Tác giả: THU HẰNG (THEO JPTODAY)
Nhật Bản đang xem xét khả năng cắt giảm mạnh khoản viện trợ của nước này dành cho Trung Quốc trong năm tài khóa 2012, sau khi Nhật Bản để vuột ngôi vị á quân kinh tế thế giới vào tay Trung Quốc.
Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước này Seiji Maehara đã yêu cầu cấp dưới xem xét giảm bớt viện trợ ODA dành cho Trung Quốc, để Tokyo sớm thông qua kế hoạch này trong tháng 6 tới.
Theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, viện trợ ODA cho Trung Quốc giờ đây đã không còn hợp lý. Trong năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ hai thế giới. Trong khi, mục tiêu của ODA là dành cho các nước đang phát triển.
Do vậy, khoản viện trợ ODA cho Trung Quốc sẽ được cắt giảm mạnh từ năm tài khóa 2012. Tuy nhiên, các khoản viện trợ để bảo vệ môi trường và đào tạo nhân lực vẫn sẽ được duy trì.
Nhật Bản đã bị Trung Quốc qua mặt về GDP.Trước đó, đầu tháng 2, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố các số liệu thống kê cho thấy GDP của nước này đã giảm trong quý IV năm 2010 do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản đã phải nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc trong năm 2010.
Mặc dù thoát khỏi suy thoái trong năm 2009, song sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn yếu ớt do tình trạng giảm phát, nợ công cao, nhu cầu nội địa thấp, xuất khẩu giảm và giá đồng yên tăng.
Theo thống kê, trong năm 2010, GDP của Nhật Bản tăng trưởng 3,9%, đạt 5.474 tỷ USD, tuy nhiên vẫn kém tăng trưởng của Trung Quốc với GDP đạt 5.879,9 tỷ USD.
Với đà phát triển tăng vọt, Trung Quốc đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Nhật Bản sau hơn 40 năm giữ ngôi vị "á quân" đã lùi xuống hàng thứ ba.
Nhật Bản bắt đầu viện trợ cho Trung Quốc từ năm 1979 tới nay. Tính đến hết tài khóa 2009, Nhật Bản đã cho Trung Quốc vay tổng cộng 3,32 nghìn tỷ Yên, viện trợ không hoàn lại 54,4 tỷ Yên và hợp tác kỹ thuật 170,4 tỷ yên.
Tuy nhiên, không ít quan chức Nhật Bản lo ngại, động thái này của Tokyo sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ Bắc Kinh, khi chính quyền Trung Quốc vẫn chỉ xếp nước này vào nhóm "các nước đang phát triển".
Trung Quốc hiện vẫn nằm ngoài bảng xếp hạng 100 nước có thu nhập GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc ước tính, hiện có trên 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, nhiều hơn cả dân số Nhật Bản.
Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm này cũng có thể càng làm dấy lên tâm lý chống Nhật trong dư luận Trung Quốc. Như vậy, các công ty Nhật Bản sẽ khó làm ăn tại Trung Quốc.
Thêm vào đó, ngay trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng có ý kiến rằng, việc Nhật Bản cắt viện trợ ODA cho Trung Quốc có thể bị hiểu nhầm, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vẫn đang gặp sóng gió sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông hồi tháng 9/2010.
Năm 2012, Nhật Bản và Trung Quốc kỷ niệm 40 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, đồng thời có kế hoạch thắt chặt mối quan hệ song phương dựa trên những lợi ích chiến lược chung. Trong bối cảnh này, "việc điều chỉnh để đưa ra một khung hợp tác mới giữa hai nước là rất quan trọng"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét