Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Honda Việt Nam "tiếp tay" cho đại lý làm giá?



Từ đầu tháng 4 vừa qua hãng Honda Việt Nam tiếp tục cho ra mắt mẫu xe Air Blade mới 2011 được cho là phiên bản lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Với một số thay đổi về mẫu mã, hãng xe này đã gây cơn sốt cho người tiêu dùng khi hầu hết các đại lý đẩy giá bán cao hơn giá đề xuất từ 10 đến 15 triệu đồng một chiếc khiến không ít người tiêu dùng bức xúc.
(VEF.VN) - Câu chuyện sốt xe Air Blade 2011 hay các cửa hàng do Honda uỷ nhiệm làm giá đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải thoả đáng, Công ty Honda Việt Nam chưa làm tròn trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng.
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng dòng xe này hội tụ nhiều ưu việt tạo nên "sốt" hay là do những kỹ xảo bán hàng của các cửa hàng do Honda uỷ nhiệm tự đẩy giá bán quá cao, tăng lợi nhuận, móc túi người tiêu dùng.
Xe Air Blade 2011 được Honda Việt Nam đề xuất giá bán là 35,99 triệu đồng với 3 màu đỏ, đen, trắng và giá bán 36,99 triệu đồng với xe có màu đỏ - đen và trắng đỏ.
Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số đại lý chính thức của Honda ở Hà Nội thì giá bán lẻ tới người tiêu dùng đều bị đội lên từ 10 đến 15 triệu đồng một chiếc.
Điều đáng nói ở đây là giá bán thì chênh quá nhiều so với giá do hãng đề xuất nhưng hoá đơn ghi cho khách hàng chỉ tương đương với giá đề xuất của công ty. Người tiêu dùng biết là mình bị mua đắt, các cửa hàng do Honda uỷ quyền nâng giá bán quý cao nhưng chẳng biết kêu ai.
Tại cửa hàng đại lý Kường Ngân, số 8, phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Thuỷ, ở Nguyễn Tuân, Hà Nội, một khách hàng, nói: "Đọc báo mình biết giá niêm yết nhưng mình mua thì giá khác, thực ra làm gì có giá ấy ngoài thị trường đâu? Làm gì có bảng niêm yết giá, mình có thắc mắc thì cũng đến thế thôi, ghi đơn thì theo giá niêm yết nhưng bán thì kiểu gì cũng phải lãi nhiều lên, có thắc mắc cũng phí thời gian.
Bây giờ hỏi ai được, không có ai đứng ra bảo lãnh chuyện đấy thì ý kiến với ai? Đại lý bảo giá như thế có mua được thì mua, không mua thì thôi, kiện lên hãng làm sao kiện được?".
Tại một số đại lý chính thức của Honda ở Hà Nội thì giá bán lẻ Air Blade tới người tiêu dùng đều bị đội lên từ 10 đến 15 triệu đồng một chiếc (ảnh zing).
Sản phẩm xe máy Air Blade 2011, được cho là phiên bản lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Song, anh Trịnh Thanh Hải, ở Gia Lâm - Hà Nội, cho rằng, mẫu xe mới này chỉ thay đổi một vài chi tiết về kiểu dáng, vẫn là động cơ cũ 108cc mà giá đội lên hơn chục triệu đồng là không thể chấp nhận được.
"Giá xe trên thị trường làm tôi rất băn khoăn. Thực sự xe Air Blade, từ sáng tới giờ tôi đi hỏi mấy đại lý, đại lý cấp 1 có, và đại lý bán hàng có nhưng tôi thấy rất nhiều giá. Nghe nói giá niêm yết ở hãng là hơn 40 triệu đồng, nhưng tôi đi các đại lý thì có đại lý nói 51 triệu, có đại lý nói 52 triệu thậm chí có chỗ nói 54, 56 triệu, tôi cũng không biết giá cả như thế nào?
Hỏi thì các anh ấy nói rằng là giá cả này phụ thuộc vào linh kiện theo xe. Tôi cũng đang định mua xe, nhưng trong thời buổi giá cả mỗi cửa hàng một giá như thế này thì tôi sẽ dừng lại. Tôi cũng kiến nghị với hãng Honda và các ban ngành liên quan phải điều chỉnh lại giá cả xe để người tiêu dùng khỏi bị thiệt thòi và móc túi một cách vô cớ", anh Hải nói.
Hầu hết các loại xe do Honda Việt Nam sản xuất đều có giá bán cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết, nhưng các hãng này lại không có biện pháp can thiệp để các cửa hàng do Honda uỷ quyền chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng.
Ông Vương Ngọc Tuấn - Phụ trách văn phòng Tư vấn Khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cho biết: Công ty Honda Việt Nam đã có văn bản trả lời chính thức rằng không thể can thiệp vào việc các cửa hàng do Honda uỷ quyền bán sản phẩm này giá bao nhiêu vì như thế sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh của Việt Nam.
Theo ông Tuấn điều này công ty Honda Việt Nam không có gì sai nhưng vì trách nhiệm xã hội, vì uy tín của doanh nghiệp, vì chất lượng sản phẩm mà Honda Việt Nam nên chăng cần thay đổi cách bán đứt sản phẩm cho các cửa hàng do Honda uỷ quyền, bán theo giá chỉ đạo chung để hưởng phần trăm trên mỗi đầu xe bán ra thì việc nâng giá bán quá cao từ các đại lý sẽ bớt đi, và như vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi?
Giá xe Honda hiện là một vấn đề nóng bỏng đốii với người tiêu dùng hiện nay, nhưng cũng chưa có một quy định nào bắt buộc các DN phải kiểm soát được cách làm giá như vậy.
Ngưòi tiêu dùng cũng không có đầy đủ thông tin hay quyền lực gì để kiểm soát được. Chỉ có các cơ quan quản lý Nhà nước, có chính sách và những điều luật được xem xét sao cho cụ thể, để người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi trong trường hợp DN lợi dụng sự chiếm lĩnh thị trường một cách gần như độc quyền thì phải có mức giá phù hợp", ông Tuấn khẳng định.
Mặc dù, từ ngày 1/7 tới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực, song đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn chưa thực hiện hết các quyền của mình và phải chịu đựng việc các cửa hàng do Honda uỷ quyền tăng giá bán bất hợp lý, gây thiệt hại về tài chính.
Điều đáng nói ở đây là doanh nghiệp phải có tâm, thực hiện trách nhiệm của mình được đánh giá là vô cùng lớn đối với xã hội chẳng hạn như tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động, cung cấp hàng hoá chính hãng đến tận tay người tiêu dùng... Thế nhưng, việc công ty Honda Việt Nam dù không trực tiếp nhưng được cho là gián tiếp để tình trạng các cửa hàng do hãng Honda uỷ quyền bán hàng vượt giá niêm yết, giá đề xuất của công ty như sản phẩm xe Air Blade trong bối cảnh lạm phát hiện nay là dấu hỏi lớn, biểu hiện rõ sự bất hợp lý, làm điều kiện cần để cơ quan quản lý giá của Nhà nước thẩm định.
Về điều này, Luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng Luật sư Vì dân, Hà Nội, nêu quan điểm: "Giá cấu thành khi giao cho đại lý đã tính cả phần hoa hồng, lợi nhuận đại lý được hưởng, cả thuế, cả chi phí bán hàng rồi. Vậy tại sao đại lý đưa thêm khoản giá nữa, đó là vi phạm bộ Luật dân sự và Luật Thương mại. Như thế thiệt hại người dân thêm khoản tiền.
Phần giá đại lý đẩy tăng thêm lại không đưa vào diện tính thuế trước bạ. Cơ quan thuế chỉ tính thuế đến phần giá đề xuất của DN sản xuất đưa ra. Giá cứ 10 triệu tăng thêm thì NN mất 1 triệu. Trong khi đó, phần 10 triệu tăng thêm chỉ nhà đại lý và DN sản xuất được lợi. Người tiêu dùng và NN chịu thiệt".
Trong khi đó, Ông Vương Ngọc Tuấn cho hay, trên thị trường xe máy, Honda hiện chiếm thị phần khá lớn, khoảng trên 50%. Nhu cầu của người VN cũng quá cao nên thay vì chọn xe của Honda, người tiêu dùng hãy bình tĩnh lựa chọn những hãng khác phù hợp với mình.
"Tôi đã từng dự những hội thảo không chỉ liên quan đến vấn đề xe Honda mà như giá thuốc, giá sữa ở Việt Nam... Tôi nghĩ rằng, cần xem xét lại Luật Cạnh tranh. Chúng ta phải nhìn lại những quy định trong luật, làm sao để có chế tài xử lý đối với những trường hợp trên", ông Tuấn nói.
Câu chuyện sốt xe Air Blade 2011 hay các cửa hàng do Honda uỷ nhiệm làm giá đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải thoả đáng, Công ty Honda Việt Nam chưa làm tròn trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng.
Và vẫn điệp khúc không bao giờ cũ, đó là để tự bảo vệ túi tiền của mình, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình người tiêu dùng hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm, hoặc hãy đồng loạt có phản ứng khi các cửa hàng do Honda uỷ nhiệm dùng những kỹ xảo bán hàng để tăng lợi nhuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét