Tác giả: THU HẰNG (THEO WSJ)
Những suy nghĩ dưới đây có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, khi chính những người dân Trung Quốc lại không hề cảm thấy thú vị việc GDP của nước này vượt qua Nhật Bản.
Thậm chí, một số người còn thấy tức giận, vì theo họ, để có được GDP mạnh như vậy, Trung Quốc đã tốn không ít "gạo tiền" vào hệ thống đường sắt cao tốc, công nghiệp sản xuất ôtô khiến nhiều đường phố trở nên chật cứng xe cộ và ô nhiễm mù trời.
Theo ông Lý Ngạn Hoằng, 42 tuổi, Giám đốc điều hành mạng tìm kiếm Baidu: "Từ khi cải cách mở cửa tới nay đã hơn 30 năm, trải qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ, kinh tế trung Quốc đã nhanh chóng trưởng thành, được cả thế giới chú ý".
Tuy nhiên, ông cho biết, có một sự thực không thể phủ nhận, Trung Quốc vẫn chưa có được một công ty có sức ảnh hưởng quốc tế thực sự, tương xứng với thực lực của nó. Đây rõ ràng là một hiện tượng bất bình thường.
Chỉ cần nói tới hãng máy tính IBM hay tập đoàn điện GE của Mỹ, hoặc hãng điện tử Sony, công ty ôtô Toyota của Nhật, hay Samsung, Hyundai của Hàn Quốc, người ta đã rất dễ hình dung ra những công ty này có sức ảnh hưởng toàn cầu như thế nào.
Anh nông dân Tôn Quyền, 40 tuổi, đến từ Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, thẳng thắn: "Tôi không rõ việc này, trước giờ chưa từng nghe nói đến. Ở đây, chúng tôi không có tivi, điện thoại. Bóng đèn và dây điện là những đồ điện duy nhất mà chúng tôi có. Chúng tôi không thấy tự hào. Là nông dân, chúng tôi không cảm nhận được sự phát triển kinh tế Trung Quốc mạnh cỡ nào".
Anh Quyền khẳng định, những năm gần đây, mức sống của nông dân đích thực đã được nâng lên, nhiều người bắt đầu xây dựng sửa chữa nhà cửa, hoặc cho con tiền đi học, nhưng mức sống của nông dân Trung Quốc không thể nào vượt Nhật Bản.
Nông dân hiện kiếm tiền nhiều hơn trước, nhưng vật giá lại quá cao, chi phí cũng nhiều hơn. Ngay nửa cân tỏi, gừng cũng mất tới 10 Nhân dân tệ (khoảng 30.000 đồng).
"Mười mấy năm trước, mỗi năm, tôi có thể kiếm được 7 - 8.000 Nhân dân tệ, nhưng tôi có thể tiết kiệm hơn một nửa. Hiện, tôi kiếm được gần 30.000 Nhân dân tệ mỗi năm, nhưng tiết kiệm không được 1/3", anh Quyền tâm sự.
Với Mạnh Chiêu Hải, 52 tuổi, đến từ Bắc Kinh, "tuy nói GDP vượt qua Nhật Bản, nhưng mức sống trung bình của người Trung Quốc còn kém xa Nhật Bản, huống hồ là so với Mỹ".
Theo ông này, sức ảnh hưởng của Trung Quốc chưa lớn đến thế. Đúng vậy, sức ảnh hưởng đã mạnh hơn, nhưng chỉ với khu vực xung quanh. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc còn kém xa Mỹ, cho dù Trung Quốc muốn phát huy tác dụng lớn hơn trên thế giới, thì vẫn phải xem Mỹ quyết định như thế nào. Nếu Mỹ muốn, thì Trung Quốc mới phát huy vai trò được.
Ông Hải kể: "Mức sống của người Trung Quốc, nói chung đã cao hơn so với trước đây, nhưng đối với gia đình tôi thì không lớn, thì tăng trưởng thu nhập của tôi không theo kịp giá cả thị trưởng. Tiền lương của tôi trong 3 năm qua tăng khoảng 20%, nhưng giá cả leo tháng khiến tôi cảm thấy túng bấn".
Đến từ Chiết Giang, anh Tiêu Cương 27 tuổi, nhân viên quản lý công ty đầu tư, cho rằng, cùng với sự phát triển nhanh chóng, Trung Quốc cũng xuất hiện rất nhiều vấn đề, ví dụ giá nhà cao trở thành gánh nặng rất lớn đối với thế hệ trẻ. Vật giá cũng tăng kinh khủng, lương không theo kịp.
Còn theo bác Trịnh Mạo Hoa, viên chức đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh, hiện nhiều địa phương dùng con số để báo cáo thành tích. "lịch sử "đại nhảy vọt" chẳng phải cũng là như vậy hay sao? Có thể có người cảm thấy thích thú đối với vấn đề này, nhưng tôi thì không", bác nói.
Ân Kiện Bình, đầu bếp một trường đại học, cho hay: "Tôi chẳng cảm thấy điều này có gì đáng phải kiêu ngạo. Người Mỹ có lý do để mà tự hào, tôi nghe nói dân số người ta có hai trăm triệu. Rất nhiều số liệu ở đất nước chúng tôi là giả, đều là làm ra để đưa cho người khác xem".
Còn anh Văn Lạc, giám đốc một công ty địa ốc tư nhân ở Bắc Kinh, thì: "Vì cái GDP này, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền xây đường sắt cao tốc, mở rộng sản xuất ôtô, hiện tại là thủy lợi. Kết quả là thành phố của chúng tôi đâu cũng là xe cộ,... những điều này đương nhiên đều khiến chất lượng cuộc sống của chúng tôi bị giảm sút".
Không chỉ những người dân Trung Quốc ở trong nước mới có phản ứng "kỳ cục" như vậy. Các sinh viên Trung Quốc đang du học ở Nhật Bản cũng cho rằng, thang giá trị GDP vốn chẳng mang lại khoảnh khắc chiến thắng với Trung Quốc, cũng không hề tạo cảm giác giai đoạn tồi tệ đối với Nhật Bản.
“Cho dù Nhật Bản xuống vị trí số 3 và Trung Quốc vượt lên số 2, tôi vẫn cho rằng, GDP không phải là đích tới. GDP chỉ là một công cụ đánh giá mức độ phát triển kinh tế mà thôi”, Tạ Chí Hải, sinh viên 28 tuổi đang học trường Waseda ở Tokyo cho hay.
“Thước đo chuẩn mực”, theo anh Hải, “là liệu mọi người có cảm thấy cuộc sống dễ chịu hay không. Ở Nhật Bản, tôi có thể cảm nhận được điều đó”. Anh Hải khẳng định, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chỉ bằng 1/10 của Nhật Bản.
Việc Trung Quốc đang tăng trưởng bùng nổ là không thể phủ nhận. Các thành phố ngày được mở rộng và hiện đại hóa, sức mạnh chính trị của Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh, nhưng ngược lại nước này cũng đối mặt với vô số vấn đề phải lấp khoảng trống, như tình trạng đói nghèo ở nông thôn, nạn ô nhiễm môi trường, thiếu hạ tầng cơ sở ở nhiều vùng…
Lý An Minh, một sinh viên Trung Quốc đang học ở Tokyo cho hay, “tôi không nghĩ Nhật Bản đang suy yếu, mà chỉ đứng nguyên ở chỗ cũ, nên khi so với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc, người ta có cảm giác Nhật Bản đang lùi”.
“Nhưng Nhật Bản vẫn có nhiều điểm mạnh như công nghệ, và Trung Quốc không dễ san lấp khoảng trống này”, anh nói thêm.
Đó chính là lý do vì sao sinh viên Trung Quốc tiếp tục đổ xô sang Nhật Bản du học. Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các du học sinh nước ngoài ở Nhật Bản. Năm 2010, có hơn 86.000 sinh viên đến từ Trung Quốc, tăng 9% so với năm trước đó
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét