Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Sai phạm tại dự án đường cao tốc TP. HCM-Trung Lương

Posted by truongthondlb1


SGTT.VN – Dự án đường ôtô cao tốc TP. HCM – Trung Lương là dự án đường ô tô cao tốc đầu tiên, do các nhà thầu trong nước tự thiết kế, thi công, có vị trí đặc biệt quan trọng trong quy hoạch đường cao tốc TP. HCM – Cần Thơ. Hiệu quả của dự án đã được thấy rõ từ khi hoàn thành, thông xe từ ngày 3.2.2010 đến nay.

Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thanh tra mới kết thúc, quá trình xây dựng công trình có số vốn đầu tư khổng lồ này (9.884,5 tỷ đồng, đã điều chỉnh) đã để xảy ra một số sai phạm.


Thanh tra Chính phủ phát hiện ra nhiều sai phạm trong quá trình thi công đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Ảnh: Đ.L
Ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, theo đánh giá của cơ quan chức năng, chất lượng chuẩn bị đầu tư cho công trình này là thấp. Do cả phía tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm định không nghiên cứu kỹ lưỡng quá trình thiết kế và thẩm định, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (tổng vốn đầu tư ban đầu là 6.555 tỷ đồng).

Mặc dù việc điều chỉnh các hạng mục về biện pháp thi công, chỉ tiêu kỹ thuật… được một số bộ, ngành như Tài chính, Kế hoạch – đầu tư, Xây dựng thống nhất đề nghị Thủ tướng chấp thuận nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cơ quan này chưa làm rõ hiệu quả kinh tế của các hạng mục điều chỉnh. Điều này được cho là không đúng với quy định trong nghị định số 99/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư và xây dựng, làm tăng tổng mức đầu tư trên 673,7 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện đầu tư, theo Thanh tra Chính phủ, việc khảo sát địa chất đã không kỹ. Khi tính toán xử lý nền đất yếu của một số hạng mục, các đơn vị liên quan chưa cập nhật hết điều kiện địa chất bất thường dẫn đến kết quả tính toán không phù hợp với thực tế. Khi kiểm tra gói thầu số 7 và số 9, tại một số vị trí trên mặt cắt ngang, chiều dày của đệm cát thoát nước không đảm bảo quy định.

Ví dụ như gói thầu số 9 có chiều dày lớp đất yếu tới 26 m và có mạch nước ngầm nhưng việc khảo sát thiết kế kỹ thuật đã không phát hiện ra.

Cũng theo cơ quan thanh tra, sự thiếu tính đồng bộ và không đủ kích thước chiều cao của dải phân cách đối với đoạn tuyến cầu cạn dẫn đến không chống được vấn đề loá mắt của đèn pha ô tô chạy ngược chiều về ban đêm.

Một vấn đề đáng nói khác là ban quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận, đại diện chủ đầu tư đã không chấp thuận cho các nhà thầu khoan khảo sát địa chất trong bước vẽ thi công, theo Thanh tra Chính phủ là sai so với quy định trong thông tư số 06/2006/TT-BXD ban hành năm 2006 của bộ Xây dựng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng của dự án.

Trong quá trình thi công, xảy ra hiện tượng lún sụt và sụt trượt tại gói thầu số 7 và số 9, hiện tượng bục đáy trụ T3, cầu Bến Lức của gói thầu số 3 là có nguyên nhân phần nào từ lỗi trên của ban quản lý dự án Mỹ Thuận. Cho đến thời điểm kết thúc cuộc thanh tra (12.2010), một số gói thầu vẫn còn lún khi đưa vào khai thác, sử dụng và người ta vẫn còn phải bù lún bằng bê tông nhựa, hạt mịn.

Một điều “lạ” là công trình được mua bảo hiểm nhưng đến thời điểm thanh tra, BQLDA Mỹ Thuận vẫn chưa làm đủ thủ tục để yêu cầu hãng bảo hiểm AAA thực hiện bồi thường theo hợp đồng.


Nhiều đoạn đường bị sụt, lún trượt khi đưa vào sử dụng. Ảnh: M.L
Đáng chú ý, trong khâu nghiệm thu, thanh quyết toán, BQLDA Mỹ Thuận đã nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu khi chưa đủ cơ sở, có chỗ sai về khối lượng, định mức, đơn giá với số tiền trên 32,7 tỷ dồng. Tại thời điểm kết thúc thanh tra, BQLDA đã thu hồi trên 11 tỷ đồng, bổ sung thủ tục thanh toán khoản tiền trên 6 tỷ đồng nhưng còn lại số tiền hơn 15,57 tỷ đồng, ban này vẫn chưa thực hiện thu hồi.

Một chi tiết đáng lưu ý khác là 4 bộ: Giao thông – Vận tải, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Xây dựng thống nhất cho phép BQLDA Mỹ Thuận áp dụng tỷ lệ tiết kiệm 2% trong khi còn có những ý kiến khác nhau xác định thời gian hoàn thành dự án (nếu chưa hoàn thành, chỉ được áp dụng tỷ lệ 5%) và nhờ đó đã thanh toán thêm cho các nhà thầu số tiền trên 209 tỷ đồng. Nhưng các cơ quan này đã không báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Được biết, cho đến nay, cuộc thanh tra đã kết thúc, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo kết quả cuộc thanh tra lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị nhiều vấn đề như yêu cầu bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo thu hồi của các nhà thầu khi quyết toán số tiền trên 15,57 tỷ đồng; giải trình việc áp dụng tỷ lệ tiết kiệm dự án; giao cho các bộ, ngành liên quan kiểm điểm các cá nhân, tập thể liên quan đến các sai phạm…

Về phía bộ Giao thông – Vận tải cũng có những điều chưa thống nhất với kết luận thanh tra.

Mạnh Quân

http://sgtt.com.vn/Kien-truc-doi-song/Chi-tiet/137197/Sai-pham-tai-du-an-duong-cao-toc-TP-HCM-Trung-Luong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét