GS Lê Song
17.02.2011
Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy các nền kinh tế “thần kỳ” ở châu Á đã được phục hồi trong thời kỳ sau khủng hoảng tài chính, mặc dù Hoa Kỳ và châu Âu vẫn đang trải qua tình trạng tăng trưởng yếu kém. Những nền kinh tế “thần kỳ” mới của Malaysia, Indonesia và Thái Lan (được gọi chung là MIT) cho thấy rằng những quốc gia không phát triển trong một thế hệ có thể lại tạo được những hình thái hiện đại của Khổng giáo, Hồi giáo và Phật giáo.
Vòng tuần hoàn mới trong tăng trưởng kinh tế của những con hổ Đông nam Á đã được đi chung với chính sách tự do kinh tế và chính trị, và đã đem đến một mức sống tương đối cao.
Liệu chủ nghĩa tư bản nhà nước Việt Nam sẽ chuyển hoá và đi theo quỹ đạo của các quốc gia MIT? hay liệu Việt Nam cộng sản vẫn tiếp tục con đường cách mạng của mình với “chủ nghĩa tư bản nhà nước” để tối đa hoá cơ hội sống còn của mình?
Trên bề mặt, Việt Nam dường như đang nằm trong quỹ đạo của MIT – gần đây đã trở thành một quốc gia với mức thu nhập trung bình với tỉ lệ Tổng thu nhập nội địa (GDP) bình quân mỗi đầu người là 1.160 đô la. Dự tính mức tăng trưởng GDP của quốc gia này (6,8%) chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Một năm trước đây, Ian Bremmer, người cho rằng mối đe doạ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu là sự đi lên của “chủ nghĩa tư bản nhà nước” chứ không phải là khủng hoảng tài chính, đã nói rằng viễn cảnh của Việt Nam “chưa bao giờ sáng lạn hơn.” Bởi vì Việt Nam có một tiềm năng tăng trưởng khổng lồ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã chấp nhận những rủi ro mặc dù đa số cũng đều có sẵn chiến lược thoái bộ.
Vậy thật sự những mặt mạnh và mặt yếu của chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Việt Nam là gì?
Lợi thế tương đối mạnh của chủ nghĩa tư bản nhà nước Việt Nam là tài nguyên địa chính trị của mình. Việt Nam vẫn là điểm sáng tập trung của sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang quay lại trong khu vực (bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga). Quốc gia này có lợi thế địa chính trị để trở thành trung tâm chủ yếu mới của Đông nam Á và có một số quyền “đồng kiểm soát” trong vùng biển Nam Hải, vốn có tiềm năng lớn về mỏ dầu dự trữ.
Mặc dù tài nguyên địa chính trị đang tạo ra những thách thức lớn đối với chủ quyền quốc gia, từ năm 1986, Việt Nam cũng đã bảo vệ nó một cách thành công.
Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 1997, nền kinh tế xuất khẩu và địa chính trị của Việt Nam đã chuyển hướng rõ rệt đến Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Âu. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008, Việt Nam đã quay lại với ASEAN và Trung Quốc, với tỉ lệ xuất khẩu đến các nước này chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2007. Họ cũng đã nương tựa vào lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc để giữ vững tốc độ đang tăng của đầu tư nước ngoài trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá kỹ thuật thấp với giá rẻ. Chiến lược này có thể thực sự bảo đảm sự hồi phục kinh tế “hình chữ V” của Việt Nam với tỉ lệ tăng trưởng GDP trong mức 6,5 đến 6,7 trong những năm tới.
Những nhận định gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Khu vực và Chính sách Đối ngoại của chính phủ cho thấy rằng ưu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn liên quan đến những tính toán về sự đi lên của Trung Quốc và “cuộc cách mạng hoà bình” trong mục đích lâu dài của họ đối với Việt Nam. Và trong ngữ cảnh của cơn khủng hoảng tài chính, giới lãnh đạo đảng ở Việt Nam đang tìm cách “phục hồi” quan hệ của mình đối với Trung Quốc.
Các chuyên gia từ các học viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc cũng trông đợi tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tân Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang vừa được bầu lên tại Đại hội Đảng toàn quốc vào tháng Giêng, sẽ nâng cao quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Sự đi lên hay sụp đổ của chủ nghĩa tư bản nhà nước Việt Nam sẽ đa phần tuỳ thuộc vào khả năng của chính quyền trong việc tận dụng toàn bộ tài nguyên địa chính trị của mình.
Vì chủ nghĩa tư bản nhà nước phục vụ quyền lợi của những kẻ đang nắm quyền, lịch trình của giới lãnh đạo Việt Nam không nhằm để tăng cường tối đa chất lượng và năng suất của lực lượng lao động của quốc gia. Thay vì thế, nó chỉ nhằm đạt được một mối quân bình để một mặt cho phép chính quyền Việt Nam giữ vững quyền lực chiều dọc và chiều ngang trong xã hội và mặt khác giữ nguyên quá trình phát triển kinh tế.
Ở mặt này, giới lãnh đạo đã không đạt được mục đích. Tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam đã chưa bao giờ được quân bình và vẫn dựa dẫm vào nợ tín dụng của chính phủ. Một phần lớn của quỹ tài chính nhà nước được dùng cho những công ty quốc doanh, một số đã đến bờ vực phá sản vào năm ngoái. Việt Nam dẫn đầu khu vực với tỉ lệ lạm phát cao nhất, một ngân sách bị cạn kiệt, nạn nhập siêu, đồng nội tệ và điểm tín dụng quốc gia thấp nhất trong khu vực từ 2009-10.
Việc chuyển hướng vào Trung Quốc có thể sẽ không làm yếu đi “quan hệ bắc-nam” vốn thường định hình quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình châu Á duy nhất có tỉ lệ nhập siêu trầm trọng với Trung Quốc. Trung Quốc cho đến này là một nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất ở Việt Nam và điều này về lâu dài có thể giới hạn nền kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.
“Chiến lược phát triển xã hội – kinh tế” cho giai đoạn 2011-2020 gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị chỉ trích vì không thể chế ngự được nạn tham nhũng và lạm phát.
Thừa nhận sự suy yếu của những điều kiện vĩ mô, chiến lược của thủ tướng đã kêu gọi các công ty quốc doanh đa dạng hoá quyền sở hữu và phải chịu sự điều chỉnh của thị trường để các công ty nhà nước này không chi dụng nguồn tài nguyên đang cần cho quá trình phát triển đất nước. Nó cũng khuyến khích quá trình “dân chủ trực tiếp” trong đó công dân có cơ hội nghiên cứu và xây dựng một xã hội trên nền tảng kiến thức dưới sự hướng dẫn của Đảng.
Những cải cách này cho thấy Đảng Cộng sản có thể đang nghĩ đến “cuộc cách mạng dân chủ” (với giới lãnh đạo của đảng phải trải qua những dạng thức bầu cử công khai và khả năng chủ thuyết Marxist Leninist có thể bị loại bỏ) để có được một tầng lớp “lãnh đạo đúng đắn” khi thời gian cho phép.
Về vấn đền “thay đổi thế hệ”, các nhà lãnh đạo Đảng lại chuộng phương hướng cẩn trọng hơn là tốc độ, như học giả David Koh lưu ý. Trong quá khứ, cần phải có biện pháp làm chậm kinh tế “hình chữ L”, như đã dùng để đưa đến quá trình đổi mới kinh tế vào năm 1986. Có lẽ chỉ có một bùng nổ và suy sụp kinh tế “hình chữ W” mới có thể thúc đẩy đổi mới chủ nghĩa tư bản nhà nước của Việt Nam và đưa nó vào quỹ đạo của các quốc gia MIT.
Lê S. Long là Giáo sư và Giám đốc chương trình Sáng kiến Quốc tế về Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Houston.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét