Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Kinh tế VN ‘lao đao mức nghiêm trọng’


BBC - Bất ổn kinh tế vĩ mô ở mức nghiêm trọng khiến lạm phát tiếp tục tăng và chỉ số chứng khoán tụt xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Hãng tin tài chính Bloomberg ngày 23/05 đưa tin chỉ số chứng khoán VN Index sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ tháng 07/2009 trong bối cảnh có tin lạm phát tháng Năm có thể tăng tốc nhanh hơn so với tháng Tư.
Chỉ số VN Index tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp HCM sụt giảm 3,5% đứng ở mức 417,82 điểm vào trưa ngày thứ Hai.
Truyền thông Việt Nam đưa tin chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm nhiều khả năng tăng khoảng trên dưới 2% so với tháng Tư.

Lạm phát đang là gánh nặng lên hạng chục triệu người nghèo tại Việt Nam.
Theo dự kiến Tổng cục Thống kê sẽ đưa ra số liệu chính thức về CPI/lạm phát trong tuần này, nhưng giới quan sát cho rằng mức lạm phát trong tháng Năm vào khoảng 19% so với một năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 17,51% trong tháng Tư so với một năm trước đó, là mức cao nhất kể từ Tháng 12 năm 2008.
"Với giá cả tăng cao hơn dự kiến ​​tại hai thành phố chính là Hà Nội và Tp HCM, giới đầu tư đang lo ngại rằng thực trạng lạm phát của cả nước vẫn còn rất ảm đạm", ông Nguyễn Duy Phong, nhà nghiên cứu từ Công ty Chứng khoán ACB tại Tp HCM được Bloomberg trích dẫn.
Ông nói thêm rằng “tâm lý bi quan đang bao trùm thị trường và có đồn đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt thêm chính sách tiền tệ, vốn đã và đang gây tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp và ngân hàng.
'Bóp chết doanh nghiệp'

Mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng hiện nay đang rất cao 20-22%.
Thanh toán lãi suất đi vay đã và đang trở thành một "thành phần chính" trong chi phí sản xuất, Quỹ Quản lý đầu tư VinaCapital cho biết trong một ghi chú cho khách hàng vào hôm thứ Hai 23/05.
"Lãi suất cao đang giết chết các công ty nhỏ hơn," Alan Pham, kinh tế trưởng tại VinaCapital, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg hôm 23 tháng Năm từ Tp HCM.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam nhận định việc lãi suất cho vay cao chứng tỏ hai vấn đề:
Thứ nhất, thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang có vấn đề;
Giảm đầu tư công thì cũng giảm được sự chèn lấn đối với đầu tư của khu vực tư nhân
TS Vũ Thành Tự Anh
Thứ hai, lãi suất cho vay cao đến vậy, những doanh nghiệp lành mạnh, làm ăn bình thường chắc chắn không thể chịu đựng được.
“Còn những doanh nghiệp chấp nhận vay ở mức lãi suất này chắc chắn đang rất khát vốn, hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực rất mạo hiểm, rủi ro thì mới có một mức độ sinh lời đủ để trả lãi ngân hàng”.
Trong bài viết đăng trên một số báo tại Việt Nam với tựa ‘Nhận diện “thủ phạm” của cuộc đua lãi suất’, kinh tế gia Tự Anh viết "Trong số các công cụ của chính sách tiền tệ hiện nay, dường như chỉ còn một công cụ duy nhất là tăng dự trữ bắt buộc là chưa được đem ra sử dụng".
“Việc Ngân hàng Nhà nước thận trọng trong việc sử dụng công cụ này là có thể hiểu được, vì nếu tăng dự trữ bắt buộc vào lúc này thì các ngân hàng thương mại sẽ chịu thêm một sức ép tăng lãi suất cho vay”.
Ông cũng lưu ý rằng “giảm đầu tư công thì cũng giảm được sự chèn lấn đối với đầu tư của khu vực tư nhân”.
“Điều này là tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi lãi suất cho vay đã lên tới trên 20%/năm khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản và sa thải lao động”, ông Tự Anh viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét