Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Thư ngỏ gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi

Thư ngỏ gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi

Nguyễn Đình Viễn Xứ

Kính gửi Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi.

Kính thưa Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chiến.

Cũng như rất nhiều người dân Việt Nam khác, tôi rất lo lắng sự an toàn của các hồ chứa bùn đỏ tại các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong tương lai. Bởi lẽ, bùn đỏ bauxite tràn tới đâu thì nơi đó trở thành đất chết là một sự thật đã được kiểm chứng rõ ràng.

Sau khi đọc qua hai bài báo Không tiếc tiền đảm bảo an toàn cho bô xít Tây Nguyên và Thuê tư vấn nước ngoài thẩm định lại hồ bùn đỏ đăng trên www.vnexpress.net và www.laodong.com.vn cách đây ít ngày (1 & 2), sự lo lắng của tôi không những giảm bớt mà còn tăng lên rất nhiều.

Qua lá thư ngỏ này, tôi xin được gửi đến Giáo sư những điều đã làm tôi lo lắng sau khi đọc hai bài báo trên. Kính mong Giáo sư giải thích để cá nhân tôi và nhiều người quan tâm được tỏ tường.

Thứ nhất. Trong bài “Những điều phản cảm” đăng trên mạng bauxite, tác giả Nguyễn Trung Chính đã ghi rõ trong buổi đối thoại trực tuyến về các dự án khai thác bauxite do www.vnexpress.net chủ trì, ông Nguyễn Mạnh Quân của Bộ Công thương đã ba lần trả lời rằng các hồ bùn đỏ có thể chịu được động đất cấp 7 và cấp 9!

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Chúng ta không thể dự báo chính xác động đất ở Tây Nguyên là bao nhiêu. Theo Viện Vật lý địa cầu người ta dự báo động đất ở Tây Nguyên cấp 5, chúng tôi thiết kế cấp 7. Và mới đây đã nâng lên cấp 9.

-Hồ bùn đỏ Tây Nguyên được thiết kế với hệ số an toàn cao, chịu được động đất cấp 7… Vừa qua Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu chủ đầu tư phải thiết kế theo cấp động đất 9 để nâng cao độ an toàn lên mức gần như tuyệt đối…

- …Ví dụ hồ bùn đỏ, người ta yêu cầu thiết kế động đất tối đa cấp 5 nhưng chúng tôi nâng lên cấp 7, bây giờ Chính phủ còn yêu cầu phải chịu được cấp 9…. (3)

Tôi đã kiểm chứng và những lời nói trên đây của ông Nguyễn Mạnh Quân là có thật. Xin được hỏi rằng Giáo sư đã được xem qua chi tiết bản vẽ thiết kế, vật liệu sử dụng, cùng dữ liệu phân tích của cái hồ bùn đỏ mà qua lời ông Nguyễn Mạnh Quân thì “có thể chịu đựng được động đất cấp 7 và cấp 9” hay chưa?

Theo bài báo đăng trên www.vnexpress.net thì Giáo sư có nói rằng “Tôi quan tâm hơn cả là độ an toàn của chân đập. Tuy nhiên, chúng tôi đã thử và tính toán độ an toàn của đập với nhiều trường hợp khác nhau, kể cả khi hồ đang làm việc mà xảy ra động đất, kết quả cho thấy an toàn kể cả với động đất cấp 7, dù ở Tây Nguyên chỉ động đất tới cấp 5″!

Vì lý do gì mà Giáo sư không có cùng quan điểm (hay không đồng ý) với ông Nguyễn Mạnh Quân là “hồ bùn đỏ có thể chịu được động đất cấp 9”?

Thứ hai. Khi Giáo sư nói rằng “Tuy nhiên, chúng tôi đã thử và tính toán độ an toàn của đập với nhiều trường hợp khác nhau…”. Xin được hiểu “chúng tôi” ở đây như thế nào? Đây là kết quả tính toán độc lập cũa Giáo sư hay là kết quả tính toán chung giữa Giáo sư, TKV và Bộ Công thương?

Kết quả của những việc “thử và tính toán” này có được nhờ dựa vào:

-Tính toán trên giấy tờ.

-Tính toán miệng.

-Tính toán dựa trên những mô hình với kích cỡ nhỏ.

Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì muốn tính được kết cấu của một công xây trình xây dựng như là cầu, con đập có chịu đựng được động đất cấp 6 trở lên thì người ta không chỉ dựa vào tính toán trên giấy tờ, hay tính toán miệng, mà phải dựa vào những mô hình kích cỡ nhỏ. Phương pháp sau cùng cho kết quả chính xác nhưng cũng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, và công sức. Những hình ảnh sau đây là phương pháp tính toán bằng phương pháp này (4).



Hình 1: Mô hình cây cầu chịu được động đất cấp 8



Hình 2: Mô hình cây cầu chịu được động đất cấp 8 và những máy móc kiểm tra

Để có được những tấm hình trên và kết quả cây cầu nhỏ này có thể chịu đựng được động đất cấp 8, một đội ngũ gồm nhiều giáo sư và kỹ sư đã miệt mài làm việc trong nhiều tháng trời. Chi phí cho toàn bộ cuộc nghiên cứu chỉ tốn có 2 triệu đô la. Khi được chạy thử, ngoài nhóm giáo sư và kỹ sư tham gia, còn có 50 kỹ sư, đại diện cho các ngành công nghiệp, đại diện Bộ Giao thông Công chánh của tiểu bang Naveda có mặt tại chỗ, còn có 100 người trong nước Mỹ xem trực tuyến qua mạng.

Thưa Giáo sư. Nếu “chúng tôi đã thử và tính toán” trên đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Giáo sư –TKV và Bộ Công thương không dính dáng vào –, thì Giáo sư đã thực hiện nghiên cứu này vào lúc nào? Chắc hẳn Giáo sư có lưu lại tài liệu, hình ảnh, cũng như những đoạn phim ghi lại cuộc thử nghiệm của Giáo sư chứ? Chi phí cho nghiên cứu này là bao nhiêu? Có thể nào Giáo sư công bố những tài liệu, hình ảnh, phim ra trước công chúng để mọi người thưởng ngoạn để mọi người có thể an tâm được chăng?

Còn nếu “chúng tôi đã thử và tính toán” trên đây là kết quả nghiên cứu chung của Giáo sư – TKV và Bộ Công thương thì thiết nghĩ Giáo sư – TKV và Bộ Công thương cũng nên công bố tất cả để mọi người yên lòng khi thấy được con đập của hồ bùn đỏ có thể chịu đựng được động đất cấp 7 hay cấp 9 – như lời của ông Nguyễn Mạnh Quân.

Thưa Giáo sư. Không phải tôi có ý nghi ngờ gì ở đây cả. Nhưng ngay cả những công ty xe hơi nổi tiếng như BMW, Mercedes… của Đức với một bề dày lịch sử cả trăm năm, nổi tiếng về chất lượng hàng đầu trong ngành công nghiệp xe hơi, và một đội ngũ tiến sĩ và kỹ sư thượng thặng nhưng khi làm ra mẫu xe mới thì các công ty này cũng phải “ủi” cả vài chục chiếc mới biết độ bền, độ an toàn của nó ra sao (5). 1000 chiếc xe kém chất lượng thì giỏi lắm cũng giết chết 10.000 người. Như vậy, một cái đập hồ chứa bùn đỏ có thể ảnh hưởng cả vài chục triệu người mà chỉ tính toán trên giấy hay tính toán trên miệng thì e rằng khó chấp nhận.

Thứ ba. Theo bài báo đăng trên www.vnexpress.net thì “Tham gia đoàn khảo sát liên ngành, giáo sư Nguyễn Tiến (Chiến?), Viện trưởng Viện kỹ thuật công trình cho rằng 3 yếu tố quan trọng liên quan tới sự an toàn của hồ bùn đỏ, thứ nhất là nước vào hồ sẽ xử lý thế nào, khi thấm nước từ hồ ra bên ngoài sẽ xử lý như thế nào và vấn đề thứ ba là chân đập”

Thưa Giáo sư. Động đất là do vỏ trái đất di chuyển với những tốc độ khác nhau, có thể tạo ra những khe nứt rộng lên đến cả chục mét, dài cả hàng chục km, và sâu cả km. Dưới đây là tấm hình chụp khe nứt gây nên trận động đất ở Haiti năm nay (6).



Hình 3. Khe nứt của trận động đất ở Haiti

Như vậy, động đất cấp 7 có thể làm sụp cả một ngọn đồi. Cái hồ bùn đỏ có diện tích hơn 100 ha. Có nghĩa là mỗi bề là 1km. Như vậy, nếu động đất xảy ra dưới đáy hồ bùn đỏ thì cho dù con đập có an toàn, liệu kết cấu của đáy hồ với một lớp đất sắt nện, vải địa kỹ thuật, lớp chống thấm có thể ngăn cản bùn đỏ thoát theo khe nứt do động đất tạo ra được chăng?

Nếu diện tích cái hồ bùn đỏ là 100 ha (1km x 1km) thì ít nhất cái đập dài cũng cả hơn 100 mét. 100 mét là đã nhờ vào 3 mặt là đồi úp bát. Nếu khe nứt của động đất (dài 3km, sâu 500 mét, rộng 1 mét) ngay dưới chân đập thì làm sao cái đập này khỏi đổ, khỏi vỡ? Lại thêm cái hồ nước cả mấy chục triệu mét khối lúc nào cũng muốn thoát ra ngoài. Vậy thì, nếu động đất cấp 7 xảy ra thì làm sao cái hồ và con đập có thể chịu được?

Thưa Giáo sư. Động đất là điều mà không ai muốn có. Và sẽ không có gì phải bàn cãi nếu như Giáo sư, TKV, và Bộ Công thương nói rằng:

-Tây Nguyên chỉ có động đất cấp 5. Do vậy, khả năng vỡ hồ bùn đỏ do động đất cấp 5 là không thể. Vì động đất cấp 5 không có sức tàn phá này.

Nhưng cả Giáo sư, TKV và Bộ Công thương đều nói rằng hồ bùn đỏ có thể chịu đựng được động đất cấp 7 (cấp 9 –lời của ông Nguyễn Mạnh Quân) mà đến nay thì mọi người không thấy được những tính toán, phân tích khoa học để khẳng định điều này thì quả là đáng lo hơn là đáng mừng.

Thứ tư. Theo bài báo từ mạng http://www.laodong.com.vn

[…] Tuy nhiên, để khách quan hơn, Bộ Công Thương tiếp tục giao cho TKV khẩn trương lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có uy tín để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ của hai dự án. Trả lời câu hỏi của GS-TS Đặng Vũ Minh, GS-TS Nguyễn Chiến - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi – đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ – cũng khẳng định: Với thiết kế và giải pháp kỹ thuật của nhà thầu thì đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn.

Thưa Giáo sư. Xin được hỏi rằng “Với thiết kế và giải pháp kỹ thuật của nhà thầu thì đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn” là thiết kế nào? Thiết kế từ miệng của ông Nguyễn Mạnh Quân chăng? Còn giải pháp kỹ thuật của nhà thầu là giải pháp nào mà có thể “đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn”? Có nghĩa là Giáo sư đồng ý với TKV và Bộ Công thương rằng “hồ bùn đỏ có thể chịu đựng được động đất cấp 9”! Ngưỡng an toàn là cấp 7. Do vậy, vượt ngưỡng an toàn đồng nghĩa trên cấp 7 và cũng có nghĩa là lên đến cấp 9!

Một cái hồ bùn đỏ với kết cấu bằng đất sắt nện, vải địa kỹ thuật, màng chống thấm, và một lớp cát dày đủ chống chọi với động đất cấp 7, cấp 9 thì rất khó thuyết phục được mọi người. Tuy nhiên, có thể vì cả nể hay vì những lý do tế nhị nào đó thì vẫn có người tin điều này là đúng. Nhưng tôi thì tôi không tin. Đơn giản, nếu kết cấu nền móng đơn giản như vậy mà chịu được động đất cấp 7 thì những trận động đất cấp 7 đã không cướp đi cả trăm ngàn nhân mạng của con người trong những năm gần đây.

Thay cho lời kết

Thưa Giáo sư. Nếu có thể, kính mong Giáo sư viết một bài báo để công bố những hình ảnh, dữ liệu phân tích của Giáo sư (nếu độc lập) hay là làm chung với TKV để mọi người quan tâm điều biết công trình quý giá này. Mà tôi dám chắc rằng trang mạng Bauxite Việt Nam cũng rất vui lòng đăng tải bài báo của Giáo sư. Tôi thấy trang mạng Bauxite Việt Nam là nơi hội tụ của cả trăm Giáo sư chứ không ít. Thêm một vài bài của Giáo sư thì chắc sẽ thêm phần hấp dẫn và chắc là con tàu Bauxite Việt Nam cũng không đến nỗi phải chìm. Vậy kính mong Giáo sư sớm công bố công trình của mình để mọi người học hỏi.

Kính chúc Giáo sư lời chúc sức khỏe và bình an.

N.Đ.V.X.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(1) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/11/3BA2179B/

(2) http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Thue-tu-van-nuoc-ngoai-tham-dinh-lai-ho-bun-do/19720

(3) http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA223AB/

(4) http://newsroom.unr.edu/2010/06/16/110-foot-concrete-bridge-withstands-8-0-earthquake-simulation-in-lab/

(5) http://www.youtube.com/watch?v=E3oQXXEEJtc

(6) http://www.sciencedaily.com/releases/2010/01/100112170000.htm

Được đăng bởi bvnpost vào lúc 08:34

Không an tâm khi nghe giải thích về xây dựng hồ chứa bùn đỏ

Không an tâm khi nghe giải thích về xây dựng hồ chứa bùn đỏ

Nguyễn Văn Bảy

Kỹ sư xây dựng – TP Vũng Tàu

Tôi đã đọc nhiều bài viết có liên quan đến bôxit suốt cả mấy tháng qua, cũng đã có nhiều cảm nhận về những điều cần thiết phải khai thác, cũng như những điều cần thiết phải nên dừng lại. Tương tự như tâm trạng của nhiều người quan tâm đến dự án bôxit, tôi thiên về ý kiến là: Cái gì chưa chắc chắn là thành công thì nên dừng lại. Vì dừng lại không có nghĩa là mất đi, tài nguyên, đất đai vẫn còn đó, đời sau – khi nào có đủ các điều kiện chắc thắng – đời sau sẽ làm. Còn bây giờ nếu vẫn tiến hành khai thác, khi chưa chắc đã lời hay lỗ về kinh tế, chưa chắc đã có hiệu quả hay hậu quả về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng, văn hóa... thì quả thật là không nên tiếp tục dự án. Nếu tiếp tục dự án, nó có vẻ như chơi xổ số quá!

Về mặt cá nhân, vì là một người làm công tác kỹ thuật, nên tôi tham gia ý kiến về kỹ thuật. Đó là việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ.

Theo cảm nhận của tôi, yêu cầu kỹ thuật của hồ này rất cao, bởi hai tiêu chí: chống thấm triệt để và bền vững vĩnh cửu; chứ không thể lấy tiêu chuẩn để thiết kế cho một khoảng thời gian nào đó 50 năm, 100 năm... như xây dựng một ngôi nhà, một cái cầu... (Tôi nói tiêu chí, không phải là tiêu chuẩn – người viết).

Tôi đã từng thi công hồ chứa, có tiêu chí cũng rất cao – gần tương tự như hai tiêu chí đã nói ở trên – nhưng với qui mô nhỏ hơn rất nhiều lần, và nhận thấy rằng đó là điều không đơn giản chút nào. Tôi xin lược kể lại.

Vào khoảng cuối những năm 1980, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ xây dựng bể chứa bùn khoan. Tức là cái bể chứa tất cả những chất thải độc hại (không loại trừ là có cả chất thải phóng xạ) từ giàn khoan dầu ngoài biển chuyển vào. Bể có diện tích đáy khoảng 50 x 100 m, sâu 5 m, được đặt trên một ngọn đồi thuộc khu vực Núi Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết cấu chính là các lớp bê tông cốt thép, lót các lớp chống thấm, xen giữa là nhựa bitum, giấy dầu, nilon. Năm 1987, thi công xong, tiêu chuẩn chống thấm tuyệt đối thất bại, không đưa vào sử dụng được. Kế đó là hư hỏng sau 3 năm không sử dụng. Năm 1989 bóc hết các lớp, thi công lại; mới xong chưa đưa vào sử dụng, lại bị hỏng do không chịu nổi lực đẩy nổi (lực đẩy Acsimet), đáy và thành bể bung ra. Chờ hết mùa mưa năm 1990, sang năm 1991 tiến hành xây dựng lại. Từ đó đến nay - ít nghe nói tới nữa. Nó vẫn chứa rác độc hại nhưng không có trạm quan trắc chuyên dùng, nhân dân xung quanh sau này không sử dụng nước ngầm, không ai biết nó như thế nào nữa!

Tại sao cái hồ nhỏ, lại bị thất bại sau mấy lần thi công? Khi nghe nói về việc thi công bể chứa bùn đỏ rộng những 110 ha - tôi hãi quá! Nhìn thấy khu đất xây dựng, tôi lại càng hãi (và cảm thấy lo cho ông Trần Văn Trạch – chuyên gia luyện kim – người đã mang cái sự nghiệp bản thân của mình ra mà cá cược), vì kinh nghiệm thi công từ cái hồ nho nhỏ kể trên. Vì sao?

Việc chống thấm tuyệt đối cho những công trình như thế này nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong quá trình thi công: lựa chọn vật liệu, lựa chọn công nghệ hàn mối nối vật liệu chống thấm, lựa chọn phương pháp thi công, qui trình thi công, máy móc thiết bị thi công, con người thi công, qui trình kiểm tra công tác thi công... Quá nhiều yếu tố có thể nói là rủi ro tác động đến công tác chống thấm.

Tôi xin nói là: cái bể chứa tôi đã từng thi công sử dụng vật liệu là bê tông cốt thép hai lớp, ở giữa hai lớp bê tông cốt thép quét nhựa bitum 3 lớp kẹp giữa hai lớp giấy dầu. Với phương pháp thi công, qui trình thi công được giám sát không thể chê vào đâu được. Thế mà tiêu chuẩn chống thấm vẫn chưa đạt. Huống hồ gì cấu tạo của cái hồ "chứa bùn đỏ" kia, nghe mô tả mấy lớp các vị vừa tả, tôi thấy nổi gai ốc lên rồi. Nào là màng nilon, nào là đất sét, á sét, nào là cát đệm... Con người thi công nữa – chả lẽ chỉ vài người như ông Trạch ra thi công...?

Còn về độ bền vững của công trình, tôi xin mô tả cái bể chứa bùn khoan bị phá hủy như thế nào. Khi hoàn thành thi công, chỉ có vài cơn mưa đầu mùa đang còn nhỏ. Phía trong bể chỉ mới có khoảng 20 - 30cm nước ở dưới đáy. Trong khi đó, phía bên ngoài bể đã là một môi trường nước, do nước thấm vào đất chậm chậm, dần dần hình thành áp lực nước từ bên ngoài đã đẩy bung cả đáy lẫn thành bể – mà chúng tôi khi đó gọi là lực đẩy nổi. Sau này, khi thi công lần 3, bên thiết kế đã phải chia cắt thành 6 ô, chấp nhận giảm dung tích chứa để xây tường chống đẩy nổi, bể mới đứng vững.

Huống hồ cái hồ chứa bùn đỏ kia, vật liệu làm tường, làm đáy là đất nện, lại sâu tới 15 - 16 m, rộng 4-5 ha, với mấy lớp nilon chống thấm kia, tôi dám chắc, chỉ vài trận mưa đầu mùa, nó sẽ nổi đáy lên như mấy cái bánh đa nướng cho mà xem. Không tin, các vị cứ thử đi.

Còn ông Viện trưởng Viện Thiết kế Thủy lợi Miền Nam nữa: Động đất cấp 6-7 richter không phải là sàng - lắc để ông nói là đất càng lắc càng chặt! Mà phải nói về động đất là: đứt, gãy, là sụt lún, là thảm họa... Lại có ông nói là thiết kế bể chứa để đạt được động đất cấp 8 - 9 richter. Thật là hết biết các ông! Tranh ảnh các thảm họa này không thiếu – tôi từng được xem nhiều.

Với kinh nghiệm những gì đã trải qua trong hơn 30 năm làm nghề xây dựng, tôi đã ký tên vào Bản kiến nghị tạm dừng Dự án Khai thác bôxit Tây Nguyên.

Xin trình bày mấy ý kiến về một số bất trắc khi xây dựng hồ chứa mà bản thân đã từng gặp, cho những ai quan tâm biết thêm chút chút.

N. V. B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

"Bùn đỏ": Hãy cẩn trọng với lời hứa!

"Bùn đỏ": Hãy cẩn trọng với lời hứa!

Nguyễn Quang A




Lũ bùn ở Cao Bằng ngập nhà dân. Ảnh Bee


Có lẽ lần lũ bùn đỏ Cao Bằng này được báo chí quan tâm hơn chính vì sự lo ngại bùn đỏ Tây Nguyên. Và hãy cẩn trọng với các lời hứa.

Tai họa do vỡ đập hồ chứa bùn đỏ ở Hungary đã khiến dư luận hết sức quan tâm đến tai họa bùn đỏ có thể xảy ra ở Tây Nguyên do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) khai thác bauxite ở đó.

Rồi người ta lại thêm lo ngại khi báo chí đưa tin một công ty của TKV đã gây ra tai họa “bùn đỏ” ở Cao Bằng, cũng do vỡ đập chứa bùn gây ra lũ tràn khắp nhà dân và đồng ruộng.

May mắn hơn, bùn đỏ ở Cao Bằng là do khai thác quặng sắt chứ không phải quặng nhôm (bauxite); màu đỏ của bùn Cao Bằng nhạt hơn bùn đỏ bauxite vì hàm lượng oxit sắt ít hơn; bùn Cao Bằng không chứa xút như bùn đỏ từ khai thác bauxite; quy mô cũng nhỏ hơn ở Hungary.

Nhưng quang cảnh cũng khá giống cảnh xảy ra ở Hungary hơn một tháng trước. Người ta cũng nhận thấy những sự giống nhau giữa bùn đỏ do khai mỏ sắt và mỏ bauxite: tác hại do lũ bùn đỏ quặng sắt gây ra đối với tài sản của người dân và hoa màu thì chẳng kém bùn đỏ quặng nhôm; cũng là do các công ty khai khoáng gây ra; ở Cao Bằng cũng là TKV và ở Tây Nguyên cũng vậy.

Đáng báo động là người dân Cao Bằng cho rằng các vụ vỡ đập bùn đỏ như thế đã từng xảy ra, thậm chí công ty con của TKV còn lợi dụng lúc có lũ để “xả trộm” bùn đỏ. Có lẽ lần lũ bùn đỏ Cao Bằng này được báo chí quan tâm hơn chính vì sự lo ngại bùn đỏ Tây Nguyên.

Báo chí đưa tin TKV đã tổ chức một đoàn gồm các quan chức của Quốc hội, và của nhiều Bộ (tại sao lại do TKV tổ chức?) để tiến hành khảo sát tại thực địa.

Đại diện của TKV khẳng định “không tiếc tiền để đảm bảo an toàn” cho việc khai thác bauxite.

Xác suất của rủi ro (xảy ra tai họa bùn đỏ) không bao giờ có thể bằng không, cho nên dẫu có chi đến bao nhiêu cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cho nên nói “không tiếc tiền”, nhưng không nói rõ mức an toàn là thế nào chỉ khiến dư luận thêm băn khoăn.

Mức an toàn chấp nhận được phải được công khai (thí dụ, giả sử được đo bằng một con số 99,99% hay xác suất tai họa là 0,01%). Và để tăng mức an toàn lên (thí dụ, 99,999% hay giảm xác suất tai họa xuống 0,001%), mức kinh phí có thể tăng gấp nhiều lần chứ không phải tăng theo tỷ lệ và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Cho nên hãy cẩn trọng với các lời hứa như kiểu “sẽ đi tù” nếu xảy ra sự cố. (Nếu sự cố xảy ra sau 30-50 năm nữa thì khi đó người xung phong ấy liệu có còn trên đời để mà đi tù?).

N. Q. A

Nguồn: Beenet

Bùn đỏ... tâm có đen?............... Kỳ Duyên

Bùn đỏ... tâm có đen?

Kỳ Duyên



Bùn đỏ, Ảnh Dân trí

Chưa kịp tĩnh tâm sau sự cố bùn đỏ bô xít ở Hungary khiến không ít quốc gia bất an, ngày 8-11, SGTT đưa tin "Lũ bùn của TKV ập xuống Cao bằng" khiến xã hội cực kỳ lo ngại. Cơn lũ bùn là do đập chắn nước thải rửa quặng của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng (Tập đoàn Than- khoáng sản VN) đã bị vỡ, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống.

Cho dù theo các chuyên gia, bùn đỏ ở Cao Bằng là loại bùn đất tuy cũng có màu đỏ, nhưng thuật ngữ chuyên môn gọi là bùn thải đuôi quặng, không độc đến như bùn đỏ do khai thác bô xít. Thế nhưng, hậu quả của nó để lại vẫn hết sức nguy hiểm. Hàng ngàn mét khối bùn tràn ngập nhà cửa và đồng ruộng của dân.

Đem lũ bùn đi đâu và thu gom chúng bằng cách nào, bởi nếu không ô nhiễm chỗ này, thì sẽ ô nhiễm chỗ khác. Ở đâu cũng là người dân phải hứng chịu cả.

Trước chứng cứ "bùn đỏ cũng biết nói năng", xí nghiệp này đã phải thừa nhận, do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn cẩn thận nên móng đập đã bị thủng. Tuy nhiên, thông tin khác cho hay, đập bị vỡ do dưới đáy đập có một cống lớn, thực chất là dùng để xả thải trộm mỗi khi có mưa lũ hàng năm. Lượng bùn đất trong đập sẽ theo mưa lũ cuốn ra sông Bằng và con sông này sẽ cuốn đi mọi chứng cứ.

Được biết, xí nghiệp này đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì có hành vi xả thải trộm, không phải chỉ 1 lần mà tới 4 lần. Chính quyền biết không? Biết. Nhưng xả trộm vẫn hoàn xả trộm. Như trên đời này thích thú nhất là xả trộm !). Đến nỗi, tại kỳ họp Quốc hội năm nay, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH của tỉnh, ông Triệu Sỹ Lầu phải nói thẳng, để xảy ra lũ bùn, một phần do cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm còn doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận - "sống chết mặc bay, tiền xí nghiệp ông bỏ túi".

Câu chuyện bùn đỏ cuốn ra sông Bằng, khiến mọi người nhớ ngay đến vụ ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai) do Công ty Vedan xả trộm nước thải công nghiệp, đã từng làm bừng bừng phẫn nộ cả xã hội. Nhưng Vedan là công ty xứ người, có thể khác máu tanh lòng, vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe, sinh mệnh người dân Việt. Còn đây, xí nghiệp Việt, tập đoàn Việt, người cũng người Việt máu đỏ da vàng, mà sao lại bất chấp cả sinh mệnh, sức khỏe lẫn cuộc sống vốn nghèo khó của người dân?

Bùn thì đỏ, máu cũng đỏ mà tâm lại đen, còn nước mắt khổ đau của người dân thì mặn đắng.

Nghĩ trộm - chứ không phải xả trộm đâu nhá - nếu nay mai, 2 nhà máy khai thác bô xít ở Tây Nguyên hoạt động, và với cung cách "cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm còn doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận" thì sẽ ra sao nhỉ? Chả dám nghĩ tiếp...

Người Việt mình giống mọi dân tộc văn minh trên thế giới là chỉ sống với người mình yêu thương - một vợ một chồng. Đó là luật định.

Nhưng khác với các dân tộc văn minh khác, người Việt mình phải sống chung với nhiều thứ quá, toàn những thứ đáng sợ, đáng ghét: Sống chung với rác, sống chung với lũ, sống chung với bụi, sống chung với kẹt xe, và nay, sống chung với bùn đỏ.

Và đáng sợ nhất, đau khổ nhất là phải sống chung với sự quan liêu, sự vô cảm, sự ích kỷ của những người nhân danh có trách nhiệm.

Hay những thứ chung đó đã thành đặc thù riêng xã hội này?

Thế thì người dân biết trách ai đây? Hay chỉ biết trách phận?
K. D.

Nguồn: Tuanvietnam