Tác giả: NGUYỄN TUYẾN (THEO FINANCIAL TIMES)
Chính quyền Trung Quốc ở nhiều tỉnh thành lớn lại đồng loạt tăng lương tối thiểu. Liệu làn sóng mới này có dẫn tới một làn sóng chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc, tạo cơ hội cho những nước láng giềng như Việt Nam?
Hàn Chính, thị trưởng thành phố Thượng Hải vừa mang đến một sự ngạc nhiên dễ chịu đến cho người lao động trong thành phố: mức lương tối thiểu của họ sẽ tăng hơn 10% trong tháng Tư.
Không ai sẽ trở nên giàu có với mức lương mới lên tới khoảng 1.232 nhân dân tệ (187 USD) một tháng. Nhưng tuyên bố của ông Hàn là một phần trong xu hướng đang lên tại quốc gia tỉ dân. Các quan chức Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn việc lặp lại những vụ nổi loạn như năm ngoái, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và gia tăng có thể gây ra thêm bức xúc đòi tăng lương của nhân công.
Không còn là thiên đường nhân công rẻ...
Trước tình trạng nổ ra vô số những cuộc tranh cãi về tiền lương từ giữa tháng 5 và tháng 8, những người sử dụng lao động đã phải đối mặt với một số cuộc đình công, ví dụ công ty con của Honda và một số nhà cung cấp Nhật Bản đặt tại Trung Quốc như Omron.
Kết quả là một làn sóng tăng lương, đáng chú ý là mức tăng 30% tại Foxconn, nhà sản xuất sản phẩm điện tử iPad cho Apple của Đài Loan, sau một loạt các vụ tự sát thu hút sự chú ý tới điều kiện làm việc của nhân công.
Không chỉ riêng Thượng Hải hành động sớm để ngăn chặn sự bất ổn thêm trong năm nay. Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng tăng mức lương tối thiểu 21% vào tháng Một và Quảng Đông, một tỉnh phía nam cũng đang xem xét việc tăng lương.
Việc Trung Quốc đồng loạt tăng lượng có thể khơi mào lại những tranh luận về việc liệu điều đó có thúc đẩy các công ty chuyển đổi sản xuất sang các khu vực khác ở Châu Á hay không? Rất nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh nghĩ rằng họ có thể làm như vậy.
Matt Rubel, giám đốc điều hành của Collective Brands, tập đoàn sản xuất giày dép Mỹ sở hữu chuỗi cửa hàng giày dép Payless, đang chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á.
Ông Rubel nói: "Trung Quốc từng là thiên đường gia công với chất lượng và giá thấp... nhưng thiên đường không bao giờ vĩnh cửu".
Harry Lee, giám đốc điều hành của Tal Apparel, một nhà sản xuất may mặc Hong Kong cũng có quan điểm tương tự.
"5 năm trước, nếu bạn hỏi tôi nơi nào tốt nhất để lập một nhà máy thì trước tiên là Trung Quốc, thứ hai là Trung Quốc và thứ ba cũng là Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện ngày nay đã khác rồi".
... nhưng sẽ vẫn là công xưởng của thế giới?
Tuy nhiên, cũng có sự hoài nghi đáng kể về những tác động lâu dài của Trung Quốc với vai trò là trung tâm sản xuất của Châu Á.
Chi phí lao động gia tăng tại Trung Quốc không phải là một hiện tượng mới. Các nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy rằng tiền lương tại Trung Quốc đã tăng nhanh hơn các nước Châu Á còn lại ít nhất một thập kỷ.
Theo ILO, công nhân Trung Quốc được tăng lương thực tế trung bình 12,6% / năm từ năm 2000 đến 2009 so với 1,5% tại Indonesia và không tăng tại Thái Lan.
Ở mức khoảng 400 USD một tháng, công nhân Trung Quốc đang có mức lương cao hơn gấp 3 lần so với công nhân tại Indonesia, và 5 lần tại Việt Nam mặc dù vẫn được coi là rẻ hơn so với tại Đài Loan và Malaysia.
Tuy nhiên, tính toán đơn giản đó lại không tính đến những thay đổi trong năng suất tương ứng. Stephen Roach, chủ tịch của Morgan Stanley Asia cho biết các dữ liệu của ngân hàng thế giới cho thấy rằng tăng trưởng năng suất lao động trong sản xuất tại Trung Quốc từ dao động từ 10 đến 15% /năm kể từ năm 1990.
Mức tăng trưởng trung bình gần bằng mức tăng lương thực tế hàng năm trong thập kỷ qua cho thấy chi phí lao động thực ra tăng rất ít.
Accenture, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu kết luận trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai rằng tăng lương tối thiểu 30% sẽ chỉ giảm lợi nhuận từ 1 đến 5% đối với những công ty có cơ sở sản xuất lớn đặt tại Trung Quốc.
Đáng chú ý là phần lớn những thảo luận về việc chuyển sản xuất liên quan tới các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhưng lợi nhuận thấp như sản xuất giày da và may mặc tới Việt Nam, Bangladesh, Camphuchia.
Tuy nhiên lại có rất ít thảo luận liên quan tới việc di chuyển các ngành sản xuất phức tạp hơn như chip silicon và màn hình phẳng mà lao động chỉ chiếm khoảng 2-3% chi phí.
Thực tế, Intel, nhà sản xuất chip Mỹ gần đây đã mở một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam. Hon Hai và Compal, các nhà sản xuất thiết bị Đài Loan cũng thành lập các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia về sản xuất nghi ngờ việc các công ty công nghệ cao dự định bỏ rơi Trung Quốc. Nguyên nhân là nhiều trong số họ phụ thuộc vào các nhà cung cấp đặt nhà máy tại tổ hợp công nghệ rộng lớn miền Nam Trung Quốc, ngay sát cạnh các công ty vốn là khách hàng của họ.
Bhavtosh Vajpayee, người đứng đầu ban nghiên cứu công nghệ tại công ty đầu tư và môi giới CLSA, Hồng Kong nói: "Các công ty công nghệ cao này không thể chuyển đổi phẩn lớn sản xuất của họ đến các nước Châu Á, các nước này không có các kỹ năng và cơ sở hạ tầng cần thiết. Điều đó không thể thực hiện được".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét