Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Nhà nước cần can thiệp ổn định thị trường vàng

By rfavietnam

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2010-11-21

Khi giá vàng thế giới vừa nhích lên hai mươi đô la thì giá vàng trên thị trường nội địa tăng vọt đột ngột và có ngày đã vượt ngưỡng ba mươi sáu triệu đồng một lượng. Tình hình hiện tại cho thấy giá đô la cũng đang tăng trở lại.


AFP Photo/Hoang Dinh Nam

Hôm 8-1-2004, khách hàng đang mua vàng tại một tiệm bán vàng ở Hà Nội.

Tăng từng giờ
Giá vàng trên thị trường nội địa Việt Nam diễn biến đột ngột và gần như tăng lên từng ngày, nếu không muốn nói từng giờ. Có lúc đã tới mức cao nhất là ba mươi sáu triệu hai trăm bốn chục nghìn đồng một lượng.

Ngay 8 giờ sáng thứ Năm, Sacombank niêm yết giá vàng thu vào ba mươi lăm triệu bảy trăm chín chục nghìn, bán ra ba mươi lăm triệu chín trăm chín chục nghìn, tức là tăng gần một triệu rưỡi so với giá hôm thứ Tư.

Thế nhưng ba mươi phút sau đó, giá vàng nhảy thêm hai trăm năm chục nghìn, tức ba mươi sáu triệu ba trăm năm chục nghìn một lượng, tăng một triệu bảy so với ngày hôm trước.

Đầu cơ làm giá vàng?

Một tiệm vàng ở Hà Nội. AFP photo
Giá đô la cũng biến động nhưng không đến tình trạng đảo chiều đột ngột như giá vàng. Giá vàng tăng do đâu và việc tăng giá vàng có làm ảnh hưởng tới những sự tăng giá khác hay không?

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia về giá cả và thị trường thuộc Bộ Tài Chánh Việt Nam, phân tích rõ về ba yếu tố có thể tác động đến sự tăng vọt bất thường của giá vàng trên thị trường nội địa.

Theo ông, giá vàng Việt Nam chịu sự tác động của giá vàng thế giới, nhưng lý do thứ nhất của giá vàng tăng vọt là do độ trễ trong việc nhập khẩu vàng, vì thế tình hình gọi là biến thiên trên thị trường thế giới không phản ảnh một cách đột ngột như trên thị trường Việt Nam:

“Đó là yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai thì có thể là áp lực liên quan đến câu chuyện về tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên thì cho đến mấy ngày gần đây, những dấu hiệu về áp lực tỷ giá hối đoái cũng đã giảm nhẹ đi một phần rồi, nên tôi cho rằng đó không phải là tác động cơ bản.”

Còn yếu tố thứ ba là yếu tố tâm lý, tiến sĩ Vũ Đình Ánh giải thích tiếp. Ít nhất trong ba ngày qua ông đã theo dõi sát và nhận thấy diễn biến của giá vàng có thể nói là liên tục, thậm chí được điều chỉnh hàng giờ. Dưới con mắt phân tích của ông, điều này liên quan chủ yếu đến các nguyên nhân nội tại:

“Tức là có thể các giới kinh doanh vàng họ đang làm giá chứ không phải là liên quan tới câu chuyện của tỷ giá hay câu chuyện của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, để tìm căn cứ xác đáng hơn thì chắc còn phải chờ đợi một thời gian để xác định lại những thông tin kiểu như vậy.”

Về giá đô la, ông Vũ Đình Ánh cho rằng không phải lúc nào ở Việt Nam giá đồng Mỹ kim cũng đột biến như vậy, tuy rằng thường giá vàng tăng thì giá đô la cũng tăng và ngược lại, mà đó là qui luật thông thường cách đây trên một năm:

“Tuy nhiên trong thời gian gần đây vấn đề vàng tăng và đô la cũng tăng thì có thể giải thích là do áp lực cung cầu đồng đô la. Thế còn diễn biến của mấy ngày gần đây, như tôi nói, có thể vì giá vàng được điều chỉnh phải nói là hàng giờ, và diễn biến có thể nói là khá bất thường với biên độ giao động khoảng trên một triệu cho một lượng. Ví dụ hôm qua đã lên tầm một triệu rưỡi một lượng.”

Tức là có thể các giới kinh doanh vàng họ đang làm giá chứ không
phải là liên quan tới câu chuyện của tỷ giá hay câu chuyện của giá vàng
thế giới.

TS Vũ Đình Ánh

Từ điểm này, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định diễn biến tăng giá của vàng không đồng chiều với diễn biến tăng giá của đồng đô la. Theo ông, thị trường đô la tuy có biến động nhưng hiện chỉ giao động dưới mức hai mươi mốt ngàn đồng ăn một đô la Mỹ:

“Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cũng đã có khá nhiều động tác để ổn định thị trường đô la. Nhưng mà câu chuyện về ổn định thị trường vàng thì vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng, ngoại trừ câu chuyện cho phép nhập khẩu vàng mà hiện nay thì cũng đã nhập khẩu rồi.”

Là chuyên gia về giá cả và thị trường, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét diễn biến của giá vàng trên thị trường nội địa trong mấy ngày qua là điều khó giải thích, nhất là trong bối cảnh việc sử dụng vàng dưới dạng tích trữ hay dưới dạng kinh doanh mà có sự tận dụng độ chênh lệch về giá cả thì cho đến nay vẫn chưa tìm được thông tin nào xác thực hơn.

Với câu hỏi phải chăng đang có sự thả nổi thị trường vàng và đang có hiện tượng đầu cơ tích trữ mặt hàng này, tiến sĩ Vũ Đình Ánh trả lời rằng chuyện đầu cơ hay làm giá trên thị trường thả nổi như hiện nay là chuyện thường và diễn biến của nó cũng khá là bình thường.

Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc cho phép các doanh nghiệp có thể nhập khẩu vàng theo diễn biến thị trường.

Điểm quan trọng nhất hiện nay mà tiến sĩ Vũ Đình Ánh muốn nói, là coi thị trường vàng như một bộ phận của thị trường tiền tệ, tài chính hay chỉ là một loại hàng hóa đơn thuần:


Một tiệm vàng ở Hà Nội chụp năm 2009. AFP photo.
“Khi mà giải quyết đứt điểm quan điểm vừa trình bày thì tôi cho rằng cũng sẽ có những biện pháp để làm giảm đầu cơ hay làm giá trên thị trường bởi vì thực sự ở Việt Nam vàng đóng vai trò rất quan trọng kể cả về mặt truyền thống cũng như về mặt kinh tế.

Rõ ràng câu chuyện vàng ở Việt Nam tùy thuộc hoàn toàn vào câu chuyện nhập khẩu vàng. Do đó cơ chế để bình ổn hay có thể nói để vàng vận động theo đúng nguyên tắc thị trường thì tôi cho rằng điểm quan trọng đầu tiên phải xử lý là ứng xử thị trường vàng như là thị trường tài chính tiền tệ hay là thị trường hàng hóa đơn thuần, tuy rằng vàng vẫn là một loại hàng hóa đặc biệt.

Chính sự chưa rõ ràng này đôi khi làm các cơ quan chức năng cơ quan quản lý lung túng trong diễn biến của thị trường vàng, do đó hạn chế hiệu quả từ các công cụ can thiệp vào thị trường này.”

“Vàng hóa”
Nếu thị trường vàng cứ diễn biến đột ngột, liên tục, có khuynh hướng tăng lên hơn là giảm xuống như mấy ngày qua, thì liệu có tạo ảnh hưởng đáng kể lên lương thực thực phẩm trong nước không, đặc biệt trong thời điểm năm hết Tết đến như hiện giờ ? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng tác động trực tiếp thì không có:

“Bởi như tôi đã nói thị trường vàng nếu cứ coi nó là hàng hóa đi chăng nữa thì đó là một loại hàng hóa đặc biệt, do đó mối liên hệ trực tiếp giữa thị trường vàng, thị trường tiền tệ, với thị trường lương thực và thực phẩm gần như là không có.”

Ngay cả các chợ bán lẻ bình thường thì nhiều người bán mớ rau hay
cân gạo cũng lý giải việc chỉ số giá tăng lên là do giá vàng tăng mặc
dù thực sự giữa hai thị trường đấy rất khó có mối liên hệ trực tiếp.

TS Vũ Đình Ánh

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, thực tế là trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đã bị “đô la hóa “, thậm chí gần đây có thuật ngữ mới là “vàng hóa” khá là cao, thì những biến động trên thị trường vàng cũng ít nhiều tác động đến thị trường lương thực và thực phẩm cũng như các thị trường khác:

“Ngay cả các chợ bán lẻ bình thường thì nhiều người bán mớ rau hay cân gạo cũng lý giải việc chỉ số giá tăng lên là do giá vàng tăng mặc dù thực sự giữa hai thị trường đấy rất khó có mối liên hệ trực tiếp.

Tuy nhiên như tôi đã nói, các hiệu ứng mà người ta dựa vào đó để điều chỉnh giá và thông qua đó thì tác động toàn bộ tới các thị trường khác.”

Tiến sĩ Ánh khẳng định điều người dân quan tâm trong giai đoạn này là giá cả tiêu dùng và gần đây là chất lượng hàng hóa trên thị trường lương thực thực phẩm, bởi nó ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số dân chúng mà hết bảy chục phần trăm là người dân ở nông thôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét