Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Quyền được biết

Như vậy là lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc sẽ có truyền hình trực tiếp, dù chỉ trực tiếp phiên khai mạc, bế mạc, và “một số phiên khác”. “Đây là một tiến bộ vượt bậc trong quá trình mở rộng dân chủ trong Đảng”- Nhà báo lão thành Thái Duy đánh giá. Công khai, chính là một biểu hiện của dân chủ, dù việc công khai không hề dễ dàng. Chẳng hạn như vấn đề công khai các phiên chất vấn tại Quốc hội. Dù QH là cơ quan đại diện của dân, do nhân dân bầu nên, về nguyên tắc cũng như thực tiễn trên toàn thế giới, QH đã họp là phải họp công khai để dân còn biết những đại biểu của mình đại diện ra sao cho họ tại nghị trường. Tuy nhiên, phải đến giữa năm 1994, tức gần 50 năm sau phiên họp quốc hội lịch sử ngày 31-10-1946, khi lần đầu tiên các đại biểu của nhân dân chất vấn những công việc đã ủy nhiệm cho Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh- hoạt động chất vấn tại Quốc hội mới được truyền hình trực tiếp để nhân dân cũng biết. Tới năm 2009, tức là 63 năm sau phiên họp QH đầu tiên, những ý kiến bàn bạc thảo luận về các vấn đề quốc kế dân sinh mới trực tiếp đến được với người dân khi các phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội được tuyền hình trực tiếp.
Hai tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Mình viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung của dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Đảng, cũng như QH, đều là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Niềm tự hào của Đảng, chính là việc Đảng tự coi mình là công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Người dân là chủ xã hội, Đại hội của Đảng, cũng là Đại hội của dân. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo do nhân dân uỷ quyền. Để cho sự uỷ quyền đó không bị lạm quyền, nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền của dân. Dân rất mong Đại hội Đảng không họp kín, như mấy Đại hội trước, họp kín không còn phù hợp với dân trí ngày nay đã khác trước. Không có lý do gì để không công khai công việc của Đảng, nhất là khi công việc đó là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. “Không thể có chuyện người chủ lại không được biết đầy tớ của mình họp như thế nào”- nhà báo Thái Duy nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng: Đã là đảng cầm quyền như ở Việt Nam thì càng cần phải công khai. Trước mắt, những bàn bạc, thảo luận để đi đến quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, những vấn đề sát dân, của dân, được coi là quốc kế dân sinh phải được công khai để dân cùng biết, cùng chứng kiến, cùng bàn bạc. Vì sao giờ đây người dân quan tâm nhiều hơn đến các phiên họp hội nghị TƯ, đến Đại hội Đảng, là bởi họ biết Đại hội sẽ quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, đến những người lãnh đạo đất nước. Nhân dân đang chăm chú theo dõi những thông tin xung quanh Đại hội Đảng. Khi mà dân còn quan tâm, là vẫn còn niềm tin vào Đảng, là Đại hội Đảng vẫn còn thiết thân đối với mỗi người dân. Nhưng từ đó cũng nghiêm túc đặt ra vấn đề dân cần biết. Nếu không biết thì không thể nói đến chuyện dân bàn, dân kiểm tra. Và sự biết này hoàn toàn không phải, không nên chỉ là những thông báo cuối cùng về kết quả của Đại hội, khi mọi sự đã an bài.


Bộ máy Nhà nước ta còn chỗ yếu rất căn bản, trong dân cũng gọi là một thứ tụt hậu, mà là tụt hậu lớn, đó là không xác định trách nhiệm cá nhân. Sai lầm, khuyết điểm rất trầm trọng cũng chẳng thấy ai từ chức hoặc bị cách chức. Mấy chục năm quá ít từ chức và cách chức, bộ máy tồn đọng ngày càng đông cán bộ lãnh đạo đã biến chất đáng lẽ bị kỷ luật lại vẫn an toàn tại chức, đây là mối họa lớn trong lòng bộ máy Nhà nước. Các vụ thua lỗ, lãng phí đến đỉnh điểm cũng không thấy ai từ chức hoặc bị cách chức, thậm chí ra trước Quốc hội, chỉ thấy hứa sau Quốc hội sẽ giải quyết

(NB Thái Duy)

Mai Phụng Lưu say đất

(Thân phận người hùng và con nợ đôi khi chỉ cách nhau có một giấc ngủ, bác Mai ạ )

Ai là người nghèo nhất?
Bố con họ Chử- 2 người mặc chung 1 chiếc khố?
Những người cộng sản– “trên vai chỉ có xiềng xích”?
Chị Dậu- Phải bán chó đợ con?
3067,8 lượt người thiếu đói trong năm 2010?
Những ngày cuối năm, liên tục thấy top người giàu xuất hiện. Nào trả lời phỏng vấn. Nào giao lưu trực tuyến. Nào là “Tiền bạc có lúc trở thành vô nghĩa”…Giàu đương nhiên phải được tôn vinh vì đó là lao động, là mồ hôi nước mắt, là máu và song sắt. Top người giàu nhất có thể xác định được. Top gia đình giàu nhất cũng đã có. Top 50 phụ nữ giàu nhất cũng đã bầu. Nhưng câu hỏi ai là người nghèo nhất sẽ không thể trả lời
Những chị Dậu giờ nhiều quá, không đếm xuể.
Những bố con họ Chử giờ ngoài việc thiếu mặc, còn đói ăn, đói một cách vật lý.
Còn những người cộng sản? Họ giờ đã là những người lãnh đạo. Và quyền lực, trong thực tế đang là thứ sở hữu đáng giá hơn tiền rất nhiều lần.
Hôm nay, trên SGTT có một bài báo hay và cảm động về một người mà ai đó cũng ít nhiều nghe đến: Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu. Dự cảm của mình có lẽ không tồi. Vào tháng 10-2010, khi ông trở về sau khi bị Trung Quốc giam cầm trong suốt 44 ngày đêm- trong cảnh cờ hoa, đón đưa, được báo chí tung hô như một người hùng, mình đã cảm giác rằng ngay sau đó ông sẽ phá sản. 600 triệu mua tàu là tiền vay. 3 lần bị Trung Quốc bắt; nợ đến lúc làm người hùng cũng vẫn ngập đầu. Họ Mai sẽ sống bằng gì sau đó? lại vay Ngân hàng- mà ai sẽ cho con nợ Mai Phụng Lưu vay tiếp- để tiếp tục đi biển- và hoàn toàn có thể lại tiếp tục bị bắt- rồi cuối cùng vỡ nợ, phá sản và giải quyết bằng cách trầm mình xuống biển, hoặc cay đắng hơn- tìm một sợi dây chão- hoặc bi thảm hơn- một lọ thuốc diệt chuột, cho rẻ, như thân phận lão Hạc của gần trăm năm trước?!
Nhưng không ngờ, cái ngày ông trắng tay quá sớm. Không ngờ, việc ngã từ trên đỉnh người hùng, xuống thân phận “thằng bần” chỉ sau một giấc ngủ.
Tác giả Phạm Anh đã viết những dòng rớm máu trên SGTT: “Mai Phụng Lưu giờ ở tuổi 44, có thâm niên 30 năm sóng gió biển khơi, nhưng giờ như chim gãy cánh, khi ba tháng nay, không dám ra khỏi nhà. Trước đó, khi con tàu QNg 66 478 TS được thả về, Mai Phụng Lưu phải giao chiếc tàu cho đầu nậu vì ông mắc nợ đến 600 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản nợ sau ba lần bị Trung Quốc phạt tiền trước đó, mỗi lần 7 vạn nhân dân tệ, đã đẩy Mai Phụng Lưu vào con đường cùng kiệt. Đời người đi biển, con thuyền còn quan trọng hơn nhà vì còn thuyền thì có thể làm ra nhà. Mai Phụng Lưu không có thuyền đi biển, giống như người mất chân. Hôm đến nhà thăm ông Lưu, tôi thấy ông cầm gàu múc nước tưới rau mà mắt không buồn nhìn cây rau“.
Thôi, thế là người anh ngư dân Mai Phụng Lưu đã bị số phận dẫm đạp quá đau đớn. Thôi, thế là vị thuyền trưởng “Đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà” bị giam cầm trên bờ đề ngày ngày đi lang thang, liêu xiêu như “say đất”. Và người anh hùng can đảm vô ngần, bị Trung Quốc bắt 3 lần vẫn lái thuyền ra khơi giờ đã rơi xuống cái đáy của hố nghèo, và tồi tệ hơn- sự chán nản.
Tàu của ông Mai đã phải giao cho đầu nậu vì mắc nợ nhiều quá. Con trai ông, rể ông giờ “đi bạn” cho người ta. Đứa khác, cũng dân đánh cá, giờ lên cao nguyên hái cafe thuê. Đứa gái út, bỏ học giữa chừng giờ lang thang phiêu bạt nay Quảng Ngãi, mai Sài Gòn.
Cũng hôm nay, mình lại được đọc, trong một bài báo cũng rất hay, rất thành công, trên Vnexpress- về ông Đặng Thành Tâm- top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Đại ý là ổng vừa đi làm từ thiện bên Lào về. Lào lạnh có 6 độ, nên ra HN ông vẫn giỏi chịu rét. Rồi năm qua, ông nhanh tay mua “rẻ như mơ” được có mỗi cái công ty sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ. Và năm nay, ông sẽ xây tòa tháp Lotus thành một công trình thế kỷ với những khoản tiền “tỷ đô”. Ngay cả những thất bại của ông cũng “mang mùi vĩ đại”. Chẳng hạn ông mua hụt một tòa trụ sở ở…Nhật Bản, “chỉ” 10 triệu USD.
Một người tài sản vô số con số, đại gia cá mập cỡ liên hợp quốc. Một, từng săn cá mập, giờ đóng vai trò nằm thớt.Một người thì có thể leo lên số 1 trong nay mai, người khác thì nghèo thế nghèo nữa nghèo đến tận nghèo cũng mất hút trong vô số những đồng bào nghèo của mình.
Nhưng thật hồ đồ khi đặt họ Mai bên ông Tâm.
Thực ra chỉ là sự xót xa xung quanh chữ “Nhất” trong chuyện giàu nghèo. Sao cái nghèo bao giờ cũng thuộc về số đông, về dân chúng nhỉ?
Thôi, không viết nữa.

Nhân vật 2010: Bản lĩnh của ông nghị Nguyễn Minh Thuyết

Tác giả: Lê Nhung



Trong những gương mặt đại biểu quốc hội nổi bật tại kỳ họp sôi động chưa từng có tiền lệ năm qua, nếu được hỏi "ông nghị" nào gây ấn tượng nhất, hẳn nhiều người sẽ bình chọn cho ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng.


Một trong những lý do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bình chọn là Nhân vật năm 2010 là vì sự thẳng thắn, không né tránh, khi trả lời những câu hỏi gai góc nhất. Như giới truyền thông thường nói, một bài phỏng vấn hay là bài phỏng vấn trong đó cả người hỏi và người trả lời đều phải thẳng thắn, sắc sảo.

Trong số những người đưa ra những câu hỏi thẳng thắn và sắc sảo đó nổi bật nhất là Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng.

Cũng nhờ những người như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mà năm 2010 có thể được coi là năm nghị trường "bùng nổ" với các phát biểu, chất vấn, thậm chí tranh luận trực diện, mạnh mẽ của nhiều đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề, các quyết sách quan trọng của đất nước.

Từ đó, người ta thấy sự lộ diện của một Quốc hội ngày càng dân chủ hơn, đảm bảo cho sự hoạt động ngày càng hiệu quả hơn của Chính phủ.

Cuộc trò chuyện dưới đây với ông Nguyễn Minh Thuyết, hi vọng phần nào nói lên tính cách và bản lĩnh của vị đại biểu để lại nhiều dấu ấn nơi nghị trường này.

Đằng sau tôi chỉ có các cử tri

Trong một bối cảnh chung là ít đại biểu quốc hội dám phát biểu công khai về những vấn đề có khả năng động chạm đến vị lãnh đạo nọ, lãnh đạo kia, vịêc ông dám hỏi rất thẳng, và hỏi đến cùng tại các phiên họp truyền hình trực tiếp ở nghị trường khiến nhiều người có cảm giác dường như ông có một sự hậu thuẫn nào đó. Có đúng không?

- Tôi là một nhà giáo được bầu vào QH nên không phải là nhà chính trị chuyên nghiệp và cũng không có nguyện vọng làm nhà chính trị chuyên nghiệp.


Ông Nguyễn MInh Thuyết trong vòng vây báo chí tại kì họp Quốc hội.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trước những yếu kém, sai lầm trong điều hành việc nước, nếu Quốc hội (QH) nể nang, xuê xoa thì yếu kém, sai lầm sẽ không bao giờ khắc phục được.

Đất nước và nhân dân sẽ thiệt thòi và người dân sẽ giảm niềm tin vào lãnh đạo, vào tính nghiêm minh của pháp luật, như vậy thì rất tai hại. Tóm lại, chỉ có trách nhiệm của một đại biểu dân cử trước nhân dân và đất nước mới có thể thúc đẩy tôi lên tiếng.

Kiến nghị tôi nêu tuy chưa được thực hiện nhưng nó góp phần làm cho sinh hoạt của QH thẳng thắn, dân chủ hơn. Dân chủ có được tăng cường thì QH thực hiện được chức năng giám sát mà nhân dân giao phó.

Sau những chất vấn được coi là trực diện và gai góc đó, ông có bị ai "nhắc nhở khéo" gì không?

- Cho đến nay thì chưa. Tôi cho rằng đại biểu phải nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng pháp luật và tôi đã thực hiện đúng điều đó. Còn phát ngôn tuỳ tiện ngoài đường hay nói sau lưng thì mới phải nhắc nhở chứ!

Ông có mất nhiều thời gian chuẩn bị những phát biểu tại nghị trường và có phải tham vấn ai không?

- Bắt đầu kỳ họp, mẹ tôi nhập viện cấp cứu và ở trong tình trạng thập tử nhất sinh suốt 2 tháng trời (Bà mới mất giữa tháng 12 vừa qua. PV).

Họp được một tuần, bố vợ tôi mất. Ở tuổi tôi, việc các bậc sinh thành ra đi là chuyện khó tránh. Nhưng dồn dập mấy chuyện lớn trong một thời gian thì cũng căng thẳng. Cho nên phải nói là kỳ họp này tôi bận hơn những kỳ trước nhiều.

Lần này, tôi không phải hỏi chuyên gia nào vì mọi việc đều rõ ràng. Nhưng nếu cần thì chắc các chuyên gia cũng sẵn sàng thôi. Lần chuẩn bị ý kiến về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, có chỗ cần hỏi, tôi gọi điện xin gặp một chuyên gia đầu ngành, nhưng ông sẵn sàng trả lời qua điện thoại để tiết kiệm thời gian cho tôi.

Hôm chất vấn Thủ tướng thì tôi phải chuẩn bị câu hỏi tại chỗ vì ngay trước lúc Thủ tướng lên diễn đàn tôi mới nhận được bài phát biểu của ông.

Để được chất vấn Thủ tướng, ông có cần đến hội trường sớm không? Vì nhiều ĐB phàn nàn là họ bấm nút mà vẫn không đến lượt. Mà ông thì phiên chất vấn Thủ tướng nào cũng đều được hỏi. Vậy liệu có sự ưu ái, hay tín nhiệm của chủ tọa đối với riêng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không?

- Các phiên họp, nếu cần phát biểu, tôi đều đi sớm một chút để đăng ký hoặc bấm nút đăng ký tại chỗ. Riêng các phiên chất vấn, tôi chủ yếu đến nghe thôi, nghe mà chưa thông thì mới hỏi.

Trường hợp cần phát biểu mà có khả năng nhiều ĐB cũng sẽ đăng ký tôi mới nhờ anh em chuyên viên trong Đoàn ĐBQH của tỉnh đi sớm bấm nút đăng ký hộ.

Phiên chất vấn Thủ tướng hôm 24/11 vừa rồi, tôi đăng ký trong nhóm đầu tiên nên được chất vấn sớm. Sau phiên chất vấn, một số anh em nói, chỉ sợ chủ toạ không cho ông phát biểu. Tôi bảo: "tôi đăng ký thứ 3 thì phải được phát biểu chứ!".

Đèn xanh không bật, ai có thể đi được?

Trên thực tế, việc một số ĐB tỏ ra mạnh dạn vào cuối nhiệm kỳ đã khiến người ta có cảm giác, họ chỉ dám nói, khi không có gì để mất. Ông nghĩ sao?



- Dĩ nhiên càng nhiều thời gian hoạt động, các ĐBQH càng có kĩ năng thuần thục hơn, do đó phát biểu càng sâu sắc hơn, thể hiện bản lĩnh vững vàng hơn.

Nhưng theo sát hoạt động 9 năm nay, tôi thấy những ĐB được người dân đánh giá cao như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Lê Văn Cuông, Nguyễn Đình Xuân v.v... ngay từ khóa XI cũng luôn thể hiện là những người có chính kiến và thẳng thắn, không ngại đụng chạm.

Còn ở khoá XII này, ngay từ kỳ họp đầu tiên, dư luận đã đánh giá cao ý kiến xây dựng thẳng thắn, sâu sắc của các ĐB mới tham gia như Vũ Hoàng Hà (Bình Định), Danh Út (Kiên Giang), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Phạm Thị Loan (TP. Hà Nội), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) v.v...

Xét bản thân mình, tôi tự thấy kể từ ngày đầu làm ĐBQH mình cũng chưa hề né tránh những vấn đề gai góc. Nếu hiểu rằng người dân bầu và trả lương cho ĐBQH là để giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước thì việc ĐB có ý kiến thẳng thắn là bình thường, là làm đúng bổn phận.

Như vậy, có thể nói sinh hoạt dân chủ trong Quốc hội phần lớn được tạo ra từ bản lĩnh của các đại biểu QH?

- Trước hết, sinh hoạt QH ngày càng dân chủ là do đường lối Đổi mới của Đảng. Cũng giống như ta tham gia giao thông trên đường, đèn xanh không bật thì ai có thể đi được?

Nghe nói ở một số khóa QH trước Đổi mới, đại biểu phát biểu ý kiến phải bằng văn bản, mà văn bản phải được cấp có thẩm quyền thông qua mới được đọc.

Nhưng từ Đổi mới đến nay thì không có việc đó. ĐB có thể phát biểu bằng văn bản chuẩn bị trước hay "nói vo" và chuyển tải ý kiến của người dân đến diễn đàn Quốc hội một cách độc lập hơn.

Từ ngày Đổi mới, đã xuất hiện những ĐB rất bản lĩnh, mạnh mẽ, được cử tri nhớ mãi như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Việc tổ chức truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn từ năm 1994 đã tạo ra bước ngoặt, làm cho hoạt động QH minh bạch, công khai hơn.

Qua đó, người dân đánh giá được ĐB của mình và các chính khách khác. Đồng thời, ĐB và các chính khách nói chung cũng cảm nhận được sức ép của cử tri, sức ép của trách nhiệm rõ rệt hơn.

Ở nhà thì bà xã ông có lo lắng không, sau mỗi lần nghe ông nói mạnh trên hội trường?

- Bà xã tôi, giống như nhiều phụ nữ khác, ít quan tâm đến chính trị nhưng từ khi tôi làm ĐBQH thì quan tâm nhiều hơn. Là một trí thức, nhà tôi luôn chia sẻ với chồng. Tôi nghĩ, nếu mình hành xử theo cách khác thì đã không nhận được sự tôn trọng của vợ.

Phản hồi của người dân sau kỳ họp khi ông đi tiếp xúc cử tri thế nào?

- Sau mỗi lần phát biểu trên diễn đàn QH, tôi đều nhận được điện thoại, tin nhắn, thư hoặc email của bạn bè, cử tri quen biết và chưa quen biết tỏ ý hoan nghênh, ủng hộ. Những cuộc hội ngộ trên đường phố cũng khá nhiều.

Tôi chỉ kể một chuyện diễn ra gần đây: Cuối tháng 12 vừa rồi, tôi đi công tác Đà Nẵng. Một hôm, đang đi bộ qua đường, thấy một người đàn ông tuổi chừng 30, 35 vòng xe máy, ghé sát tôi, hỏi: "Bác có phải bác Thuyết không?".

Nghe tôi bảo phải, anh xuống xe, nắm tay tôi nói: "Em là một người dân. Em chỉ muốn nói với bác là dân Đà Nẵng rất quý mến bác".

Bốn mươi mốt năm lao động, tôi chưa được Nhà nước tặng thưởng tấm huân chương nào. Nhưng tôi đã được những người lao động bình thường tặng cho tấm chân tình như vậy. Đó là phần thưởng vô giá đối với một ĐBQH như tôi