Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Hãy thức dậy và tận hưởng mùi hoa nhài

Nguồn: Nicholas Bequelin, Foreign Policy, Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Kể từ kinh nghiệm suýt chết vào năm 1989 của Đảng Cộng sản Trung Quốc – lần cuối cùng mà họ phải đối diện một sự kiện gần giống như các cuộc biểu tình phổ biến đại chúng từng được chứng kiến trong những tuần gần đây ở Trung Đông – những người cai trị ở Bắc Kinh đã không hề nắm lấy cơ hội khi các phong trào xã hội xảy ra.



Vì thế, khi một lời thỉnh cầu trực tuyến kêu gọi công dân Trung Quốc đua tranh với những cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập thực sự chuyển thành các cuộc tụ họp của những người kiếu kỳ nửa tò mò, nửa thận trọng ở Bắc Kinh và một số thành phố khác cách đây hai tuần, nhà chức trách đã nhanh chóng phản ứng.

Một số người xử dụng Internet đã chuyển tiếp lời thỉnh cầu trên các microblogs như Twitter, đã bị bắt vì tội “kích động lật đổ”, một tội phạm về an ninh quốc gia. Trên toàn quốc, công an đã vây bắt, giam giữ, hoặc quản thúc tại nhà hơn 100 người. Ba luật sư nổi tiếng bị công an Bắc Kinh bắt đi vào ngày 16 và 19 vẫn chưa thấy trở về. Một luật sư đến tham dự một hội nghị dự kiến tại thành phố Quảng Châu vào ngày 19 tháng 2 đã bị đánh đập ngay tại chỗ và sau đó đã bị công an làm cho biệt tích. Cũng vào ngày 19, tại tỉnh Tứ Xuyên, Chen Wei và Ran Yunfei, hai blogger nổi tiếng và các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị bắt. Chen đang bị điều tra vì tội “kích động lật đổ”, tội phạm mà người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba đã bị đưa vào tù đến 11 năm vào tháng Mười Hai năm 2009; Ran đang bị điều tra về tội “lật đổ”, tội danh có hình phạt tù tối đa là chung thân.

Bắc Kinh đã không dừng lại ở đó. Chính phủ Trung Quốc đồng thời còn triển khai hàng ngàn công an sắc phục và thường phục đến các địa điểm của những cuộc tụ họp và tăng cường kiểm duyệt các dịch vụ như Twitter và các mạng xã hội ảo. Họ cũng tìm cách đàn áp báo chí nước ngoài bằng cách cho công an sách nhiễu các nhà báo nước ngoài, cư xử thô bạo nhiều người trong số họ, kể cả phóng viên Damian Grammaticas của đài BBC, khi đến hiện trường vào chủ nhật 27 Tháng 2 này, để xem liệu các lời kêu gọi nặc danh trên mạng để tổ chức các cuộc “tuần hành phản đối” có thu hút người tham dự nào hay không. Tường thuật của các phương tiện truyền thông chính thức về các sự kiện Trung Đông đã đánh giá thấp nhu cầu về dân chủ và quyền con người, giải thích cuộc khủng hoảng như là một hệ quả của việc tăng giá lương thực.

Đến nay, vô số nhà quan sát đã vạch ra những khác biệt lớn giữa tình hình ở Trung Quốc và ở Trung Đông để giải thích lý do tại sao những cuộc biểu tình rất ít có khả năng xảy ra trong chàng khổng lồ Đông Á. Ví dụ như, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và nền kinh tế trì trệ ở Trung Đông, nhiều người Trung Quốc đã trải qua hai thập kỷ cải tiến từng bước nhưng đáng kể trong đời sống của họ. Như một sự khôn ngoan thông thường, cách mạng sẽ không lây lan sang Trung Quốc miễn là nền kinh tế tiếp tục vững mạnh.

Nhưng phản ứng kiểu búa tạ của Bắc Kinh đã khiến nhiều người tự hỏi giới lãnh đạo của họ đã đã hoang tưởng và không yên tâm đến dường nào về những rủi ro của sự bất ổn trong nước. Nếu chính phủ Trung Quốc dễ dàng dựa vào các biện pháp rõ ràng là quá mức cần thiết, chẳng phải là đã cho thấy một sự tin tưởng cơ bản vào sự ổn định thực sự của đất nước và tính hợp pháp của đảng cầm quyền. Như Mao Trạch Đông từng tuyên bố một câu nổi tiếng : “Một tia lửa đơn độc có thể phát hỏa cả cánh đồng”. Chắc chắn một chế độ thực sự tự tin vào tính hợp pháp và thành tựu của mình sẽ không cảm thấy phải đáp ứng một cách không cân xứng như thế.

Có một số sự thật về phản biện này. Giới lãnh đạo Trung Quốc bị căng thẳng, đặc biệt là về số lượng những cuộc biểu tình mỗi năm – 80.000, theo các thống kê của chính phủ. Nhưng quy sự hoang tưởng này đến những sự kiện ở Trung Đông là hiểu sai quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Tunisia, Ai Cập và Libya là những chế độ độc tài thất bại. Trong khi Trung Quốc là một loại thành công. Trong cùng một phương cách mà tấm gương của các nền dân chủ thất bại đã không ngăn cản người dân chủ ở những nơi mà các định chế tự do hoạt động khá tốt, giới lãnh đạo Trung Quốc không nghĩ rằng tình hình ở Trung Đông có thể áp dụng cho họ. Cơ chế của họ đã đem lại sự tăng trưởng, không bị ảnh hưởng ngoại bang, đưa được người có khả năng vào các vị trí quyền lực, không cần đến sự cai trị của quân đội đằng sau hậu trường, giữ đối lập chính trị ở mức tối thiểu và không tổ chức những cuộc bầu cử vốn cần đến sự gian lận. Hoặc đấy chính là những điều họ tin.

Tuy nhiên, nếu có điều gì mà những người cai trị ở Bắc Kinh từng rút ra được chính là họ đã đúng. Các loại thử thách mà họ phải đối diện vốn không phải là chính trị: làm dịu nền kinh tế trong khi tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới mỗi năm, tái cân bằng sự tăng trưởng và làm giảm sự khác biệt, đô thị hóa hàng chục triệu người nông thôn di cư mỗi năm và xây dựng một nhà nước phúc lợi. Đấy là kỹ trị. Cuộc tranh luận chính trị duy nhất trong ban lãnh đạo đảng là về thời điểm và những mối ưu tiên trong hệ thống hiện có, chứ không phải về việc nếu phải hoặc khi nào thì bắt đầu một tiến trình dân chủ hóa.

Thực tế, các cuộc đàn áp đã chứng kiến trong vài tuần qua là một chương trình phô diễn của lực lượng công an hơn là bất cứ điều gì khác: đảng tự tin là mình có thể bắt bớ, giam giữ, làm biệt tích và bị quản thúc tại nhà một số lượng ngày càng tăng các nhà hoạt động mà không phải trả giá gì trước cộng đồng quốc tế. Và, thật không may, có vẻ như là Bắc Kinh đúng về điều này.

Nói cho cùng, hình phạt gì đã từng được áp dụng đối với chính phủ Trung Quốc khi đã bắt giữ người vợ của Lưu Hiểu Ba từ tháng Mười, mà không có một minh định gì của luật pháp, một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong toàn bộ lịch sử của giải Nobel Hòa bình ? Chính phủ Trung Quốc có phải trả giá gì về loại đối xử côn đồ đối với nhà hoạt động pháp lý khiếm thị Chen Guangcheng, từng bị giam giữ ngay tại nhà của mình kể từ khi ông được ra khỏi nhà tù vào tháng Chín năm ngoái? Có chính phủ nước ngoài nào từng công khai bày tỏ mối quan ngại về những tin tức đáng báo động rằng Hu Jia, người ủng hộ đấu tranh cho các quyền về y tế, người từng đoạt Giải thưởng Sakharov 2008 về Tự do tư tưởng cũng bị quản thúc tại gia khi ông được ra tù vào tháng Sáu này? Có chính phủ nào đã bày tỏ sự lo lắng về sự cưỡng bức biệt tích của không ít hơn bốn luật sư nhân quyền nổi tiếng – trong đó có Teng Biao, một người nhận giải thưởng năm 2007 của nước Cộng hoà Pháp về nhân quyền, giảng viên tại một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc ? Danh sách có thể còn dài nữa, nhưng câu trả lời luôn luôn giống nhau: Không hề có ai.

Sự im lặng của cộng đồng quốc tế thực sự khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục khép chặt hơn ngưỡng cửa hẹp của sự chịu đựng mà họ đã hé ra cho các nhà hoạt động trong nước, góp phần vào sự gia tăng bộ máy an ninh trong những năm gần đây. Các chiến tuyến đang ngày càng rõ ràng: một nên là các ông trùm an ninh, những người phản đối việc cải cách pháp luật, một bên là các công dân đang ngày càng đòi hỏi đúng sự thay đổi ấy.

Và chính nơi đây tồn tại cội nguồn thực sự nỗi lo lắng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc: Không có gì quan trọng hơn một cuộc cách mạng truyền thông đang diễn ra trên đồng hồ thời gian của họ, đang chuyển đổi hoàn toàn các tính cách và niềm mong đợi của xã hội. Điện thoại di động và Internet đang biến đổi sâu sắc cách thức người dân nhìn thấy bản thân và mức độ chịu đựng của họ về các biệu hiện tùy tiện của nhà nước. Ý thức về pháp luật được chuyển thành các hoạt động hợp pháp và các mối kỳ vọng ngày càng tăng phản ánh một thực tế rằng Trung Quốc không còn có thể ngăn cản công dân của mình khỏi cộng đồng toàn cầu và những phát triển quốc tế quan trọng. Những ngày này, bức Vạn Lý tường lửa hầu như khó có thể còn là một rào cản không xuyên qua được nữa.

Đối với công an chính trị, cuộc cách mạng này là những cơn đau đầu phát triển. Trong quá khứ, đặt một vài công an đóng tại cửa nhà của một người bất đồng chính kiến và giám sát điện thoại là đủ để dập tắt tiếng nói của ông ta, nhưng ngày nay không một loại bắt cóc nào đem được ông ta ra khỏi mạng lưới hoạt động. Twitter đã trở thành thiết bị theo dõi trung tâm của các nhà hoạt động xã hội dân sự trên khắp đất nước, một sự im lặng trong vài giờ đồng hồ là đã đủ để truyền bá tin tức về một sự việc có khả năng bị công an bắt giữ. Trong ý nghĩa đó, cuộc đàn áp trên quy mô lớn dẫn đến từ những lời kêu gọi về một cuộc cách mạng kiểu Hoa Nhài cho thấy rằng công an đang bắt đầu thua cuộc trong trận chiến thông tin.

Ngay cả nếu như loại biểu tình quần chúng phổ biến trong thế giới Ả Rập trong những tuần gần đây vẫn còn cách xa Trung Quốc, những hố ngăn cách đang nở rộng giữa mặt tiền của một “xã hội hài hòa” và một thực tế quá sóng gió chắc chắn sẽ dẫn đến một bất ổn xã hội lớn hơn. Khi chính phủ Trung Quốc phải đối diện với sự suy yếu không thể tránh khỏi trong việc kiểm soát thông tin của mình, có một nguy cơ lớn là họ sẽ lựa chọn tiếp tục trao quyền cho bộ máy an ninh để đàn áp những người biểu tình, các nhà hoạt động dân sự và những biểu hiện chính đáng của bất đồng chính kiến. Thực tế của việc tổng ngân sách cho nền an ninh trong nước hiện ngang ngửa với ngân sách quốc phòng, theo một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, chắc chắn là quay về chiều hướng này.

Liều thuốc giải độc thực sự cho cuộc nổi dậy hoặc cuộc đàn áp nguy hiểm sẽ là phải nhóm lại một tiến trình cải cách pháp lý vốn có thể mở lối được cho sự tôn trọng thực sự các quyền căn bản của công dân Trung Quốc và cắt giảm tiến trình quyền lực độc đoán của nhà nước. Đó là điều sẽ trở thành, nếu không phải là một nhu cầu tức thời, tối thiểu của niềm khao khát chung trong xã hội Trung Quốc. Các nhà cai trị ở Bắc Kinh cũng sẽ được khuyên là nên lưu ý trước khi những lời than phiền thì thầm hiện nay của tình trạng bất ổn trở thành những lời gầm thét dữ dội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét