NHNN vừa ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại "duy trì tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011". Có lẽ chưa muộn!
Ngày 20/5/2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thêm một văn bản 3976/NHNN-CSTT về kiểm soát hoạt động tín dụng. Nói "thêm", vì đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải văn bản đầu tiên bắt buộc các ngân hàng tuân thủ trần tăng trưởng tín dụng đã được thiết lập cho năm.
Điểm khác duy nhất của văn bản mới là ở câu "các tổ chức tín dụng duy trì tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011".
Ngắn hóa kỳ hạn cho vay
Khi đưa ra mốc chặn tăng trưởng tín dụng đến cuối năm dưới 20% cho cả hệ thống và từng ngân hàng, cơ quan quản lý ngành quan niệm đơn giản rằng mức tăng sẽ tuần tự thấp hơn 5%/quí, mỗi tháng tăng trên dưới 1-2%, cộng dồn cuối năm không vượt trần là được. Tuy nhiên thực tế lại không đơn giản thế! Các ngân hàng đang rất linh hoạt trong hoạt động tín dụng từng tháng bằng cách ngắn hóa kỳ hạn cho vay.
Tín dụng tháng này của ngân hàng A có thể tăng tới 25% so với cuối năm ngoái, sang đến tháng sau đã tụt nhanh xuống 5% vì hầu hết hợp đồng cho vay có kỳ hạn một tháng. Tình trạng trên được thúc đẩy bởi hai nguyên nhân: vốn huy động của ngân hàng hiện nay chủ yếu ở kỳ hạn vài tuần đến một tháng. Tỷ lệ khách hàng gửi tiền ba tháng đếm trên đầu ngón tay. Đầu vào ngắn thì đầu ra cũng phải ngắn. Thứ hai, các hợp đồng ngắn hạn dễ tái tục, thu lời ngay, đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp.
Vì sao phải "trong suốt cả năm"?
Cả người vay và cho vay đã khéo léo tận dụng sự kiểm soát máy móc và hành chính của trần tăng trưởng tín dụng trong ba tháng đầu năm. Ngày 24/3/2011 Thông tư 07 quy định về cho vay ngoại tệ mới được ban hành và tận 9/5/2011 mới có hiệu lực. Ngày 9/4/2011 Thông tư 09 hạ lãi suất huy động ngoại tệ của dân cư và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ mới được ban hành.
Trước hai thông tư, huy động và cho vay ngoại tệ vẫn tăng ở mức cao kỷ lục. Theo NHNN, lãi suất vay ngoại tệ bình quân từ đầu năm đến 16-3-2011 ở mức 6,83%/năm, trong khi cùng thời điểm lãi suất đầu ra tiền đồng bình quân 16-18%/năm. Vay ngoại tệ với chi phí rẻ thế, tội gì không vay? Kết quả là tăng trưởng tín dụng quí 1 của các "ông lớn" đều ở mức 7-10% so với cuối năm 2010, cao hơn hẳn toàn ngành.
Cụ thể, Vietinbank cho vay đến cuối quí I/2011 là 251.442 tỉ đồng so với 234.204 tỉ đồng cuối năm ngoái, tức tăng trưởng 7,36% (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất CTG quí 1-2011, trang 1). Con số cho vay tương ứng cùng thời gian đó ở Vietcombank là 197.931 và 176.813 tỉ đồng, tăng trưởng 11,94% (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất VCB quí I/2011, trang 3).
Chỉ từ giữa tháng 4 đến nay tín dụng chung mới khựng lại do tăng trưởng cho vay ngoại tệ giảm dần sau khi thông tư 07, 09 phát huy tác dụng. Tuy nhiên tình trạng ngắn hóa kỳ hạn cho vay vẫn đang tiếp diễn. Vốn được đẩy ra nhanh, rút vào nhanh rồi lại đẩy ra nhanh. Cứ thế luồng tiền từ ngân hàng chảy vào nền kinh tế vẫn cao nhờ tốc độ luân chuyển vốn mau lẹ. Thanh tra NHNN có vào cuộc cũng không thể bắt bẻ các ngân hàng. "Anh đòi hỏi tôi tới cuối năm không được tăng quá 20%, tôi chấp hành. Còn tuần này, tháng này, quí này tôi tăng trưởng tín dụng bao nhiêu đâu có phạm luật?". Nhìn ra vấn đề, NHNN liền hạ bút "duy trì tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011". Có lẽ chưa muộn!
Bút sa gà chết
Văn bản 3976 thòng thêm một câu: "Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất so với năm 2010". Chẳng là ở một số ngân hàng dư nợ cho vay phi sản xuất năm ngoái thấp. Năm nay sau khi tính toán dư nợ phi sản xuất đến cuối tháng 6 tối đa bằng 22% và cuối năm bằng 16% tổng dư nợ, số tuyệt đối có thể cho vay vẫn còn dư địa cao hơn năm 2010, nên một số ngân hàng xây dựng kế hoạch cho vay lĩnh vực này cao hơn năm ngoái. Quy định chi tiết ở câu thòng trên đã xóa luôn dư địa đó.
Sự kín kẽ của văn bản mới được ghi nhận. Các ngân hàng không vui mừng gì. Thanh tra NHNN trong phần cuối văn bản được yêu cầu giám sát và xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện đúng quy định về kiểm soát tín dụng. Nói thẳng ra, ở bất kỳ thời điểm nào hiện nay nếu thanh tra NHNN phát hiện ngân hàng nào có mức tăng trưởng vượt quá trần, ngân hàng đó sẽ gặp rắc rối.
Chưa thể nói quy định mới liệu có tác dụng sửa sai những kẽ hở của tăng trưởng tín dụng đến đâu, nhưng ít nhất nó đã thừa nhận thực trạng tín dụng ba tháng đầu năm chính là một trong những tác nhân gây nên sự thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng. NHNN đã điều hành tiền đồng một cách chủ quan dựa trên các rào chắn, mà thiếu quan tâm đến các kẽ hở.
Trong khi ba-ri-e tín dụng không mang lại hiệu quả trông đợi, tín dụng đến 21-4-2011 vẫn tăng 5,1%, huy động vốn hầu như không tăng, NHNN lại bóp chặt đột ngột tổng phương tiện thanh toán (chỉ tăng 0,98% so với cuối năm ngoái, thấp nhất trong 15 năm), làm cho tiền lưu thông ngoài ngân hàng tăng tới 4,12%. Khi tiền trong lưu thông tăng, lẽ ra lãi suất huy động phải thả nổi để ngân hàng hút tiền về, thì trần lãi suất 14% lại được áp đặt. Việc này chẳng khác nào xây hàng loạt bờ đập trên dòng sông, khiến nước chỗ tràn, chỗ cạn, nay chống hạn mai lại lo chống úng.
(Theo TBKTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét