Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Chuyện dài lạm phát: Một bữa no

Kể từ hôm nhà nước XHCN này tăng giá điện, xăng dầu cũng nâng lên ngất ngưởng, kéo theo tất tần tật mọi thứ đều tăng, mấy thằng bạn hôm nay mới được “bữa ăn no”, mà mình cũng vậy thôi, thật hạnh phúc! Ăn mì tôm nhiều nên cứ thấy hao hao trong người, mụn nổ đầy mặt, và thân nhiệt thì vô cùng nóng. Thằng bạn thỉnh thoảng hay lẩm bẩm “thân nhiệt mình mà tự thiêu thì chắc là cháy rất lớn và lan tỏa rất rộng đây!”. Mới hơn 1 tháng không gặp bọn nó mà bây giờ trông đứa nào, đứa nấy cứ tiều tụy, suy dinh dưỡng hết cả một loạt. Mặt thì héo quắt, râu ria thì lởm chởm, tua tủa, đầu óc thì mơ hồ, mắt mũi thì xanh xao, sâu hoắm, tóc tai thì bù xù. Nói chung là như bệnh nhân nằm viện lâu ngày. Đời thằng thanh niên, sinh viên đang trai trẻ mà như ông cụ 80. Truy tìm nguyên do để hiểu cặn nguồn vì sao mà lại ra nông nỗi như vậy, đứa nào cũng nói rằng do đói quá thôi. Mà đứa nào cũng chịu thương chịu khó làm thêm ngoài giờ kiếm thêm chút đỉnh, ấy mà chẳng thắm vào đâu. Đúng là bão giá đánh vật con người ghê gớm thật.

4 thằng đàn ông gặp nhau trong thời bão giá, đứa học kinh tế, đứa làm tự do, đứa là thực tập sinh. Lần này 4 đứa gặp nhau ở nhà thằng bạn có công việc tự do, nhà nó có cái bếp ga du lịch nên có thể nấu ăn được, thường thì nó hay đi ăn cơm bụi. Chúng tôi đứa có ít, thằng có nhiều quyết định chạy ra chợ mua thực phẩm về nấu ăn một bữa cho “no cái bụng” hơn nữa lại tình cảm anh em. 4 Thằng góp lại được 50 nghìn đồng, nhưng hai đứa còn đang học thì không phải góp đồng nào, nói 4 thằng góp cho có tiếng chứ thằng đi làm tự do bao hết. Hí hửng cầm tiền ra chợ mua đồ ăn, tưởng là mua được nhiều. Mắt liếc cái gì cũng thèm thuồng muốn mua. Nào ngờ, tay đụng vào thực phẩm nào cũng bị “khựng lại”.

Tôi hỏi chị bán thịt lợn – chị bán cho em vài lạng thịt.

Mua bao nhiêu? 8 nghìn một lạng là rẻ nhất – chị bán thịt trả lời.

Tôi lại mặc cả – Thịt lợn những tới 8 nghìn cơ ạ, có loại nào rẻ hơn không chị ơi, hay chị bán rẻ cho bọn em, 6 nghìn được không ạ?

Chị bán thịt lợn chẳng thèm trả lời lại tung ra cái ánh mắt rất khinh khỉnh như kiểu xem chúng tôi là kẻ hành khất rách tướt mướt. Thôi đành chấp nhận cái giá vậy, lâu lắm không được ăn thịt. Chúng tôi quyết định mua một miếng, cân kéo lên tính giá trọn 30 nghìn đồng. Thế là còn 20 nghìn để mua thêm một số thứ rau quả. Ngày trước vật giá chưa tăng, cái Bắp Cải đắt lắm là 5 đến 6 nghìn, bây giờ lên tới 10 nghìn. Thấy tiền đã cạn, số còn lại đủ cho chúng tôi mua thêm được một ít “dưa muối”.

Vậy là 4 thằng đàn ông hôm nay có tiêu chuẩn ăn khá nhất. 3 lạng thịt lợn, một cái bắp cải, một ít dưa muối. Nấu nướng rồi quây quầy bên nhau ăn. Bắt đầu vừa ăn, vừa hàn huyên câu chuyện. Mỗi thằng được 3 lần lấy cơm, nồi đã trắng bong. Thịt cũng hết, rau cũng chẳng còn. Thằng nào ăn xong cũng có vẻ thỏa mãn, mặc dù ăn rau, rưa muối và húp nước canh là nhiều. Có thể đứa nào cũng còn thấy đói và thèm thuồng muốn ăn nữa.

Thằng học kinh tế buột miệng cười toe toét oang oang nói “hôm nay thấy ngon miệng và no thế, từ khi mọi thứ giá cả đều tăng toàn phải ăn mì tôm thay cơm chống đói”. Nghe vậy, cả 4 đứa nhao nhao, đứa nào cũng như muốn tuôn hết nỗi khó khăn, bỉ cực ra cho bỏ cái “bữa cơm no”.

Thằng đang đi thực tập ồn tồn nói “mày như thế còn sướng chán, tao nhiều hôm phải uống nước lã cầm hơi đây. Bây giờ đi thực tập nên gia đình chu cấp cũng eo hẹp, mà nhà lại nghèo nữa trong khi đấy thì giá cả tăng cao. Nhiều lúc nghĩ thật là không biết đời đi về đâu, vài tháng nữa ra trường không biết xin vào làm việc ở đâu, thất nghiệp thì tràn lan ra đó, mà có xin được việc không biết có đủ tiền lương mà sống trong thời buổi này không nữa, lương ba cọc ba đồng mà tiền thuế cá nhân phải nộp cho nhà nước lại cao”. Nó nói đến đấy rồi yên lặng, đứa nào cũng yên lặng. Mân cơm trước mặt còn đó sạch bóng kin kít cứ như được ai đó rửa rồi.

Thằng làm nghề tự do, việc gì nó cũng làm, đôi khi có tiền, đôi khi cũng mang trọng bệnh “viêm màng túi” vừa than thở vừa lên giây co tinh thần cho 4 đứa. Hắn ta nói “chúng mình đều xuất phát ở quê nghèo, bố mẹ đâu có tiền mà đã tần tảo nuôi bọn mình ăn học thế này là một công lao lớn. Bây giờ, đứa nào cũng trưởng thành, không may phải sống trong cái hoàn cảnh xã hội đớn đau nhất như thế này thì chịu khó gắng giữ mình không phạm tội lỗi gì với bố mẹ, với bạn bè và với xã hội là tốt lắm rồi. Cứ như tao đây này, có học vị thấp nhất trong 4 đứa, công việc cũng hôm có hôm không. Sống trong thời buổi vật giá leo thang, nhiều hôm ăn cơm bụi chỉ toàn là rau mà cũng mất 15, 20 nghìn rồi. Không chỉ có tao với bọn mày mà cả xã hội này đang là nạn nhân. Chúng mày học hành tốt hơn, hiểu biết xã hội cũng sâu rộng hơn tao, cố gắng sống và cống hiến sức mình để thay đổi cho chính mình, cho xã hội không phải chịu cảnh mãi ê chề như thế này được”.

Nó là thằng va chạm với xã hội nhiều hơn cả nên sự dạn dĩ của nó khiến cho chúng tôi phải lắng nghe. Cùng lúc đó, bà chủ nhà trọ đến “viếng thăm”. Một tháng đôi lần, bà đến rồi bà lại đi đem theo một số ít mồ hôi và nước mắt của chúng tôi, đổi lại chúng tôi có chỗ mà ngã lưng, tựa đầu.

Bà chủ nhà trọ trông thật là sang, sự sang trọng đúng kiểu của kẻ có tiền. Bão giá thời cuộc không thể vật lộn cái sang của bà ra khỏi người. Đầu tiên tôi tưởng bà đến thăm anh em chúng tôi vì lâu ngày mới thấy chúng hội tụ. Ai ngờ, hôm nay cũng đúng là ngày đến, tháng hết. Mình cứ hay thói tưởng bở! Bà đến lần nào cũng đem theo cuốn sổ tay, trông y như cán bộ dân vận, tuyên truyền đi xin ủng hộ quỹ phát triển đoàn, đảng, chi hội gì đấy.

Bà chủ trọ cất giọng thánh thót, chóng vánh – cháu ơi! Đến ngày nộp tiền rồi đấy!

Bà chủ trọ nói thêm – à, cháu biết đấy, mọi thứ đều tăng giá nên tháng này cháu phải nộp thêm tiền điện, tiền nước nhé. Nhà nước tăng giá điện, nên bác cũng phải tăng, ở các nơi khác họ thu 4 nghìn một số cơ đấy (4 nghìn/ 1 KW), tiền nước cũng tăng lên gấp rưỡi rồi, mười mấy nghìn một khối nước đấy. Tháng này cháu mất 200 nghìn tiền điện, và 95 tiền nước.

Bà chủ nhà trọ giải thích một hôi một hồi, thằng bạn mở ví ra và trao tiền cho bà. Nó biết là ngày giờ nộp tiền đã đến và giá cả nhà trọ cũng tăng nên tích trữ cũng vừa đủ, chứ nếu không có mà đưa luôn là dễ bị ra đường đi lang thang lắm. Khi ra về bà chủ trọ nhắn lại một câu có thể khiến cho nó lại lo sốt vó suốt tháng.

Bà chủ bước đi rồi rồi quay lại nói vọng vào “tháng sau bác sẽ tăng tiền nhà đấy nhé, thêm 2 trăm nghìn nữa đấy”!

Mấy thằng được bữa no, rồi lại tiếp tục chìm vào cảnh “bụng sôi ầm ầm suốt đêm thôi”.

Hà Nội 08/03/2011
Châu Ngọc

Đường sắt Nhật Bản – “ốc vẫn chưa lo nổi mình ốc…”!

TS. Trần Đình Bá

Hội Kinh tế và Vận tải ĐSVN

Đến nay, Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN và Viện Quy hoạch Bộ GTVT vẫn đang ở trong “giấc mơ sâu” về 2 tuyến ĐSCT Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội vẽ nên. Thực chất về “nghiên cứu sâu” ĐSCT là như thế nào? BVN xin giới thiệu bài viết của TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải ĐSVN, phân tích về lòng hào hiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang “lo nghiên cứu ĐSCT cho Việt Nam”.

Để phục vụ cho Thế vận hội mùa hè 1964, Nhật Bản đã xây dựng các tuyến ĐSCT kết nối các thành phố lớn, đông dân như Tokyo, Osaka… Đó là những đại đô thị phát triển công nghiệp có trên 3 triệu dân, nơi diễn ra các cuộc thi đấu, nhờ vậy các dự án đó đã thành công cùng Thế vận hội. Hình ảnh đoàn tàu cao tốc shikansen chạy dưới chân ngọn núi Phú Sĩ trở thành biểu tượng của nước Nhật hùng cường đứng thứ nhì thế giới về kinh tế và là cường quốc về công nghệ và kỹ thuật ứng dụng.

Thế nhưng phía sau hào quang chói lọi đó là cả một mảng tối mà chỉ sau khi xảy ra sự cố, cả nước Nhật mới bàng hoàng bừng tỉnh và thế giới mới biết rõ về những “kỷ lục” của ĐS Nhật Bản!

Niềm kiêu hãnh từ những đoàn tàu “mang hình viên đạn”!

Trên đống tro tàn của chiến tranh do tham vọng phát xít mà mình gây nên, nước Nhật bại trận, cay đắng hổ thẹn lặng lẽ xây lại ngôi nhà của chính mình. Họ đã nổ lực không mệt mỏi, làm được điều kỳ diệu, trở thành cường quốc có nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới với những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu từ phát minh của các nhà bác học trên thế giới để thành công về công nghệ ứng dụng bán dẫn, vi mạch, đường sắt cao tốc, ô tô, xe máy...

Những đoàn tàu shikansen mang hình viên đạn xé gió trên mặt đất trở thành niềm kiêu hãnh tự hào của họ, và các thập niên qua vẫn luôn dẫn đầu về kỷ lục tốc độ, vượt các công nghệ đường sắt cao tốc như TGV của Pháp, KTX của Đức. Nhiều vị nguyên thủ nước ngoài khi đến Tokyo được đón tiếp nồng hậu, được đi tàu shikansen để tạo được cảm giác mạnh và tìm đối tác kinh tế ngay trên chính trường ngoại giao. Đường sắt Nhật Bản đã khai thác mọi cơ hội để quảng bá, giành những hợp đồng xây dựng lớn, chuyển giao và bán các thiết bị công nghệ ĐS cao tốc ra nước ngoài.

Nhật Bản có các tuyến ĐSCT như Tohoku, Joetsu, Nagano, Yamagata, Akita… nối các đại đô thị công nghiệp đều trên 3 triệu dân. Loại tàu hỏa này giống như địa phi cơ, kết nối nhanh theo những tuyến hành trình định sẵn, tiết kiệm thời gian khi làm thủ tục lên xuống tàu do chỉ chở hành khách kèm theo hành lý xách tay nhẹ nhàng, không có thủ tục ký gữi và giao nhận hành lý như đi máy bay. Theo nhận xét của các quan chức ĐS Nhật Bản, trong 5 tuyến ĐSCT thì chỉ có Tokyo-Osaka được cho là có lãi, còn lại đều lỗ nặng.

Người dân Nhật Bản nhiều thập niên qua vẫn luôn luôn tự hào về hệ thống giao thông đường sắt của mình là tốt nhất, ưu việt nhất thế giới!

Mảng tối phát lộ và hiệu ứng domino sau thảm họa quốc gia

Vào lúc 9 giờ 20 phút ngày 25/4/2005, tại tỉnh Hyohgo (gần Osaka) trên tuyến JR Fukuchiyama, đoạn giữa hai ga Tsukaguchi - Amagasaki, một đoàn tàu nhanh 7 toa đã bị trật khỏi đường ray khi chạy ở tốc độ 70 km/h. Từ toa số 1 tới toa số 3 bị quay ngang, vượt khỏi hàng rào an toàn, đầu tàu lao vào một toà nhà chung cư và bị phá hủy nặng. Tai nạn thảm khốc làm 80 người chết và hơn 500 người bị thương, Chính phủ Nhật Bản phải tuyên bố quốc tang tưởng nhớ người bị nạn. Sau đó không lâu, ngày 25/12/2005, lại một đoàn tàu 6 toa lại bị lật nhào làm 4 người chết và 33 người bị thương khi chạy với tốc độ 90 km/h. Cả nước Nhật lại một phen nữa bàng hoàng cay đắng, giới quan chức ĐS họp báo tuyên bố đây chỉ là “sự cố hy hữu” do đoàn tàu chạy trong bão tuyết khắc nghiệt.



Ảnh: Vụ thảm họa ĐS tại Nhật ngày 25/4/2005 trên ĐS khổ 1,067 mét tốc độ 70 km/h. Nguồn: Internet.



Ảnh: Vụ lật tàu tại Nhật Bản trên đường sắt 1,067 mét tốc độ 90 km/h ngày 25/12/2005. Nguồn: Internet.

Một câu hỏi lớn đặt ra, tại sao tàu hỏa cao tốc Nhật Bản giành kỷ lục thế giới với tốc độ trên 300 km/h mà lại bị lật khi chỉ chạy ở tốc độ khiêm tốn 70 - 90 km/h?

Điều tra cho thấy: cả hai vụ lật tàu làm gần 100 người chết và 500 người bị thương đều xảy tra trên hệ thống ĐS quốc gia khổ 1,067 mét có từ thời Nhật hoàng Minh trị những năm 1860, sau này đã được tập đoàn ĐS Nhật Bản kiên cố hóa bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực được gọi là “tiêu chuẩn Nhật Bản”.

Người Nhật luôn tự hào về hệ thống 27.000 km đường sắt tốt nhất thế giới. Khi biết được mạng lưới ĐS khổ hẹp 1,067 mét đồ cổ có từ thời Minh trị Thiên Hoàng vẫn chiếm 93% tổng số chiều dài ĐS quốc nội, hàng chục triệu dân hàng ngày vẫn phải đi lại, đặt số phận của mình lên đó, người dân Nhật Bản phẫn nộ đặt câu hỏi: Tại sao Nhật Bản là cường quốc về kinh tế, về khoa học công nghệ lại có ĐS khổ hẹp với chiều dài ĐS nhiều nhất hành tinh này!?

Giới quan chức ĐS Nhật Bản không sao giải thích, biện minh nổi cho sự trì trệ lạc hậu của chính mình, Chủ tịch ĐS Nhật Bản đã phải từ chức trước áp lực của dư luận!

Người Nhật với 120 triệu dân đã phải chính thức ôm nổi nhục tụt hậu ĐS từ đó.

Sóng gió sau thảm họa ĐS năm 2005 phủ vận đen lên chính trường Nhật Bản và tác động gây hiệu ứng domino. Nhân dân mất lòng tin vào Chính phủ vì họ không thể biết được cho đến bao giờ mới hiện đại được hệ thống ĐS khổng lồ 24.000 km khổ đường 1,067 mét này, và liệu quá trình sử dụng nó có thoát khỏi được những sự cố tương tự như 2 vụ liên tiếp trong năm 2005. Để mở rộng và hiện đại 93% chiều dài ĐS quốc nội lạc hậu đó không dễ, vì tốn gần trăm tỷ USD khi mà nợ công của Chính phủ đã vượt trên 208 % GD, có nguy cơ vỡ nợ trở thành một Hy Lạp thứ hai.

Từ sau thảm họa ĐS năm 2005 đó đến nay, các đảng đối lập liên tiếp chỉ trích sai lầm của nhau, do suy thoái kinh tế cùng các vấn đề quốc nội, bình quân cứ 8 tháng Nhật Bản lại có một Thủ tướng mới, đây là kỷ lục mới nhất trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại.

“Ốc chưa lo nổi mình ốc” thì lấy đâu cao tốc cho VN!

Chính phủ cũng như quan chức về giao thông Nhật Bản đang chịu sức ép nặng nề của dư luận trong nước vì hệ thống ĐS lạc hậu nhất thế giới. Vậy mà Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản tại VN (JICA) lại lạc quan đến mức lãng mạn vĩ đại, vẽ ra cho Việt Nam tuyến ĐSCT 1570 km dài nhất thế giới với chi phí 56 tỷ USD bằng “tiền của Chính phủ Nhật Bản mà không động gì đến tiền của nhân dân Việt Nam”.

Các tuyên bố của “Người phát ngôn” Bộ GTVT Việt Nam cũng như của các chính khách Nhật Bản khi đến VN, hết đợt này đến đợt khác vẫn không ngừng lặp đi lặp lại nội dung “Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam làm đường bộ cao tốc và ĐS cao tốc Bắc Nam”. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng thì quyết tâm “làm ĐSCT để đi thẳng vào hiện đại…”; Tiến sĩ Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Hữu Bằng thì “Tôi tư duy đi tắt đón đầu…, chỉ cần quốc hội nhất trí thông qua là được còn hiệu quả kinh tế thì chưa cần tình đến…”; Tiến sĩ Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý giao thông - Bộ GTVT Khuất Việt Hùng, người phát ngôn chính thức của Bộ GTVT thì hùng hồn hiệu triệu toàn dân: “…Nước Mỹ đang phải cay đắng nhận ra kỷ nguyên đường bộ cao tốc đã kết thúc… Quốc hội nên quyết ngay chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam… Đối với một dự án lớn thế này phải có một tinh thần như tinh thần giải phóng dân tộc… Với tôi, nếu Quốc hội duyệt thì vui còn không thì buồn nhưng điều quan trọng nhất là các Đại biểu phải quyết với chính cái tâm và trách nhiệm của họ. Tôi mong Quốc hội sẽ thông qua nhưng mong đợi lớn lao hơn cả là Đại biểu làm tròn trách nhiệm được nhân dân giao”, “…chưa thông qua chứ không phải bác”, “…Bộ GTVT đang “nghiên cứu sâu” ĐSCT để trình quốc hội…”.

Nhật Bản siêu cường đang chấp nhận ôm hận trước cả một hệ thống ĐS khổ hẹp 1,067 m lạc hậu nhất thế giới để “nhiệt tình” giúp Việt Nam giành kỷ lục đứng đầu thế giới về ĐSCT? Chuyện cứ mơ mơ, thực thực giống như ngụ ngôn “chạch đẻ ngọn đa”!

Khi vừa lên nhậm chức, Thủ tướng Naoto Kan đã cảnh báo người dân Nhật chớ lạc quan tếu, công nợ của quốc gia giàu có thứ nhì thế giới đã vượt ngưỡng 208 % GDP, nếu không có những cải tổ thì sẽ nguy cơ vỡ nợ trở thành Hy Lạp thứ hai. Cho đến nay Thủ tướng Kan vẫn đang trên “ghế nóng” nhấp nhổm giữa việc ngồi lại hay phải ra đi sau nhiều vị Thủ tướng tiền nhiệm mang theo lời hứa tốt đẹp “Chính phủ Nhật sẽ giúp VN làm đường bộ cao tốc Bắc Nam và làm ĐSCT Bắc Nam…”.

Không hiểu vì sao người Nhật nhiệt tình quan tâm giúp Việt Nam làm ĐSCT đến thế? Lòng tốt dù có thành tâm đến mấy cũng làm cho người hàm ơn áy náy. Nước Nhật đâu phải là thiên đường hay niết bàn! Trên những nhà ga xe lửa của họ vẫn còn những người dân vô gia cư hàng đêm phải thu mình ngủ trong những thùng giấy dưới cái lạnh băng tuyết. Thử hỏi siêu dự án ĐSCT tại VN 56 tỷ USD có vượt quá sức tưởng tượng của những người Nhật đó không, khi hệ thống ĐS Nhật Bản vẫn đang lạc hậu nhất thế giới?

“Ốc chưa lo nổi mình ốc…” thì làm sao lại “lo được đường sắt cao tốc cho Việt Nam” hỡi các chuyên gia Nhóm hợp tác quốc tế Nhật Bản tại VN (JICA) và các Tiến sĩ ở Bộ GTVT Việt Nam đang tham gia vẽ nên các dự án ĐSCT?!

Chuyện ĐSCT nói dài, nói dai, phán bừa vô tội vạ đã làm mất hết tính nghiêm túc của “Người phát ngôn Bộ GTVT” trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân!

Người VN thường khuyên nhau “đừng thấy người ta ăn khoai mà vội vác mai đi đào” để không biến mình thành kẻ tôi đòi đến mức kệch cởm trơ trẽn. Giữa biển lớn hội nhập và hội chợ phù hoa đầy sắc màu sặc sỡ, vàng thau lẫn lộn, người Việt Nam cần có lòng tự trọng để nhận ra những điều thực tế hơn để khỏi phải vừa “mang ơn” vừa bị mắc vào chiếc bẩy nợ nần đổ lên đầu các thế hệ con cháu như chuyện “chiếc tàu Vinashin”!

Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Tiến sĩ Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Hữu Bằng và Tiến sĩ Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý giao thông - Bộ GTVT Khuất Việt Hùng phải qua cơn “mê sâu” để quay về với hệ thống 3200 km ĐS quốc gia của chính mình.

Hãy yêu Đường sắt quốc gia,

Dày công hiện đại “ao nhà” vẫn hơn!

T. Đ. B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Đập thủy điện Trung Quốc: Lợi bất cập hại

Đập Tử Bình Bạc được coi là thủ phạm gây nên trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

(Ảnh: Internationalrivers.org)


Dưới sức ép cắt giảm khí thải, Trung Quốc đang mạo hiểm đánh đổi hệ sinh thái sông và các điểm nóng đa dạng của mình lấy các đập thủy điện - Đó là ý kiến của ông Peter Bosshard, giám đốc chính sách của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế trong một bài viết đăng trên tờ Guardian mới đây, xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 2007, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia phát thải lớn nhất thế giới. Kể từ đó, không chỉ Châu Âu và Mỹ mà ngay cả các quốc gia đang phát triển cũng như Liên minh các quốc đảo nhỏ đều gây sức ép buộc Bắc Kinh thực thi các biện pháp cắt giảm khí thải.

Trước sức ép đó, năm 2009 tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu Copenhagen, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm cường độ carbon (carbon intensity) – lượng khí thải tính trên mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế - ít nhất 40% đến năm 2020. Và mục tiêu đầy tham vọng này đã trở thành ưu tiên chính trị quan trọng nhất của chính phủ Trung Quốc. Bản dự thảo kế hoạch phát triển 5 năm được Quốc hội Trung Quốc thảo luận tới đây cũng sẽ có nội dung thuế môi trường và các giải pháp cắt giảm carbon khác.

Kế hoạch 5 năm này sẽ bao gồm các nỗ lực riết ráo xây đập thủy điện, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nếu được thông qua, kế hoạch cắt giảm khí thải này có thể sẽ mang lại cho Trung Quốc những hệ lụy không mong muốn. Nó có thể phá hủy mãi mãi các dòng sông lớn của Trung Quốc và các điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng của thế giới.

Chỉ tính đến nay Trung Quốc đã có nhiều đập thủy điện trên lãnh thổ của mình hơn bất cứ quốc gia nào khác. Và chính Trung Quốc cũng đã phải trả giá đắt cho sự phát triển này. Các con đập của Trung Quốc ước tính đã khiến 23 triệu người phải di dời chỗ ở. Sự cố nứt vỡ đập ở đất nước này với hồ sơ an toàn tệ hại nhất thế giới đã giết hại chừng 300 000 người. Các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng chính con đập Tử Bình Bạc (Zipingpu Dam) của Trung Quốc đã gây nên trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008. Các đập nước đồng thời là thủ phạm gây nên sự mất mát lớn về đa dạng sinh học của Trung Quốc và là nguyên nhân đẩy các loài thủy sinh quý hiếm tới nạn tuyệt chủng, như Cá heo sông Dương Tử.

Nằm trong mục tiêu cắt giảm carbon, chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch thông qua các dự án thủy điện mới với tổng công suất lên tới 140 GW trong 5 năm tới. Trong khi đó, Brazin, Mỹ và Canada mỗi nước chỉ có khoảng 75 đến 85 GW công suất thủy điện trong suốt cả lịch sử phát triển của mình. Để đạt được kế hoạch này Trung Quốc sẽ phải xây nhiều bậc thang thủy điện trên nhiều con sông phía Tây Nam Trung Quốc và Cao nguyên Tây Tạng, khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số, với hệ sinh thái mỏng manh, giàu có về đa dạng sinh học và có nhiều hoạt động địa chấn.

Chưa hết, như báo hiệu cho một xu hướng mới, chính phủ Trung Quốc gần đây còn tuyên bố có thể sẽ cho phép xây các đập thủy điện trên con sông Nộ Giang (cách người Trung Quốc gọi con sông Salween trên phần lãnh thổ của mình) – dòng sông ban sơ nằm ở trung tâm của một Di sản Thế giới. Chính phủ Trung Quốc cũng đã đồng ý thu hẹp lại khu dự trữ thủy sản quan trọng nhất trên sông Dương tử, vì thế một kế hoạch thủy điện mới có thể sẽ được khởi động tại đây.

Vô số các đập thủy điện khác cũng đang được các chính quyền địa phương cấp tỉnh và các công ty năng lượng nhà nước của Trung Quốc triển khai. Trước kia, những đơn vị này thường được giám sát bởi các nhà hoạt động môi trường, báo chí và các quan chức chính phủ - cầu nối đưa tiếng nói và nguyện vọng của người dân đến với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Song điều này đã thay đổi kể từ Hội nghị Copenhagen. Các áp lực quốc tế về hạn chế khí thải nhà kính hiện nay là nhân tố quan trọng duy nhất đằng sau việc đẩy mạnh phát triển thủy điện của Trung Quốc.

Vẫn biết biến đổi khí hậu là mối đe dọa môi trường nghiêm trọng nhất mà thế hệ chúng ta đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế nên đối phó với mối đe dọa này theo cách thức toàn diện, không vì thoát khỏi tai ương này mà đẩy tương lai của Trái đất đến gần các thách thức khác. Thế giới đang mất đa dạng sinh học ở mức báo động. Và chính các dòng sông, hồ nước và đầm lầy lại đang phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng hơn bất cứ hệ sinh thái nào khác. Trong khi đó, chính vì xây đập và các tác nhân khác, dân số các loài thủy sinh đã suy giảm một nửa kể từ năm 1970 đến 2000 và hơn 1/3 các loài cá nước ngọt đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đúng như lời của Chủ tịch Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc cảnh báo năm ngoái, sẽ thật ngạo mạn nếu cho rằng nhân loại có thể sống sót mà không cần tới đa dạng sinh học. Nếu giảm khí thải bằng cách tăng nguy cơ cho đa dạng sinh học, thì chẳng khác nào chúng ta hy sinh động mạnh chủ để cứu lấy lá phổi của hành tinh này. Trung Quốc không chỉ có bổn phận về mặt đạo đức phải tham gia vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, đất nước này còn có nghĩa vụ bảo vệ hệ sinh thái theo Công ước về Đa dạng Sinh học.

Cuối cùng, Trung Quốc xứng đáng được ghi nhận vì nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính trên đầu người ở mức thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp. Song, các nhà lãnh đạo thế giới cần cho chính phủ Trung Quốc biết rằng họ không muốn Trung Quốc phá hủy các dòng sông và đa dạng sinh học mà họ đang hết lòng gìn giữ để đạt được các mục tiêu carbon đầy tham vọng của Trung Quốc.

Bạch Dương (theo Guardian, 04/03/2011)

Nguồn: Thiennhien.net

Mạnh tay với giao dịch USD trái phép

TT - Sau Hà Nội, từ chiều 8-3 thị trường ngoại tệ tại TP.HCM cũng đột ngột ngừng giao dịch công khai nhằm tránh sự kiểm tra gắt gao. Trong khi đó, các cơ quan quản lý khẳng định sẽ mạnh tay hơn với các trường hợp giao dịch USD trái phép.

Trung tâm vàng bạc đá quý tại số 178-180 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) đóng cửa lúc 16g ngày 8-3 với lý do “nghỉ lễ”. Nhiều cửa hàng vàng khác cũng xua tay khi có khách hỏi mua USD.

Rút vào bí mật

Ghi nhận của Tuổi Trẻ lúc 16g ngày 8-3, dù trung tâm giao dịch vàng bạc này đã đóng cửa và tắt điện nhưng vẫn liên tục có khách ghé vào. Đa số khách hàng đều tỏ ra ngơ ngác vì thông thường trung tâm này giao dịch đến hơn 19g mới nghỉ. Nhiều người đã ghé vào các cửa hàng vàng bạc bên cạnh hỏi thông tin mới vỡ lẽ nhiều tiệm vàng đang né đợt kiểm tra mua bán ngoại tệ trái phép từ các cơ quan chức năng.

Anh Tuấn (quận 1) cho biết ngày thường vẫn mua bán USD với các tiệm vàng trong trung tâm này nhưng chiều 8-3 anh điện thoại theo số điện thoại bàn không thấy nhấc máy. Anh ra tận nơi tìm hiểu mới biết nhiều tiệm vàng lân cận chỉ còn giao dịch vàng, ngừng hẳn hoạt động mua bán USD.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số tiệm vàng ở cửa tây chợ Bến Thành (quận 1) cho thấy hoạt động giao dịch USD chỉ “án binh” ở bề nổi, chuyển sang giao dịch ngầm nhằm né sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhân viên một tiệm vàng cho biết mấy ngày gần đây cơ quan chức năng đang vào cuộc thanh tra, kiểm tra gắt gao hoạt động thu đổi ngoại tệ nên các tiệm vàng không dám công khai như trước.

Sẽ khởi tố nếu giao dịch USD trái phép giá trị cao

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết theo quy định đã có từ nhiều năm qua, người dân có quyền được sở hữu ngoại tệ nhưng chỉ được bán ngoại tệ tại những nơi quy định như chi nhánh hoặc các phòng giao dịch của NH, hoặc các quầy thu đổi được NH Nhà nước cấp phép. Ngoài các chi nhánh và phòng giao dịch NH, trên địa bàn TP.HCM hiện có 75 đại lý thu đổi ngoại tệ chủ yếu đặt tại khách sạn 3 sao trở lên, siêu thị, văn phòng bán vé hàng không nước ngoài, sân bay, các trung tâm thương mại...

Hiện chỉ có một vài tiệm vàng đồng thời là đại lý thu đổi, nghĩa là có quyền mua ngoại tệ của người dân nhưng không được quyền bán ngoại tệ. Còn lại các tiệm vàng khác đều không được cấp phép kinh doanh ngoại tệ, do vậy trong trường hợp giao dịch với các điểm mua bán ngoại tệ không có giấy phép sẽ chịu rủi ro nếu bị cơ quan chức năng phát hiện. NH Nhà nước đang phối hợp với lực lượng công an vào cuộc với quyết tâm cao độ để chấn chỉnh hoạt động mua bán USD tại thị trường tự do. Lần này việc kiểm tra sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục và đảm bảo yếu tố bảo mật, bất ngờ. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ mở đợt thanh tra, kiểm tra mỗi ba tuần hoặc nửa tháng thay vì hằng tháng như trước.

Đáng lưu ý, quy trình xử lý vi phạm sẽ mạnh tay hơn. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính 57,5 triệu đồng trên mỗi trường hợp vi phạm, nơi này cũng đang kiến nghị cho phép tịch thu tang vật để tăng mức độ răn đe.

Từ đầu năm đến nay, NH Nhà nước TP.HCM đã phát hiện và kiến nghị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt chín trường hợp tiệm vàng mua bán ngoại tệ trái phép với tổng số tiền 517,5 triệu đồng. Riêng Chi cục Quản lý thị trường phạt tiền 25 triệu đồng với cửa hàng linh kiện máy tính tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức vì niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ.

Cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường sẽ mạnh tay hơn. Theo đó, những trường hợp tiệm vàng mua bán USD trái phép với giá trị từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị khởi tố. Nếu đã bị xử phạt mà tái phạm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh...

Phải đi từ gốc

Ông Minh cho biết theo quy định, người có nhu cầu USD hợp pháp (đi nước ngoài chữa bệnh, du học...) có thể đem những giấy tờ hợp pháp đến các chi nhánh NH yêu cầu mua USD. Ngược lại, người muốn bán USD có thể bán cho NH. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thực tế một bộ phận người dân có nhu cầu hợp pháp khó mua tại các NH. Người có USD cũng không mặn mà bán cho NH do giá cả thấp hơn thị trường tự do. Những đợt thanh tra, kiểm tra trước đây tình hình mua bán ngoại tệ tại thị trường chợ đen chỉ lắng xuống, sau đó trở lại như cũ.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành, song song với các biện pháp hành chính, trong đó vai trò của NH Nhà nước trong việc ra những giải pháp căn cơ, dài hạn cho thị trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn thị trường ngoại tệ. Thời gian qua việc quản lý thị trường ngoại tệ gần như bị buông lỏng, thói quen giao dịch, cất giữ USD trở thành tập quán của người dân. Do vậy chấn chỉnh thị trường tự do phải đi từ các giải pháp kinh tế như việc chống nạn USD hai giá, tăng tiềm lực NH trong việc giải quyết những nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân như chữa bệnh, du học, du lịch...Việc ngăn chặn giao dịch USD trái phép cũng cần có lộ trình, song song đó là giữ ổn định giá trị tiền đồng.

Hà Nội: thị trường tự do hạn chế mua bán USD

Ngày 8-3, nhiều cửa hàng vàng bạc lớn tại Hà Nội ngừng mua bán USD tiền mặt. Ghi nhận từ một số cửa hàng vàng bạc lớn trên phố Trần Nhân Tông cho thấy mặc dù khách đến hỏi mua, bán USD khá nhiều nhưng nhân viên cửa hàng từ chối giao dịch.

Tại cửa hàng vàng bạc Bảo Tín Minh Châu (phố Trần Nhân Tông), các giao dịch liên quan đến vàng bạc vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

Tại phố Hà Trung, nơi tập trung nhiều điểm mua bán USD tiền mặt tự do lâu nay của Hà Nội, qua khảo sát thấy có giao dịch nhưng hạn chế hơn trước đây, giá mua vào khoảng 21.580 đồng/USD và bán ra khoảng 21.640 đồng/USD. Theo nhân viên một điểm mua bán ngoại tệ trên phố Hà Trung, có việc cơ quan chức năng của Nhà nước đi kiểm tra nên họ phải hạn chế giao dịch.

PH.PHƯƠN

Sợ vàng miếng, nhà đầu tư chuyển hướng tích trữ nữ trang

Nhiều người đang tính chuyện mua nữ trang chất lượng cao để tích trữ và bảo toàn tài sản, do lo ngại vàng miếng có thể bị cấm mua bán tự do. Một số doanh nghiệp cũng nắm bắt được nhu cầu này và tung ra sản phẩm phù hợp.
> Đôla tự do làm khó thị trường vàng


Nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển từ vàng miếng sang vàng trang sức do tác động của thông tin cấm mua bán vàng miếng trên thị trường tự do. Ảnh: Tuệ Minh
Anh Long, nhân viên một cửa hàng kinh doanh vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) tiết lộ, từ khi có thông tin cấm mua bán vàng miếng trên thị trường tự do, giao dịch mặt hàng này giảm hẳn về lượng. Trước kia tại cửa hàng nhà anh, đại bộ phận những người đầu tư đều hỏi mua vàng rồng của SJC, người có ít tiền thì mua theo chỉ, người nhiều tiền thì mua theo lượng. Thậm chí, chấp nhận trả phí, có khách còn đem vàng trang sức đến để gia công thành vàng miếng vì bán loại này sẽ được giá hơn dây chuyền, nhẫn.

Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay, bắt đầu có nhiều người chuyển hướng sang mua vàng trang sức chất lượng cao, cụ thể là loại nhẫn trơn gia công từ vàng 9999 hay 999. Nguyên nhân được nhiều chủ hàng kinh doanh vàng tiết lộ là nhà đầu tư e ngại về độ an toàn khi trữ vàng miếng, trước thông tin thị mặt hàng này bị siết chặt quản lý trên thị trường tự do.

Chị Tuyết, một nhân viên cửa hàng vàng tại phố Trần Nhân Tông kể, cách đây khoảng một tuần, có người ghé cửa hàng chị mua một lúc 20 cái nhẫn trơn loại 1,5 chỉ để tích trữ vì sợ mua vàng miếng sau này sẽ khó bán. Còn những khách hàng lẻ tẻ đến mua nhẫn trơn và dây chuyền với số lượng một vài chỉ trở lên trong những ngày gần đây thì chị không nhớ hết.

Anh Thành, nhân viên bán hàng một cửa hàng vàng bạc đá quý trên phố Hàng Bạc cũng cho hay, cả tuần nay, cửa hàng không nhập thêm vàng miếng, vì mặt hàng này bán chậm. Theo anh Thành, nhu cầu của khách hàng về các loại trang sức làm từ vàng như dây chuyền, nhẫn trơn mới là thông tin được nhiều cửa hàng kinh doanh thứ kim loại quý này quan tâm.

Trao đổi với VnExpress.net chiều qua, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cũng cho biết doanh số bán nữ trang chất lượng cao trong hệ thống đang tăng mạnh. SJC Hà Nội (một đơn vị thuộc DOJI) lâu nay có sản xuất bộ nhẫn trơn, lắc hoặc vòng cổ làm từ vàng 9999, trước chỉ bán chạy khi vào mùa cưới, lễ hội. Nhưng vài tuần gần đây, dù là lúc thấp điểm bán nữ trang, doanh số bán các loại sản phẩm này tăng mạnh, trung bình mỗi ngày đạt 150-200 lượng.

Ông Phú cho biết thêm, DOJI có chủ trương bán các sản phẩm này nguyên giá vàng miếng và tính thêm chi phí chế tác. Chẳng hạn một chiếc nhẫn trơn 5 chỉ, ngoài giá bán theo vàng miếng 9999, người mua phải trả thêm 20.000 đồng, còn loại nhẫn 1 chỉ, phí tính thêm là 10.000 đồng. Khi khách hàng bán lại sản phẩm đó, vẫn được tính theo giá vàng miếng vào thời điểm bán. Nếu sản phẩm còn mới, khách hàng sẽ được hỗ trợ một phần phí gia công đã bỏ ra.


Kiềng, lắc và nhẫn trơn là những mặt hàng bán chạy tại nhiều cửa hàng vàng bạc thời điểm này. Ảnh: Tuệ Minh
Trên thực tế, giá bán vàng trang sức trên thị trường tự do bắt đầu tăng và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các điểm bán. Tại phố Hà Trung, giá vàng 9999 được hầu hết các cửa hàng bán ra ở mức 37,70 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên phố Hàng Bạc lại phát giá nhẫn vàng trơn 9999 là 37,90 triệu đồng một lượng bán ra.

Nhận định nhu cầu bán chốt lời không nhiều, một số cửa hàng đã từ chối giao dịch vàng trang sức. Nhân viên một cửa hàng vàng bạc ở cuối phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, vì giá vàng đang tụt giảm so với những ngày trước đó, nên nhu cầu mua vào sẽ nhiều hơn bán ra.

Tuy nhiên, theo chị Thúy ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một nhà đầu tư có kinh nghiệm, thì rõ ràng việc ngưng giao dịch vàng trang sức của một số cửa hàng nói trên là động thái găm hàng, chờ giá vàng lên để đầu cơ.

Theo bác Hữu, nhà ở phố Khâm Thiên, có kinh nghiệm mua vàng trên thị trường tự do, thì người mua nên cảnh giác khi mua trang sức tại các cửa hàng tư nhân. Bác chia sẻ, vì vàng trang sức, đặc biệt là các loại nhẫn trơn, là vàng được gia công, nên nếu không có kinh nghiệm thì rất khó xác định tuổi vàng. Mà tuổi vàng chính là một trong những tiêu chí quyết định chất lượng cũng như giá trị của vàng trang sức.

Một nhân viên chế tác vàng có kinh nghiệm trên phố Phùng Hưng, Hà Nội cũng chia sẻ, tuổi vàng có thể bị “phù phép” trong quá trình chế tác. Theo anh này, cũng có những thủ thuật nhất định để xác định tuổi thật của vàng, tuy nhiên, chỉ có người trong nghề mới biết được. Đồng thời, người chế tác cũng có thể dùng mánh để pha trộn thêm tạp chất vào vàng nguyên chất và hạ thấp tuổi vàng.

Do đó, lời khuyên anh dành cho các nhà đầu tư có xu hướng mua vàng trang sức trên thị trường tự do, là chọn những cửa hàng có uy tín và có giấy tờ chứng nhận, cam kết tuổi vàng. Đồng thời, các cửa hàng này cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm khi khách hàng phát hiện tuổi vàng không đúng như cam kết trên chứng từ, hóa đơn mua bán.

Đại diện doanh nghiệp Phú Quý tại Hà Nội cho biết thực tế không phải nhà đầu tư nào cũng hài lòng với việc mua và tích trữ nhẫn vàng trơn vì tính chất không an toàn của nó. “Vàng miếng của các thương hiệu SJC, AAA, SBJ thì có thương hiệu rồi. Chỉ cần nhìn thỏi vàng là có thể giao dịch được ngay. Còn vàng trang sức thì khác", anh nói.

Anh cho biết thêm, mỗi khi có người mang vàng trang sức thô đến, Phú Quý đều phải đốt thử vàng vì không ai dám chắc về tuổi vàng, hàm lượng vàng ở trong món trang sức đó.

"Cho nên giá thu mua vàng trang sức thường rẻ hơn vàng miếng", đại diện Phú Quý cho biết.

Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, ông Nguyễn Minh Châu cho biết các cửa hàng thuộc hệ thống vẫn kinh doanh mặt hàng trang sức thô, chủ yếu là nhẫn trơn. Theo ông, thông tin Ngân hàng Nhà nước tiến tới cấm kinh doanh vàng miếng tự do là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đang ngần ngại chưa muốn vội tham gia thị trường. "Nhưng vàng miếng sẽ vẫn luôn là sự lựa chọn số một với những ai muốn bảo toàn tài sản", ông nhận định.

Nhóm phóng viên

USD chợ đen: Đâu có khó trị

Tác giả: LÊ KHẮC

(VEF.VN) - Hoạt động giao dịch USD tự do trên thị trường Hà Nội đã ngưng trệ từ hai ngày nay. Điều này không gây khó khăn gì cho thị trường mà trái lại, khiến những tác động của chính sách thuận chiều hơn. Xem ra, thị trường chợ đen không khó trị, vấn đề là có dám mạnh tay hay không?

Đại lý thu đổi ngoại tệ... không tích USD lẻ

Con phố Hà Trung - trung tâm trao đổi USD tự do lớn nhất Hà Nội - hai ngày nay bỗng bớt ồn ào và đông nghẹt khi các đại lý thu đổi USD ở đây đồng loạt tạm ngừng giao dịch. Tầm trưa, thường là thời điểm giao dịch sôi động nhất - thì tất cả nhân viên ra vỉa hè ngồi chơi. Quầy hàng sáng đèn nhưng không có khách. Cả một dãy hàng vàng bạc, quầy thu đổi ngoại tệ vắng một cách khác thường.

Không những thế, nếu bình thường, việc tham khảo giá USD tự do là khá dễ dàng bằng cách bấm điện thoại, thậm chí, không cần quen biết vẫn có thể đặt vấn đề giao dịch với số lượng hàng chục ngàn USD. Tuy nhiên, đến ngày 8/3, hầu hết các số điện thoại cố định đều không có người cầm máy, các số di động vốn hạn chế khách giao dịch đã bị tắt.

Việc tham khảo và giao dịch tại quầy đã bị từ chối thẳng. Đặc biệt hơn, đến chiều 8/3, các đại lý đều từ chối đưa ra giá tham khảo. Lý do là không giao dịch nên không biết giá.

Việc hầu hết các bàn trao đổi ngoại tệ lớn ở Hà Nội dừng giao dịch dù thế nào cũng là một điều khá lạ. Bởi vì, hầu hết họ đều có giấy phép hoạt động đại lý thu mua ngoại tệ của các ngân hàng. Trong đó, lớn nhất là Ngân hàng Ngoại thương.


Chỉ cần nhấc máy điện thoại là có thể biết giá USD trên thị trường chợ đen (ảnh TP)
Song, theo một chuyên viên giao dịch "được trọng dụng" tại một đại lý lớn ở Hà Nội, thì nếu tuân thủ đúng các quy định của đại lý thu gom sẽ "chả ăn thua". "Mở hàng mà gom đô lẻ thì ăn gì, và Hà Nội không cần nhiều đại lý thế", vị này nói.

Hiện tình hình căng thẳng nên các đại lý buộc phải tạm dừng giao dịch để theo dõi. Nguyên nhân thực sự là do có sự vào cuộc gắt gao của các lực lượng quản lý. Thực chất, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường USD tự do đã được tiến hành nhiều lần, với sự tham gia của cơ cơ quan chuyên ngành (ngân hàng), cơ quan quản lý thị trường nhưng đều không có kết quả. Lần này, việc kiểm tra được triển khai mạnh tay hơn.

Theo đó, các lực lượng quản lý thị trường, kiểm tra chuyên ngành ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra và quản lý nghiệp vụ. Lực lượng cảnh sát sẽ cùng sát cánh để thực hiện các nghiệp vụ nhằm phát hiện những sai phạm lớn, góp sức chấn chỉnh thị trường. Trong tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có buổi làm việc với Bộ Công an về việc triển khai các công việc liên quan đến chấn chỉnh thị trường USD tự do. Có thể coi đây là sự kiểm tra, vào cuộc gắt gao nhất từ trước đến nay - điều này cho thấy quyết tâm của cơ quan nhà nước.

Và như một phản ứng tức thì, các đại lý, chợ USD tự do vội vàng tạm dừng để đảm bảo an toàn và nghe ngóng.

Trong khi đó, phía các ngân hàng cũng cho biết, tại thời điểm này, việc các đại lý tạm dừng cũng còn một lý do nữa là họ đang theo dõi diễn biến tiếp theo của giá USD.

Theo kinh nghiệm năm 2010, sau khi điều chỉnh mạnh, thị trường đã bình ổn và giá USD tự do giảm thấp hơn giá ngân hàng. Năm 2011, với quyết định điều tỷ giá khá mạnh cùng với dự báo có thể thời gian tới, tỷ giá sẽ không điều chỉnh nữa (thay vào đó là biện pháp đồng bộ để tạo sự lưu thông, tăng nguồn cung USD)... điều này sẽ tạo ra ổn định. Giá USD tự do sẽ giảm khi nguồn cung dồi dào, giao dịch trong ngân hàng dễ dàng và người dân giảm găm giữ.


Đã đến lúc cần thu hẹp các đại lý thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do?
Một chuyên gia ngân hàng tiết lộ, chính các đại lý cũng đang phấp phỏng trước động thái của Ngân hàng Nhà nước. Họ không dám ôm nhiều vào như mọi lần vì chưa thể đoán định được diễn biến USD thời gian tới. Giá USD giảm nhanh trong những ngày qua đã cho thấy điều đó.

Dẹp bỏ lý do để chợ đen núp bóng

Thực tế, những hoạt động lộn xộn và tác động lên giá USD chính thức của các đại lý thu đổi ngoại tệ đã được cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy. Năm 2008, trước sự lộn xộn của hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát lại và ra những quy định mới về hoạt động của các đại lý ngoại tệ.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó khá bức xúc cho biết, ở nước ngoài cũng có bàn thu đổi ngoại tệ nhưng chỉ hoạt động ở các khu du lịch, chợ của khẩu và rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam, có khá nhiều đại lý nhưng hoạt động lại chưa được quản lý tốt.

Thực tế, tất cả những tên tuổi lớn trên thị trường ngoại tệ tự do đều trường tự do đều trương biển đại lý thu đổi ngoại tệ của ngân hàng, mà nhiều nhất là Vietcombank. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là lý do để họ hoạt động một cách ngang nhiên trong các giao dịch chợ đen của mình. Tại đây, người ta có thể mua bán USD thoải mái về số lượng, có khi lên đến cả chục, thậm chí trăm ngàn USD.

Đặc biệt hơn, các bàn thu đổi này, về nguyên tắc là đại lý thu đổi hộ cho các ngân hàng, nhưng ở đây đã áp dụng một loại giá USD khác và công khai việc này qua trao đổi thông thường và điện thoại. Giá USD chợ đen, giá tự do dần được công khai và sử dụng của người dân đều bắt nguồn từ các đại lý lớn mà thực chất là những tay buôn bán lớn trên thị trường. Giá này được chính các đại lý này xác lập và áp dụng, chỉ chậm hơn giá hàng ngày của các ngân hàng khoảng 30 phút và có thể biến động hàng ngày.

Rõ ràng, hoạt động của hệ thống đại lý thu đổi ngoại tệ đang có vấn đề. Và giấy phép cũng như việc trương biển đại lý là lý do để các tay buôn lớn lợi dụng nhằm công khai hóa và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của mình.

Không thể phủ nhận cần có những đại lý thu đổi ngoại tệ nhằm tạo thuận tiện cho các hoạt động thương mại du lịch với nhu cầu nhỏ lẻ, song, vấn đề đặt ra là có cần quá nhiều đại lý đến thế và tập trung với mật độ cao để biến thành "chợ" như một thế lực mà cơ quan quản lý phải vất vả chấn chỉnh.


Việc tồn tại các đại lý này đã làm cho việc trao đổi, lưu thông, thậm chí vận chuyển USD số lượng lớn được thực hiện một cách dễ dàng (ảnh minh họa - SGTT)
Trao đổi về vấn đề trên, một chuyên gia ngân hàng cho hay, thời điểm này cần đặt lại câu hỏi về hiệu quả và sự cần thiết của hệ thống đại lý thu đổi ngoại tệ. Nó có còn thực sự cần thiết khi hệ thống giao dịch ngân hàng ngày càng dày đặc, và số tiền nó thu gom về có thực sự có ý nghĩa với các ngân hàng?

Với sự kết nối thanh toán quốc tế rất hiện đại, qua nhiều hình thức thanh toán, như thẻ quốc tế... cũng khiến cho khách du lịch không còn lệ thuộc nhiều vào các đại lý thu đổi.

Hơn nữa, việc tồn tại các đại lý này đã làm cho việc trao đổi, lưu thông, thậm chí vận chuyển USD số lượng lớn được thực hiện một cách dễ dàng dưới trướng các đại lý hợp pháp, mà các cơ quan chức năng - với hạn chế về lực lượng và nghiệp vụ điều tra - khó lòng phát hiện và xử lý.

Vì thế, dễ hiểu bao nhiêu lần ra quân nhưng đều không có kết quả như ý nhưng nay chỉ cần bóng dáng công an tất cả đã in tiếng.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định, thị trường tự do không hề lớn, nhưng có tác động tâm lý khá mạnh tới một số người dân. Trong khi đó, chúng ta lại vướng các quy định đại lý để có thể tận tay xử lý các giao dịch ngoại tệ không được phép. Vậy tại sao không dẹp bỏ hệ thống này, để không còn bất cứ lý do nào để thị trường chợ đen đồn trú và cơ quan chức năng dễ dàng triệt hạ những hành vi buôn bán?

Có vị chuyên gia về tài chính từng nói, không nên có những ngoại lệ như đại lý thu đổi, hay các trường hợp được niêm yết USD trên thị trường Việt Nam. Nếu không có cửa để lợi dụng, cơ quan chức năng làm gắt sẽ không ai dám giao dịch nữa. Chúng ta từng cấm và sẵn sàng bắt từng bánh pháo nhỏ nếu lưu thông, nhưng người ta sẵn sàng giao dịch cả ngàn USD lại có lý do để tồn tại. Đó là điều cần phải suy nghĩ.

Theo bạn, có nên dẹp bỏ thị trường chợ đen về ngoại tệ? Hệ thống ngân hàng cần phải làm gì để đáp ứng đầy đủ, thuận tiện nhu cầu ngoại tệ của người dân? Mời các bạn cùng tham gia tranh luận và đóng góp ý kiến về: vef@vietnamnet.vn.

Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc

Báo Philippines vừa đăng bài bình luận nói Trung Quốc đang có xu hướng bắt nạt cả khu vực, sau sự kiện tàu Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò của nước này tại Biển Đông.
Tờ Manila Times ấn bản điện tử hôm thứ Hai 07/03 đăng bài của tác giả Dan Marino trong chuyên mục 'Big Deal' ('Chuyện lớn') với tựa đề 'Kẻ du côn trong khu vực' ('Regional bully') nói về cách hành xử của chính quyền Trung Quốc.

Liên tục sau đó, thứ Ba 08/03 báo này lại đăng xã luận tựa đề 'Sức mạnh của Trung Quốc' ('Chinese might') gọi hành động của nước láng giềng là 'trực tiếp xâm phạm lãnh thổ Philippines'.

Tờ báo tiếng Anh lâu năm nhất Philippines nhắc lại sự kiện hôm 02/03, khi hai tàu chiến có gắn súng máy của Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò MV Venture của Philippines hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ rong (Reed Bank), cách đảo Palawan 200 km về phía tây.

Vị trí thăm dò được Manila nói là nằm sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Philippines.

Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đã điều hai chiến đấu cơ tới hỗ trợ tàu thăm dò.

Bài bình luận của Manila Times nói Đại sứ quán Trung Quốc chưa đưa ra giải thích về vụ việc, và phía Trung Quốc dường như muốn "phủi nhẹ" sự kiện này đi, như "trâu nước đuổi ruồi muỗi".

Dan Marino cho rằng, lý do gây hấn của Trung Quốc không có gì ngoài quyền lợi kinh tế, vì khu vực Bãi Cỏ rong được cho là có chứa trữ lượng khí gas và dầu lửa khổng lồ (440 triệu thùng dầu).

"Trong khi giá dầu thế giới đang lại tăng cao ngất thì việc thăm dò dầu khí ngoài Biển Đông sẽ được tăng cường."

Cây viết này cho rằng cả Philippines và Trung Quốc đều không trông đợi sự cố này là lần cuối.

Không ngang sức

Mới đây, chỉ huy không quân Philippines thừa nhận rằng nước này còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể đối phó hữu hiệu với các tàu nước ngoài xâm phạm hải phận Philippines, thua kém nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam hay Malaysia, là các quốc gia cùng tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Manila Times nói hai chiến đấu cơ OV-10 và Islander được điều tới hiện trường đều là loại cũ kỹ, ọp ẹp, "không thể làm được gì trong trường hợp phía Trung Quốc muốn gia tăng căng thẳng."

Tác giả Dan Marino kể lại một chuyến bay mà chính ông đã trải nghiệm trên chiếc Islander, khi máy bay của Không lực Philippines này mất độ cao ngay sau khi cất cánh.

"Trong khi quân đội Philippines đang tụt hậu so với các nước trong khu vực, phần lớn vì các tướng tá tham nhũng, thì quân đội Trung Quốc đang được trang bị súng to pháo lớn."

Bài viết nhắc tới việc Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng hai chữ số trong năm nay, và nói điều gây quan ngại nhất là thái độ của Trung Quốc.

"Bắc Kinh không ngại có xung đột vũ trang trong việc khẳng định "chủ quyền lịch sử" đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Năm 1988, cũng quanh quần đảo này, Trung Quốc đã hải chiến với Việt Nam mà kết quả là hơn 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng."

Tác giả nhận định rằng sự cố Bãi Cỏ rong tuần rồi cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng rũ bỏ các cam kết đã đưa ra năm 2002 khi ký vào Tuyên bố chung về Cách hành xử ở Biển Đông.

"Với lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Bắc Kinh có thể nhăm nhe quay lại vai trò lịch sử là kẻ du côn trong khu vực."

Yêu cầu đối ngoại

Trong khi đó, trong xã luận mới nhất đăng hôm 08/03 cũng về chủ đề nói trên, Manila Times gọi hành động của Trung Quốc là "trực tiếp xâm phạm lãnh thổ Philippines".

"Sự việc này một lần nữa cho thấy, Trung Quốc thật là đáng sợ, chứ không phải là quốc gia hiền lành như các nhà ngoại giao nước này rêu giảng."

Báo này nói thanh niên Philippines có thể khó hình dung độ hiếu chiến của Trung Quốc, nhưng những gì mà nước này cho thế giới thấy trong những năm 1950, trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên và gần nhất là trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam đã chứng tỏ điều đó.

"Sự kiện hôm 02/03 không phải lần đầu và cũng sẽ không phải lần cuối Trung Quốc phô diễn sức mạnh trước các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn ở Đông Nam Á."

Manila Times nói người Philippines đã nếm trải quyền lực của Trung Quốc tại Trường Sa vài lần trong quá khứ.

"Người Philippines cần có chính sách đối ngoại phù hợp, không để Trung Quốc muốn giần nhừ tử hải đội ọp ẹp của chúng ta lúc nào họ thấy cần trừng phạt chúng ta."

Bài xã luận kết thúc bằng câu: "Điều này không có nghĩa chúng ta phải cầu phục Trung Quốc mà có nghĩa là chính sách đối ngoại của chúng ta phải hướng tới làm sao để Trung Quốc không dám đối xử với chúng ta như những gì họ đã làm với Việt Nam năm 1979."

Giới bình luận khu vực cho rằng từ sau khi ông Benigno Aquino lên cầm quyền, chính phủ Philippines đang có các động thái thắt chặt quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ.

Nguồn: BBC

Hoạ gia đình trị

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Hưng Quốc – Số lượng con cái kế vị cha mình, như vậy, cực kỳ ít ỏi. Trong khi đó, số con cái làm sự nghiệp độc tài của cha mình tiêu tán thì nhiều vô cùng. Đó là lý do khiến Stephen Kinzer đề nghị với các nhà độc tài ba biện pháp để duy trì quyền lực, danh dự cũng như sự nghiệp của mình: một, đừng có con; hai, chỉ có con gái; và ba, nếu có con trai thì nên… thắt cổ chúng!…

Nhiều nhà bình luận trên thế giới có ý kiến khá giống nhau: số phận của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có thể sẽ khác hẳn, ông sẽ tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý trên cương vị tổng thống của một quốc gia Hồi giáo có đông dân nhất khối Ả Rập, sẽ không bị buộc phải từ chức và trốn chạy một cách nhục nhã như vậy, nếu ông không có tham vọng đưa người con trai thứ, Gamal Mubarak, lên kế vị.

Một chuyện tương tự như vậy cũng bắt đầu xảy ra với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Cầm quyền từ năm 1978, Saleh đã dùng bàn tay sắt để trị dân. Suốt hơn 30 năm, mặc dù bất mãn và công phẫn, dường như dân chúng Yemen vẫn cam phận chịu đựng vị tổng thống độc tài này. Họ vẫn còn ít nhiều ngưỡng mộ, hoặc nếu không, cũng khiếp sợ tài năng và nghị lực của ông. Tuy nhiên, sự chịu đựng của họ dường như đã đến giới hạn cuối cùng khi, gần đây, Ali Abdullah Saleh có ý đồ đưa anh, em và con cháu của mình vào guồng máy chính quyền: một người anh cùng cha khác mẹ làm tư lệnh không quân, các con trai của một người anh khác thì kẻ làm phó giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia, kẻ làm giám đốc lực lượng an ninh và chống khủng bố trung ương. Quan trọng nhất là ý đồ đưa người con trai trưởng, Ahmed Saleh, hiện đang chỉ huy lực lượng Vệ binh Cộng hòa Yemen, lên kế nhiệm chức vụ tổng thống thế mình.

Với đông đảo dân chúng cũng như chính khách Yemen, điều đó dường như đã quá mức: Họ không thể tiếp tục chịu đựng ách độc tài gia đình trị như vậy mãi được nữa. Cuối cùng, mới đây, dưới ảnh hưởng của cuộc nổi dậy thành công tại Tunisia và Ai Cập, dân chúng Yemen đã xuống đường. Chưa biết họ có thành công như những người láng giềng của họ hay không. Trước mắt thì Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã chịu nhượng bộ: ông hứa sẽ không tranh cử vào năm 2013. Và cũng sẽ không tìm cách đưa con trai mình lên làm tổng thống.

Trên thế giới, tham vọng đưa con cái lên kế vị hoặc kế nhiệm như thế không ít. Ở Đài Loan, Tưởng Giới Thạch trao quyền lại cho con trai là Tưởng Kinh Quốc; ở Singapore, Lý Hiển Long kế nhiệm Lý Quang Diệu làm thủ tướng; ở Bắc Hàn, Kim Nhật Thành trao quyền cho con trai là Kim Chính Nhật; bây giờ Kim Chính Nhật đang chuẩn bị đưa người con trai thứ, Kim Chính Vân, lên kế vị.

Ở Việt Nam, gần đây, nhất là qua Đại hội đảng lần thứ 11 vừa rồi, người ta cũng thấy âm mưu đưa con cháu lãnh tụ hoặc công thần của chế độ vào Ban chấp hành Trung ương (kể cả chính thức lẫn dự khuyết) để chuẩn bị cho việc kế nhiệm về sau. Được báo chí nhắc nhở nhiều nhất là:

-Nông Quốc Tuấn, con trai Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư
-Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng
-Nguyễn Chí Vịnh, con trai cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
-Phạm Bình Minh, con trai cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch
-Nguyễn Xuân Anh, con trai Nguyễn Văn Chi, ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng
-Trần Sỹ Thanh, cháu Nguyễn Sinh Hùng, phó Thủ tướng
-Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại cố Tổng bí thư Hà Huy Tập

Trong các tên tuổi trên, nổi tiếng và tai tiếng nhất là hai người đứng đầu.

Trong Đại hội đảng khóa 10, Nông Đức Mạnh đã tìm cách đưa Nông Quốc Tuấn – lúc bấy giờ đang nắm chức Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – vào Trung ương Đảng, nhưng thất bại. Không nản chí, trước Đại hội lần thứ 11, Nông Đức Mạnh sắp xếp đưa Nông Quốc Tuấn lên làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang một cách khá bất ngờ để tạo thế vào Trung ương đảng. Tin tức được loan tải trên báo chí phi chính thống tại Việt Nam cho biết trong các cuộc họp chuẩn bị Đại hội đảng vào cuối năm 2010, nhiều người phản đối việc giới thiệu Nông Quốc Tuấn vào Trung ương Đảng với lý do ông vừa bất tài vừa kém tư cách. Nhưng cuối cùng, Nông Đức Mạnh vẫn thắng và Nông Quốc Tuấn chính thức trở thành Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng ở khóa 11.

Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng, có học hơn Nông Quốc Tuấn. Tuy nhiên, đó chỉ là một thanh niên trí thức thuần túy, chưa từng có kinh nghiệm về chính trị. Năm ngoái, ông ra ứng cử vào Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhưng chỉ được 15 trên tổng số 400 phiếu. Ông cũng không được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu vào danh sách ứng cử Ban chấp hành Trung ương đảng, nhưng trong Đại hội, ông lại được “cơ cấu” trong danh sách bổ sung, và cuối cùng, trở thành ủy viên dự khuyết lúc mới 35 tuổi.

Việc đưa con cháu lãnh tụ và công thần vào Trung ương đảng một cách trắng trợn như vậy bị nhiều người, ít nhất là trong giới trí thức, đặc biệt các blogger thuộc “lề trái”, phê phán kịch liệt.

Chưa biết “hậu vận” của những “hạt giống đỏ” này như thế nào.

Chỉ biết, theo Jason Brownlee, trong bài “Hereditary Succession in Modern Autocracies” đăng trên tạp chí World Politics năm 2007, từ năm 1945 đến năm 2006, trên thế giới có 258 nhà độc tài cầm quyền được trên ba năm; trong số đó, chỉ có 23 người là tìm cách đưa con lên kế vị; và chỉ có 9 người là thành công. Riêng tại châu Á, đó là các trường hợp: Tưởng Giới Thạch (1949-75) – Tưởng Kinh Quốc (1975-88), Kim Nhật Thành (1948-94) – Kim Chính Nhật (1994-hiện nay) và Lý Quang Diệu (1956-2004) – Lý Hiển Long (2004-đến nay).

Số lượng con cái kế vị cha mình, như vậy, cực kỳ ít ỏi. Trong khi đó, số con cái làm sự nghiệp độc tài của cha mình tiêu tán thì nhiều vô cùng. Đó là lý do khiến Stephen Kinzer đề nghị với các nhà độc tài ba biện pháp để duy trì quyền lực, danh dự cũng như sự nghiệp của mình: một, đừng có con; hai, chỉ có con gái; và ba, nếu có con trai thì nên… thắt cổ chúng!

Bởi, nếu không thắt cổ chúng thì dân chúng cũng sẽ thắt cổ họ.

Nguyễn Hưng Quốc

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/hoa-gia-dinh-tri-03-07-2011-117535363.html

Cập nhật bản tin Công An Quận 5 đối phó với BS Nguyễn Đan Quế và các tin liên hệ

Posted by truongthondlb1


Dân Làm Báo - DLB xin cập nhật một số thông tin đã đăng trước đây. Trong bài báo nói về Công An Quận 5 phải kiểm điểm về việc bắt giữ BS Nguyễn Đan Quế, nguồn tin làm rõ hơn về “tướng công an tóc bạc” không phải là tướng Triều mà là ông tướng thường đối tác với nước ngoài về tình trạng nhân quyền Việt Nam.

Đặc biệt nguồn tin còn chia xẻ thông tin là nhiều quan chức ngoại giao nước ngoài cho rằng chẳng đặng đừng mới phải tiếp xúc với ông tướng này vì ông này thường độc thoại, ít để người khác có cơ hội phát biểu. Và ông thường lập đi lập lại những luận điệu cũ ríc. Thậm chí một quan chức Châu Âu nói là “phải bịt mũi” mà nói chuyện với ông tướng công an này.

Nguồn tin cũng cho biết sắp tới Wikileaks sẽ tiết lộ nhiều điện văn từ Hà nội và sẽ biết giới ngoại giao nhận xét gì về những người đang cai trị Việt Nam!

Ngoài ra, cũng trong bản tin “Công An Quận 5 phải kiểm điểm” khi ông tướng công an nói rằng “Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn bị một nghị quyết lên án việc bắt giữ” thì ông tướng đó cũng chỉ nói một nửa sự thực thôi.

Qua một nguồn tin phát xuất từ Đại sứ Quán Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn thì trong nghị quyết đó, các dân biểu Cộng Hòa hiện đang tìm cách cắt giảm ngân sách chính phủ của Tổng Thống Obama đã định đưa các chương trình viện trợ cho Việt Nam như về AIDS, Chất Da Cam, v.v., vào danh sách cắt bỏ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ là Lê Công Phụng phải đến Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ “làm việc”. Có thể đó cũng là thêm một lý do để công an thả BS Quế một ngày sau khi bắt.

Được biết ĐS Lê Công Phụng sắp trở về Việt Nam và sẽ được thay thế bởi Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Quốc Cường.

Tưởng cũng nên nhắc lại ĐS Lê Công Phụng chính là người tuân lệnh Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đàm phán và ký hai Hiệp Định dâng đất (1999) và nhượng biển (2000) cho Trung Cộng. ĐS Lê Công Phụng có thể làm điều gì để xóa cái lịch sử ô nhục cho dòng họ, con cháu mình?

Nhân dịp này, cũng xin cập nhật tin về vụ kỹ sư Phạm Thành Sơn tự thiêu trước Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng. Một nhân viên từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội có đến tìm hiểu vào cuối tháng hai thì công an Đà Nẵng ngăn chặn không cho nhân viên này tiếp xúc với thân nhân gia đình anh Phạm Thành Sơn và khẳng định là “tai nạn do bình xăng xe Honda bốc cháy.” Theo như nguồn tin từ Đà Nẵng, nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội phát biểu đó là một lý do “khó tin.”

Nhắc đến chuyện các tòa đại sứ, DLB xin cung cấp một điều cần biết là “tất cả người Việt làm việc tại các Tòa Đại Sứ hay Tổng Lãnh Sự” của nước ngoài đều phải làm điểm chỉ viên cho Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam về di chuyển, công tác của quan chức ngoại giao nước ngoài. Nguồn tin này cho biết trước đây khi người vợ xin được một chân thư ký ở một tòa đại sứ vào buổi sáng thì buổi chiều cán bộ an ninh đã đến nhà yêu cầu nhận nhiệm vụ báo cáo mọi hành vi của vị quan chức ngoại giao đó. Người vợ sợ quá nên phải tìm việc khác và hiện nay là nhân viên của một tổ chức nhân đạo quốc tế ở Hà nội.

Dân Làm Báo

Tiếng dân trước vụ án Hà Giang

Posted by truongthondlb1


Nhóm nhà giáo hưu Saigon – Hỡi Ông Chính Quyền! Ông đang ở đâu? Trước hết, xin đừng có chụp mũ rằng chúng tôi “phản động”, chúng tôi “chống chính quyền”! Không, chúng tôi khẳng định và công nhận nước VN đang có chính quyền, và chúng tôi đang đi tìm các ông bà Chính Quyền, vậy các ông bà đang ở đâu, xin trở lại và làm việc, thực thi Luật Pháp hiện hành dùm chúng tôi. Không nước nào không có Luật Pháp, Luật Pháp mà các ông bà đã công bố cho dân, thì xin cứ đem Luật đó ra mà áp dụng, để cứu dân, chứ đừng có lánh mặt như nước vô chính phủ, vô luật pháp, khi mà các quan chức Hà Giang đang làm bậy để giết hại dân , nhất là giết hại tuổi trẻ, là mầm non của đất nước!

Thứ nhất xin hỏi các ông bà đang nắm quyền: Các ông bà có biết chính quyền tỉnh Hà Giang đang mở phiên tòa phúc thẩm xử vụ mua dâm các nữ sinh, mà tên hiệu trưởng ác quỷ Sầm Đức Xương là thủ phạm vụ mua bán dâm giữa các nữ sinh và các quan chức yêu quỷ ở Hà Giang, trong đó có tên quan đầu tỉnh là Nguyễn Trường Tô, từng phá hoại đời của những học sinh cấp 2, 3 tại đây? Hẳn là các ông bà đều biết?

Thứ nhì, xin hỏi: Luật Pháp VN hiện hành mà các ông bà đang áp dụng, có quy định bất cứ ai liên lụy đến pháp luật, kể cả bên nguyên đơn lẫn bị đơn, đều được quyền có Luật Sư bào chữa? Hẳn là có, vì nó liên quan đến quyền căn bản của con người, mà bất cứ LP ở nơi nào cũng công nhận. Vậy tại sao trong vụ án bỉ ổi này, bọn tội phạm thật sự là Sầm Đức Xương và bè lũ yêu quỷ mua dâm thì có LS bào chữa, mà các học sinh là nạn nhân lại không được có LS?

Thứ 3, thử hỏi các ông bà có còn lương tâm hay không, có còn chút liêm sỉ của con người hay không, mà dám dùng luận điệu xảo quyệt nói là các nữ sinh nạn nhân như cháu Thúy và cháu Hằng “từ chối không chấp nhận LS bào chữa”, trong khi cháu Thúy gặp mẹ thì nói là bị bọn quản giam bắt ký đơn từ chối LS, nếu không sẽ không có ngày về?(Trong bài phỏng vấn LS Triển và nhà giáo Phạm Toàn của đài RFA).

Thứ 4, các ông bà có phải là con người có lương tri hay không, mà dám ngược ngạo đến độ chỉ vì muốn bao che cho một lũ quỷ dâm ô đồng đảng, đáng tuổi cha mẹ, ông bà của các cháu học sinh kia, đã dám phá hại tâm hồn ngây thơ trong trắng của các cháu, nay lại giam cầm các cháu trong tù đầy tàn nhẫn, đến độ các cháu có bệnh (phụ khoa) cũng không cho đi chữa, không cho người nhà găp mặt để hỏi han và đem thuốc cho con? Là người hay là ác quỷ, mà các ông bà đối xử với trẻ thơ vào hàng con cháu của mình một cách ác tâm như vậy? Trẻ nữ mới lớn, mắc bệnh phụ khoa mà không kịp chữa, thì đời nó sau này nếu có sống cũng là đời tàn phế, không còn khả năng làm vợ, làm mẹ! Quá ác! Thà rằng các ông bà đem giết quách chúng nó đi còn nhẹ nhàng hơn là hành hạ cả thể xác và tinh thần những đứa nhỏ này như vậy! Các ông bà đừng nói là các ông bà không trực tiếp hành xử với những nạn nhân khốn khổ này như vậy, thế tai mắt các ông bà để đâu? Hay các ông bà đang mải lo tìm cách bao biện cho đám tội phạm, là những đồng đảng của mình? Quyền hành thống trị của các ông bà để làm gì, hay chỉ để phủ đầu đám dân đen? Thử hỏi ở bất cứ một quốc gia tôn trọng luật pháp nào trên thế giới, trong nước xảy ra một vụ án kinh tởm bất nhân vô đạo đến như vậy, mà chính phủ có thể làm ngơ, nói là “không biết” được không? Luật pháp ở đâu, và các ông bà căn cứ vào luật nào để từ chối không cho LS Triển biện hộ cho nạn nhân Thúy? Vả các cháu còn tuổi vị thành niên, mẹ các cháu là người giám hộ hợp pháp, tại sao mẹ không được quyền mời LS cho con?

Sau cùng, hy vọng các ông bà còn chút nhân tính, thử hỏi các ông bà còn có con cháu, vậy các ông bà có muốn con cháu các ông bà rơi vào tình cảnh y như các nạn nhân này Không? Nếu không, và chắc là không, thì tại sao các ông bà nhẫn tâm đạp lên cái luật pháp của nước VN mà đi như vậy? Các ông bà dám gạt cả nhân tính, lương tâm để làm điều ác đến như vậy? Các ông bà dù có vô thần, thì cũng là con người, đang sống giữa thế giới loài người, thử nhìn xem có con người nào xử sự như các ông bà hay không? Có quốc gia nào mà xử sự man rợ với trẻ em như vậy, có cái chính quyền nào mà bất nhân, man rợ và trơ trẽn trước thế giới văn minh như các ông bà hay không vậy?

Thưa các ông bà Chính Quyền, cứ coi như các ông bà còn mải bận việc riêng tây mà không quan tâm đến vụ án khốn nạn này (khốn nạn theo đủ mọi nghĩa!), thì đây là lời kêu gọi thiết tha và khẩn cấp của chúng tôi, một nhóm các nhà giáo đã về hưu, ở tuổi trên dưới 70, từng là ông bà, cha mẹ này, gửi đến kêu gọi các ông bà, có ở đâu thì cũng xin trở về cương vị lãnh đạo dân nước mà các ông bà đang đảm nhận, để kịp thời giải quyết rốt ráo vụ án man rợ và khốn nạn này (xin lỗi, vì trong đời làm người, chúng tôi chưa hề nghe, biết một vụ án nào như vậy, nên chúng tôi không còn thể dùng lời nào thích đáng hơn cho nội tình vụ án hơn những từ kém thanh lịch và hàm chứa cả sự đau thương, nhục nhã lẫn bỉ ổi này!), kẻo lòng muôn dân sẽ oán hận, đồng thời sẽ gây nên một sự xúc phạm nặng nề đến uy tín của Quốc Gia, danh dự của cả dân tộc, và một sự bất nhân đến trời không dung, đất không tha nổi cho những kẻ hành ác, không chỉ giết hại mấy đứa học sinh nhỏ dại này, mà còn phá đổ hết niềm tin của giới trẻ vào những kẻ lãnh đạo gian tà, đang phá tan nề nếp đạo đức của một quốc gia, một dân tộc, và tương lai của giới trẻ!

Sau hết, cũng xin nhắc các ông bà rằng, hẳn chắc các ông bà đều đã có con đàn cháu đống, chính các hậu duệ của các ông bà sẽ là kẻ nhìn rõ và khinh chê nhân cách thấp hèn này của ông bà cha mẹ họ, hoặc là chính họ, con cháu của các ông bà, sẽ nhận hết hậu quả do bậc tiền bối của họ đã gây ra, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước!”.

Một lẽ nữa, là các ông bà có còn muốn giữ lấy chức quyền cho mục đích riêng, thì cũng phải một phần nào giữ lấy một chút phẩm cách của con người có nhân bản, chứ lẽ nào mà ăn ở hành xử không giống ai, đi ngược hẳn với thế giới loài người, mà đứng trong hàng ngũ lãnh đạo được? Nếu cũng vì cái ghế và vì quyền, lợi, thì các ông bà cũng ít ra phải giữ phần nào lời mình nói: “yêu nước, lo cho dân”, và nhất là đừng có kéo theo một bè đảng thối tha ô trọc như lũ quan quyền vô đạo hiện nay ở Hà Giang, để tự phơi bày căn tính xấu xa của “phe nhóm” mình cho bàn dân thiên hạ phải khiếp đảm rùng mình. Hãy nhìn gương nước Nhật: một bộ trưởng đầy khả năng, tương lai đầy hứa hẹn, mà chỉ vì vô tình nhận có 600 USD tiền tự nguyện đóng góp của một người thân, trái với quy định của luật pháp, mà phải nhanh chóng tự cắt đứt tương lai đời mình, vội vàng từ chức để thượng tôn pháp luật của họ, thì cớ sao các ông bà phải bao che, duy trì quyền vị của một lũ quan tham ô đốn mạt như vậy để mà hại dân, chà đạp luật pháp do chính mình đặt ra? Như thế thì làm sao dân theo?Làm sao dám ngửng mặt nhìn thế giới? Và, một tương lai như thế nào sẽ đón chờ các ông bà khi “quan nhất thời, dân vạn đại” đây?

Lời cuối của chúng tôi, là cũng qua bài này, xin chuyển đến các vị LÃNH ĐẠO CÁC TÔN GIÁO: xin quý vị, với tư cách là người LÃNH ĐẠO TINH THẦN, là người CÓ TRÁCH NHIỆM BÊNH VỰC LẼ PHẢI, ĐẠO LÝ, và là người CÓ TRÁCH NHIỆM ĐỒNG HÀNH, BẢO VỆ TÍN ĐỒ, CON CHIÊN của mình, các vị hãy mau mau lên tiếng cho lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ trật tự, nền đạo lý của xã hội, trong đó các vị là thành viên, cụ thể là bảo vệ cho hững nạn nhân oan khổ trong vụ án này. Nếu làm ngơ, vô cảm, thì chính các vị cũng là người a tòng, đồng phạm, nếu không nói là thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, khác nào những người làm cha mẹ mà khi con lâm nạn, vẫn thản nhiên quay mặt lánh đi!

Mong rằng mọi người còn đủ lương tâm, đạo đức và lòng quảng đại với tha nhân, với đồng bào, để không bịt tai ngoảnh mặt trước VỤ ÁN CHO CẢ NƯỚC này!

Saigon, ngày 8/3/2011

Một nhóm nhà giáo hưu tại Saigon

Danlambao1.wordpress.com

Làm Cách mạng hay làm nô lệ?

Posted by truongthondlb1


Hoàn Nguyên (danlambao) – Để tránh sự nổi loạn của tầng lớp nô lệ và yên tâm hưởng thụ của cải do thành phần “nô lệ làm chủ” tạo ra thì quan lại “đảng” phải dựng lên một bệ chắn, đó là tầng lớp công an. Tầng lớp công an chính là trái độn để bảo vệ tầng lớp đảng viên và chà đạp quần chúng nô lệ. Như vậy, XHCN theo mô hình cộng sản phải được phối trí như sau: công an làm chủ, đảng quản lý, Trung Quốc lãnh đạo, nhân dân là súc vật. XHCN là một xã hội có bốn tầng lớp vừa kể…

*

Trong các văn kiện của Nhà nước CSVN đều bắt đầu bằng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập, Tự do và Hạnh phúc. Ở các đất nước có tự do dân chủ thực sự thì chẳng ai dài dòng lừa bịp như thế. Độc đảng, độc tài cai trị mà gọi là tự do dân chủ thì quả là đại nghịch lý.

Nhìn vào xã hội Việt Nam, sau bao nhiêu năm độc tài cai trị đảng CSVN đã tạo ra được thêm hai tầng lớp mới trong xã hội. Tầng lớp “đảng” bao gồm các đảng viên tham ô, cướp bóc, độc tài, bán nước và nắm hết quyền sinh sát trong tay và số đảng viên này hưởng thụ nhiều hơn các thứ độc lập, tự do, hạnh phúc. Tầng lớp thứ hai là tầng lớp nô lệ được dán cho cụm từ mỹ miều là “nhân dân làm chủ” nhưng thực ra đã bị đảng xiết tròng vào cổ và làm ra của cải phục vụ cho tập đoàn cai trị tham ô.

Tầng lớp nô lệ thì đương nhiên là không có tất cả những thứ quyền hạn căn bản mà họ mơ ước, thèm thuồng, những thứ mà họ bị ép buộc phải tự dối gạt chính họ khi viết vào các văn kiện hàng chử “độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Để tránh sự nổi loạn của tầng lớp nô lệ và yên tâm hưởng thụ của cải do thành phần “nô lệ làm chủ” tạo ra thì quan lại “đảng” phải dựng lên một bệ chắn, đó là tầng lớp công an. Tầng lớp công an chính là trái độn để bảo vệ tầng lớp đảng viên và chà đạp quần chúng nô lệ. Như vậy, XHCN theo mô hình cộng sản phải được phối trí như sau: công an làm chủ, đảng quản lý, Trung Quốc lãnh đạo, nhân dân là súc vật. XHCN là một xã hội có bốn tầng lớp vừa kể.

Dưới mắt công an và Đảng thì nhân dân đúng là một bầy súc vật biết nói và hiểu tiếng người. Gọi nhân dân là súc vật thì quá xúc xiểm, quá vô lễ nhưng cứ nhìn vào cách đối xử của công an và của đảng đối với người dân thì đâu khác gì các nông dân đối xử với trâu, ngựa kéo cày, kéo xe. So sánh con trâu kéo cày với công nhân thì sẽ thấy như thế. Trâu thức dậy sớm đi kéo cày mệt nhọc, bị la hét và đôi khi bị đánh đập cả ngày và tối về chỉ được ăn cỏ để sống qua ngày mà phục vụ cho người nông dân. Người nông dân cũng không dám để cho trâu chết đói thì lấy ai kéo cày làm ra cơm gạo? Chỉ nuôi trâu sống cầm hơi để kéo cày. Công nhân VN làm lụng cực nhọc suốt ngày và lãnh một số lương đủ để sống qua ngày, con cái họ làm gì có được một bửa ăn tối nhà hàng cả trăm đô như con cháu cán bộ, công an? Công nhân được các ngài đảng viên CS ban cho danh hiệu là giai cấp tiên phong nhưng không được quyền thành lập nghiệp đoàn, không được quyền chống lại sự bóc lột đến tận xương tủy của các ngài ấy. Khi có vài con trâu không chịu kéo cày, hay lỡ ăn lúa của chủ thì bị bắt nhốt, đánh đập và nếu cần thì làm thịt. Công nhân Việt Nam khi phản đối tiền lương chết đói, đòi thành lập nghiệp đoàn thì củng bị cùng số phận như trâu bò.

Làm Cách Mạng Để Thoát Kiếp Nô Lệ

Lich sử cận đại trong vòng 70 năm, người Âu Châu ở các nước Poland, Hungary, Russia, Czech, East Germany không chịu sống kiếp nô lệ bị đánh đập, bóc lột và thiếu tất cả những quyền làm người căn bản như tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và họ đã làm cách mạng 26 năm trước để được làm người đúng nghĩa, được tôn trọng, được bình đẳng và được bảo vệ bởi luật pháp. Sau khi làm cách mạng người Âu Châu đang hưởng thụ đời sống tự do, no ấm.

Ở Phi Châu người dân Tunisia sau 25 sống dưới chế độ độc tài cũng đã vùng lên đòi lại quyền làm người và người dân Egypt sau 30 năm bị kềm kẹp đã vùng lên làm cách mạng để lật đổ kẻ thống trị.

Á Châu là vùng đất tập trung nhiều đất nước độc tài, tàn ác, tham nhũng như Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam, Bắc Hàn. Câu hỏi được đặt ra là tại sao ở Á Châu và nói riêng ở VN người dân chịu đựng bị bóc lột, bị hành hạ, làm lao nô, đóng tiền cho bọn tham nhũng làm giàu và sống như vua chúa. Bao nhiêu năm họ phải nghe những điều láo khoét từ tập đoàn cai trị, bị đàn áp, bóc lột và tước đoạt quyền làm người? Họ phải chịu đựng nhìn đảng viên làm giàu trên mồ hôi của mình và gửi con cháu ra ngoại quốc du học trong khi chính con cháu của họ không đủ tiền đi học ngay trên chính đất nước mình? Tại sao dân tộc VN không có tinh thần đề kháng mãnh liệt như dân tộc Âu Châu và Phi Châu và chịu chấp nhận làm nô lệ?

Có lẽ câu trả lời tương đối thỏa đáng là lật đổ một tên bạo chúa dã man, một chế độ cùng hung, cực ác, gian manh, đê tiện, không có tính người, tham nhũng, thối nát nhất lịch sử VN thì khó khăn gấp trăm lần hơn là lật đổ những chế độ độc tài khi bọn lãnh đạo còn có chút tình người và có lòng yêu nước như ở Tunisia và Egypt. Khi đảng CSVN xem dân là một đàn cừu, khi đảng chỉ biết mê say quyền lực, vô lương tâm sẵn sàng bán nước làm khuyển mã cho ngoại bang để bảo vệ quyền lực thì giải quyết vấn nạn độc tài cần nhiều hy sinh, sự khôn ngoan và lòng dũng cảm hơn cả dân tộc Egypt và Tunisia.

Đảng CSVN là một tổ chức siêu Mafia. Mafia vẫn bị luật pháp quốc gia trừng trị khi họ cướp của, giết người, buôn người và mafia không bán cả một dân tộc, không bán giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại. Mafia không có quyền làm ra luật ăn cướp như băng đảng CSVN làm ra luật đất đai là của “Nhà Nước” nhưng nhân dân làm chủ, chỉ nghe qua là đã biết đảng lường gạt dân. Cả dân tộc VN chỉ là dân ở thuê và đảng là ông chủ đất “vĩ đại” nhất hành tinh này. Từ bộ luật ăn cướp nhà đất, đảng CSVN đã và đang gây ra những thảm cảnh dân oan bị cướp nhà, cướp đất.

Mafia không có quyền viết hiến pháp là đảng Mafia ABC… là đảng độc quyền lãnh đạo như điều 4 hiến pháp của siêu mafia CSVN. Mafia không nắm hết các cơ quan truyền thông giống như siêu mafia CSVN. Mafia không có cả triệu thành viên và một bầy đàn du đảng để bảo vệ các bố gìa trong bộ chính trị. Mafia không có cả một bộ máy lường gạt, dối trá khổng lồ nhưng bọn siêu mafia CSVN thì có tất cả. Mafia không ngăn cấm người công nhân thành lập nghiệp đoàn, ngược lại siêu mafia CSVN thì bỏ tù những công nhân muốn thành lập nghiệp đoàn bởi vì chính siêu mafia CSVN đang là những ông chủ bóc lột.

Đảng siêu mafia CSVN đã kêu gọi người dân VN hy sinh mạng sống đi làm cách mạng, chống bóc lột, tham nhũng của thực dân, phong kiến, chiến đấu để dành độc lập. Những lý tưởng cao đẹp đó ngày hôm nay chỉ là một công cụ lường gạt toàn dân để CSVN tiếp tục cai trị. Họ đã trở thành một tập đoàn bóc lột, tham nhũng, tàn ác, gian manh hơn thực dân, phong kiến. Mạng sống của 1 con người VN chỉ là cỏ rác đối với các bố già trong bộ chính trị và tay sai. Những người dân oan 31 tuổi như anh Phạm Thành Sơn có tự thiêu thì bè lũ siêu mafia cứ đứng nhìn. Ngược lại, trong lòng toàn dân VN sau bao năm sống kiếp nô lệ thì thân xác bốc lữa của anh đang thôi thúc, đang khơi dậy lòng khao khát được sống trong bình đẳng như một con người hay là chết. Thân xác anh là ngọn đuốc soi rọi vào những vùng tối tâm nhất của lương tri và đánh thức bản năn làm người của dân tộc VN.

Dân tộc VN đau thương lại phải làm cách mạng lần nữa để thực sự dành lại độc lập, tự do, no ấm từ tay bọn siêu mafia, siêu bóc lột và siêu phong kiến CSVN. Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế đang kêu gọi người dân làm cách mạng để thoát kiếp nô lệ. Các bạn còn chờ đợi gì nữa? Lẽ nào chúng ta chờ đến đời con cháu tiếp tục làm nô lệ cho đảng CSVN? Sức mạnh của người dân là vô địch, hãy cùng nhau dùng sức mạnh đó mà đòi lại công lý, bình đẳng đang bị cướp đoạt bởi đảng CSVN.

Hoàn Nguyên (danlambao)

Phép thử cho các quốc gia Độc tài đảng trị

Posted by truongthondlb1


Nguyễn Trung – Cách mạng Hoa lài sắp kết thúc thêm một quốc gia độc tài thứ ba. Đó là Libya. Điểm qua từ khởi đầu cuộc cách mạng Hoa lài cho đến hôm nay chưa đầy ba tháng và nhìn lại sự kết thúc của hai quốc gia Tunisia, Ai Cập, chuẩn bị kết thúc Libya mà ai cũng thấy rõ. Kẻ độc tài dù có bỏ chạy trốn hoặc chống đối đến cùng cũng phải nhận một bản án kết thúc bi thảm của cả nhân loại và mất hết những gì đã vơ vét.

Từ đó, tôi nghĩ các quốc gia như Trung quốc, Việt nam, Bắc Triều tiên, Cuba.v.v… Có thể vẫn còn cơ hội để chọn con đường đi đến sự ổn thỏa đó là: Tự thay đổi thể chế độc tài Đảng trị, mở rộng các quyền tự do về Nhân quyền mà các quốc gia đó đã ký hoặc chưa ký trong Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Để từ đó ,có sự chung sống ổn định, tránh được những mất mát hoàn toàn về bản thân, xã hội Loài người lên án , lịch sử nguyền rủa. Bởi vì đó là quy luật sống tự nhiên của loài người mà hơn ai hết chính những người của Đảng Cộng sản Trung quốc ,Việt Nam đã từng hiểu và sử dụng quy luật đó để đấu tranh giành chính quyền từ tay Thực dân Pháp.Đó là Lòng Dân,Sức Dân.

Khi Tổng Thông Bill Clinton trao chìa khóa WTO cho Chính quyền CS Việt Nam và trả lời với các sinh viên tại Hà Nội . Ông Clinton có giải thích, ví von : Kinh tế Toàn Cầu là quy luật tự nhiên không phải do nước Mỹ hoặc một vài quốc gia làm ra được mà nó như nước lũ sông đồng bằng Cửu Long hình thành tự nhiên theo quy luật phát triển,tiến hóa của loài người(thời điểm đó Miền Tây VN bị nạn lụt).

Nhờ vào WTO mà nền kinh tế VN có thay đổi Nhân dân VN có được một phần nào tự do trong kinh doanh, sản xuất, đời sống khả quan hơn thời CNXH vô sản chuyên chính. Tuy nhiên Chính quyền CSVN mới chỉ thay đổi từ vô sản thành tư sản, còn Chuyên chính độc đảng thành đa đảng, đa nguyên thì chưa. Chính vì vậy, những người lãnh đạo Công sản VN nhanh chóng trở thành Tư Bản Đỏ. Nắm toàn bộ quyền hành về Lập pháp, Tư pháp , Hành pháp kể cả quyền lực thứ tư là Quyền Tự do ngôn luận.

Nếu quan sát tổng thể những Quốc gia độc tài Trung đông.Bắc phi, so sánh với những Quốc gia Cộng sản còn lại như VN ta thấy sự độc tài phá hoại của Cộng sản VN với Dân tộc VN cao hơn nhiều. Có thể tóm tắt vài đề mục sau:

- Môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển theo kiểu (rừng nào cọp nấy)

- Tham nhũng tràn lan có hệ thống từ trên xuống dưới .

- Chính quyền thành con nợ lớn của Nước ngoài mà người dân phải trả.

- Bán đất đai,biển, rừng,tài nguyên thiên nhiên với giá rẻ mạt

- Nền Giáo dục xuống cấp trầm trọng cả Thầy lẫn trò và phương pháp đào tạo.

- Phụ nữ nghèo VN dễ trở thành món hàng hóa rẻ tiền cho người nước ngoài hoặc cho những kẻ nhiều tiền ăn chơi.

- Các Tôn giáo bị Chính quyền khuynh đảo bằng nhiều cách khiến việc duy trì nền tảng đạo đức trong xã hội thấp kém.

- Luật đất đai với chiêu bài lừa bịp ”Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chưa có trong quốc gia độc tài nào trên thế giới. Tạo tiền lệ cho Chính quyền Cộng sản chiếm đoạt của người dân và các cơ sở tôn giáo hoặc răn đe buộc phải theo ý đồ của Đảng.

= Làm chết hàng triệu sinh mạng “Đồng bào”qua những cuộc cải cách ruông đất,chiến tranh Nam Bắc,chiến tranh biên giới,cải tạo những người tham gia chính quyền VNCH, di tản trốn Chế độ CS.

- Chính quyền đảng CSVN đứng trên Luật pháp do chính họ đặt ra(mặc dù vẫn còn nhiều điều khoản luật mang tính áp đặt,thiếu dân chủ.

Những đề mục trên cho thấy chính quyền độc tài ở các quốc gia Trung đông, Bắc phi chưa bằng góc Đảng Cộng sản VN (đỉnh cao trí tuệ của nhân loại).

Tổng thống Nga Boris Yesin ,người đã từng sống và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong hàng ngũ Đảng CS Liên xô đã thừa nhận ”chỉ những kẻ ác mới làm Cộng sản,những kẻ ngu mới tin Cộng sản” và sự sai lầm của Chủ nghĩa CS bằng câu “Con đường xây dựng CNXH là con đường dài nhất đi đến Chủ Nghĩa Tư bản”.

Như vậy, ta thấy CNXH ở VN được hình thành và xây dựng trên đất nước đã trên 70 năm đến nay bằng con đường xương máu của hàng triệu đồng bào ruột thịt đã trở thành vô ích và nhiều di chứng khác.

Khi kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, các quốc gia sẽ bị ràng buộc những điều luật, quốc tế công pháp để bảo vệ lợi ích. Thế giới cũng chuyển đổi nền chính trị mang tính toàn cầu, Liên Hiệp Quốc sẽ đóng vai trò mạnh mẽ để buộc các quốc gia Độc tài phải sửa đổi luật pháp, hiến pháp cho phù hợp với thông lệ quốc tế và có quyền lực buộc các quốc gia vi phạm phải thực thi (điển hình như Libye với nghị quyết 1970 (đình chỉ quyền thành viên tại HĐNQ Liên hiệp Quốc). Việt Nam là quốc gia Cộng sản độc tài vi phạm nhiều điều khoản khi ký công ước quốc tế về nhân quyền .v.v..

Trích vài đoạn trong bài phát biểu của TT Mỹ Obama khi nhận chức:

Hãy nhớ rằng thế hệ cha anh chúng ta đã hạ gục chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, không chỉ bằng tên lửa và xe tăng mà bằng những liên minh vững chắc và bằng niềm tin bền bỉ. Lớp cha anh hiểu rằng chỉ sức mạnh không thôi sẽ không thể bảo vệ nổi chúng ta, và nó cũng không cho phép chúng ta làm những gì mình muốn. Các thế hệ trước hiểu rằng sức mạnh của chúng ta lớn mạnh dần là nhờ chúng ta đã sử dụng nó một cách cẩn trọng. Nền an ninh của chúng ta được xây dựng từ sự chính danh, từ sự gương mẫu, từ sự khiêm nhường và sự biết kiềm chế của chúng ta.

Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm.

Điều này vẫn còn cơ hội để CS Việt Nam tự thay đổi nhưng chắc chắn không còn nhiều thời gian. Hãy nhìn vào đoạn kết của Tunisia, Ai Cập và chờ xem sự đối kháng đến cùng của TT Libya Gaddafi.

Nguyễn Trung

danlambao1.wordpress.com

Việt Nam: 3.000 công nhân nhà máy Yamaha Motor đình công đòi tăng lương

Posted by truongthondlb1


Thụy My (RFI) - Hãng tin DPA hôm nay cho biết, cuộc đình công đòi tăng lương của gần 3.000 công nhân nhà máy Yamaha Motor Việt Nam 2 ở Hà Nội đã bước sang ngày thứ hai.

Một viên chức giấu tên của công ty kể trên nói với hãng thông tấn Đức DPA là, công nhân yêu cầu tăng lương thêm 400.000 đồng/tháng, tương đương với 19 đô la. Các công nhân cho biết là tình hình vật giá tăng cao, như việc tăng giá khí đốt, xăng dầu và điện mới đây, khiến họ không thể sống nổi với đồng lương hiện nay.

Cũng theo viên chức trên, công ty sẽ quyết định việc này vào ngày mai. Người cung cấp thông tin nói : « Công ty có thể đáp ứng được yêu cầu của công nhân, nhưng chúng tôi sợ rằng việc tăng lương sẽ làm ảnh hưởng đến các công ty khác tại khu công nghiệp này, khiến công nhân của các công ty này cũng đình công để đòi tăng lương theo ».

Hiện nay, mức lương khởi điểm tại nhà máy Yamaha Motor 2, nằm ở khu công nghiệp Nội Bài, ngoại thành Hà Nội là 1.650.000 đồng, người làm được 5 năm hưởng mức lương khoảng 2 triệu đồng. Theo báo Thanh Niên, thì một số công nhân cho biết là, trước thời điểm giá xăng dầu và điện tăng, nhà máy đã đồng ý tăng lương thêm 200.000 đồng, nhưng chỉ áp dụng cho các công nhân đã làm việc từ hai năm trở lên.

Theo nhận định của hãng tin Đức DPA, nạn lạm phát ở Việt Nam sẽ còn gây ra nhiều cuộc đình công tự phát trong tương lai. Tháng trước, nhà nước đã tăng giá xăng lên 24% và giá điện 15%, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2 đã tăng 12,31%, tức là mức cao nhất kể từ hai năm qua. Chính phủ Việt Nam cho biết, đã có kế hoạch kìm chế lạm phát ở mức 8% vào năm ngoái, nhưng trên thực tế, tỉ lệ này là 11,8%.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110308-viet-nam-3000-cong-nhan-nha-may-yamaha-motor-dinh-cong-doi-tang-luong

Giá cả tăng trước lương dẫn tới đình công

Posted by truongthondlb1


“Gia đình tôi là năm hộ khẩu, hiện nay đầu tư cho hai con ăn học, hai ông bà ngoài tuổi lao động, chỉ có một thằng đi bộ đội, tình hình hết sức quá khổ, sống thế nào được, không đủ tiền nuôi con, nhà nước chẳng giúp ích được gì cho người dân lao động hết…. Theo tôi đình công là chính đáng, nhưng mà được nhà nước lắng nghe không là chuyện khác. Việt Nam theo độc đảng, làm theo ý họ chứ đâu có dân chủ, tức là nghe theo ý của dân.” - Ông Thiện, công nhân ở Quảng Bình.

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Tình hình giá cả tăng vào mỗi dịp Tết đến, cũng như việc tăng giá xăng dầu vừa qua của chính phủ Việt Nam đã khiến cho sức mua của đồng lương giảm sút đáng kể.


Photo by Khanh An/RFA – Công nhân công ty Shing Mark biểu tình tại CA Đồng Nai phản đối việc bắt giữ công nhân do đình công hôm 01/3/2011

Bão giá làm khổ dân nghèo

Từ đó giới công nhân buộc phải lên tiếng qua biện pháp đình công đòi tăng lương cho kịp với giá cả thị trường.

Tuần trước, hàng ngàn công nhân thuộc công ty Shing Mark đã tập trung trước trụ sở công an huyện Trảng bom, Đồng Nai biểu tình đòi trả tự do cho các đồng nghiệp của họ bị bắt vì những đồng nghiệp đó đã tham gia đình công.

Mới hôm ngày 7 tháng 3, hơn ba ngàn công nhân nhà máy lắp ráp xe máy Nhật Yamaha ở khu công nghiệp Sóc Sơn, Hà Nội đã đồng loạt ngưng mọi công việc, đòi tăng lương.

Thực tế cho thấy, giá sinh hoạt tăng quá nhanh từ sau dịp Tết Tân Mão, khiến cuộc sống của người lao động ngày càng khó xoay trở hơn, tình trạng túng thiếu kéo dài, gần như không lối thoát, vay mượn để có ngày hai bữa ăn là một cách giải quyết tạm, sau đó chưa biết làm cách nào để sinh tồn. Ông Thiện, một công nhân ở Quảng Bình, nhà có đông miệng ăn, than thở:

“Gia đình tôi là năm hộ khẩu, hiện nay đầu tư cho hai con ăn học, hai ông bà ngoài tuổi lao động, chỉ có một thằng đi bộ đội, tình hình hết sức quá khổ, sống thế nào được, không đủ tiền nuôi con, nhà nước chẳng giúp ích được gì cho người dân lao động hết.”

Ông cho biết hoàn toản ủng hộ những cuộc biểu tình của công nhân để cuộc sống được cải thiện, nhưng không mấy tin tưởng vì rất khó đạt kết quả như mong muốn:

“Theo tôi cái đó (đình công) là chính đáng, nhưng mà được nhà nước lắng nghe không là chuyện khác. Việt Nam theo độc đảng, làm theo ý họ chứ đâu có dân chủ, tức là nghe theo ý của dân.”

Ông lo ngại cho những người đề xướng, kêu gọi đình công vì họ có thể bị gặp rắc rối:

“Về thực chất thì các cuộc đình công là hợp lý, hợp pháp, vì thiếu bình đẳng, lương hướng không hợp lý, nhưng dù có đình công thì nhà nước cũng không nghe mình, cuối cùng cháy thành vạ lây, điều tra những ai bày ra chuyện đình công, biểu tình. Ở Việt Nam là như thế, họ tìm cách chụp mũ, chụp nón, quy ghép, cho là phản động, gây hỗn loạn, nhất là vào thời điểm nây giờ, các ông ấy có lắm bài bản, để buộc tội người ta.”

Được biết lương hiện tại của các công nhân làm việc tại nhà máy Yamaha ở mức một triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng, lương của một kỹ sư được trên hai triệu đồng một tháng. Công nhân đã gởi đơn xin chủ nhân tăng lương thêm 12% từ 3 tháng nay, nhưng chưa được lãnh đạo công ty cứu xét và hồi âm.

Nhà nước hỗ trợ gì?

Cơ quan chức năng có những biện pháp gì để giúp cho giới làm công ăn lương trong tình hình giá cả tăng cao so với đồng lương nhận được?



Với công việc thu lượm ve chai, người dân này xoay sở ra sao trong thời bão giá? RFA photo

Tin cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản cho tổ chức các điểm bán hàng lưu động với giá cả bình ổn tại các khu có đông công nhân sinh sống, giúp họ giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Về chính sách giúp đỡ, nâng cao đời sống công nhân, ông Diệp Thành Kiệt, phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Thêu đan, thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh với phóng viên RFA:

“Đó là sự quan tâm không phải chỉ của ngành dệt may mà là của tất cả người lao động, thậm chí đó là cái lo của tất cả người dân Việt Nam trong giai đoạn này. Với tư cách là một người hoạt động trong lãnh vực dệt may là một ngành về xuất khẩu nhiều nhất nước, cũng là ngành sử dụng lao động nhiều nhất trong nước với trên hai triệu công nhân.

Hiện nay sau đợt điều chỉnh giá hàng loạt, trong đó có giá xăng, giá điện, giá than, kể cả việc tăng lãi suất vay ngân hàng, tất cả điều này rõ ràng là đang tạo áp lực lên đời sống người lao động nói riêng và đời sống kinh tế của đất nước nói chung.

Chánh phủ mới ra nghị quyết số 12, cho thấy hiện nay, mục tiêu chính là tập trung vào chuyện chống lạm phát mà thôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình này, với những diễn tiến vừa rồi, trong ngành dệt may đã có một số giải pháp gọi là hỗ trợ cho người lao động, trong giai đoạn đời sống có nhiều khó khăn. Chúng tôi có điều kiện để điều chỉnh phần nào lương của người lao động trong ngành, hầu hết các doanh nghiệp cũng tăng lương, mức thấp là 10%, cá biệt có những doanh nghiệp tăng từ 12% tới 15%.

Chúng tôi cho rằng đây là biện pháp tự doanh nghiệp cứu mình trước, tự đưa ra những giải pháp cho mình, mà không chờ đợi tới giải pháp của chánh phủ.”

Như thừa nhận của công nhân và vị doanh gia mà quí vị vừa nghe, những đợt tăng giá dồn dập đang gây khó khăn trước hết đến giới làm công ăn lương. Họ mong mỏi có những biện pháp hữu hiệu, chứ lâu nay chuyện ‘lương chạy theo giá’ vẫn không thể nào giải quyết được tại Việt Nam: lương mới rục rịch được tăng thì giá cả ngoài chợ đã tăng nhiều lần rồi. Đó là nguyên nhân buộc người công nhân phải đấu tranh qua biện pháp đình công.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thousands-strike-at-vietnamese-yamaha-plant-dh-03082011172158.html

Khinh dân là mảnh đất tốt cho “Hoa Nhài” phát triển

Posted by truongthondlb1
Tạ Phong Tần - Từ đầu năm 2011, khi “sóng” đang dồn dập nổi dữ dội ở Tunisia, Ai Cập, Albani, Algeria, Yemen, Marocco, Syria, Jordania, Saudi-Arabia, Oman, Lybia, Kuwai… lật đổ các nhà độc tài và hệ thống chính quyền gia đình trị của họ, mà thế giới giới gọi là “cuộc cách mạng hoa nhài”, thì quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng cuộc “cách mạng hoa nhài” khó xảy ra ở Việt Nam.

Dù được coi là “cách mạng hoa”, thay đổi trong trật tự và êm thấm, nhưng vẫn đớn đau khi có người nằm xuống vĩnh viễn cho nền dân chủ và quyền con người của đồng bào mình. Hãy tưởng tượng, nếu người nằm xuống đó là chính ta, là thân nhân của ta, bạn bè thân hữu của ta thì cảm giác của chúng ta như thế nào? Sẽ là điều đáng mừng nếu như nhà cầm quyền Việt Nam biết rút ra bài học từ Trung Đông, Bắc Phi mà tự thay đổi đường lối quản lý, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân mà không cần đến một cuộc cách mạng nào cả.

Có lẽ tôi vẫn giữ quan điểm trên cho đến khi đọc bài “Điều gì đang xảy ra ở Bắc Phi, Trung Đông?” đăng trên tờ Thanh Niên ngày 22/02/2011, bài báo ghi tên tác giả là TS Nguyễn Thế Kỷ, mà không chú thích gì thêm.

Trong bài viết gần 2.000 chữ, được cẩn thận chia làm 4 phần với những tít nhỏ giống như một bài tập làm văn, đại khái có: mở bài giới thiệu sơ lược tình hình Trung Đông, Bắc Phi; thân bài phân tích nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài; kết luận rút ra “bài học cảnh tỉnh”. Đọc kỹ, ngoài phần đầu dùng ngôn ngữ tường thuật khách quan, thì phần 2, phần 3, tác giả luôn chen vào những từ ngữ làm cho người đọc có cảm giác những nhân vật được đề cập trong bài viết có ý đồ xấu như: “nêu chiêu bài “dân chủ”” (người đọc sẽ hiểu là dân chủ giả tạo, không có dân chủ), “nhóm Hồi giáo cực đoan” (cụm từ “Hồi giáo cực đoan” lâu nay đồng nghĩa với mê tín quá đáng, đối xử bất bình đẳng với phụ nữ, khủng bố bằng vũ lực… Thực tế, chưa có tài liệu, bài báo nào nói rằng tổ chức “Những người anh em Hồi giáo” đang tham gia biểu tình là “hồi giáo cực đoan” cả), “đã nhúng tay, lúc thô bạo, lúc tinh vi, xảo quyệt” (chỉ các nước châu Âu và Mỹ), “kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng” (dùng internet và các mạng xã hội đều bị gọi một cách miệt thị là “kẻ”), v.v…

“Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng của các quốc gia đang tiếp tục, các gương mặt chính trị gia tiếp tục bị “lộ mặt” là những kẻ cướp ngày, thì theo Trung tâm quốc tế về lấy lại tài sản bị (các chính trị gia) đánh cắp đặt tại Basel (Thụy Sĩ), mỗi năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác của các nhà lãnh đạo. Con số này tương đương với 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức tới họ” (Tuổi Trẻ ngày 22/2/2011), tài sản của các nhà độc tài vừa bị lật đổ đã bị phong tỏa thì ông Nguyễn Thế Kỷ đổ cho nguyên nhân chính là do Mỹ và phương Tây.

Nội dung chính và cũng là điểm nhấn quan trọng, chiếm nhiều chữ nhất của bài viết là ông Nguyễn Thế Kỷ lên án “chính quyền George W. Bush đã vạch ra chiến lược Đại Trung Đông nhằm “thúc đẩy dân chủ” ở các nước Ả Rập” bằng cách “thông qua Bộ luật Thúc đẩy dân chủ ở các nước Ả Rập, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này thành lập các website, mạng xã hội để liên kết, hỗ trợ “các phong trào dân chủ”; tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc khối Ả Rập… Mạng xã hội Twitter ra đời từ chính sách đó và đã thể hiện rất rõ sự lợi hại trong thời gian vừa qua. Mỹ cũng cho lập Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Ngôi nhà tự do (FH), tài trợ cho hơn 1.000 NGO ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có 33 NGO ở Ai Cập. Tổ chức USAID của Mỹ hằng năm tài trợ trên 70 triệu USD cho các “hoạt động xã hội dân sự” tại Ai Cập…”, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “Cần chỉ rõ rằng, những kẻ làm đất, đổ ải, gieo hạt để có “vụ gặt” bội thu vừa qua, công đầu là Mỹ, nhiều nước phương Tây, các thế lực đầu cơ chính trị bản địa. Các mạng xã hội, phương tiện truyền thông, báo chí… thuần túy chỉ là công cụ – những công cụ đắc lực, sắc lẻm, lạnh lùng trong tay kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng.”, “Ngày 15.2.2011, phát biểu tại Đại học George Washington, Ngoại trưởng Clinton lại lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Iran, Myanmar, Syria… “vi phạm tự do internet”.

Cuối bài, tác giả hô hàng loạt khẩu hiệu như những khẩu hiệu người dân thường đọc thấy trên báo, đài, mà cũng là mấy câu cũ xì có trong văn kiện đại hội đảng từ chục năm nay: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vào Google tra cứu mới biết “TS Nguyễn Thế Kỷ” là Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản. Ngày 16/8/2010 Ban Bí thư trung ương đảng CSVN vừa bổ nhiệm thêm chức Phó ban Tuyên giáo trung ương, thảo nào hô khẩu hiệu thật hùng hồn.

Bài viết của ông Tiến sĩ Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản kiêm Phó ban Tuyên giáo trung ương ngoài tình hình thế giới là mới thì cho thấy một tư duy chẳng có gì mới, một kiểu chửi bới hằn học xưng xưng (dù cố gắng giảm bớt thô thiển, nhưng vẫn thấy rõ ràng lối viết thô thiển). Ơ hơ! “Môn không ngứa mà bạc hà nhảy tưng tưng” là sao dzị??? Thời buổi bây giờ, không phải anh cứ dùng từ ngữ miệt thị đối tượng anh đề cập thì người đọc sẽ miệt thị ai đó theo ý anh, mà người ta còn phải suy nghĩ xem anh viết, anh nói đúng hay sai rồi người ta mới quyết định. Nhiều lúc người ta không miệt thị người bị anh miệt thị, mà trái lại người đọc sẽ miệt thị ngay chính người viết.

Người Việt từ xưa đã có câu: “Tức nước vỡ bờ”, “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Khi mà xã hội đầy dẫy bất công, tham nhũng, đầy dẫy bọn “cướp ngày” hoành hành. Tài nguyên quốc gia cạn kiệt, môi trường sống bị tàn phá, quan chức nhà nước chỉ lo thu vén cá nhân, người dân nào chỉ trích lỗi của nhà cầm quyền thì bị dùng dùi cui, nhà tù, tòa án để đàn áp, bịt miệng… thì đến một thời điểm nào đó, người dân bị đè nén sẽ tự biết làm cuộc cách mạng cho mình.

Trong tình hình này mà còn làm theo cách cũ mấy chục năm về trước, khinh thường dân kém hiểu biết, nghe lời kẻ khác “lợi dụng”, “xúi giục”, “âm mưu diễn biến hòa bình”, đổ thừa cho “các thế lực phản động, thù địch” là kiểu “cả vú lấp miệng em” nhằm bịt miệng, vu cáo và đàn áp, không chịu lắng nghe và thực hiện ý muốn của nhân dân thì viễn cảnh “cách mạng hoa nhài” ở Việt Nam cũng không xa lắm.

Nguồn : Blog Tạ Phong Tần

Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia

Tác giả: ALAN PHAN



Theo một báo cáo riêng của một chuyên gia phân tích, mức "hoàn trái về đầu tư" (ROI = return on investment) trung bình của các quỹ tại Việt Nam trong 3 năm vừa qua là "âm" -17%. Tỷ số ở hiệp ba trận đấu: người dân: 3; chuyên gia: 0.

Khi tôi hoàn tất luận án tiến sĩ về Quản Trị cho Đại Học Southern Cross (Úc) vào cuối năm 2006, tôi về lại Thượng Hải, được sự đồng ý của các đối tác cổ đông của Quỹ Viasa, trích ra 20 triệu USD trong trương mục, để đầu tư vào các cổ phiếu và trái phiếu của thị trường chứng khoán Trung Quốc (TTCK TQ). Các đối tác của tôi rất lạc quan, tự tin vì họ tin vào "kỹ năng" chuyên biệt mới được đào tạo rất bài bản của tôi. Dù sao, trong quá trình làm luận án, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát sâu rộng hơn 800 quỹ đầu tư tại TQ, đọc hơn 200 cuốn sách về TTCK TQ và nghiên cứu cả ngàn bài viết, sưu khảo của đủ loại học giả khắp thế giới về đề tài này. Hơn cả cái bằng Tiến Sĩ, tôi được Đại Học Tongji phong cho một hàm vị rất "kêu": chuyên gia về TTCK TQ. Các quỹ đầu tư khác cũng ngõ ý hợp tác đầu tư vì mọi người nghĩ là tri thức của tôi về TTCK TQ chắc chắn sẽ giúp họ kiếm tiền thành công hơn .

Trong 12 tháng sau đó, số tiền 20 triệu USD đầu tư vào TTCK TQ của Quỹ kiếm được 36%. Trong khi đó, từ tháng Một 07 đến tháng Một 08, chỉ số SSI của Sàn Thượng Hải tăng từ 2786 đến 5272 (khoảng 89%). Một nhà đầu tư tay ngang bỏ tiền vào ETF (exchange traded fund), cũng có thể kiếm được 75% không cần suy tính (giá từ $32 lên đến $56). Nhưng xấu hổ nhất cho tôi là anh bạn hàng xóm: anh ta kiếm được khoảng 124% trong cùng thời gian đó. Anh là một cựu viên chức công an cỡ trung ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), chưa học xong trung học, mới có 32 tuổi, kiếm được một mớ tiền phong bì khi làm quan, rồi hạ cánh an toàn ở Thượng Hải. Kết quả của hiệp đầu trong trận đấu: người dân: 1; chuyên gia: 0.

Cũng vào đầu năm 2007, tôi đến Hà Nội theo lời mời của một nhóm đại gia trong ngành chứng khoán và quỹ đầu tư, để mạn đàm trong một họp mặt nhỏ có chừng 30 người tham dự. Tôi nói về dự đoán của tôi: khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trong vài ba tháng tới, lạm phát toàn cầu sẽ lên hơn 12% năm 2008 và vàng sẽ đạt đỉnh $2,000 USD vào 2009. Tôi đúng về cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng sai bét về lạm phát và giá vàng.

Lái xe cho tôi đi quanh Hà Nội chuyến viếng thăm đó là một anh tài xế taxi còn trẻ, khoảng 25 tuổi. Gia đình anh ta vốn làm ruộng là chính, sở hữu vài thửa đất lớn gần Hà Nội, giá đang tăng vùn vụt, và anh ta hỏi ý kiến tôi về vấn đề đầu tư vì nghe mọi người ca tụng tôi là một "chuyên gia". Tôi khuyên anh bán hết đất vì các thành tố căn bản cho thấy hiện tượng bong bóng (giá đất Hà Nội đắt như thành phố New York). Sau đó, nên bỏ tất cả tiền thâu được vào vàng, giá đang ở khoảng $630 USD một lượng và trong 2 năm, sẽ kiếm được gấp 3 lần vì lạm phát sẽ hoành hành. Anh ta không đồng ý, nói sẽ giữ đất vì giá còn lên cao trong 2 năm tới, trong khi vàng thì chưa chắc. Khi tôi về lại Hà Nội vào 2009, anh tìm ra khách sạn tôi ở qua một tin về hội thảo đầu tư trên mạng. Anh khoe là trúng lớn trong lần bán ra các thửa đất vừa qua, không còn chạy taxi nữa và đang làm một nhà đầu tư (?). Tỷ số trận đấu ở hiệp hai: người dân: 2; chuyên gia: 0.

Ảnh minh họa: cafeF
Thực ra, đây không chỉ là 2 trường hợp đơn lẻ hay đặc biệt. Trong mọi xã hội, từ tư bản đến xã hội, từ dân chủ đến độc tài, không thiếu những tình huống mà người dân tỏ ra khôn ngoan, hiểu biết và quan trọng hơn cả, là có khả năng "biết kiếm tiền" nhiều hơn các chuyên gia kinh tế tài chánh. Lấy bà osin của gia đình tôi: trong 3 năm vừa qua, bao nhiêu tiền dành dụm được, bà bỏ ra mua vàng miếng. Vào năm 2008, giá vàng là $800 USD một lượng; bây giờ là $1,400 USD, cho bà ta một mức "hoàn trái" khoảng 25% mỗi năm. Tôi chắc chắn đây là mức lời mơ ước của mọi chuyên gia đang làm cho các quỹ đầu tư nổi danh (nước ngoài hay nội địa) tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo một báo cáo riêng của một chuyên gia phân tích, mức "hoàn trái về đầu tư" (ROI = return on investment) trung bình của các quỹ tại Việt Nam trong 3 năm vừa qua là "âm" -17%. Tỷ số ở hiệp ba trận đấu: người dân: 3; chuyên gia: 0.

Đã có rất nhiều nghiên cứu và giả thuyết về sự yếu kém về thành quả của các chuyên gia trong những nhận định, dự đoán, kết luận và khuyến nghị về tình hình kinh tế tài chánh hay xã hội. Nhưng giá trị tiên đóan của các chuyên gia kinh tế, tài chánh đã hạ xuống rất thấp sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối 2007. Hơn 83% các nhận định của chuyên gia tại New York và Luân Đôn không tiên đoán được sự suy thoái nghiêm trọng của các định chế tài chánh. Tại sao những đầu óc "lớn" trên đỉnh cao của xã hội lại vấp ngã thảm thương như vậy? Tại sao các siêu sao, với đầy đủ dụng cụ, kỹ năng, kinh nghiệm và thì giờ, lại không thể "hát hay" bằng một cô gái quê mộc mạc?

Trước hết, mọi người phải lưu ý đến những nhận định, kết luận hay khuyến nghị của các chuyên gia "có quyền lợi" trong khi phát biểu cái gọi là "ý kiến riêng" của mình. Không ai lạ gì khi nghe các nhà quản lý hay các nhà phân tích của các quỹ đầu tư ca tụng triển vọng huy hoàng của nền kinh tế hay thị trường tài chánh trong giai đoạn sắp tới. Đây chỉ là những PR (public relation) để các vị này kêu gọi vốn đầu tư cho quỹ của họ (hay để các cổ đông hiện tại an tâm đừng chửi bới và rút vốn đã lỡ đầu tư). Còn các chuyên gia kinh tế, tài chánh hay pháp lý được trả tiền trực tiếp để viết những bài có lợi cho các nhóm lợi ích đang vận động hành lang (lobby) để tạo đặc quyền đặc lợi cho nhóm mình thì nhiều vô số kể. Giá trị của các bài viết này thiếu chiều sâu và kém chuyên nghiệp, không đáng được quan tâm, nhưng vì số lượng của chúng nhiều (và miễn phí để các mạng truyền thông phổ biến khắp nơi) nên bức tranh tổng quát phản ánh trên dư luận công chúng bị lệch lạc rất nhiều.

Tuy nhiên, ngay cả với những chuyên gia có thực tâm nghiên cứu, tìm hiểu và đúc kết một nhận định khách quan, họ thường rơi vào những thiên kiến như sau.

Thứ nhất, tôi vẫn nghĩ rằng khi làm một việc gì liên quan đến đồng tiền không do mình làm ra, thì thái độ và tư duy của việc hành xử sẽ rất khác biệt so với khi "đồng tiền liền khúc ruột". Chuyên gia thì hay nghiên cứu chuyện của người ta, khộng phải chuyện nhà nên không chịu áp lực của vợ con, gia đình hay bạn bè như người dân thường. Các kết luận thường "làm nhẹ" đi tầm ảnh hưởng trên đời sống của người dân. Các số liệu thường được bóp méo để hỗ trợ cho suy luận đã đúc kết sẵn từ thiên kiến. Các khuyến nghị gần đây về kinh doanh vàng miếng hay đô la chợ đen cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa ý kiến của người dân và các chuyên gia tài chánh. Sự suy nghĩ về lạm phát cho thấy hiện tượng các chuyên gia đang sống trong những tháp ngà của xã hội, xa rời thực tế, không hiểu hay chịu đối diện với những tình huống khó khăn của việc mưu sinh thường nhật.

Ngoài ra, người ta thường nghĩ chuyên gia là các nhà khoa học, lấy sự độc lập làm nền tảng cho tư duy của mình, sự mềm dẻo uyển chuyển làm căn bản cho suy luận... Nhưng sau khi lăn lộn nhiều trong giới khoa bảng và môi trường nghiên cứu, tôi nhận thấy chuyên gia lại là những người rất thích bầy đàn, thích suy nghĩ theo số đông (group think) và cứng ngắc với định kiến đã lỗi thời. Các kinh tế gia của trường phái Chicago thì luôn luôn phải đả kích, bài bác các lập luận của phe Ivy League và ngược lại. Chả thế mà trong lịch sử tri thức nhân loại, Galileo đã bị cầm tù vì nói trái đất tròn và Socrates phải uống thuốc độc với triết thuyết lạ tai của mình. Cái "tôi" (ego) quá lớn của các nhà đại trí thức khiến họ không thể chấp nhận sự lầm lẫn hay thua kém của mình: họ sẽ triệt hạ mọi đối thủ bằng mọi cách, chính thống hay tà đạo, để bảo vệ cái "tôi".

Gần đây, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh gia cũng như các sinh viên hay email đến tôi để xin một vài nhận định, dự đoán về viễn tưởng. Tôi thành thực tin rằng cái trực giác và những tiếp xúc hàng ngày với thực tại sẽ làm mọi suy đoán nhận xét của họ chính xác hơn là những số liệu vô nghĩa mà tôi thu lượm từ các bài khảo luận của các chuyên gia khác. Thực ra, kinh tế vĩ mô cũng chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ trong việc làm ăn của họ. Điều quan trọng hơn vẫn là sự sáng tạo cá nhân trong tư duy, sự kiên trì trong tình huống, và sự bộc phát trong hành động.

Dĩ nhiên, họ cũng như tôi, đặt ý kiến riêng của các chuyên gia vượt quá tầm quan trọng trong suy luận và hành xử của người dân. Tôi thường lướt qua danh sách các bài "nóng" nhất của các trang mạng như Vietnamnet, VNExpress hay Tuổi Trẻ. Gần đây, những bài viết thu hút số lượng độc giả nhiều nhất vẫn là chuyện bà vợ đốt chồng ở Long An (rất nóng) hay vụ sức khỏe của Cụ Rùa Hồ Gươm (rất lạnh), không phải các bài khảo luận khô khan về lạm phát, tỷ giá hay lãi suất. Có lẽ người dân hiểu rõ giá trị thực sự của các bài nhận định? Hay nghĩ cho cùng, cách thức để ngủ ngon và không lo bị chồng hay vợ đốt vẫn quan trọng hơn là chuyện kiếm tiền lặt vặt?