Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

USD chợ đen: Đâu có khó trị

Tác giả: LÊ KHẮC

(VEF.VN) - Hoạt động giao dịch USD tự do trên thị trường Hà Nội đã ngưng trệ từ hai ngày nay. Điều này không gây khó khăn gì cho thị trường mà trái lại, khiến những tác động của chính sách thuận chiều hơn. Xem ra, thị trường chợ đen không khó trị, vấn đề là có dám mạnh tay hay không?

Đại lý thu đổi ngoại tệ... không tích USD lẻ

Con phố Hà Trung - trung tâm trao đổi USD tự do lớn nhất Hà Nội - hai ngày nay bỗng bớt ồn ào và đông nghẹt khi các đại lý thu đổi USD ở đây đồng loạt tạm ngừng giao dịch. Tầm trưa, thường là thời điểm giao dịch sôi động nhất - thì tất cả nhân viên ra vỉa hè ngồi chơi. Quầy hàng sáng đèn nhưng không có khách. Cả một dãy hàng vàng bạc, quầy thu đổi ngoại tệ vắng một cách khác thường.

Không những thế, nếu bình thường, việc tham khảo giá USD tự do là khá dễ dàng bằng cách bấm điện thoại, thậm chí, không cần quen biết vẫn có thể đặt vấn đề giao dịch với số lượng hàng chục ngàn USD. Tuy nhiên, đến ngày 8/3, hầu hết các số điện thoại cố định đều không có người cầm máy, các số di động vốn hạn chế khách giao dịch đã bị tắt.

Việc tham khảo và giao dịch tại quầy đã bị từ chối thẳng. Đặc biệt hơn, đến chiều 8/3, các đại lý đều từ chối đưa ra giá tham khảo. Lý do là không giao dịch nên không biết giá.

Việc hầu hết các bàn trao đổi ngoại tệ lớn ở Hà Nội dừng giao dịch dù thế nào cũng là một điều khá lạ. Bởi vì, hầu hết họ đều có giấy phép hoạt động đại lý thu mua ngoại tệ của các ngân hàng. Trong đó, lớn nhất là Ngân hàng Ngoại thương.


Chỉ cần nhấc máy điện thoại là có thể biết giá USD trên thị trường chợ đen (ảnh TP)
Song, theo một chuyên viên giao dịch "được trọng dụng" tại một đại lý lớn ở Hà Nội, thì nếu tuân thủ đúng các quy định của đại lý thu gom sẽ "chả ăn thua". "Mở hàng mà gom đô lẻ thì ăn gì, và Hà Nội không cần nhiều đại lý thế", vị này nói.

Hiện tình hình căng thẳng nên các đại lý buộc phải tạm dừng giao dịch để theo dõi. Nguyên nhân thực sự là do có sự vào cuộc gắt gao của các lực lượng quản lý. Thực chất, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường USD tự do đã được tiến hành nhiều lần, với sự tham gia của cơ cơ quan chuyên ngành (ngân hàng), cơ quan quản lý thị trường nhưng đều không có kết quả. Lần này, việc kiểm tra được triển khai mạnh tay hơn.

Theo đó, các lực lượng quản lý thị trường, kiểm tra chuyên ngành ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra và quản lý nghiệp vụ. Lực lượng cảnh sát sẽ cùng sát cánh để thực hiện các nghiệp vụ nhằm phát hiện những sai phạm lớn, góp sức chấn chỉnh thị trường. Trong tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có buổi làm việc với Bộ Công an về việc triển khai các công việc liên quan đến chấn chỉnh thị trường USD tự do. Có thể coi đây là sự kiểm tra, vào cuộc gắt gao nhất từ trước đến nay - điều này cho thấy quyết tâm của cơ quan nhà nước.

Và như một phản ứng tức thì, các đại lý, chợ USD tự do vội vàng tạm dừng để đảm bảo an toàn và nghe ngóng.

Trong khi đó, phía các ngân hàng cũng cho biết, tại thời điểm này, việc các đại lý tạm dừng cũng còn một lý do nữa là họ đang theo dõi diễn biến tiếp theo của giá USD.

Theo kinh nghiệm năm 2010, sau khi điều chỉnh mạnh, thị trường đã bình ổn và giá USD tự do giảm thấp hơn giá ngân hàng. Năm 2011, với quyết định điều tỷ giá khá mạnh cùng với dự báo có thể thời gian tới, tỷ giá sẽ không điều chỉnh nữa (thay vào đó là biện pháp đồng bộ để tạo sự lưu thông, tăng nguồn cung USD)... điều này sẽ tạo ra ổn định. Giá USD tự do sẽ giảm khi nguồn cung dồi dào, giao dịch trong ngân hàng dễ dàng và người dân giảm găm giữ.


Đã đến lúc cần thu hẹp các đại lý thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do?
Một chuyên gia ngân hàng tiết lộ, chính các đại lý cũng đang phấp phỏng trước động thái của Ngân hàng Nhà nước. Họ không dám ôm nhiều vào như mọi lần vì chưa thể đoán định được diễn biến USD thời gian tới. Giá USD giảm nhanh trong những ngày qua đã cho thấy điều đó.

Dẹp bỏ lý do để chợ đen núp bóng

Thực tế, những hoạt động lộn xộn và tác động lên giá USD chính thức của các đại lý thu đổi ngoại tệ đã được cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy. Năm 2008, trước sự lộn xộn của hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát lại và ra những quy định mới về hoạt động của các đại lý ngoại tệ.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó khá bức xúc cho biết, ở nước ngoài cũng có bàn thu đổi ngoại tệ nhưng chỉ hoạt động ở các khu du lịch, chợ của khẩu và rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam, có khá nhiều đại lý nhưng hoạt động lại chưa được quản lý tốt.

Thực tế, tất cả những tên tuổi lớn trên thị trường ngoại tệ tự do đều trường tự do đều trương biển đại lý thu đổi ngoại tệ của ngân hàng, mà nhiều nhất là Vietcombank. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là lý do để họ hoạt động một cách ngang nhiên trong các giao dịch chợ đen của mình. Tại đây, người ta có thể mua bán USD thoải mái về số lượng, có khi lên đến cả chục, thậm chí trăm ngàn USD.

Đặc biệt hơn, các bàn thu đổi này, về nguyên tắc là đại lý thu đổi hộ cho các ngân hàng, nhưng ở đây đã áp dụng một loại giá USD khác và công khai việc này qua trao đổi thông thường và điện thoại. Giá USD chợ đen, giá tự do dần được công khai và sử dụng của người dân đều bắt nguồn từ các đại lý lớn mà thực chất là những tay buôn bán lớn trên thị trường. Giá này được chính các đại lý này xác lập và áp dụng, chỉ chậm hơn giá hàng ngày của các ngân hàng khoảng 30 phút và có thể biến động hàng ngày.

Rõ ràng, hoạt động của hệ thống đại lý thu đổi ngoại tệ đang có vấn đề. Và giấy phép cũng như việc trương biển đại lý là lý do để các tay buôn lớn lợi dụng nhằm công khai hóa và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của mình.

Không thể phủ nhận cần có những đại lý thu đổi ngoại tệ nhằm tạo thuận tiện cho các hoạt động thương mại du lịch với nhu cầu nhỏ lẻ, song, vấn đề đặt ra là có cần quá nhiều đại lý đến thế và tập trung với mật độ cao để biến thành "chợ" như một thế lực mà cơ quan quản lý phải vất vả chấn chỉnh.


Việc tồn tại các đại lý này đã làm cho việc trao đổi, lưu thông, thậm chí vận chuyển USD số lượng lớn được thực hiện một cách dễ dàng (ảnh minh họa - SGTT)
Trao đổi về vấn đề trên, một chuyên gia ngân hàng cho hay, thời điểm này cần đặt lại câu hỏi về hiệu quả và sự cần thiết của hệ thống đại lý thu đổi ngoại tệ. Nó có còn thực sự cần thiết khi hệ thống giao dịch ngân hàng ngày càng dày đặc, và số tiền nó thu gom về có thực sự có ý nghĩa với các ngân hàng?

Với sự kết nối thanh toán quốc tế rất hiện đại, qua nhiều hình thức thanh toán, như thẻ quốc tế... cũng khiến cho khách du lịch không còn lệ thuộc nhiều vào các đại lý thu đổi.

Hơn nữa, việc tồn tại các đại lý này đã làm cho việc trao đổi, lưu thông, thậm chí vận chuyển USD số lượng lớn được thực hiện một cách dễ dàng dưới trướng các đại lý hợp pháp, mà các cơ quan chức năng - với hạn chế về lực lượng và nghiệp vụ điều tra - khó lòng phát hiện và xử lý.

Vì thế, dễ hiểu bao nhiêu lần ra quân nhưng đều không có kết quả như ý nhưng nay chỉ cần bóng dáng công an tất cả đã in tiếng.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định, thị trường tự do không hề lớn, nhưng có tác động tâm lý khá mạnh tới một số người dân. Trong khi đó, chúng ta lại vướng các quy định đại lý để có thể tận tay xử lý các giao dịch ngoại tệ không được phép. Vậy tại sao không dẹp bỏ hệ thống này, để không còn bất cứ lý do nào để thị trường chợ đen đồn trú và cơ quan chức năng dễ dàng triệt hạ những hành vi buôn bán?

Có vị chuyên gia về tài chính từng nói, không nên có những ngoại lệ như đại lý thu đổi, hay các trường hợp được niêm yết USD trên thị trường Việt Nam. Nếu không có cửa để lợi dụng, cơ quan chức năng làm gắt sẽ không ai dám giao dịch nữa. Chúng ta từng cấm và sẵn sàng bắt từng bánh pháo nhỏ nếu lưu thông, nhưng người ta sẵn sàng giao dịch cả ngàn USD lại có lý do để tồn tại. Đó là điều cần phải suy nghĩ.

Theo bạn, có nên dẹp bỏ thị trường chợ đen về ngoại tệ? Hệ thống ngân hàng cần phải làm gì để đáp ứng đầy đủ, thuận tiện nhu cầu ngoại tệ của người dân? Mời các bạn cùng tham gia tranh luận và đóng góp ý kiến về: vef@vietnamnet.vn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét