Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Thư cảm ơn ông Nguyễn Đình Đăng đã có phản hồi bài viết Đường sắt Nhật Bản – “ốc vẫn chưa lo nổi mình ốc…”!

TS Trần Đình Bá – Hội

Kinh tế & Vận tải ĐSVN

Kính thưa ông Nguyễn Đình Đăng và trang mạng BVN,

Trước hết tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Đăng đã có sự quan tâm phản hồi bài viết Đường sắt Nhật Bản – ốc vẫn chưa lo nổi mình ốc…!, và cũng xin cảm ơn BVN đã làm cầu nối thông tin hai chiều giữa tác giả và độc giả.

Không ai muốn thảm họa xảy ra với cuộc sống bình yên của con người dù là bất kỳ quốc gia nào. Song khi thảm họa xảy ra rồi thì phải tìm ra được nguyên nhân để phòng tránh tránh cho cộng đồng, đừng thờ ơ đứng ngoài cuộc để lại giẫm lên vết xe đổ của người đi trước và trả giá bằng máu xương của đồng bào mình.

Trong bài viết của mình, tôi đã đặt ra câu hỏi: Tại sao tàu hỏa cao tốc Nhật Bản giành kỷ lục thế giới với tốc độ trên 300 km/h mà lại để những đoàn tàu tốc độ khiêm tốn 70 – 90 km/h bị lật? Đó chính là câu hỏi mà toàn thế giới đã đặt ra khi Nhật Bản – một quốc gia giàu có, một cường quốc có một nền khoa học công nghệ hiện đại tiên tiến, đặc biệt là có ĐS đang dẫn đầu kỷ lục về tốc độ – để xảy ra thảm họa quốc gia thảm khốc về đường sắt. Thảm họa ĐS đó đã cảnh tỉnh toàn thế giới về vai trò ĐS khổ hẹp, cho thấy ĐS khổ hẹp không còn giá trị sử dụng nữa, và đang trở thành vật bảo tàng “đồ cổ”. Thế nhưng hiện nay Việt Nam tiếp tục phạm sai lầm giống như ĐS Nhật Bản ngay trên ĐS khổ hẹp, mà khổ hẹp chỉ 1 mét!

Tôi xin giải thích 3 vấn đề mà ông đã nêu ra trong bài phản hồi như sau.

Thứ nhất: Bài viết của tôi đã trình bày cho độc giả biết chính xác rằng thảm họa 25/4/2005 không phải xảy ra ở tàu cao tốc shikansen mà là lật tàu trên ĐS thường (commuter train) khổ đường sắt hẹp 1,067 mét có từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, từ những năm 1860. Đây là loại khổ ĐS hẹp 1,067 m lạc hậu (Việt Nam ta có 3.000 km đường sắt khổ 1 mét). Nhật Bản có trên 24.000 km ĐS hẹp 1,067 m, chiếm tới 93% chiều dài ĐS toàn quốc. Qua thảm họa lật tàu, nhân dân thế giới và nhân dân Nhật Bản mới vỡ nhẽ, vì trước đó cứ tưởng ĐS Nhật Bản phải toàn là khổ 1,435 m tiên tiến nhất thế giới. Đây là sai lầm kỹ thuật lớn nhất của Tập đoàn ĐS Nhật Bản vì đã không chịu mở rộng khổ ĐS để đảm bảo chống lật an toàn. Chủ tịch Tập đoàn ĐS phải từ chức song cũng không thể chuộc lại sai lầm vĩ đại này. Nhật Bản đang ôm hận với mớ “bòng bong” này, vì toàn bộ hệ thống ĐS khổ hẹp đó đã được kiên cố hóa bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực và được điện khí hóa. ĐS Nhật Bản đang trở thành lạc hậu nhất thế giới với kỷ lục có 93% chiều dài ĐS quốc gia JR (Japan Railways) khổ hẹp 1,067 mét, tốc độ thường dưới 120 km/h. Đó là điều mà các quan chức ĐS Nhật Bản hổ thẹn trước nhân dân họ và toàn thế giới, không thể biện minh trước nhân dân, những người đóng thuế để xây dựng ĐS quốc gia. Hiện nay, Trung Quốc đã mở rộng thành công 74.000 km ĐS khổ hẹp thành ĐS khổ tiêu chuẩn 1,435 m, tốc độ cao trên 150-200 km/h; họ chỉ để lại một đoạn ĐS khổ hẹp 1 mét từ Hà Khẩu đi Côn Minh để làm bảo tàng ĐS đồ cổ (họ gọi là tiểu ĐS).

Thứ nhì: Lật tàu trên khổ ĐS hẹp 1,067 mét là tất yếu sẽ xảy ra vì độ an toàn của mômen kháng lật quá thấp. Việc ĐSVN bắt chước ĐS Nhật Bản kiên cố hóa ĐS khổ hẹp 1 mét bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực “tiêu chuẩn Nhật Bản 1,067 cắt ngắn thành 1 mét” là một sai lầm lớn, sẽ gây lật tàu do phản lực nền đường làm giảm mô men kháng lật. Các nước tiên tiến như châu Âu, Trung Quốc, Hoa kỳ đều ĐS dùng khổ 1,435 m, đó mới là khổ ĐS tiên tiến, an toàn, tiết kiệm mà chúng ta phải học tập. Việc các tiến sĩ Bộ GTVT nước ta đưa ra sáng kiến dùng tà vẹt “Tiêu chuẩn Nhật Bản” 1,067 m, cắt ngắn thành 1 mét để kiên cố hóa toàn bộ hệ thống ĐS quốc gia (Vietnam Railways) để tham vọng chạy 120 km/h như ĐS Nhật Bản là một sự học đòi dại dột và sẽ chắc chắn lao theo vết xe đổ của ĐS Nhật Bản, vì khổ ĐS của ta còn thua họ 67 mm, tôi đã tính được mô men kháng lật thua họ 15% thì làm sao thực hiện được mục tiêu 120 km/h?

Dự án này ngốn 24.500 tỷ VND, tương đương gần 2 tỷ USD, sẽ là một sai lầm phải trả giá không kém gì Nhật Bản, tiền mất tật mang, sẽ mất trắng 2 tỷ USD và thảm họa ĐS như vụ 25/4/2005 sẽ không thể tránh khỏi. Đến nay không có một giáo sư tiến sĩ nào của Bộ GTVT nhận ra sai lầm kỹ thuật nghiêm trọng này và Bộ GTVT đã hoàn toàn thất bại, bó tay trước ĐS khổ hẹp.

Không có một giáo sư tiến sĩ nào có trách nghiệm cảnh báo nguy hiểm, không có một giáo sư tiến sĩ nào nhận đó là “sáng kiến dại dột” của mình, còn nhà nước thì lãng phí gần 2 tỷ USD tiền thuế đóng góp của dân. Những vụ thảm họa lật tàu nghiêm trọng trên ĐS khổ 1 mét kiên cố hóa bằng tà vẹt “tiêu chuẩn Nhật Bản” sẽ hết sức nghiêm trọng, hơn cả vụ E1 tại VN và vụ 25/4/2005 tại Nhật Bản, do phản lực nền của tà vẹt cứng. Tôi đang viết các bài phân tích sai lầm này để đăng trên các tạp chí khoa học và trên các báo để độc giả biết sự thật. Thật đau lòng, ĐSVN đang lao theo vết xe đổ của ĐS Nhật Bản trên khổ đường 1 mét và học đòi chạy theo 1570 km ĐSCT công nghệ shikansen dài nhất thế giới.

Thứ ba: Theo nhiều hãng thông tấn thì vụ lật tàu này làm chết còn nhiều hơn con số 107 người (chết sau đó vì vết thương quá nặng) và số bị thương còn cao hơn nhiều con số 555 do các quan chức ĐS Nhật Bản vẫn phải che đậy thông tìn (vì sự tế nhị) và hội chứng gây ra còn làm kinh hoàng cả nước Nhật mà chưa dễ quên đi. Thảm họa này phơi bày sai lầm về kỹ thuật do ĐS 1,067 mét quá lạc hậu về kỹ thuật chỉ còn giá trị bảo tàng. Con số thời gian 9h20 phút hay 9h19 phút không quan trọng vì thông tin từ mỗi hãng thông tấn đưa ra khác nhau. Ngay cả trên wikipedia của mỗi quốc gia cũng chưa phải số liệu chính thống.

Điều quan trọng nhất của bài báo là để độc giả hiểu thực chất của ĐS Nhật Bản lạc hậu đến mức như thế, nên khuyên Bộ GTVT Việt Nam đừng lao theo vết xe đổ đó và cũng đừng mong gì cái dự án ĐSCT 56 tỷ USD “nhạt như nước ốc – bạc như vôi” đã bị Quốc hội thẳng thừng bác bỏ hay 2 dự án ĐSCT Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang đang được “nghiên cứu sâu”! “Nghiên cứu sâu” là mỹ từ khá hài hước, như một trò đùa, vì đã nghiên cứu khoa học thì phải hết sức nghiêm túc, không có sâu hay cạn.

Qua thư, tôi cảm nhận ông là một nhà khoa học chân chính, một trí thức yêu nước, tâm huyết đam mê nghiên cứu. Tôi rất trân trọng, cảm ơn ông rất nhiều và mong ông – một nhà khoa học yêu nước thương nòi tích cực đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp hiện đại ĐS quốc gia để đất nước mình được sáng vai với thế giới văn minh. Tôi cầu mong điều thánh thiện: Bức thư trao đổi giữa tôi và ông sẽ là bài học cảnh tỉnh cho 1.000 giáo sư tiến sĩ Bộ GTVT để kiểm nghiệm hệ thống ĐS nước mình về lý thuyết và thực tiễn.

Tôi rất đau lòng vì hiện nay Bộ trưởng GTVT và nhiều giáo sư tiến sĩ của Bộ GTVT liên tiếp khẳng định rằng: “Không thể mở rộng hiện đại được ĐS khổ 1 mét!”. Đó thực sự là một tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chịu thất bại trước ĐS lạc hậu, chịu thất bại trước lịch sử! Vậy thì học tiến sĩ để làm gì, thật đáng hổ thẹn với những người nông dân VN đưa nông nghiệp lạc hậu trở thành nước thứ nhì xuất khẩu lúa gạo!

Đạo lý dân tộc ta có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây hàng trăm ngôi chùa”!

Tôi đang ngày đêm thuyết phục các GS TS Bộ GTVT nhận ra vết xe đổ của ĐS Nhật Bản để có những quan điểm khoa học đúng lương tâm trách nhiệm, để nhanh chóng mở rộng và hiện đại ĐS quốc gia theo khổ 1,435 m mà toàn dân và 42.000 cán bộ nhân viên ngành ĐSVN đang kỳ vọng!

Kính báo để ông biết một tin vui, ngày 06/3/2011, tôi đã chính thức gửi luận án tiến sĩ: “GIẢI PHÁP MỞ RỘNG HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA KHỔ 1,435 MÉT TỐC ĐỘ CAO 150-200 km/h” đến Tổng Bí thư, Thủ tướng, toàn thể Bộ Chính trị và các Phó thủ tướng; kiến nghị “Bộ Chính trị khóa XI thống nhất ý chí hành động, ra nghị quyết lãnh đạo TRỰC TIẾP, TOÀN DIỆN VÀ TUYỆT ĐỐI sự nghiệp mở rộng và hiện đại ĐS quốc gia để bảo vệ tính mạng nhân dân. Đề nghị huy động tổng lực sức mạnh của toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân thực hiện mở rộng hiện đại ĐS chỉ trong vòng 3-5 năm mà không làm gián đoạn hoạt động lưu thông của ĐS hiện tại!

Xin cảm ơn ông Nguyễn Đình Đăng rất nhiều và mong được trao đổi khoa học với ông để vì hạnh phúc nhân dân. Xin kính chúc ông cùng gia đình – gia quyến sức khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng, vững tin vào sự nghiệp mở rộng và hiện đại hệ thống ĐS quốc gia!

10/3/2011

T. Đ. B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét