Cái ngày 16-3-1968 bi thương ấy đã cướp đi của 3 chị em tôi, dường như tất cả cuộc sống, tuổi thơ hồn nhiên, người mẹ kính yêu, người chị và đứa em hiền từ…
Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi
(tiếp theo kỳ trước)
.... Quãng đời của 3 chị em tôi sau ngày thảm sát ấy thật gian lao cùng cực, về sống với bà ngoại già yếu neo đơn, thiếu thốn đủ bề, đói khát, gian truân, bên cạnh bị chính quyền ngụy tra hỏi và luôn gây khó khăn vì liệt vào gia đình cộng sản cần phải theo dõi. Công việc mưu sinh của 3 chị em chúng tôi hơn 20 năm có khác gì cuộc sống của những kẻ lỡ vận ăn xin, với cảnh màn trời chiếu đất.
Vì nhớ mẹ, đôi lúc muốn vào nhà chứng tích để xem hình mẹ, nhưng trong túi không có tiền mua vé vào cổng đành thôi.
Dần lớn lên, tôi vào nhà chứng tích thường xuyên hơn. Cứ mỗi lần về Tháp Canh thắp nhang cho mồ mẹ, chị Hồng và em Huệ, tôi đều có ý kiến khiếu nại với ban lãnh đạo nhà chứng tích về những thông tin sai lệch về mẹ tôi cũng như tên tuổi trên bia. Họ đón nhận tôi và những thông tin của tôi với thái độ như một kẻ nhà giàu vô tâm, khó chịu,.....
Trần Thị Hà, cô em gái được Đức ôm dìu đi trong bức ảnh lịch sử sáng 16-3-1968
Vì một vài lý do khách quan nên tôi viết những dòng hồi ký này. Đôi lúc nó cũng là thông điệp đến tay một vài người trong số 130 lính Mỹ và những "lãnh đạo, chỉ huy“ của những Ernnest Medina, William Calley, Oran K Henderson, Samuel W Koster, Eugene kotouc... mà 4 tiếng đồng hồ sáng ngày 16-3-1968 đã từng xả súng sát hại 504 dân lành vô tội quê tôi, gây nên bao thảm cảnh tang thương cho gia đình của họ, bao đứa trẻ mồ côi phải gánh chịu một cuộc đời bất hạnh, bao người già không còn nơi nương tựa, sự hệ lụy thương tâm và tàn khốc ...
Vậy mà gần 42 năm rồi, họ vẫn lẩn tránh, chưa lần nào trở lại làng hồng Pinkville, họ vẫn lẩn tránh chính họ và những gì tang thương nhất mà họ đã gây ra.... Nhưng chắc rằng họ sẽ phải nói với con cháu họ nếu hiện đang trong quân ngũ rằng: đừng bao giờ lập lại “vụ thảm sát Mỹ Lai“ ở bất cứ nơi nào trên quả đất này.
Và tôi muốn nói với các tòa báo rằng, khi cử phóng viên của mình về Mỹ Lai sưu tầm thông tin để viết, nên cố cho thêm tiền lộ phí, để phóng viên của mình cố gắng đi xa hơn, có thể chỉ thêm 800 mét nữa thôi, nhưng sẽ đến được bao gia đình nạn nhân, bao nhân chứng của cái ngày bi thương 16-3-1968 đó. Được như thế, sẽ thấy pinkville không chỉ toàn màu xanh của cuộc sống mới, mà vẫn còn đó những vệt lốm đốm, những chấm màu hồng, những cuộc đời bi thương hệ lụy.
Việt Nam và quốc tế, hàng ngàn, hàng triệu nhà báo, các đoàn làm phim, thậm chí Pinkville và Oliver Stone cũng chỉ làm việc với ban lãnh đạo nhà chứng tích hoặc thông dịch viên, mà bao người đó họ có đồng cảm và đại diện cho chúng tôi đâu?
... Bức tường nhà chứng tích không cao lắm, nhưng nó đủ ngăn cách 2 bề mặt của cuộc đời, đáng thương thay số phận nghiệt ngã và cuộc đời bất hạnh của bao con người còn sống sót....
Qua đây, tôi xin cám ơn ông Ronald L Haeberle. Ông đã chụp được tấm hình mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Tẩu, cho dù dân Sơn Mỹ vẫn còn trăn trở rất nhiều về những tấm hình của ông, như 2 tấm hình của 4 đứa bé này, 2 đứa bé nào bị lính Mỹ bắn tan xác sau khi ông chụp hình? Tấm hình màu ông chụp 2 đứa bé nằm trên đường, có phải ông chụp từ trên trực thăng? Hai đứa trẻ ôm nhau dìu lết đi trên bờ ruộng đó chính là anh em tôi đấy. Sau đó không lâu ông vẫn dùng máy này chụp hình bà Nguyễn Thị Tẩu? Người đàn bà chết miệng còn ngậm chiếc nón lá kia chính là mẹ tôi đấy.
... Thực tế không có những tấm hình của ông, vụ thảm sát Sơn Mỹ sáng ngày 16-3-1968 ấy khó có thể làm sáng tỏ được, cho dù Hugh Thompson, Larry Colburn, Ron Ridenhour, Seymour Hersh và William R. Peers có cố gắng đến đâu, nhưng thiếu bao tấm hình tang thương kia thì chính phủ Mỹ vẫn không chấp nhận đó là vụ thảm sát “Massacre“.
Tôi -Trần Văn Đức, nạn nhân còn sống sót ở Mỹ Lai sáng ngày 16-3-1968, xin đại diện cho một số bà con còn sống sót ở Mỹ Lai mà tôi được phép thay mặt, gửi tới ông lời cám ơn chân thành nhất, mãi mãi tri ân và xin chúc ông cùng gia đình dồi dào sức khỏe, vạn an.... !
,
- Bức ảnh màu của Ronald Haeberle chụp sáng 16-3-1968, theo Đức 2 đứa trẻ trong bức ảnh này không phải là Trương Bốn và Trương Năm, mà chính là Đức và đứa em gái Trần Thị Hà của mình.
- Còn bức ảnh trắng đen của Ronald Haeberle chụp sáng 16-3-1968 do Đức tìm sưu tầm được từ tạp chí CBS, BBC và đã gửi về nhà chứng tích Sơn Mỹ tháng 8. 2009. 2 em bé trên bức ảnh này là Trương Bốn và Trương Thị Bảy, con ông Trương Nhị, bị bắn sau vài giây khi Ronald chụp xong tấm hình này. Gia đình 2 em có 5 người bị giặc Mỹ bắn chết: cha Trương Nhị, 4 người con Trương Bốn, Trương Năm, Trương Thị Sáu, Trương Thị Bảy.
Germany- Remscheid 2009
Trần Văn Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét