Mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu” (Canada) ngày 7/2 đăng bài phân tích về nguy cơ can thiệp quân sự của Mỹ, Ixraen và NATO tại Ai Cập của Mahdi Darius Nazemroaya, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hoá (CRG), với nội dung sau:Các cuộc biểu tình tại Tuynidi đã có ảnh hưởng dây chuyền trong thế giới Arập.
Ai Cập, quốc gia Arập lớn nhất hiện đang sục sôi với các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak tại Cairô. Người ta buộc phải đặt câu hỏi là sự kiện này sẽ có những ảnh hưởng gì? Liệu Mỹ, Ixraen và NATO có chịu khoanh tay đứng nhìn người dân Ai Cập thành lập một chính phủ tự do hay không?
Câu chuyện về các nhà độc tài Arập cũng giống như câu chuyện về mạng nhện. Mặc dù con nhện cảm thấy an toàn trong mạng lưới của mình, nhưng trên thực tế mạng nhện là một trong những ngôi nhà tạm bợ nhất. Tất cả các nhà độc tài Arập, từ Marốc tới Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), hiện đều lo sợ. Ai Cập đang ngấp nghé tiến sát một sự kiện, có thể trở thành một trong những biến động địa chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 21 này. Các Pharaông, dù cổ đại hay hiện đại, đều sẽ có ngày tàn của họ. Những ngày cuối cùng của Mubarak dường như đang điểm, nhưng các cường quốc đằng sau ông ta vẫn chưa bị đánh bại. Ai Cập là một phần quan trọng trong đế chế toàn cầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ, Ten Avíp, Liên minh châu Âu (EU) và NATO đều có lợi ích lớn trong việc duy trì Ai Cập như một chế độ bù nhìn.
Khi các cuộc biểu tình bắt đầu được tổ chức tại Ai Cập, tất cả những người đứng đầu quân đội Ai Cập đều đã đến Mỹ và hỏi ý kiến các quan chức Mỹ về các mệnh lệnh. Người dân Ai Cập đều biết rằng Chính quyền Cairô chỉ là những con tốt của Mỹ và Ixraen. Đó là lý do các biểu ngữ của người biểu tình không chỉ nhằm vào chế độ của Mubarak, mà còn nhằm chống lại Mỹ và Ixraen, giống như một số khẩu hiệu trong cuộc cách mạng Iran năm 1979. Mỹ hiện đang can dự vào mọi hành động của Chính phủ Ai Cập. Cairô không làm việc gì mà không hỏi ý kiến Nhà Trắng và Ten Avíp. Ixraen cũng đã cho phép quân đội Ai Cập được vào các khu vực thành thị trên bán đảo Sinai.
Tình hình thực tế là Chính phủ Mỹ đang nỗ lực chống lại sự tự do trong thế giới Arập và các khu vực khác. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nên có một giai đoạn “chuyển tiếp” tại Ai Cập, điều đó có nghĩa là Mubarak và chế độ Ai Cập sẽ không bị động đến. Mỹ không muốn có một chính phủ nhân dân tại Ai Cập. Martin Indyk, một người thân cận với Chính quyền Obama đã nói với tờ “New York Times” rằng Mỹ sẽ cố gắng khiến quân đội kiểm soát Ai Cập cho đến khi một “ban lãnh đạo chính trị ôn hoà và hợp pháp có thể nổi lên”. Indyk không chỉ kêu gọi một sự tiếp quản quân sự tại Ai Cập, mà còn sử dụng lối nói nước đôi của Bộ Ngoại giao Mỹ: “ôn hoà” có nghĩa là các chế độ độc tài như Marốc, Arập Xêút, UAE, Gioócđani và Ben Ali tại Tuynidi. Còn hợp pháp trong mắt các quan chức Mỹ là những cá nhân sẽ phục vụ cho các lợi ích của Mỹ. Ten Avíp còn thẳng thừng hơn Mỹ về tình hình Ai Cập và đã khuyến khích Chính quyền Mubarak sử dụng quân đội để đối phó với những người biểu tình. Họ cũng đã bảo vệ Mubarak trước quốc tế. Vai trò hàng đầu của quân đội Ai Cập là khống chế người dân Ai Cập và bảo vệ chế độ Mubarak. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập cũng hoàn toàn vì mục đích này.
Nếu người dân Ai Cập có thể thành lập một chính phủ mới và có chủ quyền thực sự, thì Ai Cập sẽ trở thành Iran thứ hai tại Trung Đông, vì có thể tạo ra một sự chuyển hướng địa chính trị toàn cầu và khu vực lớn, phá hỏng những lợi ích của Mỹ, Anh, Ixraen, Pháp, EU và NATO, như cuộc cách mạng Iran năm 1979. Nếu một chính phủ cách mạng nổi lên tại Cairô, các cuộc hoà đàm “ma” Ixraen-Palextin sẽ kết thúc, sự chết đói của người Palextin tại dải Gada sẽ chấm dứt, trụ cột của an ninh quân sự Ixraen sẽ biến mất và liên minh Iran-Xyri có thể có thêm một thành viên mới. Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đã bày tỏ sự quan ngại của Ten Avíp về việc Ai Cập liên minh với Iran và một cửa ngõ mới cho ảnh hưởng của Iran được mở ra. Netanyahu đúng ở một điểm là Bộ Ngoại giao Iran đang giám sát các sự kiện tại Ai Cập một cách háo hức và người Iran đang chờ đợi sự thành lập một chính phủ cách mạng để cùng tham gia Khối phản kháng với họ. Trong khi các thành viên Arập thuộc Khối phản kháng chỉ đưa ra những tuyên bố rụt rè về các cuộc biểu tình tại Ai Cập, Iran đã lớn tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình trong thế giới Arập. Xyri không muốn lớn tiếng do lo sợ về các cuộc biểu tình ở trong nước. Hezbollah và Hamát cũng vậy bởi vì họ muốn tránh bị các chế độ Arập cáo buộc đã can thiệp. Ngay cả Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đang duy trì các quan hệ chặt chẽ với các nước Arập, cũng im lặng về các cuộc biểu tình trong thế giới Arập.
Ixraen đang tự chuẩn bị đối phó với thực tế là một chính phủ không hữu hảo sẽ lên nắm quyền tại Cairô nếu người dân Ai Cập thành công. Ten Avíp đang có những kế hoạch quân sự – an ninh bí mật đối phó với những tình huống bất ngờ tại Ai Cập. Ông Netanyahu đã nói trước Quốc hội Ixraen: “Một hiệp định hoà bình không thể đảm bảo được sự tồn tại của hoà bình giữa Ixraen và Ai Cập vì thế để bảo vệ mình trong trường hợp hiệp định trên biến mất hoặc bị vi phạm do sự thay đổi chế độ tại Ai Cập, chúng ta sẽ bảo vệ hiệp định bằng những dàn xếp an ninh trên thực địa”.
Người ta hiện không thể loại trừ khả năng lại xảy ra chiến tranh Ai Cập-Ixaen, hoặc thậm chí cả sự can thiệp quân sự của Mỹ và NATO tại Ai Cập. Năm 2008, Norman Podhoretz đã nêu ra một kịch bản “ác mộng” mà ít người nghĩ đến, trong đó Ixraen sẽ xâm lược quân sự các nhà máy học dầu và cảng biển trên Vịnh Pécxích để đảm bảo “an ninh năng lượng” và họ cũng có thể tấn công hạt nhân chặn trước chống lại Iran, Xyri và Ai Cập. Hồi đó, vấn đề chính là “an ninh năng lượng” cho ai và tại sao lại tấn công Ai Cập khi Chính quyền Mubarak là một đồng minh tin cậy của Ixraen?
Vậy giờ đây, liệu Ixraen có tấn công Ai Cập nếu một chính phủ cách mạng nổi lên tại Cairô hay không? Và liệu một cuộc tấn công quân sự Ai Cập có liên quan đến kế hoạch quân sự-an ninh bí mật đối phó với những tình huống bất ngờ tại Ai Cập của Ixraen như ông Netanyahu đã nói hay không? Podhoretz có những quan hệ chặt chẽ với cả các quan chức Mỹ với các quan chức Ixraen. Ông này cũng là người đã nhận được Huy chương Tự do của Tổng thống Mỹ vì những ảnh hưởng trí tuệ của ông tại Mỹ và cũng là một trong những người đầu tiên đã ký vào Dự án vì một thế kỷ Mỹ mới (PNAC) cùng với Elliot Abrams, Richard Cheney, John (Jeb) Bush, Donald Rumsfeld, Steen Forbes Jr., và Paul Wolfowitz. PNAC đã vạch ra những kế hoạch chuyển đổi nước Mỹ thành một đế chế toàn cầu thông qua chủ nghĩa quân phiệt ở nước ngoài và quân sự hoá ở trong nước.
Chế độ Mubarak, Mỹ, Ixraen và các đồng minh của họ giờ đây không còn có thể quản lý Ai Cập được nữa. Vì vậy Mỹ, Ixraen và các đồng minh hiện đang hợp tác để chia cắt và gây bất ổn định Ai Cập, quốc gia Arập hùng mạnh nhất, để không thách thức chiến lược nào có thể nổi lên từ Cairô. Trong một sự dối trá ghê gớm, các phương tiện truyền thông do Chính quyền Mubarak kiểm soát đang đưa tin về việc hàng triệu người ủng hộ Mubarak và việc nhiều người ủng hộ những phát biểu và những kế hoạch chính phủ chuyển tiếp của ông ta. Trong một biểu hiện tuyệt vọng, các phương tiện truyền thông này cũng đang tìm cách đổ lỗi cho Iran và các đồng minh Arập của Têhêran về các cuộc biểu tình tại Ai Cập, khi đưa tin rằng lính biệt kích và các lực lượng đặc biệt Iran đang cùng với Hezbollah của Libăng và Hamát của Palextin tiến hành những chiến dịch gây bất ổn và phá hoại chống lại Ai Cập. Các kiểu cáo buộc này của Cairô là không mới. Yêmen, Bẩnh, Gioócđani cũng đều đã làm như vậy. Trước đây, Chính quyền Mubarak đã từng đổ tội cho Iran, Hezbollah, Phong trào yêu nước tự do, Xyri và Hamát đã can thiệp và kích động bạo lực.
Mặc dù những kẻ côn đồ của Mubarak đang tạo ra sự lộn xộn để tìm cách bảo vệ chính phủ của ông, nhưng Mỹ và Ixraen đang sử dụng học thuyết “những lộn xộn được quản lý”. Việc khiến những người Ai Cập đánh lại nhau và biến Ai Cập thành một quốc gia chia rẽ và bất ổn dường như là mục tiêu của Mỹ, Ixraen và các đồng minh. Việc làm tăng căng thẳng giữa những người Ai Cập theo đạo Hồi, với những người Ai Cập theo Thiên chúa giáo có liên quan đến dự án này.
Nhà Trắng và Ten Avíp không muốn có một Iran thứ hai tại Trung Đông. Họ sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn sự nổi lên của một nhà nước Ai Cập hùng mạnh và độc lập. Một Ai Cập tự do có thể trở thành nguy cơ lớn hơn nhiều so với Iran không phải Arập đối với các mục tiêu của Mỹ, Ixaren và NATO. Cairô dưới sự cầm quyền của một chính phủ cách mạng, cho dù có quan hệ sâu sắc với Hồi giáo hay không, đều sẽ tạo cho thế giới Arập một nhà lãnh đạo mới, có thể hồi sinh chủ nghĩa toàn Arập, khiến Ten Avíp quan ngại hơn nữa về việc tìm cách gây chiến, và tập hợp những người Arập và các dân tộc khác trên toàn thế giới trong một cuộc cách mạng chống lại sự cấu kết toàn cầu do Mỹ và các đồng minh tạo ra./.
http://basam.info/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét