1. Mồng 4 Tết, ngày 6/2/2011, chúng tôi đi Thanh
Hóa. Đường phố Hà Nội vẫn còn vắng và do xuất phát từ 6
giờ sáng nên xe ra khỏi thành phố khá thuận lợi. Đoạn cao
tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng dễ đi. Tuy nhiên, một tai nạn
khủng khiếp xảy ra trước đó khoảng vài giờ ở phía
đường đối diện làm hai người chết khiến chúng tôi rất
buồn.
Mười một giờ trưa chúng tôi đến Thanh Hóa. Ở đó thăm
viếng 3 tiếng, 2 giờ chiều chúng tôi quay về Hà Nội. Đoạn
cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân ùn tắc, nhiều xe vượt dải ngăn
cách đi ngược chiều ở phía bên kia kiếm cách ra đường 1
cũ. Cảnh tượng thật lộn xộn. Bảy giờ cũng về tới nơi.
Quãng đường cả đi và về khoảng tròn 300 km, hết 10 giờ!
Chúng tôi không nghỉ giữa đường, xe cũng tốt và những
người khác cũng thế chứ đâu chỉ chúng tôi. Tốc độ trung
bình 30 km/giờ! Không hiểu ngày thường thì sao?
Cách đây hàng chục năm đi Thanh Hóa hết khoảng 4 giờ. Một
sự thụt lùi đáng kể?
Đường được mở rộng, được sửa sang đến đâu nhà mặt
tiền mọc lên đến đó. Quốc lộ biến thành đường phố.
Công an hạn chế tốc độ 40km/giờ khi qua khu dân cư. Phủ Lý,
Ninh Bình nhà cao tầng đang xây san sát cạnh quốc lộ. Nạn
tắc nghẽn nhất định xảy ra khi hàng ngàn hàng vạn người
đến làm việc và ra về từ các nhà cao tầng đó. Có lẽ tốc
độ di chuyển sẽ còn chậm nữa! Về mặt này, có sự tăng
trưởng kinh tế, nhưng dường như không có sự phát triển.
2. Xe container Hà Nội – Hải Phòng một ngày cố
lắm được 2 chuyến. Ở Thái Lan, cũng cung đường như vậy
họ chở được 8 chuyến. Năng suất của ta bằng 1/4 của Thái
Lan.
Chẳng ở nơi nào trên thế giới có cách quy hoạch xây dựng
kỳ quặc như ở Việt Nam. Ô nhiễm, nạn kẹt xe sẽ gia tăng
và năng suất lao động (vận tải) sẽ giảm. Tốc độ trung
bình 30 km/giờ, năng suất giao thông thấp hơn 3-4 lần các
nước khác.
Tôi nhớ lại vài chục năm trước có đi thăm một nhà máy
thép ở Nhật Bản. Họ nói chúng tôi đang bàn liên doanh với
Gang thép Thái Nguyên, nơi mỗi năm sản xuất hơn 100 ngàn tấn
với 10 ngàn công nhân. Nhà máy của họ có 1000 công nhân một
năm sản xuất 1 triệu tấn. Chắc liên doanh đã không thành. Khi
đó năng suất của ta bằng 1 phần trăm của họ (tức là
lương sản phẩm của ta chắc chắn đắt hơn của họ rất
nhiều)!
3. Năng suất lao động là cái quyết định tất
cả. Không cải thiện năng suất, hiệu quả thì các con số
tăng trưởng có nghĩa chi.
Từ người đứng đầu đến lãnh đạo các địa phương, từ
doanh nghiệp đến người dân thường phải suy nghĩ và hành
động để nâng cao năng suất nếu không muốn đất nước tụt
hậu thêm nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét