"Bùn đỏ": Hãy cẩn trọng với lời hứa!
Nguyễn Quang A
Lũ bùn ở Cao Bằng ngập nhà dân. Ảnh Bee
Có lẽ lần lũ bùn đỏ Cao Bằng này được báo chí quan tâm hơn chính vì sự lo ngại bùn đỏ Tây Nguyên. Và hãy cẩn trọng với các lời hứa.
Tai họa do vỡ đập hồ chứa bùn đỏ ở Hungary đã khiến dư luận hết sức quan tâm đến tai họa bùn đỏ có thể xảy ra ở Tây Nguyên do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) khai thác bauxite ở đó.
Rồi người ta lại thêm lo ngại khi báo chí đưa tin một công ty của TKV đã gây ra tai họa “bùn đỏ” ở Cao Bằng, cũng do vỡ đập chứa bùn gây ra lũ tràn khắp nhà dân và đồng ruộng.
May mắn hơn, bùn đỏ ở Cao Bằng là do khai thác quặng sắt chứ không phải quặng nhôm (bauxite); màu đỏ của bùn Cao Bằng nhạt hơn bùn đỏ bauxite vì hàm lượng oxit sắt ít hơn; bùn Cao Bằng không chứa xút như bùn đỏ từ khai thác bauxite; quy mô cũng nhỏ hơn ở Hungary.
Nhưng quang cảnh cũng khá giống cảnh xảy ra ở Hungary hơn một tháng trước. Người ta cũng nhận thấy những sự giống nhau giữa bùn đỏ do khai mỏ sắt và mỏ bauxite: tác hại do lũ bùn đỏ quặng sắt gây ra đối với tài sản của người dân và hoa màu thì chẳng kém bùn đỏ quặng nhôm; cũng là do các công ty khai khoáng gây ra; ở Cao Bằng cũng là TKV và ở Tây Nguyên cũng vậy.
Đáng báo động là người dân Cao Bằng cho rằng các vụ vỡ đập bùn đỏ như thế đã từng xảy ra, thậm chí công ty con của TKV còn lợi dụng lúc có lũ để “xả trộm” bùn đỏ. Có lẽ lần lũ bùn đỏ Cao Bằng này được báo chí quan tâm hơn chính vì sự lo ngại bùn đỏ Tây Nguyên.
Báo chí đưa tin TKV đã tổ chức một đoàn gồm các quan chức của Quốc hội, và của nhiều Bộ (tại sao lại do TKV tổ chức?) để tiến hành khảo sát tại thực địa.
Đại diện của TKV khẳng định “không tiếc tiền để đảm bảo an toàn” cho việc khai thác bauxite.
Xác suất của rủi ro (xảy ra tai họa bùn đỏ) không bao giờ có thể bằng không, cho nên dẫu có chi đến bao nhiêu cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cho nên nói “không tiếc tiền”, nhưng không nói rõ mức an toàn là thế nào chỉ khiến dư luận thêm băn khoăn.
Mức an toàn chấp nhận được phải được công khai (thí dụ, giả sử được đo bằng một con số 99,99% hay xác suất tai họa là 0,01%). Và để tăng mức an toàn lên (thí dụ, 99,999% hay giảm xác suất tai họa xuống 0,001%), mức kinh phí có thể tăng gấp nhiều lần chứ không phải tăng theo tỷ lệ và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Cho nên hãy cẩn trọng với các lời hứa như kiểu “sẽ đi tù” nếu xảy ra sự cố. (Nếu sự cố xảy ra sau 30-50 năm nữa thì khi đó người xung phong ấy liệu có còn trên đời để mà đi tù?).
N. Q. A
Nguồn: Beenet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét