Chỉ trong vòng một tháng, hàng chục công ty chứng khoán thay đổi chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh... Trong khi thay đổi diễn ra, thị trường đang lâm vào khủng hoảng.
> Cổ phiếu rẻ hơn rau muống
Đình đám nhất về thay đổi nhân sự là Công ty chứng khoán Hà Thành (HASC) với việc Chủ tịch Hội đồng quản trị - ông Trương Duy Sơn "biến mất" cùng khoản thâm hụt tài khoản chứng khoán trên 100 tỷ đồng. Hội đồng quản trị của HASC phải họp bất thường để bầu chủ tịch mời là ông Bùi Quang Hùng, đại diện cho các cổ đông điện lực ở công ty này.
Trước đó, ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng giám Công ty chứng khoán SHB (SHS) cũng đã từ nhiệm để tìm công việc mới trong bối cảnh thị trường chứng khoán khủng hoảng, hoạt động của công ty quá khó khăn. Lúc đó, giá SHS chỉ còn quanh mức 7.000 đồng một cổ phiếu, còn hiện chỉ còn 5.900 đồng. Sự thay đổi nhân sự tại SHS được nhiều người chú ý bởi ông Vinh từng làm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt – công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam.
Thị trường khủng hoảng, các sếp chứng khoán chán nản. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Liên Việt – ông Hoàng Xuân Quyến cũng chuẩn bị rời tổ chức này sau khoảng một năm làm việc với lý do cá nhân. Tuy nhiên, tương tự như nhiều vụ thay đổi nhân sự tại các công ty chứng khoán khác, ông Quyến ra đi vào đúng lúc thị trường khó khăn nhất.
Một loạt công ty khác cũng thay đổi nhân sự cấp cao như chứng khoán Kenanga Việt Nam bổ nhiệm tân Chủ tịch Cao Văn Sơn thay cho ông Đỗ Quang Trung kể từ ngày 4/5/2011. Vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần chứng khoán Việt Nam (VESC) được ông Kellee Chee Khiong đảm nhiệm thay cho ông Chay Wai Leong kể từ ngày 6/5/2011…
Với các chức danh như thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh thì hàng ngày các sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP HCM) vẫn đều đặn công bố thông tin thay đổi như: chứng khoán Đại Tây Dương, Vietinbank, Phương Đông, Quốc tế, Đại Nam, KIS, Tân Việt, Sao Việt… Có những ngày sở giao dịch chứng khoán công bố đến hai, ba doanh nghiệp có sự biến động về các vị trí trong hội đồng quản trị.
Đi kèm với thay đổi nhân sự cấp cao, hàng loạt công ty cũng thu hẹp hoạt động ngay sau đó. Công ty chứng khoán ACB (ACBS) thông báo miễn nhiệm giám đốc chi nhánh Nguyễn Công Trứ là ông Đặng Văn Tân kể từ ngày 6/5/2011. Và tiếp đó, ACBS quyết định đóng cửa 3 chi nhánh trong đó có đơn vị do ông Tân đảm trách. Ngoài ACBS, một vài công ty chứng khoán lớn khác như Thăng Long (TLS), Sài Gòn (SSI) cũng có những thay đổi về lãnh đạo cấp trung.
Trao đổi với VnExpress.net, phó chủ tịch hội đồng quản trị một công ty có giá trên sàn khoảng 4.000 đồng một cổ phiếu nói: “Khi thị trường đi lên, ai cũng vui vẻ. Khi khủng hoảng thì sinh ra nghi kỵ nhau, mâu thuẫn trong ban lãnh đạo, hội đồng quản trị… dẫn đến việc thay đổi người điều hành, người đại diện theo pháp luật”.
Ông này cũng tiết lộ, nhiều nhân viên cấp cao công ty chứng khoán ra đi bởi khó tìm thấy khả năng vực dậy hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hiện nay mà cơ hội làm việc ở nơi khác lại hấp dẫn hơn. Với các vị trí thuộc cấp cao nhất, một số người phải ra đi vì không đồng thuận được với các cổ đông lớn khác.
Tuy nhiên, cán bộ nhân sự của một số công ty chứng khoán tại Hà Nội lại cho rằng, hầu hết các thay đổi về nhân sự trong công ty đều mang lại không khí và hiệu quả làm việc tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội cải tổ ngay trong chính thời kỳ khủng hoảng. Ban lãnh đạo mới sẽ phải chịu thách thức, áp lực lớn hơn, đạt được những chỉ tiêu đề ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn hơn trước. Nguồn tin từ Công ty chứng khoán Kenaga thì cho biết, công ty này thay đổi chủ tịch bởi người tiền nhiệm cần phải ra nước ngoài chữa bệnh một thời gian.
Với Công ty chứng khoán Hà Thành, một thành viên hội đồng quản trị tiết lộ, Chủ tịch mới đại diện cho nhóm cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn thứ hai sau ông Trương Duy Sơn. Khi ông Sơn “mất tích”, nhóm cổ đông giữ tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất cần phải cử người đại diện lên nắm quyền.
Tuy nhiên, cũng có những công ty gặp khó khăn lớn mà thành viên ban lãnh đạo vẫn khá ổn định. Sau khi một nhân viên môi giới VIP bị khởi tố vì bị tình nghi tiếp tay cho vụ làm giá chứng khoán của cựu Chủ tịch Dược Viễn Đông, 8 vị lãnh đạo cấp cao của Công ty chứng khoán Sacombank đồng loạt công bố mua thêm cổ phiếu dù giá đang tụt dốc. Chủ tịch của công ty – ông Nguyễn Hồ Nam nói: “Việc mua cổ phiếu của chúng tôi thể hiện cam kết gắn bó và đồng lòng cùng công ty vượt khó khăn”.
Thanh Hoa – Hoàng Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét