Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Một vài cảm nghĩ từ một bài viết hay

Đăng bởi bvnpost on 18/02/2011

Lẩm Cẩm Lão Gia

Tình cờ đọc bài "Sóng biển Lăng Cô" của tác giả Nguyễn Hữu Liêm đăng trên trang BVN (1). Quả là một bài viết rất hay. Do đó, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đã phải đọc đi đọc lại bài viết này nhiều lần. Sau cả hơn chục lần đọc đi đọc lại thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi có một vài cảm nghĩ như sau.
[....Trong tiếng gió, tôi nghe mơ hồ vang tiếng gọi Tự Do và Giải Thoát. Tất cả như những cơn gầm phẫn nộ, ầm ầm của từng đợt sóng biển Thái Bình liên tục vỗ vào bờ không ngừng nghỉ. Từng vết bùn dưới ruộng kia, từng hạt cát bên bờ sông nọ, từng viên đá trên rặng núi cao, từng cây dương liễu cong mình dưới gió, từng con thú run lạnh bên vườn, và tất cả cái khối nhân loại tràn trề và triền miên gian nan này – vâng, tất cả, một tổng thể “lạc loài trong kiếp luân hồi” đang gào thét trong khổ đau, đang mải mê quay cuồng, để tìm về chân trời Tự Do. Ta thấy được điều đó ở mọi nơi và cả trong chính ta!

Gần quán cà phê có một đám thợ đang xây một con đường đi dạo bằng đá bên đồi cát. Những thợ nề, thợ mộc đang chuyển cát đá thành cảnh quan. Chỉ có con người mới có tự do ý chí chuyển hóa đất đá thành cái đẹp cho ý thức. Tất cả phải chuyển động về chân trời Tự Do. Kể cả sỏi đá, đất cát ngàn trùng kia. Hằng tỷ tỷ “Hằng hà sa số” đều phải đứng dậy mà đi. Qua bàn tay con người lao động, qua ý thức thẩm mỹ, nhân loại phải hoàn tất dự án Tự Do vô vàn này.


Tất cả phải sống lại, phải đứng lên từ cõi chết, để cái Đẹp, cái Thiện, và Sự Thật được hoàn tất trong sự tương giao, từ tính vô tri của đất đá, vô cảm của cỏ cây, đến sự khổ đau đầy hồn nhiên của cõi người. Mỗi viên đá mà con người đắp lên thành con đường chính là mỗi nấc thang tiến hóa được hoàn tất.
Hoặc là con người phải có chủ đích và đứng dậy để tìm Tự Do cho mình hay là họ sẽ mãi đọa đày trong vô thức như cây cỏ, sỏi đá kia. Chỉ có chúng ta qua hành trình làm người mới có kinh nghiệm cuộc đời – cây cỏ, muông thú, cát đất không có lịch sử, không khổ đau, dù đang cùng chung đường cứu cánh. Nhưng mà, tôi tự nhủ, con người Việt Nam, như một góc nhân loại ở xứ miền Trung này, như tôi đây, còn cả một xa lộ dài đằng đẵng, đầy khổ đau nằm chờ trước mặt, trải dài về chân trời Giải Thoát. Sẽ còn nhiều gian truân lắm bạn ạ. Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể. Họ sẽ phải được văn minh hóa qua con đường và phương tiện vật chất trước đã. Khối tâm thức Việt Nam, ôi thân yêu hỡi những anh chàng nhà quê mới lên tỉnh, phải tiêu thụ và giải tỏa hết cái năng lực dục thức, trước khi lý tính và ý chí cõi cao hơn được làm chủ sự sống. Vâng, dân tộc này đang là của thân xác trong cõi dục thức. Chúng ta đang cùng nhau trăn trở, ngụp bơi trong một thời quán tiến hóa xác thể sắc tướng để mong được thoát ra ngoài khoảng không gian nặng ẩm này…]


Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không hiểu hai chữ “Tự Do” mà tác giả nói đến trên đây là loại "Tự Do" nào? Còn "Giải Thoát" thì cần phải “Giái Thoát” từ cái gì? Không ai phủ nhận Miền Trung là một dải đất khô cằn, không được thiên nhiên ưu đãi với ruộng đồng phì nhiêu, khí hậu thuận hòa. Để sinh tồn, con người Miền Trung phải luôn vươn lên bằng sức mạnh của chính mình. Nhưng Miền Trung đã sinh ra không ít người nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Quý Cáp….

Như vậy, khi tác giả Nguyễn Hữu Liêm nói rằng “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể” mà không giải thích rõ ràng căn nguyên vì sao, vì đâu mà hôm nay “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể” là một điều có phần gượng ép, khiên cưỡng.

Những bậc tiền nhân trên đây sinh ra, lớn lên, được học hành, và thành nhân trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước nhà. Một thời kỳ đen tối trong lịch sử Việt Nam. Ấy thế mà tại sao dải đất Miền Trung lại sản sinh ra những nhân tài xuất chúng đến như vậy? Trong khi hiện nay, dải đất Miền Trung được soi sáng bởi ánh sánh chói lòa của Đảng cũng như đang tiến bước trên con đường XHCN. Vậy thì tại sao “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể” như lời của tác giả Nguyễn Hữu Liêm trên đây?

[…..Trưa đến, chúng tôi về tới Phân khoa Luật, Đại học Huế. Ra đây lần này, tôi tham dự thỉnh giảng môn Logic và Tư duy phản biện. Về với miền đầy cảm xúc, the realm of feeling, của đất Thần Kinh, sông Hương, núi Ngự, của con người với giọng nói ngọt nhẹ, tôi mong góp chút gì bằng năng thức từ cõi lý tính, the realm of rationality – ôi biết đâu, tôi vọng tưởng – nhằm giúp quân bình tâm hồn Huế, vốn đầy ắp trong tôi. Biết đến bao giờ, Huế và miền Trung mới bước qua cõi cảm xúc ngập tràn để được vượt thoát. Tôi nhớ đến Pythagoras, một triết gia Hy lạp 2.500 năm trước, đã bắt buộc đệ tử phải học toán trước khi truyền dạy bí mật huyền nhiệm. Muốn tiến lên cõi tinh thần con người trước hết phải đi qua cõi lý tính. To be spiritual is to be rational. Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!..

….Sáng sớm tôi đi ra góc phố, co ro ngồi bên vỉa hè, trong cơn mưa lạnh, ăn tô bún Huế cay và nóng để mà cảm thức xứ Huế. Chắc là Huế còn lâu mới thay đổi – như tô bún giò rất nặng hương vị trong một buổi sáng mưa phùn, gió bấc ngập tràn ẩm ướt cả tuần nay, sẽ vẫn còn đó dưới gốc cây nơi từng góc phố. Với cơn mưa rét buốt này, với giọng nói, với thức ăn cay xé lưỡi này, chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an....]

Không hiểu vì sao mà tác giả Nguyễn Hữu Liêm nói rằng “Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!…. chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an..” Việt Nam hiện nay là một đất nước “Thanh Bình”. Người dân Huế cũng như người dân trên cả ba miền của đất nước đương nhiên được hưởng sự “Thanh Bình” đáng quý kia. Vậy tại sao “Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!…. chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an..”???

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – theo lời tự giới thiệu của tác giả – đều là những người gốc Huế. Vậy có lẽ phải nhờ đến hai người này mới có thế lý giải vì sao mà “Chỉ có lý tính mới cứu Huế ra một lịch sử triền miên đầy cảm xúc – và khổ đau, Huế ạ!… chắc Huế sẽ còn nhiều gian truân lắm. “Oh the Truth that prunes and purges!”. Tôi mong Huế sẽ còn nhiều bình an..” Hoặc là phải nhờ đến ông Giáo sư Hà Văn Thịnh giải thích hộ thì may ra độc giả xa gần của BVN có có thể mở rộng tầm mắt.

Cách đây cũng chừng hơn một năm, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi cũng tình cờ đọc một bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Liêm đăng trên mạng talawas. Hai tác giả đều trùng tên, trùng họ, và trùng cả chữ lót là Nguyễn Hữu Liêm. Văn phong của bài viết đăng trên talawas và bài viết đăng trên BVN cũng có phần giống nhau. Vì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thấy cả hai bài viết đều trích dẫn Triết học, hay dẫn ý của của những Triết gia nổi tiếng của thế giới để đưa người đọc vào cõi uyên thâm của Triết học.

Chỉ có khác một điều là tác giả Nguyễn Hữu Liêm của bài viết đăng trên talawas thì có được “Một nỗi Bình an” ở Hà Nội giữa Đại hội Việt kiều. Còn tác giả Nguyễn Hữu Liêm của bài viết đăng trên BVN ngày hôm qua thì lại thấy cần tìm “Tự Do và Giải Thoát” nơi bãi biển Lăng Cô cũng như thấy được “Cái đất nước và con người miền Trung này, họ còn thô sơ lắm, với tâm thức còn dính quá sâu trong cõi thấp vật thể”!

LCLG

(1) http://www.boxitvn.net/bai/16988

(2) http://www.talawas.org/?p=14276

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét