Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

PN&HĐ:"Thượng đế" phải đòn và cưa gân... đạo đức xã hội


Nguồn: tuanvietnamnet
Tác giả: Kỳ Duyên


Câu chuyên võ sư Lê Minh Khương "đấu" với VNA chưa có hồi kết, các quan trẻ sắp về xã và "cái gân" đạo đức xã hội lại tiếp tục bị cứa... là những lát cắt buồn, đầy kịch tính mà Phát ngôn và Hành động tuần này day dứt muốn giãi bầy cùng bạn đọc.

"Thượng đế phải đòn"

Hiếm có một câu chuyện nào khi xuất hiện trên mặt báo lại gây ầm ĩ suốt tuần qua như câu chuyện võ sư Lê Minh Khương, HLV Đội tuyển Quốc gia Taekondo trên chuyến bay số hiệu VN1169 của Hãng Hàng không QG VN Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM, bị cưỡng chế xuống Đà Nẵng.

Câu chuyện mở đầu có vẻ đơn giản: Do điều kiện thời tiết xấu, máy bay phải hạ cánh tại Đà Nẵng vào lúc 1h03 đêm để đợi thời tiết tốt hơn và bay tiếp. Ông Lê Minh Khương xin xuống vì không muốn đợi. Nhưng vì việc tiếp dầu cho máy bay nhanh nên cơ trưởng không đồng ý cho khách xuống Đà Nẵng. Trước đó, ông đã đưa cuống vé cho tiếp viên. Khi đồng ý đi tiếp, ông Lê Minh Khương đòi lại chiếc cuống vé.
Nhưng diễn biến tiếp theo của việc đòi chiếc cuống vé và kết cục xử lý lại không đơn giản. Mới đây, ông Khương bất bình tố cáo trên báo chí, ông bị một số cán bộ an ninh ở sân bay Đà Nẵng lên máy bay hành hung, giật tóc, bẻ tay, chích roi điện, đến mức quần áo ông rách, điện thoại vỡ, người bầm tím và họ cưỡng chế ông rời khỏi máy bay.

Nghe chuyện ông, ai cũng nhắc tới một câu từng được coi là khẩu hiệu của các ông chủ kinh doanh: "Khách hàng là Thượng đế", "Khách hàng luôn luôn đúng". Dĩ nhiên câu khẩu hiệu đó, nhằm nhấn mạnh đến tận cùng cái tinh thần trách nhiệm phục vụ khách hàng- những thượng đế đã đem lại công ăn việc làm và lợi tức cho các ông chủ. Được phục vụ như thế hẳn các "Thượng đế phải cười"- như tên một bộ phim Mỹ rất hay cách đây đã lâu.

Nhưng đó là về mặt lý thuyết thôi, còn như trường hợp này, thượng đế Lê Minh Khương, đang bay trên trời, bị đòn và...và buộc rơi phịch xuống thực tiễn- mặt đất.

Trước sự tố cáo của thượng đế Lê Minh Khương, ông chủ VNA cũng lại cho biết: Ông Lê Minh Khương có hành vi gây rối đòi xuống tàu tại Đà Nẵng, đòi ra khỏi tàu, la hét lớn.

Chuyện lùm xùm giữa HLV Lê Minh Khương và VNA gây ồn ào dư luận thời gian qua

Đương nhiên sự việc đến mức độ "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" thì buộc cả 2 phía phải có những người làm chứng.

Làm chứng cho VNA có 3 khách thương gia, ngồi khoang hạng VIP, điển hình là bà Eileen Tan quốc tịch Singapore, hiện là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Singapore tại TP HCM, Tổng GĐ Cty Viking Travel.

Làm chứng cho ông Lê Minh Khương, cũng có 3 người ngồi khoang phổ thông: Đạo diễn điện ảnh Trần Lực, 2 anh em ca sĩ Quang Hà- Quang Cường. Họ rất bất bình khi chứng kiến hành vi của các cán bộ an ninh của Cảng vụ HK miền Trung, và đồng tình với lời tố cáo của ông Lê Minh Khương. Ca sĩ Quang Hà còn bức xúc hơn nữa, khi tố cáo, bố của võ sư Lê Minh Khương, đã 70 tuổi, vừa mới lên tiếng bảo vệ con trai, lập tức ông cũng bị bẻ tay ra sau.

Nhưng nếu đọc kỹ các thông tin trên báo chí, sẽ thấy rằng cả 2 phía nhân chứng đều đang như "thầy bói sờ voi", bởi những gì diễn ra ở khoang VIP thì các nhân chứng khoang phổ thông không thể chứng kiến và ngược lại...

Vì "sờ voi" mà các nhân chứng "thầy bói" cũng kéo luôn cả xã hội vào cùng sờ. Chẳng biết chú voi có nhột không, chỉ biết dư luận xã hội bị nhột nặng, và rất bất ngờ, hình ảnh xấu lại...nghiêng về VNA.

Số đông dư luận, người ta có phần bênh vực ông Lê Minh Khương- người yếu thế. Nhân việc này mà một loạt những vụ việc khác về cung cách phục vụ của VNA, do vị thế là hãng hàng không quốc gia, độc quyền nên sinh ra thói độc đoán và thiếu văn hóa cũng được moi ra. Không chỉ thế, các trang mạng xã hội thống kê đầy đủ hàng chục vụ việc của đội ngũ tiếp viên, phi công buôn lậu, vi phạm pháp luật bị xử lý được đăng trên các báo: Pháp luật TP HCM, Tuổi Trẻ, Sài Gòn giải phóng, Pháp Luật VN... Đó là cái mất mát đầu tiên.

Dư luận xã hội nghi ngờ luôn cả tư cách nhân chứng của VNA. Ngay lập tức, diện mạo bà thương gia Eileen Tan được đưa lên mạng, với những hình săm trổ rồng rắn rất hầm hố, chạy chi chít trên tấm lưng trần, và lời nói (bằng tiếng Anh) xúc phạm ca sĩ Quang Hà- nhân chứng của ông Lê Minh Khương, còn hầm hố hơn: "Câm miệng lại cái đồ lại cái man rợ". Nhìn hình bà, người ta hiểu cái ngôn ngữ ấy thật phù hợp.

Rồi người ta lại phát hiện ra Công ty của bà là đại lý vé máy bay, trong đó có VN Airlines. Bà không biết tiếng Việt. Vậy thì bà hiểu ra sao những điều ông Lê Minh Khương nói với cô tiếp viên, để mà cầm bút ký vào văn bản làm nhân chứng cho VNA? Với cái cách "quân ta bênh quân mình", ngay từ đầu, sự làm chứng đã bị vô hiệu hóa.

Mới đây, báo Dân Việt lại có thông tin, xuất hiện tình tiết mới, trong 1 biên bản được lập, có dấu hiệu ghi chèn vào là đã trả cuống vé máy bay cho ông Lê Minh Khương. Nhưng thực tế đến bây giờ ông Lê Minh Khương vẫn chưa có được cuống vé đó.

Sự việc chưa đâu vào đâu, thì ông Lê Hoàng Dũng, phát ngôn viên của VNA khẳng định chắc như đinh đóng cột trên báo Dân trí: "Hiện VNA đang chờ kết luận cuối cùng về sự việc từ Cục Hàng không VN để ra văn bản chính thức cấm bay đối với ông Lê Minh Khương. VNA từ chối vận chuyển hành khách này trên tất cả các chuyến bay hãng khai thác ở trong nước và quốc tế. Trong một vài ngày tới, văn bản cấm bay sẽ chính thức được đưa ra".

Nhưng ông này lại quên mất rằng theo Nghị định mới số 81/2010 về an ninh hàng không dân dụng, thì VNA chỉ có quyền lập danh sách đề nghị, còn quyền quyết định cấm bay phải là Cục Hàng không VN cơ. Người phát ngôn cho hãng mà lại không nắm được cả thẩm quyền, thì sự phát ngôn bừa như trên liệu có phải là góp phần "gây rối' thêm tình hình vốn đã như canh hẹ?

Dù số đông dư luận xã hội có phần bênh vực kẻ yếu thế là ông Lê Minh Khương, thì việc điều tra, phân xử đúng sai, phải trái vẫn còn phải chờ vào các cơ quan chức năng có thẩm quyền, do vụ việc xem ra ngày càng phức tạp, mặc dù ông Lê Minh Khương chỉ muốn VNA có một lời xin lỗi.

Bởi liệu đối tượng bị kiện của ông Lê Minh Khương có phải là VNA, hay phải là Cảng vụ HK miền Trung? Việc ông Lê Minh Khương đòi lại cuống vé liệu có phải là hành vi gây rối? Khái niệm gây rối hay gây mất trật tự (nếu có) của ông Lê Minh Khương cần phải được mổ xẻ kỹ càng và khách quan. Nó có liên quan đến lỗi làm mất vé và cách hành xử thiếu thiện chí của tiếp viên, mà Thanh tra Cục HK đã thừa nhận mới đây? Gây rối là hành vi có mục đích rõ ràng, còn gây mất trật tự chỉ là hậu quả của sự thiếu kiềm chế trong ứng xử.

Dù vậy, lẽ phải không thuộc về kẻ yếu được bênh vực theo cảm tính của con tim, hay thuộc kẻ mạnh có quyền năng chi phối lợi ích con người. Lẽ phải dựa trên cơ sở pháp lý của những quy định mang tính chế tài, đã được ghi nhận trong Nghị định 81/2010, và sự điều tra cặn kẽ, khách quan của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Chỉ đáng buồn, sự việc của VNA với ông Lê Minh Khương phản chiếu một hiện tượng tâm lý và ứng xử văn hóa phổ biến giữa người với người trong xã hội VN hiện nay: Chuyện chả có gì mà cũng thành ầm ĩ thế?

Người viết bài này đặt câu hỏi: Giả dụ đi, lỗi thuộc về ông Lê Minh Khương, thì VNA có lỗi gì không nhỉ? Chẳng lẽ cách hành hung thô bạo, vô lý với cả cha con ông Lê Minh Khương của mấy cán bộ an ninh lại là "hoàn thành nhiệm vụ"? Và mới đây, một thông tin có phần hài hước được VnExpress tung ra, có thể ông Lê Minh Khương bị cưỡng chế nhầm. Vì thời điểm đó, có 1 vị khách cũng to tiếng la hét (?)

Nếu vậy, thì VNA đúng là dở khóc dở cười.

Với việc lùm xùm xảy ra giữa VNA và ông Lê Minh Khương, từ bé xé ra to- là thêm một lần nữa thương hiệu và uy tín của VNA- rất to cũng dễ thành... rất bé.

Các quan trẻ... cắm sào đứng đợi

Ngày 24-4, ViệtNamNet đưa tin "Dưới 30 tuổi có thể làm 'quan xã'"? Đọc kỹ, mới hay đây là một Dự án của Đoàn TNCSHCM, nhằm tuyển chọn và đưa 600 trí thức trẻ, dưới 30 tuổi, có trình độ đại học trở lên về làm phó chủ tịch các xã thuộc 62 huyện nghèo nhất nước. Dự án có tổng kinh phí 194 tỷ đồng.

Nếu đạt thành tích xuất sắc, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội, các quan xã này có thể được đề bạt lên những vị trí cấp cao hơn, không cần chờ hết 5 năm dự án. Trước khi về xã họ sẽ được huấn luyện nghiệp vụ quản lý nhà nước cấp xã trong 2 tháng về chức năng quyền hạn, kỹ năng quản lý cơ bản cấp xã, đi thực tiễn cơ sở.

Nhưng nghĩ cho kỹ, thì đây không phải là một cách làm mới mẻ gì. Thậm chí nó quá cũ kỹ, bởi tư duy những người quản lý, điều hành và đề xuất.

Trong quá khứ, các ngành Y tế, Giáo dục cũng từng có chủ trương tung quân về cơ sở. Ngành Y tế đưa bác sĩvề tuyến xã. Ngành Giáo dục đưa giáo viên miền xuôi lên miền núi, với cam kết rất rõ ràng: Giáo viên nữ sau 3 năm, giáo viên nam sau 5 năm phục vụ, sẽ được chuyển về miền xuôi. Kết quả ra sao?

Với ngành Y, một đặc thù không thể thiếu- bác sĩ cần có môi trường, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát triển tay nghề. Không biết bao nhiêu năm qua, chủ trương này có hiệu quả thế nào, chỉ biết người dân tuyến xã có việc gì, từ bé như con mắt bị đau, cho đến to như bụng của bà bầu đến kỳ sinh nở... đều đổ về bệnh viện tuyến trung ương. Không biết bác sĩ tuyến xã nhiều người tài năng nảy nở hay thui chột đi, khi giờ nhiều người chỉ làm việc của một y tá, y sĩ cơ sở?

Ảnh: Hà Nội mới

Với ngành Giáo dục, phải ghi nhận có hàng vạn người thầy đã hy sinh cả tuổi xuân của họ ở những vùng khó khăn. Nhưng khi đã hết thời hạn phục vụ, có bao nhiêu người thầy tóc bạc, hết cả tuổi xuân cũng chưa được chuyển về xuôi theo như cam kết của ngành GD. Đến nỗi có không ít người thầy chua chát cho rằng họ đã bị... lừa. Nhiều người khác chấp nhận bỏ nghề, phí cả tiền bạc lẫn công sức đào tạo của xã hội.

Và nay, Đoàn TNCSHCM chủ trương tung quân về tuyến xã. Cho dù lần này, sự hứa hẹn "ngon" hơn- làm quan chứ không làm dân!

Ấn tượng nhất là câu phát ngôn của ông Dương Văn An, Bí thư, Trưởng Ban tổ chức TƯ Đoàn: "Các trí thức trẻ không phải cam kết không tham nhũng, không nhận hối lộ... nhưng..." . Có nghĩa là ông An cũng đã lường trước được căn bệnh phổ biến của các quan chức hiện nay, dù là cấp xã?

Không biết có bao nhiêu trí thức trẻ ưu tú sẽ làm đơn tình nguyện về với các xã khó khăn như niềm tin lạc quan của đồng chí Bí thư. Chỉ biết với dự án này, các đồng chí Trung ương Đoàn TNCSHCM lại ghi thêm thành tích làm phong trào vào sổ vàng truyền thống.

Nổ như phong trào, thì cũng dễ xẹp như phong trào. Đó là thực tế của rất nhiều phong trào trong xã hội VN lâu nay vốn rất thích... phong trào, vì nó kêu, nó dễ nổi bật. Chỉ sự lãng phí, và hiệu quả thật thì...lặng chìm.

Người viết bài này vẫn mong cho Dự án hàng trăm tỷ tiền thuế của dân đóng góp có được hiệu quả. Nhưng cũng tự đặt câu hỏi: Đến bao giờ, thì tư duy và cách làm của đoàn thể này đổi mới, trẻ như tên gọi của họ- Trung ương Đoàn TNCSHCM?

"Cưa gân" đạo đức xã hội

Ngày 24-4 mới đây, một vụ án đau lòng xảy ra khiến xã hội sững sờ: Nhân viên Công ty TNHH Du lịch sinh thái Nam Qua (thuộc khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt) phát hiện chú voi Back Khăm, 38 tuổi của công ty đã bị sát hại dã man.

Tại hiện trường, người ta thấy, kẻ ác đã tháo dây xích cột voi, dắt voi vào một khu rừng rậm cách đó khoảng 3km, buộc chân trước vào một cây rừng rồi dùng rìu cố chặt đứt gân 2 chân sau của voi. Hình ảnh voi Back Khăm nằm chết thảm với 2 chân sau bị chặt đứt gân đỏ lòm máu, trên một vùng rộng cây cối bị quần nát, cho thấy Back Khăm đã phải trải qua những giờ phút tột cùng đau đớn. Người viết bài này đã không dám nhìn lâu. Vì quá thương cho con vật ngây thơ, tội nghiệp, và kinh hãi, phẫn uất trước tội ác con người

Cạnh xác voi, người ta phát hiện một lưỡi búa (rìu) dài khoảng 20cm. Trong khi đó, 2 bộ phận quý nhất là ngà và đuôi voi vẫn còn nguyên- có thể kẻ thủ ác chưa kịp lấy vì sợ bị phát hiện.

Liệu đây có phải là con voi xấu số cuối cùng bị sát hại thê thảm chỉ vì lòng tham và sự mê muội không?
Voi Back Khăm bị cứa đứt gân đến chết


Trước đó 4 tháng, voi Back Khăm đã bị 2 lần kẻ ác tấn công với những vết chém nham nhở dã man, nhờ được chạy chữa kịp thời nên qua khỏi. Nhưng rồi, con vật cuối cùng vẫn không qua khỏi, khi lòng tham vô độ của con người biến thành tội ác tối tăm, man rợ.

Tàn phá rừng đến cạn kiệt, săn bắt thú rừng quý hiếm- hết hổ, gấu rồi nay đến voi, những giống loài nổi tiếng là chúa tể muôn loài trong rừng xanh đã không thoát khỏi số phận bi thảm dưới bàn tay những tên đồ tể nơi đồng bằng, thành phố. Người đọc nghĩ gì khi xem thông tin này: Hiện tại Đà Lạt còn lại 5 con voi nhưng đều bị trộm cắt mất ngà và đuôi. Back Khăm là con voi đực cuối cùng duy nhất tại Đà Lạt còn nguyên ngà và đuôi, nay đã bị giết hại.

Còn những kẻ thủ ác sẽ nghĩ gì, khi nghe tin Back Khăm được hỏa thiêu, với toàn bộ ngà và đuôi còn nguyên vẹn. Chúng đã động thủ, giết đi một con vật có ích, vô tội, vốn rất hiền lành với con người, nhưng vẫn không đạt được mục đích của lòng tham. Cuộc đời thật sắc sắc, không không. Tưởng là được mà vẫn là mất. Tưởng là có mà vẫn là không. Tưởng là giàu mà rất có thể vẫn trắng tay. Chỉ có một điều tin chắc- chúng sẽ hưởng trọn vẹn sự quả báo.

Những người am hiểu chuyên môn nghi ngờ, kẻ sát hại Back Khăm phải là kẻ từng tiếp xúc rất gần gũi với nó trong một thời gian dài. Bởi nếu là người lạ sẽ rất khó có thể tiếp cận và dắt voi vào rừng sâu. Chao ôi, Back Khăm thông minh vậy, mà sao lại ngây thơ tin ở lòng tốt "ảo" của con người, để đến nỗi bị lừa và dẫn vào chỗ chết. Ở nơi suối vàng dưới tít tắp ngàn sâu, có lúc nào Back Khăm ân hận về lòng tin mù quáng của mình, đã khiến chính mình mang họa?

Đã bao lần chúng ta phải đọc những cái tin về sự sát hại các cá thể động vật quý hiếm? Không nhớ nữa. Vì chưa cần đọc, chỉ cần đi dạo ở ngay các đô thị lớn, các thị trấn miền núi, đâu thiếu những nhà hàng ngang nhiên quảng cáo bán thịt rừng quý hiếm, cũng là ngang nhiên chặt, chém pháp luật?

Còn khi giở trang báo giấy, báo điện tử hàng ngày, có bao nhiêu vụ án, tội ác của chính con người gây ra cho con người, của chính con người gây ra cho con vật?

Voi Back Khăm bị cứa đứt gân đến chết. Hay chính "cái gân" đạo đức xã hội vốn đã quá nhiều thương tích một lần nữa, cũng đang bị cứa đau đớn?

Ai sẽ là người băng bó cho những vết thương đạo đức xã hội đây?

Chuyện chỉ có ở… làng văn (?!).




Ăn theo bài “Đôi điều thưa lại” của Trần Đăng Khoa
Nguồn: trannhuongcom

Bùi Công Tự
Báo chí xưa nay đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn về trách nhiệm của người cầm bút trước nhân dân, trước bạn đọc của mình. Những bài viết về nội dung này đã ca ngợi nhân cách cao thượng, đúng mực của các học giả, nhà văn, nhà báo như Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, nhóm Tự lực văn đoàn...Mới đây, qua hồi ký "Văn nghệ chí" của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn chúng ta biết thêm về nhân cách trong sáng của một người tử tế nữa là nhà văn Nguyễn Văn Bổng.

Không ai có thể phủ nhận rằng hầu hết các nhà văn của chúng ta, dù tài năng và cá tính khác nhau, đều là những người trung thực và trọng danh dự.

Tuy nhiên, trong đội ngũ đông đúc của những người cầm bút, thời nào cũng lẫn vào những tên bồi bút, văn nô; những người viết thiếu trách nhiệm, cẩu thả và cả những kẻ lưu manh đạo văn bị lộ và chưa bị lộ đó đây.

Riêng với tờ báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn, cách đây chưa lâu, dư luận bạn đọc đã phê phán bài ký của nhà văn LTT viết về dự án bô xít Tây Nguyên. Bỏ qua tất cả những ý kiến phản biện xác đáng của các nhà khoa học về những nguy cơ đối với môi trường, hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng, LTT đã viết một bài ký bị nhiều người cho là bồi bút. Hình như nhà văn này được tập đoàn Than - Khoáng sản mời đi viết nên tác phẩm của ông phải đền đáp xứng đáng "thịnh tình" của các ông chủ tập đoàn này.

Hôm nay đọc bài đôi điều thưa lại của nhà thơ Trần Đăng Khoa tôi lại được biết một bài viết có thể gọi là cẩu thả, thiếu trách nhiệm với bạn đọc của tờ Văn Nghệ. Theo Trần Đăng Khoa báo văn nghệ số 18 + 19 phát hành dịp 30/4 năm nay có bài phỏng vấn Trần Đăng Khoa với tiêu đề "Những cột mốc sống" tác giả là nhà văn, nhà báo Hà Nguyên Huyến. Cũng theo Trần Đăng Khoa thì cuộc phỏng vấn này hoàn toàn không có thật. Nội dụng những câu trả lời được gán cho Trần Đăng Khoa đều do tác giả Hà Nguyên Huyến hư cấu. Bài viết còn cho thấy sự cẩu thả đến mức lười nhác của nhà văn kiêm nhà báo này như tên của bài thơ được giải của Trần Đăng Khoa cũng không chính xác và những lời nhận xét về nội dung bài thơ "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn" cũng không chuẩn xác.

Bây giờ ở các đài và báo có nhiều phóng viên trẻ. Những sai sót ngớ ngẩn với người mới vào nghề có thể châm trước. Nhưng Hà Nguyên Huyến chắc không còn trẻ, được nhà thơ ngũ tuần Trần Đăng Khoa gọi là "bác" cơ mà. Thế mà bài viết "những cột mốc sống" của ông đã làm một cú lừa độc giả. Ông nhà văn này mà làm quan tòa chắc còn "cẩu thả" (chữ của Ngô Bảo Châu) gấp mấy lần các quan tòa đương thời đâu đó gần nơi ông ?

TP Hồ Chí Minh, 28/04/2011.
B.C.T
----------------------------------------------------------
Đôi điều thưa lại
Trần Đăng Khoa

Báo Văn nghệ số 18+19, phát hành dịp 30 Tháng Tư, kỷ niệm 36 năm ngày Thống nhất Đất nước, được chuẩn bị khá công phu, có bài phỏng vấn Trần Đăng Khoa, với tiêu đề: “Những cột mốc sống” của nhà văn, nhà báo Hà Nguyên Huyến. Thoạt đầu, tôi tưởng đây là cuộc phỏng vấn giả tưởng. Nghĩa là tác giả tạo ra cuộc trò chuyện tưởng tượng, như một số nhà phê bình, nhà báo đã từng phỏng vấn Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng hay Chí Phèo, Thị Nở…Nhưng đây không phải thủ pháp nghệ thuật báo chí như thế, mà là cuộc phỏng vấn rất nghiêm túc: “Chiến tranh đã kết thúc, nhưng công cuộc bảo vệ đất nước vẫn không một ngày ngưng nghỉ. Nhân dịp này, nhà văn Hà Nguyên Huyến có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa – Ngưòi đã có mặt nhiều lần trên quần đảo Trường Sa, có nhiều sáng tác hay về những người lính bảo vệ đảo hôm nay”,trong khi đó, Trần Đăng Khoa lại chẳng biết gì về những điều mình đã “trả lời”, nên buộc tôi phải thưa lại đôi điều, để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, dù tôi biết nhà văn Hà Nguyên Huyến và tòa báo đều rất thiện chí.

Thôi, bỏ qua mấy chi tiết lặt vặt, như Trần Đăng Khoa tự khen mình viết “rất ấn tượng về Trường Sa”, hay sự nhầm lẫn giữa “quân khu” với  quân chủng”, rồi sự lẫn lộn giữa ngôn ngữ người phỏng vấn và người được phỏng vấn, v..v…, tác giả bài báo viết: “… Cũng những năm ấy, nhân có cuộc thi thơ của Tuần báo văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi gửi 07 bài dự thi và một chùm 03 bài được chọn ra để trao giải nhất, trong đó có bài“Thơ tình của người lính biển”. Nói thế này, bạn đọc dễ hiểu rằng, Trần Đăng Khoa gửi về báo Văn nghệ 07 bài thơ dự thi thì 03 bài được trao Giải Nhất, trong đó có bài “Thơ tình của người lính biển”. Thực chất, ba bài được trao Giải A là của ba tác giả khác nhau: (Trần Đăng Khoa: “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, Nguyễn Đình Chiến: “Gặp lại các em”, Đinh Nam Khương: “Từ những vết chân người”). Bài “Thơ tình của người lính biển” lại không hề nằm trong hệ thống Giải thưởng.

Bàn về bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, tác giả viết: “TĐK: Tôi vẫn cho rằng Xuân Diệu là nhà thơ có “cặp mắt xanh” đối với thi ca. Nhưng trong trường hợp này nếu được chọn tôi sẽ chọn bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”… Tôi chắc “Cụ Diệu” cũng thích bài này song còn rất nhiều thứ ràng buộc nên “cụ” không dám!... Điệp khúc “Ôi ước gì được thấy mưa rơi” day dứt suốt cả một bài thơ dài. Dẫu chưa có mưa nhưng chúng ta “cũng có một niềm vui đón đợi”. Trong bối cảnh những năm tám mươi ấy làm sao “Cụ Diệu” dám chọn bài này mà trao giải. Hôm nay nhắc lại nếu được chọn, tôi vẫn chọn bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”.

Ô hay! Sao kỳ khôi thế, bác Huyến quý mến ơi! Bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” có gì đâu mà “Cụ Diệu” “không dám” trao giải. Thì chính nhà thơ Xuân Diệu cùng với Ban Giám khảo của Tuần báo Văn nghệ đã trao Giải A cho “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” cùng với hai bài thơ của thi sĩ Đinh Nam Khương và Nguyễn Đình Chiến đó thôi!

Còn nhiều tình tiết nữa cũng vặt vãnh đại loại như thế. Sự nhầm lẫn thật đáng tiếc. Những người trong cuộc, hoặc những người biết sự việc chắc sẽ thấy rất buồn cười và không còn hiểu ra làm sao cả.

Rất cám ơn báo Văn nghệ và nhà văn Hà Nguyên Huyến, trong những ngày kỷ niệm Thống nhất đất nước đã nhớ đến Trường Sa và những người lính đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng này. Đây là vùng đất gian khổ nhất của Tổ quốc. Máu đã đổ ở Trường Sa rồi đấy. Nhiều nhà thơ, nhà văn chúng ta đã dồn không ít tâm huyết cho vùng đất thiêng này. Đó là những Duy Khán, Hữu Thỉnh, Đình Kính, Phạm Đình Trọng, Lê Hoài Nam, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Thị Kim và gần đây nhất là Thuận Hữu với bài thơ “Ở tiểu đội chúng tôi” vừa mới in trên báo Nhân Dân… Bằng những con chữ mong manh và đầy giông gió ấy, các anh các chị cũng đã cắm được những cột mốc chủ quyền theo cách của riêng mình cho quần đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của chúng ta.

Cuộc trò chuyện tưởng sẽ rất cảm động về vùng đảo thiêng, cũng là miền văn chương ít nhiều còn mới mẻ với đông đảo bạn đọc, nhưng rồi rốt cuộc lại là sự tiếc nuối bởi những nhầm lẫn lẽ ra không đáng có.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên. Các bác nhà báo phỏng vấn Trần Đăng Khoa thì cũng phải để cho Trần Đăng Khoa tham gia với chứ. Làm báo thế này thì nguy cho người được phỏng vấn lắm, và bạn đọc thì chẳng còn hiểu sự thể ra làm sao!

Lý Quang Diệu: “Thế giới ổn định cần một nước Mỹ lớn mạnh”


Nguồn: Vitinfo

VIT - Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng, Mỹ muốn khôi phục sức cạnh tranh, phải giải quyết tốt vấn đề tài chính của mình. Và nếu Tổng thống Mỹ B. Obama có thể nghĩ cách hợp tác với Đảng Cộng hòa và “xử lý tốt vấn đề này”, sẽ không chỉ tăng thêm cơ hội trúng cử cho mình, mà còn nâng cao vị thế của Mỹ tại châu Á.

Trả lời phỏng vấn cho “Nhật báo Phố Wall”, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, 87 tuổi – vị cha đẻ của đất nước Singapore hiện đại nhận định, trong cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào đầu tháng tới của Singapore, lãnh đạo Đảng đối lập sẽ giành được một số ghế nhất định. Các nhà phân tích tin rằng, cuộc bầu cử lần này sẽ trở thành một trong những cuộc bầu cử cạnh tranh khốc liệt nhất trong lịch sử Singapore.

Singapore là một trung tâm tài chính quan trọng nhất của châu Á, luôn là một người bạn quan trọng của Mỹ, nhưng quốc gia nhỏ bé giàu có này cũng đã bỏ rất nhiều công sức mới có thể chung sống hòa bình với các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đặc biệt là khi thương mại của nước này với các quốc gia khác không ngừng tăng trưởng. Theo ông Lý Quang Diệu, việc Mỹ duy trì địa vị cường quốc xuất sắc, hoàn toàn thoát khỏi những khó khăn kinh tế trong thời gian gần đây phù hợp với lợi ích của thế giới, bởi vì như vậy nước này (Mỹ) có thể giúp duy trì cân bằng các thế lực của toàn bộ thế giới.
Tuy nhiên, ông cũng cảm thấy lo lắng trước việc vị thế toàn cầu của Mỹ bị suy giảm, đặc biệt là khả năng địa vị chính trị và tài chính của nước này bị suy yếu, bởi vì theo ông, tầm ảnh hưởng quốc tế của Mỹ là nền tảng để kinh tế châu Á trỗi dậy nhanh chóng.
Ông Lý Quang Diệu cho biết thêm, nguyên nhân thế giới phát triển như vậy là nhờ vào sự ổn định mà Mỹ thiết lập, nếu sự ổn định này bị lung lay, chúng ta sẽ rơi vào một hình thế khác.

“Trung Quốc có thể sẽ từ từ hình thành những thách thức”, ông Lý Quang Diệu nhận định, nhưng ông không tin giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ hình thành một sự xung đột nghiêm trọng trong thời gian ngắn. Theo ông, Trung Quốc cần thị trường của Mỹ, đầu tư của Mỹ và công nghệ của Mỹ, họ sẽ không muốn phá vỡ kế hoạch đã đặt ra; Mặc dù giữa hai nước sẽ có cạnh tranh khốc liệt, nhưng tôi cho rằng sẽ không có xung đột.
Tuy nhiên, thế giới vẫn đang đứng trước nhiều rủi ro khác, như thảm họa tự nhiên làm suy yếu Nhật Bản và bất ổn Trung Đông Tại khu vực Trung Đông, quân đội Mỹ có thể là một quân đội duy nhất có thực lực để phát huy vai trò quyết định trong quá trình giải quyết xung đột chính trị tại Lybia. Ông Lý Quang Diệu cho rằng, Pháp đã tấn công đầu tiên, nhưng họ không chuẩn bị vũ khí cần thiết để giải quyết vấn đề bằng quân sự.
Bên cạnh đó, cựu TTg Lý Quang Diệu còn nhận định thêm, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc đã khôi phục các nền kinh tế của khu vực châu Á, cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của Singapore. Chúng ta đang đứng ở ngã tư đường giữa hai cường quốc, bạn cần phải qua Singapore mới có thể từ Ấn Độ tới Thái Bình Dương.
Còn về Mỹ, ông tin rằng, về lâu dài, Mỹ vẫn sẽ lớn mạnh, nhưng sẽ đứng trước nhiều vấn đề nghiêm trọng như thâm hụt ngân sách, nợ công, tỷ lệ thất nghiệp cao, các vấn đề này đã tồn tại trong chính phủ các nhiệm kỳ. Nếu TT Obama có thể giải quyết các vấn đề này, cơ hội giành thắng lợi của ông sẽ rất lớn. Chắc chắn những người Mỹ hiểu đạo lý, có đầu óc đều biết đây là con đường duy nhất để khôi phục sức cạnh tranh của họ.

Theo WSJ
Tin dịch
Nguồn tin: Wsj

Nước Mỹ làm gì để khỏi tụt hậu?

Nguyễn Hoàng Hà
clip_image002 
Nụ cười bên ngoài không giấu nổi sự bực tức bên trong của quan hệ Mỹ Trung.
 
Nhiều người Mỹ và những người yêu nước Mỹ đã không khỏi giật mình khi đọc bài báo của Tạp chí DailyMail phát đi ngày 25 tháng 4 năm 2011 đăng tải với nhan đề: "Thời đại của Mỹ sẽ kết thúc vào 2016".
Theo DailyMail: “Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã ấn định 2016 là năm kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, thực sự chấm dứt "Thời đại Mỹ". Điều này có nghĩa là bất cứ ai thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 thì sẽ có "vinh dự" được lãnh đạo nước Mỹ suy sụp.
Đây là lần đầu tiên, IMF đưa ra khung thời gian cho bước tiến không thể tránh khỏi của Trung Quốc và dự đoán này có hàm ý sâu sắc với sự cân bằng quyền lực toàn cầu. IMF dường như rất bối rối khi đưa ra thông báo này, khi mà công bố dự đoán nhưng lại không tuyên truyền mạnh mẽ trên trang web của mình những ngày gần đây.
Sự phân nhánh đối với Mỹ là rất đáng lo
Chưa một nước nào trong thời hiện đại có thể sánh bằng sức mạnh kinh tế của Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh cao, Liên Xô chỉ sản xuất ra 1/3 lượng hàng hóa và dịch vụ so với Mỹ. Tương tự, vào thời kỳ đỉnh điểm của mình, sản lượng hàng hóa Nhật tạo ra chưa bằng 1/2 sản lượng của Mỹ.
Trung Quốc, mặt khác, lại đang tăng tốc về phía Mỹ với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ 10 năm trước đây, kinh tế Mỹ lớn gấp 3 lần Trung Quốc. Đây là số liệu thống kê gây sửng sốt, thậm chí ngay cả khi đã nhìn nhận được thực tế là kinh tế Mỹ đi xuống còn kinh tế Trung Quốc vọt lên rất nhanh.
Mốc 2016 khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên vì nhiều người vẫn lạc quan tin rằng Mỹ có thể chiếm vị thế số 1 tới cuối những năm 2020. Tuy nhiên, Brett Arends viết trên tờ Wall Street Journal rằng nhiều người đã nhìn vào các tiêu chuẩn sai khi đánh giá triển vọng của hai nước. Theo ông này, các nhà phân tích thường so sánh GDP của Trung Quốc với Mỹ, và sự so sánh này hầu như vô nghĩa trong điều kiện hiện thực. Thay vào đó, các nhà phân tích của IMF lại so sánh sự khác nhau của sức mua - người dân chi tiêu trong thị trường nội địa như thế nào.
Dùng tiêu chuẩn này, qua các con số biết nói, họ thấy rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vọt lên 11,2 nghìn tỷ USD vào 2011 và 19 nghìn tỷ USD vào 2016. Cùng kỳ, kinh tế Mỹ sẽ tăng từ 15,2 nghìn tỷ USD lên 18,8 nghìn tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Số trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ đã đạt đến mức 1,16 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 12-2010, nhiều hơn 270 tỉ USD so với ước tính trước đó, theo số liệu mới trong báo cáo thường niên do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 28-2. Theo AFP, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bắc Kinh đã chuyển hầu hết thặng dư thương mại của nước này trong thương mại với Mỹ trong hai thập kỷ qua sang trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán khác. Hiện Trung Quốc nắm giữ 26,1% trong tổng số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 4,44 nghìn tỉ mà các đối tượng nước ngoài đang nắm giữ, theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, hiện Nhật Bản là nước nắm trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều thứ hai, với 882 tỉ USD vào tháng 12-2010. Anh xếp thứ ba với 272,1 tỉ USD.
Richard Gilhooly, một nhà phân tích thuộc Công ty TD Securites, ước tính con số mới cho thấy 42% dự trữ hiện nay của Trung Quốc là dưới dạng trái phiếu Chính phủ Mỹ, so với 32% ước tính trước đó, theo Financial Times.
Hiện các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ 3,15 nghìn tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tổng số 4,44 nghìn tỉ USD lưu hành ở nước ngoài.
Theo Bloomberg, tổng số nợ liên bang của Mỹ đã vượt con số 14 nghìn tỉ vào cuối năm 2010 và thâm hụt ngân sách đạt mức 1,29 nghìn tỉ USD trong năm tài khóa 2010 kết thúc ngày 30-9 và dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục mới 1,65 nghìn tỉ USD trong năm 2011.
Vậy, bí mật thành công của Trung Quốc là gì?
Trung Quốc thực thi việc kiểm soát giá chặt chẽ và giữ giá trị đồng tiền - Nhân dân tệ ở mức thấp. Điều này mở đường cho việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ở mức giá thấp. Nhãn hiệu "Made in China" là đồng nghĩa với những sản phẩm có giá chấp nhận được, dù chất lượng và các yếu tố khác là điều cần bàn cãi. Và trớ trêu là, một trong những người tiêu dùng sản phẩm Trung Quốc lớn nhất lại là Mỹ. Việc này làm Mỹ suy yếu trong khi nó lại kích thích kinh tế Trung Quốc, và làm chuyển sức mua của nền kinh tế lớn nhất thế giới sang đối thủ chính của mình” (Theo DailyMail).
Sách lược lợi dụng sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á v.v. họ đã tung những khoản tiền khổng lồ để đầu tư sâu rộng vào các quốc gia này tạo thế chân vạc, nếu thất thu nơi này thì gặt hái ở nơi kia và khi nền kinh tế chính quốc có bị khủng hoảng họ vẫn trông được vào sự hỗ trợ mà họ đã đầu tư ở nước ngoài.
Người ta chưa kể đến con số nợ khổng lồ của Mỹ với Nhật Bản vào khoảng 100 ngàn tỷ và còn vay hơn 500 ngàn tỷ đô la của Ngân hàng Thế giới và các nước khác. Như vậy nước Mỹ khi đã tụt hậu thì khó có thể đứng lại ở vị trí thứ 5 hay thứ 6 mà có thể sẽ ở cuối hàng thứ 10. Cho dù vay với lãi suất thấp ưu đãi nhưng mỗi năm Mỹ phải trả riêng lãi cũng là hơn trăm ngàn tỷ. Khi ăn nên làm ra thì việc trả nợ không có vấn đề gì nhưng hiện nay nền kinh tế Mỹ đã lâm vào phá sản trầm trọng thì gánh nợ này là một điều cực kỳ nguy hiểm với nước Mỹ và nó càng nhấn sâu kinh tế Mỹ vào những vũng lầy khó rút chân ra khỏi. Vì Nhật đang rơi vào tình trạng đất nước bị sóng thần tàn phá và điện hạt nhân hủy hoại nên nền kinh tế thứ 2 thế giới này cũng sẽ phải tụt hạng nhiều bậc. Người ta tạm tính theo các chỉ số hiện nay thì năm 2016 danh sách các quốc gia kinh tế hàng đầu sẽ là:
1, Trung Quốc. 2, Ấn độ. 3, Brazin. 4, Đức. 5, Nga. 6, Nhật. 7, Anh.
8, Mỹ. 9, Venezuela, 10 Pháp……
Sự đóng góp cho nền kinh tế Trung Quốc chính là nhiều nhà tư bản Hoa lại quay về đầu tư vào Trung Quốc trong khi ở Mỹ các nhà tư bản lớn cũng đầu tư vào Trung Quốc và các nước khác nhằm tránh thuế và tận dụng nguồn nhân công rẻ. Vì thế, nếu không có chính sách mới hữu hiệu để các nhà tư bản Mỹ quay về đầu tư vào trong nước thì kinh tế Hoa Kỳ sẽ lao dốc không phanh và đứng sau cả Canada hàng thứ 11. Và khi vị thế yếu, các chủ nợ sẽ đua nhau đến đòi nợ hoặc các công ty hàng đầu của Mỹ sẽ phải rơi vào tay họ. Từ năm nay đến 2016 là khoảng thời gian rất ngắn để các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như các nhà kinh tế Mỹ phải chọn đối sách thật hiệu quả, ngoài việc cắt giảm chi tiêu còn phải tính đến chuyện cắt giảm chi phí quân sự và bỏ tham vọng đưa quân vào các cuộc chiến tranh như vừa qua, nhanh chóng rút quân khỏi các vũng lầy Afganitan, I-rắc và thu hẹp các căn cứ quân sự ở nước ngoài để tập trung cho đầu tư và phát triển kính tế. Nếu không chẳng còn biện pháp nào khác.
Người ta cũng đưa ra phỏng đoán nếu Trung Quốc chỉ cần gặp một rủi ro ví dụ như Nam Bắc Triều Tiên chiến tranh thì Ấn Độ sẽ là quốc gia kinh tế hàng đầu thế giới. Vì Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào nguyên vật liệu, khoáng sản từ nước ngoài và vấn đề lương thực đáp ứng cho hơn tỷ người, khi có cuộc khủng hoảng về lương thực thì Trung Quốc sẽ gánh hậu quả trước tiên vì quỹ đất trồng trọt đã hết do các công trình xây dựng và sa mạc hóa đang nuốt mất. Hoặc do thảm họa động đất khiến các trạm thủy điện vĩ đại hay các nhà máy điện hạt nhân bị tàn phá giống như tình trạng ở Nhật sẽ kéo nền kinh tế nước này đi xuống nghiêm trọng. Lúc đó Trung Quốc càng xiết nợ Mỹ và mâu thuẫn hai nước sẽ càng trầm trọng hơn không thể vào thế hòa hoãn như hiện nay.
Các nước lân bang và nước nghèo phải lãnh đủ:
Thời kỳ thượng vàng hạ cám tung ra thị trường cốt sao giá rẻ để thu lợi nhuận đã qua rồi vì mấy lý do sau đây:
Các sản phẩm của Trung Quốc phần nhiều là hàng giả, nhái lại các mẫu mã của các nước tiên tiến, nhất là của châu Âu. Khi kinh tế hưng thịnh các quốc gia này tuy lên án, phản đối nhưng không đến nỗi gay gắt vì còn tính đến quan hệ kinh tế thương mại. Nhưng nay chính hàng hóa của Trung Quốc tràn vào các nước này với giá rẻ đã giết chết nhiều nghành kinh tế truyền thống của họ như dệt, may, đồ tiêu dùng gia đình, giày dép đến các hàng điện tử và cả vũ khí các loại. Đã thế, nhiều mặt hàng còn mang theo hậu quả ghê gớm như gây chất độc hại ung thư, nhiễm trùng máu nhất là đồ ăn mặc, đồ chơi cho trẻ và thực phẩm hoa quả v.v. Vì thế các quốc gia này phải ði ðến kiểm tra kỹ lýỡng chất lýợng sản phẩm trýớc khi cho tiêu thụ trên thị trýờng. Ðiều này ðã khiến cho Trung Quốc buộc phải tính đến chuyện nâng cao phẩm chất hàng hóa của mình. Họ đã thi hành sách lược là chia ra các nhóm nước, các đối tượng để tùy theo đó mà đưa hàng vào tiêu thụ.
Ví dụ họ xếp châu Âu là quốc gia chỉ đưa hàng hóa khi đã kiểm tra đảm bảo chất lượng cao. Sau đó là nhóm nước Nam Mỹ, Canada và Hoa Kỳ, Nga và các nước Đông Âu, sau cùng tạp phế lù là các loại hàng không tiêu thụ được ở các quốc gia, thậm chí ngay ở thị trường trong nước thì họ ấn vào Việt Nam, Lào, Campuchia, châu Phi v.v. Trung Quốc giờ ngoài việc hạ giá thành sản phẩm đang lo tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để cạnh tranh trên các thị trường lớn. Và các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, các nước châu Phi là những quốc gia phải gánh chịu hậu quả lĩnh đủ các loại hàng tồn ứ kém phẩm chất mà Trung Quốc không bán được trên thị trường khắt khe đòi tiêu chuẩn cao như châu Âu; cũng chính các nước này là nơi để Trung Quốc thử các mặt hàng mới ra đời, lắng nghe ý kiến người tiêu dùng trước khi tung vào thị trường Mỹ và châu Âu để khỏi gây ra tai tiếng mất uy tín. Là những nước càng buôn bán với Trung Quốc càng phải gánh chịu hậu quả thâm thủng mậu dịch nhập siêu quá nặng, cống hiến những khoản tiền khổng lồ làm giàu thêm cho quốc gia khổng lồ này. Việt Nam là một quốc gia lãnh chịu hậu quả nặng nề nhất hiện nay và lại là nước cứu giúp sự khủng hoảng lương thực hiệu quả nhất cho đất nước tỷ dân phương Bắc. Các quốc gia khác muốn cạnh tranh với Trung Quốc vào châu Âu hay Hoa Kỳ buộc phải nâng cao và giữ gìn uy tín chất lượng sản phẩm của mình như giày da, đồ may mặc, hải sản và sản phẩm nông nghiệp khác. Việt Nam là quốc gia chịu sự cạnh tranh khốc liệt nhất của Trung Quốc nhưng vì khéo tay, hàng hóa đẹp về mẫu nên những mặt hàng về giày da, quấn áo, xe đạp, đồ gỗ, sành gốm v.v. đang được khách hàng ưa chuộng và đánh giá tốt, giá cả phải chăng.
Cuối cùng như các Kinh điển không chỉ Phật giáo hay Thiên chúa giáo đều nói đến Nhân quả và Nghiệp báo, vận nước đi lên hay lụi tàn nhìn ở mọt chiều kích nào đó cũng lại do nghiệp lực này chi phối, không thế phủ nhận hay phủi tay. Các nước cờ tính toán của những cái đầu đầy cơ mưu, thế mà trước tác nhân vô hình đó vẫn đành phải cúi đầu. Mọi người đang hồi hộp chờ đợi cái gì sẽ đến với Hoa Kỳ và nhân loại trong năm năm tới đây? Hãy chờ xem!
Ngày 27 tháng 4 năm 2011.
N.H.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN