Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Nước mình đã nên... ăn Tết?

Trần Anh Tuấn

Nếu “Ăn tết” được hiểu là một sự tận hưởng niềm vui, thì tôi xin mạnh dạn đề xuất:, Tổ quốc Việt Nam mình chưa nên ăn tết.

Vâng! Nếu ai đó nói tôi là một người bi quan, một kẻ cầu toàn, hay là một đứa chuyên môn bực bội, hậm hực với các sự vật, hiện tượng chung quanh thì đành chịu... Dẫu sao dòng chảy của cuộc đời cũng khiến ai đó bắt gặp chính mình trong những khúc quanh của cuộc đời người khác... Có thể đó là những lúc vui, có thể đó là những lúc buồn, có thể đó là những lúc lắng mình chiêm nghiệm trong khi ở bên ngoài phơi phới những sự vận động, tuôn trào đầy sức sống...

Trong không khí mùa xuân, tôi đã rảo qua nhiều đô thị sầm uất, đã rón rén ướm nhẹ bàn chân lên những đám cỏ ở nhiều vùng quê xa xôi. Ở đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ, không khí lễ hội tưng bừng, các Pano, khẩu hiệu luôn thường trực ở trên đó chữ “Mừng”: MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG,...

Rồi các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước cũng hồ hởi góp vui bằng các bài đăng về sự thành công tuyệt diệu của xí nghiệp này, công ty nọ, của chiến lược, mục tiêu ABC gì đó cả ở tầm vĩ mô, trung mô lẫn vi mô... Tóm lại, nếu nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ thì đó là một hình thức “Tự sướng”!

Nghĩa là chúng ta sẵn sàng ngâm nốt bơ gạo cuối cùng để nấu bánh chưng và thẳng thừng ném những trăn trở lo toan của năm cũ lên gác bếp. Nghĩa là không màng gì tới những trắc trở chông gai phía trước, một chén rượu xuân đã thấy miền cực lạc...

Có phải chúng ta đã thỏa mãn vì bữa cơm ngày hôm nay có nhiều chất hơn 20 năm trước? Có phải khi 18 tuổi chúng ta vui vì thấy suy nghĩ hơn hẳn sự ấu trĩ của khi lên 9 lên 10? Bên ngoài chúng ta, cuộc sống chuyển động bằng tốc độ của máy bay, tên lửa nhưng chúng ta vẫn là người lạc quan nhất thế giới dù chỉ đi với tốc độ của xe đạp, xe ba gác? Cho nên ngày xuân, chúng ta mừng vì tăng trưởng GDP gần hai con số mà quên đi sự đì đẹt của một quốc gia bao năm nay thường trực phía cuối bảng xếp hạng cả về kinh tế lẫn xã hội?

Những năm 80 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong một đất nước anh hùng, con người quả cảm, mưu trí, tài nguyên thiên nhiên phong phú với “rừng vàng biển bạc, sông Cửu Long rẽ nước bắt cá”. Chúng tôi sung sướng nhâm nhi sự khinh bỉ và chờ đợi ngày sụp đổ của các quốc gia bạo tàn, bất công mang tên TBCN. Cùng thời điểm đó, Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang trỗi dậy trong một niềm tâm sự đau đáu rằng quốc gia họ nghèo nàn, con người họ cần phải học hỏi. Họ bước qua đống đổ nát của chiến tranh bằng sự nỗ lực và nhún nhường hết mình. Khái niệm thỏa mãn và tự phụ không tồn tại trong tư duy kiến thiết đất nước của họ. Để rồi tới ngày hôm nay, những người Việt Nam một thời “Ngày ngày sống trong không khí mùa xuân” đang đối diện với một sự thật rằng: Phải mất vài ba chục năm thậm chí có thể đến cả thế kỷ nữa mới theo kịp sự phát triển của những đất nước biết khiêm nhường ấy.

Như mọi năm, mùa xuân này chúng ta lại “Ăn tết”, lại “Tự sướng” với chính mình của nhiều năm trước. Lại ê hề rượu thịt, lại không thể thiếu từ “may mắn, phát tài” trong mỗi lời chúc, lại những mỹ từ “Thành công, vượt kế hoạch” thường xuyên xuất hiện trong mỗi báo cáo tất niên,... Và lại nhẹ nhàng quên đi những bất cập của nền giáo dục đang xuống đến đáy, nhẹ nhàng gạt sang bên món nợ chềnh ềnh của Vinashin, nguy cơ tiềm tàng của Boxit Tây Nguyên, cũng như những hậm hực từng âm ỉ trong suốt năm vì bị “tàu lạ”, “nước lớn” chèn ép, bắt nạt....

Đã nên “Ăn tết” chưa? Hay khi nào thì chúng ta thực sự ăn tết? Câu trả lời chỉ có thể có khi nhận thức đúng mình là ai so với thế giới? Mình ở đâu trong sự phát triển? Và mình còn phải đi đâu?... Thật tiếc, hàng loạt câu hỏi đó hình như bất cứ ai cũng đã từng tự hỏi, nhưng để đi tới đáp án thì có vẻ là chưa có...

TAT

Khoa Giáo dục học, Đại học KHXH&NV TP. HCM.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét