TT - Hàng ngàn chỗ làm được các doanh nghiệp tại TP.HCM rao tuyển rầm rộ nhưng vẫn chưa tuyển được bao nhiêu người. Trong khi nhiều lao động vẫn đang đôn đáo tìm việc.
Một lao động trẻ chọn việc trước các thông tin tuyển dụng của chương trình “Tiếp sức người lao động” ở bến xe miền Đông. Ngoài lương họ cần các ưu đãi khác như nhà ở, bữa ăn trưa... - Ảnh: Mai Vinh
Mức lương chưa xứng đáng, các chế độ về nhà ở và các ưu đãi khác chưa tốt là điều khiến người lao động trù trừ, không nhận việc.
Năm 2011: TP.HCM cần 265.000 lao động
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết trong năm 2011 TP.HCM cần tuyển khoảng 265.000 lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm khoảng 45%, lao động trình độ cao đẳng-đại học là 20% và 35% lao động từ trung cấp nghề trở xuống. Các nhóm ngành nghề có nhu cầu cao là dệt may - da giày, cơ khí, điện-điện tử, chế biến thực phẩm, tài chính-ngân hàng, trang trí nội thất, mộc-mỹ nghệ, xây dựng-kiến trúc, quản lý điều hành, nhân sự... Các công việc có tính thời vụ như vệ sinh công nghiệp, giúp việc gia đình, bán hàng... cũng được dự báo tăng mạnh trong năm nay.
Đỏ mắt tìm lao động!
Ông Nguyễn Văn Toàn, phụ trách nhân sự của Công ty bảo vệ Thanh Bình Phú Mỹ, cho biết nơi đây tuyển lao động không giới hạn nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được bao nhiêu. Ông Kan Quốc Long thuộc bộ phận nhân sự của Công ty mua sắm Hạnh Phúc cho hay công ty này đang mở rộng kinh doanh, đăng tuyển 100 nhân viên bán hàng qua điện thoại, 50 nhân viên bán hàng ở cửa hiệu nhưng mới tuyển được gần 20 người.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng số lượng lao động đăng ký vào làm chưa được bao nhiêu. Cụ thể, các công ty như Sợi Thế Kỷ (Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi), Thực phẩm Asuzac (KCX Tân Thuận), Bảo vệ Thanh Bình Phú Mỹ (Q.Gò Vấp), Tosadenshi VN (KCN Tân Bình), Nidec Copal Precision VN (Khu công nghệ cao Q.9), Mua sắm Hạnh Phúc (Q.Bình Thạnh), Vòng Tròn Đỏ (Q.4), Nhựa Dương Gia (huyện Hóc Môn) mỗi nơi rao tuyển 100-500 công nhân sản xuất, giám sát, nhân viên bán hàng, bảo vệ... nhưng số lượng người đăng ký vào làm vẫn còn rất thấp.
Theo khảo sát của chúng tôi, tổng thu nhập mà người lao động nhận được hằng tháng khi vào làm chính thức tại các công ty trên gần 2-5 triệu đồng.
Một số công ty như Sợi Thế Kỷ đưa ra các chế độ đãi ngộ cho người lao động khá hấp dẫn như miễn phí nhà trọ, cơm giữa ca 12.000 đồng/phần, đóng bảo hiểm, làm việc tốt được xem xét bổ nhiệm lên vị trí quản lý với thu nhập tăng thêm, thưởng riêng theo chế độ của công ty... Vậy mà vẫn không tuyển đủ người.
Đắn đo chọn mặt gửi vàng
Anh Nguyễn Minh Luân (quê An Giang) đến TP.HCM tìm việc từ sau tết. Anh Luân muốn tìm một công việc lao động phổ thông với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng, bao ăn ở nhưng vẫn chưa có nơi nào ưng ý. “Nhiều nơi đưa mức lương 2-3 triệu đồng/tháng nhưng như vậy rất khó dư vì phải thuê nhà trọ, điện nước, ăn uống”, anh tính.
Trong ngày 15-2, anh Luân chọn được công việc làm bảo vệ ở tỉnh Bình Dương với thu nhập 1,6 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Anh Luân chọn vì tính toán ở tỉnh chi phí rẻ hơn, mức lương đó sống được. Tuy nhiên anh vẫn chưa thấy hài lòng vì tính ra tiền công mỗi ngày chỉ hơn 50.000 đồng. “Tôi vẫn đang cố gắng tìm một việc khác tốt hơn” anh Luân nói.
Có hai tấm bằng chuyên ngành công nghệ sinh học ĐH Mở TP.HCM và sư phạm, chị Nguyễn Thị Khánh An (quê Tiền Giang) cho hay mấy hôm nay đi tìm một công việc phù hợp chuyên môn thì mức lương kiếm được chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. “Thu nhập như vậy không đủ sống ở TP.HCM”, chị An cho biết.
Chị An xin làm giáo viên ở một trường học với mức thu nhập cao hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng phải chờ đến ngày khai giảng năm học mới vào tháng 9 tới mới bắt đầu nhận việc. “Tôi đang làm hồ sơ tìm việc vài nơi khác thử xem tình hình ra sao”, chị cho biết.
Hiện mặt bằng mức lương chung đối với lao động phổ thông ở các ngành nghề như vệ sinh công nghiệp, nhân viên bảo vệ, công nhân sản xuất, tạp vụ, phụ quán... dao động 1,3-3 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này theo nhiều người đi tìm việc là quá thấp so với đời sống, khi giá cả thị trường tăng cao như hiện nay.
Ngoài nguyên nhân đầu năm lao động chưa trở lại thành phố thì theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, một nguyên nhân nữa do mức thu nhập quá thấp, dẫn đến việc doanh nghiệp khó tuyển lao động.
Ông Tuấn phân tích: “Việc làm không đủ nuôi sống bản thân thì không thể gọi là việc làm. Doanh nghiệp gia công, sản xuất theo đơn giá, có kế hoạch, họ cũng cố gắng cân đối để chăm lo cho công nhân nhưng giá cả thị trường tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên. Các doanh nghiệp lớn có khả năng đảm bảo đời sống cho công nhân chứ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chắc chắn gặp khó khăn. Tôi cho rằng lao động không thiếu nhưng họ không thể làm việc với thu nhập quá thấp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khi thiếu thì kêu gọi công nhân vào làm, lúc khó khăn đẩy họ ra, làm họ mất tin tưởng nên về lâu dài nơi đó khó tuyển người”.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng người lao động đơn giản chỉ muốn lo đủ chi phí cuộc sống nên vào thời điểm này nơi nào thuận tiện chỗ ở, đi lại, lương đảm bảo mức sống thì họ sẽ chọn vào làm. “Giải pháp cho tình hình hiện nay là các doanh nghiệp phải cải thiện mức lương, tăng năng suất lao động mới giải quyết được chuyện thiếu lao động” - ông Tuấn nói.
NGUYỄN NA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét