Posted by truongthondlb1
James Hookway, với sự cộng tác của Nguyễn Anh Thư (Hà Nội) - Vấn đề lớn ở đây là liệu Việt Nam có thể chấp nhận những tổn hại trong ngắn hạn của việc áp dụng các chính sách mới, ngặt nghèo hơn, hay là sẽ quay lại với các chính sách ủng hộ tăng trưởng rất thô bạo kia – những chính sách mà họ đã áp dụng trong quá khứ…
Hôm qua (thứ năm, 24-2), giới lãnh đạo Việt Nam đã công bố một loạt biện pháp, nhằm kiềm chế cơn lạm phát đang leo thang – thậm chí leo thang ngay vào lúc dân chúng đang lo ngại về chuyện nâng giá xăng, giá điện khiến chi phí năng lượng tăng tới 24%.
Bây giờ là khi những bất ổn của nền kinh tế tăng trưởng nhanh này bắt đầu lan tràn. Nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chính quyền cộng sản đã phải chịu một trong những đợt lạm phát tồi tệ nhất ở châu Á, với chỉ số giá tiêu dùng tháng này lên đến 12,31%, cao nhất trong hai năm qua. Giá cả sẽ còn tăng cao nữa trong những tháng tới, khi tác động của việc tăng giá năng lượng và đợt phá giá nội tệ 8,5% so với USD gần đây – biến cố cuối cùng trong một loạt biến cố – bắt đầu thấm vào nền kinh tế. Chính phủ nhận thức được những vấn đề đáng lo ngại này, và hôm qua họ đã nói rằng chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của họ.
Trong số các biện pháp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn, có việc giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay xuống thấp hơn 20%, so với mức trên 28% của năm 2010, và giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với mức 5,3% trước đây. Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải bán dự trữ ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng trong nước để giảm bớt áp lực đè nặng lên nội tệ của quốc gia, đồng Việt Nam.
Biện pháp này được tiến hành cùng một loạt đợt tăng lãi suất vào tuần trước – trong đó có một lần tăng lãi suất (mà Ngân hàng Trung ương áp dụng đối với các ngân hàng thương mại khi cho vay vốn) thêm 2 điểm phần trăm, lên mức 11%. Theo các nhà kinh tế, thay đổi đó đánh dấu một sự chia tay với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng không ngừng, vẫn được áp dụng từ nhiều năm nay. Các chính sách ấy, mặc dù tạo ra tăng trưởng mau lẹ, nhưng cũng khiến rất nhiều người Việt lo sợ, vì chi phí đời sống ngày càng tăng cao và tiền tệ thì mất giá nhanh chóng.
Sherman Chan, nhà kinh tế làm việc tại HSBC ở Hong Kong, nhận định rằng các biện pháp gần đây cho thấy giới lãnh đạo của Việt Nam cuối cùng cũng đang cố gắng áp đặt chút ít kiểm soát lên nền kinh tế tăng trưởng trồi sụt của mình. Bà nói: “Việt Nam đã tiến đến một giai đoạn khi mà họ không nên thay đổi chính sách liên tục nữa, và chúng tôi nghĩ là sẽ được chứng kiến Việt Nam chắt chặt tiền tệ hơn trong những tháng tới”.
Giới kinh tế theo dõi sát sao mọi nỗ lực của Hà Nội nhằm kiềm chế tăng giá, như một cách để đo mức độ ổn định của thị trường – nơi cho đến giờ vẫn là một trong những thị trường đang nổi lên hứa hẹn nhất châu Á, đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,78% năm ngoái.
Vấn đề lớn ở đây là liệu Việt Nam có thể chấp nhận những tổn hại trong ngắn hạn của việc áp dụng các chính sách mới, ngặt nghèo hơn, hay là sẽ quay lại với các chính sách ủng hộ tăng trưởng rất thô bạo kia – những chính sách mà họ đã áp dụng trong quá khứ. Chẳng hạn, vào năm 2010, các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất và giới hạn tăng trưởng tín dụng, nhưng tới giữa năm khi tình hình có vẻ đã được cải thiện, họ lại nới lỏng tăng trưởng lãi suất, và thế là lạm phát bắt đầu nhích lên mức hai con số.
Nhiều nhà kinh tế cũng coi Việt Nam như là biểu hiện của những gì các nước khác có thể phải đương đầu nếu không giải quyết được một cách hiệu quả tình trạng tăng giá đúng vào thời điểm chi phí lương thực thực phẩm và xăng dầu dâng lên, làm giới đầu tư vào các thị trường mới nổi lo sợ.
Mặc dù đối với một nước Việt Nam đầy công an cảnh sát, rất ít có khả năng nổ ra những cuộc biểu tình phản đối làm rung chuyển chế độ như ở Trung Đông, nhưng không khí lo ngại vẫn đang lan tràn trên đường phố Hà Nội về đợt tăng giá mới đây, và về việc liệu chính phủ có khả năng kiềm chế lạm phát hay không.
Xe hơi và những chiếc xe máy, vốn hiện diện khắp nơi ở Việt Nam, đã xếp hàng dài ở các trạm bán xăng tại Hà Nội và nhiều thành phố khác. Người ta cố sức mua cho xong trước 10 giờ sáng, là thời điểm giới cung cấp xăng được phép nâng giá xăng 17,5% lên mức 19.300 đồng (92 xu tiền Mỹ) một lít, giá dầu diesel tăng 24% lên 18.300 đồng một lít.
Những người bỏ lỡ dịp mua xăng này sẽ phải hối tiếc vì giá cả sau đó. “Tối qua tôi lười không chịu đi đổ đầy bình, thế là bây giờ sẽ phải chi thêm 200.000 đồng nữa”, một người lái xe 39 tuổi tên là Hoàng Hợp phàn nàn.
“Không tưởng tượng nổi là giá có thể vọt lên cao thế” – Dương Minh Hoàng, 54 tuổi, nói. “Bây giờ tôi chỉ lo lương không theo kịp với giá”.
Chính phủ Việt Nam trợ cấp tiền xăng và chịu một số chi phí cho người nhập khẩu. Khi giá dầu thô thế giới tăng vì bất ổn chính trị ở Lybia, tổng chi phí nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đã tăng lên; và do giá dầu được tính theo đôla, nên việc phá giá nội tệ tuần trước càng làm tình hình tội tệ thêm. Giá điện sẽ tăng 15% kể từ 1/3, với hy vọng sẽ làm hoạt động sản xuất điện có lãi hơn để từ đó thu hút được đầu tư nước ngoài vào xây dựng những nhà máy điện, vốn đang vô cùng cần thiết.
Giới phân tích cho rằng, thước đo mấu chốt đối với đường lối chính sách mới của Việt Nam sẽ là đồng nội tệ. Việt Nam đồng đã giảm 20% giá trị kể từ giữa năm 2008, và nhiều người dân thường đầu cơ vào vàng, vào bất động sản để bảo tồn giá trị tài sản, những người khác tìm đến ngoại tệ.
“Khi nào mọi người dân lại cảm thấy thoải mái khi sử dụng đồng Việt Nam, và không tiêu tốn năng lượng để đầu cơ vào những hoạt động phi sản xuất như mua bán vàng, thì khi đó chính phủ mới biết được là họ thành công” – một nhà kinh tế Việt Nam giấu tên cho biết.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
http://basam.info/2011/02/25/362-vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-l%E1%BA%A1m-phat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét