Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Con hơn cha

Posted by truongthondlb1


Trần Kỳ Trung - Không cần phấn đấu, đã có “chỗ” dọn sẵn, cứ thế “ngồi”… Rồi, cũng bầu cử, nhưng “bầu cử” cho có, vẫn trúng cử với “số phiếu cao” vào một chức vụ trong Đảng, nhà nước. Họ không cần uy tín với dân mà “hơn cha…” là “uy tín” với lãnh đạo, làm sao cho lãnh đạo ưa mình, tin mình. Vì thế, đã tạo ra một lớp người “hơn cha…” về độ nịnh bợ, gian xảo, giáo điều, đểu giả…

*

Một nhà văn tôi hằng ngưỡng mộ, sau khi đọc bài “Chuyện con ông, cháu cha” do tôi viết, đã lắc đầu ngán ngẩm:

“Chú mày viết thế là sai bét rồi, thời này là thời ‘Con hơn cha…’, lĩnh vực nào cũng có. Chú mày xem lại đi”.

Tôi giật mình! Có lẽ thế thật.

Thời này, nếu nói về những thanh niên tiên tiến, học giỏi, đạo đức tốt…quả là không hiếm. Họ nổi trội trên nhiều lĩnh vực, thậm chí cả những lĩnh vực, bây giờ có cho “ cha, ông” ngồi lại, nghe họ giảng giải, thì “ cha, ông” cũng chịu, lắc đầu mà không hiểu. Những người thanh niên này, họ đi lên bằng trí tuệ , bằng nghị lực, bằng những tố chất tốt, kế thừa truyên thống gia đình. Điều tôi thán phục là sự độc lập trong suy nghĩ, trong hành động, không lệ thuộc ai, tự thân vận động, không chấp nhận chân lý tuyệt đối, mà tự tìm ra con đường đi mới.

Nhìn những người thanh niên Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu từ chuyện học hành, sự nghiệp thành đạt trong và ngoài nước, chính điều đó làm cho tôi tin về tương lai của đất nước Việt nam chúng ta. Nếu như độ hai chục năm nữa, đất nước ta qua những cuộc bầu cử thực sự dân chủ, tự do, có tranh cử lành mạnh, những người thanh niên ưu tú kia nắm vai trò lãnh đạo chính quyền, có tiếng nói quyết định trong Quốc hội, đất nước Việt Nam từ kinh tế, xã hội, văn hóa… nhất định sẽ có sự chuyển mình đi lên, được bạn bè quốc tế công nhận.

Nhưng cũng thực buồn, nếu như ta nhìn vào một số một tầng lớp thanh niên, có số phận may mắn nắm quyền chức trong chính phủ hiện nay, con đường tiến thân của họ, quả là “Con hơn cha…” rất nhiều. Nhưng sự tiến thân đó, nói có đúng không? Là mầm mống gieo họa cho đất nước khiến không ít người, trong đó có tôi, lo lắng.

Nếu như cha ông họ phấn đấu về sự nghiệp vô cùng gian nan, phải trải qua nhiều nấc thang khó khăn, mà nấc thang khó khăn nhất, theo tôi, đó là trình độ lãnh đạo, uy tín trong Đảng, ngoài xã hội, trước dân…Vì thế, có nhiều nhà lãnh đạo đã bạc tóc khi ngồi vào chức vụ của mình. … Trong khi đó, với hiện tại những người thanh niên này đi con đường sự nghiệp dễ “hơn cha” rất nhiều. Con đường sự nghiệp hết sức phẳng lỳ, không cần học hành nhiều, vẫn có bằng “tốt nghiệp đại học”, thậm chí cả bằng “thạc sỹ, tiến sỹ”. Không cần phấn đấu, đã có “chỗ” dọn sẵn, cứ thế “ngồi”… Rồi, cũng bầu cử, nhưng “bầu cử” cho có, vẫn trúng cử với “số phiếu cao” vào một chức vụ trong Đảng, nhà nước. Họ không cần uy tín với dân mà “hơn cha…” là “uy tín” với lãnh đạo, làm sao cho lãnh đạo ưa mình, tin mình. Vì thế, đã tạo ra một lớp người “hơn cha…” về độ nịnh bợ, gian xảo, giáo điều, đểu giả… Tầng lớp này, liệu có thể là tầng lớp lãnh đạo “gần dân” được hay không? Thông cảm với nỗi khổ của người dân hay không ? Và tầng lớp lãnh đạo này liệu có thể để người dân tin tưởng được hay không? Tiếp nữa, nếu như ngày xưa cha ông của họ, với cuộc sống lăn lộn để làm cách mạng, họ phải gần dân, dân cho gì, họ ăn nấy, sống chết với dân… thì ngày nay, con cháu đã “hơn cha” về độ xa dân, về khoản ăn chơi, về khoản tiêu tiền như rác… Về các khoản kiếm tiền phần trăm qua những “dự án” lớn, mà không hề phải suy nghĩ, tính toán. Mà có tính toán, thì phải biến những đồng tiền phi pháp thành “hợp pháp”. Tôi kinh hãi nhất, những người trẻ, có thể họ “hơn cha…” về khoản ngoại ngữ, những chuyến xuất ngoại… nhưng về văn hóa thì thấp vô cùng tận, gần như họ không cần cội nguồn, dân tộc, không cần xấu hổ về tính “ngoại lai” của mình. Tỷ phú nước ngoài ăn chơi kiểu gì, họ không kém. Từ chuyện gái gú, đánh bạc, đến việc tiêu tiền…

Liệu các vị lãnh đạo đất nước ta có dám học các vị tiền bối cách mạng ngày trước không? Như ông Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt cùng một số vị tướng lĩnh, lãnh tụ khác, trong cuộc kháng chiến của dân tộc, đã cho con mình đi lính, đến những nơi ác liệt nhất để rèn luyện bản lĩnh, trui rèn đạo đức…Không ít con em các vị đó đã trở thành liệt sỹ. Tất nhiên, để con mình đến những nơi nguy hiểm nhất, có thể hy sinh tính mạng là điều không muốn của những người làm cha, làm mẹ. Nhưng … giả như một đất nước bị ngoại bang xâm lược, người dân sẽ trở thành kẻ nô lệ, chính phủ trở thành chính phủ tay sai của những thế lực hắc ám… Lúc đó, nỗi nhục mất nước đâu có phân biệt con của của một vị lãnh đạo hay là con của phó thường dân. Vì thế, cùng toàn dân, các vị lãnh đạo tiền bối, đáng kính đã cho con mình ra trận. Chính vì hành động nghĩa hiệp đó, tôi nghĩ, hình ảnh các vị lãnh đạo thời chống Mỹ được nhân dân tôn trọng, ghi nhớ.

Tôi nghĩ, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta hiện nay , nhờ “uy” và ê kíp của mình, sắp xếp được con cháu mình vào những vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nên học các vị tiền bối, giáo dục con cái mình nên người.

Còn không phải như thế, sẽ trở thành đại họa cho dân tộc.

Trần Kỳ Trung

http://kytrungtran.com/index.php/index/detailarticle/396

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét