Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Hai bài viết về việc xử viên Thiếu úy công an đánh chết người

Đăng bởi bvnpost

Một công an đánh chết người – và đánh chết người một cách thú tính, trong khi lẽ ra phải bảo vệ tính mạng của người dân bằng cách nhắc nhở họ dội mũ bảo hiểm trong trường hợp vì xốc nổi, coi thường tính mạng mà họ trót quên – thì anh ta chỉ chịu 7 năm tù. Nhưng rồi đây, 10 người dân trong số hàng ngàn người phẫn uất vì hành vi côn đồ ấy kéo lên trụ sở UBND Bắc Giang phản đối sẽ chịu tổng cộng bao nhiêu năm tù?

Cũng như loại quan tỉnh dâm dật kiểu Nguyễn Trường Tô được Tòa án chúng ta nhân đạo buông thả, nhưng việc buông thả con người mà chất “con” át hẳn chất “người” ấy khiến dư luận hết sức băn khoăn: Liệu điều đó có để một tấm gương cực xấu cho mọi quan chức khác trong toàn đất nước? Liệu việc giam giữ viên Thiếu úy giết người kia chỉ vỏn vẹn 7 năm (mà đoan chắc không đến 7 năm đâu) rồi sau đó vài năm lại cho y đảm nhiệm trở lại chức vụ cũ, cái chất thú trong người y có giảm hay không hay sẽ càng ăn sâu vào máu tủy, và sẽ là một mối lo khủng khiếp đối với dân lành?


Bauxite Việt Nam


1. Sĩ quan công an Việt Nam bị kết án bảy năm tù vì tội đánh chết người


Trọng Nghĩa




Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp tại phiên toà tỉnh Bắc Giang (DR)

Tòa án tỉnh Bắc Giang vào hôm qua đã tuyên phạt một sĩ quan Công an 7 năm tù về tội giết chết một thanh niên ngay trong trụ sở sau khi người này bị giải về đồn công an vì một hành vi phạm luật giao thông. Vào lúc xảy ra, vụ giết người này đã làm cho dân chúng địa phương hết sức bất bình và biểu tình phản đối.

Theo phán quyết của Tòa án tỉnh Bắc Giang, Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, 25 tuổi, đã phạm tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”. Trên cơ sở đó, Tòa đã tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam và hai năm cấm đảm nhiệm chức vụ kể từ ngày mãn án.

Xin nhắc lại là vụ việc xảy ra ngày 23/07/2010, khi Công an thuộc huyện Tân Uyên tỉnh Bắc Giang, bắt giữ một thanh niên tên Nguyễn Văn Khương, 22 tuổi, chạy xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Người bị bắt đã bị đưa về trụ sở Công an huyện để xử lý. Tuy nhiên tại đồn Công an, anh Khương đã bị Nguyễn Thế Nghiệp đánh, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu và chết tại đấy vì những chấn thương ở đầu.

Khi chính quyền trả xác nạn nhân về cho gia đình vào hôm sau, thân nhân của anh Khương đã quy trách nhiệm cho công an về cái chết của Khương, và đã đưa quan tài đến trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, để đòi đưa những người chịu trách nhiệm về cái chết của anh Khương ra xét xử. Hàng ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình đó, được đánh giá là lớn nhất tại Bắc Giang từ trước đến nay, buộc lực lượng an ninh phải xịt hơi cay để giải tán.

Tâm trạng bất bình của người dân có thể được giải thích bằng thái độ chối tội ban đầu của Công an huyện Tân Yên. Theo báo chí Việt Nam, thoạt đầu, Công an huyện Tân Yên đã giải thích là tại trụ sở công an, nạn nhân đang ngồi trên ghế thì đột nhiên “sùi bọt mép và… ngất xỉu”, lực lượng công an đã đưa nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Lời giải thích này sau đó đã bị kết quả giảo nghiệm tử thi bác bỏ, và cuộc điều tra quy trách nhiệm cho viên sĩ quan Nguyễn Thế Nghiệp.

Tuy nhiên, ngoài việc kết án 7 năm tù đối với thủ phạm vụ đánh chết người tại Bắc Giang, Tòa án tỉnh này sẽ còn xét xử thêm vụ biểu tình sau đó. Theo hãng tin Mỹ AP, vào hôm nay, Thẩm phán phụ trách phiên tòa hôm qua đã cho biết là bên công tố đã truy tố 10 người về các hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Phiên tòa xét xử những người này sẽ mở ra vào cuối tháng.

Trong thời gian qua, các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lưu ý công luận về các hành vị bạo hành nhắm vào người dân tại Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái (2010) Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng báo động về các vụ bạo hành của công an Việt Nam. Theo HRW, căn cứ vào các nguồn tin báo chí chính thức tại Việt Nam, trong vòng một năm, từ tháng 10/2009 đến 10/2010, đã có ít nhất 19 vụ công an bạo hành, làm cho 15 người dân thiệt mạng.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

2. Phạt tù cảnh sát gây chết người ở Bắc Giang



Anh Nguyễn Văn Khương chết sau khi bị bắt vì không đội mũ bảo hiểm xe máy

Tòa án ở Bắc Giang đã kết án tù giam bảy năm đối với nguyên Thiếu úy làm chết thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Khương.

Nguyên Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, 26 tuổi, bị kết tội "làm chết người trong khi thi hành công vụ", theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Nghiệp, người công tác tại huyện Tân Yên, Bắc Giang đã bắt thanh niên Nguyễn Văn Khương hôm 23/7/2010 vì không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Khi đó anh Khương đang chở bạn gái đi chơi.

Hai tiếng sau người thân của anh Khương được báo anh đã chết.

Lúc đó bản tin của Thông Tấn xã Việt Nam nói về nguyên nhân cái chết của anh Khương:

"Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết".

‘Tàn bạo’

Nay cũng Thông Tấn xã trích cáo trạng của Viện Kiểm sát Bắc Giang nói ông Nghiệp đã lôi anh Khương vào phòng làm việc và dùng tay đánh vào thái dương khi anh "chần chừ không muốn vào phòng" làm việc của cảnh sát và không muốn ký biên bản vi phạm.

Sau khi đánh anh Khương, cảnh sát Nghiệp bỏ ra ngoài và khi một cán bộ công an huyện khác vào phòng thấy "anh Khương bất tỉnh trên ghế trong tư thế đầu ngoẹo sang một bên,… hai tay buông thõng, miệng có nước bọt chảy ra.

"Khi vỗ vai gọi thì anh Khương trượt khỏi ghế, người mềm không có phản xạ gì và từ từ đổ xuống nền nhà," Thông tấn xã nói dựa vào cáo trạng của Viện Kiểm sát.

Vụ anh Khương chết và kết luận ban đầu của Hội đồng khám nghiệm tử thi rằng anh đột tử đã khiến gia đình anh tức giận và đưa quan tài lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Nhiều người đã cùng tham gia đoàn rước quan tài và bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân trong vài tiếng.

Thông Tấn xã nói Bắc Giang đang chuẩn bị xử lý hình sự đối với mười người "về các hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ".

Hãng thông tấn chính thức của Việt Nam cũng cho biết tại phiên tòa ông Nghiệp đã thừa nhận gây chết người trong khi ông Nguyễn Văn Nhương, bố đẻ anh Khương đã "đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt" cho ông Nghiệp.

Gia đình ông Nghiệp cũng đã bồi thường cho gia đình anh Khương 155 triệu đồng, theo Thông tấn xã.

Vụ việc xảy ra đối với anh Khương cũng khiến các tổ chức nhân quyền kêu gọi xem xét lại một số trường hợp mà cảnh sát bị cáo buộc có hành vi tàn bạo với người dân.

Tổ chức Human Rights Watch nói họ đã có hồ sơ về 19 vụ tàn bạo của cảnh sát trong năm 2010 khiến 15 người chết.

Nguồn: bbc.co.uk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét