Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

MÊ LINH QUẬT KHỞI : Dựng nền độc lập TRIỀU ĐẠI TRƯNG VƯƠNG _ PHẠM HY SƠN

Trong tâm khảm người Việt chưa ai quên được 80 năm dưới chế độ Thực dân Pháp dân tộc ta đã chịu biết bao nhiêu thống khổ dưới gót giày xâm lược. Thực dân tha hồ bắn giết, nhiều làng bị san bằng như làng Cổ Am ở Hải Dương năm 1930 trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng . Người dân đói khát khổ cực, miếng cơm không có ăn, manh áo không có mặc. Chúng bóc lột bằng mọi thứ thuế, trong đó có cả thuế thân ! Muốn sống cuộc đời trâu ngựa cũng phải đóng thuế!
Mấy chục năm sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, chúng ta lại phải sống dưới các chế độ độc tài, không có quyền sống, phẩm giá không được tôn trọng , bị bóc lột , bị đàn áp không nương tay.
Đấy là những kẻ độc tài còn mang chút máu mủ của nòi giống Việt , nói chi đến chế độ cai trị trực tiếp trăm lần khắc nghiệt của thực dân phương Bắc trong gần 250 năm , từ 207 trước TL đến năm 40 sau TL, là năm hai chị em bà Trưng phất cờ khởi nghĩa lấy lại độc lập cho đất nước.
Trong thời gian đen tối đó, quan cai trị người Taù, lính tráng người Tàu mặc tình chém giết, vơ vét của cải, người dân Việt nghèo đói đến nỗi trai gái lớn lên không có tiền để cưới hỏi. Hình ảnh những người Việt phải xuống sông, xuống biển mò ngọc trai, lên rừng tìm ngà voi, sừng tê giác nộp cho bọn Thứ Sử, Thái Thú...để chúng đem về triều cống vua Tàu và bỏ túi riêng làm giàu trên xương máu người bản xứ.
Chúng ta thử tưởng tượng thời xa xưa ấy quận Giao Chỉ có 746.217 người, quận Cửu Chân có 166.013, tức từ miền Bắc tới Quảng Bình dân số vỏn vẹn chưa tới 1 triệu (912.230 người), đất đai, sông ngòi còn hoang rậm, thú dữ và cá sấu (giao long) tràn ngập trên rừng, dưới sông, dưới biển thì những người phải đi tìm châu báu cho quan lại Tàu mấy người được toàn thân trở về.
Những chuyện truyền khẩu trong dân gian kể lại cho tới bây giờ việc quan lại Tàu giàu có khi về nước của cải đem theo không hết phải đào hầm chôn giấu và bắt các trinh nữ người Việt trói chặt ngồi trên ghế, miệng ngậm sâm nhốt trong hầm làm ma giữ của cho chúng (chúng sẽ để lại họa đồ cho con cháu sang lấy).
Chính sự tham lam tàn bạo ấy đến thời Tô Định đã lên cao tới cực điểm làm dân chúng oán hờn và những người nặng lòng với dân với nước căm giận nổi lên khắp nơi.
Ngoài gia đình Trưng Vương ở Mê Linh và ông Thi Sách ở Châu Diên còn có ông Trương Quân ở Thái Bình, ba anh em ông Cao Doãn ở Lai Tảo Hà Đông, ông Nguyễn Nga ở Tuy Lai. Khi thấy lòng dân đã lên cao độ, ông Thi Sách, một người khí phách và nhân hậu ở Châu Diên (nay là Sơn Tây và Vĩnh Yên) viết thư kể tội Tô Định: "Lúc nào cũng bô bô nói chuyện thương dân thế mà tấm lòng bóc lột kẻ dưới càng ngày càng dữ. Rán mỡ dân để thỏa lòng dục... " và ông cảnh cáo: "Nếu không sửa đổi chính sách cho rộng rãi thì sẽ nguy vong đến nơi đãy! " (Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên Q1, trang 172).
Nhưng những kẻ bạo ngược từ xưa đến nay không bao giờ nghe lời nói phải. Ông Thi Sách sửa soạn lực lượng để khởi binh nhưng trong một lúc sơ hở bị Tô Định bắt và đem giết.
Bà Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhì lên thay quyền phát hịch gửi đi khắp Châu quận kêu gọi khởi nghĩa được hào kiệt các nơi hưởng ứng đem quân về hợp lực.
Cũng nên nhắc lại, hai Bà Trưng là con một vị lạc tướng ở Mê Linh mồ côi cha sớm được người mẹ là bà Thiện dòng dõi vua Hùng nuôi nấng, dạy dỗ để hai Bà trở thành những người yêu nước, đảm lược, có ý chí và lòng độ lượng. Tương truyền chính bà Thiện là người đứng ra chuẩn bị cuộc kháng chiến ngay từ đầu. Khi chuẩn bị xong bà giao cho con rể là ông Thi Sách và con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhì . Hổ mẫu sinh hổ tử ! Những người xứng đáng là dòng giõi của các vua Hùng ! Vì vậy gia đình Trưng Vương được toàn dân tin tưởng ,mến mộ.
Khi hai bà khởi binh trong tay vỏn vẹn có hai ngàn nghĩa sĩ nhưng chỉ trong thời gian ngắn , anh hùng hào kiệt từ các nơi kéo về, quân lên tới 60 ngàn người. Dân số lúc ấy chưa tới 1 triệu mà có 60 ngàn người tình nguyện, nhập ngũ, chứng tỏ lòng dân nô nức đánh giặc như thế nào.
Lễ xuất quân tổ chức tại bến Nam Nguyên . Hai Bà cưỡi voi, mặc áo giáp, che lọng vàng cầm gươm thúc đại quân đánh thẳng vào Liên Lâu, bản doanh của Tô Định bên bờ sông Nhuệ thuộc Hà Đông. Hiện nay ở giữa Lương Sơn và Mỹ Đức tỉnh ấy còn dãy núi được kêu là núi Vua Bà, tương truyền có những trận đánh quan trọng trong khu vực này .
Liên Lâu thất thủ, Tô Định và bọn quân Tàu chạy thoát về Nam Hải, tức đảo Hải Nam bây giờ.
Thừa thắng, quân của Hai Bà tiến như vũ bão giải phóng đất nước. Chẳng bao lâu hơn 60 thành trì treo cờ độc lập. Hai Bà lên làm vua đóng đô ở quê nhà Mê Linh, nay thuộc tỉnh Phúc Yên dựng nên triều đại Trưng Vương.
Lên ngôi xong thấy đất nước điêu tàn, nhân dân thống khổ sau bao nhiêu năm sống trong nô lệ : cha mất con, vợ mất chồng, con côi bơ vơ đói khát , hai Bà cho giảm binh để thanh niên trở về cùng với mọi người lo xây dựng đất nước cốt cho nhân dân sớm được hưởng cảnh thái bình thịnh trị của tổ tiên xưa như đã được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Tiền Biên: "Nước Nam về dời Lạc Hồng, vua dân cùng cày... Dân sống đời bấy giờ cùng nhau vui vẻ chơi đùa ở trong cõi đất không rét, không nóng. Người già thì chết, người trẻ đến lúc già không biết đến việc đánh nhau. Có thể gọi được là đời chí đức, gọi là nước cực lạc. Vua thì yên vui như tượng Phật. Dân thì vẽ mình làm ăn không phiền nhiễu gì đến sưu thuế, không việc gì phải canh phòng. Vua, dân thân nhau, dẫu vài ngàn năm cũng không thay đổi. "
Nhờ ân đức của hai Bà , già trẻ trai gái vui vẻ chăm lo trồng trọt chăn nuôi, cây cỏ tươi tốt, chim muông nhởn nhơ vui hót ca ngợi cảnh thanh bình.
Nhưng cảnh sống yên vui đó chẳng được bao lâu vì bọn thực dân phương Bắc rắp tâm phục hận. Tháng Chạp (11) năm 41 Hán Quang Vũ sai Mã Viện và Đoàn Chí, Lưu Long đem 20 ngàn quân sang Việt Nam. Cái gương Tô Định còn sờ sờ trước mắt nên lão luyện như Mã Viện mà còn run sợ. Chúng không dám đường đường , chính chính xuất quân mà phải âm thầm chặt rừng phá núi hàng ngàn dậm từ Quảng Đông qua miền Lạng Sơn vào nước Việt. Thủy quân của Đoàn Chí tiến song song trên nhánh Bắc sông Thái Bình để hai bên yểm trợ cho nhau. Khi đoàn quân xâm lăng tới Tây Lý, một địa điểm ở giữa Mê Linh và Hà Nội thì bị quân của hai Bà chận đánh kịch liệt làm Tô Định phải lui về Lãng Bạc vùng Tiên Du (Bắc Ninh).
Nữ tướng của hai Bà là Thánh Thiên Công Chúa đem binh tới đánh mấy trận giết cả ngàn quân Hán làm Mã Viện phải lui về cố thủ ở Bắc Giang xin tiếp viện và chờ hậu quân tiếp viện. Mặt khác Mã Viện dùng kế nghi binh giả đưa binh lên đánh vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang. Thánh Thiên Công Chúa đem quân lên cứu viện miền thượng du.
Mã Viện thấy lực lượng của hai Bà bị phân tán liền tiến về Lãng Bạc, hai Bà thân chinh cầm quân chiến đãu. Quân Nam chiến đãu rất hăng nhưng trước quân thù quá đông đảo đành thất bại. Hai Bà lui binh về Kim Khê vùng núi Ba Vì.
Lão tướng Đô Dương từ Cửu Chân đem quân ra tiếp viện bị chận đánh, Thánh Thiên Công Chúa rút về cứu nhưng không kịp.
Khi quân giặc tiến đánh Kim Khê, hai bà thua chạy dọc theo hữu ngạn sông Hát tới An Hát (nay là xã Hát Môn) chỗ cửa sông Hát chảy vào sông Đáy được dân chúng tiếp đón nồng nhiệt dâng bánh trôi (bánh xôi nước) và lương thực cho đoàn tùy tùng. Nhưng rồi quân giặc lại đuổi theo, hai Bà gieo mình xuống giòng sông Hát từ trần để lại tấm gương anh liệt cho con cháu muôn đời về sau. Tất cả quân theo hầu và hai trinh nữ dâng bánh trôi lên hai Bà cũng lao theo làn nước.
Giờ phút đau thương trời sầu , đất thảm ! Núi Tản Viên phủ mờ mây xám , Dòng Hát giang dậy sóng căm hờn !
Từ đây toàn dân lại đắm chìm trong nô lệ, tủi nhục , làm thân trâu ngựa cho người.
Ngày ấy là ngày 6-3AL năm 43 sau TL . Người dân An Hát lập đền thờ hai Bà tại nơi hai vị hiển thánh và xây một cái miếu nhỏ thờ hai trinh nữ dâng bánh gọi là miếu hai Cô hiện nay vẫn còn và sáng chiều nhang khói. Hàng năm , đúng ngày mồng 6 tháng 3 người dân làm lễ đại tế kỷ niệm , trong các lễ vật luôn luôn có bánh trôi để tưởng nhớ bữa ăn cuối của hai Ngài . Lễ Đại Tế được tổ chức theo nghi vệ dành cho những vì Vua . Hai Bà ngự trên Ngai vàng , che lọng vàng có đoàn quân phù gía cầm gươm đao, cờ quạt theo hầu . Tiếng chiêng , trống , thanh la rộn ràng như lệnh xuất quân đánh vào thành Lư Lâu thuở nào .
Theo Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên , vua Lý Anh Tông (1138-1175) vì trời làm hạn hán nêu vua sai thiền sư Tịnh Giới đến đền thờ ở An Hát cầu mưa và trời làm mưa. Nhà vua thấy linh ứng sắm lễ vật đến tế và sai sứ rước về phía bắc Đại Nội dựng đền Vũ Sư thờ phụng. Sau nhà vua cho lập đền thờ ở làng Cổ Lai, huyện An Lãng tức là kinh đô Mê Linh , quê hương hai Bà.
Riêng ở Hát Môn trải qua gần hai ngàn năm, lịch sử có lúc thăng trầm nhưng đền hai Bà vẫn sáng hôm nhang khói tưỏng nhớ công đức.
Tấm gương anh dũng của hai Bà luôn sáng ngời cho các thế hệ con cháu về sau tiến bước. Bà Triệu khởi nghĩa chống quân Ngô. Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo diệt quân xâm lược ở sông Bạch Đằng, hai lần dòng sông nhuộm đỏ máu quân thù: "Đằng Giang tử cổ huyết do hồng. " Tụy Động mồ chôn giặc Minh và Đống Đa giặc Thanh không còn manh giáp.
Dân tộc Việt Nam trường tồn cùng năm châu trên thế giới, đất nước Việt Nam trải dài từ Lào Cai đến mũi Cà Mau như một bức trường thành nằm bên bờ Biển Đông đời đời bền vững.
Hai Ngài thật xứng danh với lời tôn vinh của người sau :
Phù An Quốc Thế Thạch Bàn Nam
Phủ Trấn Thần Uy Đồng Trụ Bắc
nghĩa là:
Hai Bà phù giúp cho nước Nam vững như bàn thạch
Uy danh hai Bà phủ mờ và trấn áp cột đồng trụ của Mã Viện dựng ở biên giới phía Bắc!
(câu đối trên cổng đi vào đền thờ Hai Bà ở xã Hát Môn.)

PHẠM HY SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét