Posted on Tháng Ba 19, 2011 by truongthondlb1
Vũ Hoàng, phóng viên RFA - “Tôi cũng có cháu đang ở bên nước ngoài, đang có việc cần phải gửi đô la cho cháu. Tôi có ra ngân hàng hỏi mua khoảng 6,000 đô, nhưng thấy nhân viên ở đấy yêu cầu giấy tờ chứng minh, mua để làm gì, nói chung là mua rất khó, không đáp ứng được cho tôi, nên tôi đành phải ngậm ngùi đi. Tôi có qua mấy cửa hàng ở Hà Trung, họ đều xua tay không có, không giao dịch và họ có chỉ lên mạn Hàng Bạc, họ nói là giá hơn 22,000 gì đấy, tôi cũng chưa qua Hàng Bạc, để sau này xem thế nào.“
*
Giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ với việc cấm các giao dịch mua bán đô la ngoài thị trường tự do đang tạo ra một số biến động trong hoạt động cung cầu đô la tại Việt Nam.
Vậy qui định mới này ảnh hưởng ra sao đến thói quen mua bán đô la của người dân hay những hộ kinh doanh cá thể vốn được thực hiện dễ dàng lâu nay?
Ảnh hưởng cả người mua …
Cùng với hoạt động điều tiết kinh tế vĩ mô, thông qua kiểm soát chặt chẽ thị trường tự do trao đổi ngoại tệ, Bộ Công an cũng đang triển khai nhiều biện pháp chống lại hoạt động kinh doanh ngoại tệ trên “chợ đen” vốn đã hoạt động từ lâu trong nền kinh tế. Bỗng chốc thói quen vốn có, chỉ cần có tiền là dễ dàng mua được đô la của người dân, giờ bị chặn lại. Hiện tại, mọi hoạt động trao đổi ngoại tệ phải được thực hiện ở ngân hàng và tuân theo những quy định mới của Nhà nước nhằm kiểm soát ngoại tệ và thống nhất một tỷ giá trao đổi cho toàn bộ nền kinh tế.
RFA photo – Một điểm thu đổi ngoại tệ chính thức ở SG
Tất nhiên, với một chính sách mới ra bao giờ cũng đi kèm theo là “độ trễ” để phát huy tác dụng trong dài hạn, nhưng về mặt ngắn hạn thì những điều lệ mới, khiến cho nhu cầu mua bán ngoại tệ của người dân và của những cơ sở kinh doanh không nằm trong diện ưu tiên cần ngoại tệ cho xuất nhập khẩu gặp nhiều trở ngại.
Người dân vốn ưa sự nhanh gọn, đơn giản mua đô la ngoài các tiệm vàng bạc, thì bây giờ họ phải vào ngân hàng và chứng minh lý do cũng như các giấy tờ khác có liên quan.
Theo lời anh Đức Anh, có cậu con trai đang du học bên Hoa Kỳ, muốn gửi ít tiền sang cho con đóng học phí hè, anh gặp khó khăn khi tìm mua tiền đô vào đúng thời điểm này:
“Tôi cũng có cháu đang ở bên nước ngoài, đang có việc cần phải gửi đô la cho cháu. Tôi có ra ngân hàng hỏi mua khoảng 6,000 đô, nhưng thấy nhân viên ở đấy yêu cầu giấy tờ chứng minh, mua để làm gì, nói chung là mua rất khó, không đáp ứng được cho tôi, nên tôi đành phải ngậm ngùi đi. Tôi có qua mấy cửa hàng ở Hà Trung, họ đều xua tay không có, không giao dịch và họ có chỉ lên mạn Hàng Bạc, họ nói là giá hơn 22,000 gì đấy, tôi cũng chưa qua Hàng Bạc, để sau này xem thế nào.”
Theo quy định của Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Trung ương Việt Nam, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập hay chữa bệnh ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua, với hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Tuy vậy, dù có chứng minh đầy đủ giấy tờ vì sao cần mua đô la, thì đôi khi họ vẫn bị từ chối khéo với câu trả lời là ngân hàng đang thiếu ngoại tệ.
Chị Quỳnh Hương, chia sẻ câu chuyện của bạn mình khi mua đô la để đi công tác nước ngoài:
“Họ không từ chối thẳng với mình là họ không bán cho mình, họ sẽ nói khéo với mình là Ngân hàng chưa có nguồn, là tạm thời phải chờ đợi và chờ đợi thì không biết đến bao giờ. Ngày xưa cứ đi ra ngoài là mua được, còn bây giờ thì phải mua chui, giá đắt hơn vì bây giờ không có giá niêm yết.”
Đó là câu chuyện của những người đi mua ngoại tệ. Về phía những người đi bán ngoại tệ cho Ngân hàng, họ không gặp khó khăn nhiều về thủ tục hành chính, nhưng quyền lợi về mặt kinh tế của họ lại bị ảnh hưởng khá nhiều.
… lẫn người bán
Lâu nay, tỷ giá mua bán ngoại tệ ngoài thị trường tự do đều cao hơn của Nhà nước. Vì thế, bây giờ khi phải bán đô la cho ngân hàng với giá rẻ hơn so với những gì lẽ ra mình được nhận ngoài thị trường tự do, người dân tỏ ra không hài lòng lắm. Chị Ngọc Hà, sống tại Gò Vấp kể:
Tiền đôla Mỹ. AFP photo
“Bây giờ bên ngoài họ không đổi nữa, không thu nữa, ai muốn đổi chỉ có vô ngân hàng thôi, thứ nhất là mình bị lỗ tiền rồi, ở bên ngoài mình đổi được hai triệu hai, bây giờ vào ngân hàng chỉ được chưa tới hai triệu mốt nữa, mà giá bây giờ lại xuống chứ không còn lên như vậy nữa. Mà không có thoải mái như bên ngoài, phải đưa chứng minh thư nhân dân, cực vậy đó.”
Về phía các doanh nghiệp tư nhân, anh Việt Tú, giám đốc Công ty Uỷ thác xuất khẩu chia sẻ về câu chuyện bán đô la mà các khách hàng của anh thực hiện. Các giao dịch không chỉ thua thiệt về mặt kinh tế, mà nếu họ bán đô la ra ngoài cũng là vi phạm các quy định của Nhà nước:
“Hiện tại một số khách hàng của mình đang làm, nhập đô la về, bán cho Ngân hàng thì thấp hơn giá chợ đen. Thường khách hàng xuất khẩu họ có đô la về tài khoản của họ, họ không thể nào rút tiền và mang ra ngoài chợ đen bán được, vì ngân hàng NN không cho phép làm chuyện đó, người ta buộc phải bán lại cho Ngân hàng, nếu có được một cái giá hợp lý thì người ta sẽ bán, còn không thì người ta găm giữ trên tài khoản của người ta.”
Phải chăng nếu hiện tượng “găm giữ” ngoại tệ diễn ra triền miên như trường hợp anh Việt Tú nói, thì lại càng làm cho tình hình căng thẳng ngoại tệ của Việt Nam thêm trầm trọng, ít nhất là về mặt ngắn hạn?
Sẽ phát sinh tiêu cực
Trong khi đó, chị Quỳnh Hương, chủ doanh nghiệp tư nhân, chuyên về thu mua sản phẩm tiêu dùng và xuất sang Châu Âu cho biết, những rắc rối về lượng ngoại tệ thu về nhưng khó quy đổi ra tiền Việt, nhằm quay vòng, đặt mua hàng trong nước. Chị nói:
Một khu mua bán ngoại tệ chợ đen ở SG. AFP photo
“Tạm thời thị trường bây giờ vẫn đóng băng ở ngoài. Vì sáng nay đi hỏi để bán thì họ nói không mua, còn không biết trên thực tế có mua hay không, khách biết mình nhưng họ không đủ độ tin tưởng, sợ nhỡ có vấn đề gì nên không dám mua. Kiểu gì mà Nhà nước không mở lại thị trường đen thì nó sẽ hoạt động ngầm, theo kiểu gọi là “buôn lậu” đấy.”
Cũng theo lời chị Quỳnh Hương để thích nghi với những quy định mới, muốn mua bán với số lượng lớn, ngoài chợ đen, người ta trao đổi qua điện thoại và giao thu tại nhà chứ không công khai như trước đây.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, việc dẹp bỏ thị trường chợ đen là chuyện khó làm:
“Tôi không nghĩ là có biện pháp triệt để dẹp thị trường tự do đâu. Chính phủ đang có nỗ lực ổn định tỷ giá theo tỷ giá chính thức và tránh những trường hợp đơn vị thu đổi ngoại tệ áp dụng tỷ giá cao hơn tỷ giá chính thức, nhằm ổn định tiền tệ trong giai đoạn hiện nay. Còn việc dẹp bỏ hoàn toàn thị trường ngoại tệ tự do là việc rất khó khăn và phải cần thời gian khá lâu dài mà trên thực tế có thể nói rằng là chuyện bất khả thi.”
Có cầu thì ắt hẳn có cung. Những bất cân đối giữa cung cầu ngoại tệ như hiện nay sẽ dễ dàng dẫn đến nhiều tiêu cựu trong ngành ngân hàng. Chẳng hạn để có được số ngoại tệ cần thiết, các doanh nghiệp có thể phải trích lại khoản tiền phần trăm cho ngân hàng; hoặc là sẽ tồn tại một loại tỷ giá thoả thuận không chính thức giữa ngân hàng và doanh nghiệp do tình trạng độc quyền cung ứng ngoại tệ.
Không rõ liệu những công cụ kiểm soát của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả tới đâu hay câu chuyện muôn thuở “không làm được là cấm” lại xuất hiện. Hi vọng rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những biện pháp điều chỉnh linh hoạt nhằm cải thiện môi trường mua bán ngoại tệ, tránh tắc nghẽn luồng ngoại tệ thực tế, đảm bảo được những nhu cầu chính đáng về ngoại tệ của người dân cũng như hạn chế tối đa những tiêu cực có thể có.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/buying-and-selling-dollars-vh-03182011164508.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét