Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

BIENCA NELLY-NGƯỜI MẪU VỚI VẺ ĐẸP PHƯƠNG ĐÔNG..

BIENCA NELLY-NGƯỜI MẪU VỚI VẺ ĐẸP PHƯƠNG ĐÔNG...











Cho thuê chồng, đổi vợ ở miền Tây Nam bộ

Cho thuê chồng, đổi vợ ở miền Tây Nam bộ

Nguồn: vietinfo.eu
Cho thuê chồng, đổi vợ ở miền Tây Nam bộ
Làng hoa kiểng Mỹ Phong vào xuân
Dù đã có Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng ở nhiều nơi, luật đó xem ra vô tác dụng. Dưới đây là hai câu chuyện vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà mới nghe qua khó ai có thể tin nổi, đó là chuyện cho thuê chồng với giá 1 triệu đồng/ngày và chuyện đổi vợ có bù tiền chênh lệch 1 cây vàng.
Vợ chồng... “thằng Đậu”

Ở miền Tây Nam bộ, tiếng lóng “vợ chồng thằng Đậu” dùng để chỉ những cặp vợ chồng lười biếng, vụng về, ăn xài thì giỏi nhưng làm lụng thì dở, thường là gánh nặng cho gia đình, cha mẹ hai bên.

Mới đây, ở xã Mỹ Phong – thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang cũng có một cặp vợ chồng “đúng chuẩn” như “vợ chồng thằng Đậu”. Mỹ Phong là một xã ngoại thành thuộc thành phố Mỹ Tho, đây là vùng đất màu mỡ nằm bên bờ sông Tiền quanh năm nước ngọt, trĩu nặng phù sa. Cư dân ở xã này có tiếng là chí thú làm ăn, bởi nơi đây nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa tết và nghề sản xuất sợi hủ tíu, bún, bánh từ bột gạo.

Hàng năm cứ đến những tháng giáp tết, cả làng Mỹ Phong trở nên rực rỡ với những cánh đồng trồng hoa kiểng đủ các loại, để rồi sau đó hoa kiểng từ đây theo xe, tàu đi đếm mọi miền đất nước mang mùa xuân đến cho mọi nhà. Nằm giữa vùng “gạo trắng nước trong”, người dân Mỹ Phong không dừng lại ở sản xuất ra hạt gạo ngon, mà qua bàn tay cần mẫn của họ, lúa gạo trở thành những loại bánh, những hàng hóa có giá trị gia tăng, giúp người dân càng thêm khấm khá.

Sống ở Mỹ Phong, người ta không sợ thiếu việc làm, không sợ nghèo, mà chỉ sợ không đủ thời gian trồng hoa, làm bánh giao cho khách hàng, chỉ tiếc khi phải lấy đất sản xuất để cất nhà, vì đất ở đây đúng là “tấc đất tấc vàng”.

Phần lớn người nông dân Mỹ Phong là vậy, thế nhưng vợ chồng Tám T. là một ngoại lệ. Ông bà thường hay nói, “nồi nào úp vung nấy”, trường hợp này quá đúng với vợ chồng Tám T. Hồi còn thanh niên trai tráng, Tám T. không chấp nhận cảnh quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối trên ruộng rẫy. Lưng dài, vai rộng, lại thêm cái mã ngoài trắng trẻo điển trai, Tám T. tối ngày rong chơi ca hát, đàn đúm nhậu nhẹt chơi bời cùng chúng bạn và…cua gái.

Vợ Tám T. cũng là thôn nữ nhưng tẩy chay nghề nông, lúc nào cũng chưng diện son phấn mịt trời, quần là áo lượt bóng dợn, chuyện ở ngoài thành phố Mỹ Tho biết nhiều hơn chuyện trong xóm. “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” gặp nhau vào một ngày đẹp trời cách nay hơn chục năm và một đám cưới tưng bừng được tổ chức. Chỉ hai năm sau, của hồi môn đội nón ra đi hết, đất đai của hai bên nội ngoại cho hai vợ chồng cũng lần lượt về tay người khác theo đà ăn như tằm ăn rổi của mấy đứa con nối nhau ra đời. 

Vợ chồng Tám T. lâm cảnh khốn khó, suốt ngày cắn đắng nhau chuyện cơm gạo, tiền nong, nhưng không ai chịu động móng tay móng chân làm nghề gì để kiếm sống, hết tiền, hết gạo thì vợ chồng con cái dắt díu nhau chạy về nội ngoại hai bên tá túc cho qua cơn nguy cấp. Bà con thân tộc ai thương tình trợ cấp cho được đồng nào thì hai vợ chồng lại thi nhau cà phê sữa, thuốc lá thơm, cơm sườn…như một gia đình quý tộc.

Riết rồi cả hai bên họ tộc nhà nào cũng sợ vợ chồng con cái Tám T. đến thăm. Cuộc sống của vợ chồng Tám T. sẽ cứ mãi “nghèo mà sung sướng”, dù thiếu trước hụt sau nhưng không thèm làm động móng tay, con cái của họ lớn lên cũng chịu cảnh nghèo và học theo cha mẹ cái gương…”làm biếng”, nếu như không có một chuyền tình cờ, hi hữu xảy ra làm thay đổi cuộc sống của họ, làm xôn xao bà con làng xóm ở Mỹ Phong.

Cho thuê…chồng 
Giữa lúc cuộc sống đang thiếu trước hụt sau, các con không tiền đóng học phí mà cha mẹ hai bên thì không ngớt miệng rầy la mỗi khi thấy vợ chồng Tám T. đến “thăm”, thì đột ngột “quới nhơn” xuất hiện làm thay đổi cuộc đời của “vợ chồng thằng Đậu”. Trong một lần được các chiến hữu khi xưa rủ đi uống cà phê tán dóc ngoài thành phố Mỹ Tho, tình cờ Tám T. lọt vào mắt xanh của một phụ nữ đã cứng tuổi, nhưng vẻ ngoài cực kỳ sang trọng. Bữa đó, Tám T. đang ngồi tán dóc với bạn bè trong quán cà phê nhưng bụng dạ rối bời vì chẳng còn một xu dính túi thì bất chợt nghe mùi nước hoa đắt tiền thơm nực nồng ngay sát bên cạnh.

Liền đó một giọng oanh vàng thỏ thẻ cất lên: “Anh gì ơi, làm ơn cho em hỏi thăm, phải anh là con bác S. ở phường 3 không ? Em thấy anh quen lắm”. Tám T. vội vàng ngước lên nhìn, thấy trước mắt là một phụ nữ lạ hoắc, gương mặt chẳng có nét gì đáng chú ý, chỉ được cái trên người toàn đồ hiệu đắt tiền.

Nhưng Tám T. vẫn nhã nhặn trả lời: “Xin lỗi, chắc cô nhìn lầm người”. Chẳng dè, người phụ nữ sang trọng mở lời: “Em thấy anh quen lắm, giống hệt một người bạn thân từ nhỏ của em, vậy anh và các bạn cho em ngồi đây nói chuyện với anh chút xíu được không?”. Dĩ nhiên Tám T. và đám bạn không đời nào từ chối.

Những câu chuyện Nam Tào Bắc Đẩu vu vơ kéo dài hết buổi sáng, người phụ nữ trước khi chia tay ra về còn giành thanh toán toàn bộ tiền cà phê của cả hội và mời riêng Tám T. hôm sau đến tại quán này cùng uống cà phê. Khi người phụ nữ sang trọng bước ra khỏi quán, qua các nhân viên phục vụ bàn của tiệm cà phê, Tám T. mới biết “cô nàng sang trọng, cứng tuổi” kia tên B., là giáo viên dạy ngoại ngữ của một trường trung học nổi tiếng ở Mỹ Tho nhưng nay đã nghỉ dạy ra mở lò luyện ngoại ngữ, sống độc thân, rất giàu có, model.

Được đám chiến hữu lên dây cót tinh thần, máu chinh phục đàn bà của Tám T. nóng lại nên nhanh chóng quyết định: mai tiếp tục ra đây uống cà phê mặc cho vợ con nheo nhóc, nhà thiếu trước hụt sau.
Chinh phục đàn bà của Tám T
Chinh phục đàn bà của Tám T, Ảnh minh họa, nguồn Internet
Sau nhiều lần cùng nhau uống cà phê, Tám T. nhận ra rằng không phải mình đi chinh phục mà đang bị cô giáo ngoại ngữ chinh phục, bởi cô B. thẳng thừng thừa nhận, ngay lúc nhìn thấy Tám T. cô đã bị hớp hồn nên đến làm quen chứ chẳng biết ai là con bác S. ở phường 3. Vài ngày sau, cô B. nói thẳng cho Tám T. biết, cô lớn hơn Tám T. 3 tuổi và muốn chung sống với T., bất chấp chuyện anh này đã có vợ con.

Điều kiện đưa ra hết sức đơn giản: mỗi tuần Tám T. về nhà cô B. làm chồng 3 ngày, được toàn quyền sử dụng xe cộ đắt tiền và các vật dụng trong nhà như một “chủ nhân ông” thực sự. Đổi lại, cô B. sẽ lo lắng cho Tám T. chu toàn và trả tiền “công làm chồng” mỗi ngày một triệu đồng. Cô B. yêu cầu Tám T. về bàn bạc với vợ con để thống nhất “hợp đồng thuê chồng”, nếu đồng ý thì thực hiện ngay lập tức.

Tám T. đem chuyện cô B. về hỏi ý vợ, chẳng ngờ bà vợ nghe vậy không thèm nổi cơm tàm bành như bao phụ nữ khác mà cười tươi rói, gật đầu đồng ý cái rụp, lại còn ra điều kiện: tiền công làm chồng phải đem hết về đưa cho vợ, trách nhiệm lo cho Tám T. từ nay thuộc về cô B.

Vậy là chỉ sau một đêm, Tám T. từ anh nhà quê thất nghiệp, không đồng xu dính túi trở thành “giáo sư ngoại ngữ”, ba ngày trong một tuần mang giày da láng bóng, áo bỏ trong quần bảnh bao, đi xe gắn máy đời mới bóng lộn cặp kè bên bà “giáo sư ngoại ngữ” lớn hơn mình 3 tuổi. Những ngày không làm chồng thì Tám T. về nhà vợ lớn nằm khểnh hoặc lăn lóc với đám chiến hữu bên bàn cà phê, sóng nhậu. Nếu cô B. có nhu cầu tăng thêm thời gian “thuê chồng” đột xuất, vợ Tám T. sẳn sàng chấp nhận, nhưng những ngày như vậy thì…tiền công tăng gấp đôi theo kiểu “làm ngoài giờ”.

Chuyện Tám T. làm nghề “chồng thuê” xứ Mỹ Phong ai cũng dị nghị. Cười Tám T. một nhưng họ cười người vợ của anh “chồng thuê” tới mười. Mấy bà già trầu ở làng Mỹ Phong nói, xưa nay chưa thấy người đàn bà nào như vợ Tám T. Nhưng ai nói gì mặc họ, vợ Tám T. luôn tự hào là nhờ cho thuê chồng mà gia cảnh ngày càng khấm khá, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, lúc nào cũng có tiền rủng rỉnh trong túi để ăn xài, chưng diện.

Còn Tám T. nhờ làm chồng thuê cho cô B. nên nghiễm nhiên được nhiều người tâng bốc gọi là “giáo sư ngoại ngữ” và xem ra anh chàng rất khoái nghe mọi người gọi mình như vậy.

Chỉ có mấy bậc bô lão ở Mỹ Phong và đám chiến hữu từng cùng Tám T. uống rượu đế với cóc ổi trong góc vườn tạp ngày xưa mỗi lần nghe người ta hỏi thăm nhà ông Tám T. “giáo sư ngoại ngữ” ở Mỹ Tho thì cười ngất, nói: “Giáo sư ngoại ngữ gì cái thằng đó, tiếng Việt viết còn như cua bò, tiếng Tây tiếng u không biết được chữ nào, chỉ giỏi được mỗi chuyện…làm giống”. Mặc ai nói gì thì nói, vợ chồng Tám T. cứ điềm nhiên sống cuộc sống khá giả nhờ cho thuê chồng.

Mỗi tuần cho thuê 3 ngày, mỗi ngày 1 triệu tiền công, vị chi mỗi tháng vợ Tám T. được chồng đem tiền “cho thuê…giống” về nộp 12 – 13 triệu đồng, những tháng có “tăng ca” còn nhiều hơn. Đó là thu nhập “như mơ” đối với một gia đình nông dân ở ngoại thành thành phố Mỹ Tho. Mấy bà sồn sồn ở cùng xóm có lần hỏi cắc cớ vợ Tám T.: “Mày cho thuê…giống như vậy, nó “đóng thuế” ở ngoài hết trơn, đến khi về nhà với mày nó có “trả bài” nổi hôn?”.

Vợ Tám T. cũng không vừa, đã trả lời: “Tui giao thằng chả “làm trai hai vợ phải thương cho đồng”, đằng này tui là vợ lớn, lại trẻ đẹp hơn, thì thằng chả phải “đóng thuế” cho tui nhiều hơn”. Không biết chuyện “đóng thuế” nhiều ít thế nào, mà có lần sáng ngồi uống cà phê với bạn bè, người ta nhìn thấy Tám T. ngáp vắn ngáp dài, có con ruồi đậu trên mép mà anh ta không buồn đuổi. Một người biết chuyện, tỏ ra thông cảm với Tám T. nên nói: “Thiệt cũng khổ cái kiếp đàn ông, thôi thì sướng cái này thì cực cái kia, không chịu làm lụng chân chính để sống thì phải chịu “cày” chuyện khác để trả nợ đời”.

Chuyện tình trong rừng U Minh Thượng

Câu chuyện “đổi vợ có bù lỗ” sau đây khi mới nghe ai cũng tưởng chuyện đùa, nhưng đây lại là chuyện có thật 100%, xảy ra ở vùng rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Chuyện xảy ra cách nay đã gần 5 năm, trên cánh đồng rộng mêng mông thuộc xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng), nhưng cho tới nay vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi trong các đám giỗ, đám cưới.

Khi đã có chút rượu, nếu có ai đó gợi lại chuyện “đổi vợ có bù lỗ”, tức thì cả bàn nhậu tham gia sối nổi, mỗi người góp một chi tiết, kể lại chuyện đổi vợ có một không hai này. Thực ra ban đầu người ta kể về chuyện này có hàm y phê phán, nhưng sau nhiều năm, khi mọi việc đã an bày, người ta nhắc đến chủ yếu vì vui, không có ác ý với những người trong cuộc.  Xã An Minh Bắc trước đây thuộc huyện An Minh, nhưng bây giờ được chia cắt về huyện mới U Minh Thượng.

An Minh Bắc nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia U Minh Thượng rộng 14.290 ha. Trước đây, để bảo vệ vùng rừng nguyên sinh và khai thác tiềm năng của vùng đệm, tỉnh Kiên Giang đưa hơn 3.500 gia đình nghèo, không đất sản xuất ở khắp nơi trong tỉnh vào vùng đệm định cư sản xuất, mỗi hộ được cấp 4 ha để cất nhà định cư, đào vuông, đắp bờ bao lên liếp trồng tràm, khóm, mía, rau màu, cây ăn trái và nuôi cá với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, thấp nhất 25 triệu đồng/hộ và cao nhất hơn 30 triệu đồng/hộ.

Hai người đàn ông trong câu chuyện “đổi vợ” cho nhau cũng thuộc diện nghèo khó, quê ở địa phương khác, khi vào vùng đệm U Minh Thượng thì cả hai đều đã có gia đình, con cái và mỗi hộ đều được cấp 4 ha đất trong vùng đệm để mưu sinh lập nghiệp. Hai gia đình được cấp đất ở cạnh nhau nên trở thành hàng xóm láng giềng, nhưng trên thực tế thì nhà này cách nhà kia một khoảng đồng tới 200m.
Bắt tay đổi vợ
Bắt tay đổi vợ, Ảnh minh họa, nguồn Internet

Do ở vùng kinh tế mới, đường sá đi lại rất khó khăn, nhà nào cũng trong cảnh nghèo khó như nhà nấy nên từ chỗ người dưng nước lã, hai gia đình láng giềng trở nên thân thiết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, con cá, củ khoai, mớ rau rừng đều chia đôi cho bữa ăn hàng ngày của họ.

Anh T. nhờ hồi nhỏ học hết tiểu học, biết mặt chữ, biết làm toán cộng trừ nhân chia nên được UBND xã An Minh Bắc thu nhận làm nhân viên tài chính ấp, ngoài thời gian cùng vợ lo việc đồng áng hàng ngày thì còn có nhiệm vụ vác cuốn tập học trò đi khắp xóm thu thuế nông nghiệp phụ với tổ thuế của xã.

Anh V. tính tình cục mịch, ít chữ nghĩa nên tối ngày quần quật ngoài đồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cày xới, trồng trọt đủ thứ cây trồng trên 4 ha đất nhiễm phèn để mong thoát cảnh nghèo khó.

Cuộc sống tuy khó khăn nhưng cả hai gia đình đều thuận hòa, thơm thảo. Những ngày mưa gió không thể ra đồng, hai ông chồng lại rủ nhau xuống kênh bắt cá, vào rừng đặt bẫy chồn chuột, rắn trăn, vừa cải thiện bữa cơm vừa có mồi bén lai rai vài xị rượu đế cho ấm bụng.

Lâu dần thành thông lệ, hễ lần trước tổ chức nhậu ở nhà anh T. thì lần sau có mồi ngon thế nào tiệc rượu cũng được gầy sòng ở nhà anh V. Những lúc như vậy, hai chị vợ vừa lo chăm chút mồi nhậu cho hai anh chồng, vừa tâm sự với nhau chuyện gia cảnh, bà con họ hàng, làm ăn khốn khó.

Anh T., ngày mới vào vùng U Minh Thượng quê một cục, nhưng nhờ làm được chức “cán bộ thu thuế ấp” nên có dịp giao tiếp với nhiều người, được cán bộ xã rủ đi đây đi đó lai rai nên cái miệng ăn nói ngày càng lưu loát, trơn tru, dẽo quẹo và trong tiệc nhậu thường hay kể cho anh V. và các bà phụ nữ nghe những chuyện trên trời dưới ruộng mà anh T. lượm được qua những buổi nhậu xa nhà.

Đổi vợ có bù lỗ

Cho tới một ngày, anh V. tóm được chú rắn hổ hành mập ú và tới lượt mình phải tổ chức lai rai nên anh V. kêu vợ nấu cháo đậu xanh con rắn, mời vợ chồng anh T. qua thưởng thức. Nồi cháo gần cạn cũng là lúc hai ông bạn chí thân “cưa” gần hết 2 lít rượu đế, hai bà vợ cũng ngà ngà, mặt đỏ ửng bên bếp than hồng.

 Không biết ma rừng U Minh Thượng xui khiến hay nồi cháo rắn hổ hành nấu đậu xanh kèm với hai gương mặt đàn bà đỏ hừng hừng bên bếp lửa làm cao hứng, anh T. vọt miệng đề nghị: “V., tui với ông đổi vợ đi, vợ gì ở gần chục năm cũ xì, đổi vợ cho nó…mới nhà mới cửa”.

 Nghe anh T. nói, anh V. cười sằng sặc, nói: “Ông mới uống bao nhiêu đó đã say, bữa nay sao yếu xìu vậy. Bạn bè thân nhau, có rượu nói chơi cho vui trong bàn nhậu không sao, nhưng ở đời ai mà làm chuyện kỳ như vậy để thiên hạ đàm tiếu à”. Trong lúc đó hai bà vợ cũng cười ngặt ngoẽo, đấm vai nhau thùm thụp trước lời đề nghị của anh T. Đối với họ, chuyện đùa vui bạo mồm bạo miệng cỡ đó không phải là chuyện gì quá đáng.

Chuyện tới đó thì tiệc tàn, anh V, và hai bà vợ cứ tưởng ma men dẫn lối nên anh T. mới nói sàm. Nhưng anh T. thấy mọi người cười vui sau lời đề nghị của mình mà chẳng có ý kiến phản ứng hay cự cãi, nên cứ đinh ninh trong bụng tất cả đều xuôi chèo mát mái.

Chưa đầy 3 ngày sau, anh T. đi lùng bắt cho bằng được mấy con chuột cống nhum béo ú, xuống đò ra chợ An Minh Bắc mua ký thịt bò, về hối vợ làm món ngon mời vợ chồng anh V. qua lai rai. Nhậu được nửa chừng, anh T. nhắc lại chuyện đổi vợ hôm trước với giọng tỉnh rụi. Anh V. nghe xong ngồi chết trân, còn hai bà vợ thì cũng im thin thít như ngậm hột thị vì không biết phải trả lời ra sao.

Thấy mọi người im lặng, anh T. rót ly rượu mời anh V., lên giọng khích bác: “Làm đàn ông thì phải dám chịu chơi, đổi vợ xong tui với anh ai cũng còn vợ, có mất mát gì đâu mà sợ”. Nghe anh T. khích tướng, sẳn có hơi men trong người, anh V. không cần suy nghĩ, lớn tiếng trả lời: “Đổi thì đổi, thằng V. này đâu có sợ ai. Đổi vợ xong thì con của ai phải đi theo vợ người đó à nghen. Tiệc rượu hôm nay coi như là…tiệc cưới luôn”.

 Được lời như cởi tấm lòng, anh T. đồng ý cái rụp. Trong lúc đó thì hai bà vợ la bài hãi, phản đối kịch liệt. Nhưng tối đến, hai ông chồng nhất định không cho vợ vào nhà, vì đã “ký giao kèo” đổi vợ. Ngủ ngoài sân cho muỗi rừng châm chích gần một tuần lễ, lại thêm bản tính quê mùa nhút nhát luôn phục tùng chồng, nên cuối cùng hai bà vợ anh T. và anh V. cũng chấp nhận ôm quần áo, dẫn con về nhà chồng mới. 

Sau khi “cưới” vợ anh V. một tuần, anh T. lại bày tiệc nhậu, mời anh V. và vợ cũ của mình qua nhà lai rai. Ngà ngà hơi men, anh T. đứng dậy tuyên bố: “Sau khi bàn bạc vợ chồng tui quyết định, do vợ cũ của tui xấu hơn vợ cũ anh V. nên tui phải “bù lỗ” cho anh một cây vàng 24k”.

Nói xong anh T. móc trong túi ra một lượng vàng đã chuẩn bị sẳn trao tận tay anh V., nói: “Tui không có tiền, nhưng thấy anh thiệt thòi quá, nên đem cầm miếng đất lấy một lượng vàng bù lỗ cho anh”. Vàng trao vợ đổi đã xong, cả hai cặp vợ chồng “cũ mà mới” lại xúm nhau ăn nhậu tưng bừng cho tới say mèm rồi anh V. lận lưng cây vàng, dắt vợ mới về nhà.

Vừa bước lảo đảo ra khỏi nhà, anh V. vừa cặp kè người vợ mới, vừa nói vọng vào với anh T. và người vợ cũ: “Vợ chồng tui cảm ơn anh T. và…vợ cũ của tôi, tui sẽ đem cây vàng này sửa lại nhà cho…vợ anh có nhà cửa đàng hoàng, kẻo bà con người ta chê cười. Nói thiệt với anh, vợ anh cũng còn…xuân sắc lắm, anh bù lỗ 1 cây vàng như vầy là thiệt cho anh quá. Cảm ơn, cảm ơn…”.

Dường như sau khi đã tỉnh táo trở lại, những người trong cuộc cảm thấy có cái gì đó không ổn, nhưng mọi chuyện đã đi quá xa, không ai có thể khắc phục chuyện đã rồi.

Vì vậy mà hơn ba tháng sau ngày đổi vợ, trong khi anh V. vẫn ở lại trên mảnh đất được cấp, cùng vợ mới ngày ngày cày sâu cuốc bẫm chí thú làm ăn, thì anh T. và vợ cùng con của anh V. quyết định dắt nhau xuống chiếc ghe nhỏ, chèo đi nơi khác lập nghiệp. Họ ra đi lặng lẽ, không cần chào hỏi bà con lối xóm, như thể họ cảm thấy mình có lỗi đã làm cho cuộc sống vốn bình lặng nơi đây bỗng chốc xôn xao, chao đảo.

Theo người dân U Minh Thượng, hiện nay anh V. và vợ anh T. đã có với nhau thêm mấy mặt con, trong khi anh T. và vợ anh V. cùng đàn con đi đâu làm ăn sinh sống thì không ai có tin tức. Một cán bộ xã An Minh Bắc cho biết, sau ngày xảy ra chuyện đổi vợ có một không hai giữa anh T. và anh V., ban đầu dư luận còn đàm tiếu nhưng hiện giờ “ván đã đóng thuyền”, họ hàng hai bên cũng đồng ý công nhận. Chỉ duy nhất một điều là anh V. và vợ mới nhất định không chịu làm giấy đăng ký kết hôn, nên mấy đứa trẻ con chung của họ làm giấy khai sinh rất khó.

Câu chuyện “đổi vợ có bù lỗ” giữa anh T. và anh V. không phải do những người trong cuộc thiếu hiểu biết pháp luật mà ra, họ thừa hiểu làm như vậy là sai, nhưng do “ma đưa lối quỷ dẫn đường” mà họ hành động như vậy.

“Ma quỷ” ở đây không có gì xa lạ, đó chính là chất men được làm ra từ lúa gạo mà người nông dân một nắng hai sương vất vả sản xuất ra. Thành quả lao động thay vì góp phần làm cho cuộc sống của họ khấm khá lên, đằng này lại quay lại tàn phá cuộc sống, hạnh phúc của họ bằng những chầu nhậu triền miên, thâu đêm suốt sáng. Xét cho cùng, những người vợ, người chồng trong câu chuyện “đổi vợ có bù lỗ” là nạn nhân nhiều hơn là thủ phạm, họ đáng thương hơn là đáng trách. Nếu cuộc sống tạo điều kiện cho họ có những cách giải trí, vui thú khác hơn là bàn nhậu, ắt hẳn “chuyện lạ rừng U Minh Thượng” đã không xảy ra!


(*) Tên thật của nhân vật trong bài đã được thay đổi.

  T.D

Kinh tế VN ‘lao đao mức nghiêm trọng’


BBC - Bất ổn kinh tế vĩ mô ở mức nghiêm trọng khiến lạm phát tiếp tục tăng và chỉ số chứng khoán tụt xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Hãng tin tài chính Bloomberg ngày 23/05 đưa tin chỉ số chứng khoán VN Index sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ tháng 07/2009 trong bối cảnh có tin lạm phát tháng Năm có thể tăng tốc nhanh hơn so với tháng Tư.
Chỉ số VN Index tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp HCM sụt giảm 3,5% đứng ở mức 417,82 điểm vào trưa ngày thứ Hai.
Truyền thông Việt Nam đưa tin chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm nhiều khả năng tăng khoảng trên dưới 2% so với tháng Tư.

Lạm phát đang là gánh nặng lên hạng chục triệu người nghèo tại Việt Nam.
Theo dự kiến Tổng cục Thống kê sẽ đưa ra số liệu chính thức về CPI/lạm phát trong tuần này, nhưng giới quan sát cho rằng mức lạm phát trong tháng Năm vào khoảng 19% so với một năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 17,51% trong tháng Tư so với một năm trước đó, là mức cao nhất kể từ Tháng 12 năm 2008.
"Với giá cả tăng cao hơn dự kiến ​​tại hai thành phố chính là Hà Nội và Tp HCM, giới đầu tư đang lo ngại rằng thực trạng lạm phát của cả nước vẫn còn rất ảm đạm", ông Nguyễn Duy Phong, nhà nghiên cứu từ Công ty Chứng khoán ACB tại Tp HCM được Bloomberg trích dẫn.
Ông nói thêm rằng “tâm lý bi quan đang bao trùm thị trường và có đồn đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt thêm chính sách tiền tệ, vốn đã và đang gây tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp và ngân hàng.
'Bóp chết doanh nghiệp'

Mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng hiện nay đang rất cao 20-22%.
Thanh toán lãi suất đi vay đã và đang trở thành một "thành phần chính" trong chi phí sản xuất, Quỹ Quản lý đầu tư VinaCapital cho biết trong một ghi chú cho khách hàng vào hôm thứ Hai 23/05.
"Lãi suất cao đang giết chết các công ty nhỏ hơn," Alan Pham, kinh tế trưởng tại VinaCapital, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg hôm 23 tháng Năm từ Tp HCM.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam nhận định việc lãi suất cho vay cao chứng tỏ hai vấn đề:
Thứ nhất, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang có vấn đề;
Giảm đầu tư công thì cũng giảm được sự chèn lấn đối với đầu tư của khu vực tư nhân
TS Vũ Thành Tự Anh
Thứ hai, lãi suất cho vay cao đến vậy, những doanh nghiệp lành mạnh, làm ăn bình thường chắc chắn không thể chịu đựng được.
“Còn những doanh nghiệp chấp nhận vay ở mức lãi suất này chắc chắn đang rất khát vốn, hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực rất mạo hiểm, rủi ro thì mới có một mức độ sinh lời đủ để trả lãi ngân hàng”.
Trong bài viết đăng trên một số báo tại Việt Nam với tựa ‘Nhận diện “thủ phạm” của cuộc đua lãi suất’, kinh tế gia Tự Anh viết "Trong số các công cụ của chính sách tiền tệ hiện nay, dường như chỉ còn một công cụ duy nhất là tăng dự trữ bắt buộc là chưa được đem ra sử dụng".
“Việc Ngân hàng Nhà nước thận trọng trong việc sử dụng công cụ này là có thể hiểu được, vì nếu tăng dự trữ bắt buộc vào lúc này thì các ngân hàng thương mại sẽ chịu thêm một sức ép tăng lãi suất cho vay”.
Ông cũng lưu ý rằng “giảm đầu tư công thì cũng giảm được sự chèn lấn đối với đầu tư của khu vực tư nhân”.
“Điều này là tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi lãi suất cho vay đã lên tới trên 20%/năm khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản và sa thải lao động”, ông Tự Anh viết.

Tiền đi đâu thời lạm phát

Lý Toét - Tiền ở đây không phải tiền chung chung như vàng hay đô la, mà là tiền cụ thể - nội tệ. Lạm phát xứ ta, khỏi chứng minh ai cũng biết. Chỉ số CPI năm, tháng 4 vừa rồi là 17.5%. Nguyên nhân lạm phát là do nhà nước phải in tiền để bù phần bội chi, để trả nợ đậy cho những tập đoàn kinh tế nắm quyền chủ đạo.
Trong điều kiện tiền mất giá hàng tháng hàng ngày, không ai muốn giữ tiền mà náu thân vào những thứ tiền được bảo đảm giá trị khác như là vàng hay đô la. Tiền mặt là thứ có tính thanh khoản mạnh nhất nhưng ai cũng muốn tống khứ nó đi. Vậy nó đi đâu khi mà thị trường luôn luôn khan hiếm tiền mặt, ngân hàng phải nâng cao lãi suất huy động vượt trần. Ai là người giữ tiền? Câu trả lời là: chính chúng ta - những nạn nhân của nạn lạm phát.
Chuyện kể cách nay không lâu lắm, khoảng cuối thập niên '70 cho tới '80, thời ấy máy thu truyền hình gọi bằng ti vi (chữ là TV - television) là một tài sản có giá trị đến mức không phải gia đình nào cũng có. Có thể cả một khu phố mới có một chiếc tivi đen trắng mua từ Đông Âu về. Sau 75 nguồn tivi từ miền Nam dồi dào hơn nhưng khác hệ phải điều chỉnh linh kiện đôi chút.
Khi đó tivi là một gia tài, chỉ những gia đình khá giả, nhà rộng, làm nghề có thu nhập cao như buôn bán hoặc lái xe mới mua được. Nhà nào có tivi đến chương trình chiếu phim hay văn nghệ cả xóm già trẻ lớn bé kéo nhau sang xem đông vui như ở đình làng. Đi xem nhờ tivi nhà hàng xóm là một quyền đương nhiên được dư luận thừa nhận, ai cũng có thể đến lót dép ngồi mà không cần xin phép.
Ảnh dựng, thực tế đông hơn
Tuy nhiên tivi là một máy điện tử có tuổi thọ nhất định và thường hay hỏng vặt. Sắm được cái tivi tốn một mớ bạc nên chủ nhân phải quan tâm đến tuổi thọ của nó. Có người đi học ở Đông Âu về đưa ra lập luận Nếu một người xem tivi bền tới 10 năm thì 10 người xem tivi chỉ thọ được một năm. Với trình độ nhận thức như hiện nay, ai cũng biết không phải như vậy, tất nhiên tuổi thọ tivi không phụ thuộc vào số người xem nó.
Việc sử dụng tiền trong xã hội cũng giống như xem tivi vậy. Tiền biến thành vốn tức là được ký thác ở ngân hàng, hiệu quả sử dụng của nó sẽ được tăng lên gấp bội, tức là cùng lúc được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Một quá trình đơn giản nhất từ nguyên vật liệu đến tiêu dùng trải qua các công đoạn cơ bản sau: Mua vật liệu - Chế tạo sản phẩm - Bán buôn - Bán lẻ - Người tiêu thụ cuối cùng, quá trình trên gồm 5 giao dịch. Nếukhông có tín dụng, tức là phải dùng vốn tự có, cả 5 giao dịch trên mỗi giao dịch sẽ phải chuẩn bị một lượng tiền mặt tương đương giá trị sản phẩm, nghĩa là số tiền mặt cần thiết gấp 5 lần giá trị hàng hóa. Mặt khác nếu có tín dụng, ở đây có thể là vay bảo lãnh hoặc trả chậm, số tiền mặt cần thiết là số tiền mà người mua cuối cùng phải trả, chỉ bằng 20% so với giả thiết ban đầu. Trên thực tế, chuỗi vận động của hàng hoá cần phải có sự tham gia của nhiều hơn 5 chủ thể.
Do tác động của yếu tố lãi suất cao, các bạn hàng không cho nhau trả chậm, mà bắt buộc phải tiền trao cháo múc. Nói theo thuật ngữ của dân tài chính là Tiền không chịu biến thành Vốn, cho nên hiểu theo đúng nghĩa là Vốn thì thiếu nhưng Tiền thì quá nhiều (không hề thiếu tiền, mà chỉ là Tiền không thành Tư bản).

Tiền dằn túi
Mặt khác, do giá cả hàng hóa tăng, người tiêu thụ phải giữ trong tay một lượng tiền nhiều hơn trước, số lượng tiền cần thiết phải có trong tay nhiều hơn cả số giấy bạc mà nhà nước đã in ra vô tội vạ.
Ngày trước, đi xem nhờ tivi nhà hàng xóm, ai cũng cảm thấy như thế là đủ. Ngày nay, không nhà nào không có tivi nhưng hầu như ai cũng thấy thiếu, sao không đặt tivi ở nhà bếp, thiếu tivi ở nhà tắm.
Lý Toét
.

Trái non “ngậm” thuốc là chín


Trái cây chưa tới lứa thu hoạch, chỉ cần ngâm hóa chất qua 1-2 đêm là vàng ươm. Rất khó xác định hóa chất đó gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe.
  
TIN BÀI KHÁC

Nhiều nhà vườn trồng mít, sầu riêng, chuối… ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ cho biết nhiều thương lái đến tận vườn “săn” cả trái sống, thậm chí còn non rồi xử lý bằng hóa chất cho trái chín. Một số chuyên gia khuyến cáo không nên lạm dụng hóa chất, đặc biệt là hóa chất không nằm trong danh mục sử dụng trong thực phẩm. Người tiêu dùng nên lưu ý chọn trái chín cây để bảo đảm chất lượng và an toàn.
 
Người tiêu dùng nên chú ý để tránh mua phải trái cây bị chín ép. (Ảnh: Người lao động)

Mít, sầu riêng, chuối, xoài... đều được xử lý 
 
Có dịp về miền Tây, chúng tôi được một người thân có vườn sầu riêng ở Cai Lậy - Tiền Giang cho biết vườn sầu riêng của anh vừa thu hoạch xong, sớm hơn dự kiến 10 ngày vì thương lái cứ nài nỉ mua cả vườn với giá khá tốt. Anh kể sau khi hái xong, thương lái phân loại trái chín cây để riêng, trái còn sống thì xử lý ngay tại vườn bằng một thùng nước có pha một loại hóa chất không mùi, màu trắng để sầu riêng nhanh chín. Anh còn cho biết hầu hết chủ vựa trái cây đều phải sử dụng hóa chất nếu muốn có trái chín đồng loạt để bán. 
 
Giới thương lái chuyên thu mua trái cây ở một số tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ cũng sử dụng các loại hóa chất để xử lý làm chín trái cây. Chị Hậu, nhà ở Long Khánh - Đồng Nai, cho biết chị đã từng chứng kiến thương lái thu gom mít còn sống rồi nhúng vào thùng nước có pha bột hóa chất màu trắng trước khi mang ra khỏi vườn. “Thấy họ xử lý trước mặt mình, tôi phát hoảng và dặn con cháu trong nhà không được mua mít ngoài đường về ăn vì sợ bị nhiễm hóa chất độc hại”. 
 
Không chỉ có mít, sầu riêng mà một số loại trái cây khác như chuối, xoài… cũng được thương lái, chủ vựa xử lý chín ép. Theo một người đẩy xe bán chuối dạo ở khu vực phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân - TPHCM, việc xử lý trái chín bằng hóa chất được làm từ vựa, do các thương lái thực hiện; người bán lẻ chỉ việc mua trái cây đã qua xử lý về bán chứ không “phù phép” gì thêm. Ông này thật thà cho biết phải ngâm thuốc thì chuối mới chín vàng tươi cả buồng, thậm chí trái chuối non ở nải chót cũng chín vàng ươm. Nói rồi, ông đưa cho chúng tôi nải chuối chót, nhìn trái chuối bé tí chín vàng, chúng tôi thoáng giật mình. 
  
Người tiêu dùng nên biết phân biệt: Sầu riêng chín cây có mùi thơm nồng dễ tách vỏ, sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ. (Ảnh: Người lao động)
  
Cần được kiểm soát chặt
 
Theo một số chủ cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật dọc Quốc lộ 1A thuộc huyện Cai Lậy, Cái Bè – Tiền Giang, có khá nhiều loại thuốc dùng xử lý trái chín. Loại bột màu trắng, không nhãn mác nhập từ Trung Quốc được bán xá với giá rất rẻ đã bị khuyến cáo không sử dụng. Gần đây, loại hóa chất được giới thiệu làm chín trái cây giá chỉ 25.000 đồng/chai được bán phổ biến, đa số người mua dùng để xử lý sầu riêng. 
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp xác nhận nhà vườn, thương lái, chủ vựa đều xử lý trái chín bằng hóa chất. Đặc biệt vào thời điểm trái cây hút hàng, giá cao, nhiều thương lái mua cả trái sống, trái non để làm chín. Theo vị này, loại hóa chất được dùng phổ biến có nguồn gốc từ chất ethrel, có tên khoa học là ethephon. Chất này được phép sử dụng trên rau quả ở châu Âu và Hoa Kỳ nhưng hàm lượng cho phép rất thấp, chỉ từ 0,01 ppm đến 5 ppm/kg rau quả. 
 
Vị này cũng cho biết đã là hóa chất thì cần được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, hàm lượng, nếu không sẽ ảnh huởng sức khỏe con người. Bên cạnh đó, nếu nhà vườn chỉ nhắm tới lợi nhuận trước mắt, bán trái sớm để thu tiền mà quên rằng chất lượng trái cây giảm, người tiêu dùng quay lưng thì thiệt hại sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với lợi nhuận trước mắt. Chắc chắn, trái bị chín ép sẽ không bảo đảm chất lượng như trái đủ tuổi. Ví dụ, với sầu riêng, thời gian thu hoạch từ 85 đến 125 ngày tính từ khi trổ hoa (tùy theo giống), nếu hái sớm hơn 5 ngày thì chất lượng trái không bảo đảm.
 
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách văn phòng chuyên môn thuộc Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho rằng vẫn chưa có tài liệu nào công bố chính thức tác hại của những loại hóa chất làm chín trái cây. Tuy nhiên, với những hóa chất không nằm trong danh mục cho phép của ngành y tế, người tiêu dùng nên lưu ý khi sử dụng sản phẩm được xử lý qua hóa chất. Trường hợp hóa chất được cho phép sử dụng cũng cần xem xét độ tinh khiết của hóa chất, thành phần chiết xuất, tạp chất kèm theo… 

Nhận biết trái cây chín ép
 
Sầu riêng chín cây có mùi thơm nồng, gõ vào phần dưới của trái nghe tiếng kêu lộp bộp và chỉ cần tách nhẹ ở “đít” trái là vỏ sẽ nứt ra theo từng múi. Sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ nên một số người bán chỉ tách phần giữa trái cho khách xem chứ không tách phần “đít” trái. 
 
Mít chín cây thì cả múi mít, xơ mít đều chín vàng, mùi thơm ngọt, gai mít nở to. Đối với chuối cau, loại dùng hóa chất thường rất vàng, trái chuối không no tròn, trông rất mướt, buồng chuối vàng đều từ nải đầu đến nải cuối. Chuối chín tự nhiên sẽ có màu vàng xỉn hơn, không bóng mượt nhưng có mùi thơm tự nhiên. Tương tự, xoài chín ép có vỏ vàng rực, bóng láng nhưng không có mùi thơm đặc trưng của xoài chín

(Theo Người lao động)