoặc một vài chữ Nho mang ý nghĩa cầu an, cầu tài lộc cho năm mới.[32]
Mâm ngũ quả và bàn thờ gia tiên: Được bày biện cầu kỳ đầy đủ vật lễ. Người nội trợ có ý thức mua đủ 5 loại quả và trình bày sao cho đẹp mắt và có ý thể hiện vẻ sung túc của gia đình.[32]
Xông nhà: Người ta nhờ người hợp tuổi, hợp mệnh đến xông nhà, cầu mong sang năm lấy được vía tốt của người xông nhà.[32]
Chọn hướng xuất hành: Sau giao thừa, có người xuất hành đi du xuân luôn. Họ chọn một hướng tương hợp tương sinh với mình với con giáp của năm để xuất hành cầu tài đón lộc.[32]
Lễ chùa: Có người cả năm không đi lễ, nhưng đến Tết nhất thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt giầu hoặc tiền công đức cho chùa. Vào ngày đầu năm, tại chốn linh thiêng, người ta tin rằng điều cầu khấn của mình có nhiều khả năng thành hiện thực.[32]
Mua muối: Đầu năm mọi nhà đều mua muối để cầu may mắn đến.[33] Vẫn có câu là Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.
Khai ấn và Khai bút: Đầu Xuân, nhằm vào ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước khai ấn (đóng con dấu lần đầu tiên trong năm); học trò, sĩ phu khai bút (viết bài hoặc một đoạn văn, một câu thơ... đầu tiên trong năm); nhà nông khai canh, (cày ruộng, làm đất, trồng, cấy lần đầu tiên trong năm); người buôn bán thì "khai thương", (mở hàng lần đầu tiên trong năm)... Sau ngày mùng Một, dù có mải vui cũng chọn ngày để khai nghề, làm lấy ngày. Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì Giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người ta thuờng chợ Tết cùng với du xuân (đi chơi Tết).
Đi lễ chùa và xin xăm (miền Bắc gọi là xin thẻ): Không ai biết chắc chắn phong tục này có từ bao giờ và tại sao nhưng trong những ngày đầu năm âm lịch thì rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm nhất là vào buổi sáng mồng một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc. Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy bàn xăm. Ở miễn Bắc có tục "bốc quẻ thẻ" giống như tục "xin xăm" ở phía Nam. Người xin thẻ dâng một lễ mọn rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán. Trên quẻ thẻ thường ghi một câu văn ngắn gọn rút từ điển tích Trung Hoa cổ. Căn cứ câu văn ấy, người xin thẻ có thể luận ra "tiền định" cuộc đời mình trong năm đó. Nếu không thông thạo Hán Văn, có thể thuê thầy đồ luận giải giúp. Ngày nay, người ta thường bỏ thẻ tre và thay vào đó bằng những tờ bướm in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn.
[sửa]Sinh hoạt ngày tết
Áo quần mới: Ngày xưa, trước Tết một thời gian ngắn, các bà các mẹ trong nhà phải thức khuya quay tơ, dệt vải, may áo quần mới cho cả nhà. Công việc này thường kết thúc vào ngày cuối năm. Đến sáng mùng Một Tết, cả nhà dậy sớm, thay quần áo mới để làm lễ gia tiên. Người ta cho rằng cần phải rũ bỏ những cái cũ, cái không may mắn đi theo quần áo cũ và đón một năm mới với nhiều hi vọng và niềm vui mới từ bộ quần áo mới đó.[34]
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết: Do tục kiêng cữ quét nhà trong ngày Tết.[35] Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân (xác pháo đốt trong đêm giao thừa), người quét nhà sẽ bị "rông" cả năm; (rông: được hiểu như sự xui xẻo).
Trả nợ cũ: Đối với nhiều người Việt, dịp tất niên là dịp trả nợ cũ, xóa bỏ xích mích của năm cũ, để hướng tới năm mới vui vẻ hòa thuận hơn.[35]
Treo quốc kỳ: Những năm sau ngày thống nhất đất nước, tại Việt Nam, ngày tết cũng như các ngày lễ trong năm, chính phủ đều khuyến khích treo quốc kỳ. Các công sở, công ty, trường học, nơi sinh hoạt công cộng thường treo quốc kỳ kèm bích chương "Chúc mừng năm mới" và các loại cờ ngũ sắc.
Trò chơi dân gian: bịt mắt bắt dê, múa võ, hát bội, hát cải lương, hát chèo, đánh đu, thi leo cột mỡ, đập niêu, chọi gà; bài chòi; chơi tổ tôm điếm; chơi cờ nguời và nhiều trò dân gian cổ truyền khác.
Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp Tết thì tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ (hạ nêu) thì xé bộ tam cúc, cất bộ tổ tôm...hoặc đốt các bộ bài trong lễ hóa vàng.
Cúng đưa và Hạ nêu: Trong những ngày Tết, người Việt quan niệm rằng có sự hiện diện của Ông Bà tổ tiên nên bàn thờ luôn được thắp hương và cúng cơm mỗi ngày. Thường thì chiều mồng Bốn hay mồng Năm cúng tiễn đưa Ông Bà, chiều mồng Bảy cúng hạ nêu.
Đốt pháo thường hay có trong dịp cúng tất niên hay thời khắc giao thừa ngày Tết cổ truyền. Từ năm 1994, chính quyền Việt Nam đã cấm đốt pháo, buôn bán và nhập khẩu pháo bằng Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8 tháng 8[36] vì tính chất nguy hiểm dễ gây sát thương của nó. Thay vào đó, chính quyền tổ chức các đêm bắn pháo hoa cho người dân thưởng thức.
[sửa]Lễ hội Tết
Các lễ hội truyền thống khác như thi đấu cờ người; đua thuyền, đấu vật, đánh còn, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu ... tùy theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần "lễ" và phần "hội" chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú.
Từ năm 2004, tại Thành phố Hồ Chí Minh có Đường hoa Nguyễn Huệ và từ năm 2009, tại Hà Nội có Lễ hội phố hoa Hà Nội để trang hoàng hoa cho khách thưởng ngoạn.
Ngoài hội Tết, nhiều địa phương còn tổ chức các lễ hội mùa Xuân đặc biệt. Tại Hà Nội, vào ngày mùng 5 Tết, lễ hội Quang Trung được tổ chức ở gò Đống Đa, thuộc quận Đống Đa.[37] và lễ hội Cổ Loa tại quận Đông Anh. Các nơi khác có Chợ Âm Dương mùng 4 ở Bắc Ninh và Chợ Viềng mùng 7 tại Nam Định, Hội xuân Yên Tử ở Quảng Ninh.
Tại làng cổ Vân Luông thuộc xã Vân Phú thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ có hội ném đá, gọi là Ném Chài vào ngày 3 tháng giêng. Từ năm 1946 hội Ném Chài thôi tổ chức vì nguy hiểm tính mạng. Năm 2004 lễ hội được phục hồi nhưng thay ném đá bằng túi vải đựng cát.[38]
Tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có phiên chợ Chuộng tổ chức vào mùng 6 tết, người dân đến mua bán một số sản vật nông nghiệp để lấy may, còn thanh niên thì đánh nhau để cầu may.[38]
[sửa]Tín ngưỡng ngày tết

[sửa]Điềm lành
Hoa mai: sau Giao thừa, nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh.[39][40]
Chó lạ vào nhà: Tục ngữ Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang.[39]
Cây đào: Nếu có nhiều cánh kép (hoa kép) 3 lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.[39]
Cây quất: Nếu cây có nhiều chồi xanh mọc thì năm đó sẽ có nhiều lộc. Nếu có đủ Tứ quý: Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn và thành đạt cả năm.[41]
[sửa]Kiêng kỵ
Theo quan niệm trong ngày đầu năm (Nguyên Đán) mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người, do đó, người Việt có một số kiêng kỵ như sau:
Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.[42]
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm.
Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.
Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió...[43]
Kiêng cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc tiền vô như nước, nếu cho nước thì coi như mất lộc.[43]
Trong ngày này, người ta kiêng quét nhà vì theo một điển tích của Trung Quốc, nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.[43]
Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay. Người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn.[42]
Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt... Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ "xúi quẩy".
Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.[42]
Người ta thường kiêng khóc lóc, buồn tủi hoặc nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.[42]
Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen: Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm thì phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ và thu hút sự chú ý, tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới, như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh...[42]
Kiêng nói to, cãi nhau, nói xấu hay mắng người khác.[42]
Kiêng đi chúc Tết vào sáng Mồng Một Tết nếu không được gia chủ mời vì sợ sẽ mang đến điều không tốt đẹp cho chủ nhà trong năm mới. Theo phong tục xông đất, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng một Tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.[42]
Ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành.[44]
[sửa]Tết của người Việt Nam tại nước ngoài



Cổng chào "Hội tết sinh viên" năm 2006 ở Little Saigon, California
Người Việt sống ở nước ngoài nếu không có điều kiện về Việt Nam trong dịp Tết cũng tổ chức những hoạt động trong dịp Tết Âm lịch mang đậm truyền thống văn hóa Việt. Nhiều nơi có đông người Việt sinh sống như tại Mỹ, Úc, Pháp, Nga, Đức... người Việt sinh sống tại đây ăn Tết với bánh chưng gói và bán sẵn cũng như các món ăn được đưa từ Việt Nam sang như nước mắm Phan Thiết, cho đến củ tỏi, củ hành, rau húng, rau thơm... Nhiều gia đình cũng lập bàn thờ Gia tiên, bàn thờ cũng có mâm ngũ quả, bánh chưng, mứt Tết, hương trầm, rượu, kim ngân..., có gia đình treo cả câu đối, và một lọ hoa tươi giống như đón Tết cổ truyền tại Việt Nam [45].
Nhiều nơi, cộng đồng và các hội đoàn người Việt, các chùa Phật giáo, các giáo xứ Công giáo có tổ chức Hội tết và ca nhạc văn nghệ Tết. Sứ quán Việt Nam và các lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài cũng có tổ chức các hoạt động vui Tết đón xuân cho kiều bào như các buổi tiệc nhỏ hay văn nghệ Tết, như tại Thái Lan, Canada [45].... Các khu thương xá của người Việt, các khu chợ Việt như tại Little Saigon ởCalifornia, Hackney (hay được gọi là “khu Việt Nam” tại Luân Đôn), Cabramatta (còn gọi là Saigonmatta) ở Sydney, Úc... cũng có bán các mặt hàng mứt, bánh chưng, hạt sen, lá dong tươi để gói bánh chưng, gạo nếp, xôi gấc, dừa khô, măng khô... được chuyển từ Việt Nam sang [46]. Chợ hoa cũng có bán cành đào, cành mai, dưa hấu nhập từ các nước châu Á sang để trưng bày trong nhà.
Tại Mỹ, trước Tết Nguyên đán, kiều bào và du học sinh thường kết hợp tổ chức lễ hội mừng Tết lớn cho cộng đồng người Việt và cả cộng đồng người bản xứ. Đặc biệt hơn ở Việt Nam là nơi đây, vào ngày Tết được quyền đốt pháo nên các khu chợ Việt như chợ Lion, khu Little Saigon tràn ngập xác pháo giữa đêm giao thừa cho đến trọn ngày mồng 1 Tết [47]. Hàng năm, vào ngày Tết, đều có các cuộc diễn hành tết của cộng đồng người Việt tại khắp nơi, với các xe hoa và đoàn múa, lớn nhất là tại San Jose do Hội Diễn hành Xuân (Vietnamese Spring Festival) tổ chức, với sự kết hợp của nhiều hội đoàn, tổ chức [47]. Hội chợ tết cũng diễn ra khắp nơi với các phần đốt pháo, múa lân, ca nhạc văn nghệ, tái hiện các làng quê Việt xưa, thi đố vui để học, thi hoa hậu áo dài, thi đấu võ, thi thiếu nhi tài năng,...[47]. Như tại Garden Grove, trường Bolsa Grande High School hiện nay là địa điểm tổ chức "Hội Tết Sinh viên" hằng năm, với hàng trăm ngàn người tham dự, và do Tổng hội Sinh viên Việt Nam Nam Cali (UVSA) tổ chức liên tục từ năm 1982 đến nay [48][49] . Hội Tết Sinh viên năm 2010 sẽ có chủ đề là "Xuân yêu thương" và được tổ chức trong 3 ngày 12-13-14 tháng 2 năm 2010 [50]
Tại Úc, hàng năm, vào ngày Tết Nguyên Đán, đều có các cuộc diễn hành Tết và Hội Tết của cộng đồng người Việt tại khắp nơi, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, như tại Sydney, Melbourne với hàng trăm ngàn người tham dự [51]. Các hội tết cũng có các món ăn Việt, những trò chơi dân gian, những gian hàng chợ tết, bắn pháo hoa, múa lân, tái hiện văn hóa Việt xưa...[51]
[sửa]Thi ca



Câu đối Tết Bính Tuất (2006):

Ất dậu qua Gà lâm bệnh nằm im không tiếng gáy
Bính tuất đến Chó chạy rong đường lớn tiếng sủa vang
Tết, và các tục lệ, được nhắc đến rất nhiều trong ca dao Việt Nam:
Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Tết cũng là đề tài cho nhiều văn, thi sĩ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già...
(Vũ Đình Liên - Ông đồ)
...Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om thòm trên vách bức tranh gà
(Tú Xương)
...Xuân về hoa cải nở vàng hoe.
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng.
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
(Đoàn Văn Cừ - Tết Quê Bà)
Hay câu đối Tết như:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
(Nguyễn Công Trứ)
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại, kẻo ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra, cho thiếu nữ đón xuân vào.
(Lưu truyền là của Hồ Xuân Hương)
Trong bài Những câu hát châm biếm, có nhắc đến ngày 30 Tết:
Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày Ba Mươi Tết thịt treo trong nhà.
[sửa]Nhạc Tết

Dịp tết là dịp vui vẻ nên không thể thiếu âm nhạc. Trong Tân nhạc Việt Nam có rất nhiều ca khúc sáng tác về chủ đề Tết và mùa Xuân. Trước đây có nhiều ca khúc xưa nổi tiếng như Ly rượu mừng, Đón xuân của Phạm Đình Chương, Xuân và tuổi trẻ của La Hối, Xuân họp mặt của Văn Phụng...[52]. Trong thời chiến tranh Việt Nam, có những ca khúc hùng ca cho người chiến sĩ, nung đúc tinh thần họ như bài Xuân chiến khu của Xuân Hồng, nhưng cũng có những ca khúc buồn nói về sự xa cách như Xuân này con không về. Gần đây, nhiều ca khúc vui tươi đã được sáng tác như Thì thầm mùa xuân của Ngọc Châu, Hoa cỏ mùa xuân của Bảo Chấn, Ngày tết quê em của Từ Huy... Nhưng từ năm 2000 trở lại đây thiếu vắng những bài nhạc Xuân mới tạo được sự nổi tiếng mà thường là các ca sĩ chỉ hát nhạc cũ và phối âm lại [53]. Ngoài ra, tết cũng là dịp để các nghệ sĩ thực hiện những show ca múa nhạc tết và hài kịch phục vụ người ái mộ [54]. Các hãng sản xuất phim cũng có phim Tết đặc biệt.
Cụm từ "Tết" được nhắc đến rất nhiều lần trong bài hát "Tết quê em":
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người.
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoa sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình.
Và bài hát "Mùa xuân ơi" của Nguyễn Ngọc Thiện:
Xuân Xuân ơi! Xuân đã về, có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến. Xuân Xuân ơi! Xuân đã về, tiếng chúc giao thừa chào đón mùa xuân. Xuân Xuân ơi! Xuân đến rồi, cánh én bay về cho tim mình náo nức. Xuân Xuân ơi! Xuân đến rồi, những đoá mây vàng chào mừng xuân sang. Nghe âm vang bao câu chúc yên lành. Đất nước gấm hoa yên ấm an vui. Bao em thơ khoe áo mới tươi cười. Chào một mùa xuân mới. Xuân Xuân ơi! Xuân đã về, kính chúc muôn người với bao điều mong ước. Trong hương xuân ta vẫy tay chào. Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui.