Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Nhân Vật Tuyệt Vời: Park Chung Hee (1917 – 1979)

Người Việt biết đến Park từ những năm 60, khi trên đường phố Sài Gòn xuất hiện những thằng lính Đại Hàn Dân Quốc, mà các đồng chí Cộng quen gọi là “lính Park Chung Hee”. Thời kỳ này, đồng chí Park cũng chơi thân với đồng chí Thiệu và cho công nhân Đại Hàn thi công đoạn đường vành đai phía Bắc Sài Gòn mà dân Việt vẫn gọi là xa lộ Đại Hàn.
Với Chủ tịch, biết đến Park muộn hơn, hồi năm 7 chín, Chủ tịch có đọc tờ báo của Tiệc (Party) nói về vụ đồng chí Park bị ám sát. Báo Tiệc viết đại ý: ngày 26/10/1979 tại một tòa nhà bí mật ở Cheong Wa Dae, vào lúc 7:41 tối, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) Kim Jae-Kyu mời Park Chung Hee đến dự một bữa tiệc tại một tòa nhà của KCIA tại Nhà Xanh. Sau khi Park và các khách mời đã yên vị, Kim bỏ ra ngoài nhằm phát tín hiệu với những đồng chí của mình. Sau đó, Kim bước vào phòng, rút ra một khẩu súng lục và bắn chết viên vệ sĩ chỉ huy của Park Chung Hee, Cha Ji-cheol, rồi bắn nhiều phát vào Park…

Park đã chia tay với cõi dương để về với ông bà ở độ tuổi 62. Park chết, nhưng người Hàn Quốc vẫn nhớ đến Park như là một anh hùng quốc gia của họ, một người đã xây dựng Hàn Quốc trở thành một nhà nước hiện đại. Trong một cuộc khảo sát năm 1996, người Hàn Quốc đã chọn Park là người mà họ muốn nhân bản vô tính nhất.

Ngẫm về cuộc đời của Park, đồng chí này từng là Thiếu tướng và Thủ lĩnh Đảng Dân chủ Cộng hòa. Park là người cầm đầu một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 16/5/1961, lên làm lãnh đạo của Ủy ban Cách mạng. Park trở thành vị Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ, từ ngày 17/12/1963 đến 26/10/1979. Park là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc.

Tên tuổi Park gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước nữa, mà vươn lên trở thành một trong những con hổ của châu Á. Về mặt quân sự, Park thực hiện chính sách liên minh với Mỹ, và phái quân sĩ sang chiến đấu tại chiến trường Miền Nam Việt Nam.

Trong 18 năm cầm quyền Park đã thực hiện chính sách độc tài, vi phạm nhân quyền, trấn áp những người theo đường lối Cộng sản và cả những người bất đồng chính kiến và cho gián điệp theo dõi các trường học.Năm 1999, Park được tạp chí Times chọn là một trong 100 người châu Á tiêu biểu của thế kỉ XX. Park vừa là một vị Tổng thống được nhân dân Đại Hàn mến mộ nhưng đồng thời bị chỉ trích như một lãnh đạo độc tài.

Không giống với những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc khoa trương hơn, nổi tiếng hơn của thời cuộc, Park lãnh đạm và chân phương. Ông khơi gợi nguồn cảm hứng cho quốc gia của mình thông qua việc nêu gương chứ không phải qua những bài diễn văn hùng hồn, đầy nhiệt huyết.

Kim Chong Shin, một phóng viên viết về Park vào những năm 1960, cho biết: “Chắc chắn nhiều khía cạnh trong tính cách của ông được bộc lộ không phải qua lời nói mà qua hành động âm thầm lặng lẽ”. Khi phỏng vấn Park vào tháng 6/1975, Don Oberdorfer phát hiện nhân vật quyền lực lại là một người “ít nói và nhút nhát, gần như chẳng có chút gì oai nghiêm, đường bệ”.

Park “ôm một con chó cảnh Chihuahua nhỏ trong lòng và hiếm khi nhìn vào mắt tôi”. Trước công chúng, ông có vẻ xa cách và lạnh lùng. Tiểu thuyết gia Michael Keon đã chứng kiến Park trong một buổi lễ năm 1966 trình bày những hành động về đất đai trước một nhóm người tị nạn CHDCND Triều Tiên “với một vẻ nghiêm nghị, khó gần và chững chạc, có lẽ giống như một thủ lĩnh chiến binh Aztec đang chỉ huy việc khởi công xây dựng một kim tự tháp”.

Có lẽ không có sự kiện nào làm bộc lộ tính cách sắt đá của Park rõ hơn phản ứng của ông trước một âm mưu ám sát kinh hoàng năm 1974. Khi Park đang đọc diễn văn tại Nhà hát quốc gia chật kín người, một người đàn ông đứng dậy khỏi ghế của mình và chạy xuống lối đi của thính phòng, nã đạn từ một khẩu súng lục. Park đã thoát được mà không bị hề hấn gì nhờ cúi nhanh người xuống dưới cái bục.

Tuy nhiên, vợ của Park đang ngồi sau ông đã đổ gục về phía trước trong chiếc ghế của mình. Một viên đạn đã găm trúng vào đầu của bà phu nhân tổng thống. Sau khi các trợ lý mang cơ thể máu me bê bết của bà vợ khỏi nhà hát, Park quay trở lại micro và nói với khán thính giả đang trong cơn sửng sốt đến choáng váng: “Thưa quý vị. Tôi xin tiếp tục bài phát biểu của mình”. Vợ Park chết sau đó vài tiếng.

Khi Park thật sự nói trước đám đông, ông hô hào người dân phải hiến thân cho chương trình kinh tế của ông và sự phát triển của đất nước. Những bài diễn văn của Park đầy nghẹt những lời kêu gọi liên tục phấn đấu tăng năng suất hơn nữa. Trong thông điệp quốc gia thường niên của ông vào tháng 1/1965, Park tuyên bố năm đó là “năm làm việc”. 12 tháng sau, ông lại khẳng định rất nghiêm túc, không hề có ý hài hước rằng năm 1966 là “năm làm việc cực lực hơn”.

Bản thân là một người nghiện công việc, làm việc không biết mệt mỏi. Park thường xuyên ngồi trong văn phòng của mình ở dinh tổng thống, tức Nhà Xanh, trên tay là tập giấy dùng để ghi chú, tính toán theo cách riêng của mình với các số liệu thống kê kinh tế. Thậm chí sau nhiều ngày dài họp hành với các nhà hoạch định chính sách, Park lui về căn hộ riêng của mình trong Nhà Xanh chỉ để nguệch ngoạc viết ra thêm ý tưởng trình bày vào sáng hôm sau.

Ông cố gắng sống một cuộc sống giống như những người lao động Hàn Quốc trung bình. Bữa trưa trong Nhà Xanh của ông thường là một tô mì và ông nhất quyết độn cơm với bo bo như bữa ăn của một người nghèo. Park từng có lần nói: “Càng thiếu thốn, càng hiếm có thì càng tốt miễn là mình cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc”. Người Hàn Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của ông. Vào cuối thập niên 70, một tuần làm việc trung bình của một công nhân sản xuất Hàn Quốc dài hơn 30% so với của một công nhân Mỹ.

Dù Park và những phương pháp của ông có thể bị xét đoán như thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng không thể nghi ngờ sự cống hiến của ông cho việc xây dựng một đất nước Hàn Quốc đầy sức sống kinh tế. Vào buổi sáng đảo chính, Park đã tập hợp những sĩ quan trẻ ủng hộ ông vào một căn phòng ở sở chỉ huy quân đội và hứa với họ sẽ đưa Hàn Quốc tới một tầm giàu có mà ít người nghĩ có thể đạt được.

Ông nói về việc xây dựng một đất nước công nghiệp mà ở đó người dân Hàn Quốc không còn chịu cảnh đói khát, đất nước có đủ tiền để bảo vệ mình chống lại bất cứ kẻ thù nào. Lắng nghe chăm chú, Park Tae Joon, đại tá được Park Chung Hee che chở, đã tin vào lời nói đó. “Nhiều người đi theo ông ấy bất kể ông ấy sẽ làm gì - viên đại tá nói về người chỉ huy của mình - Tất cả mọi người đều tin rằng ông sẽ làm những điều tốt đẹp cho đất nước”.

Mang những khát vọng vĩ đại đó trong đầu, Park Chung Hee bắt đầu hành động giành quyền kiểm soát Hàn Quốc vào buổi sáng đó. Ông sắp sửa đánh cuộc với một trong những thách thức cam go nhất của phép mầu. Thế nhưng, Park lại tiếp cận nhiệm vụ này với một tâm thế tự tin và lạc quan. “Trong tâm trạng điềm tĩnh, tôi ra lệnh cho quân đội cách mạng tiến công - Park viết - Tôi không hề có một chút kích động nào”.

Chứng kiến những người lính tiến qua Seoul “là một hình ảnh nhân văn cao cả khiến tôi rơi nước mắt. Tôi nhìn xuống dòng sông Hàn và nhận thấy những con sóng thật mới mẻ, dòng nước thật tươi mới. Chẳng có thứ gì giống như ngày hôm qua”.

PhanThếHải(Bài viết có sử dụng tư liệu của MICHAEL SCHUMAN)

http://vn.360plus.yahoo.com/phanthehai2003/article?mid=1852

NGUY CƠ CAN THIỆP QUÂN SỰ CỦA MỸ, IXRAEN VÀ NATO TẠI AI CẬP

Mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu” (Canada) ngày 7/2 đăng bài phân tích về nguy cơ can thiệp quân sự của Mỹ, Ixraen và NATO tại Ai Cập của Mahdi Darius Nazemroaya, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hoá (CRG), với nội dung sau:Các cuộc biểu tình tại Tuynidi đã có ảnh hưởng dây chuyền trong thế giới Arập.

Ai Cập, quốc gia Arập lớn nhất hiện đang sục sôi với các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak tại Cairô. Người ta buộc phải đặt câu hỏi là sự kiện này sẽ có những ảnh hưởng gì? Liệu Mỹ, Ixraen và NATO có chịu khoanh tay đứng nhìn người dân Ai Cập thành lập một chính phủ tự do hay không?
Câu chuyện về các nhà độc tài Arập cũng giống như câu chuyện về mạng nhện. Mặc dù con nhện cảm thấy an toàn trong mạng lưới của mình, nhưng trên thực tế mạng nhện là một trong những ngôi nhà tạm bợ nhất. Tất cả các nhà độc tài Arập, từ Marốc tới Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), hiện đều lo sợ. Ai Cập đang ngấp nghé tiến sát một sự kiện, có thể trở thành một trong những biến động địa chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 21 này. Các Pharaông, dù cổ đại hay hiện đại, đều sẽ có ngày tàn của họ. Những ngày cuối cùng của Mubarak dường như đang điểm, nhưng các cường quốc đằng sau ông ta vẫn chưa bị đánh bại. Ai Cập là một phần quan trọng trong đế chế toàn cầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ, Ten Avíp, Liên minh châu Âu (EU) và NATO đều có lợi ích lớn trong việc duy trì Ai Cập như một chế độ bù nhìn.

Khi các cuộc biểu tình bắt đầu được tổ chức tại Ai Cập, tất cả những người đứng đầu quân đội Ai Cập đều đã đến Mỹ và hỏi ý kiến các quan chức Mỹ về các mệnh lệnh. Người dân Ai Cập đều biết rằng Chính quyền Cairô chỉ là những con tốt của Mỹ và Ixraen. Đó là lý do các biểu ngữ của người biểu tình không chỉ nhằm vào chế độ của Mubarak, mà còn nhằm chống lại Mỹ và Ixraen, giống như một số khẩu hiệu trong cuộc cách mạng Iran năm 1979. Mỹ hiện đang can dự vào mọi hành động của Chính phủ Ai Cập. Cairô không làm việc gì mà không hỏi ý kiến Nhà Trắng và Ten Avíp. Ixraen cũng đã cho phép quân đội Ai Cập được vào các khu vực thành thị trên bán đảo Sinai.

Tình hình thực tế là Chính phủ Mỹ đang nỗ lực chống lại sự tự do trong thế giới Arập và các khu vực khác. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nên có một giai đoạn “chuyển tiếp” tại Ai Cập, điều đó có nghĩa là Mubarak và chế độ Ai Cập sẽ không bị động đến. Mỹ không muốn có một chính phủ nhân dân tại Ai Cập. Martin Indyk, một người thân cận với Chính quyền Obama đã nói với tờ “New York Times” rằng Mỹ sẽ cố gắng khiến quân đội kiểm soát Ai Cập cho đến khi một “ban lãnh đạo chính trị ôn hoà và hợp pháp có thể nổi lên”. Indyk không chỉ kêu gọi một sự tiếp quản quân sự tại Ai Cập, mà còn sử dụng lối nói nước đôi của Bộ Ngoại giao Mỹ: “ôn hoà” có nghĩa là các chế độ độc tài như Marốc, Arập Xêút, UAE, Gioócđani và Ben Ali tại Tuynidi. Còn hợp pháp trong mắt các quan chức Mỹ là những cá nhân sẽ phục vụ cho các lợi ích của Mỹ. Ten Avíp còn thẳng thừng hơn Mỹ về tình hình Ai Cập và đã khuyến khích Chính quyền Mubarak sử dụng quân đội để đối phó với những người biểu tình. Họ cũng đã bảo vệ Mubarak trước quốc tế. Vai trò hàng đầu của quân đội Ai Cập là khống chế người dân Ai Cập và bảo vệ chế độ Mubarak. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập cũng hoàn toàn vì mục đích này.

Nếu người dân Ai Cập có thể thành lập một chính phủ mới và có chủ quyền thực sự, thì Ai Cập sẽ trở thành Iran thứ hai tại Trung Đông, vì có thể tạo ra một sự chuyển hướng địa chính trị toàn cầu và khu vực lớn, phá hỏng những lợi ích của Mỹ, Anh, Ixraen, Pháp, EU và NATO, như cuộc cách mạng Iran năm 1979. Nếu một chính phủ cách mạng nổi lên tại Cairô, các cuộc hoà đàm “ma” Ixraen-Palextin sẽ kết thúc, sự chết đói của người Palextin tại dải Gada sẽ chấm dứt, trụ cột của an ninh quân sự Ixraen sẽ biến mất và liên minh Iran-Xyri có thể có thêm một thành viên mới. Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đã bày tỏ sự quan ngại của Ten Avíp về việc Ai Cập liên minh với Iran và một cửa ngõ mới cho ảnh hưởng của Iran được mở ra. Netanyahu đúng ở một điểm là Bộ Ngoại giao Iran đang giám sát các sự kiện tại Ai Cập một cách háo hức và người Iran đang chờ đợi sự thành lập một chính phủ cách mạng để cùng tham gia Khối phản kháng với họ. Trong khi các thành viên Arập thuộc Khối phản kháng chỉ đưa ra những tuyên bố rụt rè về các cuộc biểu tình tại Ai Cập, Iran đã lớn tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình trong thế giới Arập. Xyri không muốn lớn tiếng do lo sợ về các cuộc biểu tình ở trong nước. Hezbollah và Hamát cũng vậy bởi vì họ muốn tránh bị các chế độ Arập cáo buộc đã can thiệp. Ngay cả Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đang duy trì các quan hệ chặt chẽ với các nước Arập, cũng im lặng về các cuộc biểu tình trong thế giới Arập.

Ixraen đang tự chuẩn bị đối phó với thực tế là một chính phủ không hữu hảo sẽ lên nắm quyền tại Cairô nếu người dân Ai Cập thành công. Ten Avíp đang có những kế hoạch quân sự – an ninh bí mật đối phó với những tình huống bất ngờ tại Ai Cập. Ông Netanyahu đã nói trước Quốc hội Ixraen: “Một hiệp định hoà bình không thể đảm bảo được sự tồn tại của hoà bình giữa Ixraen và Ai Cập vì thế để bảo vệ mình trong trường hợp hiệp định trên biến mất hoặc bị vi phạm do sự thay đổi chế độ tại Ai Cập, chúng ta sẽ bảo vệ hiệp định bằng những dàn xếp an ninh trên thực địa”.

Người ta hiện không thể loại trừ khả năng lại xảy ra chiến tranh Ai Cập-Ixaen, hoặc thậm chí cả sự can thiệp quân sự của Mỹ và NATO tại Ai Cập. Năm 2008, Norman Podhoretz đã nêu ra một kịch bản “ác mộng” mà ít người nghĩ đến, trong đó Ixraen sẽ xâm lược quân sự các nhà máy học dầu và cảng biển trên Vịnh Pécxích để đảm bảo “an ninh năng lượng” và họ cũng có thể tấn công hạt nhân chặn trước chống lại Iran, Xyri và Ai Cập. Hồi đó, vấn đề chính là “an ninh năng lượng” cho ai và tại sao lại tấn công Ai Cập khi Chính quyền Mubarak là một đồng minh tin cậy của Ixraen?

Vậy giờ đây, liệu Ixraen có tấn công Ai Cập nếu một chính phủ cách mạng nổi lên tại Cairô hay không? Và liệu một cuộc tấn công quân sự Ai Cập có liên quan đến kế hoạch quân sự-an ninh bí mật đối phó với những tình huống bất ngờ tại Ai Cập của Ixraen như ông Netanyahu đã nói hay không? Podhoretz có những quan hệ chặt chẽ với cả các quan chức Mỹ với các quan chức Ixraen. Ông này cũng là người đã nhận được Huy chương Tự do của Tổng thống Mỹ vì những ảnh hưởng trí tuệ của ông tại Mỹ và cũng là một trong những người đầu tiên đã ký vào Dự án vì một thế kỷ Mỹ mới (PNAC) cùng với Elliot Abrams, Richard Cheney, John (Jeb) Bush, Donald Rumsfeld, Steen Forbes Jr., và Paul Wolfowitz. PNAC đã vạch ra những kế hoạch chuyển đổi nước Mỹ thành một đế chế toàn cầu thông qua chủ nghĩa quân phiệt ở nước ngoài và quân sự hoá ở trong nước.

Chế độ Mubarak, Mỹ, Ixraen và các đồng minh của họ giờ đây không còn có thể quản lý Ai Cập được nữa. Vì vậy Mỹ, Ixraen và các đồng minh hiện đang hợp tác để chia cắt và gây bất ổn định Ai Cập, quốc gia Arập hùng mạnh nhất, để không thách thức chiến lược nào có thể nổi lên từ Cairô. Trong một sự dối trá ghê gớm, các phương tiện truyền thông do Chính quyền Mubarak kiểm soát đang đưa tin về việc hàng triệu người ủng hộ Mubarak và việc nhiều người ủng hộ những phát biểu và những kế hoạch chính phủ chuyển tiếp của ông ta. Trong một biểu hiện tuyệt vọng, các phương tiện truyền thông này cũng đang tìm cách đổ lỗi cho Iran và các đồng minh Arập của Têhêran về các cuộc biểu tình tại Ai Cập, khi đưa tin rằng lính biệt kích và các lực lượng đặc biệt Iran đang cùng với Hezbollah của Libăng và Hamát của Palextin tiến hành những chiến dịch gây bất ổn và phá hoại chống lại Ai Cập. Các kiểu cáo buộc này của Cairô là không mới. Yêmen, Bẩnh, Gioócđani cũng đều đã làm như vậy. Trước đây, Chính quyền Mubarak đã từng đổ tội cho Iran, Hezbollah, Phong trào yêu nước tự do, Xyri và Hamát đã can thiệp và kích động bạo lực.

Mặc dù những kẻ côn đồ của Mubarak đang tạo ra sự lộn xộn để tìm cách bảo vệ chính phủ của ông, nhưng Mỹ và Ixraen đang sử dụng học thuyết “những lộn xộn được quản lý”. Việc khiến những người Ai Cập đánh lại nhau và biến Ai Cập thành một quốc gia chia rẽ và bất ổn dường như là mục tiêu của Mỹ, Ixraen và các đồng minh. Việc làm tăng căng thẳng giữa những người Ai Cập theo đạo Hồi, với những người Ai Cập theo Thiên chúa giáo có liên quan đến dự án này.

Nhà Trắng và Ten Avíp không muốn có một Iran thứ hai tại Trung Đông. Họ sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn sự nổi lên của một nhà nước Ai Cập hùng mạnh và độc lập. Một Ai Cập tự do có thể trở thành nguy cơ lớn hơn nhiều so với Iran không phải Arập đối với các mục tiêu của Mỹ, Ixaren và NATO. Cairô dưới sự cầm quyền của một chính phủ cách mạng, cho dù có quan hệ sâu sắc với Hồi giáo hay không, đều sẽ tạo cho thế giới Arập một nhà lãnh đạo mới, có thể hồi sinh chủ nghĩa toàn Arập, khiến Ten Avíp quan ngại hơn nữa về việc tìm cách gây chiến, và tập hợp những người Arập và các dân tộc khác trên toàn thế giới trong một cuộc cách mạng chống lại sự cấu kết toàn cầu do Mỹ và các đồng minh tạo ra./.

http://basam.info/

Chính phủ Hoa Kỳ lẻn qua kiểm duyệt Internet của Trung Quốc với công nghệ mới

Posted on Tháng Hai 13, 2011 by truongthondlb1


By Judson Berger FoxNews.com (Bài dịch của NhanBan2005)-Theo một báo cáo gần đây, chính phủ Mỹ đã tìm ra cách để phá được các bộ lọc kiểm duyệt Internet để cung cấp tin tức và thông tin quan trọng khác qua e-mail cho người dân ở các nước như Trung Quốc.

Các báo cáo chính thức từ Hội Đồng Phát Thanh Thống Đốc (BBG) đã nói chi tiết về sự thử nghiệm thành công mà cơ quan đã tiến hành hồi năm ngoái khi đã cố gắng để đút dữ liệu vào hộp thư điện tử ở Hong Kong và Trung Quốc. Các thử nghiệm liên quan đến công nghệ được gọi là Feed Over E-mail, hoặc FOE, để vượt qua cái bẫy của chính phủ Trung Quốc được đặt ra trong việc thanh lọc các nội dung Internet không mong muốn.

Theo báo cáo mà tổ chức phi vụ lợi Government Attic nhận được và xuất bản đầu tiên nhờ yêu cầu tin tức qua một đạo luật tự do thông tin thì công nghệ “thực hiện tốt trong tất cả các kiểm tra.” BBG xác nhận tính xác thực của báo cáo cho FoxNews.com.

Các chuyên gia đằng sau thử nghiệm cho biết vũ khí thông tin này có thể đã không làm tốt trong nhiều tình huống như diễn ra ở Ai Cập, nơi mà chính phủ đang thẳng tay ngăn chặn truy cập Internet để đáp ứng với những tình trạng bất ổn chính trị.

Giám đốc bảo mật thông tin Ken Berman của BBG nói: “Nếu có một cuộc mất điện …thì không làm gì được.”
Nhưng cơ quan kiểm nghiệm đã chứng tỏ rằng, ít nhất là ở Trung Quốc, công nghệ này có thể được sử dụng hiệu quả để truyền tải mọi thứ từ nguồn cấp dữ liệu RSS tới các tập tin có thể tải về đến các địa chỉ mạng ủy nhiệm (web proxy) mà người dùng có thể truy cập để duyệt một phiên bản Internet chưa bi. kiểm duyệt.

Chuyên gia công nghệ thông tin Sho-Ho đã thiết kế công nghệ này trong vài năm qua cho biết hệ thống, tuy vẫn còn phải trải qua thử nghiệm, một cách hiệu quả nén dữ liệu để nó có thể lướt qua mà không bị phát hiện – sau đó nó giải mã thông tin để người dùng ở đầu bên kia có thể nhìn thấy nó.

Bản báo cáo BBG nói: ”Tin nhắn FOE được nén và mã hóa để các công nghệ thanh lọc từ ngữ nhận dạng (keywords) bình thường sẽ không thể kiểm duyệt.”

Berman cho biết công nghệ này cuối cùng có thể được sử dụng như là một phần của chương trình của BBG chống kiểm duyệt Internet, và cố gắng để xâm nhập hệ thống “Đại Tường Lửa” như của Trung Quốc.

“Chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy sự tự do thẩm vấn,” ông nói. ” công cụ của Sho-Ho là một cách tiếp cận khác để giúp đỡ giải quyết cùng một vấn đề.”

Nó không là bước duy nhất chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện để chiến đấu kiểm duyệt của nước ngoài. Các nỗ lực toàn cầu gọi là Liên minh của các phong trào Thanh niên – bắt đầu dưới thời cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp tục với sự giúp đỡ của Google và những người khác – đang huấn luyện các nhóm dân chủ trước về cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tổ chức và phá vỡ sự can thiệp của chính phủ. Ngay sau khi những biến động của Ai Cập đã bắt đầu, Google đã thiết lập một cuộc gọi trong đường dây trên đó người Ai Cập có thể để lại một âm thư (voicemail), mà sau đó có thể được biến thành tin nhắn được phân phối trên Twitter.

Đối với công nghệ FOE, một trong những điều kiện là nó đòi hỏi người sử dụng, như trong một đất nước như Trung Quốc hay Iran, để có một mục khoản e-mail với một nhà cung cấp nước ngoài như Gmail của Google.

Bài báo cáo chính phủ về cuộc kiểm tra cho biết công nghệ có thể mang tin tức cũng như các ứng dụng phần mềm quan trọng như Tor, giúp người sử dụng Internet duy trì trực tuyến ẩn danh, và Freegate, có thể được sử dụng để truy cập nội dung Internet bị chặn.

Thử nghiệm đã được tiến hành giữa tháng Hai và tháng Sáu năm 2010. Sau khi thiết lập một máy chủ ở Washington, DC, việc thử nghiệm chuyển tới Thâm Quyến (Shenzhen), Trung Quốc, Hong Kong và cuối cùng là Bắc Kinh. Các thử nghiệm sử dụng các loại máy tính – một Lenovo, một Dell và một Sony – và trong mọi trường hợp được báo cáo “tốc độ kết nối rất tốt và không có khuyết tật rõ ràng.” Họ sử dụng các kết nối để gửi tin tức qua từ Voice of America, CKXX và Trung Quốc Tuần Tin.

Bài báo cáo cảnh báo rằng “Điều không rõ là công nghệ này sẽ hoạt động tốt như thế nào khi nó mở ra cho công chúng.”
Ban giám đốc Đài phát thanh BBG trông coi một số mạng lưới phát thanh dân sự, bao gồm Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài Á châu Tự Do và Mạng Phát Sóng Trung Đông.

Jim Angie của đài Fox News đóng góp cho báo cáo này.

Áo Trắng Ơi

Mubarak: gậy ông lại đập lưng ông

Posted by truongthondlb1


Trọng Thành - Theo báo chí Pháp, trong 30 năm qua, Mubarak đã xây dựng một hệ thống quyền lực, để rồi trở thành nạn nhân của sự “củng cố, khoá chặt” của hệ thống này. Chính cũng vì Mubarak quan tâm vào việc tập trung quyền hành, mà ông đã không nhìn thấy khát vọng của dân chúng, bỏ lỡ cơ hội thực hiện cải cách dân chủ.



Ông Moubarak lên làm tổng thống sau vụ ám sát ông Sadate (phải) tại Cairo (AFP)

Thay đổi lớn tại Ai Cập chiếm trang nhất nhiều tờ báo Pháp. Le Figaro đưa hình ảnh ông Mubarak trầm ngâm cúi mặt, với hàng tựa “Sự sụp đổ của Mubarak”. Trên trang nhất, Libération chạy tựa thật ngắn : “Tự do” trên hình nền một thiếu nữ được kiệu trên cổ một bạn trai đang vung hai nắm tay lên trời với vẻ mặt ngây ngất. Tờ L’Humanité đăng hàng chữ “Mubarak. Cút đi !”, là khẩu hiệu được những người biểu tình trương lên trong các cuộc mít tinh trong những ngày qua.

Bất chấp những nỗ lực cuối cùng bấu víu lấy quyền lực, tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã buộc phải chấp nhận ra đi, dưới sức ép của hàng triệu người biểu tình. Các biện pháp cuối cùng của tổng thống Mubarak nhằm thương thuyết với các nhóm đối lập để tìm ra một lối thoát trong thỏa hiệp đều vô ích. Quyền lực hiện nay tại Ai Cập được chuyển sang tay Hội đồng Quân sự Tối cao, trong thời gian chuẩn bị bầu cử.

Tại sao hệ thống chính trị mà tổng thống Ai Cập dầy công xây dựng trong 30 năm cuối cùng phải chấp nhận nhường quyền cho quân đội, và bản thân ông Mubarak phải từ chức ?

Dưới tựa đề « Hosni Mubarak, nhà độc tài bất động », nhật báo Libération vạch lại hành trình quyền lực của cựu tổng thống, với nhận định « ám ảnh về sự ổn định và an ninh đã cản trở ông ta hiện đại hóa đất nước ». Còn bài viết « Sự ra đi của Pharaon » trên Le Figaro thì đưa ra một tổng kết rõ hơn : « Sau 30 năm trị vì, tổng thống Ai Cập là nạn nhân của sự khép kín, tắc nghẽn và cô lập của hệ thống quyền lực do chính ông ta tạo ra. »

Tổng thống “con bò cười”

Sự xuất hiện trên chính trường của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đầu những năm 1980 để lại ấn tượng về một con người khôn khéo, điều hành đất nước một cách kín đáo với thái độ trung dung. Le Figaro dẫn ra hình ảnh « Con bò cười », nhãn hiệu Hộp pho mát trộn của Pháp rất nối tiếng ở vùng Cận Đông, cũng là biệt danh mà người Ai Cập thường dùng để nói về tổng thống của họ, với nụ cười băng giá.

Còn Libération thì kể lại một câu chuyện tiếu lâm phổ biến tại Ai Cập, chế giễu tính cách bất động của nhà độc tài. Vào ngày đầu tiên trở thành tổng thống, người tài xế hỏi ông chủ mới, muốn đi theo ngả nào, theo ngả trái như người sáng lập nước Cộng hòa, hay ngả phải như tổng thống tiền nhiệm. Tổng thống Mubarak quyết định cho nháy cả hai chiếc đèn báo hiệu bên phải và bên trái của xe, và ra lệnh cho tài xế dừng xe lại.

Libération tóm lại, trong 29 năm lãnh đạo đất nước, ông Mubarak đã coi « thận trọng là yếu tố quyết định ». Cựu tổng thống đã thành công trong việc không để cho Ai Cập rơi xuống vực thẳm, nhưng ông đã không thể mang lại cho đất nước này các phương tiện để có thể đối mặt được với các thách thức của thế kỷ XXI.

Theo Le Figaro, hành trình trở thành nhà lãnh đạo tối cao tại Ai Cập của ông Mubarak rất thuận lợi, sau khi ông thu được một chiến thắng quân sự trong cuộc chiến chống Israel, năm 1973, với tư cách Tư lệnh không quân. Năm 1981, sau khi tổng thống tiền nhiệm Sadate bị ám sát bởi những phần tử Hồi giáo cuồng tín chống lại chủ trương hòa bình với Israel, từ phó tổng thống, Hosni Mubarak chính thức trở thành tổng thống, đúng vào thời điểm Ai Cập rất cần đến một nhà lãnh đạo mềm mại.

Đàn áp tất cả các tổ chức đối lập

Suốt thời gian trị vì Ai Cập, đảng Quốc gia Dân chủ (PDN) của ông Mubarak, được thành lập từ năm 1978, đã không nhường chỗ cho bất cứ lực lượng đối lập nào. Năm 2005, tổng thống Mubarak tái đắc cử lần cuối với 88% phiếu bầu, trong cuộc bầu cử chỉ được 23% cử tri tham gia. Cũng trong kỳ bầu cử này, một ứng cử viên duy nhất được chấp nhận trở thành ứng cử viên.

Như vậy, luật sư Ayman Nour đã có thể ra cạnh tranh với Mubarak trong cuộc tranh cử, và thu được 7% phiếu bầu. Nhưng đổi lại, đối thủ duy nhất của ông Mubarak đã phải chịu án tù 5 năm, vì bị kết tội « giả mạo giấy tờ » trong khi chuẩn bị thủ tục thành lập đảng riêng. Tất cả những gì có thể dẫn đến sự thành lập một lực lượng chính trị độc lập với hệ thống quyền lực của đảng Quốc gia Dân chủ của ông Mubarak, đều bị ngăn chặn và đàn áp khốc liệt.

Hosni Mubarak rất kiên quyết với các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Trong những năm 1980, ông đã tạo điều kiện cho hàng trăm chiến binh Hồi giáo rời nước sang Afghanistan, tiến hành thánh chiến chống quân đội Nga. Còn tại chính Ai Cập, chế độ của ông Mubarak chỉ chấp nhận những người Hồi giáo bất bạo động. Các nhóm Hồi giáo tuân phục chế độ có quyền tổ chức các nghiệp đoàn, thậm chí những thành viên của họ có thể trở thành đại biểu quốc hội, nhưng không ai được phép thành lập đảng phái.

Trong cuộc bầu cử năm 2005, các thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã giành được 88/444 ghế, bất chấp sự o ép của các lực lượng an ninh. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, cuối năm 2006, đầu năm 2007, hàng trăm thành viên của tổ chức này đã bị bắt giam. Theo Libération, Hosni Mubarak đã không biết cách thực hiện một cuộc chuyển hóa dân chủ vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, thái độ của Hosni Mubarak với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo rất mập mờ và nguy hiểm. Mặc dù tỏ ra kín đáo và chừng mực trong các thực hành tôn giáo cá nhân, ông Mubarak đã để cho các xu thế Hồi giáo chính thống có điều kiện trở lại mạnh mẽ trong xã hội. Le Figaro cho biết, luật charia của đạo Hồi, đã được thừa nhận là một ngọn nguồn chính của luật pháp Ai Cập trong thời gian ông Mubarak nắm quyền.

Thái độ chính trị độc tài tương đối mềm mỏng của Hosni Mubarak có xu hướng trở nên đặc biệt cứng rắn, sau mỗi lần xảy ra các bạo động, khủng bố tại Ai Cập. Các đàn áp nhắm vào các lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng được sử dụng để chống lại ngay chính xã hội dân sự nhằm bóp nghẹt mọi phản kháng chính trị và xã hội.

Năm 2008, các cuộc bãi công của công nhân ngành dệt và xi măng bị đàn áp trong máu. Nhà lãnh đạo tối cao thoạt đầu được nhiều người chấp nhận, như một giải pháp cần thiết để tránh cho xã hội Ai Cập rơi vào vòng xoáy bạo lực, ngày càng mất hết thiện cảm của tuyệt đại đa số dân chúng.

Chính quyền Obama cố gắng tác động tốt đến các chuyển biến tại Ai Cập

Trong cuộc cách mạng vừa qua tại Ai Cập, đâu là vai trò của Hoa Kỳ ? Cuộc phỏng vấn một cựu chuyên gia về Ai Cập của CIA do Libération thực hiện đã đưa ra một nhận định tổng hợp về vai trò của Washington trong việc quản lý cuộc khủng hoảng xảy ra tại một quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Theo cựu chuyên gia CIA, tổng thống Obama ý thức được sự chuyển biến hết sức nhanh chóng của lịch sử và ông đã hết sức cố gắng để đứng về phía phe chính nghĩa.

Ông phải liên tục tìm kiếm một sự cân bằng rất khó khăn giữa các nguyện vọng chính đáng của dân chúng và đòi hỏi không được làm cho tình hình trở nên bất ổn định tại khu vực vốn đầy tiềm năng bùng nổ xung đột này. Cho đến giờ, sau 3 tuần lễ cách mạng, mong muốn của Washington không để xảy ra một cuộc tàn sát kiểu “Thiên An Môn”, trên thực tế, đã là hiện thực, với vai trò quyết định của quân đội Ai Cập.

Vai trò để ngỏ của quân đội trong cuộc cách mạng Ai Cập

Cho đến giờ Hoa Kỳ đã làm khá tốt, trong việc giữ được thế cân bằng hết sức nhạy cảm kể trên, cũng là nhận định của thông tín viên Le Figaro từ Washington. Một trong những các yếu tố quan trọng nhất mà Hoa Kỳ nắm được để có thế mạnh trong biến cố này, chính là mối quan hệ mật thiết của Washington với nhiều lãnh đạo hiện nay trong hàng ngũ quân đội Ai Cập.

Tuy nhiên, cũng theo Le Figaro, cuộc chơi này không phải là không mạo hiểm, bởi các động cơ hành động thực sự của quân đội, còn chưa được thể hiện rõ ràng. Giới quân sự chưa chắc đã ủng hộ quá trình dân chủ hóa, và các chế độ độc đoán lại thường có khả năng tồn tại rất dai dẳng. Le Figaro cũng nhắc lại lời của cựu giám đốc CIA đưa ra hôm qua, « các cuộc cách mạng có thể ăn thịt chính những đứa con đẻ của mình », để nhắc lại các kinh nghiệm lịch sử đau đớn trong các cuộc cách mạng Pháp, Nga và Iran.

Theo nhật báo L’Humanité có bài nhận định về vai trò của Quân đội Ai Cập, hiện tại quân đội Ai Cập do tướng Mohamed Hussein Tantaoui, kiêm Phó Thủ tướng nắm giữ, bao gồm 470.000 quân nhân tại ngũ mà phần đông là lính mới nhập ngũ, và 479.000 quân nhân dự bị. Sau vụ các sĩ quan tự do lật đổ vua Farouk năm 1952, các đời tổng thống Ai Cập đều xuất thân từ Quân đội. Lần này, ngay từ đầu phong trào, Quân đội đã rất thận trọng cho đến giây phút cuối cùng khi đề nghị với tổng thống các bước nhượng bộ về chính trị.

Người ta đang tự hỏi : Liệu có phải do sự chia rẽ trong hàng ngũ quân đội và áp lực từ phía Mỹ lên Bộ Tham mưu đã dẫn đến việc Quân đội gia tăng áp lực lên Moubarak ngay khi ông này tuyên bố sẽ không từ chức và chuyển quyền cho ông Omar Souleimane vào thứ năm vừa qua ? Hiện nay giữa người đứng đầu bộ phận tình báo trước đây, cựu quân nhân và các quân nhân hiện tại có mối liên hệ gì ? Người ta có thể trong đợi những đổi mới gì ở Ai Cập ? Vai trò của quân đội tại Ai Cập, trên thực tế, vẫn còn để ngỏ.

Thế giới Ả Rập : thêm những dấu hiệu thay đổi

Sau sự ra đi của tổng thống Ai Cập Mubarak, thêm một số tín hiệu hướng đến những thay đổi triệt để tiếp tục xuất hiện tại nhiều nước Ả Rập. « Giờ thay đổi đã đến » là tựa đề của L’Humanité nói về diễn biến mới tại Algeria. Ngày hôm nay, nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra tại thủ đô Alger và nhiều thành phố lớn, theo lời kêu gọi của tổ chức Điều phối quốc gia vì Thay đổi và Dân chủ. Chính quyền Algeria phải huy động 30.000 cảnh sát để ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Còn tại Ả Rập Xê Út, theo Le Figaro, đảng Quốc gia Hồi giáo, một đảng chính trị đầu tiên đã ra đời. Ả Rập Xê Út là quốc gia mới chỉ tổ chức một kỳ bầu cử địa phương đầu tiên vào năm 2005.

Trong khi đó, chính quyền Iran, một quốc gia Hồi giáo khác, đã ca ngợi cuộc nổi dậy tại đất nước của sông Nil, và khuyến khích những người Ai Cập đi theo mô hình của cách mạng Hồi giáo 1979. Nhân lời tuyên bố của chính quyền và để tiếp tục bày tỏ các khát vọng tự do, đối lập Iran đã nộp đơn chính thức đề nghị cho phép tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ phong trào của nhân dân Ai Cập vào thứ Hai tới (14/02).

Hiện tại chính quyền Teheran chưa đưa ra quyết định chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu kể trên, nhưng nhiều nhà ly khai Iran đã bị khống chế, trong đó có ông Mehdi Karoubi, cựu Chủ tịch Quốc hội, một trong các thủ lĩnh của đối lập Iran, vừa bị đặt dưới chế độ quản chế tại gia từ hai ngày nay.

Vong bản từ đâu?

Posted by truongthondlb1


Hà Sĩ Phu – Chúng ta biết trọng và tiếc cái vốn quý mà ta đã tự đánh mất là để có bài học khôn ngoan cho hôm nay, chứ nhất định chúng ta không biến mình thành những anh chàng bó tay hoài cổ, nhấm nháp quá khứ…

(Mạn đàm cùng nhà Sử học Dương Trung Quốc)

Đọc được bài Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn của ông Dương Trung Quốc tôi biết ý kiến của mình lâu nay (về chủ đề này) đã không còn lẻ loi. Vâng, mất gốc hoàn toàn cũng nghĩa là vong bản tuyệt đối. Đúng vậy, nhưng xin đừng quá buồn.

Lâu nay, trò chuyện với bạn bè ở Đà Lạt tôi thường đề cập đến sự thăng trầm của “Phẩm chất con người Việt Nam”, vì không hiểu điều này sẽ không cắt nghĩa nổi những dao động lịch sử, lúc như sóng cồn, lúc trơ lỳ, của xã hội Việt Nam hơn một thế kỷ nay.

Theo tôi, phẩm chất con người Việt Nam đạt đỉnh cao nhất ở nửa sau của thời kỳ Pháp thuộc. Còn đoạn lõm thấp nhất, bị tha hoá tệ hại nhất là ở nửa sau của cuộc “Cách mạng Vô sản”, tức chính là những năm tháng hiện nay. Nói khác đi, những thế hệ sống trọn thế kỷ 20, vắt sang đầu thế kỷ 21 đã có may mắn được chứng kiến cả điểm cực đại và cực tiểu của sự dao động suốt 4000 năm lịch sử, một giai đoạn độc đáo khó có lần lặp lại.

Điểm cực đại mà ông Dương Trung Quốc đặt tên là “thế hệ vàng”, là thế hệ cùng sinh trưởng với những nhân vật mà ông nêu danh trong bài như Vũ Đình Hoè, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phan Anh… (tất nhiên không thể thiếu những Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân,Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan… vân vân và vân vân…, và cả một lớp người trẻ hơn chút ít, nghĩa là hàng trăm danh nhân mà không thể kể ra đây một cách vội vàng sơ lược). Có thời kỳ nào mà tên tuổi danh nhân đáng ngưỡng mộ lại tập trung với mật độ như thế?

Vì sao có “thế hệ vàng” ấy? Ông Dương Trung Quốc đã giải thích bằng cả đoạn như sau:

“Thế hệ vàng được hưởng một nền Quốc học rất căn bản, cho dù đến đầu thế kỷ thứ 20, nền Quốc học bắt đầu đứng trước nhiều thử thách và bị khủng hoảng do chế độ thuộc địa, nhưng về căn bản nó vẫn được duy trì cả trên lĩnh vực kiến thức và đạo lý. Quan niệm về dạy học là dạy làm người. Nền Quốc học lại được trải qua một thời kỳ của phong trào Duy Tân, là những trí thức yêu nước muốn hướng tới học hỏi cái mới.
Trong bối cảnh ấy, thế hệ này lại được tiếp nhận nền văn minh phương Tây một cách khá căn bản, tinh thần là khoa học và dân chủ. Họ đã học được và vượt lên trên cái ràng buộc và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa.

Nền giáo dục và văn hóa Pháp, bên cạnh mục tiêu thực dân, là cả một nền văn minh. Chính nền văn minh ấy kích thích tinh thần dân tộc của họ vì họ nhận ra chân giá trị của nền văn hóa Pháp lại phục vụ cho chính sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái rất thu hút. Chính thực dân Pháp cũng nói: con đường đi sang nước Pháp là con đường chống lại nước Pháp. Vì thế, bản chất nền văn minh lại trái ngược với mục tiêu thực dân”.

Nói cách vắn tắt thì giai đoạn lịch sử ấy là điểm giao thoa, là sự cộng hưởng của những giá trị Việt Nam cổ truyền kết tinh từ phương Đông và sự du nhập quý như vàng của yếu tố mới là văn minh Tây phương.

Sau đỉnh cực đại đó là một đoạn chuyển mà ông Dương Trung Quốc diễn tả: “Hai tố chất ấy lại được tồn tại trong một môi trường thúc giục của tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc. Nó rơi vào thời điểm lịch sử là cuộc vận động giải phóng dân tộc VN, và đương nhiên ta phải nói tới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nói khác đi, sau điểm cực đại của “thế hệ vàng” là điểm bắt đầu của một thời kỳ mới, là “kỷ nguyên” của Cách mạng Vô sản, của chủ nghĩa Cộng sản mà khởi đầu chỉ bằng phong trào giành Độc lập dân tộc (điều oái oăm chính là ở sự biến thái, lồng ghép, đánh tráo lịch sử này).

Chính phẩm chất đỉnh cao mà Dương Trung Quốc gọi là “thế hệ vàng” ấy đã cung cấp sức mạnh, đã giải thích vì sao Đảng Cộng sản từ tay trắng mà giành được thắng lợi trước những đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần. Về nguyên nhân của những thắng lợi ấy, tất nhiên còn phải kể đến trào lưu Cộng sản quốc tế và mục tiêu ban đầu là chỉ Độc lập dân tộc (còn cái đuôi xã hội chủ nghĩa mãi sau này mới hiện ra), nhưng yếu tố quyết định thắng lợi chủ yếu là do Đảng Cộng sản đã sử dụng được sức mạnh vô địch của “thế hệ vàng” của phẩm chất con người Việt Nam.

Đến đây, một câu hỏi mới được đặt ra. Theo luận điểm chính thống thì đỉnh cao phẩm chất Việt Nam ấy được (bị) đồng hoá vào một hệ văn hoá, một hệ văn minh mới lạ là “Văn hoá Vô sản” (rồi kết tinh thành “Văn hoá Đảng”) được mô tả là tiên tiến, là tiên phong, là đưa những “con người mới xã hội chủ nghĩa” đến một thiên đường hạnh phúc, nên làm cho phẩm chất Việt Nam truyền thống kia được vun xới, được chắp cánh, được nhân lên nhiều lần, hơn hẳn tổ tiên. Nếu luận điểm này đúng thì “thế hệ vàng” mà ông Dương Trung Quốc nói kia không thể là đỉnh, là vàng gì hết vì sau đó nó còn tiếp tục cao hơn và quý giá hơn vàng nhiều lần kia mà? Đáng lẽ như vậy thì hiện nay đang là đỉnh mới đúng! Thế nhưng đùng một cái, hôm nay người ta buộc phải công nhận điều ngược lại: thế hệ chúng ta (bây giờ) đã mất gốc, mà mất hoàn toàn! Vậy cái gốc “vàng “ khi xưa đã được vun xới hay đã bị “đào tận gốc”?

Thực tế “mất gốc” như ông Dương Trung Quốc công nhận (và chắc đa số trí thức tán thành) khiến cho toàn bộ luận điểm Mác-xít nói trên hoàn toàn bị phá sản! Nói cách khác, nền Văn hoá Vô sản mà chủ nghĩa Mác đem lại không hề cộng hưởng và nâng cấp cho Văn hoá dân tộc Việt như được tuyên truyền và ngộ nhận, mà trái lại nó làm triệt tiêu những tinh túy của phẩm chất Việt Nam.

Hãy nhìn vào thực tiễn xã hội: Có bao giờ người Việt Nam lại thờ ơ trước nguy cơ vong quốc, nguy cơ bị đồng hoá như bây giờ? Có bao giờ sự thờ ơ trước đau khổ của đồng loại, sự đâm chém, băm chặt nhau dễ dàng như cơm bữa, sự nhố nhăng mất gốc, sự phô bày thú tính, sự vênh vác rởm đời, sự hành hạ người yêu nước một cách ngang nhiên, sự nịnh bợ kẻ nội xâm và ngoại xâm… lại được tôn vinh trước thanh thiên bạch nhật như bây giờ? Có bao giờ sự thành thật lại thua sự giả dối, người lương thiện lại sợ kẻ gian manh, người yêu nước lại bị lép vế, bậc thức giả lại bị cười khinh, công lý lại bị nhạo báng một cách thảm hại như bây giờ? Tất cả được bọc trong một bong bóng xà phòng khổng lồ ảo thuật, trông thấy hết nhưng để mà cười thôi!

Ông Dương Trung Quốc nói “mất gốc hoàn toàn” tức là vong bản tuyệt đối! “Bản” ở đây là Dân bản, Quốc bản và Nhân bản. Mất hết những gốc ấy chẳng những không còn là người Việt mà cũng chẳng xứng làm người nói chung. Chỉ còn một thứ “bản” ngự trị là “tư bản” hoang dại, mà ông tổ Mác-xít đã đem nó chôn đi nhưng nó không chết, trái lại nó hiện về với một thân hình tật nguyền, nó quay lại báo oán, trả thù cái hệ thống đã vác cuốc xẻng đem chôn nó.

Như vậy ta hiểu vì sao một cái gốc quý như vàng thế lại để bị “mất gốc hoàn toàn”. Cũng ý này, nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc diễn tả kín đáo hơn: “Chúng ta đang khủng hoảng vì tiếp nhận quá nhiều giá trị ảo” (vâng, tiếp nhận một chủ nghĩa ảo tưởng thì toàn là giá trị ảo chứ gì nữa).

Những ai càng tin vào “những giá trị ảo” thì khi vỡ mộng chính họ chứ không ai khác lại “thực dụng quá” (vẫn chữ của ông Dương Trung Quốc)! Từ chủ nghĩa ảo tưởng chạy sang chủ nghĩa thực dụng là điều dễ hiểu, cũng như một nền “Đức trị” mà bị phá sản thì sẽ vô “đạo đức” hơn ai hết. Đọc bài của ông Dương Trung Quốc, nếu hỏi ai là những người có “tư tưởng ấu trĩ, nhận thức thì hạn hẹp, lại bị chi phối bởi lợi ích” mà cứ làm “lãnh đạo” thì câu trả lời đã rõ như ban ngày.

Dân tộc Việt Nam đã có một cái gốc quý như vàng, nhưng nay “mất gốc hoàn toàn” chính bởi sự ngộ nhận, coi cái gốc quý giá đó là di tích của thực dân phong kiến, bèn vừa muốn sử dụng sức mạnh quý giá có thật của nó để khởi nghiệp cho mình, lại vừa muốn diệt nó đi để nhập một cái gốc khác vào, đến khi biết cái gốc “ảo” này chỉ ăn hết chất màu của đất lại sinh ra toàn quả đắng, thì cái gốc cũ đã trốc hết rễ rồi, khó mà tái sinh.

Thử hỏi chủ nghĩa nào đã chủ trương “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những giá trị truyền thống”, chủ nghĩa nào đã hăm hở “đào mồ chôn”, chủ nghĩa nào đã gây cho Tố Hữu cảm hứng “thuở Anh chưa ra đời, trái đất còn nức nở, nhân loại chưa thành người”? Kẻ dám phủ nhận cả Nhân loại trước khi mình ra đời ắt là kẻ mất gốc tuyệt đối, ắt không thể thành người, tự nhiên thành quỷ, muốn hồi sinh kiếp người thật không đơn giản.

Về lối ra, ông Dương Trung Quốc nói “Tôi không tán thành phải quay về cái cũ…”. Đúng như vậy, dù có quý cái “thế hệ vàng” trước đây đến đâu cũng chẳng có cách nào phi thực tế để kéo lịch sử giật lui. Trong lý luận tôi thường nói phải “đằng sau quay” là nói về nhận thức, phải truy nguyên về cái gốc xuất phát của sai lầm, ở chỗ rẽ đã qua, để thiết kế lại từ chỗ sai lầm ấy, trong hoàn cảnh mới hôm nay. Chúng ta biết trọng và tiếc cái vốn quý mà ta đã tự đánh mất là để có bài học khôn ngoan cho hôm nay, chứ nhất định chúng ta không biến mình thành những anh chàng bó tay hoài cổ, nhấm nháp quá khứ.

Nhân loại chắc chắn trường tồn nên NHÂN BẢN không thể bị chôn vùi, DÂN BẢN – VIỆT BẢN là bất khả diệt nên còn một tế bào Việt cũng sẽ hồi sinh. Từ lời cảnh báo “mất gốc hoàn toàn” vô cùng bổ ích mà ta đã dũng cảm nói ra hôm nay nhất định sẽ đánh thức những tế bào đang bị ức chế, vùi sâu. Xin đừng tránh né. Sự dũng cảm là liều thuốc hồi sinh bắt buộc, để nước non này lại nẩy sinh muôn ngàn những chồi xanh lá biếc, sau một quãng dài ngủ đông.

Hà Sĩ Phu
10-2-2011

Tác giả gửi tới Dân Luận

Cuba có gì lạ không em?

Posted by truongthondlb1


Ngy Thanh – Quí vị định đi thăm Cuba?

“Gần mở cửa rồi”, các nguồn tin thoát ra từ Tòa Bạch Ốc cho biết thế.

Vào trung tuần tháng 8/2010, chính phủ Obama lại làm thêm một bước nữa để nới lỏng lệnh cấm du lịch tới quốc gia Cộng sản chỉ nằm cách mũi biển Key West của tiểu bang Florida 100 dặm. Tin nầy đối với công dân các nước khác trên thế giới, như Mexico và Canada, là chuyện nhỏ. Nhưng là chuyện tầy đình đối với người dân Mỹ, và cả với 10 triều tổng thống Mỹ từ Kennedy qua Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush Bố, Clinton, Bush Con, cho tới Obama. Chuyện tráo trở của một chính quyền Cộng sản, chuyện chết và sống trên đường vượt biên, là những chuyện không lạ gì với người Việt xa xứ chúng ta. Nhân bản tin liên quan đến việc trốn đi và đến thăm đất nước Cuba, xin nhắc lại một chút chuyện cũ về bộ mặt của những con người Mác-xít.

Chuyện từ nửa thế kỷ trước

Có nhiều điều chú em Cuba không học được từ đàn anh Việt Nam: đảng Cộng sản và chính quyền Hà Nội đánh cho người lính Mỹ cuối cùng rời đất nước Việt Nam vào 30/04/1975, nhưng chỉ tới ngày 16/03/1977 đã mở toang cửa rước Leonard Woodcock, đặc sứ của tổng thống Jimmy Carter tới thủ đô để cầu cạnh bang giao.

Người Cuba không nhanh tay lẹ mắt và vô liêm sĩ nhanh được như thế. Ngày tết dương lịch năm 1959, Fidel Castro cầm đầu một cuộc cách mạng, lật đổ chế độ cai trị của nhà độc tài Fulgencio Batista, để áp đặt một chế độ mới theo chủ nghĩa Cộng sản, vừa hà khắc hơn, vừa sắt máu hơn. Từ đó đến nay, bang giao với Hoa Kỳ ngày càng xuống cấp một cách tệ hại, cho đến sau khi “thánh sống” Fidel phải chuyển giao quyền bính sang cho ông em ruột Rául, thế giới mới thấy một chút ánh sáng hy vọng le lói ở cuối đường hầm.

Trước bình minh ngày 17/4/1961, chưa tròn ba tháng sau khi tổng thống Kennedy nhậm chức, một cuộc xâm nhập của người Cuba lưu vong do CIA tổ chức nhắm vào Vịnh Con Heo để lật đổ Fidel Castro. Có hai rối rắm: thứ nhất, người Mỹ dùng chữ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) để dịch sai chữ Bahía de Cochinos, và thứ nhì, cuộc đổ bộ thất bại. Bahía de Cochinos là tên một cái vịnh nối dài đầm lầy Zapata về phía nam trên bờ biển Cuba, nhưng người Cuba sống trong nước gọi cuộc xâm nhập nầy là Playa Girón, tên một bãi biển trong vịnh, còn chữ Cochinos tuy cũng có nghĩa là những con heo, nhưng ở đây là tên một loài cá, do đó Bahía de Cochinos là Vịnh Cá Cochinos. Cuộc hành quân kéo dài ba ngày đã làm phía Cuba thiệt mạng 176 binh sĩ cộng với 4.000 người bị thương. Phía Trung đoàn 2056 của phe lưu vong tổn thất 114 người bị giết tại trận, với 1.202 người bị bắt làm tù binh; trong số tù binh nầy có 9 người chết ngạt trong xe bít bùng khi đang được chuyển về khám đường trung ương ở thủ đô Havana.

Vào ngày thứ ba của biến cố khi súng còn nổ, chính phủ Cuba mang ra hành quyết 7 người Cuba cùng lúc với hai thường dân Mỹ được CIA trả công là Angus McNair và Howard Anderson tại tỉnh Pinar del Rio, sau phiên tòa chớp nhoáng kéo dài 2 ngày. Qua hôm sau 20/04, đến lượt Humberto Marin bị xử bắn cùng loạt với Rogelio Corzo, Rafael Hanscom, Eufemio Fernandez, Arturo Tellaheche và Manuel Miyar. Nhóm nầy bị bắt ngày 18/03 trước đó khi xâm nhập Cuba với 14 tấn chất nổ.

Từ khi ngừng tiếng súng cho đến tháng 10/1961, hàng trăm vụ hành quyết nữa lần lượt xẩy ra tại các nhà tù khác nhau. Thủ lãnh cuộc xâm nhập như Antonio Diaz Pou và Raimundo Lopez, cũng như các sinh viên trong nước hoạt động bí mật như Virgilio Campaneria, Alberto Tapia Ruano và các thường dân chống nhà nước khác đều bị xử bắn như nhau, sau đề nghị của Fidel Castro bị thất bại trong vụ điều đình đổi tù binh của Trung đoàn 2056 lấy 500 đầu máy kéo nông nghiệp loại lớn trị giá 28 triệu đô ở thời giá hiện hành. Ngày 29/03/1962, tất cả 1.179 tù nhân còn lại được xử án tập thể, sau đó mỗi người lãnh một bản án 30 năm khổ sai. Nhưng bốn ngày trước lễ Giáng Sinh năm ấy, Fidel Castro trong tư cách thủ tướng đã ký một thỏa ước với luật sư James Donovan đại diện phía Mỹ, để đổi 1.113 tù nhân lấy một số thuốc men, thực phẩm trị giá 53 triệu đô. Khi chuyến tàu African Pilot mang theo khoảng 1 ngàn thân nhân của những người “phản động” được phép cùng rời Cuba tới cập bến Miami, Florida hôm 29/12, đích thân tổng thống Kennedy bay tới Sân vận động Sun Life chủ tọa lễ đón mừng.

Nhưng mối hiềm khích giữa Havana và Washington không khép lại ở đó, vì còn một nước thứ ba. Đối với Liên Xô, sự thất bại của Kennedy trong vụ xâm nhập vừa kể đi kèm với tiến bộ của phe Cộng sản ở Lào và Bá Linh đã làm Nikita Khrushchev thấy đã đến lúc ông có thể chiếu bí vị tổng thống trẻ trung của Mỹ trên canh bạc lớn của thế giới. Tháng 2/1962, Khrushchev báo cho Bộ Chính Trị Trung Ương biết kế hoạch mật của ông nhằm lắp đặt các giàn hỏa tiễn tầm xa mang đầu đạn nguyên tử trên lãnh thổ Cuba hướng mũi về lãnh thổ Mỹ, một bước leo thang quân sự của đàn anh mà Fidel Castro đắc thắng, nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập trong tương lai từ phía Hoa Kỳ. Bí mật đặt hỏa tiễn ngay cạnh sườn Mỹ trước khi bị phát hiện, thủ tướng Liên Xô cả tin rằng ngay sau khi biết tỏng vụ việc, Kennedy cũng chùn tay khi phải chạm trán với Liên Xô, nên đã bật đèn xanh cho các thương thuyền viễn dương chở khí cụ và 42.000 chuyên gia quân sự tới những vị trí giàn phóng mà chuyên gia xây dựng Cuba đang gấp rút hoàn thành.

Giữa tháng 10/1962, máy bay thám thính U-2 Mỹ chụp ảnh được các giàn phi đạn Liên Xô trên đất Cuba có thể bắn vào bất cứ thành phố nào trên 48 tiểu bang thuộc lục địa Hoa Kỳ trong vòng vài phút. Lập tức, tổng thống ra lệnh phong tỏa hải phận Cuba, và các phi vụ U-2 được tiếp nối đều đặn hơn. Kennedy gọi ngay cho Khrushchev với những từ ngữ khó có thể hiểu lầm: triệt thoái các giàn hỏa tiễn và nhân viên giàn phóng, hoặc là đối đầu quân sự. Ngồi xoa cằm trong Điện Cẩm Linh, Khrushchev biết là mình đang gặp phải một thứ Kennedy kiến lửa, chứ không là một nhân vật Kennedy yếu đuối như phim ảnh mô tả. Ngoài ra, Liên xô cách Mỹ nửa trái địa cầu, trong khi Cuba chỉ cách bờ biển Mỹ hơn một trăm rưỡi cây số: lợi thế nghiêng về phía Mỹ. Cả thế giới nín thở, sốt vó. Ngày 27/10, khi cuộc khủng hoảng lên tới tột đỉnh, đại sứ Xô Viết Anatoly Dobrynin bí mật tới Bộ Tư Pháp gặp Tổng chưởng lý Robert Kennedy 3 lần liên tiếp trong khi tổng thống Mỹ chuẩn bị chọn một trong hai quyết định, hoặc ném bom các giàn hỏa tiễn ở Cuba hoặc cho quân lực Mỹ đổ bộ Cuba toàn diện – cả hai điều có giá trị ngang nhau vì điều nào cũng đưa tới chiến tranh nguyên tử. Khrushchev đồng ý rút dù, nhưng với điều kiện: Mỹ phải hứa không bao giờ đỡ đầu các cuộc đổ bộ lên Cuba nữa, và rút các đầu đạn Jupiter của Mỹ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hướng mũi vào Liên Xô. Ngày 20/11/1962, Kennedy hủy bỏ lệnh phong tỏa hải phận Cuba, nhưng tới 8/02/1963, ông đã ban hành lệnh hạn chế du lịch Cuba, và ngày 8/07 cùng năm, Lệnh Kiểm tra Tài sản Cuba được áp dụng nhằm niêm phong trương mục của Cuba tại các ngân hàng Mỹ. Tiếp theo, luật cấm chi dùng đồng Mỹ kim tại Cuba lẽ ra được gia hạn từng sáu tháng một đã bị bỏ qua vào ngày 19/03/1977 dưới thời tổng thống Jimmy Carter nên sau đó luật nầy mặc nhiên vô hiệu hóa, tới khi tổng thống Ronald Reagan tái lập việc cấm vận thương mãi vào ngày 19/04/1982. Luật hiện hành không cấm công dân Mỹ du hành qua Cuba, nhưng việc chi dùng đồng Mỹ Kim hay nhận quà cáp từ Cuba về vẫn là phạm pháp. Dù sao, một số công dân Mỹ vẫn lén lút tới Cuba qua một nước trung gian. Tới Cuba, họ tránh dùng thẻ tín dụng hay không để hộ chiếu mang dấu chiếu khán nhập cảnh xuất cảnh Cuba để trở thành bằng chứng phạm luật. Tuy nhiên, đường đi chơi khó – không khó vì ngăn sông cách biển, mà khó vì khi trở lại Mỹ, du khách có thể bị chất vấn bởi nhân viên Bộ Nội An, những người được huấn luyện và trả lương để phát hiện những ai cố tình ngồi lên luật lệ Hoa Kỳ. Cho đến nay, chưa có công dân Mỹ nào bị truy tố vì tội du lịch tới Cuba cả, nhưng họ có thể bị bắt vì nói dối với nhân viên di trú và hải quan cửa khẩu về chuyến đi hay về chuyển vận hàng hóa bất hợp pháp (đôi ba điếu xì-gà về làm quà cho ông nhạc ở nhà hay ông xếp ở sở). Cứ hình dung bạn vừa xuống máy bay, bước tới hàng rào hải quan để vào lại Mỹ:

Nhân viên Hải quan: Quý vị đã liệt kê đầy đủ những nước mà quý vị đã viếng thăm trong thời gian ra khỏi Hoa Kỳ vừa qua chưa?

Hành khách: Vâng, đầy đủ rồi.
HQ: Quý vị chắc là đã không ghé thăm Cuba?

HK: Không, không. Tôi không hề ghé thăm Cuba.
HQ: Vậy sao? Đây là cơ hội chót cho quý vị – có cái gì đó làm quý vị đổi ý và muốn thật thà khai báo?
HK: Không. Tôi không hề ghé thăm Cuba.
HQ: Vậy xin quý vị vui lòng giải thích tại sao hộ chiếu quý vị mang hai con dấu nhập cảnh Cancun nhưng không có dấu nhập và xuất của bất cứ nước thứ ba nào xen kẽ. Không lẽ nhân viên di trú Mexico đóng thừa một con dấu?

HK: Dạ, thưưưưưa…

Cuộc hải vận 1980 và tên phản động Hector Sanyustiz

Từ 5 thập niên nay, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm vận du lịch và buôn bán với Cuba, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Washington và Havana, đồng thời áp dụng chính sách đặc biệt để chấp nhận người tị nạn Cuba. Chính sách di trú nầy đã được thử lửa bởi hai biến cố di cư lớn vào năm 1980 và 1994.

Cho đến nay, sách báo thế giới đều chọn 1/04/1980 là ngày khởi động cuộc di cư vĩ đại kéo dài từ 15/04 đến 31/10/1980 của lịch sử Cuba mang tên Cuộc Hải Vận Mariel, nhưng không mấy ai biết số phận của “tên đầu sỏ” đã gây căng thẳng trong bang giao quốc tế giữa ba quốc gia Cuba, Hoa Kỳ và Peru, làm thay đổi cung tử vi của trên 125 ngàn người từ nhà tù vĩ đại Cuba (kéo theo 25.000 người khác từ Haiti) đến được bến bờ tự do ở Florida, và làm nổ bùng biến cố lịch sử di cư trên địa cầu. Trong âm thầm, con người ấy suốt 18 năm đã sống kín tiếng, khuất lấp để tìm cách thích nghi vào xã hội Mỹ, trong khi vất vả kiếm sống và nuôi một đứa con trai. Mãi cho đến khi xuất viện sau một ca mổ tim và phải nương náu nhà cô em gái, mảng đời của nhân vật Hector Sanyustiz vẫn là một bí mật. Ông nói với nữ ký giả Fabiola Santiago của tờ Miami Herald, “Tôi chẳng muốn hé miệng cho bất cứ ai về những gì tôi đã làm gần 20 năm trước, cũng như lang thang mọi nơi để rêu rao rằng mình là một người hùng”. Phải tới tháng 9 năm 1998, Sanyustiz mới chịu hé miệng vì ông nghĩ thời gian đã trôi qua đủ lâu để ông nghĩ chính quyền Cuba sẽ không trù dập bà con thân thích của ông còn kẹt lại bên nhà, sau khi một người con riêng của vợ ông có mặt trên cùng chuyến xe đò sau đó ở lại Cuba đã bị đi tù tròn 36 tháng. Vào hoàn cảnh khó khăn và tuyệt vọng trong thời gian chờ hồi phục sau ca mổ, cha đẻ của Cuộc Hải Vận Mariel mới chịu tiết lộ về những gì thực sự xẩy ra ở Havana hôm đầu tháng 4/1980, với hy vọng chuyện đời của ông lọt vào mắt của một nhà làm phim nào đó, để ông có chút thu nhập qua cơn túng ngặt, thay vì đành ôm bí mật theo xuống đáy mồ.

Bấy giờ, với khao khát bỏ nước ra đi, anh chàng tài xế thất nghiệp Sanyustiz ngày ngày để mắt theo dõi sinh hoạt của các khu vực quanh các sứ quán nước ngoài suốt cả năm trường. Sau cùng, anh rút ra kết luận rằng sứ quán Peru là ngon ăn nhất. Để triển khai phương án đào thoát, anh kéo thêm ba người bạn khác nữa: Francisco Diaz Molina, tài xế xe đò tuyến số 79 có lộ trình chạy ngang sứ quán Peru trên Đại lộ số Năm; cô Maria Antonia Martinez, người có căn nhà mà cả bọn dùng làm nơi họp hội, bàn mưu tính kế; và người bạn nối khố Radames Gomez.

Ba hôm trước giờ ra tay, Sanyustiz bị một tai nạn lưu thông tưởng đã vào nhà xác. Sau khi đưa vợ tới chỗ làm ở tiệm pizza, anh đang ngồi trên xe gắn máy của mình thì bị một chiếc xe đò lao tới, hất văng anh bay xuống gầm một chiếc xe tải đang đỗ gần đó. Trong khi mọi người la toáng lên kinh hãi, thì anh lồm cồm đứng dậy, phủi bụi trên áo quần, và nói “Tôi không sao”. Các phóng viên của báo Verde Olivo chụp ảnh anh đăng kèm bản tin nói anh sống sót sau tai nạn một cách kỳ diệu. Ba hôm sau, họ đăng ảnh anh lại lần nữa, nhưng với cái tin về anh trong tư thế một tên phản động: con người thoát chết diệu kỳ là tên khốn kiếp. Chiều ngày 1/04, Sanyustiz cầm lái chiếc xe đò số 5054 của Diaz Molina, làm như là lơ xe đang học việc. Sau đó Molina điện thoại về hảng, báo cáo với các xếp rằng một trong các vỏ xe của anh đã nổ banh một cách thảm hại, nên anh phải cho hết hành khách xuống, và đang trên đường đánh xe về hảng để sửa chữa. Anh nói dối. Thật ra, anh đánh xe không đi đón bốn người: Gomez, cô Maria với thằng con 12 tuổi tên Lazaro Vega, và thằng con riêng của vợ Sanyustiz tên Arturo Quevedo, 18 tuổi. Trước khi dấn thân, Diaz Molina lấy ra bức tượng Nữ Vương Bác Ái, và yêu cầu mọi người cùng cầu xin bình an và lần lượt hôn kính tượng Nữ Thánh bổn mệnh của đất nước Cuba.

Khi xe đến cách sứ quán Peru 5 dặm, Diaz Molina giao tay lái cho Sanyustiz. Gomez ngồi ngay sau lưng Sanyustiz, Diaz Molina ngồi ở bậc cấp lên xuống, và mọi người còn lại nằm bẹp dí xuống sàn xe. Tới sát sứ quán, Sanyustiz quẹo xe thật gắt, đánh bật cái thùng xe vào hàng rào. Nhưng anh đã quẹo quá sớm, và đó không phải là cổng chính. Khi biết mình lầm, anh cho xe lùi vài mét, rồi sang số, lao thẳng vào cổng. Lính an ninh Cuba canh gác bên ngoài sứ quán đã nhả đạn như mưa vào xe. Hai viên đạn ghim vào người Sanyustiz, một viên vào đùi trái, một viên vào mông bên phải; riêng Gomez bị trúng đạn vào lưng và vào đầu. Nhưng đạn cũng gây tử thương cho một lính canh của Bộ Nội Vụ.

Lọt vào bên trong vòng rào sứ quán, cả bọn bỗng ở trên lãnh thổ Peru, và không còn bị bắt. Cả bọn 6 người xin được tị nạn chính trị, và viên chức ngoại giao đang xử lý thường vụ sứ quán, luật sư Ernesto Pinto-Bazurco đã thay mặt chính phủ Peru chuẩn thuận tức thì. Sanyustiz và Gomez được nhân viên sứ quán đưa tới Quân Y Viện Carlos J. Finlay để cấp cứu, bốn người còn lại tạm trú trong sứ quán. Chính phủ Cuba đòi giải giao bọn tội phạm để được xét xử vì đã làm thiệt mạng một lính gác, Peru từ chối. Tức giận, Fidel Castro ra lệnh rút hết nhân viên an ninh, thôi không bảo vệ sứ quán Peru nữa. Nghe được tin nầy, dân thủ đô bắt đầu tràn vào sứ quán, tới thứ Bảy, con số lên quá 300. Qua khỏi nửa đêm lễ Phục Sinh, con số tăng gấp ba, và cuối ngày Chủ Nhật ấy, có hơn 10.000 bên trong sân vườn tòa đại sứ bé tí, tất cả xin được hưởng quy chế tị nạn. Để ứng phó với tình hình, Fidel Castro thông báo sẽ mở cửa hải cảng Mariel cho bất cứ ai muốn ra đi. Đáp lại, người Cuba lưu vong ở Florida thuê mướn bất cứ ghe tàu nào có thể sử dụng được, nhắm hướng Havana trực chỉ, để cứu người thân. Vào lúc chiến dịch di cư lên đến tột đỉnh, mỗi ngày trong hải cảng Mariel có không dưới 300 thuyền bè nhỏ lớn thả neo chờ khách, trong khi ngoài khơi còn khoảng 200 chiếc khác lần lượt chờ đến phiên mình vào kiếm mối. Trong nước, công an Cuba giả dạng thường dân biểu tình trên đường phố, rồi liệng trứng thối và đá vào những người xuống cảng để ra đi. Báo chí thủ đô chạy tít đỏ thật lớn miệt thị Sanyustiz và cả đám trên chiếc xe đò đào tẩu: “Tống khứ chúng nó ra khỏi nước, chỉ trừ các tên phản động. Bọn nầy sẽ không bao giờ được ra đi!” Một số mật vụ khác mặc thường phục tới bệnh viện treo những biểu ngữ hô hào “Paredon! Paredon!” (Xử bắn chúng nó!).

Ngạc nhiên đến với Sanyustiz thật đột ngột khi sứ quán Peru cho anh biết hai chính phủ thỏa thuận cho anh ra đi, với duy nhất một điều kiện: im lặng, không được nói với bất cứ ai về mình. Cho rằng đấy chỉ là cái bẫy của bọn Cộng sản, Sanyustiz bằng lòng ra đi, nhưng chỉ với vợ và đứa con trai lên 5. Đêm 16/05 mưa gió bão bùng, Sanyustiz cùng thân nhân được nhân viên sứ quán Peru hộ tống tới cảng Mariel và cho lên chiếc tàu đánh tôm Gulf Star, riêng cậu con riêng của vợ Sanyustiz bị bắt khi rời sứ quán, giả dạng như một người tị nạn bình thường khác, xuống cảng Mariel tìm đường thoát thân.

Để cho dân ra đi trong biến cố nầy, Fidel xả xì được gánh nặng thiếu ăn, lại đỡ nuôi phạm nhân đầu trộm đuôi cướp. Ông tuyên bố: “Họ muốn rước, thì chúng ta cho đi. Chúng ta đã tống khứ thành phần uế tạp từ nhà vệ sinh Cuba qua Mỹ”. Nếu suốt đời cai trị của Fidel là một chuỗi dài những lời nói dối, thì đây là lần hiếm hoi Fidel nói thật. Ông đã mở cửa nhà tù, và làm thủ tục để xuất cảng tội phạm sang Mỹ. Sau khi chiến dịch Cuộc Hải Vận Mariel kết thúc, chính phủ Mỹ đã sàng lọc ra được và giam giữ khoảng 900 tội phạm Cuba, mặc dù vẫn cấp quy chế thường trú nhân cho họ. Một số không nhỏ từ đám nầy sau khi được phóng thích, đã nhanh chóng trở lại trại giam vì những vụ mưu sát, cố sát hay chuyển vận ma túy, và trộm vặt. Sau khi mãn tù hình sự, những “thành phần uế tạp từ nhà vệ sinh” nầy, theo luật, bị tước đoạt quy chế thường trú, nhưng Castro từ chối nhận họ lại mặc dù đã có một thỏa thuận giữa ông với chính phủ Bill Clinton.

Về mặt pháp lý Hoa Kỳ, cuộc Hải Vận Mariel là bất hợp pháp. Thoạt đầu, chính phủ liên bang dửng dưng, án binh bất động, nên tổng thống Jimmy Carter phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh Hải quân Mỹ cũng như Lực lượng Phòng vệ Duyên hải phải cứu giúp những ghe tàu nào lâm nguy trên sóng nước. Tính đến cuối tháng 5/1980, khoảng 1 ngàn tàu thuyền gặp trục trặc đã được tiếp cứu, có chiếc được kéo vào bờ, và điều đáng kể là trong đợt di cư ồ ạt với 130 ngàn người nầy, chỉ có 30 người tị nạn thiệt mạng trên đường tìm tự do. Không có nhiệm vụ khi thuyền nhân còn lênh đênh trên mặt nước, nhưng khi họ đã tới bờ Florida, là bổn phận của chính quyền. Khi con số thuyền nhân đã lên tới 100.000 người chen chúc trong các trại tạm cư ở Florida, quân đội đã không vận họ từ Key West tới Căn cứ Không quân Elgin ở giáp ranh Alabama, và lập nhiều thành phố lều bạt khác nữa ở Wisconsin, Pennsylvania và Arkansas để nuôi sống họ.

Chính sách “Chân ướt – Chân ráo 1994”

Từ nhiều thập niên trước, Cuba hoàn toàn dựa vào “bình dưỡng khí Xô Viết” để thoi thóp sống. Khối Xô Viết mua đường của Cuba, và cung cấp cho Cuba xăng dầu, một phần nhỏ để dùng trong nước, phần còn lại bán ra thị trường tự do của thế giới để khỏi khai tử chế độ. Trong phiên họp của đàng Cộng sản Cuba vào tháng 12/1975, Fidel Castro nhìn nhận: “Nếu không có viện trợ rộng rãi, ổn định của nhân dân các nước Xô Viết, đất nước chúng ta không thể sống còn được trong cuộc đấu tranh căm go với chủ nghĩa đế quốc”. Khi Xô Viết vỡ ra từng mảng năm 1991, bản thân quốc gia Cuba nằm cách nửa trái địa cầu vẫn bị một cái tát kinh tế làm xây xẩm mặt mày, khi bị cắt bầu sữa “6 tỉ đô la bao cấp mỗi năm”, phải sống nhờ vào ba mạch máu chính yếu: nông nghiệp (thuốc lá, đường, cam chanh), hầm mỏ (nickel), và du lịch.

Năm 1994, Castro bỗng dưng tuyên bố một chính sách di cư thả cửa, và nói rõ sẽ không chặn bắt bất cứ ai muốn rời quê hương. Chụp lấy cơ hội, 30.000 dân Cuba xuống thuyền vượt biên, bằng tàu, bằng thuyền, bằng ghe thủ công, bằng bè tự chế, bằng bất cứ cái gì có thể nổi trên sóng. Cái không giống với Cuộc Hải Vận Mariel 14 năm trước là lần nầy thuyền nhân không được chính phủ Mỹ đón rước, ngược lại, họ bị ngăn chận, cản trở ngay ngoài hải phận quốc tế, rồi bị bắt và chở về Vịnh Guantanamo, phần đuôi phía đông nam đảo quốc thuộc chủ quyền Mỹ, chiếu theo Hòa ước Hoa Kỳ – Cuba do tổng thống Tomás Estrada Palma ký với tổng thống Theodore Roosevelt ngày 17/02/1903. Năm kế tiếp, hai chính phủ đạt được một thỏa ước, theo đó mỗi năm có 20.000 người được xổ số và lô trúng là được nhập cư và định cư ở Hoa Kỳ, ngược lại, Cuba nhận về lại những ai bị bắt khi còn trên mặt nước. Tất cả công dân Cuba bị chặn bắt sẽ được nhân viên Sở Di Trú phỏng vấn ngay khi mới bước lên tàu của Lực lượng Phòng vệ Duyên Hải; nếu xét thấy họ thuộc diện đối tượng sẽ bị nhà nước Cuba hành hạ sau khi trả về, thì họ được mang về Vịnh Guantanamo để điều tra thêm. Bên cạnh đó, phía Mỹ nhận thêm 30.000 người trong số bị bắt giải về Vịnh Guantanamo được nhập cư Mỹ. để tránh lặp lại một vụ Hải Vận Mariel thứ nhì, chính phủ Clinton áp dụng luật “Chân ướt – Chân ráo”: thuyền nhân Cuba bị bắt trên mặt nước sẽ bị giao trả về Cuba, những ai đặt chân lên được lãnh thổ Hoa kỳ mặc nhiên được hưởng quyền tị nạn. Chính phủ ông Bush Con và Obama đã tiếp tục áp dụng chính sách nầy, nhưng tới 2003, ông Bush ngừng các cuộc thương thuyết với giới chức Cuba về chính sách di trú, cho tới năm 2009, ông Obama lại cho người phó hội, nhưng chỉ với mục đích là theo dõi tiến trình thi hành con số 20 ngàn giấy phép nhập cảnh hàng năm, hơn là thay đổi hay cải thiện thỏa ước ấy.

Chính sách “Chân ướt – Chân ráo” hẳn không tránh khỏi những câu chuyện đầy nước mắt. Ví dụ hồi tháng 8/2004, một phụ nữ Cuba tuổi khoảng 25 sau khi lập thủ tục với hảng DHL để gởi một thùng hàng lớn từ Cuba sang Mỹ, đã trốn vào bên trong thùng. Chi phối bởi lệnh cấm vận, hàng hóa từ Cuba vào Mỹ phải được phép đặc biệt của chính phủ Mỹ, các hàng hóa khác phải qua một nước thứ ba. Thùng hàng mang theo người phụ nữ được hảng vận tải DHL tiếp chuyển từ phi trường Nassau, ở quần đảo Bahamas, và chuyến bay kéo dài từ 45 đến 50 phút, trước khi đáp xuống Miami, Florida. Khi tàu lên cao, cơ nguy thiếu dưỡng khí và bị lạnh và áp suất lớn rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng người phụ nữ trẻ thà chết còn hơn sống suốt đời dưới ách Cộng sản. Theo đúng luật di trú mới, thiếu nữ bị phát hiện chỉ sau khi đặt chân lên đất liền của Mỹ, nên chị được công nhận quyền tị nạn.

Một chuyện khác nữa xảy ra vào ngày 5/01/2006, khi Lực lượng Phòng vệ Duyên hải phát hiện một đám 15 thuyền nhân Cuba trong đó có 4 phụ nữ và 2 trẻ em đang đeo bám đống vỡ vụn của hàng cột Cầu Bảy Dặm nằm ở các hòn đảo tột cùng của mũi biển Florida, gọi là Florida Keys (chùm tiểu đảo Florida). Ngày 2 tháng 9 năm 1935, trận đại cuồng phong “lễ Lao Động” đổ bộ vào chùm đảo với sức gió giật 295 km/giờ đã tạo sóng thần cao 7 mét, cuốn đi mất tích hơn 400 cựu quân nhân Thế Chiến Thứ Nhất đang làm công nhân đường sắt nối các đảo nhỏ và nhiều cao ốc, nhà cửa. Vào thời ấy, chiếc cầu dài 35.862 feet (6.79 dặm) nầy vắt mình trên hàng cột ngút ngàn là một trong những cây cầu dài nhất thế giới, đã bị cuồng phong tàn phá, chỉ còn sót lại một đoạn dài 2.2 dặm nối vào đất liền, nay cấm xe cộ lưu thômg, chỉ dành cho người đi câu. Vì toán thuyền nhân bị bắt gặp ở phần chân cầu phía ngoài khơi, không được nối thông với đất liền, nên Lực lượng Phòng vệ Duyên hải lý luận rằng nhóm người tị nạn chưa đặt bước chân lên lục địa Hoa Kỳ, vì thế chân họ kể như “ướt”, thành thử họ phải bị trả về cho Fidel Castro. Phản ứng trước quyết định của LLPVDH và cảnh sát Di trú Mỹ, Ramon Saul Sanchez cầm đầu một cuộc tuyệt thực, kéo dài 11 ngày, nhưng cả nhóm vẫn cứ bị trục xuất. Sau đó, thân nhân nhóm nầy đã kiện chính phủ. Quan tòa Federico Moreno phán quyết rằng chính phủ Mỹ đã hành động vô lý, khi cho rằng vị trí mà họ đổ bộ lên là một hòn đảo không còn thông thương với đất liền bằng đường bộ vì cầu đã sụp 71 năm về trước, nên không còn là lãnh thổ Mỹ. Ngày 15/12/2006, 14 người nầy lại đặt chân xuống Mỹ ở địa điểm cách chỗ mà họ đổ bộ lần trước chẳng bao xa, với chiếu khán nhập cư trong tay, chỉ trừ một người bị từ chối vì có tiền án.

Còn một kiểu thuyền nhân khác, chân không ướt, nhưng vẫn kể như ướt: những người vượt biển bằng xe hơi. Kể từ ngày “bác Fidel vĩ đại” lên nắm chính quyền, người dân Cuba đã tìm đủ mọi cách để bỏ phiếu bằng chân. Họ đã dùng ruột xe, dùng bè, dùng thuyền câu đánh cắp, dùng máy bay và ván trượt sóng cũng như dùng vỏ tủ lạnh, bồn tắm để cao chạy xa bay khỏi nhân vật mà đài Hà Nội gọi là “đồng chí Phi-đen Cat-xi tờ-rô”. Kể từ ngày 16/07/2003, dân Cuba đã có một phát minh đáo để: dùng xe tải hạng nhẹ để rẻ sóng ra khơi tìm tự do.

Câu chuyện nầy có thật 100%. 12 người Cuba đã lấy một chiếc truck hiệu Chevy đời 1951 sơn màu vàng sáng chói với giàn bánh còn nguyên tại chỗ, buộc chắc hai mạn sườn xe vào các thùng nhiên liệu trống cỡ 250 lít và một cánh quạt gắn vào trục quay của máy xe, với tài xế ngồi vào ghế lái, thế là cả bọn rẻ sóng lái về phía Florida. Chiếc xe tải chòng chành trên ngọn sóng với tốc độ 8 dặm/giờ đã bị máy bay tuần tiểu của Mỹ bắt gặp ở khoảng 40 dặm phía nam chùm đảo Key West, sau khi họ đã vượt gần một nửa khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Cuba. Chiếc xe hi hữu đã bị nhận chìm vì không đủ an toàn để hải hành ngoài biển cả mông mênh, còn cả toán đã được đưa vào bờ và sau đó bị giao trả về Havana vì bị xếp vào diện “Chân ướt”. Chiếc xe tang vật bị chôn vùi xuống đáy đại dương, nhưng Phòng vệ Duyên hải Mỹ không nhận chìm được ý nghĩ vượt biển bằng xe. Ngày 4/02/2004, Lực lượng Phòng vệ Duyên hải lại bắt gặp một xe hơi Buick đời 1959 sơn màu xanh lá cây chở 11 người, trong đó có 4 người đã từng vượt biên thất bại hơn một lần trước đó. Nhóm nầy đã chắt chiu 4 ngàn Mỹ kim để cải biến chiếc xe thành bè nổi. Tại quê nhà, thân nhân của “nhóm xe Buick” kêu gọi chính phủ Hoa kỳ thương xót, đừng trục xuất chồng con họ về nước. Nhưng luật là luật: họ đã bị bắt giữ trong tình trạng ướt chân.

Nhưng có lẽ câu chuyện làm thế giới bàng hoàng, là số phận của thằng bé Elián González. Ngày 21/9/1999, bé Elián theo mẹ và 12 người khác lên một thuyền nhôm nhỏ với cái máy không ra gì để vượt biên. Bị bão, máy hỏng, thuyền lật úp, mẹ của em đã chết đuối cùng với 12 người trong chuyến, nhưng bản thân Elián sống sót với 2 người khác, bồng bềnh trên mặt nước bằng cái ruột xe hơi đến khi được hai ngư phủ bắt gặp, và trao lại cho Phòng vệ Duyên hải. Ngược với luật “chân ướt chân ráo”, Sở Di trú Mỹ bằng lòng trao thằng bé 6 tuổi cho ông nội bác tên Lazaro Gonzales ở Florida bảo dưỡng, nhưng bố em là Juan Miguel González Quintana từ Cuba tuyên bố rằng con ông vượt biên với mẹ mà không có phép bố, nên ông nương theo sự hẩu thuẩn và tuyên truyền chống Mỹ của chính phủ, để đòi Mỹ trả con. Ngày 21/01/2000, hai bà nội ngoại của thằng bé là Mariela Quintana và Raquel Rodríguez từ Cuba bay sang Mỹ để gặp cháu mình lần đầu, và hội kiến Bộ trưởng Tư Pháp Janet Reno. Bà nầy sau đó ra lệnh ngày phải trả thằng bé lại cho bố không thể chậm hơn 13/04/2000, nhưng lệnh không thể thi hành, vì giằng co giữa cảnh sát với dân Florida. Trước bình minh ngày 22/04, tám lính biệt kích được 130 nhân viên của Sở Di Trú hỗ trợ, đã đột kích vào nhà thân nhân chú bé, xịt hơi cay và bắt giữ thằng bé đang ẩn trốn trong tủ quần áo. Bốn tiếng đồng hồ sau, bé Elián gặp bố tại Căn cứ Không quân Andrews ở Maryland, để được chính phủ Mỹ đưa về Havana bằng một phi tuần phản lực 2 chiếc, miễn phí. Về nước, Elian được phát một cái khăn quàng đỏ, và được chụp ảnh ngồi bên cạnh Fidel Castro. Mẹ nó đã chết để đánh đổi tự do và cơ hội học hành cho con. Bố nó vì đảng và nhà nước, đã đòi con mình về nơi mà hàng trăm ngàn người liều chết ra đi. Tới ngày 7 tháng 12 năm nay, Elian Gonzales sẽ trở thành một người trưởng thành, sẽ có quyền cầm thẻ cử tri đi bầu cử, và có quyền phê phán về bố mẹ mình, lẫn lãnh tụ Fidel vĩ đại.

NgyThanh - gửi Danlambao

danlambao.com