Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

‘Khó ổn định kinh tế vĩ mô VN nếu chỉ giải quyết các vấn đề ngọn’

Thưa quý vị, Việt Nam mới thông báo sẽ tăng giá điện hơn 15% vào tháng tới, trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu cũng đang ‘leo thang’. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng động thái mới nhất này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân cũng như khiến nỗ lực ngăn chặn lạm phát tăng cao trở nên khó khăn hơn. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Nguyễn Trung với tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập và nguyên là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, về những diễn biến trong nền kinh tế Việt Nam.
Nguyễn Trung


Hình: Reuters
Ông Long cho rằng 'các cơ quan chức năng và nhà nước phải làm sao để tạo được lòng tin'.
Chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'
Tiến sĩ Ngô Trí Long nói: 'Người dân phải cùng chia sẻ với nhà nước thôi, bằng các biện pháp chi tiêu hợp lý, chi tiêu tiết kiệm và thông minh nhất. Căn cứ vào tình hình giá cả như vậy thì phải biết chi cái gì, không chi tiêu cái nào'.


Tiến sĩ Ngô Trí Long: Nói chung, trong bối cảnh đó, đời sống của người dân gặp khó khăn hơn trước kia. Lương thì chưa tăng mà giá cả lại tăng, cho nên thu nhập thực tế của người dân bị giảm.

Với điều kiện đó thì ngoài đồng lương thì tôi cũng phải đi kiếm thêm những thu nhập khác nữa bằng sức lao động của mình, ví dụ như làm thêm trong các dự án của nhà nước hay của các tổ chức phi chính phủ.

VOA: Thế còn với tư cách một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá ra sao về các quyết sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô mà nhà nước đưa ra thời gian qua?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Hiện nay, thực trạng kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa ổn định, ví dụ như bội chi ngân sách luôn ở mức cao. Về chính sách tiền tệ, hiện nay thực chất lãi suất vẫn còn hai giá giữa mức nhà nước quy định và hoạt động thực chất của các ngân hàng. Lãi suất còn quá cao, nên các doanh nghiệp khó có khả năng chịu nổi.

Về chính sách tỷ giá, đồng tiền Việt Nam hiện đang mất giá. Sức mua của đồng tiền hiện nay cũng đã giảm sút, và chưa ổn định. Cán cân thương mại cũng thâm hụt rất là lớn, và nhập siêu vẫn còn rất là cao. Vậy nên, vấn đề quan trọng hiện nay là nhà nước phải cải thiện các cân đối vĩ mô, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại cũng như trong tương lai.

VOA: Trả lời báo chí trong nước, thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói, xin trích, ‘Tôi mong rằng người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần tin tưởng vào thông điệp và những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà chính phủ sắp triển khai. Không có cơ sở nào để cho rằng kinh tế nước ta biến động ngoài tầm kiểm soát’. Suy nghĩ của ông về tuyên bố này?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Thực chất hiện nay, đối với những người ở cấp điều hành, ở các cơ quan quản lý nhà nước thì người ta luôn luôn phải tạo ra một niềm tin để cho người dân tin tưởng vào đó. Hiện nay cái lớn nhất và cái cần phải giải quyết không phải vấn đề lạm phát mà là nỗi lo lạm phát và tâm lý của người dân thực sự chưa tin tưởng vào sức mua và sự ổn định của đồng tiền hay các chính sách tiền tệ.

Theo tôi, các cơ quan chức năng và nhà nước phải làm sao để tạo được lòng tin. Để tạo được lòng tin đó thì phải bằng sự ổn định thực sự của nền kinh tế vĩ mô bằng tiềm lực kinh tế của nhà nước, chứ không thể bằng lời nói.

Vừa qua, nhà nước điều hành tỷ giá với mức điều chỉnh rất lớn tới 9,3%. Đây là lần đầu tiên điều chỉnh tỷ giá rất là cao. Nhà nước nghĩ rằng với cách điều hành tỷ giá đó, nhà nước có đủ lực lượng, nguồn ngoại tệ, nhưng trong thực tế vừa qua, thực lực của nền kinh tế và dự trữ ngoại hối thấp, nên trong bối cảnh đó, ảnh hưởng tới nguồn ngoại tệ có thể cung ứng cho thị trường, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Điều đó làm cho tỷ giá thị trường tự do không ăn nhập với tỷ giá do nhà nước quy định.

VOA: Thưa ông, có ý kiến cho rằng các quyết sách kinh tế không nhất quán càng làm các nhà kinh tế lo ngại về sự thiếu định hướng cho nền kinh tế Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Hiện nay, thực chất do tiềm lực kinh tế, năng lực kinh tế của Việt Nam còn hạn chế, cho nên mặc dù các quyết sách đã được đưa ra, nhưng ‘lực bất tòng tâm’. Khả năng thì có hạn nhưng ước muốn thì rất là lớn, cho nên điều đó cũng làm cho các khó khăn trong nền kinh tế còn tồn tại và những bất cấp vẫn hiện hữu.
VOA: Vâng, vậy liệu Việt Nam có rơi vào ‘vòng xoáy giá’ như nhận định của một số chuyên gia không, thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Hiện nay chính phủ cũng đã khẳng định, lạm phát là vấn đề cốt lõi số một mà nhà nước cần phải kiềm chế. Cho nên, vừa qua, phiên họp của chính phủ cũng coi đây là mục tiêu hàng đầu, và vì thế đã tiến hành các biện pháp tài chính hay tiền tệ. Có nghĩa là phải thắt chặt, giảm bội chi ngân sách, hay thực hiện vấn đề đầu tư có trọng điểm, đầu tư có hiệu quả. Đấy là những vấn đề tôi nghĩ chính phủ đã bắt đầu nhận thấy.

Nếu chính phủ đã nhận thấy và phải nỗ lực thực sự quyết tâm thì mới có khả năng ổn định kinh tế vĩ mô. Khi đã ổn định kinh tế vĩ mô là giải quyết gốc rễ vấn đề. Chứ còn như giải quyết bằng những quyết sách như điều hành tỷ giá, hay giải quyết các vấn đề ngọn khác, thì khó có khả năng tạo ra một sự ổn định nền kinh tế vĩ mô.

VOA: Trong tình trạng kinh tế như hiện nay, người dân nên làm gì, thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Trí Long: Người dân phải cùng chia sẻ với nhà nước thôi, bằng các biện pháp chi tiêu hợp lý, chi tiêu tiết kiệm và thông minh nhất. Căn cứ vào tình hình giá cả như vậy thì phải biết chi cái gì, không chi tiêu cái nào. Phải chi tiêu đúng lúc và đầu tư hợp lý. Chứ còn đối với người dân, không có cách nào khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét