Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Thuỷ điện và Việt Nam

ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn


Tiềm năng thuỷ năng có thể khai thác với hiệu quả kinh tế ở nước ta là 80 TW-h mỗi năm. Năm 2006 chúng ta đã sản xuất 23 TW-h điện từ thuỷ lực, nghĩa là một phần tư tiềm năng. Mấy con số đó cho thấy chúng ta vẫn còn có thể gia tăng sản xuất thuỷ điện trong những thập niên tới. Lợi dụng địa thế và khí hậu thuận tiện, chúng ta đã xây và dự tính xây nhiều công trình thuỷ điện từ những công trình cực lớn như Lai Châu (vừa được Quốc hội phê chuẩn), Sơn La (đang xây) hay Hoà bình (đã đưa vào hoạt động) trên sông Đà cho đến vô số cơ sở sản xuất điện tầm cỡ vừa, nhỏ hay cực nhỏ rải rác khắp nơi trên lãnh thổ quốc gia.

Tuy nhiên, khai thác thuỷ điện như chúng ta đang làm gây ra nhiều vấn đề tài chính, kỹ thuật và môi trường. Chúng tôi đã có dịp trình bầy những khía cạnh chiến lược của thuỷ điện trong những bài viết về năng lượngi và vi thuỷ điệnii. Trong bài này, chúng tôi xin trình bầy những vấn đề ngành thuỷ điện đặt ra cho nước ta.


Vấn đề tài chính


Chúng tôi không trình bầy ở đây những phương pháp tính tỷ số lợi nhuận của một dự án mà chỉ xin trình bầy một số vấn đề tài chính của ngành thuỷ điện Việt Nam dựa trên những thông tin chúng tôi gom được trên các báo mạng trong nước.

(a) Khi quyết định đầu tư vào một dự án thì phải biết dự án đó có sinh lợi nhiều hơn hay ít hơn vốn đầu tư và khi do dự giữa một số phương án thì phải chọn phương án nào có tỷ số lợi nhuận cao nhất.

Nói một cách đơn giản, giá thành trung bình của một sản phẩm gồm một phần cố định và một phần biến thiên tỷ lệ với sản lượng. Hệ số tỷ lệ gọi là chi phí sản xuất lề của sản phẩm.Trong ngành năng lượng, phần cố định chủ yếu là khấu hao, nghĩa là vốn đầu tư phân bố cho mỗi khoảng thời gian hoạt động của nhà máy.

Trong ngành thủy điện, vốn đầu tư rất cao và một khi đã tính khấu hao thì chi phí lề để sản xuất điện từ thuỷ năng không đáng là bao nhiêu. Vì thế, nhiều người tưởng lầm rằng thủy năng là của Trời cho. Xây một nhà máy thuỷ điện thì cần đến nhiều vốn và mất nhiều thời gian hơn là xây một nhà máy nhiệt điện. Nếu tính tiền vốn và tiền lãi phải trang trải trong thời gian xây dựng nhà máy vào giá thành của điện thì chưa chắc gì thuỷ điện đã rẻ hơn là nhiệt điện. Giá trị thương mại của lượng điện sản xuất từ khi hoà mạng cho tới khi ngưng hoạt động vì nhà máy quá cũ hay quá lỗi thời có vượt giá trị vốn đầu tư và các chi phí tháo dỡ và hoàn thổ công trình hay không thì chúng tôi không thấy đề cập tới.

(b) Điện dùng cho những hoạt động sản xuất nên gián tiếp sinh lợi nhiều hơn là theo tính toán kinh tế của một dự án chỉ nhằm sản xuất điện. Như vậy có nghĩa là giữa một nhà máy điện sẽ được đưa vào sản xuất sớm và một nhà máy sẽ được đưa vào sản xuất muộn thì phải chọn nhà máy thứ nhất dù giá thành điện của nhà máy đó cao hơn.

Vào thập niên 1980, khi chúng ta cần gấp điện thì chúng ta đã vất vả xây các nhà máy Hoà Bình và Trị An. Công suất nhà máy Hoà Bình vượt nhu cầu điện hồi đó ở ngoài Bắc và chúng ta đã phải xây gấp đường cao thế 500 kV để tải điện vào Nam. Nhờ những công trình đó mà bây giờ chúng ta có điện với giá phải chăng và có một mạng cung cấp điện ổn định. Nhưng, vào những năm đó, nếu chúng ta dùng vốn và công lao cho những dự án này để xây ngay hai ba nhà máy nhiệt điện và có ngay điện thì chúng ta đã có thể thỏa mãn nhu cầu điện ở thời điểm đó và người dân lúc đó đỡ phải chịu khổ một cách vô ích.

Một công trình thuỷ lợi còn có nhiều chức năng khác chứ không vỏn vẹn chỉ sản xuất điện và hỗ trợ những ngành kinh tế tiêu thụ điện : cắt lũ, tưới tiêu chống hạn cho nông nghiệp, điều tiết mức nước cho giao thông đường sông, điều tiết nguồn nước sinh hoạt đô thị, dùng làm nơi du lịch giải trí, vân vân. vận hành không tối ưu những chức năng đó là không tận dụng vốn đã dùng để xây dựng công trình. Hiện nay, khi vận hành một công trình, quan tâm chính của ta chỉ là sản xuất điện.

Cũng như mọi ngành kinh tế khác, ngành điện Việt Nam sinh ra ba nguồn phung phí sau đây :

(a) khởi công xây dựng công trình rồi bỏ không xây tiếp nữa để đưa vào hoạt động,

(b) việc xây dựng công trình chậm tiến độ,

(c) công trình đưa vào hoạt động nhưng không đạt hay không sử dụng hết công suất lắp đặt.

Khi ngưng xây dựng một công trình thì mất toi vốn đã bỏ ra từ khi nghiên cứu xây dựng cho tới ngày ngưng dự án. Khi một công trình chậm tiến độ thì tỷ số lợi nhuận của dự án giảm vì lãi vay trong thời gian xây dựng tăng và những ngành kinh tế khác sản xuất kém do thiếu điện trong khoảng thời gian chậm trễ. Khi một công trình không tận dụng công suất lắp đặt thì vốn đầu tư đã không được dùng một cách tối ưu vì một phần đã được đầu tư vào những hạng mục vượt quá nhu cầu.

Thỉnh thoảng, khi có một vụ tai tiếng hay khi sắp họp đại hội Đảng thì có một quan chức ra lệnh điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến những dự án đã phải hủy bỏ, chậm tiến độ, không tận dụng công suất thiết kế hay có vấn đềiii. Và thường thì người ta chỉ được biết tin có lệnh điều tra nhưng không nghe thấy kết luận và quyết định cải tạo của người đã ra lệnh điều tra là gì.


Vấn đề kỹ thuật


Một công trình thuỷ lợi có hai loại vấn đề kỹ thuật : công suất thiết kế lắp đặt và cân bằng mạng lưới quốc gia.

Vấn đề công suất thiết kế lắp đặt

Như viết ở phần trên, một công trình thuỷ lợi có nhiều chức năng ngoài chức năng sản xuất điện. Tất cả những chức năng đó chỉ có thể thỏa mãn một cách tối ưu nếu nước được thải xuống hạ lưu đều đặn quanh năm. Tỷ dụ, nông dân có thu nhập cao nhờ dám trồng lúa đến ba vụ, trồng cây ăn quả, nuôi tôm nuôi cá... Nếu được bảo đảm có nước quanh năm, ngành giao thông đường sông có thể hoạt động nhờ mức nước ổn định. Hồ ở trên đập dùng để chứa nước có thừa vào mùa lũ và nước có thừa đó dùng để tiếp tục cung cấp nước cho hạ lưu vào mùa hạn.

Thực tế là một số công trình thuỷ lợi của ta không điều tiết lưu lượng nước như thế. Mùa lũ thì quay ráo tối đa và xả nước để tránh đập có thể bị tràn ngập hay bị vỡ. Mùa hạn thì không còn nước để phục vụ nông nghiệp và sản xuất điện. Sông Hồng cạn kiệt trơ đáyiv, tầu bè mắc cạn giữa sông.

Do không xả nước đều đặn trong năm, vận hành nhà máy không tối ưu và đó là một nguồn phí phạm. Nguồn phí phạm thứ hai là do không tính đến xả nước đều đặn nên thiết kế và lắp đặt công suất những tuabin của nhà máy một cách không tối ưu.



công suất của những tuabin tỷ lệ tuyến tính với lưu lượng tối đa nước quay ráo và sản lượng điện tỷ lệ tuyến tính với lượng nước những tuabin quay ráo. Một năm có 8.760 giờ. Thực tế thì một thiết bị chỉ có thể chạy tối đa 80 phần trăm thời gian, nghĩa là 7.000 giờ mỗi năm. Như vậy có nghĩa là một công trình thuỷ điện có công suất lắp đặt một megawatt sẽ sản xuất 7 TW-h mỗi năm nếu quay ráo đều đặn với cùng một lưu lượng nước trong 7.000 giờ đó. Hiệu suất sử dụng là tỷ số công suất thực dụng chia cho công suất lắp đặt. Hiệu suất đó càng cao thì công suất lắp đặt càng được tận dụng và những sai biệt về công suất lắp đặt và công suất thực dụng trung bình là một sự phí phạm tiềm lực quốc gia.

Chúng ta đã quá quan tâm đến công suất có thể quay ráo được với lưu lượng nước của mùa lũ thay vì tính toán điều tiết sử dụng nước để sản xuất điện và phục vụ những ngành kinh tế khác liên tục quanh năm. Lưu lượng nước mùa lũ thì lớn hơn là lưu lượng trung bình của cả năm và lưu lượng trung bình của cả năm thì lớn hơn là lưu lượng của mùa hạn. Nếu chúng ta lắp đặt công suất quay ráo tương ứng với lưu lượng nước của mùa lũ thì công suất này sẽ không được tận dụng vào mùa hạn. Để tận dụng quanh năm công suất lắp đặt của các tuabin thì chúng ta phải có một hồ chứa nước đủ lớn để không bao giờ tràn ngập mà vẫn có thể xả nước với lưu lượng trung bình của cả năm.

Chúng tôi xin lấy thí dụ ba nhà máy thuỷ điện lớn trên sông Đàvi. Nhiều nhà máy khác của ta cũng có những vấn đề tương tự.

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình sản xuất trung bình 8,16 TW-h mỗi năm. Nếu các tổ máy chạy 7.000 giờ mỗi năm thì công suất trung bình của nhà máy là 1.166 MW. Khi tính biến thiên nhu cầu thực theo thời gian của các ngành kinh tế khác, đặc biệt của nông nghiệp, và dùng những phép tính vận trù học phức tạp hơn thì công suất tối ưu của nhà máy chỉ lớn hơn con số 1.166 MW tính ở trên quá lắm là 10 phần trăm, nghĩa là 1.283 MW. Công suất lắp đặt của nhà máy Hòa Bình là 1.920 MW, sai biệt 637 MW. Vào mùa lũ, có lúc chúng ta đã quay ráo để tận dụng công suất 1.920 MW và đã phải xả thêm nước để bảo vệ đập. Vào mùa hạn, nhà máy không còn nước để sản xuất điện và đáp ứng nhu cầu nước của những ngành kinh tế khác.

Nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ sản xuất 9,43 TW-h. Nếu tính như trên thì công suất trung bình của nhà máy chỉ là 1.482 MW chứ không phải là 2.400 MW như đã dự định, sai biệt 918 MW. Bây giờ chúng ta lại quyết định nhà máy thuỷ điện Lai Châu phải có công suất 1.200 MW nhưng không quy định nhà máy sẽ tham gia vào hệ thống chống lũ của sông Đà đến mức nào và sẽ đóng góp vào nhu cầu nước quanh năm của các ngành kinh tế khác ra sao.


Vấn đề cân bằng mạng phân phối điện quốc gia


Thời gian phản ứng của một nhà máy điện là thời hạn để nhà máy phát điện đúng công suất sau khi khởi động và thời hạn để hoàn toàn không phát điện sau khi tắt nguồn cung cấp năng lượng.

Một nhà máy điện hạt nhân có thời gian phản ứng là vài ngày cho tới một tuần lễ. Thời gian phản ứng của một nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là vài giờ cho đến một ngày tuỳ tầm vóc của lò hơi và của hệ thống nhiệt thuỷ động. Một nhà máy tuabin khí cần được khởi động một giờ trước khi có nhu cầu. Một tổ máy điện điêden hay một tổ tuabin thuỷ điện thì chỉ cần vài phút.

Nhờ những dự báo kinh tế và sinh hoạt của dân chúng, người ta có thể dự báo nhu cầu điện cơ bản cho mỗi tháng và quyết định lịch trình ngưng những nhà máy điện để bảo hành và lịch trình vận hành những nhà máy điện hạt nhân. Nhờ tiến bộ của các ngành dự báo khí tượng, người ta có thể dự báo nhu cầu điện cho hai tuần lễ sắp tới và quyết định lịch trình vận hành những nhà máy nhiệt điện cổ điển. Còn cân bằng chính xác cung cầu của mạng phân phối điện từng giờ từng phút một hay khi phải phản ứng trước một sự cố trên mạng phân phối điện thì phải trông cậy vào những tổ máy điêden và những tổ tuabin thuỷ điện.

Điện sản xuất từ một bộ máy điêden thì đắt nên khi nào có thể làm được thì người ta cân bằng cung cầu điện bằng những tuabin thuỷ điện. Vì những lý do nêu ở phần trên, vào mùa hạn ở nước ta thì những hồ thuỷ lợi không có nước để quay ráo nên thuỷ điện của ta không thể dùng được để cân bằng ngắn hạn mạng phân phối điện quốc gia và để đối phó một sự cố trên mạng.

Người ta phân biệt những nhà máy thuỷ điện theo dọc dòng sông, nhà máy có cửa âu và nhà máy có hồ chứa.

Những nhà máy theo dọc dòng sông xây ở đồng bằng ngang những con sông lớn. Những nhà máy này không tốn kém mấy nhưng không có khả năng chứa nước lớn nên không thể tham gia vào việc cân bằng mạng phân phối điện. Những nhà máy có cửa âu xây ở miền trung du. Chúng có hồ chứa dung tích nhỏ dùng để điều biến sản xuất điện cho một ngày (nhu cầu lúc tảng sáng hay xế chiều) hay một tuần lễ (sai biệt nhu cầu cuối tuần và những ngày làm việc). Những nhà máy có hồ chứa lớn có thể cân bằng mạng phân phối điện quanh năm tỷ dụ như mùa hè khi có nhu cầu điều hoà không khí, mùa tết và mùa thi khi có nhu cầu đốt đèn thấu khuya,...

Lẽ cốt nhiên khi các hồ chứa có nước thì những nhà máy thuỷ điện mới có thể thỏa mãn được chức năng cân bằng mạng phân phối điện. Ở nước ta, vào mùa hạn, nhiều hồ bị cạn vì nước đã được quay ráo hết để sản xuất điện trong mùa lũ rồi. Do đó, những nhà máy thuỷ điện của ta khó có thể cân bằng mạng phân phối điện.

Một nhà máy nhiệt điện sản xuất điện bất chấp điều kiện thiên nhiên nào. Một nhà máy thuỷ điện chỉ có thể sản xuất điện nếu có nước ở thượng nguồn. Chúng ta đã đặt ưu tiên cho thuỷ điện thay vì nhiệt điện và, hiện nay, một nửa lượng điện chúng ta sản xuất trong một năm lấy nguồn từ thuỷ năng. Chúng ta đã thiết kế dung tích những hồ thuỷ điện không phù hợp với thời tiết, nhu cầu điện và nhu cầu nước của mỗi mùa. Chúng ta đã phải xả nước vào mùa lũ để bảo vệ đập. Trong vận hành hàng ngày của nhà máy, chúng ta tiếp tục đặt ưu tiên vào sản xuất điện từ thuỷ năng thay vì năng lượng hóa thạch. Vào mùa hạn, lúc cần nhiều điện để điều hoà không khí, thì chúng ta không còn nước để quay ráo và công suất các nhà máy nhiệt điện chỉ có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu thôi.

Do đó, chúng ta bó buộc phải cắt điện vào mùa hạn. Tuy nhiên tình hình này đang được cải thiện nhờ những nhà máy nhiệt điện lớn sắp được đưa vào hoạt động.


Vấn đề tôn trọng môi trường thiên nhiên


Mọi tác động của con người đều vi phạm môi trường. Vấn đề là vi phạm nhiều hay ít và làm thế nào để giảm thiểu hậu quả.

Thuỷ điện là nguồn năng lượng vi phạm ít nhất môi trường thiên nhiên. Nhiều người suy ra thuỷ điện là giải pháp thần diệu cho sự phát triển bền vững. Điều này đúng nếu chúng ta có những biện pháp tôn trọng môi trường khi xây và vận hành một nhà máy thuỷ điện.

Khi ngăn một dòng sông thì :

(a) cá không thể lội lên xuống dòng sông như xưa, một số loại cá không còn sống trên sông nữa,

(b) trầm tích mang từ mạn ngược sẽ lắng xuống lòng hồ thay vì chảy ra biển để nuôi cá sống ở cửa sông,

(c) những cánh đồng không còn bị tràn ngập vào mùa lũ nên không còn được bồi đắp bởi phù sa chứa trong nước lũ.

Để cho cá có thể tiếp tục bơi lội, người ta xây một kênh vượt qua đập, gọi là thang cá, và để ít nhất mười phần trăm lưu lượng cũ của dòng sông thường xuyên chảy qua kênh. Cá sẽ lội ngược xuôi qua kênh đó. Để giải quyết trầm tích lắng xuống hồ và để cho đồng ruộng ở miền xuôi tiếp tục được phù sa bồi đắp, người ta bố trí một van ở dưới lòng hồ và, khi thuận tiện, người ta bất thình lình mở van để nước tháo ra mang theo phù sa và tràn ngập những mảnh ruộng đã được chọn lựa và vạch ranh trước. Những mảnh ruộng được tràn ngập luân phiên để cho tất cả nông dân mạn xuôi đồng đều được hưởng lợi tác động đó. Nếu không có thiết bị và tác động tháo nước như vậy thì lâu dần hồ sẽ đầy trầm tích tới mức nước chết và sẽ không còn dùng được nữa.

Vì lý do đó mà đập Tam Hiệp bên Trung Quốc dự báo chỉ có 70 năm đời sống hữu dụng. Cách đây vài năm, một quan chức Việt Nam có nói riêng với chúng tôi rằng hồ Hòa Bình chỉ 60 năm nữa thì sẽ đầy. Nếu thông tin này đúng thì chúng ta phải nhân dịp đợt kiểm tra an toàn đập mỗi thập niên để xây một cửa van tháo trầm tích đang lắng xuống lòng hồ.

Khi cỏ cây trong lòng hồ không được đốn hết, kể cả những rễ cây, thì khi đổ nước vào hồ những dấu vết thảo vật còn lại sẽ mục rữa và sinh ra khí methan, một khí có hiệu ứng nhà kính mạnh hơn là khí dioxyd cacbon. Ngoài ra, nước chứa trong hồ là nước đọng của những dòng sông chảy vào hồ. Nếu, ở mạn ngược, các sông bị ô nhiễm thì ô nhiễm sẽ tập trung vào nước trong hồ. Ô nhiễm tập trung thì nguy hại hơn là ô nhiễm phân tán trên một diện tích lớn. Vì hai lý do đó, nước chảy ra khỏi nhà máy là nước bị ô nhiễm nặng và không có đủ khí oxy cho những loài cá ở hạ lưu có thể sống được.

Người ta giải quyết những vấn đề này bằng cách dọn kỹ lòng hồ trước khi cho nước tràn vào. Ở bên Guyanna thuộc Pháp, vì đã không làm đúng như thế, người ta phải xây một nhà máy sản xuất khí oxy pha vào nước trong hồ để cho cá ở hạ lưu đập Petit Saut có dưỡng khí mà sống.

Như mọi năng lượng tái tạo, thủy điện chiếm nhiều diện tích. Hồ chứa tập trung tất cả nước của lưu vực xung quanh. Nhà máy thủy điện Sơn La có hồ chứa diện tích 224 km2, dung tích 9,26 tỷ mét khối nước và công suất lắp máy 2.400 MW, quy ra 93 m2 diện tích hồ mỗi kilô watt công suất. Để so sánh, nhà máy điện hạt nhân Bugey, bên Pháp, có bốn lò phản ứng 900 MW, tổng cộng 3,600 MW, chỉ chiếm có một diện tích 100 ha, nghĩa là một kilô mét vuông. Đặt vấn đề phá rừng để xây hồ thủy điện là một chọn lựa về sở thích : một diện tích rừng và một diện tích nước hơn kém ra sao ? Còn về ảnh hưởng tốt hay xấu đến môi trường thì phải cần đến những nghiên cứu khoa học tại chỗ cho mỗi dự án cụ thể chứ không thể quả quyết trước một cách chung chung được.

Nếu thiết kế không đúng, một công trình thuỷ lợi sẽ là một đe dọa lớn vào mùa lũ, gia tăng những khó khăn của dân chúng mạn xuôi đang phải đối phó với lụt.

Dung tích hồ không đủ lớn thì phải xả nước. Chỉ có ba cách giải quyết khó khăn này : dự trù một dung tích hồ đủ lớn, tháo hết nước trước mùa lũ để có thể chứa được tối đa nước thặng dư của mùa lũ và dự trù một lối thoát an toàn cho lượng nước tràn khỏi hồ.

Đập không xây đủ vững chắc thì cũng phải xả nước để tránh cho đập vỡ. Nếu đập vỡ thì một lượng nước lớn sẽ bất chợt đổ xuống hạ lưu, nơi cư dân đã quen trông cậy vào khả năng cắt lũ của công trình. Rủi ro đập bị vỡ nguy kịch nhất khi một dòng sông được quy hoạch làm thang thuỷ lợi : chỉ cần một đập nhỏ ở mạn ngược bị vỡ là gây phản ứng dây chuyền phá vỡ tất cả các công trình ở mạn xuôi. Để không xảy ra thảm họa như vậy thì không có giải pháp nào khác ngoài việc xây đập cho kiên cố.

Đập có thể bị vỡ nếu có động đất. Nhiều đập trên thế giới vỡ vì động đất. Động đất xẩy ra ở những nơi tấm địa chất xê dịch một cách tự nhiên. Lãnh thổ Việt Nam động đất ít và nếu có, như ở vùng Điện Biên Phủ và ngoài khơi Vũng Tầu, thì cũng chỉ đạt cường độ 3 hay 4 trên thang Richter. Động đất mạnh ở các nước láng giềng có thể ảnh hưởng đến lãnh thổ chúng ta. Một trận động đất nhỏ cũng có thể xẩy ra một hai năm sau khi một hồ thủy lợi lớn đã được đổ đầy nước lần đầu tiên. Cho tới nay, chúng tôi chưa được biết hiện tượng này đã xẩy ra ở nước ta hay không : sau hai hai chục năm vận hành, hồ Hòa Bình vẫn còn đó.

Người Việt Nam nắm chắc công nghệ xây đê đập từ cả nghìn năm nay rồi. Những công trình thủy lợi ở nước ta có thể coi là vững chắc. Nếu có tai nạn thì chỉ do thiên tai khó lường trước được hay những tình huống mà các quan chức trong nước gọi là “hiện tượng tiêu cực”.


Những vấn đề đặc biệt của vi thuỷ điện


Trên phương diện kỹ thuật người ta xếp loại những nhà máy điện theo độ cao của thác : thác cao (trên 200 m), thác trung bình (từ 50 đến 200 m) và thác thấp (dưới 50 m). Tùy độ cao của thác, nhà máy sẽ cần đến một loại tuabin tương ứng.

Ngoài ra, người ta cũng xếp loại những nhà máy theo công suất :

(a) thuỷ điện lớn, mọi nhà máy có công suất lớn hơn 100.000 kW,

(b) thuỷ điện trung bình, từ 10.000 đến 100.000 kW,

(c) thuỷ điện nhỏ, từ 500 đến 10.000 kW,

(d) thuỷ điện mini, từ 100 đến 500 kW,

(e) thuỷ điện micro, từ 10 đến 100 kW, và

(f) thuỷ điện pico, công suất dưới 10 kW

Ở một số nước, người ta chỉ có ba loại nhà máy : thuỷ điện lớn, thuỷ điện trung bình và, khi công suất dưới 10.000 kW thì gọi là vi thuỷ điện hay là thuỷ điện nhỏ. Ở các nước công nghiệp, mỗi loại nhà máy thuỷ điện có những quy định pháp lý về quyền khai thác nguồn nước và những quy định kỹ thuật riêng.

Ngoài những vấn đề nêu ở những phần trên, vi thuỷ điện còn có thêm những vấn đề riêng.

Hình 1 là một kiểu “nhà máy” thuỷ điện mà chúng tôi chép lại vào những năm 1975 1985 từ một tạp chí hay một cuốn sách mà chúng tôi quên tên rồi. Chúng tôi có gửi họa đồ cho những người nghèo ở những nước chậm tiến viết thư xin tư vấn. Hình như cũng vào thời điểm đó, có một bạn Việt Kiều mang về nước. “Nhà máy” chúng tôi vẽ có thể coi là một bánh xe Pelton dùng cho những nhà máy thuỷ điện thác cao công nghiệp. “Nhà máy” gồm bởi một ổ phát điện lấy từ một xe ô tô đã qua sử dụng và một trục nối liền ổ phát điện với một cánh quạt. Hai ống nước đối chiếu nhau phun nước làm quay cánh quạt và ổ phát điện.

Hình 1 và hình 2 do một tác giả từ điển bách khoa trên mạng Wikipedia chụp nơi nào đó ở miền Tây Bắc. Khi đi thăm những vùng thượng du nước ta, chúng tôi cũng thấy tận mắt những “hệ thống sản xuất và phân phối điện” như vậy. Có những “nhà máy” đặt gần bên đường dây cao thế của nhà máy điện Hoà Bình!

Thành thực, khi chúng tôi viết bài về vi thuỷ điện thì chúng tôi nghĩ đến những nhà máy vi thủy điện công suất từ 100 kW trở lên, chứ đâu ngờ một thành phần đồng bào tôi lại phải làm như vậy để có điện sinh hoạt. Thời chiến tranh và khi còn bị Mỹ cấm vận việc này có thể hiểu được. Nhưng với một quốc gia theo chủ nghĩa Mác Lê (cộng sản chủ nghĩa là chính quyền xô -viết và điện lực khắp nơi) và đang tiến lên hàng một quốc gia công nghiệp thì khó có thể chấp nhận được.




Hình 1 ‒ Thuỷ điện pico thủ công.
(Nguồn : Wikipedia)




Hình 2 ‒ Một hệ thống thuỷ điện pico thủ công
(Nguồn : Wikipedia)


Các vấn đề nêu ở những phần trên được kiềm chế ít nhiều khi là những công trình lớn. Những công trình này được xếp vào loại công trình trọng điểm và những công trình loại trọng điểm được các quan chức quan tâm đến nhiều hơn. Còn về những nhà máy vi thuỷ điện thì ngành này đã được xã hội hóa, nghĩa là bất cứ ai muốn làm gì thì làm.

Cả nước vẫn chưa đủ vốn và nhân lực cho những công trình trọng điểm. Lấy đâu ra vốn và nhân lực cho những công trình nhỏ mà số công trình nhỏ thì nhiều hơn là số những công trình lớn. Người không có vốn cũng có thể đầu tư. Xây nửa chừng, thiếu vốn thì huỷ bỏ dự án và vốn đã đầu tư, tạm ngưng cho tới khi nào tìm được thêm vốn, hay tiếp tục xây nhưng “rút ruột” công trình. Người không có kiến thức khoa học kỹ thuật cũng có thể vận hành một nhà máy vi thuỷ điện. Khi có sự cố thì bỏ trốn, chạy tội hay đổ lỗi cho người khác.

Vì thiếu vốn và thiếu người có kỹ năng nghiệp vụ, một số công trình vi thủy điện đã được quyết định một cách rất lạ lùng.

Có những nhà máy thủy điện được xây nhưng chủ đầu tư không biết bán điện cho aivii. Có nhà máy hay không có đường tải điện đển nối với mạng phân phối điện quốc giaviii.

Đọc báo trong nước, chúng tôi khám phá có một số công trình thủy điện được xây dựng nhằm mục đích xin tiền thông qua phương thức CMD (Clean Development Mechanism, Cơ chế Phát triển Sạch) của quỹ nghị định thư Kyoto 1997ix. Chúng tôi cũng khám phá một hệ thống pin mặt trời được ghép với nhà máy thủy điện để cung cấp điện vào mùa hạn khi nhà máy thủy điện không có nước để quay ráox.

Những tình huống này được các báo trong nước thường xuyên nêu lên cho tất cả các loại công trình hạ tầng. Riêng về thủy điện thì, gần đây, nhân một hồ thủy lợi ở miền Trung bị nghi là đã xả lũ đúng ngay khi mạn xuôi đang chịu lụt, các báo có nêu lên một số vấn đề vi thủy điện đặt raxi. Chúng tôi không có cơ sở để biết những chuyện này thực hư ra sao mà chỉ nêu thêm một số rủi ro tiềm tàng riêng của vi thủy điện.

Nhiều hồ chứa nước chỉ là những ao tù nước đọng nơi sinh sống của những vi trùng bệnh sốt rét, giun trong máu và bàng quang (bilharzia).

Nếu hồ không đủ dung tích, vào mùa lũ thay vì tích trữ nước cho mùa hạn thì chúng ta phải xả nước để bảo vệ đập. Khi có nước thì chúng ta quay ráo bừa bãi. Dù sao chúng ta khó mà có thể vận hành một cách khác được vì những nhà máy vi thủy điện thường là những nhà máy dọc dòng sông hay nhà máy có cửa âu với ít khả năng điều biến công suất theo nhu cầu. Nhưng nếu, thêm vào đó, phát điện không phối hợp với những nhà máy điện khác và những sinh hoạt sản xuất khác của cư dân địa phương thì mạng phân phối điện quốc gia sẽ bị rối loạn nghiêm trọng.

Nước ta có người với tay nghề và có vốn để thành lập một xí nghiệp thiết bị vi thủy điện. Số địa điểm để xây dựng những công trình vi thủy điện ở nước ta thì tính chừng một vạn. Đó là không kể đến thị trường những nước lân cận của khối ASEAN. Nhưng chúng ta không có một xí nghiệp thiết bị vi thủy điện. Rút cục những thiết bị được chế tạo thủ công, với những vấn đề chất lượng và tối ưu hóa của mọi sản phẩm thủ công. Nếu mua từ nước ngoài thì có rủi ro về đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu thực. Rủi ro người mua hàng ngoại bị lừa bây giờ giảm nhưng vẫn tồn tại.

Chúng ta có một xí nghiệp sản xuất dây điện và một xí nghiệp sản xuất bộ biến điện. Sản phẩm của hai xí nghiệp này đa dạng và phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế. Rủi ro tập trung ở bộ nối. Vì không có tay nghề, người lắp ráp có thể dùng một bộ nối không bảo đảm an toàn hay có thể chắp nối sai quy định kỹ thuật. Thiếu sót này rất nguy hiểm.

Vi thủy điện pico lại có thêm một rủi ro nữa. Vì chỉ cần tải điện dưới điện áp và cường độ nhỏ người ta dùng dây điện gia dụng. Những dây điện này thường dùng trong nhà nên vỏ bọc không có chất kháng những tia tử ngoại. Dây điện loại đó kéo ở ngoài trời lâu dần sẽ có vỏ bọc bị phân rã và làm trơ ra nõi bằng kim loại. Rủi ro này lại nguy kịch hơn vì những dây điện không treo trên trời bắng những cột trụ cách điện mà móc trên những cành cây hay đặt dưới đất. Khi tham quan miền Tây Bắc, chúng tôi được nhiều người kể bị điện giật và có người kể những tình huống con người hay thú vật tử vong vì những dây điện kiểu đó.


Kết luận


“Xã hội hóa” là một việc nên làm vì Nhà Nước không thể và không nên can thiệp vào mọi chuyện. Nhưng, hiện nay, chúng ta chưa có thể xã hội hóa ngành thủy điện được vì thiếu một bộ pháp quy đầy đủ, thiếu vốn và thiếu nhân lực.

Chúng ta đã thiết kế và xây dựng một hệ thống thủy điện với mục đích duy nhất để sản xuất điện thay vì có tầm nhìn rộng hơn về dịch vụ cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân và của những ngành kinh tế khác. Về vận hành hàng ngày các nhà máy thủy điện, chúng ta cũng chỉ có tầm nhìn eo hẹp có nước thì quay ráo để sản xuất điện mà không nghĩ đến những ngày tháng sau, vào mùa hạn, người dân và các ngành kinh tế khác cũng vẫn cần đến nước.

Vì đã tính toán ngắn hạn như vậy về quy hoạch cũng như về vận hành nhà máy, ngành thủy điện của ta không khai thác được tất cả tiềm lực tạo hóa đã ban cho chúng ta mà lại còn lũng đoạn việc cung cấp điện của cả nước, gia tăng phí phạm và đe dọa an toàn của cư dân và môi trường.

Chúng tôi xin nhắc lại những đề nghị đã trình bày trong một bài trướcxii để cải thiện tình trạng này.

(a) Cho tới khi tỷ lệ thuỷ điện xuống tới dưới một phần tư nhu cầu điện toàn quốc, chúng tôi xin đề nghị :

* hủy bỏ những dự án nhà máy thuỷ điện công suất trên 10 MW nếu không có nhu cầu chính là chống lũ hay cung cấp nước cho nông nghiệp,

* đình chỉ những công trình chưa khởi công,

* tạm thời đình hoãn những công trình đã khởi công nhưng, vì lý do này lý do khác, chưa tiến độ mấy hay tiến triển quá chậm.

* tài chính ngắn hạn được giải phóng như vậy sẽ dùng để xây nhà máy nhiệt điện.

(b) Chúng tôi xin đề nghị tư nhân hay chính quyền một địa phương thành lập một xí nghiệp thiết kế, sản xuất và đưa ra thị trường một số bộ thuỷ điện tiêu chuẩn ở những bậc thang công suất dưới 10 MW (tỷ dụ 10 MW, 5 MW, 1.000 kW, 500 kW, 250 kW, 100 kW, 50 kW, 10 kW). Những tư nhân hay địa phương có nhu cầu chỉ cần phối hợp những bộ thuỷ điện tiêu chuẩn đó để đạt công suất của công trình muốn xây.

Một số vấn đề nêu trong bài này là hiện thực và một số khác là rủi ro tiềm tàng. Những ưu điểm của thủy điện, đặc biệt của vi thủy điện, vượt xa những khuyết điểm nêu trong bài này. Địa dư và khí hậu nước ta rất thuận lợi cho ngành thủy điện. Chúng ta cần khai triển ngành này bằng cách :

(a) đào tạo kỹ sư và công nhân cơ khí và điện cơ nhiều hơn nữa,

b) nghiên cứu khoa học về thủy văn, khí tượng và môi trường sinh thái và

(c) thành lập xí nghiệp sản xuất thiết bị để lắp đặt trong nước cũng như để xuất khẩu.


ĐẶNG Đình Cung

Nạn cắt điện mất điện ở Việt Nam

Nạn cắt điện, mất điện ở Việt Nam

Trong bài này chúng tôi xin trình bày nguyên nhân và hậu quả của nạn cắt điện mất điện và đề nghị một vài giải pháp





Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Mấy hôm nay mưa đã đến, những nhà máy thuỷ điện sẽ có thể cung cấp điện làm đời sồng kinh tế và sinh hoạt hàng ngày dễ dãi hơn. Nhưng đây chỉ là một giai đoạn ngơi ngớt trước những vụ cắt điện mất điện vào mùa hạn các năm tới.

Trong bài này chúng tôi xin trình bày nguyên nhân và hậu quả của nạn cắt điện mất điện và đề nghị một vài giải pháp.

Điện là một sản phẩm tiêu dùng cho tiện nghi và cũng là một nhân tố sản xuất. Chúng tôi sẽ phân biệt rõ hai công dụng này. Chúng tôi sẽ nhắc lại một số nhận xét và đề nghị kỹ thuật đã được trình bày trong hai bài đã đăng trên trạm www.diendan.orgi.

1. Nguyên nhân của nạn cắt điện mất điện

Một mạng phân phối điện có thể ngưng cung cấp điện khi cần bảo trì một hạng mục quan trọng của mạng, vì không có nhiên liệu để sản xuất điện hay vì không còn nước trong hồ thuỷ điện để quay ráo. Người ta gọi tình huống này là cắt điện. Thông thường thì công ty điện báo trước để người tiêu dùng chuẩn bị sinh hoạt cho phù hợp. Nhưng cũng có khi mạng phân phối ngưng cung cấp điện một cách bất chợt vì bỗng nhiên mất cân bằng. Người ta gọi tình huống này là mất điện. Theo những tin nhận được từ trong nước thì nạn cắt điện mất điện xảy ra quanh năm chứ không chỉ xảy ra vào mùa hạn.

(a) Nguyên nhân cơ cấu

Với tăng trưởng thu nhập cá nhân, người dân thành thị có thêm nhu cầu về tiện nghi đời sống chỉ có thể thoả mãn được bằng điện : soi sáng nhiều hơn bằng đèn điện, dùng quạt và máy điều hoà không khí, thổi cơm bằng nồi và lò bếp điện,... Những nhu cầu đó chính đáng vì điều kiện sinh sống ở thành thị bây giờ khác xưa. Chúng cũng đang được phổ biến ở thôn quê. Nhưng nhu cầu điện gia tăng chủ yếu do sự phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ.

Tính từ số liệu của Tổng cục Thống kê thì, từ mười năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trung bình 14,5% mỗi năm và số lượt khách du lịch tăng trung bình 16,3% mỗi năm. Trong khi đó, tính từ số liệu của EIA (Energy Information Agency, Cơ quan Thông tin Năng lượng, Hoa Kỳ)ii, sản lượng điện được sản xuất chỉ tăng có 11,3% mỗi năm. Sản xuất điện không tăng kèm theo tăng trưởng kinh tế sinh ra nạn thiếu điện. Ngay vài năm sau khi có chính sách Đổi Mới, cung đã không đủ cầu và nạn cắt điện mất điện xảy ra mỗi năm mỗi trầm trọng hơn.

Năm 2006, công suất tất cả các nhà máy điện ở Việt Nam là 11.400 MW, trong đó, công suất các nhà máy thuỷ điện là 4.200 MW, nghĩa là 37% của tổng số công suất. Khả năng sản xuất thuỷ điện tuỳ thuộc vào thời tiết quanh năm. Tỷ số công suất thuỷ điện lớn như vậy làm cho thời tiết chi phối việc cung cấp điện, đặc biệt vào mùa hạn. Năm 2005, sản lượng tất cả các nhà máy điện ở Việt Nam là 51,3 TW h, trong đó, sản lượng từ các nhà máy thuỷ điện là 21,2 TW h, nghĩa là 41% của tổng sản lượng. Tỷ số sản lượng thuỷ điện lớn hơn tỷ số công suất cho thấy, khi vận hành hệ thống cung cấp điện, ngành điện Việt Nam đã làm cho nguồn cung cấp điện tuỳ thuộc vào thời tiết hơn nữa, đặc biệt vào những mùa hạniii. Từ vài năm nay, Bộ Công Thương đã ý thức được nguy cơ này và đã cho phép xây nhiều nhà máy nhiệt điện với công suất lớn. Trên nguyên tắc thì nạn cắt điện mất điện sẽ giảm. Nhưng, những công trình đang xây chưa có ảnh hưởng tích cực vì mới khởi công xây hay việc hoàn tất gặp nhiều khó khăn.

(b) Nguyên nhân trạng huống

Cũng phải nói là thời tiết năm nay ở bên nhà khô và nóng khác thường.

Nhiều người đổ nạn cắt điện mất điện cho hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh do các hãng Trung Quốc xây đáng lẽ đã phải đi vào hoạt động từ một năm nay. Công suất hai nhà máy điện này tổng cộng 3.900 MW, nghĩa là hơn một phần ba công suất đã được lắp đặt của tất cả các nhà máy điện của cả nước. Do đó, sự chậm trễ này làm thiệt hại lớn cho ngành điện và tất cả các ngành kinh tế.

Thái độ hung hăng của chính phủ Trung Quốc về Biển Đông làm nhiều người Việt chúng ta có tinh thần bài Hán và có chuyện gì không hay là đổ lỗi cho người Trung Quốciv. Việc những nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh bị chậm trễ không có liên hệ gì với những múa may ngoại giao và quân sự của Trung Quốc. Thực ra thì phía Việt Nam cũng không oan gì và chúng ta phải tìm những giải thích khách quan hơn.

Một công trình bị chậm trễ hay thiếu chất lượng vì bất cứ lý do gì sẽ gây thiệt hại cho cả hai đối tác, chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Vậy mọi nhà thầu đều mong muốn mau chóng kết thúc một hợp đồng đúng quy định của điều kiện sách. Ở Phi Châu, các nhà thầu Trung Quốc thường bàn giao những công trình hạ tầng giao thông vận tải đúng kỳ hẹn. Tại sao ở nước ta thì lại chậm trễ đến thế ?

Chúng tôi không biết chi tiết của sự việc nên chỉ nêu một số giả thuyết dựa trên những khó khăn thực hiện những dự án khác trong nước.

Một công trình công nghiệp phức tạp hơn những hạ tầng giao thông vận tải vì có thêm những hạng mục cơ khí, điện cơ và điện tử. Chất lượng những hạng mục này của Trung Quốc không nhất thiết được bảo đảm vì trình độ văn hóa công nghiệp các xí nghiệp Trung Quốc chưa đạt được đẳng cấp các quốc gia công nghiệp khác. Sau khi lắp ráp và thử nghiệm thì phát hiện sai sót, công trường xây dựng phải ngưng để sửa chữa làm cho thời biểu bị trượt.

Về phía chúng ta thì thiếu người có đủ kỹ năng để thi hành những hợp đồng thầu phụ. Điều này dẫn tới những vấn đề chất lượng lắp ráp thiết bị, công trình phải ngưng để hiệu chỉnh. Ngoài ra, nhà thầu phụ thường không có đủ nhân lực để cung cấp theo tiến độ của công trình làm cho các dự án tiến triển chậm hơn dự định. Những nhà máy Quảng Ninh lại xây theo dạng EPC, nghĩa là chìa khóa trao tay. Nếu loại suy từ nhiều dự án trong nước thì chủ đầu tư chắc đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy trước khi được cam đoan sẽ có đầy đủ tài trợ. Nhà thầu Trung Quốc xây nửa chừng rồi ngưng vì phía Việt Nam không còn tài chính để thanh toán những hóa đơn của họv.

Vì những chậm trễ đó, giá vật liệu tăng theo thời gian làm chúng ta lại càng kẹt thêm về tài chính.

Nhưng hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ là một nửa nguyên nhân nạn cắt điện mất điện. Ngành điện lại còn sai lầm về vận hành những công suất sẵn có :

1. thay vì dự trữ nước để có thể quay ráo vào mùa hạn thì các nhà máy điện đã dùng tất cả nước chảy vào hồ chứa để sản xuất điện vào mùa lũvi,

2. nhà máy nhiệt điện Cà Mau, với 750 MW công suất lắp đặt, chạy cầm chừng vì thiếu khí nhiên liệu, nhà máy điện Uông Bí mở rộng, với 300 MW công suất lắp đặt, cũng vẫn chưa chạy ổn định,

3. không có chương trình bảo trì phòng ngừa cục bộ làm cho nhiều cơ sở sản xuất điện và mạng phân phối điện phải ngưng hoạt động vì hỏng hóc đúng vào mùa hạn,

4. khi bảo trì phòng ngừa, thay vì làm việc này vào mùa lũ, thì chọn ngưng sản xuất để bảo trì vào mùa hạn lúc cần đến tất cả công suất có thể vận động được.

(c) Trách nhiệm của Bộ Công Thương

Chúng tôi không khơi lại những quyết định quá xưa dẫn tới nạn cắt điện mất điện.

Ở nước ta có rất nhiều đối tác can thiệp vào việc cung cấp điện. Hậu quả là khi có vấn đề như là cắt điện mất điện thì không biết khiếu nại với ai. Do đó, có nhiều đối tác lộng hành vô trách nhiệm.

Vì sốt sắng thiết lập kinh tế thị trường nhưng không nắm rõ những định luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Công Thương đã :

1. xã hội hóa nghĩa vụ cung cấp điện, nghĩa là để mạnh ai nấy làm kể cả những đối tác không có đủ vốn hay/và không có kỹ năng nghiệp vụ,

2. tách Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành nhiều công ty con có chức năng địa phương hy vọng những công ty này sẽ cạnh tranh lẫn nhau để làm giảm giá bán điện,

3. gán cho những tập đoàn ngoài ngành điện chức năng sản xuất điện,

4. không ban hành một biểu giá mua điện dài hạn làm cho EVN phải liên miên thương lượng và tranh cãi với những xí nghiệp khác dẫn tới tình trạng EVN không có điện để bán trong khi những xí nghiệp khác có thừa công suất,

5. và không kiểm soát hoạt động của ban giám đốc những tập đoàn và công ty tuỳ thuộc Bộ để họ đầu tư ngoài ngành chức năng và cấu xé nhau trên những thị trường không nhất thiết là thị trường năng lượngvii.

2. Hậu quả của nạn cắt điện mất điện

Những vụ cắt điện mất điện chỉ làm phiền phức người dân thường. Ở nước ta, mùa hạn cũng là mùa học thi. Có người nói thời chiến tranh không có điện để bật đèn bật quạt mà cũng vẫn phải học thi. Nhưng, bây giờ đâu còn chiến tranh nữa mà sự thi đua bằng cấp trở nên khắc nghiệt hơn xưa. Hồi chiến-tranh, chúng ta đâu có nhiều du-khách và nhà máy như bây giờ. Ngoài ra, ít ai nói tới những ca giải phẫu ở bệnh viện bị gián đoạn vì mất điện làm bệnh nhân tử vong.

Vì không tín nhiệm EVN, các cơ sở sản xuất và dịch vụ thường được trang bị bởi những ổ phát điện phụ trợ. Những tổ máy này ô nhiễm nhiều hơn và có hiệu suất thấp hơn và, suy ra, không khí đô thị đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm thêm và giá thành của điện cao hơn giá thành những tổ máy công suất cả trăm mega watt của EVN. Sai biệt giữa giá thành của những ổ phát điện phụ trợ và giá bán thấp hơn của EVN (nhờ có hiệu suất cao hơn) làm cho giá thành sản phẩm và dịch vụ các xí nghiệp cao hơn cần thiết. Đó là chưa kể đến những cơ sở kinh doanh quá nhỏ, không có ổ phát điện phụ trợ, phải ngưng sản xuất và cho nhân viên tạm nghỉ việc. Tình trạng này làm cho những xí nghiệp kinh doanh kém hiệu quả và, suy ra, kinh tế nói chung tăng trưởng ít hơn khả năng tiềm tàng.

Báo chí trong nước đã phản ảnh những phiền phức của người dân và những thiệt hại cho kinh tế quốc dân rồi. Chúng tôi xin nêu thêm một số ác tính âm ỉ của nạn cắt điện mất điện.

Một hợp đồng cung cấp điện phải bảo đảm ba chỉ số : công suất tối đa, điện áp, và chu kỳ. Khi cung cấp điện cho tư nhân thì công suất có thể từ 500 W đến 50 kW, điện áp là 220 V và chu kỳ là 50 Hz. Khi cung cấp cho cơ sở sản xuất hay dịch vụ thì công suất và điện áp tuỳ hợp đồng với công ty điện còn chu kỳ thì vẫn là 50 Hz. Khi mạng phân phối thiếu điện thì chu kỳ sẽ giảm. Nếu chu kỳ ở một địa phương dưới 49 Hz thì có nghĩa là mạng phân phối thiếu điện và phải cắt điện ở địa phương đó để bảo vệ cân bằng mạng phân phối điện quốc gia. Nếu tình trạng thiếu điện không được dự báo trước thì hệ thống điều hành mạng phân phối địa phương sẽ tự động cắt điện.

Những thiết bị gia dụng cũng như thiết bị sản xuất đều được thiết kế để chạy với một công suất, một điện áp, và một chu kỳ cố định. Nếu được cung cấp điện với những thông số khác thì hiệu suất sẽ không tối ưu và có khi thiết bị có thể bị hỏng. Dù sao một thiết bị chạy lâu ở ngoài những thông số thiết kế cũng sẽ chóng hỏng. Tình trạng tệ nhất là mất điện : một thiết bị chạy bằng điện bỗng nhiên bị mất điện có thể hỏng ngay hay ít ra sau này sẽ chạy ở trạng thái huỷ hại và mau hỏng. Đây cũng là một nguồn lãng phí tiềm lực quốc gia làm cho kinh tế vĩ mô tăng trưởng ít hơn tiềm năngviii.

Nạn cắt điện mất điện cũng còn tai hại về đầu tư nước ngoài. Những siêu dự án công nghiệp với vốn đầu tư nước ngoài thì không bị ảnh hưởng vì những cơ sở của họ đều có ít nhất một tổ máy phát điện đáp ứng tất cả những nhu cầu thông thường của họ. Nhưng những chủ đầu tư những dự án cỡ trung bình thì, sau khi nghiên cứu hiện địa, hoặc họ chấp nhận những trở ngại của nạn cắt điện mất điện hoặc họ rút sang nước khác. Chúng tôi không biết hậu quả tai hại đến bực nào. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ cần tính số những đơn xin đầu tư và lượng vốn đăng ký mới trong những mùa hạn và so với trung bình cả năm.

3. Một số giải pháp

(a) Biểu giá điện

Điện là một sản phẩm thiết yếu nên đòi hỏi về điện co giãn rất ít theo giá bán và không có giá thị trường mà chỉ có giá thành ở đầu kẹp dây nơi tiêu dùng. Ở phần này chúng tôi chỉ xin trình bày cơ cấu biểu giá điện theo những định luật kinh tế cơ bản về sản phẩm hay dịch vụ phúc lợi công cộngix.

Biểu giá điện phải được thiết lập như thế nào để cho xí nghiệp cung cấp điện có thu nhập ít nhất bằng tổng số giá thành ở tất cả các đầu kẹp dây. Nếu thu nhập khác với tổng số giá thành thì hiệu suất kinh tế toàn quốc sẽ giảm. Thực ra thì thu nhập có thể cao hơn tổng số giá thành một chút. Sai biệt với giá thành sẽ giúp xí nghiệp cung cấp điện đầu tư thêm vào những cơ sở và công trình mới để đáp ứng những nhu cầu tương lai.

Ngành điện có hai thị trường điện : thị trường tư nhân và thị trường các cơ sở sản xuất hay dịch vụ.

Đối với các cơ sở sản xuất hay dịch vụ, điện là một nhân tố sản xuất. Giá bán ở mỗi đầu kẹp dây phải bằng giá thành của xí nghiệp cung cấp điện hay cao hơn một chút. Nguyên tắc này phải được áp dụng đồng đều cho mỗi khách hàng. Phân biệt các ngành sản xuất, bơm nước tưới tiêu, các đối tượng hành chính, sự nghiệp (mà chúng tôi coi là các cơ sở sản xuất hay dịch vụ) và điện cho kinh doanh như trong biểu giá của EVNx thì sẽ gây ra tham nhũng (một đối tượng có thể tìm cách chuyển sang ngành khác để được hưởng biểu giá rẻ hơn) và làm giảm hiệu suất kinh tế toàn quốc.

Đối với tư nhân, điện là một sản phẩm tiêu dùng cho tiện nghi. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc “giá bán ở đầu kẹp dây phải bằng giá thành của xí nghiệp cung cấp điện hay cao hơn một chút” một cách đồng đều cho mọi khách hàng. Nhưng biểu giá điện có thể dùng để cân bằng đôi chút sức mua của các thành phần xã hội bằng cách phân phát lại thu nhập cá nhân. Giá điện cho những hộ nghèo thấp hơn giá thành của xí nghiệp cung cấp điện và giá bán cho những hộ giầu cao hơn giá thành miễn là tổng số giá bán ở tất cả các đầu kẹp dây phải bằng tổng số giá thành của xí nghiệp cung cấp điện hay cao hơn một chút. Nguyên tắc này có thể được áp dụng một cách nghiêm minh khi tính biểu giá theo một thang tiêu thụ điện : những hộ nghèo có ít tiền hơn là những hộ giầu để mua và dùng những thiết bị tiêu thụ điện. Nhiều nước tư bản chủ nghĩa áp dụng nguyên tắc này và biểu giá của EVN cũng vậy. Vấn đề là khoảng cách giá điện giữa hai bậc thang tiêu thụ điện có đủ cao để phân phát lại thu nhập một cách tương xứng với xã hội chủ nghĩa hay không.

(b) Kết cấu thị trường cung cấp điện

Điện là một một sản phẩm phúc lợi công cộng như là công lý, an ninh, quốc phòng, y tế hay giáo dục. Điều này đã được Lê Nin xác định ngay từ những ngày đầu của cách mạng Nga. Vì lý do đó mà việc phân phối điện thuộc uy quyền của Nhà Nước và xí nghiệp cung cấp điện phải là một xí nghiệp quốc doanh. Ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa, phân phối điện được Nhà Nước uỷ thác cho những xí nghiệp liên doanh hay hoàn toàn ngoài quốc doanh. Những nước chậm tiến, thiếu vốn và thiếu nhân lực chuyên môn, có thể kêu gọi những xí nghiệp chuyên về dịch vụ phúc lợi công cộng đầu tư theo dạng BO hay BOT. Nhưng dù là xí nghiệp tư, xí nghiệp bán công hay xí nghiệp công, thì những xí nghiệp đó đều phải tuân theo chỉ thị của chính phủ đặt lợi ích công cộng trên lợi ích xí nghiệp. Để đạt được mục đích này, các xí nghiệp cung cấp điện ký với chính phủ một hợp đồng dài hạn về biến đổi giá điện. Lẽ cốt nhiên, hợp đồng này phải có lợi cho cả hai bên.

Tối ưu kinh tế của các cá nhân và các xí nghiệp đổ đồng không phải là tối ưu kinh tế của toàn quốc. Tải điện cần đến đường dây và những trạm biến áp từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Khấu hao và chi phí vận hành những hạng mục này cộng với thất thoát điện do hiệu ứng Ohm chiếm một tỷ lệ lớn của giá thành điện tải đến đầu kẹp ở nơi tiêu thụ. Tổng chi phí tải điện từ đập Hòa Bình đến Phú Mỹ gần TP Hồ Chí Minh có thể bằng 25 đến 40 phần trăm giá thành. Vì lý do đó người ta coi điện là một sản phẩm không thể tải đi xa được. Đặc tính này tạo ra những vị thế độc quyền địa phương (local monopoly). Xã hội hóa ngành điện là một sai lầm trong bối cảnh thiếu tiềm năng về vốn và nhân lực như hiện nay. Phân chia thị trường cung cấp điện cho nhiều đối tác cạnh tranh nhau là không tận dụng hiệu ứng tay nghề và hiệu ứng tiết kiệm quy môxi.

Mọi cơ sở công nghiệp đều cần đến điện. Nếu nhu cầu điện đủ lớn để giá thành điện tự chế thấp hơn giá bán của xí nghiệp cung cấp điện thì cơ sở đó có thể được trang bị bởi một tổ phát điện riêng. Có khi cơ sở sinh ra phụ phẩm dưới dạng chất đốt. Chất đốt đó có thể dùng để sản xuất điện. Khi công suất tổ phát điện cao hơn nhu cầu của cơ sở thì xí nghiệp có thể bán điện có thừa cho một xí nghiệp cung cấp điện hay một xí nghiệp khác đang thiếu điệnxii. Nhưng sản xuất điện không phải là nghề chính của các xí nghiệp đó.

EVN mua lại điện của Petrovietnam, Vinacomin hay một xí nghiệp nào khác là tận dụng tiềm lực của toàn quốc. Gán cho những xí nghiệp đó chức năng sản xuất điện phụ với EVN là một sai lầm có thể dẫn tới phá sản như Vinashinxiii. Petrovietnam, Vinacomin và EVN là những công ty vốn Nhà Nước. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) có chức năng quản lý vốn Nhà Nước và đại diện chính phủ ở những hội đồng quản trị các công ty có vốn Nhà Nước. Nếu quả thực Petrovietnam hay Vinacomin thừa vốn và EVN thiếu vốn thì chỉ cần một lệnh của chính phủ chuyển đến SCIC là vốn có thừa của hai tập đoàn này sẽ trở thành vốn của EVN dùng để EVN đầu tư vào những cơ sở cung cấp điện. Petrovietnam, Vinacomin và những xí nghiệp quốc doanh khác đã có nhiều lý do tranh chấp vô lý với EVN về giá dầu, giá khí đốt và giá than,... cần gì mà phải có những PV Power hay Vinacomin Power để cho phức tạp thêm.

Về kết cấu thị trường cung cấp điện, chúng tôi xin đề nghị :

1. EVN có nhiệm vụ thoả mãn tất cả những đòi hỏi về điện của tư nhân cũng như của tất cả các xí nghiệp phát biểu nhu cầu và thoả mãn tất cả những đòi hỏi chuyền tải điện của mình cũng như của những xí nghiệp khác.

2. EVN có độc quyền toàn quốc chuyền tải điện và cung cấp điện trên thị trường tư nhân. Độc quyền này không vi phạm guyên tắc tự do kinh doanh của WTO và không ngăn cản việc Việt Nam được tuyên bố là có kinh tế thị trường.

3. EVN cung cấp điện cạnh tranh với những xí nghiệp khác có chức năng sản xuất điện, chính hay phụ, trên những thị trường khác.

4. SCIC cung cấp vốn hay bảo đảm vay nợ của EVN để đầu tư vào những cơ sở công trình cung cấp điện.

Giá thành điện của EVN là tổng số giá điện EVN mua của các đối tác khác, khấu hao của các cơ sở công trình thuộc sở hữu EVN và chi phí vận hành những hạng mục đó chia cho tổng sản lượng điện của EVNxiv. Giá thành đó, phóng chiếu đến một thời gian dài, tỷ dụ năm năm, dùng làm cơ sở để lập biểu giá bán điện cho tư nhân và cơ sở để thương lượng giao dịch với các đối tác khác.

(c) Hệ thống cung cấp điện

Hệ thống cung cấp điện gồm những cơ sở sản xuất điện, mạng đường dây chuyền tải cao áp và những đường dây mạng điện từ trạm biến áp đến đầu kẹp dây nơi tiêu dùng.

Ba đặc điểm của ngành điện kiềm chế chiến lược xây dựng hệ thống cung cấp điện.

1. Những nhà máy điện càng lớn bao nhiêu thì, quy ra sản lượng, ô nhiễm và giá thành càng ít bấy nhiêu. Chúng ta sẽ xây những cơ sở sản xuất lớn nhất mà công nghệ và địa thế cho phép.

2. Như viết ở phần trên, điện là một sản phẩm không thể tải đi xa được. Chúng ta sẽ xây những cơ sở sản xuất ở những địa điểm gần những nơi tiêu thụ nhất nhưng thích hợp với an toàn và tôn trọng ô nhiễm.

3. Điện là một sản phẩm không thể tích trữ được. Trừ những biển đảo xa xăm ít dân cư, khi sản xuất điện chúng ta sẽ tránh không dùng những nguồn năng lượng tái tạo như là nhật năng và phong năng. Trên đất liền, nếu dùng thử những nguồn năng lượng này để nghiên cứu khoa học kỹ thuật thì những cơ sở sản xuất sẽ được tách ly khỏi mạng phân phối quốc gia và điện sinh ra sẽ dùng để bơm nước vào những hồ tích năngxv.

Thuỷ điện chỉ có thể đóng góp tối đa 80 TW h mỗi năm. Chúng tôi ước tính năm 2015, nghĩa là năm năm nữa, nhu cầu điện đã là khoảng 110 TW h và năm 2020 sẽ cần đến khoảng 160 TW hxvi. Dù muốn dù không phần lớn điện chúng ta tiêu thụ sẽ là nhiệt điện cổ điển và nhiệt điện hạt nhân. Thuỷ năng dần dần sẽ là phụ phẩm của nông lâm nghiệp và một nguồn điện thứ yếu dùng để điều chỉnh cân bằng mạng phân phối điện quốc gia.

Với triển vọng nhiên liệu hóa thạch sẽ khan hiếm và áp lực của biến đổi khí hậu, điện hạt nhân sẽ là nguồn điện chính. Nhưng chúng tôi rất bi quan về an toàn hạt nhân ở nước ta. Cho tới giờ này chính phủ mới chỉ có một văn bản về tổ chức an toàn hạt nhânxvii mà vẫn đặt mục tiêu sản xuất điện hạt nhân vào năm 2020. Ngoài ra chúng tôi không hiểu tại sao chính phủ lại giao trách nhiệm triển khai năng lượng hạt nhân cho một nhân vật đã thất bại ở tất cả những nhiệm vụ trước : nạo vét kênh Nhiêu Lộc, 300 tiến sĩ ở TP Hồ Chí Minh, 20.000 tiến sĩ ở Bộ Giáo dục Đào tạo, cải cách giáo dục,... Vậy, trước mắt chỉ có những nhà máy nhiệt điện cổ điển chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Để giảm thiểu ô nhiễm, ưu tiên là những nhà máy điện khí chu kỳ hỗn hợp, sau đó là điện than lưu thể hóa và sau cùng là những tổ phát điện diêzen. Phối hợp những nguồn nhiên liệu đó tuỳ ở giá nhiên liệu trên thị trường thế giới và tiềm lực các mỏ và nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.

Kết luận

Nguyên nhân chính của tình trạng cắt điện mất điện là Bộ Công Thương thiếu người có tầm nhìn xa hơn là đối phó những khó khăn trước mắt và EVN thiếu cán bộ có tinh thần đồng đội muốn hợp tác sản xuất điện với những ngành khác như là ngành hoá, ngành than và ngành dầu khí.

Nếu chúng ta tiếp tục ì ạch xây và vận hành những nhà máy điện như hiện nay thì sẽ vĩnh viễn thiếu điện. Với một chính sách cung cấp điện thích nghi thì nạn thiếu điện sẽ tuần tự giảm cường độ để chấm dứt trong một chục năm nữa. Những giải pháp như là tái kết cấu ngành điện, lập một sàn giao dịch điện hay tăng giá điện nhiều người đã đưa ra đều vô hiệu vì chúng không làm tăng tiềm năng cung cấp điện.

Trước mắt chúng ta phải làm một số việc có hiệu ứng nhanh không thể chờ tháng tư năm tới mới làm :

1. thực hiện và hoàn tất tất cả những chương trình bảo trì phòng ngừa định kỳ trước mùa hạn tới, tốt nhất là trước tháng ba,

2. tháo gỡ những khó khăn gây ra chậm trễ xây dựng hai nhà máy điện Hải Phòng và Quảng Ninh và, nếu có, những nhà máy khác đang xây dựng.

Về dài hạn chúng ta phải :

1. lập và thực hiện một chương trình đào tạo nhân lực có khả năng chỉ huy việc xây dựng nhà máy và nhân lực có khả năng vận hành một nhà máy,

2. tận dụng những tiềm năng điện phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác như là các ngành than, dầu khí và hóa chất,

3. và thiết kế một kế hoạch sản xuất điện đa nguồn với tầm nhìn nửa thế kỷ hay hơn nữa.


Đặng Đình Cung

RBA phải điều tra vụ Securency

Nick McKenzie và Richard Baker

Đó là lúc Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Trung ương Úc (Reserve Bank of Australia – RBA) Glenn Stevens không còn giữ được “quyền bính” trong tay.

Nếu Hội đồng hoàng gia đặc trách vấn đề tham nhũng trong các cơ quan Úc có dạy cho chúng ta bất cứ bài học nào, thì đó chính là giám sát tồi có thể cho phép tham nhũng sinh sôi nảy nở.

Điều này hiện đã thừa nhận bởi các lực lượng cảnh sát trên khắp đất nước rằng giám sát không tốt được xem như là “giấy phép lập lờ” dẫn đường cho tham nhũng. Nhiều cảnh sát cấp cao bây giờ nhận ra rằng nếu một nhân viên cảnh sát dưới quyền của họ trở nên bất lương, thì người đứng đầu cũng không thể tồn tại. Từ đó dẫn đến kết quả họ phải luôn theo dõi sát sao.

Tham nhũng ngày càng dễ xảy ra hơn trong mọi lãnh vực, thì gia tăng sự giám sát là điều cần thiết. Cảnh sát viên nào thường xuyên đi qua các khu “đèn đỏ” – như Sydney’s King Cross chẳng hạn – thì lại cần theo dõi chặt chẽ hơn.

Trong khi những điều vừa nêu trên và một số các quy tắc tương tự ngày càng được chấp nhận và áp dụng cho các nhà quản lý trong các tập đoàn, các công ty Úc, thì không phải bao giờ thực tế này cũng luôn được như vậy.

Lấy ví dụ như các giám đốc của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Úc (RBA), những người tạo ra Securency, một công ty đang ngày càng lún sâu vào vụ bê bối hối lộ quốc tế.

Từ cuối những năm 1990, các giám đốc của Securency – do RBA chỉ định – đã điều hành một công ty thương mại quốc tế mà chúng ta có thể so sánh với hình ảnh một cảnh sát thường xuyên tuần tra qua khu “đèn đỏ” Kings Cross. Nhưng những nỗ lực của Ban quản trị Securency để chứng minh rằng công ty không hối lộ để giành các hợp đồng có vẻ quá ít thuyết phục so với những lời tiết lộ đáng tin cậy từ các nhà quản lý cấp cao của công ty (những người đã bị sa thải vì bao che tham nhũng) và những kết quả kiểm toán ban đầu.

Securency thắng các hợp đồng tại một số quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới và tiến hành việc kinh doanh của mình theo kiểu lôi kéo hành vi tham nhũng.

Công ty đã thuê những “người môi giới” mà thiếu xác minh nguồn gốc của họ đúng cách. Nhiệm vụ của người môi giới là thuyết phục các quan chức nước ngoài trong các thỏa thuận hợp đồng với Securency. Để đạt được điều này, Securency đã chi hàng triệu đô la tiền hoa hồng vào các tài khoản ở nước ngoài của những kẻ môi giới.

Nghe có vẻ mạo hiểm? Bởi đó là “luật chơi”. Kẻ môi giới thường là bạn bè hoặc là người thân của các quan chức nước ngoài. Có một trường hợp, người môi giới chính là một quan chức chính phủ. Theo luật pháp Úc, biếu cho một quan chức nước ngoài, hoặc người đại diện của họ, hoặc người thân, dù chỉ một đô la thôi thì cũng đã là vi phạm tiềm tàng luật chống hối lộ. Đó đích thị là những gì mà một số kẻ môi giới của Securency bị Cảnh sát liên bang Úc nghi ngờ.

Tháng 11 năm ngoái, Thống đốc RBA Glenn Stevens đã bị Steven Ciobo, dân biểu của Đảng Tự do, chất vấn tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội Liên bang về hoạt động giám sát được cung cấp bởi các nhân vật do RBA bổ nhiệm vào Ban quản trị Securency.

Stevens cho biết ông đã không nhận được bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ rằng “các giám đốc hoặc chủ tịch mà chúng tôi đã bổ nhiệm có hành động không đúng đắn vào bất cứ thời điểm nào”. Đúng như vậy không? Một số trong những vị giám đốc này đã chấp thuận mô hình làm ăn “hoa hồng đi trước, hợp đồng theo sau” đầy rủi ro, mà không hề đảm bảo đã triển khai đầy đủ các biện pháp bảo vệ thích hợp. Họ cũng đã liên tục bỏ lỡ các cơ hội giúp phát hiện các dấu hiệu cảnh báo một số điều bất ổn của Securency.

Chỉ xin nêu một vài sự kiện sau đây. Khoảng 4 năm trước, Securency đã bị báo chí Việt Nam cáo buộc thuê con trai Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhằm giúp Securency giành chiến thắng trong các hợp đồng in tiền đang do cha anh ta quyết định. Hôm nay, 24/1, tờ The Age tiết lộ rằng những cáo buộc trên chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” khi nói đến các giao dịch tham nhũng của công ty này ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã có dấu hiệu xuất hiện, những tiêu cực này cũng ít khiến cho Ban quản trị của Securency có hành động nào ý nghĩa. Cảnh báo số 2 lại liên quan đến các lo ngại bên trong RBA vào năm 2007, khi ấy một số kẻ môi giới đang kiếm được hoa hồng từ Securency và công ty Note Printing Australia trong cùng hệ thống, theo một cách thức đáng nghi vấn.

Kết quả? Note Printing Australia đóng cửa mạng lưới môi giới nhưng Hội đồng Quản trị của Securency vẫn cho phép công ty duy trì.

Sau đó, xuất hiện các khoản thanh toán hàng triệu đô la mà Securency thực hiện cho các công ty không bao giờ hoạt động ở Bahamas, Đảo Man và Seychelles. Khi phát hiện ra các khoản thanh toán này, liệu Hội đồng Quản trị có xúc tiến hành động gì không?

Lạ lùng thay, Ban quản trị vẫn cho phép một số khoản thanh toán được đánh thuế thấp này tiếp tục, ngay cả sau khi cảnh sát liên bang vào cuộc điều tra Securency năm 2009, đây là điểm mà Stevens bị “nướng” tại ủy ban nghị viện.

Dân biểu Ciobo hỏi Thống đốc Stevens tại sao Hội đồng Quản trị Securency cho phép công ty chuyển khoản thanh toán 7,25 triệu USD cho một công ty “hữu danh vô thực” ở Seychelles vào lúc cảnh sát liên bang đang điều tra liệu các khoản thanh toán như vậy đã được sử dụng cho những khoản hối lộ? (và dường như bây giờ cảnh sát đã đúng)

Stevens đáp: “Như tôi biết và cho đến bây giờ, Seychelles nằm trong danh sách các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là nơi nó được cho phép để thực hiện thanh toán”, và khi chi tiền thì đơn giản chỉ là Securency đã thực hiện “các điều khoản trong hợp đồng”.

“Tôi không nghĩ công ty thấy mình có cơ sở nào để ra quyết định (dừng việc chi trả tiền)”, Stevens nói.

Các bài tập căn bản về chống tham nhũng nêu rõ chỉ có thể tiến hành thanh toán cho các cấu trúc kinh doanh không minh bạch ở nước ngoài với lý do rất chính đáng. Securency đã chưa bao giờ có được một lý do nào như thế.

Thất bại nhiều lần của Hội đồng Quản trị Securency đã đẩy RBA trở thành trung tâm của một cuộc điều tra tham nhũng quốc tế. Nếu nghiêm túc theo đến tận cùng tình trạng lộn xộn này, Stevens hẳn đã bổ nhiệm một chuyên gia để điều tra và báo cáo công khai về việc Ban quản trị Securency đã có vai trò chỉ đạo như thế nào trong vụ việc đang trở thành bê bối thương mại tồi tệ nhất Australia. Cuộc điều tra này sẽ phải được tiến hành riêng biệt không dính dáng gì tới cảnh sát.

Thay vào đó, Stevens dường như đã quyết định tuân theo sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị Securency và không làm gì cả.

Quốc Ngọc dịch từ Theage

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Tham vọng của Trung Quốc qua đường tàu tốc hành xuyên Đông Nam Á

Thụy My


Đường sát rung Quốc mở rộng đến Đông Nam Á Nguồn: wikipedia


Một bài báo trên tờ The Economist tuần này với tựa đề “Hội nhập Đông Nam Á, Trung Quốc đưa đường xe lửa xuống phía Nam” đã nhấn mạnh đến lợi ích to lớn của Bắc Kinh khi tuyến đường sắt tốc hành xuyên Đông Nam Á được hình thành. Với hình minh họa là một chú gấu trúc điểu khiển đầu máy, điểu khiển một đoàn tàu đang lao xuống, sau lưng là mấy chú cọp, tuần báo kinh tế nhận định là việc bùng nổ giao thông đường sắt hứa hẹn sẽ gắn kết các nước Đông Nam Á lại với nhau, và nâng cao thế mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Theo The Economist, tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở biên giới nước mình, mà nước này đang mong muốn kéo dài tuyến đường sắt đi qua các nước Đông Nam Á. Cường quốc lớn nhất khu vực ngay từ thập niên 90 đã mơ đến một tuyến đường xe lửa nối liền Singapore với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Mạng lưới hỏa xa trong khu vực lâu nay vốn cũ kỹ, chắp vá và thiếu đầu tư. Hầu hết hàng hóa luân chuyển được chuyên chở bằng tàu hàng hay tàu thủy, nhưng tiêu tốn nhiều xăng dầu, và một tuyến đường sắt xuyên suốt có thể là một giải pháp hữu dụng.

Và thế là Bắc Kinh nhảy vào với tiền bạc rủng rỉnh trong hầu bao. Trung Quốc vừa ký thỏa thuận xây các tuyến đường sắt mới với Lào và Thái Lan, và đang chuẩn bị kéo dài mạng lưới hỏa xa nội địa từ Côn Minh sang đến biên giới Trung – Lào. Các tuyến đường dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, sẽ mang lại những lợi ích khổng lồ. Hầu hết các quốc gia mà tuyến đường này đi qua có thể háo hức nối gót nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc, hy vọng rằng thương mại sẽ tăng theo. Hiệp định tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN có hiệu lực cách đây một năm, đã cắt giảm thuế quan cho đa số hàng hóa, và khu vực này vẫn còn nhiều tài nguyên thiên nhiên mà Bắc Kinh đang thèm muốn.

The Economist nhận định, trong một khu vực đang có khuynh hướng nghiêng về phía Mỹ, Trung Quốc muốn lôi kéo các nước láng giềng vào vòng ảnh hưởng kinh tế của mình, trong đó Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo. Việc nối dài đường xe lửa sang Miến Điện vốn có hệ thống hỏa xa rộng lớn nhưng đang rệu rã, đối với Bắc Kinh, là mở ra một cánh cửa sang Ấn Độ Dương đầy hứa hẹn. Một mục tiêu khác là trao đổi thương mại với các nước trong khu vực, với tỉnh Vân Nam làm trung tâm, sẽ làm tăng sức mạnh kinh tế cho vùng tây nam.

Lâu nay đã có những chuyến tàu con thoi giữa Trung Quốc và Việt Nam, vốn có sẵn tuyến đường sắt Bắc – Nam. Tuyến hỏa xa mới sẽ mở ra khả năng cho một con đường vòng phía đông đến Đông Nam Á, đi qua Cam Bốt và Thái Lan. Cả hai nước đều thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, một nhóm nước được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Miến Điện. Theo ADB, cần 1,1 tỉ đô la để xây dựng các tuyến còn thiếu dọc theo con đường này, giúp kết nối các nước trong khu vực lại với nhau với chi phí rẻ nhất. Thêm vào đó là khoảng 7 tỉ đô la nữa để nâng cấp các tuyến hiện có và các đầu máy. Vào năm 2014 khi được đưa vào hoạt động, con đường này sẽ vận chuyển khoảng 7 triệu tấn hàng hóa từ các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, và khối lượng này sẽ tăng lên 26 triệu tấn vào năm 2025. Các nước này thuộc Tiểu vùng đã ủng hộ kế hoạch trên.

Nhưng Bắc Kinh đã nhanh chóng làm đảo lộn dự tính. Hồi tháng 12, Lào cho biết Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt tốc hành trị giá 7 tỉ đô la, từ biên giới nước này đến thủ đô Vientiane, theo dự kiến sẽ được khởi công vào tháng tư. Trong khi đó Thái Lan cũng thương lượng để xây một tuyến đường Nam – Bắc với vốn vay từ Trung Quốc. Các viên chức ADB đang băn khoăn về ý nghĩa của tuyến đường này so với con đường nối liền Việt Nam – Cam Bốt.

Trên giấy tờ thì con đường Lào – Thái ngắn hơn, nhưng lại đi qua vùng đồi núi hiểm trở, với 190km đường hầm, hơn nữa tại Lào còn đầy bom chưa nổ từ thời chiến tranh Việt Nam. Nhưng điều này không cản được bước tiến của một quốc gia muốn đưa đường tàu lên tận cao nguyên Tây Tạng.

Còn ở Thái Lan thì rủi ro lại mang màu sắc chính trị. Để tránh đụng chạm với tập đoàn nhà nước vốn hùng mạnh và thủ cựu, chính phủ Thái đề nghị xây dựng tuyến mới chạy song song với tuyến đường sắt cũ, sử dụng kỹ thuật Trung Quốc. Một định chế Trung – Thái sẽ thuê đất của công ty đường sắt quốc doanh và tự xây dựng các ga riêng. Tuyến đường này sẽ chạy ngang vùng đông bắc nghèo khó đang bất mãn, giúp cho nền kinh tế địa phương có cơ phát triển. Tàu khách có thể đạt vận tốc 200km/h, các toa tàu hạng sang dành đưa du khách đến các nước khác. Nhưng việc hợp tác với Bắc Kinh cần được Quốc hội thông qua, mà trong tình trạng chính trị Thái không ổn định, sắp có bầu cử trong năm nay, điều này không lấy gì làm chắc chắn.

Theo The Economist, tuy khách du lịch có thể chú ý đến tuyến tàu tốc hành đi Trung Quốc, nhưng việc hiện đại hóa chủ yếu nằm ở tàu hàng. Trao đổi thương mại giữa các nước ASEAN tăng trưởng nhanh hơn là xuất khẩu sang các nước phát triển. Gần ¼ xuất khẩu của Thái Lan là sang các nước Đông Nam Á, trong đó có khoảng 11% sang Trung Quốc. Vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa hiệu quả và ít ô nhiễm hơn xe tải. Một chuyên gia của ADB ước tính rằng đường sắt từ Bangkok đến Phnom Penh có thể cắt giảm chi phí vận chuyển so với bằng tàu thủy hoặc đường bộ đến 2/3.

Bài báo kết luận, ngay nếu không có mạng lưới đường sắt, các nước trong khu vực đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn. Đường sá đang được nâng cấp, các thủ tục hải quan hiện nay đã bớt quan liêu so với trước.

T. M.

Nguồn: RFI

Vài đề nghị để đối phó với nạn cắt điện mất điện năm nay

Đặng Đình Cung, Kỹ sư tư vấn


Ảnh minh hoạ (TinNhanhBlog)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị trích 1.002 tỷ đồng từ chênh lệch giá điện năm 2007 để khen thưởng


Việc EVN bắt đầu rò rỉ từ mấy ngày nay tin sẽ thiếu điện trầm trọng như năm ngoái không phải là một điều ngạc nhiên: nạn cắt điện mất điện ở nước ta sẽ kéo dài trong một chục năm nữa.

Trong bài này chúng tôi xin đề nghị những việc phải làm để mùa hạn năm nay người dân và các xí nghiệp không phải chịu khổ quá đáng.

Điện là một sản phẩm không thể dự trữ được: người ta không thể sản xuất điện trước để khi nào thiếu thì lấy ra dùng. Việc thỏa mãn nhu cầu dựa trên công suất, nghĩa là tiềm năng có thể sản xuất đúng ngay khi cần đến (tính bằng kilô watt) chứ không dựa trên những dự báo tổng sản lượng sẽ thừa hay thiếu (tính bằng kilô watt giờ). Khi không có đủ công suất thì không thể cân bằng cung cầu. Sản xuất điện khi không có nhu cầu thì điện thừa đó chỉ dùng để đun nước trong hồ thuỷ điện. Còn không có đủ công suất để sản xuất điện khi có nhu cầu thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu điện. Vậy phải liên tục có công suất tối đa để giảm thiểu cường độ của nạn cắt điện mất điện.

Công suất lắp đặt không đồng nghĩa với công suất thực dụng, nghĩa là công suất có thể vận động được để sản xuất điện ở thời điểm có nhu cầu. Dù có công suất lắp đặt cao đến đâu chăng nữa thì công suất thực dụng của một cơ sở sản xuất điện cũng chỉ bằng số không ở những tình huống sau đây:

(a) Một nhà máy thuỷ điện không có nước để quay ráo,

(b) Một nhà máy nhiệt điện không có nhiên liệu để đốt,

(c) Một bộ phận của ổ phát điện hỏng hóc hay phải tắt để bảo trì,

(d) Một công trình xây, lắp ráp và kiểm tra chất lượng chưa hoàn toàn đầy đủ, dù là đã gần xong.

Ở những nước bên kia hai chí tuyến thì cao điểm của nhu cầu điện là mùa lạnh khi người tiêu dùng cần điện để sưởi ấm và, cùng một lúc, có mưa và tuyết cung cấp nước cho các hồ thuỷ điện. Ngược lại, ở những nước nhiệt đới thì nhu cầu điện đạt cao điểm vào mùa nóng. Ở nước ta mùa nóng trùng với mùa hạn khi không có nước mưa chảy vào những hồ thuỷ điện. Nếu muốn có công suất thực dụng trong thời gian lâu nhất trong mùa hạn thì, vào đầu mùa hạn, tất cả những hồ thuỷ điện phải chứa nước tới dung tích tối đa đã được xây dựng. Trong mùa lũ chỉ có hai trường hợp được quay ráo. Đó là (a) lợi dụng nước phục vụ nông nghiệp để sản xuất điện, và (b) mưa nhiều quá phải xả lũ để cứu nguy bảo vệ đập.

Giá nhiên liệu hóa thạch lên xuống trên thị trường quốc tế. Đây là một tình trạng mà chúng ta không thể kiềm chế được. Tuy nhiên ngưng sản xuất điện vì giá nhiên liệu quá cao làm cho EVN lỗ vốn là một điều sai lầm: thiệt hại cho kinh tế quốc dân vượt quá xa thua lỗ tiềm tàng của tập đoàn này. Chính phủ phải lấy trách nhiệm ra lệnh EVN cung cấp điện vào mùa hạn, bất chấp giá nhiên liệu lên hay xuống, bất chấp giá điện nhập khẩu cao hay thấp.

Trong suốt mùa hạn, tất cả những cơ sở sản xuất điện, nhiệt điện cũng như thuỷ điện phải có công suất thực dụng bằng hay xấp xỉ bằng công suất lắp đặt. Như vậy có nghĩa là, trước mùa hạn, (a) những chương trình bảo trì định kỳ phải được tiến hành và kết thúc và những hỏng hóc phát hiện phải được sửa chữa xong, (b) trong trường hợp chương trình bảo trì rơi vào mùa hạn thì phải tiến hành và kết thúc trước kỳ hạn vào mùa lũ, (c) những bộ phận thay thế (spare parts) có đầy đủ trong kho để sẵn sàng thay thế những bộ phận hỏng hóc, và (d) những phương tiện sửa chữa đã được kiểm tra và, nếu cần, đã được sửa chữa xong. Nhân lực bảo trì không được rời vị trí thường trực để có thể mau chóng can thiệp ở mọi nơi có sự cố. Những thời gian nghỉ phép và bồi dưỡng nghiệp vụ các nhân viên này phải được lên kế hoạch trước mùa hạn. Nếu cần thì dùng những phương tiện hậu cần của quân đội để chở nhân viên, bộ phận thay thế và phương tiện sửa chữa đến nơi có sự cố. Mục đích là giữ ở mức tối đa công suất thực dụng của tất cả các cơ sở sản xuất, nhiệt điện cũng như thuỷ điện hay phong điện.

Trong số những công trình đang xây, lắp ráp và kiểm tra chất lượng thì có những công trình sẽ hoàn tất sau khi mùa hạn năm nay bắt đầu vài ngày vài tuần. Những nguyên do tài chính hay hành chính của mọi chậm trễ phải được tháo gỡ mau chóng để có thêm công suất thực dụng. Nhưng nếu là vấn đề kỹ thuật thì thà chịu thiếu công suất chứ không nên hấp tấp đưa vào sản xuất. Một công trình chưa hoàn chỉnh mà đưa vào hoạt động sẽ mau chóng trục trặc và kìm hãm những phương tiện bảo trì cần được điều động đến những nơi khác. Ngoài ra công trình đó sẽ gây khó khăn về vận hành trong tương lai dài hạn.

Những việc chúng tôi đã đề nghị trong các bài đăng trước đây cần được tiến hành(i). Nhưng đó là chiến lược khắc phục nạn cắt điện mất điện cho vài năm nữa. Bài này chỉ nêu những việc phải làm để qua mùa hạn năm nay.

Tuy nhiên chúng tôi xin cảnh báo về dự định tăng giá điện ngay bây giờ hay trong mùa hạn năm nay. Chúng tôi ghi nhận, một mặt thấy EVN than phiền về giá điện quá thấp, mặt khác TKV nói rằng phải xuất khẩu alumin vì giá điện ở Việt Nam quá cao không cho phép biến chế tiếp alumin thành nhôm và sản phẩm bằng nhôm. Hai điều đó chứng tỏ lãnh đạo hai tập đoàn này không biết giá thành của điện sản xuất ở Việt Nam. Còn nói rằng phải bắt người tiêu dùng phải trả tiền điện theo giá thị trường chứng tỏ những người phát biểu đề nghị này không biết gì về những định luật kinh tế thị trường. Điện năng là một sản phẩm thiết yếu không co dãn theo giá bán. Ngoài ra điện năng lại khó tải đi xa sinh ra tình trạng độc quyền địa phương. Khi có độc quyền trên một sản phẩm không co dãn theo giá thì làm gì có thị trường để nói tới giá thị trường.

Xin đề nghị chính phủ lợi dụng khoảng thời gian từ bây giờ cho tới mùa lũ năm tới để nghiên cứu một bảng giá thích ứng với kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu không thì người dân sẽ không hiểu tại sao giá điện tăng mà vẫn bị cắt điện.

Đ. Đ. C.

Nguồn: Diendan

-----

(i) "Nạn cắt điện mất điện ở Việt Nam" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.diendan.org/viet nam/nan cat 111ien mat 111ien o viet nam/

"Thuỷ điện và Việt Nam" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.diendan.org/viet-nam/thuy-111ien-va-viet-nam/

Quan chức Trung Quốc tiếp tục gây sốc: “Chống đối chính quyền là cái ác đấy!”

Cảnh Chánh tổng hợp




Ông Vương Ngân Phong – bí thư Quận ủy Giang Tân, Trùng Khánh – có câu nói đáng sợ nhất theo bình chọn của Tân Hoa xã – Ảnh: Baidu


TTCT – Trong năm 2009, sau khi hàng loạt phát biểu được Tân Hoa xã bình chọn là những phát biểu gây sốc trong năm, những tưởng quan chức Trung Quốc sẽ chú ý hơn lời ăn tiếng nói của mình. Nhưng tổng kết năm 2010 cho thấy chẳng có gì thay đổi.

“Nếu không cưỡng chế sẽ không có một nước Trung Quốc mới”. Phát biểu của ông Khưu Kiến Quốc – bí thư Huyện ủy Nghi Huỳnh, thành phố Phù Châu, tỉnh Giang Tây – khi phân tích về vụ tự thiêu phản đối cưỡng chế giải tỏa nhà dân được bán nguyệt san của Tân Hoa xã bình chọn là câu nói vô liêm sỉ nhất. Trong khi đó, câu nói cay nghiệt nhất là “Trung Quốc nên chịu đựng việc vật giá leo thang, nếu tăng lãi suất khống chế lạm phát sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế” (lời của một cán bộ ủy ban cải cách). Và câu nói đáng sợ nhất thuộc về Vương Ngân Phong – bí thư Quận ủy Giang Tân, Trùng Khánh: “Anh biết tại sao phải đấu tranh với thế lực ngầm? Anh có biết cái ác là gì không? Chống đối chính quyền chính là cái ác đấy!”.

“Tôi không tham nhũng, làm quan để làm gì?”

Ông VƯƠNG (bí thư chi bộ làng Lữu Lương, Thượng Thủy, Sơn Tây, nhậm chức chưa được một năm mà thái độ hống hách, tham nhũng, tiêu cực, còn trả thù những người đi kiện cáo)

Tạp chí Liễu Vọng (Trung Quốc) trao giải “Định hướng tốt” cho câu “Nên đưa tin về việc người dân làm khó chính quyền, nhũng nhiễu và bắt chẹt chính quyền như thế nào?” (một cán bộ văn phòng giải tỏa khu công nghệ cao Trường Xuân trả lời khi phóng viên yêu cầu giải thích việc nhà dân bị cưỡng chế). Còn giải thưởng “Thẳng như ruột ngựa” là “Nếu có xảy ra án mạng, quá lắm dư luận chỉ xôn xao mấy hôm thì thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi, các anh cũng chẳng được lợi ích gì” (một cán bộ ở Quảng Tây cảnh cáo những hộ dân nên coi trọng tính mạng, phối hợp di dời giải tỏa).

Trang web Nhân Dân nhật báo còn bình chọn những phát biểu gây sốc như “Tuyển dụng con em lãnh đạo là nhằm ổn định đội ngũ cán bộ” (giải thích của Cục Nhân sự quận Long Loan, Ôn Châu khi bị báo chí phanh phui việc quận ưu tiên tuyển dụng con em lãnh đạo), “Huyện không giải tỏa nhà dân, các anh trí thức lấy gì mà ăn?” (Trần Hiểu Bình – bí thư Huyện ủy Vạn Đới, Giang Tây – bức xúc khi tham gia một cuộc họp về vấn đề di dời giải tỏa), “Chúng tôi là người thô lỗ, mong các phóng viên có văn hóa thứ lỗi cho” (ông cục trưởng Cục Cảnh sát Nhi Quyến, Hắc Long Giang giải thích về việc phóng viên tác nghiệp bị bắt giữ).

Trang web Huê Thương (hsw.cn) bình chọn câu “Tôi chỉ quan tâm sự an toàn của lãnh đạo, các anh là ai cơ chứ?” của một cảnh sát giao thông khi yêu cầu người dân tránh đường cho xe lãnh đạo đi qua là câu gây sốc nhất. Tiếp theo còn có các câu như “Tôi không tham nhũng, làm quan để làm gì?” (lời ông Vương – bí thư chi bộ làng Lữu Lương, Thượng Thủy, Sơn Tây – nhậm chức chưa được một năm mà thái độ hống hách, tham nhũng, tiêu cực, còn trả thù những người đi kiện cáo), “Sao anh lại tùy tiện gọi điện cho thủ trưởng cơ quan? Chẳng biết phép tắc là gì à?” (lời của ông Lương Tuyền – phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Chăm Giang, Quảng Đông – chất vấn phóng viên khi gọi điện tìm hiểu về cái chết bất minh của người dân bị bắt tạm giam), “Anh muốn kiếm chuyện với chính quyền à?” (ông Mao, chủ nhiệm văn phòng giám sát chất lượng Quảng Châu, phản ứng khi bị phóng viên hỏi về việc chiếc xe mang biển số của cục bị bỏ hoang trong khu dân cư suốt hai năm qua).

Thậm chí có quan chức còn ngang nhiên ví von “Chị như miếng thịt trên thớt, tôi muốn băm thế nào cũng được” (bà Đới – phó cục trưởng Cục Kế hoạch hóa gia đình quận Lộc Thành, Ôn Châu – xử lý trường hợp sinh con thứ ba).

Trang web Đại Hà (dahe.cn) kết luận những năm gần đây quan chức nước này liên tục có những câu gây sốc, cho thấy sự ngạo mạn, lộng hành của quyền lực. Mặc dù các quan thường đính chính đó là những lời nói lúc nóng giận, khi có men rượu, nhưng mỗi câu nói gây sốc đều bộc lộ bản chất của họ. Có những quan chức bị kỷ luật sau khi phát biểu gây sốc bị phanh phui, nhưng cũng có người chẳng hề hấn gì.

C. C.

Nguồn: Tuoitre

Những cái chết lãng xẹt

Posted by Báo Dân
Người Buôn Gió – Một ngày nào đó như bao ngày, bạn đi xe máy trên đường phố Việt Nam. Bạn đi đúng lề đường, đúng tốc độ. Đột nhiên một chiếc xe ô tô từ đằng sau, mất lái, mất phanh rồ lên lao vào bạn. Cuộc đời tươi trẻ của bạn đột ngột chấm dứt. Bạn để lại đằng sau mình mẹ già, vài đứa con thơ. Thủ phạm bồi thường cho gia đình bạn vài chục triệu VND để lo ma chay.

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=179989

http://tiengtrung.vn/diendan/khac/4688-oto-oediena-dam-chet-tham-2-phu-nu.html
http://forum.duytan.edu.vn/sites/index.aspx?p=forum_thread&forum=391&thread=14144#p0

Một ngày nào đó, bạn nghe tin con em mình đi sinh nhật, hôn bạn gái. Người khác họ ngứa mắt về mang dao đến băm con em bạn đến chết.

http://bee.net.vn/channel/1987/201101/dam-chet-nguoi-vi-nhin-thay-ghet-1786973/

Bạn va chạm giao thông nhỏ, chỉ cái nhìn, câu nói người ta có thể dễ dàng rút dao kết liễu cuộc đời của bạn hay của ai đó là người thân của bạn.

http://f.tin247.com/21705240/Gi%E1%BA%BFt+ng%C6%B0%E1%BB%9Di+ch%E1%BB%89+v%C3%AC+va+ch%E1%BA%A1m+nh%E1%BB%8F+khi+tham+gia+giao+th%C3%B4ng.html

Bạn thường xuyên mua đồ ăn có chứa chất độc, người bán họ không biết. Và dù họ có biết cũng vẫn cứ bán cho bạn như thường.

Một ngày cuối năm, bận rộn có lúc nào bạn ngồi lại ngẫm xem. Trên đất nước Việt Nam này cái chết đến nhanh và đơn giản biết bao. Có lẽ bạn sẽ dựa vào báo chí Việt Nam để an ủi mình rằng ở các nước khác người ta cũng giết nhau dễ dàng như thế. Bọn đầu trọc, phân biệt chủng tộc nhìn thấy người khác chủng tộc, chúng có thể đâm chết bạn. Thế là bạn ừ, ở đâu cũng thế thôi.

Câu chuyện có lẽ chỉ đến đó là dứt dòng suy nghĩ của bạn.

Thế nhưng nếu là con, em bạn đang tuổi thanh xuân phơi phới là nạn nhân của vụ nhìn đểu, vụ quệt xe còn chưa xước sơn mà phải nhận những nhát dao đâm vào người. Bạn sẽ nghĩ gì, số phận ư ? Số phận nào mà nghiệt ngã vậy. Chỉ một chút rượu vào leo lên xe, kẻ kia dễ dàng tước đi mạng sống người khác, hay chỉ một cái nhìn là kẻ nọ xọc dao vào người con em bạn. Không cho nạn nhân được phân trần, thanh minh.

Bạn có bao giờ điểm lại năm qua, có bao nhiều người Việt đã chết trong những trường hợp lãng nhách như vậy. ? Để rút ra câu hỏi tại sao sự việc vẫn được lặp đi lặp lại , nếu sự việc được lặp lại nhiều lần ắt nó phải có một điểm chung, một quy luật. Nó không phải là số phận, may rủi, bất ngờ được. Và ai đó phải có trách nhiệm về việc này.

Đôi khi người ta giải thích nguyên nhân, đó là ý thức công dân, ý thức con người. Đại khái là lỗi của người dân không chịu tu dưỡng đạo đức, không chịu thấm nhuần ý thức pháp luật.

Có lẽ cuộc sống bộn bề, khi nghe trả lời vậy bạn không phân vân nữa mà nghĩ đến ngày mai mình làm gi để kiếm tiền cho bản thân và gia đình mình.

Câu chuyện những cái chết đến đây chấm dứt, lúc nào rảnh bạn mở trang web của các báo Việt Nam thấy vụ chết người tương tự bạn và đồng nghiệp bình phẩm về người chết mặc đồ gì, kẻ giết người lĩnh án bao năm. Có vài người sẽ hỏi tuổi người chết để đánh số đề. Hoặc bạn soi xem hôm nay ngôi sao, người mẫu nào sẽ lộ vú (vòng 1) lộ quần chíp.

Trên báo chí không có bài giáo dục đạo đức nhiều, những bài có có chút nhân văn là những bài kêu gọi tình thương để quyên góp cho một số phận nào đó. Người ta sẵn sàng bỏ tiền ra ngay để cứu giúp, con số không nhỏ. Chứng tỏ lòng tốt ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều.

Nhưng những cái chết lãng xẹt cũng vẫn đến nhiều ?

Chúng ta có được tư cách đạo đức Hồ Chí Minh, có cuộc học tập sâu rộng , quy mô về đạo đức của lãnh tụ. Từ cách thăm hỏi, cách sống, cư xử với mọi người.

Đạo đức của HCM có làm giảm được những ý giết người lãng nhách ở Việt Nam ta hiện nay không?. Để chứng minh thì cơ bản là có, kiểu gì cũng có thể chứng minh là giảm được. Sẽ có hàng trăm tiến sĩ lý luận sẵn sàng nhảy vào cuộc để chứng minh là có. Nhưng duy có điều trước câu hỏi thực tế đang diễn ra bao nhiêu người chết, câu kết luận của những nhà lý luận này lại quay về mốc ban đầu, tức là tại dân trí, tại ý thức kém, không tiếp thu.

Vậy cái gì sẽ tác động cho người Việt đừng tước mạng sống của nhau giản đơn như vậy ?

Bạn và tôi, và chẳng ai trên đất nước này có trách nhiệm đi tìm câu trả lời này. Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu. Số phận đổ lên đầu gia đình nào, gia đình đó chịu. Chưa phải gia đình mình, mà có phải gia đình mình thì chúng ta tự nhủ là nhiều nhà khác còn bị như vậy.

Một ngày Việt Nam trung bình có 38 người chết vì tai nạn giao thông, những vụ ẩu đả vì những lý do đâu đâu tước đi thêm chục mạng nữa. Những vụ do oán thù thâm sâu thật ngạc nhiên lại rất ít, năm có vài ba vụ. Thế mới biết là giết người, một tội nghiệm trọng, án phạt nặng nề lại được ít cân nhắc nhất khi thực hiện.

Người ta định hướng dân trí thế nào, xin hãy xem truyền hình hàng ngày và báo chí, đếm thời lượng phát hình và đếm các bài báo. Bạn sẽ thấy vấn đề ý thức con người chiếm khiêm tốn bao nhiêu giữa những tin tức về hoa hậu, trò ăn chơi, tin lá cải, giật gân.

Thế đấy, chúng ta có bộ văn hóa, ban tuyên huấn, ban tuyên giáo, ban tuyên truyền… hằng hà đa số những nơi để phục vụ tâm linh, tín ngưỡng con người. Thế nhưng dường như chuyện dân trí, ý thức chưa hề được cải thiện, nếu không nói là đang xấu đi.

Lỗi do những cá nhân.

Đó là cách giải thích mà những nhà chuyên môn sẽ nói vậy để giải thích cho những câu chuyện buồn này.

http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/224/224

Câu hỏi nhỏ về một tin ngắn

Hòa Vân – Đọc các bản tin trên, người ta thấy tờ China Daily đưa tin như một quyết định đơn phương của Trung Quốc, TQ là nước duy nhất « xây » một đường tàu đi qua nhiều nước khác, phục vụ mục tiêu kinh tế (chiến lược ?) của mình mà thôi…

Tin ngắn đây là tin « Trung Quốc xây tuyến đường sắt cao tốc đến Singapore qua Việt Nam » mà RFI đã đưa tin, và báo Bee.net cũng như vài trang mạng khác đã đăng lại. Nguồn chung của các báo, đài này là tờ báo China Daily ngày 21.1.2011. Cụ thể, báo này dẫn lời ông Long Li, giám đốc Cơ quan vận tải khu vực Quảng Tây : “Chúng tôi sẽ đầu tư 15,6 tỷ nhân dân tệ (3,05 tỷ USD) để xây dựng tuyến đường sắt nối liền Nam Ninh và Singapore qua hệ thống đường sắt của Việt Nam” (trích theo Bee.net, 21.1.2011).

Nhưng báo điện tử Diễn đàn Doanh nhân lại viết : « Theo tờ China Daily, Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền Quảng Tây, miền nam Trung Quốc với Singapore. Tuyến đường trị giá 45 tỷ USD này sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam, dự kiến khởi công cuối năm nay ».

Các bản tin trên đều không nói tới lập trường của các nước liên quan mà chỉ cho biết quan điểm của Trung Quốc là tuyến đường sắt này « là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nam Ninh trong 5 năm tới, sẽ làm tăng lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ».

Tuy nhiên hai ngày sau, Bee.net cho biết : « Tại Hội nghị các bộ trưởng Giao thông – Vận tải ASEAN lần thứ 6 ở Brunei hồi tháng 10/2000, các nước trong khu vực và Trung Quốc đã thông qua tuyến đường đi qua bảy nước ».

Như vậy, đây là chuyện làm một con đường sắt quốc tế, có sự bàn bạc giữa các nước liên hệ. Chuyện bình thường ở thời đại này, chẳng nên co cụm, từ khước tham gia bất kỳ một công trình có tính quốc tế nào.

Nhưng tại sao lại chỉ là « Trung Quốc sẽ xây dựng… » nhỉ ? Đọc các bản tin trên, người ta thấy tờ China Daily đưa tin như một quyết định đơn phương của Trung Quốc, TQ là nước duy nhất « xây » một đường tàu đi qua nhiều nước khác, phục vụ mục tiêu kinh tế (chiến lược ?) của mình mà thôi…

Thoả thuận ở Brunei 11 năm trước dĩ nhiên chỉ là thoả thuận về nguyên tắc (nếu không, tại sao 11 năm sau chưa khởi công ?), sau đó các nước phải phân công tiến hành khảo sát, nghiên cứu cụ thể kế hoạch đầu tư (ai bao nhiêu ?), kế hoạch xây dựng như thế nào (gọi thầu như thế nào, chọn công nghệ nào…), có nhất trí được không về các « chi tiết » ? Chẳng hạn, khi vẽ rõ con đường trên bản đồ có tỷ lệ lớn nhất, nhiều khi nảy ra các vấn đề chẳng chi tiết tí nào : có những vùng chiến lược hay cần bảo vệ về môi trường, di tích văn hoá… khiến một quốc gia không muốn cho tàu đi qua ; ngược lại, mỗi nước đều phải tính đường tàu đi qua vùng nào thì đáp ứng tốt nhất cho các mục tiêu kinh tế – xã hội của mình. Đó là những vấn đề phải thương lượng, cân nhắc lợi ích chung – riêng, chứ đâu có phải « thông qua » một thoả thuận nguyên tắc là xong, rồi ông anh lớn muốn làm gì thì làm trên đất của các nước khác.

Vậy, câu hỏi đặt ra là : tại sao những nhà hữu trách Việt Nam không có phản ứng gì về việc này, không có thông tin nào cho người dân biết những vấn đề nêu trên (tất nhiên, đó không phải là toàn bộ các vấn đề có thể hay cần nêu lên, người viết không phải chuyên gia về giao thông vận tải) ?

http://www.diendan.org/viet-nam/cau-hoi-nho-ve-mot-tin-ngan

Toàn là đồ đểu

Trần Kỳ Trung - (Tâm sự của một người không trúng vào cấp “Ủy…”)

Buồn lắm ông ạ! Bây giờ tôi càng rõ nhân tình thế thái. Vẫn mấy thằng, mấy con ấy, vẫn là nhân viên mình đấy, vẫn khuôn mặt ấy mà sao hôm nay trông chúng nó khiếp quá, dị ngợm quá. Tôi đi dự đại hội, chúng đến bắt tay, miệng cười hớn hở, nói liếng thoắng:

“ Bọn em mừng lắm! Anh nhất định ở lại nhiệm kỳ này. Em đi đâu người ta cũng nói thế! Anh ở lại, thực hồng phúc cho bọn em. ” Mà tôi cũng nghĩ thế, chắc như đóng gạch. Mọi cửa mình lo hết rồi, họ cần gì, mình “ chầu” nấy. Một ông giữ “ cửa” chính, trước đại hội mấy hôm, còn vỗ vai mình : “ Không cậu thì ai ở chức đó, mình ủng hộ cậu”. Còn điều nữa, mọi thông tin họp kín, tôi nắm được hết, biết tên mình nằm trong danh sách “ trúng cử”, nên yên tâm lắm. Thậm chí, ông biết không? Các “ đệ “ thân tín, không biết chúng moi thông tin từ đâu ra, đã chuẩn bị bữa tiệc mừng, mừng cho tôi ở lại chức vụ này! Cũng trước đại hội mấy hôm, bà xã tôi đi chùa, đấy cái chùa to nhất nước đấy, linh nhất nước đấy. Mỗi bức tượng tôi “cúng” gần cây vàng, mà ngần ấy tượng, ông thử nghĩ xem, tôi “ cúng” chùa là bao nhiêu, để các thần phù hộ…

Tôi bước vào đại hội với phong thái tự tin y như chuẩn bị bước lên sân khấu trao bằng khen có chữ ký của mình cho cấp dưới.

Nhưng mấy ai học được chữ “ ngờ”. Đau quá!

Tôi không nghĩ đại hội này lại dám làm việc đó! Từ trước đến giờ, ông cứ nghĩ mà xem, đại hội chỉ là hình thức thôi, mọi việc “ an bài” từ tám hoánh rồi, tất cả được đúc khuôn chằn chặn, ai còn đi đẽo vuông, chẻ dọc làm gì!!! Tôi lại nghĩ, bên ngoài bàn ra, tán vào thậm chí “ chọc ngoáy”, xin lỗi, quá đuôi chuột ngoáy lọ mỡ, làm gì được nhau. Hóa ra cũng không phải ông ạ! Đại hội lần này, có lẽ lần đầu tiên, các đại biểu dám làm một việc mà các đại hội trước, đại biểu không dám làm, là có người bỏ phiếu không bầu người đã được hội nghị cấp trên dự kiến. Tôi nằm trong số đó, chứ đâu ! Thật là đau hơn hoạn. Cái tôi khinh thường, hóa ra chính điều đó, lại “ giết” tôi. Tôi đang thở đây, đang nói chuyện với ông đây, nhưng thực ra là…chết rồi! Chết thực sự rồi! Ông không tin à?

Bọn nhân viên trong cơ quan này, ông quan sát thái độ của chúng nó đi, từ hôm biết tôi không trúng vào cấp “ Ủy…”, chúng coi thường tôi ra mặt. Bắt tay thì hời hợt, vẫn chào hỏi nhưng để lấy lệ, chứ không xoắn xuýt, thậm chí có thằng, mọi lần thấy tôi từ xa đã vội chào hỏi, còn bây giờ thoáng thấy tôi đã vội lẩn tránh. Vì chúng biết, chức của tôi tuy vẫn còn, không vào được cấp “ Ủy…”, chức chỉ còn tồn tại tính bằng ngày, hôn hít, bợ đỡ để làm gì! Chúng nó tìm đến cấp phó của tôi vừa trúng vào “ Ủy…” chuẩn bị sắp tới lên chức thay tôi, để khen, y như dạo nào tôi chuyển sang cơ quan này: “ Anh sang đây lãnh đạo, thực là con mắt tinh tường của cấp trên.” . Xin lỗi ông, tôi không bỏ ra vài chục tỷ, ngồi đấy mà mơ, thằng kia cũng thế thôi, hơn gì tôi. Có hơn, là nó thuộc diện “ con ông cháu cha” đỡ khoản chạy chọt hơn tôi một tý. Rồi mấy ông cấp “trên”, ngày mình còn trong “ Ủy…” khi xuống cơ quan, các bố ấy cũng trong “ Ủy…” bắt tay, nét mặt hồ hởi, cười hồng hào, tươi tắn… Mình cần gặp lúc nào cũng được, bây giờ, muốn gặp phải hẹn trước vì “ Ông thông cảm, sau đại hội, nhiều việc lu bù quá! Lúc khác nhé!”. Các bố ấy biết, lúc này mình không là gì, quả chanh vắt sắp hết nước chuẩn bị vứt, không hơn nên khinh ra mặt. Các ông ấy đánh “ quả” với người khác. Mà ông tính một dự án lớn, đâu phải chỉ ngày một, ngày hai, cần cả … một nhiệm kỳ, mà tôi thì… hết ” Ủy…” là sắp mất chức rồi. Tôi thấy câu nói của cha ông “ Còn tiền, còn bạc còn đệ tử. Hết tiền, hết gạo, hết ông, tôi…” cấm có sai. “ tình đồng chí” bạc như vôi, ông ạ!

Qua chuyện này tôi mới nghiệm ra rằng, chạy chức y như một cuộc đua “ maratong”. Cái ngu nhất của tôi, là hiếu thắng, khinh địch, không biết phân bổ “ sức lực”, lúc nào cần nhanh, lúc nào cần chậm, lúc nào khiêu khích “ địch thủ” để họ mắc lừa mình… Đối thủ của tôi, trên đường đua, toàn cao thủ, không nói nhiều, gần như không để ý đến tôi, cũng không nóng mặt khi tôi “chọc giận”, cũng không “vội vã” khi tôi chạy nhanh… mà quan trọng, khi gần đến đích, họ vẫn còn sức lực, còn tôi hụt hơi… hụt hơi một cách thảm hại. Đã tưởng “ chạy” như thế là giỏi, hóa ra vẫn thua họ, thua nhiều kiểu. Mất cảnh giác, tưởng chắc thắng một trăm phần trăm, ai ngờ, hóa ra là thua trắng tay khi bỏ phiếu. Tưởng có bệ đỡ, ăn ngon ngủ kỹ, có ai dè, bệ ấy cũng mục. “ Đến như tôi cũng bị chúng “ chơi ” thì cỡ như ông, chúng coi ra gì! Mưu lược tôi có thừa, thân tín vô số, thủ đoạn nhiều chiêu, cuối cùng cũng không lại được với chúng nó. Một mình địch thế nào với cả chục thằng ngu nhưng lắm phép cùng thống nhất diệt tôi”. Cái ông cấp “ trên” tôi đang hy vọng là chỗ dựa của mình, sau đại hội, gặp tôi ngán ngẩm, lắc đầu nói như thế đấy, ông thấy có đau không ? Thực ra tính tôi hơi bỗ bã, vui đâu chầu đấy, không để ý, kề cận đại hội, thấy nét mặt ông ấy căng thẳng, má gầy tóp lại, mắt trũng sâu, hai vai gầy trông như rụt lại, rồi vợ ông ấy chăm đi lễ chùa, nghe đâu ra tận Quảng Ninh để tìm thầy, mình vẫn không để ý, vẫn tin ông ấy là chỗ “ đệm an toàn” cho mình… Sau đại hội, Số ông ấy, té ra cũng chẳng hơn mình. Chỉ hơn mình, ông ấy gần “ mặt trời” nên biết số phận mỏng hơn cánh dán, vì không thuộc ê kíp, nên bị đứng ra ngoài rìa “ một cách hợp pháp”. Cũng là tự động viên, ông ấy còn như vậy, thì mình cũng không phải xấu hổ khi không trúng vào “ Ủy…”. Ngẫm ra, mình còn hơn ông ấy, nào là tiền trong tài khoản của con kha khá, hai đứa cũng học và lấy chồng ở nước ngoài, rồi cái trang trại to đùng trên Hòa Bình, rồi nữa, vài cái biệt thự lớn ở miền trung… Thế cũng là gần tròn vẹn cho cái tuổi sắp về hưu. Còn ông ấy, cứ tưởng sau đại hội này còn lên, mải lo đến chức vụ ấy, đâm đầu vào chuyện ấy, cạn tiền về lo lót ấy, bạc tóc, hao sức về những mưu mô ấy, cuối cùng như công dã tràng, lại còn khốn khổ hơn, chuyện có tiền dưỡng tuổi già, chắc chắn không hơn tôi… Nghĩ thế , mình cũng an ủi phần nào. Chỉ có vợ tôi là tiếc, từ hôm tôi không trúng vào “ Ủy…” nhiều đêm bà ấy không ngủ, than vắn thở dài nói chồng ngu, nói mình dại, không biết giúp chồng đi cửa sau cho khéo, rồi những lễ lạt, quà biếu, du hý, tham quan, cắt băng khánh thành…để có lộc… không còn nữa. Bà ấy tiếc nhất, từ nay trong hội “ vợ quan to” chắc chắn sẽ phải đứng ngoài, không được lên ti vi, màn ảnh… Bà ấy khóc rấm rức: “ … Tôi tưởng ông còn tại vị một nhiệm kỳ nữa, tôi thấy ai cũng nói thế, cấp trên ông nói thế, thánh thần nói thế… thế mà không phải. Toàn là đồ đểu!”.

Nghe vợ tôi nói như vậy, chỉ tý nữa tôi cho bà ấy ăn cái tát. May mà mình còn kìm lại được! Mình có không trúng vào ” Ủy…”, sắp mất chức thì cũng phải “văn hóa” một tý chứ! Đúng không ông?

http://kytrungtran.com/index.php/index/detailarticle/386

Khi công an cùng đi biểu tình

Công an Tunisia biểu tình cùng dân chúng
Cuộc cách mạng chớp nhoáng


Ngày 17/12/2010, một thanh niên người Tunisia 26 tuổi, tên là Mohamed Bouazizi, châm dầu vào người tự thiêu. Đúng 4 tuần lễ sau đó, Tổng Thống Ben Ali, nhà độc tài nắm quyền tuyệt đối tại Tunisia trong suốt 23 năm liền, đã lên máy bay rời Tunisia đi tị nạn tại Saudi Arabia. Cả một chế độ độc tài toàn trị, tham nhũng, nổi tiếng là không chừa một khoảng trống nào cho đối lập, đã hoàn toàn sụp đổ trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới.

Nhận định về sự sụp đổ mau chóng và bất ngờ của chế độ độc tài Ben Ali, các nhà phân tích chính trị cho rằng còn cần nhiều thời gian trước khi người ta có thể hiểu được chính xác những nguyên do thật sự của cuộc cách mạng tại Tunisia. Cuộc cách mạng tại Tunisia được gọi là Cách Mạng Hoa Nhài (The Jasmine Revolution) không phải vì những người đi biểu tình dùng hoa nhài làm biểu tượng như trong một số cuộc cách mạng khác đã diễn ra trước đây, mà vì hoa nhài là quốc hoa của nước Tunisia.

Bối cảnh

Là một nước nhỏ ở Bắc Phi, Tunisia có nhiều khác biệt với những quốc gia láng giềng như Algeria, Libya, Morocco và Egypt. Trong khi Tunisia được tiếng là có một số những ưu điểm so với các nước trong vùng, như có một nền giáo dục đào tạo tiên tiến, một nền kinh tế phát triển, thì dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ben Ali, Tunisia cũng bị mang tiếng là một quốc gia có chế độ cai trị cực kỳ tham nhũng, gia đình trị, và tuyệt đối độc tài mạnh tay đàn áp mọi hình thức bất đồng hay đối lập.

Tuy kinh tế phát triển và lợi tức bình quân cao, nhưng lợi tức đó thực sự chỉ tập trung trong tay một thiểu số những người có quyền thế, nên đại đa số người dân Tunisia lại rất nghèo khó, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp rất cao, nhất là ở thành phố Sidi Bouzid nơi anh Bouazizi sống. Tham nhũng đã trở thành một quốc nạn của Tunisia mà không thể nào ngăn chặn được, vì chính đại gia đình của Tổng Thống Ben Ali, nhất là gia đình bên vợ của ông ta, là những người tham nhũng nhất nước. Do đó, nạn tham nhũng hối lộ hoành hành khắp mọi địa phương cũng như trong các cấp chính quyền. Đặc biệt công an cảnh sát vừa là thành phần đựợc bao che vì có công bảo vệ chính quyền tham nhũng, lại vừa là lực lượng trực tiếp tiếp cận, hù doạ người dân, nên thường giàu có nhanh chóng. Hậu quả là đời sống người dân vô cùng khổ cực khó khăn. Tình trạng này dẫn tới những cuộc biểu tình ngày một lớn dần, để cuối cùng chấm dứt chế độ cai trị độc tài tại Tunisia.

Cuộc cách mạng Hoa Nhài tại Tunisia là một điển hình của đấu tranh bất bạo động, trong đó không nhất thiết phải có một lãnh tụ hay một lực lượng nào điều hướng cho cuộc đấu tranh. Điều này cũng dễ hiểu, vì dưới chế độ độc tài không khoan nhượng đối với bất cứ một sự bất đồng hay đối lập nào của chế độ Ben Ali. không có một lực lượng đối lập nào có cơ hội tồn tại hay phát triển được, để có khả năng điều hướng cuộc cách mạng. Nhưng không phải vì thế mà cuộc cách mạng không thể bộc phát được. Ngược lại, cuộc cách mạng đã bộc phát và thành công như thế giới đã chứng kiến.

Cái tát làm đổ một chế độ

Tuy sự căm phẫn tích tụ của quần chúng đối với chế độ độc tài của tổng thống Ben Ali là yếu tố tạo nên những cuộc biểu tình rộng khắp giật sập chế độ Ben Ali, nhưng chính sự tự thiêu của Anh Bouazizi đã là ngọn lửa khai hoả cho các cuộc biểu tình. Anh Bouazizi có một chiếc xe đẩy dùng để bán trái cây; đây là nguồn lợi tức duy nhất để nuôi đại gia đình Anh tại thành phố Sidi Bouzid. Chiếc xe trái cây của anh đã bị cảnh sát tịch thu nhiều lần khiến anh vô cùng khốn đốn. Những khiếu nại của anh không mang lại một kết quả nào. Không những thế anh còn bị chửi mắng, đánh đập. Nhưng cái tát vào mặt anh của một nữ nhân viên của chính phủ đã là giọt nước làm tràn ly. Quá phẫn uất, và tuyệt vọng, anh Bouazizi đã tưới dầu vào người để tự thiêu ngay trước Dinh Toàn Quyền.

Cách mạng bùng nổ

Hành động của anh Bouazizi đã là tiếng nói thay cho nhiều triệu người dân Tunisia bấy lâu nay mang nỗi uất hận trong lòng không có cơ hội bày tỏ. Cái chết của Bouazizi như có khả năng làm tan biến đi mọi sự sợ hãi của bao nhiêu triệu con người bị trấn áp từ mấy chục năm nay. Mỗi người dân cùng khổ của Tunisia giống như những thùng xăng chờ đợi một mồi lửa, và sự tự thiêu của Bouazizi chính là mồi lửa đó.

Thế là cả một phong trào phản kháng bùng lên như nước vỡ bờ. Mặc dầu Tổng Thống Ben Ali đã có những nhượng bộ như hứa hẹn cải tổ và ngay cả việc bãi nhiệm một vài bộ trưởng, nhưng những nhượng bộ cầm chừng, mang tính cách câu giờ đó không đáp ứng được quyết tâm đòi phải thay đổi triệt để của đại khối quần chúng đã thức tỉnh, cùng với ý chí đấu tranh quyết liệt của họ. Điều người dân Tunisia mong muốn bây giờ không còn là một vài cải cách vá víu, mà là chấm dứt toàn diện chế độ của Ben Ali. Và cuối cùng thì chế độ độc tài bị sụp đố và Ben Ali phải bỏ trốn ra nước ngoài.

Những bài học rút tiả

Qua cuộc cách mạng Hoa Nhài, người ta có thể rút tỉa và ghi nhận được một số điểm của đấu tranh bất bạo động như sau:

Việc dân chúng kéo xuống đường biểu tình đông đảo là một hành động tự phát, xuất phát từ sự căm phẫn chế độc độc tài vốn đã tích luỹ từ nhiều năm qua, chứ không do một đảng phải hay lực lượng nào lãnh đạo, kêu gọi và điều động. Điều này một lần nữa cho thấy, sự hiện hữu của một lực lượng chủ động điều hành không phải là yếu tố bắt buộc phải có để cách mạng thành công. Yếu tố tuyệt đối cần phải có chính là số đông đến từ ý thức và quyết tâm của người dân.

Như mọi cuộc đấu tranh đối đầu bất bạo động với một chế độ độc tài có những thành phần quyết tâm bảo vệ chế độ, cuộc đấu tranh tại Tunisia cũng có những cái giá phải trả. Đó là những đổ máu do sự dàn dựng và khiêu khích của công an để lấy cớ đàn áp, mà hậu quả đã khiến cho hàng chục người phải bị thiệt mạng.

Người dân Tunisia đã tận dụng kỹ thuật hiện đại, mà điển hình là điện thoại cầm tay, để thông tin và liên lạc; và sau đó đã khai dụng triệt để yếu tố số đông để tạo sức mạnh và gây áp lực. Đây là một đặc điểm quan trọng không chỉ trong cuộc cách mạng Hoa Nhài này, mà còn là đặc điểm dẫn đến thành công của hầu hết các cuộc đấu tranh bất bạo động khác.

Tương tự như các cuộc đấu tranh có đông đảo quần chúng tham gia ở những nơi khác, tư lệnh quân đội Tunisia đã không thi hành lệnh đàn áp bắn vào người biểu tình của Ben Ali. Đây là yếu tố then chốt đưa đến việc Ben Ali bỏ chạy.

Một hậu quả giống nhau của các cuộc đấu tranh mà quần chúng dành được thắng lợi là, cũng như những nhà độc tài một thời hét ra lửa khi còn nắm quyền lực trong tay, đến giờ phút cuối Ben Ali đã dẫn cả vợ con và đại gia đình bỏ trốn, bỏ mặc số phận của các đàn em, những cộng sự viên một thời đã sống chết vì ông ta. Một lần nữa, đây là bài học cho những người vẫn cúc cung bảo vệ cho các chế độ độc tài đi ngược lại lòng dân.

Giống như hình ảnh ông Yelsin đứng trên xe thiết giáp của quân đội Nga được phái đến để đàn áp biểu tình trong cuộc cách mạng tại Liên Xô 20 năm trước, hình ảnh cảnh sát sắc phục Tunisia sát cánh cùng những người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô Tunis hôm 22 tháng 1, 2011 đã cho thấy, hai cột trụ quan trọng nhất để chống đỡ chế độ là cột trụ quận đội và cột trụ cảnh sát nếu chưa gãy đổ thì ít ra cũng đã bị lung lay tận gốc rễ. Sau khi thanh toán được hai cột trụ này để ngăn ngừa sự đàn áp đẫm máu, thì việc giật sập các cột trụ chống đỡ chế độ khác tương đối không còn khó khăn. Trong trường hợp Tunisia, cột trụ bị thanh toàn kế tiếp là cột trụ truyền thông. Cuối tuần qua lực lượng cách mạng đã bắt giữ chủ nhân và là người điều hành hệ thống truyền hình Hannibal, vốn là thân nhân của tổng thống bỏ trốn Ben Ali. Hệ thống truyền hình vừa kể vẫn tiếp tục theo lệnh của Ben Ali từ nước ngoài, cổ suý cho việc trở về của ông ta cũng như khích động bạo lực.

Và cũng như vô số vợ của những nhà độc tài trên thế giới, vợ của Ben Ali là Leila Trabelsi, đã thiết lập cả một hệ thống tham nhũng dựa trên gia đình trị, lôi kéo bà con họ hàng vào những vị trí béo bở nhất trong guồng máy nhà nước và vung tay tham nhũng. Bà Trabelsi đã được mệnh danh là bà Imelda Marcos của thế giới Ả Rập. Trong khi đào tẩu sang Saudi Arabia, bà Trabelsi đã mang theo khoảng 2 tấn vàng ròng lấy cắp từ ngân khố quốc gia.

Suốt 23 năm cầm quyền Tổng Thống Ben Ali và gia đình đã chuyển bao nhiêu tiền của ra ngoại quốc và cất giấu ở đâu thì khó có thể biết được. Nhưng ngay sau khi Ben Ali bỏ trốn sang Saudi Arabia, Hội Người Tunisia tại Thụy Sĩ đã lập tức gửi kiến nghị đến chính phủ nước Thụy Sĩ để yêu cầu phong toả những tài sản của gia đình Ben Ali. Vào ngày 19/1/2011, tức là chỉ 5 ngày sau khi Ben Ali bỏ trốn, bà Calmy Ray, Tổng Thống của Thụy Sĩ đã tuyên bố trên đài truyền hình TSR1 là Thụy Sĩ đã quyết định phong toả những trương mục ngân hàng và những tài sản của cựu Tổng Thống Ben Ali, của gia đình ông và của những người từng điều hành chế độ của ông. Đây không phải là lần đầu nước Thụy Sĩ phong toả ngân hàng của những nhà độc tài hết thời. Đây là một bài học thêm nữa cho những nhà độc tài trên thế giới nghĩ tới tương lai của họ.

Sau khi Tổng Thống Ben Ali bỏ trốn, cựu Thủ Tướng Tunisia là Mohamed Ghannouchi đã tự động đứng ra nhận trách nhiệm tạm thời điều hành việc nước. Tuy nhiên, Quốc Hội không đồng ý và đã quyết định là trách nhiệm này thuộc về Chủ Tịch Quốc Hội là ông Foued Mebazaa. Nhưng dân chúng Tunisia không đồng ý với cả hai quyết định nói trên bởi vì cả hai ông Foued Mebazaa và ông Ghannouchi trước đây đều là những tay chân thân cận Ben Ali. Dân chúng Tunisia đang tiếp tục xuống đường biểu tình để phản đối quyết định nói trên cũng như việc nội các chính phủ lâm thời vẫn còn bao gồm những thành phần của chế độ cũ. Người dân Tunisia nay muốn gạt bỏ hẳn mọi tàn tích của chế độ cũ.

Dân chúng cũng biểu tình đòi dẫn độ Ben Ali về nước để bị xử tội. Cựu Thủ Tướng Ghannouchi đã tuyên bố là sẽ yêu cầu các quốc gia Ả Rập dẫn độ gia đình Ben Ali.

Một điểm đặc biệt nữa là thái độ của rất nhiều công an viên sau khi chế độ Ben Ali sụp đổ. Rất nhiều công an viên đã thẳng thắn trình bày hoàn cảnh khó xử của họ dưới thời Ben Ali, bị bắt buộc phải làm theo lệnh của cấp trên. Một số các công an viên này đã đi biểu tình cùng dân chúng và lên tiếng kêu gọi các công an viên khác hãy hỗ trợ phong trào đòi dân chủ tại Tunisia.

Những gì xẩy ra tại Tunisia trong những ngày vừa qua đã trở thành niềm ước mong của người dân của một số quốc gia Ả Rập trong vùng. Kể từ ngày ông Ben Ali bỏ trốn đánh dấu sự thành công của cuộc cách mạng Hoa Nhài, thì đã có cả chục cuộc tự thiêu diễn ra tại Algeria, Egypt với hy vọng cách mạng diễn ra như ở Tunisia.

Rút tỉa bài học từ cuộc cách mạng Hoa Nhài, nhà phân tích chính trị Amr Hamzawy đã rút ra những bài học như sau:

Thứ nhất: Đừng bao giờ coi thường sức mạnh của người dân sống dưới các chế độ độc tài. Bất kể thời gian ngắn dài của chế độ cũng như mức độ kềm kẹp, người dân luôn có khả năng vùng dậy để lật đổ chế độ một cách bất ngờ.

Thứ hai: Từ những đòi hỏi căn bản như cơm áo, người dân sẽ nhanh chóng chuyển qua đòi hỏi tự do dân chủ.

Thứ ba: Các nhà độc tài thường không thấu hiểu những khổ đau của người dân, và chỉ vào những giờ phút cuối khi họ hiểu ra sức mạnh vùng dậy của người dân thì đã quá muộn.

Thứ tư: Các cuộc cách mạng lật đổ những chế độ độc tài có thể xẩy ra bất chợt và bùng lớn rất nhanh

Thứ năm: Các nhà độc tài thường dựa vào một số quốc gia khác. Họ nên nhớ rằng những quốc gia này sẽ là những người đầu tiên bỏ rơi họ.

Nhận định về sự sụp đổ bất ngờ và nhanh chóng của chế độ độc tài Ben Ali, Giáo Sư Mounir Khelifa tại Đại Học Tunis đã đưa ra nhận định là “những nhà độc tài là những người khổng lồ với đôi chân bằng đất sét!”

Kết luận

Ước mong của dân tộc Tunisia là cơm no áo ấm và dân chủ. Người dân đã tự động đứng lên để giành lại những quyền mà họ đáng phải có và chế độ độc tài đã bị lật đổ. Tuy vậy, chưa có gì bảo đảm là tự do dân chủ sẽ đến với đất nước này trong thời gian tới. Trong suốt 53 năm kể từ khi được độc lập, dưới triều đại của 2 tổng thống đầu tiên là Habib Bourguiba là Ben Ali, lần lượt nắm quyền 30 năm và 23 năm, nước Tunisia chưa thật sự có cấu trúc của một xã hội dân sự mà căn bản là đa nguyên với quyền lực được phân phối cho dân chúng. Chính Ben Ali đã lật đổ Bourgiba để nắm quyền tuy là qua một cuộc đảo chánh không đổ máu. Ngày nay Ben Ali ra đi nhưng cơ cấu lãnh đạo nhất nguyên vẫn còn đấy. Đây là lúc mà dân tộc Tunisia phải nắm lấy cơ hội quý báu để đưa đất nước họ đến một nền dân chủ thật sự và bền vững.