Posted by truongthondlb1
Dân Làm Báo – Điều đầu tiên là các bác ta hân hoan “đánh giá cao công tác đã đi đúng đường hướng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội“. Mới nghe các bác hân hoan mở màn có một câu thôi là đã thấy lòng rối như canh hẹ!
Chuyện tôn giáo mà đi đúng đường theo con đường của các bác, những kẻ lúc nào cũng hăm he tín ngưỡng là thuốc phiện thì quả là con đường chết còn sướng hơn. Cũng chẳng hiểu được mấy bác công tác này làm cái gì để góp phần phát triển kinh tế. A nhớ rồi, biết rồi! Các bác đã góp phần bằng cách “giải phóng mặt bằng”, nghĩa trang nghĩa địa gì cào ráo, giáo dân nào phản đối ta bắt tuốt và cho đột tử tại đồn, đám táng đám ma rình rang là ta bỏ tù một lũ. À há, nó đó! chính sách đầy khoan hồng và bao dung của đảng!. Còn mỗi lần nghe các bác nói đến chuyện ổn định xã hội là cứ đâu đây vọng về tiếng còng loang xoang và hình ảnh đám côn đồ quần chúng tự phát có thẻ công an trong túi. Không tin cứ hỏi giáo dân Cồn Dầu, Thái Bình, Đồng Chiêm là biết liền. Họ rành sáu câu chính sách tôn giáo của đảng đến độ bầm dập.
Cái bác đăng đàn báo cáo công tác này là đồng chí phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người được bình bầu vào top-ten những câu nói ấn tượng “Đừng hỏi Bộ trưởng vì sao trường học thiếu nhà vệ sinh“, và là người vừa mới hoàn tất nhiệm vụ phá nát nền giáo dục đã nát cho nát thêm. Bây giờ đồng chí í thò tay phá tiếp lãnh vực tín ngưỡng cũng đã và đang ngắt ngoải sau mấy chục năm mến Chúa yêu Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.
Trong việc báo cáo đồng chí ta cũng theo bài bản kinh niên của những kẻ không làm nên tích sự là vừa mới đánh giá cao xong bèn ngay lập tức bước sang phần… tuy nhiên:
“Tuy nhiên, Phó chủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý tôn giáo; cũng như hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo chưa hoàn thiện, chế độ chính sách bồi dưỡng cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác này còn hạn chế. ” .
Chung chung thì cũng cái màn cái thằng cơ chế, trên bảo dưới không nghe, đổ thừa đổ lỗi, văn bản pháp luật là luật rừng. Điều chú ý là cái màn bồi dưỡng còn hạn chế! Tức là sao vậy ta? Bộ cũng theo kiểu còn đảng còn tiền, còn ra sức đàn áp sư sãi, phật tử, linh mục, giáo dân là sẽ có thêm bồi dưỡng?!
Cái vụ “bồi dưỡng” còn được khai triển thêm rằng “việc đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được mở rộng“. Từ lúc nào đảng ta đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành vậy cà? Đào tạo cái gì ? kinh kệ A Di Đà Phật hay kinh điển Mác Lê Tôn Giáo Là Thuốc Phiện? Bồi dưỡng cái gì ? Đồ ăn chay trường hay thịt chó và gái gung cho các công an trọc đầu hoặc mật vụ áo đen đeo thánh giá?
Đồng chí chuyên nghề phá lại còn hăm he:
“động viên đồng bào có đạo tham gia tốt các hoạt động đời sống xã hội, không nghe xúi giục làm những điều bất lợi cho địa phương, cho chính bản thân mình…. “;
“cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình đất nước, các biện pháp điều hành ổn định kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, không nghe bên ngoài xúi giục…”,
“phối hợp công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo và đấu tranh nhân quyền. Toàn ngành chủ động nắm tình hình, động viên chức sắc, nhân sĩ các tôn giáo đấu tranh với những phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, âm mưu tạo dựng lực lượng đối lập trong các tôn giáo, gây chia rẽ trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Ngành tiếp tục củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp“
Tới đây thì hết dám bàn ra, viết tiếp. Lỡ đồng chí phó thủ tướng ta nổi sùng bốc điện thoại ra lệnh quần chúng vừa mới được gia tăng đào tạo và bồi dưỡng đến tận nơi ân cần động viên thì có đường về với Chúa với Phật sớm hơn dự trù.
Cho nên, xin “nhường” phần này lại cho các còm sĩ của Thôn.
Dân Làm Báo
danlambao1.wordpress.com
*
“Công tác tôn giáo ổn định, đi đúng đường hướng”
Đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, công tác tôn giáo ổn định, đi đúng đường hướng có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý tôn giáo; cũng như hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo chưa hoàn thiện, chế độ chính sách bồi dưỡng cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác này còn hạn chế.
Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2010 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011, ngày 25/2, ở Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đưa ra đánh giá: Năm 2010, tình hình tôn giáo cơ bản ổn định và tuân thủ pháp luật. Sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ diễn ra bình thường và được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Lễ trọng của các tôn giáo thu hút đông đảo tín đồ, nhân dân tham gia. Việc đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được mở rộng. Các tổ chức tôn giáo chú trọng xây dựng sửa chữa, nâng cấp cơ sở đào tạo, thờ tự tôn giáo; tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; mở rộng quan hệ quốc tế thông qua các khóa đào tạo tôn giáo và các hoạt động quốc tế.
Từ những phân tích trên, Phó Thủ tướng cho rằng công tác tôn giáo và công tác vận động quần chúng phải tiếp cận phù hợp với đặc điểm tín ngưỡng, động viên đồng bào có đạo tham gia tốt các hoạt động đời sống xã hội, không nghe xúi giục làm những điều bất lợi cho địa phương, cho chính bản thân mình. Bên cạnh việc công nhận các tổ chức tôn giáo, cần xem xét, hoàn thiện cơ chế hướng dẫn hoạt động của các tổ chức này, chuẩn hóa điều kiện tối thiểu để họ hoạt động và phải dự báo được số lượng các tổ chức tôn giáo được công nhận theo kế hoạch năm. Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác tôn giáo tại địa phương, giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền với khối Đảng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai tổng kết 10 năm tình hình công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo, định hướng 10 năm tới để có phương hướng giải quyết chế độ, chính sách cho người làm công tác tôn giáo và các cộng tác viên ở địa phương; tập trung tổng kết các văn bản quan trọng, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Qua thực tế làm việc tại các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố có hướng dẫn về chế độ gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, thành phố với chức sắc tôn giáo trên địa bàn. Ngay trong quý I này, cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình đất nước, các biện pháp điều hành ổn định kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, không nghe bên ngoài xúi giục.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, đời sống các tôn giáo Việt Nam năm 2010 diễn ra rất sôi động, các tôn giáo đã tổ chức nhiều lễ lớn, có tác động tích cực đến đời sống tâm linh của đông đảo người dân, đến dư luận trong nước và quốc tế.
Trong năm qua, các tôn giáo đã có đường hướng chung của mình, Phật giáo có đường hướng “đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; Công giáo là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; đạo Tin lành là “sống phúc âm phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; đạo Cao Đài có đường hướng “nước vinh, đạo sáng”… Năm 2010, có trên 18.700 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng và trên 2.800 người đã tốt nghiệp, hoàn thành các khóa bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành.
Thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005 NĐ-CP, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp đăng ký và chứng nhận cho 3 tổ chức tôn giáo: Cao đài Việt Nam (Bình Đức), Ban Đại diện Cộng đồng Bà la môn giáo tỉnh Bình Thuận, Hội đồng chức sắc lâm thời Chăm Bà la môn tỉnh Ninh Thuận. Cả nước có 1.160 người được phong chức, hơn 1.600 người được bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo để chăm lo việc đạo. 506 cơ sở thờ tự được xây mới và 558 cơ sở thờ tự được cải tạo, nâng cấp.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và cán bộ làm công tác tôn giáo được thực hiện khá tốt. Với lợi thế của mình, các tổ chức, cá nhân tôn giáo, đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện như vận động quyên góp làm công tác từ thiện giúp đỡ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trẻ mồ côi người già không nơi nương tựa với hàng nghìn tỷ đồng. Hàng trăm ngàn suất cơm miễn phí hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho hàng chục ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động quốc tế thông qua việc trao đổi đoàn, tham dự các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế. Năm 2010 có 240 lượt chức sắc, nhà tu hành đi nước ngoài tham gia các khóa đào tạo tôn giáo và các hoạt động quốc tế liên quan.
Năm 2011, ngành Tôn giáo xác định 5 nhiệm vụ chính, trong đó, tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về công tác tôn giáo và thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Công tác thông tin trong nước cũng như thông tin đối ngoại tôn giáo được tăng cường, phối hợp công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo và đấu tranh nhân quyền. Toàn ngành chủ động nắm tình hình, động viên chức sắc, nhân sĩ các tôn giáo đấu tranh với những phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, âm mưu tạo dựng lực lượng đối lập trong các tôn giáo, gây chia rẽ trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Ngành tiếp tục củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp./.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Cong-tac-ton-giao-on-dinh-di-dung-duong-huong/20112/79568.vnplus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét