Vài nét về tình trạng hàng giả tại Trung Quốc
Lời dẫn của Dương Danh Dy:
Gần đây hầu như toàn thế giới đã biết thế nào là “mùi hàng giả, hàng nhái” của Trung Quốc. Ngưòi ta đã có nhiều phản ứng ngăn chặn, nhưng không đạt mong muốn. Vì sao “hàng giả, hàng nhái” Trung Quốc lại có sức sống ghê gớm như vậy. Vì sao một nước luôn tự nhận là mình có nền văn minh huy hoàng rực rỡ, luôn luôn lên giọng dạy thiên hạ nào là phải biết sống văn minh, phải biết sống hài hoà… lại trở thành thế giói hàng giả, hàng nhái như vậy?...
Hy vọng bài tổng hợp từ các tư liệu của chính ngưòi Trung Quốc viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc thấy thêm được vấn đề.
Ai cũng biết hiện nay tại Trung quốc hàng giả đang phát triển tràn lan, không có mặt hàng nào là không bị làm giả, thậm chí hàng chính thống chưa tung ra thị trường mà hàng giả đã xuất hiện.Câu nói có chút hơi cường điệu: “Hễ có sản xuất là có hàng giả đi kèm” cho thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề Ngưòi ta đã kiểm tra được tại thành phố cấp huyện Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang mà có tới 3500 cửa hàng qui mô hoàn chỉnh, tiêu thụ khoảng 100.000 loại hàng, mỗi ngày có khoảng 200.000 lượt ngưòi tới mua bán khoảng 2000 tấn hàng hoá, doanh số năm 1996 tăng lên đến 2,2 tỷ USD, thế nhưng tại đây chỉ riêng mặt hàng xà phòng thơm các loại chí ít đã có tới 90% là hàng giả. Các mặt hàng khác mặt hàng nào cĩng có hàng giả nhưng ngưòi ta chưa thể (hay chưa muốn) đưa ra số liệu cụ thể như mặt hàng xà phòng thơm. Vì sao lại có tình trạng ấy?
Trước hết cần nhắc lại một khái niệm chắc nhiều người đã biết, nhưng vẫn phải nhắc lại để dễ có sự đồng thuận trong việc phân định phải trái, đúng sai và bác bỏ một số lập luận không đúng: hàng giả là những mặt hàng được làm ra bằng việc sử dụng các thủ đoạn phi pháp, thông qua việc bắt chước hoặc làm giả các thưong hiệu hoặc sản phẩm nổi tiếng với mục đích kiếm được lợi nhuận cao.
Nhìn suốt lịch sử phát triển của kinh tế loài người, trong các giai đoạn phát triển kinh tế đều tồn tại việc làm hàng giả, hiện nay ngay tại Mỹ, nước được coi là có nền pháp chế cao nhất xã hội phương tây, mà cũng vẫn tồn tại hiện tượng làm hàng giả(một ví dụ làm USD giả), nhưng trong lịch sủ từ xưa tới nay chưa có bất kỳ quốc gia hoặc đối tưọng nào như Trung Quốc, mà trình độ làm hàng giả cho dù là tính theo độ rộng, độ sâu, độ cao, đều ở vào giai đoạn chưa hề có. Nguyên nhân tạo thành cục diện đó vô cùng phức tạp, bao gồm các nguyên nhân như chính trị, kinh tế, văn hoá, lịch sử v.v. Dưói đây là một số phân tích:
Nguyên nhân kinh tế.
Để phân tích nguyên nhân này cần nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc từ ngày thành lập nuớc CHND Trung Hoa. Trong giai đoạn trước cải cách mở cửa(1949-1978) Trung Quốc thực hiện chính sách kinh tế kế hoạch. Trong tình hình đó, mọi sản xuất đều do quốc gia thống nhất kế hoạch điều chỉnh và khống chế, không có thị trưòng và cũng không có lưu thông hàng hoá. Chúng ta cần biết mục đích của sản xuất hàng giả là dùng thủ đoạn phi pháp để kiếm lợi nhuận cao, mà trong môi trường lúc đó lại không có trao đổi hàng hoá thì làm gì có việc kiếm được nhiều lợi nhuận.Thời ấy không có đất cho làm hàng giả. Từ cuối năm 1978 trở đi, Trung Quốc thi hành chính sách kinh tế thị trường, thực hiện trao đổi hàng hoá rộng rãi, và từ đó có thể rút ra mấy điều sau:
-Kinh tế hàng hoá tất nhiên tồn tại việc làm hàng giả, Trung Quốc không thể tránh được qui luật đó.
-Hàng giả tại Trung Quốc có những biểu hiện đặc biệt là, do nền kinh tế từ chỗ bị đóng cửa hết mức bỗng đột ngột chuyển sang quá trình mở cửa nên có sức công phá rất mạnh dễ gây ra hỗn loạn, làm hàng giả dễ dàng có được mảnh đất mầu mỡ để phát triển.
-Trong suốt quá trình cải cách câu nói : “bất kể mèo trắng hay mèo đen, hễ bắt được chuột là mèo tốt” tại một trình độ nào đó đã có sự dung túng nhất định cho kinh tế hàng giả phát triển. Vì vậy có thể nói hàng giả là một sản phậm phụ của chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Nguyên nhân chính trị.
Nguyên nhân khiến việc làm hàng giả trở nên điên cuồng có liên quan chặt chẽ với chính sách kinh tế của chính phủ Trung Quốc, nhưng cần thấy là nhận thức và sự hiểu biết của các cán bộ cũng như chính quyền địa phương đối với hàng giả có nhiều chỗ chưa thấu đáo và có sai lầm, do đó chưa có những xử lý thoả đáng, triệt để đối với hàng giả ngay từ đầu để dần dần tạo nên cục diện ngày nay. Cụ thể là:
-Nhận thức chưa đầy đủ về hàng giả, không ý thức được là làm hàng giả, tiêu thụ hàng giả là một hành vi phạm tội. Một số quan chức địa phương cho rằng chức năng của chính quyền chỉ là làm tốt kinh tế địa phương mình, không thấy làm hàng giả cũng là tội phạm rõ rệt như buôn lậu, buôn bán ma tuý mà có ngưòi còn cho rằng nó là một thủ đoạn làm sống động nền kinh tế địa phưong mình, chính vì vậy trong việc chống hàng giả họ “mở một mắt , nhắm một mắt” dung túng cho việc làm hàng giả phát triển.
-Do chế độ cán bộ, nên một số ngưòi chỉ muốn yên thân khi tại chức, nên khi xử lý hàng giả không muốn dùng biện pháp mạnh.
-Một số cán bộ trước sự cám dỗ của tiền bạc, sắc đẹp đã bị bọn làm hàng giả mua chuộc trở thành ô bảo vệ, là hậu đài cho bọn chúng. Cũng không loại trừ khả năng một số rất ít cán bộ cấp cao dính líu vào.
Nguyên nhân thị trường
Về chủ quan mà nói, chủ nghĩa địa phưong nghiêm trọng đã làm cho việc làm hàng giả phát triển mạnh.
Trung quốc là một nước mà chủ nghĩa địa phương do những nguyên nhân lịch sử và địa lý mà đã thâm căn cố đế. Chính quyền địa phương để bảo vệ lợi ích thị trường địa phương mình thưòng rộng rãi trong việc cấp giấy phép sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc công khai hay ngấm ngầm tiến hành khống chế hàng hoá đến từ nới khác, hình thành những lô cốt bảo vệ thị trường địa phương. Có nơi biết dùng ô tô do địa phưong mình sản xuất giá sẽ đắt gấp ba ô tô mua tại tỉnh khác trong nước mà không tốt bằng nhưng vẫn dùng ô tô địa phương với lý do để kích thích kinh tế địa phưong. Trong tình hình đó hàng hoá dù tốt hơn rẻ hơn vẫn không dễ tiêu thụ sang nơi khác.. Cho nên muốn giải quyết vấn đề làm hàng giả thì phải triệt để giải quyết chủ nghĩa địa phương rất nghiêm trọng ở Trung Quốc.Có một bài viết cho biết vì chủ nghĩa địa phưong rất nặng nề, nên muốn chống làm hàng giả ở cấp xã thì phải cấp huyện làm, chống hàng giả ở cấp huyện thì cấp tỉnh phải làm, chống hàng giả ở cấp tỉnh thì cấp trung ương phải làm chứ trong cùng một địa phương ngưòi ta không chống lẫn nhau.
Về khách quan mà nói, cơ chế giám sát kiểm tra thị trường không thông suốt khiến hàng giả dễ lưu thông vào thị trưòng. Đất nước Trung Quốc quá rộng lớn, có nhiều tỉnh thành rất lớn với số dân rất đông, giao thông từ nơi này sang nơi khác xa xôi, có nơi còn cách trở, một số nơi dân trí còn thấp, cuộc sống còn nghèo…, điều này làm cho quá trình quản lý lưu thông hàng hoá từ nơi sản xuất tới thị trường, tới tay ngưòi tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn và là nguyên nhân khiến hàng giả dễ bề hoạt động
Nguyên nhân luật pháp
Luật phát là vũ khí tốt nhất để đối phó với hàng giả, nhưng hiện nay tại Trung Quốc luật pháp chưa phát huy được hiệu quả của mình, mà nguyên nhân là bản thân các điều luật liên quan còn chưa đầy đủ chưa chặt chẽ. Ngoài ra khi xử lý còn thiên về nhẹ tay, phạt tiền hay phạt tù chưa đủ sức làm kẻ phạm tội run sợ
Nguyên nhân văn hoá.
Cần nói rằng văn hoá Nho gia truyền thống của Trung Quốc ở trình độ rất lớn đã giúp thêm sức cho làn gió làm hàng giả mạnh lên, đó là “nhẫn nhường là một mỹ đức”, “nhiều việc chẳng bằng ít việc”.Lấy một ví dụ cho tình trạng này, sau khi mua phải một bao thuôc lá rởm biết là hàng giả nhưng phần lớn người mua phải đều im lặng, tự cho mình xúi quẩy, sau đây không mua thuốc lá ở cửa hàng này nữa, vì ít tiền cãi nhau với ngưòi ta làm gì, thôi nhẫn, nhẫn đi. Ngoài ra triết lý “việc không liên quan tới mình, dính vào làm chi”, hoặc “ tránh lửa cháy vào mình là được”.
Chính quyền các cấp nhất là chính phủ trung ương Trung Quốc trong mấy năm gần đây đã đưa ra nhiều chủ trưong chính sách và tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ để chống nạn làm hàng giả đang lan tràn trong nuớc vì không chỉ nhiều nguời dân Trung Quốc đang phải chịu những tác hại nghiêm trọng do hàng giả gây ra(ví dụ gấy chết người) mà còn vì nhãn hiệu”made in China” nổi tiếng một thời nổi tiếng ở nuớc ngoài hiện đang mất uy tín tại nhiều nơi trên thế giới.
Thế nhưng làm được việc này không dễ.
Dương Danh Dy(gt)
Nguồn :dựa theo Blog alijiujiu, Trung Quốc Giao Thuỷ võng ngày 19/6/2010 và một số blog của Trung Quốc khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét