Trước biến cố “Cách mạng Hoa Lài” tại Bắc Phi và Trung Đông, biết bao người đặt câu hỏi: “Thế còn Việt Nam thì sao? Việt Nam đã hội đủ điều kiện để nổi dậy chưa?” Trước câu hỏi này, có rất nhiều câu trả lời, nhưng đại khái có 3 cách chính: 1) Một số người cho rằng “Đã hội đủ điều kiện để nổi dậy rồi”, 2) Một số khác cho rằng “Chưa”, 3) Và một số khác nữa cho rằng “Rồi, nhưng còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua”.
Đọc ba lập trường trên trình bầy lý lẽ của mình, những ai tỉnh táo, khách quan đều nhận thấy lập trường nào cũng có lý của mình. Trước một vấn đề, người ta có ý kiến hay lập trường khác nhau là chuyện hết sức bình thường, nếu họ tự nhiên chỉ có chung một ý kiến, một lập trường thì đó mới là chuyện lạ.
Nhưng điều đáng buồn là trước sự khác biệt nhau vốn mang tính tất yếu ấy, nhiều người lại nặng lời với nhau, kết án nhau. Người nói “Rồi” thì kết án người nói “Chưa” là hèn, là “bàn lui”, là cản trở làn sóng đi tới của người dân. Người nói “Chưa” thì cho người nói “Rồi” là chẳng hiểu gì về tình trạng trong nước, là an toàn đứng ngoài cuộc rồi “xúi trẻ ăn cứt gà”, hoặc lên tiếng thách thức: “có giỏi thì cứ về nước mà tổ chức biểu tình đi!” Người muốn tránh cả hai lằn đạn trên thì nói nước đôi: “Rồi, nhưng còn nhiều trở ngại”, và người này cũng bị phê bình là “lừng chừng”, “ba phải”, “tự mâu thuẫn”… Nói chung, lập trường nào cũng bị một số những người có lập trường khác chê trách, kết án. May ra, im lặng thì mới hy vọng khỏi bị “ăn đạn”. Ôi! “Ở sao cho vừa lòng người? Ở hẹp người cười, ở rộng người chê!”
Người đưa ý kiến ra với mục đích xây dựng mà bị người khác nặng lời chê bai, chụp cho một cái “mũ” hoàn toàn không đúng với con người thực của mình, không nhiều thì ít, cũng bị chạm tự ái, buồn phiền, có khi tức tối phản ứng lại gây nên một cuộc “sát phạt” lẫn nhau, và nhất là có thể chán nản rồi bỏ cuộc. Thế là những kẻ phê bình nặng lời kia đã vô tình tiếp tay cho cộng sản vốn luôn luôn tìm cách chia rẽ những đang hăng say tranh đấu, khiến họ bực bội đánh phá nhau, rồi cuối cùng nản lòng và bỏ cuộc. Biết bao người từng hăng say đấu tranh đã bỏ cuộc vì lời những chê bai, trách cứ ấy.
Nếu chúng ta, những người đang đấu tranh cho dân chủ đa nguyên, sẵn sàng nặng lời, kết án những người khác lập trường với mình thì hóa ra chúng ta chẳng có tinh thần dân chủ đa nguyên gì cả. Trước chỉ một vấn đề nêu trên mà chúng ta đã tự chia thành hai ba phe chống lại nhau rồi, thì trước hai vấn đề ắt chúng ta sẽ tự chia thành bốn hay sáu phe chống nhau… Càng nhiều vấn đề phải đối diện, chúng ta càng bị phân hóa thành nhiều nhóm chống lại nhau. Cuộc tranh đấu hiện nay phát sinh biết bao vấn đề phải đối diện khiến lực lượng của chúng ta bị xé ra thành rất nhiều mảnh nhỏ, không hợp lại với nhau được. Cứ như thế chúng ta sẽ yếu, chẳng làm được gì lớn lao.
Vấn đề cần đặt ra là: Liệu chúng ta, những người đang tranh đấu cho dân chủ đa nguyên hiện nay, có thật sự sống tinh thần dân chủ và đa nguyên ngay trong cuộc tranh đấu này không? Hay chúng ta chỉ dùng chiêu bài dân chủ đa nguyên để đấu tranh, để rồi khi thành công thì lại áp dụng tinh thần độc tài nhất nguyên, không chấp nhận một lập trường đối lập nào cả?
Dân chủ và đa nguyên luôn luôn phải đi đôi với nhau. Đã chấp nhận dân chủ thì phải chấp nhận đa nguyên. Vì “bá nhân bá tánh”, chẳng ai giống ai. Đó là luật tự nhiên trong vũ trụ. Thật vậy, trong giới thực vật, có hàng triệu loại thực vật khác nhau, thậm chí đều là hoa cả mà có đến hàng trăm ngàn loại hoa khác nhau. Người dân, muốn làm chủ đất nước thì phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt cố hữu ấy mới đoàn kết được, và mới có đủ sức mạnh để làm chủ. Nếu cứ chia rẽ và rời rạc nhau, thì sẽ đến lúc có một nhóm hay một phe phái nào đó, do mạnh hơn cả, thắng thế và nắm được chính quyền, ắt nhiên họ sẽ tự nhiên thành hình một chế độ độc tài vì bản chất cố hữu của họ là không chấp nhận hay cho phép ai khác biệt với họ.
Do đó, nếu chúng ta không cho phép người khác được nghĩ hay có lập trường khác với ta và sẵn sàng nặng lời chê trách hoặc kết án họ, thì chế độ tất yếu mà chúng ta phải chấp nhận là chế độ độc tài. Một người có nick “conan69” viết [1]: «The government we have right now, is basically a manifestation of what we are as a people. Every people have the government they deserve, “such people, such government”» (tạm dịch: «Nhà nước mà chúng ta đang có hiện nay là một hình thức biểu lộ dân tộc tính của chúng ta. Mọi dân tộc đều có loại chính phủ xứng hợp với họ, “dân tộc nào, chính phủ nấy”»). Câu này dù đúng hay sai, cũng rất đáng cho mọi người suy nghĩ.
Vậy, để thoát khỏi ách của một chế độ độc tài, trong hiện tại cũng như trong tương lai, chúng ta cần có tinh thần dân chủ đa nguyên, nghĩa là chẳng những chấp nhận mà còn tôn trọng sự khác biệt của nhau, nhìn nhận sự hữu lý của nhau, để rồi tìm cách thống nhất một đường lối chung. Trong hiện tại, có thống nhất một đường lối chung mới có sức mạnh tổng hợp để thắng sức mạnh của cộng sản. Và trong tương lai, có tôn trọng sự khác biệt của nhau mới có thể thành lập được một chế độ thật sự dân chủ.
Cách thống nhất đường lối theo tinh thần dân chủ là bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai, và lấy ý kiến của đa số làm quyết định chung; tuyệt đối không ai bị kết án, bị nặng lời vì nội dung phát biểu của mình [2]. Còn cách thống nhất theo tinh thần độc tài là buộc mọi người phải nghe theo ý kiến của mình, ai không đồng ý, không theo, thì bị kết án, bị phê bình nặng lời, bị chụp mũ, hoặc bị vào tù, bị trừ khử…
Trở lại với câu hỏi: “Thế còn Việt Nam thì sao? Việt Nam đã hội đủ điều kiện để nổi dậy chưa?”, tôi nghĩ cả ba lập trường trên đều có lý và có cái đúng của mỗi cái. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở phần lý thuyết thì dù theo lập trường nào chúng ta cũng chẳng tạo được một thay đổi nào. Vấn đề là chúng ta có hành động nào cụ thể hay không?
− Những người cho rằng “Chưa” thì có hành động cụ thể nào để biến các điều kiện cần có thành “Rồi” không?
− Những người cho rằng “Rồi” thì có hành động hay kế hoạch cụ thể nào để thực hiện những điều kiện đã có rồi hay chưa?
− Những người cho rằng “Rồi, nhưng còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua”, thì đã làm gì để tạo giúp người dân trong nước vượt qua được trở ngại đó chưa?
Hãy bắt tay hành động, đừng ngồi im một chỗ phê phán nhau mà chẳng có hành động nào cụ thể và hữu hiệu cả. Nếu tất cả mọi lập trường khác nhau đều có những hành động cụ thể nhằm lợi cho đại cuộc, thì chẳng cần kêu gọi đoàn kết, đoàn kết tất nhiên sẽ tới. Còn cứ ngồi một chỗ mà xét đoán, phê bình lẫn nhau, thì việc chia rẽ nội bộ là điều tất yếu phải xảy ra, và còn lâu mới có đủ sức mạnh để chiến thắng cộng sản. Hãy sống tinh thần dân chủ, đa nguyên trước đã, hiện thực dân chủ, đa nguyên sẽ đến sau!
Houston, ngày 22-3-2011
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét