Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Nguồn gốc và phong tục Tết Nguyên đán

Nguồn gốc và phong tục Tết Nguyên đán


Từ lúc lọt lòng , mổi người chúng ta đều đặn hưởng hương vị ngọt ngào và ấm cúng của ngày Tết cổ truyền , nhân dịp xuân về xin giới thiệu với các bạn bài sưu tầm để chúng ta hiểu hơn về ngày Tết Nguyên Đán và các phong tục trong những ngày này .

1 - Nguồn gốc Tết Nguyên Đán :



Nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ thời Ngũ Đế, Tam Vương. Đời Tam Vương, Anh Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, nhằm tháng Dần (con cọp) làm tháng đầu năm, do đó Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần. Nhà Thượng, thích màu trắng nên chọn tháng Sửu (con trâu) tức tháng chạp làm tháng đầu năm.

Đến thời nhà Chu ( 1056- 256 trước công nguyên) ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý (con chuột ) tức tháng Mười Một làm tháng Tết. Các vua nói trên, theo ngày giờ lúc mới tạo thiên lập địa: Nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh ra loài người mà đặt ra ngày Tết khác nhau. Đến đời Đông Chu, Khổng phụ Tử ra đời, đổi ngày Tết và một tháng nhất định: tháng Dần.
Mãi đến đời Tần ( thế kỷ III trước công nguyên), Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi ( con lợn), tức tháng Mười. Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế ( 140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần ( tức tháng Giêng) từ đời Hạ và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông phương Sóc, ông cho rằng tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ bốn sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế ngày Tết được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy.
Trong tiếng Hán, chữ “nguyên” nghĩa là bắt đầu, thứ nhất, chữ “đán” nghĩa là một ngày hoặc buổi sáng. Ghép lại, “nguyên đán” nghĩa là ngày đầu tiên của năm.

2- Phong tục ngày Tết :
Xin chữ đầu xuân :


Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy. Việc mang ý nghĩa này có nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước.
Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Ta nữa. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin.
Chưa có ai bán chữ, chỉ có người mua giấy để xin chữ. Người cho chữ vẫn có lộc nhưng tinh tế hơn. Việc tưởng như không bình thường nhưng lại thể hiện được nét thanh tao của công việc. Các thầy cô không phải bận bịu và hệ lụy vào chuyện giá cả, tiền nong để đủ thanh thản và toàn tâm trong công việc cho chữ mang vẻ thánh thiện này. Việc xin chữ đầu năm lâu nay đã có và ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến.
Tại Hà Nội, việc này diễn ra ở nhiều nơi: trong nhà riêng của một số thầy đồ có tiếng văn hay chữ tốt, trên đường phố nơi có khoảng hè rộng rãi và nhiều người qua lại. Chỗ có vẻ ấn tượng nhất là trước sân Miếu Văn, khoảng hè phố đường Bà Triệu, đoạn giao cắt với đường Trần Hưng Đạo...
Tại Miếu Văn những ngày đầu xuân, có đến nửa sân chen chúc những cô tú, cậu tú đương đại hoặc tương lai quanh các thầy đồ cho chữ. Bàn thầy cô có ghi số, mỗi bàn một thầy, cạnh đấy là nơi bán giấy. Cả hai nơi này đều bị quây chặt bởi người mộ chữ. Để ý kỹ sẽ thấy các thầy đồ còn rất trẻ lại ăn mặc theo mốt tân thời, tuy các thầy không giới thiệu nhân thân nhưng nhiều người phỏng đoán hình như họ là các sinh viên Hán Nôm hoặc giả có công việc nào đó đang theo đòi chữ Nho.
Vui nhất là những cô cậu đang tuổi cắp sách. Có cô cậu còn phải theo bố mẹ vì sợ lạc. Họ chen nhau mua giấy rồi lại chen nhau xin chữ. Với khuôn mặt mướt mát mồ hôi, họ hả hê mang các tờ giấy xuống nền sân gạch bát để phơi chữ cho khô. Có cô cậu vì sốt ruột quá đã phải lấy mũ và khăn ra quạt cho chữ chóng khô. Cảnh xin chữ của tuổi trẻ mà tôi được chứng kiến tại Văn Miếu thật vất vả nhưng cũng thật sảng khoái.
Quả là xúc động nếu nơi này và việc này thực sự là chỗ ban tặng cho nhau tình nghĩa, hoài bão. Dẫu không phải cái gì cũng có thể trở thành hiện thực được nhưng bước đầu gieo vào lòng kẻ ngưỡng mộ cái cơ bản của phẩm hạnh người trong quá trình say mê, hăm hở phấn đấu của mình... Trong số chữ chăng đối với những cháu bé đang còn tuổi học sinh phổ thông cơ sở? Nhẫn là chữ được nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau xin.
Xem ra không phải tất cả những người xin chữ này đều hợp, đều đúng. Có người bảo người thành đạt cần có chữ Nhẫn treo trước mặt để luôn tỉnh táo trong công việc. Có người lại bảo chữ Nhẫn là để dùng cho người mới bước vào đời, mới có công ăn việc làm. Nhẫn đây là nhẫn nại, nhẫn chịu. Người xin chữ đều có cái lý, cái tình riêng của mình. Cảnh nào ngộ ấy.
Riêng trường hợp sau đây thì tôi băn khoăn, một cháu còn rất nhỏ, hình như tuổi mẫu giáo thì phải, lại đang ngồi bên mẹ thẩn thờ với trước mắt họ là một chữ Nhẫn đang còn nhánh ướt màu mực đen chưa khô. Mấy năm nay khi phong trào xin chữ đầu năm thịnh hành thì Nhẫn là mặt hàng chữ được tuổi trẻ xin nhiều. Các nhà xã hội học, đạo đức học có để ý và lưu tâm tới hiện tượng này để nghiên cứu, phân tích?
Xin chữ là một nét đẹp văn hoá cần phát huy. Chỉ một chữ treo trước mặt mà có ý nghĩa về đạo đức và đời sống đối với những con người cụ thể sẽ giá trị hơn nhiều những lời rao giảng sáo rỗng. Tôi cảm phục nhiều về việc một thiếu phụ xin chữ cho con trước một thầy đồ già. Chị nói: - Thưa cụ, nhân năm mới, con muốn xin cụ một chữ cho cháu bé. Chữ cụ cho đầu xuân là lộc của cháu cả năm, cả đời... Cụ đồ nheo nheo cặp mắt già nhìn đứa cháu gái đang tuổi học lớp một, lớp hai cười hiền với nó rồi gật gù bảo: - Ông sẽ cho cháu ngoan của ông chữ Học.
Có học là có tất cả, cháu ạ! Với dáng tự tại và ung dung, cụ đồ già khẽ cúi người chấm ngọn bút lông lên nghiên mực rồi thả những nét chậm rãi, mềm mại lên nền mặt giấy dó cổ truyền một chữ Học đầy đặn và nghiêm túc. Có lần tôi xin chữ của một thầy đồ quen, chẳng cần nghỉ ngợi gì nhiều, cụ nheo mắt cười hóm hỉnh rồi trải giấy ra bàn, cầm bút và nói: - Tôi sẽ biếu ông chữ Tùy! - Đa tạ cụ. Nhưng... Tôi không dám nhận chữ cụ đồ cho trên mặt giấy. Tôi biết chữ Tùy này được khởi động từ chữ Nhu rất hợp với tâm linh của mình. Nó mềm mại như nước và cũng cứng cáp như nước. Cảm ơn sự thấu đáo chữ nghĩa ấy của một bậc túc nho. Một chữ cho cả một đời. Tôi xin ghi tạc chữ Tùy ấy trong tâm về một đắc tự. Sống giữa những người cho chữ và xin chữ, tôi càng nhận ra vẻ trang trọng và sự nghiêm túc của công việc.
Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ nữa. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Chữ Ta đã vậy, chữ Nho càng vậy. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thanh đức mới sáng. Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò sổ xố cầu may. Có được như vậy người cho chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy... Có được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa mai, hoa đào nở mang lộc chữ đến cho muôn nhà.

Văn hóa bàn thờ gia tiên :


Khi Tết đến Xuân về, khi tới kỳ giỗ ông bà, tổ tiên, dẫu đang sống tận nơi đâu, các cháu con cũng nhớ sắp xếp thời gian và mọi điều kiện bồng bế nhau về đủ mặt. Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ''bề trên''.
Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn... Theo các nhà nghiên cứu, có ba kiểu bàn thờ khác nhau. Đầu tiên là kiểu bàn thờ ông bà ta đưa từ miền Trung vào Nam Bộ, có 4 chân, bàn nghi ở giữa, có lư nhang, bộ chưng đèn.
Phía trong bàn thờ đặt giường thờ. Phỏng định kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đất phương Nam vào năm 1890, khi chưa có bóng dáng đô thị hóa và tiếp cận văn hóa phương Tây. Vào năm 1910, đổi lại kiểu bàn thờ nhỏ gọn hơn, có thợ từ Bắc vào chạm trổ cẩn xà cừ hoa văn chữ Hán. Cạnh bàn thờ có tranh vẽ trên kiếng nói về ước vọng sâu xa của con nguời muốn vươn tới chân, thiện, mỹ và cuộc sống ấm no, thịnh vượng, thái bình...
Khi có sự du nhập nền văn hóa phương Tây và kinh tế thị trường, ở những nơi thị tứ, đường nét đô thị hóa rõ dần, đèn sáp đã thay bằng đèn dầu hỏa, không gian thờ phụng thu hẹp hơn, thường chỉ 2,3 m2. Bàn thờ, giường thờ đã thay bằng tủ thờ cách tân theo kiểu tủ người Pháp, nhưng tuyệt nhiên cửa tủ trước không bao giờ mở; chỉ mở cửa hông hai bên để giữ gìn ý tứ và cử chỉ tôn kính tổ tiên.
Bên trong tủ thờ chỉ đặt để ngăn nắp những nhang đèn, hoa quả, bình tách, chai rượu quý, các giấy tờ hành chánh, hộ tịch, gia phả, di cảo điền thổ... Phỏng định những kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đây vào khoảng năm 1920, như vậy chỉ trong vòng 30 năm, từ 1890 - 1920, ở Nam Bộ đã có ba kiểu bàn thờ tổ tiên khác nhau. Từ bàn thờ 4 chân kê liền với giường thờ phía trong, có bàn nghi ở giữa, chiếm nhiều diện tích trong nhà, đã dần dần điều chỉnh đến đơn giản hóa, thu gọn vào cái tủ thờ mà ta thường thấy.
Ngày nay, nhà cửa nơi ăn chốn ở được kiến trúc xây dựng khang trang rộng lớn hơn, con cháu dành hẳn một phòng tĩnh lặng để thờ cúng tổ tiên. Thiết kế đúc vĩnh cửu một cái bàn thờ cũng bằng bê tông. Lát gạch men cao cấp bóng sạch. Còn có đặt để thêm mặt kính dày năm, bảy ly. Bề ngang bàn thờ dài đến ba thước, có khi hơn, đụng hai đầu vách tả hữu. Rộng đến cả thước sát vách tường. Bàn thờ mặt nhìn ra tiền diện có nhiều cửa hướng đất trời thiêng liêng trong sáng, dưới đáy bàn thờ là ngăn hộc tủ đựng lễ vật và tài sản quý báu.
Trang trí, thiết kế rất tinh tế, hoa đăng màu sắc hài hòa giữa tân và cựu. Tết đến Xuân về còn lấp lánh hàng chữ “MỪNG NĂM MỚI''. Có đẳng cấp, nhiều ngăn, nhiều tầng. Thờ phụng người quá cố từ nhỏ - tầng thấp đến các bậc ông sơ, ông cố ở tầng cao. Dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp.
Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo... Nấu nướng thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống ''dĩ nông vi bản'' và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê hương của ông cha để lại. Thời nay người Việt còn dâng cúng nhiều loại rượu bia, bánh hộp... nhiều loại thực phẩm chất lượng thời công nghiệp chế biến cao sang tân tiến.
Trên bàn thờ gia tiên đặt nơi cao quý tôn kính nhất trong nhà, dân ta lúc nào cũng trang hoàng, gìn giữ lau chùi thật tươm tất bóng sạch. Hương đèn quanh năm. Đêm ngày gắn liền với tâm linh và ánh mắt. Ấy chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền tự ngàn xưa.

Tại sao cúng giao thừa ngoài trời :


Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền.
Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì. Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.
Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy.
Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ.
Xuất hành và hái lộc :



Đầu năm mới, người Việt còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần... Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết.
Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:
- Gió Nam: chỉ đại hạn
- Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc
- Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả
- Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải
- Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu
- Gió Đông: chỉ có lụt lớn....
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người mình còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si, cây xương rồng... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ Tiên.

Mâm Ngũ quả :

Trong ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ.
Ngoài ra, tên của loại trái cây mang một ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự sung túc, sức khỏe và may mắn như : Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Đào Tiên, Táo, Dưa Hấu... Mâm ngũ quả biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà, tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.

Giao thừa :


Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.

Lễ Trừ tịch :
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lê này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa
Cúng ai trong lễ Giao thừa :

Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Người ta cúng giao thừa tại các đình, miếu, các văn chỉ trong xóm cũng như tại các tư gia. Bàn thờ giao thừa được thiết lập ở giữa trời. Một chiếc hương án được kê ra, trên có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển.
Ðến giờ phút trừ tịch, chuông trống vang lên, người chủ ra khấu lễ, rồi mọi người kế đó lễ theo, thành tâm cầu xin vị tân vương hành khiển phù hộ độ trì cho một năm nhiều may mắn. Các chùa chiền cũng cúng giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay. Ngày nay, ở các tư gia người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa nhưng bàn thờ thì giản tiện hơn, thường đặt ở ngoài sân hay trước cửa nhà.
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừ
Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch
Sau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện. Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.
Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật ,Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.
Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.
Tục Tảo mộ :

Phong tục thuần tuý Việt Nam trong dịp Tết là tục tảo mộ cuối năm hay vào những ngày đầu năm mới. Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần của tổ tiên và những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và "cung thỉnh" hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu...
Tục tảo mộ Tết này, trước các thời kỳ chiến tranh vẫn còn được duy trì nhiều nơi ở miền Bắc và nhiều tỉnh ở miền Trung như ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa v.v... Theo sách "đại Nam thống Chí", nhiều nơi ở miền Bắc nhất là quanh vùng Hà Nội còn có tục cả họ (nghĩa là tất cả mọi người trong cùng một gia tộc) tụ họp nhau lại để cùng đi tảo mộ tổ tiên và thân quyến quá cố, vào những ngày trước tết... Có nơi thì đi thăm mộ vào những ngày đầu năm. Tục tảo mộ Tết này được gọi là Lễ Tổ Lạp.
Tục tảo mộ Tết này cho thấy ta khác với Tàu, vì chính lễ Thanh Minh tảo mộ của Trung Hoa là vào tháng Ba âm lịch, do đó thơ Kiều mới có câu: "Thanh minh trong tiết tháng Bạ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..."
Biểu tượng may mắn ngày Tết :



Nói đến những biểu tượng may mắn về ngày Tết, Nguyễn Công Trứ có vế câu đối: "Sáng mồng Một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà". Ông Phúc là một vị thường được thấy trong bộ Tam đa: Phúc-Lộc-Thọ.
Người Trung Quốc thường làm tượng bằng sứ, vẽ tranh hoặc thêu hình: Ông Thọ thì râu tóc bạc phơ, trán hói, ông Lộc thì mặc áo Lục (vì chữ lục với chữ lộc, tiếng quan thoại cùng đọc là "lou"), tay cầm cái hốt hoặc mặc áo đỏ, tay cầm "cái như ý", còn ông Phúc thì tay ẵm đứa cháu với một đứa con đứng bên cạnh (ý nói đông con nhiều cháu). Nhưng chữ Phúc cũng có khi là giàu (vì chữ phúc và chữ phú tiếng quang thoại đều đọc là fou) mà toại nguyện như ý nên các pho tượng hay các bức hoạ cũng tạc hay vẽ giống ông Lộc (cũng mặc áo đỏ, cũng cầm như ý).
Hoặc bộ Tam đa có chỗ lại vẽ: Ông Thọ là một ông già râu tóc bạc trắng, trán hói, tay cầm quả đào, bên cạnh có con hạc, ông Lộc là một ông già tay cầm cái như ý, đứng cạnh con hươu (hươu chữ nho là lộc, đồng âm với chữ lộc là bổng lộc) và ông Phúc là một ông già đứng với con cháu, lại có thêm con dơi ở trên xoè cánh bay xuống, (dơi chữ nho đọc là phúc, đồng âm với chữ phúc). Có chỗ lại vẽ một đồng tiền trên chữ phúc dưới con hươu, ngụ ý nói phúc với thọ hoặc phúc với lộc.
Tranh dân gian của ta thường vẽ một ông già gánh hai trái đào: Một trái để Trường Sinh, một trái để Bình An, ngụ ý chúc mừng ngày Tết. Người ta lại hay dán ở cửa câu" Ngũ Phúc Lâm Môn" nghĩa là năm phúc tới cửa. Có người bảo đó là phú, quí, thọ, khương và ninh ngụ ý chúc cho người ta được giàu sang, sống lâu, sức khoẻ dồi dào và đất nước bình an. Có người lại bảo đó là thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (mạnh khoẻ yên vui), du hiếu đức (ưa làm phúc đức) và khảo chung mệnh (tuân theo số mệnh mà chết).
Cũng có người chỉ dán một chữ Phúc (viết đại tự) nét chữ màu kim nhũ trên nền giấy đỏ. Màu vàng son rực rỡ làm cho cửa nhà thêm tươi vui, đẹp đẽ. Tranh dân gian của ta còn vẽ biểu tượng con gà trống oai hùng, vuốt đuôi, mạnh bước (chân co lên, chân đứng), phía trên có chữ đại cát (tốt lớn), ý nói đón xuân được tốt lành. Theo âm lịch, một năm có mười hai tháng thì mỗi tháng tương ứng với một con vật.
Gà trống tương ứng với tháng giêng và ngày mồng Một đầu năm cũng thuộc con gà. Do đó người ta, xưa kia, thường treo tranh con gà để cầu may, mong được thịnh vượng. ở thôn quê, người ta hay dán ngay ở hai bên cánh cửa, dán đối nhau, một bên là tranh tiền tài, một bên là tranh tiến lộc. Cả hai ông này đều được vẽ hình một vị văn quan, mặc triều phục, một vị mang biển Tiền tài, một vị mang biển Tiến lộc.
Tục xưa cho rằng dán tranh như vậy thì hai vị này sẽ mang lại cho sự thịnh vượng, nhiều tiền lắm của. Ở Nhật Bản, lại có tục lệ khác, họ làm một cái cào, trên có đính đồ mã, gắn ở bàn thờ gia tiên, ngụ ý dùng để cào lấy tiền bạc của cải và cả năm được thịnh vượng. Người Nhật cũng mua một tượng Daruma (Đạt Ma), vị tổ đã sáng lập ra đạo thiền (zen) ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ XI để cầu lấy sự may mắn thành công.
Trong dịp cuối năm, người Nhật đã tổ chức những chợ Daruma. Người ta đem tượng cũ đến chợ làm lễ đốt và mua một tượng mới màu đỏ mang về. Tượng làm theo kiểu con lật đật, đáy tròn, gắn vật nặng để nếu lật ngã xuống nó lại tự bật dậy được. Những người làm ăn buôn bán mua tượng ấy để hy vọng được thành công dù có phải trải qua những thất bại tạm thời. Vì lẽ đó mà người Nhật có câu tục ngữ: "Bảy lần thất bại, tám lần thành công". Tượng Daruma mua về mắt còn để trắng. Đầu năm người ta tô một con ngươi vào một mắt, mắt còn lại để khi nào ý nguyện đạt được thì tô sau. Nước ta còn có biểu tượng may mắn là đi hái lộc đầu năm.
Người ta đi lễ xong ra sân vườn chùa bẻ lấy một cành lá mang về giắt dưới mái nhà, trước bàn thờ gia tiên, ngụ ý năm mới sẽ có nhiều tài lộc (chữ lộc là chồi non đồng âm với lộc là bổng lộc). Người ta đi lễ xong cũng hay mang về nén hương thắp cháy để cắm vào bát hương Táo quân ở nhà. Đốm lửa đỏ ở đầu hương là biểu tượng của hồng vận, ngụ ý năm mới sẽ được may mắn, phát tài. Lại có tục đổ nước đầu năm.
Những người làm nghề gánh nước thuê gánh đến mỗi nhà một đôi thùng nước đổ vào lu và chúc mừng năm mới cho chủ nhà được tiền vào như nước. Chủ nhà vui vẻ thưởng tiền cho gấp năm, gấp mười lần công ngày thường. Kể như vậy cũng là một việc làm có ý nghĩa tương trợ. Nước, ở bên Lào, cũng là một biểu tượng cho sự may mắn nên người ta đầu năm có bị kẻ khác tát nước vào mình, dù ướt cả quần áo cũng không tức giận, mà còn vui vẻ vì thường là các cô con gái vẫn hay tát nước, đổ nước vào người ta.
Người nào càng ướt nhiều, người đó càng gặp được nhiều may mắn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét