Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Công khai kiểu gì?

NGUYỄN QUANG A

Các tập đoàn kinh tế nhà nước, và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung, hãy công bố công khai báo cáo tài chính của mình. Đấy là một đòi hỏi cấp bách. Hiện chưa thấy doanh nghiệp nhà nước nào làm chuyện đó.

Luật hiện chưa bắt buộc các DNNN phải làm vậy.

Người ta nói các DNNN thuộc sở hữu của toàn dân, với 86 triệu “ông chủ”. Thế nhưng trên thực tế DNNN là của một cơ quan nhà nước nào đó (Thủ tướng, bộ hay cơ quan nhà nước địa phương), con số DNN do SCIC cai quản chưa có mấy .

Lẽ ra các doanh nghiệp này phải là các công ty “đại chúng” nhất trong số các công ty đại chúng bắt buộc phải công khai báo cáo tài chính cho tất cả những ai quan tâm.

Có lẽ cho đến nay hàng năm các doanh nghiệp nhà nước vẫn “lập, công bố công khai và kiểm tra báo cáo tài chính, kiểm tra kế toán” theo Thông tư số 73/TC-TCDN ngày 12/11/1996 của Bộ Tài chính. Điểm lạ của Thông tư này là ở chỗ chúng buộc phải lập báo cáo tài chính, phải kiểm toán và phải công bố “công khai” các báo cáo đó, nhưng công khai thế nào?

Thông tư quy định, “Hàng năm, doanh nghiệp Nhà nước phải công bố công khai báo cáo tài chính và các thông tin về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các đối tượng sử dụng thông tin theo quy định”. Các đối tượng sử dụng thông tin này là các đối tượng nào? Có phải bất cứ ai muốn quan tâm đều có thể có thông tin đó? Khác đi thì “công khai” chỉ là lời sáo rỗng.



Vừa rồi Tập đoàn dầu khí Việt Nam đưa ra các thông tin hết sức hoành tráng về hoạt động của năm 2010. Ảnh có tính minh họa

Thậm chí Thông tư còn viết, “Trong trường hợp những doanh nghiệp có điều kiện đặc biệt, không được phép công bố công khai, rộng rãi các thông tin về tình hình tài chính hàng năm, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp”.

Thế là rõ.

Cũng có phần “công khai” mở hơn. Đó là “công khai” trước hội nghị công nhân viên chức của doanh nghiệp, là đưa tin trên báo chí nhưng lại cho doanh nghiệp quyền “lựa chọn hình thức công bố công khai, lựa chọn các chỉ tiêu công khai thích hợp”.

Nói cách khác, công khai mà lại chẳng công khai.

Chính vì thế người ta cũng chẳng lấy làm lạ khi Tập đoàn dầu khí Việt Nam đưa ra các thông tin hết sức hoành tráng về hoạt động của năm 2010. Nào là “tổng doanh thu đạt 478,4 nghìn tỷ đồng, bằng 145% kế hoạch, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương 24% GDP cả nước”. Nào là tổng lợi nhuận xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, v.v và v.v.

Cái mà các ông chủ cần là báo cáo tài chính đầy đủ.

Với một nhà nước thực sự là “của dân, do dân và vì dân”, bắt buộc các DNNN phải công bố công khai thật cho nhân dân, các ông bà chủ đích thực của chúng, được biết.

N.Q. A ( Bee.)

Mỗi năm VN bỏ ra 2 tỷ USD mua vũ khí

Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội trong những năm tới.
Lần đầu tiên Việt Nam nhắc đến số tiền Hà Nội bỏ ra để mua vũ khí mỗi năm.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay số tiền Việt Nam bỏ ra để mua mới hay tân trang vũ khí mỗi năm chiếm khoảng 1,8% GDP, cuộc phỏng vấn trên mạng vnexpress.net cho hay.

Năm 2010 GDP Việt Nam đạt 102,2 tỷ USD theo một số nguồn tin trong nước.
Tính ra số tiền Việt Nam dùng để mua sắm trang thiết bị quốc phòng khoảng 2 tỷ USD.
Nhấn mạnh chuyện “mua sắm vũ khí là điều đương nhiên và cần thiết,” ông Vịnh nói Việt Nam đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội ngay cả khi kinh tế thế giới suy thoái.
“Những năm vừa rồi, trong khi nền kinh tế thế giới đi xuống thì kinh tế của Việt Nam lại có bước phục hồi nhanh. Ta trích ra mua tàu ngầm Kilo, máy bay Su-30, hệ thống phòng không hiện đại S300,
“Sắp tới sẽ tiếp tục mua theo khả năng kinh tế của đất nước…”
Trung tướng Vịnh giải thích ngân sách mua sắm vũ khí của Việt Nam (1,8% GDP) “vẫn ở mức thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.”
Mua vũ khí Mỹ
Việt Nam không quan tâm lớn trong việc mua trang thiết bị từ phía Mỹ. Nếu Mỹ bán thì tốt, không bán thì Việt Nam vẫn tự lo được
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh
Trong bài trả lời phỏng vấn với mạng tin điện tử từ Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Mục đích hàng đầu, theo ông Vịnh, là để “xây dựng lòng tin.”
Cạnh đó là “tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau,” qua việc hai phía chấp nhận những điểm giống và khác nhau để “cùng phát triển.”
Trước câu hỏi Việt Nam có cần mua vũ khí của Mỹ không, sẽ mua khi nào, với điều kiện gì, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng Việt Nam không vội vã.
“Việt Nam không có mối quan tâm lớn trong việc mua những trang thiết bị từ phía Mỹ. Nếu Mỹ bán thì tốt, không bán thì Việt Nam vẫn tự lo được bằng khả năng và các mối quan hệ khác.”
Tuy nhiên ông Vịnh tin rằng “sẽ có ngày các nhà kỹ nghệ Mỹ sang Việt Nam mời mua vũ khí” khí ấy Việt Nam sẽ chỉ mua những gì “cần, tiện lợi và rẻ.”
“Còn đắt thì không mua.
“Đây không phải là nhu cầu ưu tiên của Việt Nam.” ông Vịnh nhấn mạnh.
Hải quân, không quân và thông tin là ba binh chủng được lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cho phép sắm sửa vũ khí, trang thiết bị để “đi thẳng lên hiện đại.”
Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc mua sắm khí tài quân sự. Việc hiện đại hóa quân đội sẽ được “tiếp tục trong những năm tới,” ông Vịnh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói thêm trong bối cảnh các nước lớn quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và Đông Nam Á, điều làm ông lo ngại nhất là quốc gia bị lệ thuộc về chính trị.
“Bị nước khác chi phối về chính trị thì sẽ dẫn đến mất chủ quyền, mất độc lập tự chủ, mất chế độ xã hội và dẫn đến mất nước.”
Lệ thuộc chính trị có thể đến từ nhiều hướng, theo nhiều cách, trên nhiều lĩnh vực, ông Vịnh nói.
“Nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ bị lệ thuộc, mất luôn cả chủ quyền đất nước.”
BBC

EVN nợ 24 ngàn tỷ đồng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói họ đang nợ khoảng 24.000 tỷ đồng.
Thêm một tập đoàn kinh tế nhà nước gặp khó khăn về vốn và phương hướng kinh doanh.
EVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thừa nhận họ đang nợ khoảng 24.000 tỷ đồng, một phần ba số tiền này do kinh doanh bị lỗ khi bán điện dưới giá thành.

Còn lại là tiền lãi suất, nghĩa vụ tài chính phải trả cho ngân hàng, liên quan đến nhiều khoản vay mượn trong các năm qua.
Tình hình tài chính của EVN bi đát đến mức lãnh đạo tập đoàn tìm mọi cách thúc ép chính phủ tăng giá điện, tin trên báo Tuổi Trẻ đưa.
Ông Đào Văn Hưng – Chủ tịch hội đồng thành viên EVN thừa nhận tập đoàn điện lực quốc doanh vừa thiếu vốn, vừa cạn tiền.
Trong khi giám đốc công ty điện lực cấp vùng dự đoán mùa khô năm 2011 tình hình thiếu điện sẽ tồi tệ hơn năm ngoái.
Ông Nguyễn Phúc Vinh – Tổng giám đốc Tổng công ty điện miền Bắc dự đoán ngành điện cần thêm 12.000 tỷ đồng để mua dầu chạy máy phát nhằm giảm cắt điện trong năm nay.
Cạnh đó ông Vinh thừa nhận “không biết tìm số tiền này ở đâu” vì ngân hàng không cho vay. Bên ngân hàng quan niệm đổ tiền vào ngành điện coi như bị lỗ, ông Vinh nói.
Ông Đào Văn Hưng dự đoán năm 2011 có thể Việt Nam sẽ thiếu điện ‘trầm trọng’ hơn 2010.
“Mùa khô năm 2010 chỉ thiếu hụt trên 1 tỉ kWh mà đã phải cắt điện gây bức xúc, trong khi năm nay khả năng thiếu hụt có thể lên đến 3-4 tỉ kWh, tức gấp 2-3 lần.” báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Giải pháp
Theo lãnh đạo EVN, giải pháp để giảm thiếu điện, cắt điện trong năm 2011 là…tăng giá điện.
Cạnh đó là vay thêm tiền và phát hành trái phiếu quốc tế.
EVN muốn chính phủ cho vay 15.000 tỷ đồng, lấy từ Quỹ bảo hiểm xã hội. Cạnh đó lãnh đạo điện lực muốn phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỷ USD.
Một trong các giải pháp được nhắc tới của EVN trong 2011, nếu thiếu điện, là…cắt điện các công ty sản xuất xi măng, sắt thép.
Theo dự tính của ngành điện chỉ cần giảm 30% nguồn điện cấp cho xi măng sắt thép, EVN có thể tiết kiệm được 5.400 tỷ đồng tiền mua dầu.
Lý do là điện dùng cho xi măng sắt thép chiếm 10% tổng tiêu thụ điện của công nghiệp và sinh hoạt. Hai ngành này hiện đang ‘vượt’ nhu cầu tiêu thụ của xã hội.
Tại Việt Nam, chính phủ quyết định giá điện, tuy nhiên tăng giảm bao nhiêu cần được Bộ Chính trị thông qua.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay ông sẽ sớm trình chính phủ đề án giá điện mới.
BBC

Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ ba)

... Cũng cuối năm này tôi khó quên một sự việc, vì đến từ Sơn Mỹ nên tôi đi học trễ hơn 2 năm, thể xác khá lớn so với các bạn cùng lớp. Một buổi chiều khắc sâu đậm trong tâm tôi.

Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi

(tiếp theo kỳ trước)

Hôm đó lớp tan học khoảng 12 giờ, về đến nhà cơm nước qua loa, gần 14 giờ tôi có mặt ở núi Tranh để tìm người thu hoạch củ lang đến mót. Trời đổ mưa lâm râm nên không có ai đi đào củ cả, tôi cùng 2 bạn Định và Lên cứ than vãn và buồn bã. Chúng tôi tạm xới lại những đám lang mà người ta đã thu hoạch tự hôm nào, kết quả quá ít ỏi.

Trời bắt đầu tối dần, tôi rủ 2 bạn về kẻo muộn. Trên đoạn đường xuống núi, phát hiện giữa đám tranh tươi tốt rậm rạp có một đám lang rất tốt, chúng tôi rẽ tranh đi vào và trông thấy thật nhiều củ lang, chúng ló ra vì bao trận mưa làm trôi hết đất, mấy đứa vội vàng lượm hết số củ lang ấy, thoáng chốc mỗi đứa thu nhập gần nửa bao Đại Hàn. Định về thì thấy dưới chân núi có một thanh niên hớt hải cầm đòn gánh chạy lên. Cả bọn hoảng quá tản ra bỏ trốn. Tôi chui vào núp trong góc một đám tranh. Thế mà anh ta dễ dàng phát hiện do cây cuốc chỉa tôi chưa kịp để nằm xuống, cái cán nó cao hơn và ló ra khỏi lùm tranh. Anh ta lôi tôi ra đánh, dùng cái đòn gánh phang vào bụng, vào lưng và vai tôi. Dường như cho đến lúc tôi bị ngất nằm lịm đi thì anh ta mới hả cơn giận.

Sau trận đòn hơn 1 tuần tôi bị ốm rất nặng, không đi học, không đi làm được, toàn thân sưng lên đau rát. Tôi chỉ dám kể lại cho chị Mỹ và ngoại nghe một nửa sự thật. Chị và ngoại rất giận anh ta. Anh ấy ở sau nhà bà Bốn Thường thôn An Lộc, nơi chị tôi đi ở, chị tôi gặp mặt anh ta thường mà. Đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh trong những ngày về thăm quê. Gặp, tôi vẫn chào nhưng anh ấy chưa lần nào đáp lại, chắc là anh còn cảm thấy ái ngại vì trận lỡ tay khi ấy đánh tôi quá nặng ngày ấy. Tôi thấy có lỗi cho nên van xin và đưa nộp hết số củ lang cùng dụng cụ, vậy mà vẫn suýt chết với trận đòn của anh...


Trần Văn Đức và con trai

... Đầu năm 1970, sau khi nhận tin ba mất khoảng 3 tuần, có 2 du kích từ Sơn Mỹ đến nhà ngoại vào ban đêm. Một người chị em tôi quen lắm, con của ông bà Bốn Tương ở gần nhà tôi bên thôn Mỹ Lại. Họ nói với ngoại rằng muốn dẫn 3 chị em tôi trở lại Sơn Mỹ, rồi đưa 3 chị em ra Bắc học để sau này phục vụ công tác lên án giặc Mỹ. Ngoại lắc đầu. Ba nói với họ rằng bà không muốn mất luôn 3 đứa cháu thân yêu, may mắn lắm chúng nó mới sống sót được, hơn nữa thời gian này Sơn Mỹ hoặc miền Bắc chiến tranh cũng khốc liệt lắm.

Đây là lần đầu tiên và duy nhất mà 3 chị em chúng tôi đón nhận được sự quan tâm. Từ bấy đến giờ gần 40 năm, chúng tôi không có lời hỏi thăm nào nữa, dù chỉ là 1 lần dự lễ tưởng niệm ngày 16-3 bi thương. Tôi cảm thấy rất buồn, vì cũng rất nhiều nhà báo, phóng viên về Sơn Mỹ, họ chỉ làm việc cùng ban lãnh đạo nhà chứng tích Sơn Mỹ trong phòng kính mát mẻ khang trang hoặc một vài người sống sót mà hàng trăm lần họ đã nhắc đi viết lại.... Tại sao họ chưa lần nào bước chân vào những căn nhà túng thiếu đủ bề của bao người may mắn còn sống sót ngày ấy nằm sát bên ngoài khu chứng tích? Như vậy tìm đâu ra được tính trung thực hoàn hảo của sự kiện? Mà lịch sử rất cần tính trung thực của nó, thiếu nó làm sao bảo tồn được tính nhân văn? Khi nhìn hình người mẹ yêu thương của tôi, bà Nguyễn Thị Tẩu nằm chết, miệng còn ngậm vành nón, chắc hẳn bao tên sát nhân sẽ nhận ra, tên lính nào đã nã súng bắn bà? Hoặc Ronald Haeberle sẽ biết điều đó và ắt hẳn họ sẽ kinh ngạc hơn ,khi biết bà mẹ Nguyễn Thị Tẩu kia đã cứu được 2 đứa con ở giây phút cuối đời, điều này không phải ai cũng làm được và càng kinh ngạc hơn, chỉ ở Tháp Canh dưới đống xác người có 3 đứa bé 9 tuổi, 7 tuổi và 14 tháng còn sống và sống đến ngày hôm nay.

Bà Nhiều và con gái của bà ngày ấy trốn ra cửa sau và men theo ruộng lúa may mắn chạy thoát, gia đình bà bị bắn chết 5 người. Bà nhìn thấy khá nhiều những thảm cảnh trong căn nhà của bà, trên 20 người từ ngã ba chạy vào nhà bà để trốn, kẻ xuống hầm, người chui dưới giường, vài ba người núp sau bàn thờ, nhưng sau đó bị lính Mỹ lôi ra bắn chết sạch...

Và bao người còn sống sót ở Mỹ Lai ngày ấy cũng có những hoàn cảnh thật đáng thương tâm. Bà Phạm Thị Thuận cuộc sống neo đơn thiếu thốn, gia đình bà có 5 người bị lính Mỹ bắn chết trong vụ thảm sát này. Chị Đỗ Thị Tuyết hiện đang sinh sống ở Pleiku, chị và gia đình sáng 16-3-1968 bị lính Mỹ bắt ra tập trung ở đoạn mương ngay trước nhà cùng với rất nhiều bà con thôn Tư Cung, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Tổng cộng 170 người, lính Mỹ nã súng tàn sát, bắn giết gần hết số người ấy, xác người ngã xuống máu nhuộm đỏ cả đoạn mương dài, chị sống sót nhờ những cái xác người đó đè lên. Hay ông Phạm Đạt đã phải chứng kiến cảnh vợ bị bắn trọng thương, tay còn đang bế đứa con gái nhỏ mới 7 tháng tuổi, bò lết từ trong nhà đang cháy ra ngoài sân, cố gắng lăn về phía cửa hầm trú ẩn, nhưng không còn kịp và bị lính Mỹ bắn chết, sau đó chất tranh lên trên và đốt xác cả 2 mẹ con.

Cũng dưới cái mương ngập ngụa xác người và máu, cậu bé Đỗ Ba mới 8 tuổi còn cọ quậy được, Glenn Andreotta nhìn thấy và báo cho Hugh Thompson. Phận may của Đỗ Ba còn Hugh Thompson hạ cánh và cứu cậu bé, đưa cậu vào bệnh viện Quảng Ngãi.

Bà Trương Thị Lệ với 1 đứa con còn sống sót tại Tháp Canh, nhờ 2 xác chết đè lên và nằm yên chết.

Bà Hà Thị Quí nay đã 83 tuổi, ngày ấy cũng bị lính Mỹ bắt tập trung ở mương kênh, nơi lính bắn giết 170 người dân vô tội. Bà bị thương ở mông và nằm yên, xác chết cứ lần lượt ụp xuống đè lên bà. Sau khi bắn giết xong, lính Mỹ bỏ đi, bà cố gắng bò về nhà, dọc đường nhiều cảnh bầm gan tím ruột, nhiều xác phụ nữ, thanh nữ bị lính Mỹ xé toạc áo quần hãm hiếp rồi bắn chết, có vài người còn bị rọc cả cửa mình.

Chị Phạm Thị Trinh, lúc đó 11 tuổi. Khi dưới hầm chui lên tận mắt còn nhìn thấy chị Phạm Thị Mười mới 14 tuổi đang bị một tên lính Mỹ hàm hiếp xong bắn chết bên cạnh hiên nhà. Xác mẹ và đứa em chưa tròn 7 tháng thì bị lính Mỹ dùng rơm đốt cháy hơn nửa thân người.

Nhà ông Lệ, trong hầm có 15 người đang trú ẩn đều bị giết sạch.

Nhà chị Trinh, đứa con chị cháu Đức mới 8 tuổi từ trong hầm chạy ra liền bị lính Mỹ bắn chết trong lúc miệng cháu vẫn còn ngậm đầy cơm.

Anh Trần Tấn Huyên ở xóm Khê Thuận kể lại “chỉ trong tích tắc, ông bà nội, cha mẹ và đứa em ruột của anh đã bị lính Mỹ xả súng bắn gục ngay trên mâm cơm“.

Than ôi, nỗi đau đến bao giờ mới nguôi? 504 người dân vô tội, chứ đâu phải vài ba người nhỏ nhoi ít ỏi, họ làm gì nên tội mà phải tiêu diệt họ? Bao đứa trẻ sơ sinh lòm khòm bò trên vũng máu hoặc miệng đang còn ngậm vú mẹ cũng bị kề súng sát đầu bắn cho tan xác. Hiếp dâm trẻ thơ, các chị, các bà, khi họ đang bị tang thương tột cùng, xác người thân ngổn ngang bên cạnh, sau đó giết họ không những bằng bao phát đạn mà đôi lúc dùng lưỡi lê để rọc thân thể họ...


... Tại sao đời sống lại hàm chứa những bất công tàn bạo thế? Tại sao niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của con người tạo dựng lên trên những ngịch lý không thể dung hòa. Vụ thảm sát Sơn Mỹ làm chấn động cả địa cầu, vậy mà bao nhân chứng sống sót ít ỏi vẫn bị lãng quên, 3 đứa con bà Chín Tẩu, hơn 33 năm rồi nhà chứng tích Sơn Mỹ được thành lập chưa lần nào được mời dự lễ tưởng niệm, hoặc một lời hỏi thăm, tên mẹ chúng khắc sai trên bia trong đại sảnh nhà trưng bày, mới sửa lại tháng 6.2009 qua bao nhiêu lần khó khăn khiếu nại. Phạm Thị Trợ, 2 mẹ con bà Nhiều, Lê Thị Em, Phạm Thị Hiền, Bùi Thị Hà, Bùi Sanh, cháu ông Hương Thơ... và rất nhiều nạn nhân còn sống sót chưa có một lời hỏi thăm dù qua gần 42 năm đằng đẵng.ọ sống không quá 800 mét cách nhà chứng tích, họ đang sống vất vả neo đơn với những hệ lụy từ cuộc thảm sát bi thương, man rợ, những nấm mồ chôn chung 75 người tại Tháp Canh và số mồ mả của bao người dân vô tội rải rác ở xóm Thuận Yên, Tư Cung, Cổ Luỹ quanh năm thường nhang tàn khói lạnh, không ai chăm nom.

Nói nấm mồ đến mãi hôm nay thì đúng, chứ tối ngày 16-3-1968 bi thương ấy, những người du kích và một số bà con từ Trường An xuống giúp đỡ gom tất cả 75 xác người và đặt xuống một cái rãnh rau lang, sau đó lấp đất lên. Vì số du kích và bà con giúp chôn cất không nhiều, 504 xác người- một số lượng quá lớn, hơn nữa một số xác chết riêng lẻ trong nhà, ngoài vườn người ta còn phải tìm kiếm, cho nên phải chôn vội, lấp vội cho xong, vậy mà một vài ngày sau người ta vẫn còn thấy đâu đây trong đám bắp, huỳnh tinh hay mía vẫn còn sót vài xác người chưa chôn….

Trần Văn Đức Germany- Remscheid 2009

(xem tiếp kỳ sau)