Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Khi Trung Quốc du nhập chủ nghĩa tư bản

Phan Huy Đường

Trong bài Một cuộc tranh luận hão, tôi không bàn tới Trung Quốc vì sợ "lạc đề". Hoặc làm loãng vấn đề được đưa ra tranh luận. Tôi chỉ ghi chú vài lời sau:

Riêng ở các nước "đang nổi", tình hình có khác. Họ mới bước vào giai đoạn các công ty tư bản thổ dân hình thành và lớn mạnh dưới sự che chở và giúp đỡ của nhà nước, với vài ưu thế nằm dưới quyền cai quản của nhà nước: kho lao động rẻ tiền, nguyên vật liệu, e tutti quanti.

Ngày nay, chẳng thể không quan tâm tới anh Trung Quốc vừa mới leo lên vị thế cường quốc thứ nhì về mặt kinh tế và, không lâu nữa, sẽ trở thành cường quốc loại đầu sỏ về mặt quân sự. Thôi thì lạm bàn vậy.

Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc "du nhập" chủ nghĩa Cộng Sản và khai sinh ra Tư tưởng Mao Trạch Đông mà không ít người cộng sản Việt Nam đã từng tôn thờ với những hậu quả khủng khiếp ai cũng biết tuy chẳng ai biết "hết" được: Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, Chống xét lại, học tập cải tạo, e tutti quanti.

Đầu thập niên 80, Đặng Tiểu Bình nắm chính quyền ở Trung Quốc, "du nhập" chủ nghĩa tư bản vào Trung Quốc, biến nó thành điều có người gọi là "Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", mở đường cho Trung Quốc tiến tới vị trí hôm nay trên thế giới.

Khi chủ nghĩa cộng sản "du nhập" Trung Quốc nó bèn mang màu sắc Trung Quốc ; khi chủ nghĩa tư bản "du nhập" Trung Quốc, cũng vậy1. Vì sao thành công? trong việc gì? Vì sao thất bại? Hôm nay thế nào? Thật đáng suy ngẫm một tí.

Khi Mao "du nhập" học thuyết mácxít, ông đã học được một kiến thức cơ bản đúng: phân tích mâu thuẫn nội tại của chế độ tư bản và hình thái đế quốc của nó, vạch ra đường lối chống lại nó. Điều ấy nhiều người đã làm được ở nhiều nước khác. Không phải ai cũng thành công. Vì muốn chiến thắng đế quốc tư bản, chữ nghĩa thôi không đủ: đánh đế quốc bằng chữ nghĩa, đánh cạn đời cũng chẳng đi tới đâu. Vì, như Marx từng viết:

Ðương nhiên, vũ khí phê phán chẳng thể thay thế sự phê phán của vũ khí, chỉ có sức mạnh vật chất mới đánh quỵ được sức mạnh vật chất, nhưng lý thuyết cũng có thể biến thành sức mạnh vật chất khi nó nhập hồn quần chúng. Lý thuyết có khả năng nhập hồn quần chúng khi nó chứng minh được giá trị của nó qua bản thân con người, và nó thực hiện điều đó khi nó đào vấn đề tận gốc.2

Bản thân con người ở đây là bản thân anh nông dân Trung Quốc, sức mạnh vật chất khổng lồ của Trung Quốc thời ấy. Và thời nay!

Công trạng lớn của Mao là khẳng định sách lược quân sự lấy nông thôn vây thành thị. Thành quả khổng lồ. Nhưng xét cho cùng, "không" khó lắm vì đất đai Trung Quốc mênh mông, nông đân đông đúc3. Những quân đội hùng mạnh của đế quốc, kể cả Nhật thời ấy, có thể đánh chiếm các thành thị rất nhanh, không thể hàng ngày kiểm soát nông dân được. Huy động được nông dân theo mình4, rồi nhân lúc Nhật đầu hàng Đồng minh, Mỹ Anh Pháp đang gườm ghè với Liên Xô tại Châu Âu, Mao chiến thắng khá nhanh: 4 năm là xong chuyện. Vĩ đại thật. Nhưng so với anh Việt Nam còm phải đương đầu với cả Tây U và Tưởng Giới Thạch, năm 1945 và sau đó, thì cũng vĩ đại vừa vừa thôi.

Còn về xây dựng kinh tế "xã hội chủ nghĩa", toàn chuyện hão. Ngoài vài nguyên tắc chung chung chỉ có thể có giá trị khi phương thức sản xuất tư bản đã phát huy hết mọi khả năng mà nó chứa đựng5, Marx chẳng để lại gì có thể dùng được ngoài một phương pháp tiếp cận và suy luận về thực tế.

Khi Đặng Tiểu Bình lái Trung Quốc vào quỹ đạo tư bản, tình hình thế giới thế nào?

Mỹ thống trị kinh tế thế giới, đang trở thành "siêu cường quốc duy nhất". Giai cấp tư bản Mỹ thấy Nhà nước Mỹ buộc chân mình. Reagan lên nắm quyền để tuyên bố: "Nhà nước không là giải pháp cho nhưng vấn đề của chúng ta… Chính Nhà nước là vấn đề".6 Và ráo riết:

a/ xoá bỏ những luật lệ cho phép nhà nước Mỹ ít nhiều điều hoà thị trường tư bản tại Mỹ, mặc kệ cho nó tự do phát triển theo lôgíc nội tại của nó.

b/ phá những hàng rào quốc gia về mặt kinh tế. Điều này quá dễ hiểu: nếu cả thế giới biến thành một thị trường tự do cạnh tranh, với thế thượng phong vốn có, anh tư bản Mỹ sẽ dễ dàng thống trị thị trường, nuốt gọn mọi đối thủ.

Nhưng, ở mức đáng kể, Mỹ chỉ thành công một nửa: thị trường trao đổi sản phẩm. Nửa còn lại, thị trường sức lao động, vẫn nằm dưới quyền quản trị của các quốc gia. Và đó là thị trường cơ bản nhất. Tất cả giá trị thặng dư, lợi nhuận sản sinh ở đó trước khi đi vào thị trường sản phẩm để biến thành tiền, thành tư bản, lợi nhuận. Rồi chia chác với nhau.

Trung Quốc đi vào quỹ đạo tư bản trong hoàn cảnh lịch sử ấy. Họ đã khéo lợi dụng ưu thế của họ trong kinh tế thị trường tư bản, một kho sức lao động rẻ tiền khổng lồ: tôi cho phép anh khai thác trong điều kiện của tôi. Những điều kiện ấy rất hấp dẫn với anh tư bản Tây U, có thể khốc liệt dưới con mắt người Tây U nhưng vẫn hấp dẫn với bàn dân Trung Quốc: đói khổ quá rồi mà… Bước đầu trong một số vùng kinh tế đặc biệt, anh Pháp gọi là zones franches, văn hoá ơi là văn hoá7! Hiện nay, vẫn vậy, thị trường sức lao động Trung Quốc chưa hoàn toàn tự do, đã đành, nhưng cũng chưa hoàn toàn mở.

Thế cũng đã đủ để Trung Quốc trở thành nhà máy của thế giới, l'usine du monde, thu một lượng giá trị thặng dư không đùa tí nào, xây dựng được một chế độ tư bản "độc đáo", nửa quốc doanh, nửa tư doanh, với một "giai cấp trung lưu" đáng kể khoảng 250 triệu người. Mà vẫn còn một kho lao động thuê khổng lồ, khoảng 350 triệu lao công, với giá thị trường vài chục đôla / tháng.

Ta nên nhận diện anh Trung Quốc ngày nay như thế nào?

Thử tìm hiểu xem sao, với kiến thức lỗi thời của thế kỷ 19, Marx qua sự hiểu biết giới hạn của tôi. Chẳng có gì đáng xấu hổ. Ngày nay còn biết bao trí giả kinh tế học nhắc tới "bàn tay vô hình" của thị trường của Smith và trăm thứ khác của thời Ricardo?

0/ Như Marx nói, và tôi cho là đúng, xét cho cùng, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, quan hệ sản xuất sản sinh ra thượng tầng ý thức hệ của một hình thái kinh tế - xã hội - chính trị - văn hoá. Duy vật máy móc hết sẩy? Về mặt ngôn ngữ thông thường thôi: nói bậy! Tôi ok. Nhưng nội dung thì không bậy…

Đơn vị đo lường của xét cho cùng không là năm tháng của đời ta, như nhiều người tưởng tượng. Là thế kỷ. Bao nhiêu thế kỷ? Như độc giả nọ viết, ai mà biết được? Nhưng đó không là khái niệm hão. Nó có nội dung rất cụ thể này, quan sát được: khi lực lượng sản xuất không thể phát triển được nữa (trong lực lượng sản xuất có… sức lao động!8), nghĩa là khi "mâu thuẫn nội tại" mà tôi đã trình bày trong bài Một cuộc tranh luận hão nổ tung. Hão chăng? Trong thế kỷ 20, nó đã hai lần bùng nổ như thế nào, ai cũng biết. Nó đã vượt qua nhiều cơn khủng hoảng, với chu kỳ càng ngày càng rút ngắn, nhưng chỉ để tái diễn ở quy mô lớn hơn, đương nhiên dưới những hình thái mới. Hiện nay, ở quy mô thị trường càng ngày càng toàn cầu hoá. Thị trường toàn cầu đích thực sẽ là quy mô cuối cùng. Trừ khi con người di dân khai thác thêm hành tinh khác. Ngay như thế, ở đó làm gì có thêm sức lao động để kiếm giá trị thặng dư? Làm gì có thị trường tiêu thụ mới để biến hàng hoá thành tiền, thành tư bản? Để xem sao.

1/ Trong mọi lĩnh vực của tư duy, đụng một vấn đề quá phức tạp, ta không thể ôm đồn mọi kích thước của nó mà hiểu nổi. Phải tạm thời khoanh từng vùng để tìm hiểu từng khía cạnh với giả thuyết hão "mọi điều kiện khác y hệt" (toute chose étant égale par ailleurs). Với kiến thức kinh tế học cũng vậy. Kinh tế là một kích thước của lịch sử, cơ bản nhất, xét cho cùng. Nhưng với lịch sử cụ thể, tức là hành động của những con người đang sống, thì phương thức sản xuất tư bản chỉ là một nhân tố thôi. Nó không từ trên trời rơi xuống để đột ngột thay đổi cả một xã hội và, nhất là, tư duy của con người trong đó! Nó hình thành và phát triển trong một xã hội có lịch sử, có văn hoá. Những hình thái vận động cụ thể của nó ở một nơi, một thời điềm còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, nói chung là tuỳ thuộc động cơ hành động của con người. Con người ấy cũng là sản phẩm của lịch sử. Nó có thể mê Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Hugo, thậm chí… Lamartine! Hoặc Hitler, Staline, Mao, Pinochet, Pol Pot, e tutti quanti. Nó dám mê luôn cả Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử! Cứ đọc Tân Tử Lăng viết về Mao thì biết.

2/ Trên cơ sở ấy, cần nhận diện anh Trung Quốc ngày nay:

a/ về mặt kinh tế, cơ bản là kinh tế tư bản, vận động theo lôgíc của tư bản: phải có lời qua thị trường. Nhưng không nhất thiết phải có lời tối đa, tức khắc, liên tục, bất cứ lúc nào! Nếu cần, sẵn sàng lỗ vốn trước mắt (dumping, anh tư bản Tây Âu sành quá từ lâu rồi mà…) để chiếm phần thị trường trước, tiêu diệt đối thủ, rồi tha hồ vơ vét sau khi đã chiếm thế thượng phong, thậm chí độc quyền (monopole). Trong việc này anh tư bản Trung Quốc có lợi thế đặc biệt: kho sức lao động rẻ mạt đông đảo nhất thế giới, chẳng ai bảo vệ cả, còn đang trong hình thái tự-tại chưa biết vì-mình (en-soi, pour-soi, nhại Hegel).

Nhưng nền kinh tế tư bản Trung Quốc có mặt "đặc thù" so với anh tư bản Tây U ngày nay. Nửa quốc doanh kiểu Trung Quốc! nửa tư doanh. Nửa quốc doanh chiếm thế thượng phong. Ta tạm bỏ qua anh tư doanh, nó chẳng khác anh tư bản Tây U bao nhiêu, cũng đã lan tràn qua Pháp từ lâu rồi (Marionnaud).

Anh quốc doanh là sở hữu của ai? Chẳng của ai cả. Của Nhà nước Trung Quốc hay, nói thế cũng được, của Đảng Cộng sản Trung Quốc9. Điều quan trọng nhất: nó chưa là tư hữu của một cá nhân hay một nhóm cá nhân chỉ lo làm ăn thủ lời cho riêng mình thôi. Chính khách lãnh đạo nó có thể hưởng thụ hả hê, ăn cắp thủ túi ít nhiều, nhưng không thể tức khắc biến nó thành của riêng được. Tuy lâu dài có lẽ sẽ thế thôi. Do đó, vốn của nó có thể coi như "vô tận", cần bao nhiêu cũng có mà chẳng phải vay và trả lời ai: cứ đánh thuế bất cứ ai, tư bản or not, là có.

b/ về mặt chính trị: một chế độ độc tài quan lại kiểu Trung Quốc truyền thống khoác áo chủ nghĩa xã hội, dựa trên một bang hội kín kiểu hiện đại: Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tính chất quan lại và bang hội đến từ văn hoá cổ truyền của Trung Quốc. Nữ trang xã hội chủ nghĩa do hoàn cảnh lịch sử khoác lên vai những anh có một cách hiểu – rất "đặc biệt" – tư tưởng của Marx! Tân Tử Lăng gọi là: Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc!

c/ về mặt văn hoá: tư tưởng Khổng Nho (trong trường hợp tốt) hay/và tư tưởng "mèo trắng mèo đen" của Đặng Tiểu Bình, và đầu óc Đại Hán.10

Phải công nhận Đặng Tiểu Bình là người tài khi ông vạch ra đường lối "bật đèn bên trái, bẻ lái qua phải". Ông đã né tránh được sức đàn áp ý thức hệ áp đảo của Mao, "thống nhất" được, trong hành động, văn hoá và tập quán chính trị truyền thống của Trung Quốc, guồng máy quyền lực của Bang hội Cộng Sản Trung Quốc, để lái con thuyền Trung Quốc vào quỹ đạo tư bản, tất nhiên dưới ngọn cờ "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".

Trên cơ sở ấy, không thể đồng nhất công ty tư bản quốc doanh Trung Quốc với công ty tư bản Tây U bình thường. Những người chỉ huy nó có được quyền chỉ huy nhờ quyền lực chính trị, không nhờ tư cách chủ vốn. Đối với họ, công ty quốc doanh chỉ là một trong những công cụ họ dùng để thực hiện mục tiêu của họ. Mục tiêu ấy là gì? Vì sao họ đã chọn mục tiêu ấy? Điều đó tuỳ thuộc văn hoá đã khai sinh ra họ, lịch sử cá nhân và cá tính của họ. Chính con người làm nên lịch sử là như thế.

Trung Quốc ngày nay là một nước tư bản hình thành trong một hoàn cảnh, một quá trình lịch sử và một nền văn hoá đặc thù. Nó đã biến thành một đế quốc tư bản "mang màu sắc xã hội chủ nghĩa Trung Quốc".

Kinh lắm! Ta, người Việt, phải chờ đợi từ nó hầu hết những gì của một anh tư bản. Thế chưa đủ. Ta phải chờ đợi từ nó tất cả những gì đặc thù của anh Đại Hán. Trong mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị và văn hoá.

P. H. Đ.

2010-12-26

Nguồn: Diendan

1 Một lối suy luận hình thức hão hết sẩy! Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản là cái quái gì mà tự mình hay do ai "du nhập" được vào nước này nước nọ? Chỉ có điều này thực thôi: một anh Tàu hay Việt Nam học, đọc hay nghe gì đó về chủ nghĩa này nọ, hiểu theo khả năng văn hoá hay/và hoài bão của mình và thể hiện sự hiểu biết đó ở đời, với sự hưởng ứng của người khác đồng văn hoá với mình. Thế thôi.

2 Sans doute, l'arme de la critique ne peut-elle remplacer la critique des armes, la puissance matérielle ne peut être abattue que par la puissance matérielle, mais la théorie aussi devient une puissance matérielle dès qu'elle s'empare des masses. La théorie est capable de s'emparer des masses dès qu'elle démontre ad hominem [sur l'exemple de l'homme], et elle procède à des exemples ad hominem dès qu'elle devient radicale. Karl Marx.

Marx Engels, Études Philosophiques, Éditions Sociales, 1974, p. 27

Vì sao thế? Vì con người vừa là một vật thể, một sinh thể, một… trí thể!

3 Khác hẳn Việt Nam!

4 Quả không dễ đối với những anh trí thức tiểu tư sản lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mặc dù quan hệ của họ với nông thôn vẫn còn đậm.

5 Marx, theo trí nhớ.

6 “l'État n'est pas la solution à nos problèmes... L'État est le problème” (Wikipedia. Mục Reagan)

Mâu thuẫn giữa giai cấp tư bản và Nhà nước Mỹ đó, không thể nói rõ ràng hơn!

7 Ở Pháp, zone franche cũng là một khái niệm lịch sử ám chỉ một số vùng tự do buôn bán (bourgs và foires) đối với quyền lực phong kiến ở Châu Âu xưa (các lãnh chúa). Bạn đi dạo Paris, nên ghé thăm Rue des Francs Bourgeois chơi, thú vị lắm!

8 Xem Tư duy tự do, oép amvc.free.fr.

9 Ở Pháp loại chủ tư bản hậu hiện đại này gọi là: fonds souverains, vốn tư bản chủ quyền! Các trí giả PhuLăngXa thật đáng phục:

“Khi cạn ý, một từ xuất-hiện thật đúng lúc”. Goethe: Faust. Lời của Méphistophélès. Marx trích dẫn. Le Capital, Editions Sociales, tr. 81, chú thích 1.

Thực tế, hiện nay, đó là vốn tư bản của một vài hoàng tộc ở các nước Ả Rập, và của nhà nước Trung Quốc.

10 Cứ vào YouTube xem họ săn người Ouïgour và đập chết trên đường phố như thế nào thì biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét