Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Từ Nhật Bản tới Việt Nam: Điện Hạt Nhân

Posted on Tháng Ba 24, 2011 by truongthondlb1


Lê Thiên (danlambao) – Với những dự án xây dựng nhà máy ĐHN trong nước cũng thế! Tại sao không nhìn người để xét lại mình mà chỉnh đốn phép trị nước? Hay là một lần nữa như vụ bauxite ở Cao Nguyên, đảng cứ đạp trên công luận, trên đầu dân mà đi? Dân chết? Hề gì! Miễn đảng sống! Để tiếp tục độc tài độc trị, vơ vét cho đầy túi tham và cao bay xa chạy trước khi toàn dân kịp vùng lên!…

*

Trong một bài viết cách đây không lâu, chúng tôi có ghi nhận lời báo động của nhà khoa học Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về nguyên tử của Việt Nam, về nguy cơ và hậu quả vô cùng tai hại cho người dân trong nước nếu nhà cầm quyền CSVN cứ liều lĩnh cho xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN).


Việt Nam: Nhà máy ĐHN Ninh Thuận

Trong bài viết “Điện hạt nhân: Tại sao phải vội?” đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 11/01/2004, ông Phạm Duy Hiển nêu lên hậu quả kinh hoàng của tai nạn Nhà máy điện hạt nhân ĐHN Tokaimura ở Nhật khiến ai cũng giật mình: “Tai nạn xảy ra ở nhà máy xử lý nhiên liệu Tokaimura năm 1999 do những sai sót hết sức ngớ ngẩn đã làm chết hai kỹ thuật viên, 600 người bị chiếu xạ, 320.000 người dân địa phương được yêu cầu không ra khỏi nhà.”

Và rồi, “theo kết quả thăm dò dư luận của Asahi Shimbun ngày 9-10-2002, số dân Nhật sợ ĐHN đã tăng vọt lên đến 86%.”

Sau khi cho thấy những bất cập về các mặt như chuyên gia ĐHN, trình độ quản lý ĐHN, sự yếu kém về pháp lý, khó khăn về các thiết bị cho ĐHN, khoa học gia Phạm Duy Hiển quả quyết: “Chính trình độ yếu kém về tri thức công nghệ, quản lý công nghiệp và hệ thống pháp lý sẽ là mảnh đất lý tưởng để tham nhũng, hối lộ và nạn làm dối, làm ẩu hoành hành. Mà một khi nhốt chung ba quái vật ấy lại với ĐHN thì đó mới thật sự là mối đe dọa cho đất nước.”

Bài viết của nhà khoa học đưa ra kết luận: “An toàn của ĐHN là bất cập.” Nghĩa là ĐHN tại Việt Nam chẳng an toàn chút nào cho người dân Việt. Và tất nhiên hàng trăm ngàn người dân trong tỉnh Ninh Thuận và hàng triệu người dân tại các vùng phụ cận thuộc ba tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng sẽ triền miên sống trong nơm nớp lo sợ bị đe dọa trực tiếp.

Nhà khoa học nguyên tử Phạm Duy Hiển cảnh báo: “Tình hình nước Việt Nam hiện nay chưa cần thiết phải ‘dan díu đến lò điện hạt nhân ít nhất là sau năm 2030’ bởi vì tính chất quá nguy hiểm của nó khi điều kiện và phương tiện để bảo trì nhà máy của Việt Nam còn quá ư là hạn chế.”

Mặt khác, trong bài viết “Lộ trình 5 bước cho dự án nhà máy điện hạt nhân” trên Tia Sáng ngày 31/3/2009, Tiến sĩ Đào Tiến Khoa, Viện Khoa Học và Kỹ Thuật Hạt Nhân của Việt Nam cũng lên tiếng báo động: “một số đồng bào ở Ninh Thuận, địa điểm được chọn để xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, … đang tìm cách bán đất và nhà cửa để đi định cư nơi khác vì những lo lắng về rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm của ĐHN.”

Những cảnh báo trên và rất nhiều lời báo động khác của các nhà khoa học về hạt nhân (nguyên tử) xem ra chỉ là nước đổ lá khoai đối với nhà cầm quyền CSVN hiện nay. Đảng là vô địch, ưu việt. Lòng dân không qua ý đảng. Đảng đã quyết thì quyết định của Đảng không gì và cũng chẳng ai đảo ngược được. Vụ Bauxite ở Cao Nguyên là một điển hình.

Nhật Bản: Nỗi lo phóng xạ nguyên tử

Thế nhưng! Sự đời lại không đơn giản như lập luận của Đảng CSVN. Mới đây, vào ngày 11/3/2011, một trận động cùng với sóng thần tại Nhật đã gây nên cảnh tượng chết chóc kinh hoàng và đổ vỡ tan tành. Bên cạnh đó là những vụ nổ cháy các nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ gây nhiễm phóng xạ khủng khiếp cho người dân Nhật, đồng thời bụi phóng xạ có nguy cơ lan rộng tới những quốc gia lân cận.

Tại Nhật, theo tin tức ngày 14/3/2011, hoảng loạn bao trùm nước Nhật khi khủng hoảng hạt nhân đang ngày càng trở nên trầm trọng. Nỗi lo về “ngày tận thế” bắt đầu dâng lên khi mức phóng xạ tăng, bắt đầu phát hiện phóng xạ ở mức thấp tại Tokyo khiến một số người chạy khỏi thủ đô và làm dấy lên báo động của quốc tế về cuộc khủng hoảng leo thang. Thủ tướng Naoto Kan (Nhật) tuyên bố: “Mức phóng xạ dường như rất cao và có nguy cơ phóng xạ sẽ thoát ra nhiều hơn”.

Một số chuyên gia lưu ý, nếu không xử lý kịp thời, nhà máy ĐHN Fukushima có nguy cơ trở thành mối họa hạt nhân lớn thứ 2 sau thảm họa Chernobyl dù nước Nhật có đang có một đội quân các nhà khoa học nguyên tử năng hàng đầu thế giới. “Hơn 140.000 cư dân sống trong bán kính 30km của nhà máy được yêu cầu ở trong nhà. Ngoài ra, có 180.000 người tại khu vực gần nhà máy đã được sơ tán. Báo động lan khắp toàn cầu.”

Cũng theo báo chí, “Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp cho biết, thảm họa ở Nhật hiện nay tương đương mức 6 trong 7 thang bậc tai nạn hạt nhân quốc tế, và chỉ đứng sau thảm họa Chernobyl năm 1986…” Tại Tokyo, phóng xạ tăng và người ta phát hiện chất phóng xạ trong rau và sữa.

Thế giới: Chấm dứt ngay điện hạt nhân

Trước tình hình thảm họa hạt nhân tại Nhật đang đe dọa cả nước Nhật lẫn thế giới, công dân nhiều quốc gia đã biểu tình đòi đóng cửa tất cả các nhà máy ĐHN trên xứ sở mình, trong đó có dân Đức và dân Pháp. Các nhà lãnh đạo của nhiều nước đã tuyên bố hoặc đóng cửa một số nhà máy ĐHN, hoặc ngưng việc tiến tới thi hành hợp đồng xây dựng các nhà máy ĐHN đã ký kết, thậm chí tuyên bố ngưng xây dựng dù công trình đang dang dở.

Điển hình, theo báo Tiền phong ngày 16/3/2011, “Chính phủ Đức vừa quyết định sẽ cho ngừng hoạt động tạm thời 7 nhà máy ĐHN trong tổng số 17 nhà máy, trước vấn đề an ninh hạt nhân đang ngày càng leo thang ở Nhật Bản do hậu quả của động đất và sóng thần.”

Hoặc “theo báo Gazeta (Nga), sau khi nhà máy hạt nhân ở Nhật gặp sự cố, Đức và Thụy Sĩ ngưng chương trình năng lượng hạt nhân và bắt tay nghiên cứu các tiêu chuẩn an toàn mới trong lĩnh vực này. Chính phủ Đức hủy bỏ chương trình kéo dài thời hạn hoạt động của 17 nhà máy điện nguyên tử. Ngoài ra, nhà chức trách có kế hoạch kiểm tra tiêu chuẩn an toàn ở các nhà máy điện nguyên tử.

Báo chí cũng cho biết Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định ngưng quá trình hiện đại hóa các lò phản ứng hạt nhân và ngưng xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới.

Tại Mỹ, trả lời phỏng vấn tờ The New York Times ngày 11-3, dân biểu Edward Markey đã kêu gọi chính quyền ngừng các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại các khu vực có hoạt động địa chất mạnh. Theo ông, thảm họa động đất gây sóng thần vừa qua ở Nhật Bản cho thấy mức độ dễ tổn thương của các nhà máy ĐHN và các hậu quả nghiêm trọng liên quan tới rò rỉ phóng xạ sau động đất.

Theo báo Dân trí trong nước ngày 17/3/2011, Trung Cộng đã tuyên bố ngừng việc cấp phép cho các nhà máy điện hạt nhân mới sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima I của Nhật Bản, trong khi tại Venezuela (Nam Mỹ), Tổng thống “đỏ” Hugo Chavez cũng tuyên bố “đóng băng” các kế hoạch hạt nhân mà nước này đã ký hợp đồng với Nga.

CSVN: Bất chấp sự sống còn của dân tộc!

Ngày 12.03.2011, báo Sài Gòn Tiếp Thị có một cuộc phỏng vấn với TS Lê Huy Minh (phó Viện trưởng viện Vật lý địa cầu).

Hỏi: Có một cơ chế làm nguội lò an toàn hơn không, khi chẳng may xảy ra tình huống như ở nhà máy Fukushima? Kiểu lò hạt nhân mà Việt Nam sắp xây dựng sẽ thế nào, thưa ông?

Trả lời câu hỏi trên, ông Lê Huy Minh chê Nhật có cái “điểm yếu của hệ thống giải nhiệt dư của nhà máy Fukushima là vẫn sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1970 và 1980, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng.”

Từ nhận định ấy, ông Minh khẳng định: “Còn tại Việt Nam… những lò phản ứng thế hệ thứ ba mà chúng ta lựa chọn sẽ có đặc tính an toàn thụ động.” Rồi “nhà khoa học” Vật lý địa cầu của việt Nam tuyên bố chắc nịch: “Khi đó, nếu xảy ra sự cố tương tự như vừa xảy ra ở nhà máy Fukushima, nhà máy điện nguyên tử mà Việt Nam sắp xây sẽ tự động giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung.”

Riêng về địa điểm được lựa chọn đặt hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, các nhà khoa học của Việt Nam cũng có những nhận định và đánh giá lạc quan vô trách nhiệm khi dám cả quyết “Ninh Thuận là khu vực ổn định.” Cũng theo lời phát biểu của ông tiến sĩ Minh thì “khu vực để xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai tương đối ổn định và không bị ảnh hưởng. Hiện nay, Việt Nam chưa thể dự báo trước được thời gian xảy ra động đất và địa điểm chính xác nơi xảy ra động đất.”

Kể từ ngày 14/3/2011 cho đến ngày 17/11/2011, qua báo chí trong nước, vài nhà khoa học Việt Nam không biết đã dựa trên lý thuyết sách vở hay căn cứ vào thực tế nào mà cứ khoác lác rêu rao rằng các nhà máy ĐHN tương lai của Việt Nam sẽ là “hiện đại nhất, an toàn nhất,” địa điểm xây dựng các nhà máy ĐHN (Ninh Thuận) đủ khả năng chống mọi thứ thiên tai nguy hiểm.

Điển hình, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức ngày 16/3 đã bảo đảm rằng “nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ của Nga thuộc thế hệ lò phản ứng thứ 3… được coi là hiện đại nhất hiện nay, áp dụng nguyên lý an toàn thụ động rất tốt, có tích nước sẵn trong lò. Nếu xảy ra sự cố tương tự như ở nhà máy Fukushima thì nhà máy ĐHN Ninh Thuận sẽ tự động giải nhiệt bằng các cơ chế tự nhiên.”

Trong khi đó người ta biết Việt Nam đã từng chứng kiến Ninh Thuận đã có xảy ra hiện tượng “động đất mạnh cách bờ biển Phan Rang chỉ 100km hồi năm 1923,” và hiện tượng “sóng thần dâng cao tới 8 mét.” Ngựa phi sẽ có hồi quay cổ, thú dữ nên phòng lúc cắn người! Huống hồ là hiện tượng thiên nhiên, thiên tai! Có ai đoán được động đất, sóng thần, núi lửa kinh hoàng xảy ra nơi này hay nơi khác khắp thế giới?

Cho đến ngày18//11/2011, trước những hiểm nguy của sự rò rỉ phóng xạ từ mấy nhà máy ĐHN Fukushima Nhật Bản, các nhà khoa học CSVN bỗng đổi giọng. Theo báo Tiền Phong phát hành hôm ấy, PGS.TS Vương Hữu Tấn, cho biết, Việt Nam đang “tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.” Như thế có nghĩa Ninh Thuận không còn xem là địa điểm lý tưởng cho nhà máy điện nguyên tử Việt nam trong tương lai.

Rồi ngày 18/11/2011, trong một cuộc họp báo, ông Dương Quang Thành, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phụ trách lĩnh vực điện hạt nhân khẳng định: “Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận… Nếu phát hiện địa điểm đặt nhà máy nằm trong vùng có nguy cơ mất an toàn, dự án vẫn có thể xem xét lại.” Nghĩa là “Nếu phát hiện mất an toàn sẽ thay đổi địa điểm.”

Chữ “nếu” không có chỗ đứng trong trường hợp này. Phải dám nhìn nhận rằng bài học Fukushima là một bài học vô cùng giá trị cho Việt Nam, một bài học miễn phí mà đảng và nhà nước CSVN hãy học lấy ngay bây giờ và áp dụng ngay lập tức để cho thế hệ con cháu chúng ta khôn mang họa! Xin đừng quanh có với chữ “nếu”! Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, kể cả những quốc gia tân tiến nhất, đã kịp thời rút ra bài học và áp dụng ngay vào thực tiễn. Một Tổng thống Hugo Chavez “đỏ đầy mình” của Venezuela bên Nam Mỹ, vừa lì lợm, hung hăng vừa thích bưng bợ ve vãn “đồng chí Nga chí thiết” vậy mà qua biến cố ĐHN Fukushima đã vội tuyên bố “đóng băng” hợp đồng dự án xây dựng nhà máy ĐHN đã ký kết với Nga.

Trái lại, tại Việt Nam, những người đứng đầu đảng, nhà nước và chính phủ, như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng không có một lời tuyên bố. Chỉ có mỗi ông Trần Đình Đàn chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, không biết nhân danh ai đã khẳng định tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9 vào chiều 17 tháng 3 rằng “Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì sẽ sử dụng các công nghệ mới, an toàn hơn so với… Nhật!”

“Công nghệ mới” không phải là yếu tố duy nhất cho một nhà máy ĐHN. Người ta liệt kê tới 19 yếu tố căn bản mà ba yếu tố quan trọng nhất đối với địa điểm nhà máy ĐHN theo ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân (ATBXHN), là (1) hiện tượng tự nhiên như: động đất, sóng thần; (2) hoạt động của con người (nhà máy có gần sân bay không và các chuyến bay có gây ảnh hưởng không, có gần đường giao thông không…); (3) các yếu tố có thể ảnh hưởng tới người dân…

Điều kiện thứ nhất thuộc lãnh học khoa học vật lý địa cầu, chính các nhà khoa học Việt Nam hiện đang có thái độ hoài nghi và cũng chưa đồng thuận với nhau

Về điều kiện thứ hai và thứ ba, chúng tôi e rằng địa điểm được chọn tại Ninh Thuận cũng không đáp ứng điểm nào. Cả hai nhà máy điện tại xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) và xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) đều “gần sân bay và các chuyến bay có gây ảnh hưởng”.

Phi trường quân sự Thành Sơn (Bửu Sơn) Ninh Thuận tọa lạc cách xa cả hai địa điểm trên với cự ly khoảng 10km đường chim bay.

Còn nhà máy điện ở xã Vĩnh Hải thì chỉ cách phi trường quốc tế Cam Ranh chưa tới 10km.

Cả hai Nhà máy ĐHN tại Phước Dinh cũng như tại Vĩnh Hải đều cách xa khu vực dân cư trên hai huyện Ninh Phước và Ninh Hải và thành phố Phan Rang Tháp Chàm chỉ trong cự ly từ 5 tới 15km!

Ninh Thuận: Hiện tượng vật lý đáng quan ngại

Giữa lúc hiểm họa thiên tai và nguy cơ điện hạt nhân xảy ra trên đất Nhật thì tại Ninh Thuận, Việt Nam, nơi có dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân bỗng xảy ra hiện tượng lạ: Hiện tượng “đất phun trào” tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Suối Đá chỉ xã Vĩnh Hải trên dưới 15km đường chim bay. Hiện tượng lạ này đã xảy ra từ trung tuần tháng 2/2011, nhưng mãi đến ngày 17/3/2011, báo chí “lề phải” trong nước mới được phép loan tin, có lẽ là nhờ biến cố động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ nguyên tử tại Nhật bắt đầu từ ngày 11/3/2011.

Ngày 17/3/2011, trong bài viết “Vì sao đất tại Ninh Thuận đột nhiên đùn lên?” tờ Sài Gòn Tiếp Thị có ghi lại cuộc phỏng vấn của phóng viên báo này với PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc viện Vật lý địa cầu).

Nhà báo nêu lên câu hỏi: “Thưa ông, hiện tượng bùn đất phun trào tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận hơn một tháng nay có bất thường hay không? Vì sao hiện tượng này?”

Ông Phương trả lời: “Chắc chắn là bất thường. Có vẻ như có một sự biến động về địa chất đã và đang diễn ra dưới lòng đất.”

Cũng theo ông Phương, “về vẻ ngoài, hiện tượng này khá giống với hiện tượng hóa lỏng nền do động đất. Tức là khi nền đất bị mất đi độ rắn do có dịch chuyển mạnh trong khối đất đá, khiến cho các lớp bùn nhão trào lên mặt đất thông qua các vết nứt hay khe hở trên bề mặt.”

Trong khi đó, báo Thanh Niên, qua bài “Hiện tượng bùn phun trào tại Ninh Thuận: Không liên quan đến động đất” lại có lời tường thuật không giống với bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị. Theo báo Thanh Niên, ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) có vẻ “lạc quan” hơn khi cho rằng “nhiệt độ của bùn không cao chứng tỏ đây chỉ hoạt động trên bề mặt, không phải là điểm báo trước của động đất”, tuy ông Minh cũng nhận định đây là một “hiện tượng bất thường.”

Mặt khác, cũng theo báo Thanh Niên, ông Phương cho rằng “hiện chưa đủ cơ sở để đưa ra kết luận về nguyên nhân bùn trào lên lòng đất.” Tuy nhiên, hiện tượng này, theo suy đoán của ông Phương, “có thể liên quan đến hoạt động núi lửa nhẹ hoặc do các biến động trong lòng đất gây sụt lún địa tầng chất lỏng và bùn nhão theo các rãnh ngách tuôn lên mặt đất.”

Một hiện tượng vật lý “bất thường!” Vậy mà các nhà khoa học Việt Nam vẫn loay hoay “suy đoán,” chưa xác định nổi đó là dấu hiệu của động đất hay núi lửa, chưa lượng định được mức nguy hại của nó trong khi hiện tượng đất phun trào đang tiến triển nhanh như ông Lê Ngọc Thạch, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường Ninh Thuận, tiết lộ: “Ban đầu từ một ụ bùn nhỏ trào lên, đến nay đã có năm điểm bùn phun trào phân bố trên một khu vực khoảng 2.000m2… Xung quanh các điểm phun trào, đất có hiện tượng nhão và sụt lún tạo thành các hố.”

Trong khi đó, theo VienamExpres ngày 21/3/2011, ông tiến sĩ Doãn Đình Lâm, Trưởng phòng Trầm tích (Viện Địa chất) lại khẳng định “bùn phun trào ở Ninh Thuận là hiện tượng địa chất bình thường, không gây nguy hiểm, tuy nhiên lưu ý vùng này đất yếu, cần cảnh báo để người dân biết phòng tránh.”

Vì sao ông Nguyễn Hồng Phương và ông Lê Huy Minh bảo bùn phun trào ở Ninh Thuận là hiện tượng địa chất bất thường, trong ông Doãn Đình Lâm lại phán đó là hiện tượng địa chất bình thường? Ông nói gà, bà nói vịt ấy là do kết luận vội hay do năng lực chuyên môn không ngang tầm với chức danh và bằng cấp họ thủ đắc? Hoặc do thiếu phương tiện khảo sát? Hay biết đâu do sức ép của quyền lực chính trị bắt buộc lúc phải nói thế này khi phải “giải trình” cách khác?


Từ chuyện chẩn bệnh “Cụ” Rùa

Gần đây, cả Hà Nội và cả nước xôn xao chuyện “Cụ” Rùa. Rùa bệnh thì chỉ cần lương y tìm phương thuốc chữa trị nếu cần thiết phải tốn kém với lý do đó là Rùa cổ, Rùa quý hay Rùa thiêng. Hà cớ gì dấy lên thành một phong trào ồn ào với chuyện “cụ” Rùa? Báo chí “lề phải” dốc toàn lực ra rả hay ngày chuyện “Cụ” Rùa. Lực lượng “đặc công nước” được điều tới ngụp lăn tìm kiếm “Cụ” kích thích tính tò mò của quần chúng! Người ta còn tính tới cả việc mời một “đội ngũ” chuyên gia quốc tế đến Hà Nội để nghiên cứu chữa bệnh cho “Cụ”. Trong khi cả nước còn biết bao Cụ ông, Cụ bà cao tuổi dở sống dở chết, dật dừ khốn đốn vì bệnh tật đau yếu không thuốc thang, đói rách lầm than không miếng cơm manh áo, không có chỗ gối đầu, sao chẳng thấy ai đoái hoài?

Cả mối an nguy của người dân trước những hiểm họa – nhất là hiểm họa hạt nhân, đang đe dọa họ, người ta cứ phớt lờ là làm sao?

Hay là cái màn bắt “Cụ” Rùa chỉ là thủ thuật đánh lạc hướng ý chí người dân trong nước đang âm ỉ tiến tới một cuộc Cách mạng giống như nhiều nước ở Phi châu?

Thử so sánh chuyện “Cụ” Rùa Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội lâm bệnh với chuyện “đất phun trào” tại tỉnhNinh Thuận, ta không khỏi không cảm thương người dân ở tỉnh này và nhân dân cả nước!

Vì sao hiện tượng đất phun trào ở Ninh Thuận không được “chẩn đoán” sớm, đúng đắn và có kết luận chính xác rõ ràng thay vì cứ ởm ờ kẻ bảo “bất thường” người nói “bình thường”?

Tại sao không mời ngay các chuyên gia quốc tế về vật lý địa cầu đến với đầy đủ thiết bị tối tân để khảo sát, định hình và có biện pháp đối phó kịp thời… để các “nhà khoa học” trong nước khỏi phải nói nhăng, nói cuội, làm trò cười cho dân chúng?

Với những dự án xây dựng nhà máy ĐHN trong nước cũng thế! Tại sao không nhìn người để xét lại mình mà chỉnh đốn phép trị nước? Hay là một lần nữa như vụ bauxite ở Cao Nguyên, đảng cứ đạp trên công luận, trên đầu dân mà đi? Dân chết? Hề gì! Miễn đảng sống! Để tiếp tục độc tài độc trị, vơ vét cho đầy túi tham và cao bay xa chạy trước khi toàn dân kịp vùng lên!

Bài học từ một nhà khoa học chân chính và chính hiệu

Viết vừa xong bài này, chúng tôi đọc được bài phỏng vấn của nhà báo Thanh Phương, RFI, với Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt dưới nhan đề “Việt Nam cần xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân.” Chúng tôi xin phép ghi nhận ở đây quan điểm của Giáo sư Phạm Duy Hiển như là một bài học quý cho Việt Nam.

Trước hiện tượng Fukushima, Giáo sư Hiển cảnh báo một số nhà khoa học Việt Nam về sự “lạc quan tếu” của họ “nghĩ rằng sau này làm lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 thì chắc là có thể tránh khỏi những chuyện ấy (tức là chuyện không lường trước được thảm họa).

Nhà khoa học nguyên tử nổi danh Việt Nam báo động: “Lò phản ứng thế hệ 3 đúng là hiện đại hơn, tiên tiến hơn, nhưng đó là nói về cái đoạn làm sao dập được phản ứng dây chuyền trong lò. Tai nạn ở Fukushima không phải là ở cái đoạn ấy mà là ở cái đoạn sau, tức là khi lò đã dừng rồi, nhưng lại không tải nhiệt các thanh phóng xạ được.”

Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng cảnh giác: “Nếu con người cứ nghĩ rằng máy móc thiết bị bao giờ cũng tốt, thì thiên nhiên cũng có những điều không ai lường trước được. Không tính được hết những chuyện xảy ra đã đành rồi, nhưng mà khi nó đã xảy ra, thì người này làm việc này, người kia làm việc kia, hệ thống ứng phó ra sao, cũng khó mà tính hết được.”

Chưa hết! Vị giáo sư còn khuyến cáo: “Không cứ gì Việt Nam, các nước khác cũng phải xem xét lại. Từng nhà khoa học tham gia vào chuyện này, cũng có những cái trước đây không ngờ được, thì bây giờ cũng phải suy nghĩ lại. Cách đây khoảng một, hai năm, khi thảo luận về điện hạt nhân ở Việt Nam, hầu hết những người có trách nhiệm cấp dưới cũng như cấp cao vẫn nghĩ rằng là điện hạt nhân rất an toàn. Ai mà nói nó không an toàn thì người ta không chịu. Họ cứ nghe những chuyện như là xác xuất không an toàn là cực thấp, nghĩ rằng sẽ không bao giờ xảy ra. Bây giờ thì nó xảy ra đấy!”

Lời cảnh cáo khác của vị giáo sư nguyên tử mà Việt Nam cần nghiền ngẫm là: “Đã làm điện hạt nhân, tức là làm chuyện nghiêm túc nhất, thì không bao giờ được xem nhà máy hạt nhân giống như là một nhà máy đóng giày hay một nhà máy nào khác, hoặc là khi nào cần thì có thể mua như là mua một xe ôtô.”

Ông dẫn giải tiếp: “không phải cứ có tiền là muốn làm gị cũng được, nhưng còn bao nhiêu thứ khác nữa. Tất nhìên, ngoài vấn đề tiền còn có vấn đề tri thức về điện hạt nhân của Việt Nam, tức là phải có một đội ngũ chuyên gia. Qua sự kiện vừa rồi ở Nhật Bản, tất cả mọi người đều thấy là những người rất giỏi, rất nghiêm túc, có kinh nghiệm rất nhiều, thì mới xử lý được những sự cố như vậy. Còn nếu tất cả đều ởm ờ như nhau thì làm sao được ? Cái khó nhất đối với Việt Nam, đó là không có cái đội ngũ đấy. Trong thời gian qua, Việt Nam đã rất lúng túng trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia.”

Cuối cùng giáo sư Phạm Duy Hiển đưa ra nhận xét và đề nghị: “Tôi cứ nghĩ giỏi lắm là năm 2020 làm lò phản ứng thứ nhất và 5 năm sau mới làm lò thứ nhì. Tôi không tin là có thể làm với tốc độ nhanh hơn được, nhất là Việt Nam vẫn còn rất lúng túng trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao. Tôi nhìn quanh nhìn quất thì chưa thấy anh nào thuộc thế hệ 40, 50 tuổi rồi sẽ trở thành những chuyên gia tốt về hạt nhân.”


Lê Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét