Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Rối loạn thị trường xăng dầu



Thị trường xăng dầu tái diễn tình trạng nhiều đại lý, cây xăng trên cả nước bán nhỏ giọt, hoặc ngừng bán, găm hàng chờ tăng giá. Hiện tượng này đã kéo dài nhiều ngày nhưng chưa có cây xăng nào bị xử lý.
Đầu mối nói đủ
Ông Bùi Ngọc Bảo, TGĐ TCT xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết trong 4 tháng đầu năm, Petrolimex đã nhập 3,7 triệu m3 - tấn xăng dầu, bằng 60% kim ngạch tối thiểu do Bộ Công thương giao, đảm bảo tồn kho bình quân 30 ngày (80% là nhập khẩu, 20% mua từ Dung Quất). Tới thời điểm này, Petrolimex đã ký hết hợp đồng cho quý 2, tổng cộng nhập khẩu 5 triệu m3 - tấn, đủ nguồn hàng cho 6 tháng đầu năm và đảm bảo cho tăng trưởng thị trường 17%.
 
Người dân bó tay khi cây xăng trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nghỉ bán vào hôm qua - Ảnh: Diệp Đức Minh
Phải xử lý triệt để
Quản lý xăng dầu tại địa bàn là nhiệm vụ của các sở Công thương, nếu phát hiện cây xăng nào ngừng bán không hợp lệ thì phải truy ngược lên tổng đại lý. Nếu nói ngừng bán để bảo dưỡng thì không được phép nhập thêm hàng từ tổng đại lý, nếu nhập là anh vi phạm, mà kiểm tra việc này rất đơn giản. Để chấn chỉnh tình trạng này, chi cục QLTT và công an các địa phương phải kiểm tra nghiêm túc và xử lý triệt để các cây xăng, đại lý vi phạm - Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)
Theo ông Bảo, do giá dầu lên cao, ở một số địa phương có tình trạng các đại lý tư nhân găm hàng, không bán ra đợi giá xăng dầu tăng. Petrolimex khẳng định đảm bảo nguồn hàng theo tiến độ hợp đồng với các đại lý trong hệ thống, duy trì trong suốt quý 2 và các tháng tiếp theo. Việc nhập hàng theo ông Bảo rất thuận lợi nhờ nguồn ngoại tệ cung ứng cho các DN xăng dầu hiện tại khá dồi dào, các DN này đã có thể mua ngoại tệ trực tiếp từ các ngân hàng thương mại.
“Petrolimex sẽ đảm bảo được nguồn hàng tới hết quý 2. Chính sách điều hành nếu vận hành như tháng 4 thì thị trường chắc chắn sẽ ổn định”, ông Bảo nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Vinh Sang, TGĐ  Saigon Petro, cho biết một phần nguyên nhân của tình trạng các đại lý găm hàng là do hoa hồng đầu mối chi cho đại lý giảm mạnh. Cụ thể, với Saigon Petro, hoa hồng cho đại lý chỉ còn 200 đồng/lít thay vì mức 500 - 600 đồng/lít trước đây. “Nguồn cung từ Saigon Petro cho các đại lý vẫn đủ, mỗi tháng chúng tôi đảm bảo khoảng 100.000m3 xăng dầu, cung ứng đủ cho 20 - 30 ngày. Mức lỗ của các đại lý không thấm vào đâu so với đầu mối, vì chúng tôi đang lỗ 1.200 đồng/lít”, ông Sang nói.
Cũng theo ông Sang, các đại lý, cây xăng có nhiều lý do để lách thanh kiểm tra, nên dù hiện tượng đóng cửa, bán nhỏ giọt rất phổ biến nhưng quản lý thị trường (QLTT) khi đi kiểm tra cũng rất khó xử phạt.
 
 Nhiều cây xăng ở ĐBSCL lấy lý do cúp điện để ngừng bán xăng - Ảnh: Chí Nhân
Chưa tăng giá xăng
Những tin đồn tăng giá xăng  lan ra rất nhanh từ cuối tháng 4 đã tạo cớ găm hàng chờ giá của nhiều cây xăng, tạo sức ép lên việc tăng giá. Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính - Công thương đã bác bỏ tin đồn tăng giá. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thành viên Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu, khẳng định chưa có chủ trương tăng giá, và giá xăng sẽ chưa tăng trong thời gian tới.
Cũng theo ông An, có khả năng tình trạng găm hàng xảy ra từ tổng đại lý đến các đại lý. Trong công văn hỏa tốc số 3741 ngày 26.4 gửi các sở Công thương và các đầu mối, Bộ Công thương đã yêu cầu các đầu mối xăng dầu chấn chỉnh hoạt động của hệ thống phân phối gồm cả tổng đại lý, đại lý, bảo đảm các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống mình bán hàng đủ thời gian, đáp ứng về số lượng và chủng loại. Đồng thời, các sở Công thương phải chỉ đạo các tổng đại lý, đại lý bán lẻ trên địa bàn phải mở cửa đủ thời gian, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của địa phương. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nếu phát hiện các hành vi găm hàng, đầu cơ...
Găm hàng khắp nơi
TP.HCM: Mới gần 9 giờ sáng (4.5) nhưng cây xăng ngay góc đường Bùi Thị Xuân - Lê Thị Riêng (P.Bến Thành, Q.1) thuộc Công ty CP nhiên liệu Sài Gòn đã đóng cửa. Tại mỗi cột bơm đều dán thông báo “Hết xăng”. Chị Hằng, một người đi đường nói: “Xe tôi bị hết xăng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phải dẫn bộ gần 1 km đến đây nhưng thật thất vọng vì trạm đã nghỉ bán. Hồi nào đến giờ tôi chưa bao giờ thấy trạm xăng này ngưng bán vì hết xăng”.
Ông Vũ Quang Thành, người phụ trách cây xăng, cho biết ngưng bán do hết xăng. Nhiều lý do được ông Thành đưa ra như: “Do 4 ngày nghỉ lễ nên đơn vị cung cấp xăng dầu (Saigon Petro) không cung đủ xăng; xe bồn chở xăng chỉ được vào khu vực trung tâm sau 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng…”.
Ông Hoàng Công Sơn, Đội phó Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A - Chi cục QLTT TP.HCM, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành về xăng dầu TP, cho biết hiện QLTT đang kiểm tra hoạt động của các cây xăng. Nếu còn xăng mà cây xăng cố tình hạn chế lượng xăng bán ra thì sẽ bị xử lý.
An Giang: Dọc tuyến tỉnh lộ 955B, đoạn từ thị trấn Ba Chúc đến các xã Lương Phi, Châu Lăng về trung tâm H.Tri Tôn (An Giang) có rất nhiều cây xăng đóng cửa. Lý do được nhiều chủ cây xăng đưa ra là:   “Các công ty cung ứng hạn chế nên không thể bán nhiều cho khách”.  Bà Bé Sáu, chủ một cây xăng trên đường 955B cho biết mỗi tuần chỉ được rót 10.000 lít xăng, dầu nên không thể bán nhiều hơn 20.000 đồng/xe máy. “Từ đây vô tới Ba Chúc chỉ có vài chỗ bán xăng chứ đa số là đã đóng cửa hết rồi. Hiện giờ tụi tui chỉ bán cầm cự với mức 20.000 đồng/người/xe cho bà con đi lại thôi”, bà Bé Sáu phân trần.
Dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của tỉnh An Giang cũng có nhiều cây xăng đóng cửa ngừng bán hàng. Nhiều nơi chỉ chờ trời vừa sập tối là đóng cửa.
Kiên Giang: Suốt tuyến quốc lộ N1, đoạn từ cầu Lạc Quới, H.Tri Tôn đến ngã ba Hà Giang, TX Hà Tiên dài khoảng 80 km chỉ lác đác một vài cây xăng mở cửa, hầu hết các cây xăng xa khu vực thị trấn, thị xã đều ngừng bán. Nhiều chủ tàu cá than trời vì không mua được dầu để tiếp tế cho một số tàu đang đánh bắt trên biển. Ông Huỳnh Văn Cáo, một chủ tàu cá ở xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết: “Tàu tôi đang đánh bắt trên biển nên tôi qua đảo Phú Quốc để mua dầu cho tiện nhưng quần khắp đảo cũng không mua được”. Bà Nguyễn Thị Nhạn, một chủ tàu cá ở Rạch Giá cho biết, nguồn dầu của các cây xăng rất dồi dào, muốn bao nhiêu dầu cũng có với điều kiện “giá sẽ tính theo mức giá 15 - 30 ngày tới”.
Cần Thơ: Chiều 4.5, dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh (còn gọi là QL 91B - dài khoảng 15 km), có 2 cây xăng nghỉ bán vì lý do cúp điện trong khi Công ty điện lực TP Cần Thơ cho biết trong cả ngày 4.5, khu vực này không hề bị cắt điện.
Bạc Liêu: Nhiều cây xăng - đặc biệt là ở huyện Phước Long và TP Bạc Liêu - chỉ bán từ 10 - 15 ngàn đồng/khách. Ông Đồng Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bạc Liêu, cho biết tỉnh đã thành lập 7 đội kiểm tra lưu động, trực 24/24 giờ, để kiểm tra xử lý. Các điểm bán xăng dầu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Trong mấy ngày qua, QLTT Bạc Liêu đã xử phạt 6 cây xăng tự ý đóng cửa, bán nhỏ giọt.
Trà Vinh: Một số điểm bán xăng dầu nhỏ lẻ đong sẵn xăng trong chai nhựa loại 1 lít để bán lẻ với giá cao hơn mức quy định từ 3 -  4 ngàn đồng. Nhiều cây xăng nằm dọc theo quốc lộ 53, 54 và 60 ở các huyện Cầu Kè, Duyên Hải... đã đóng cửa từ 3 hôm nay với lý do hết xăng.
Hậu Giang: Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ phản ánh của người dân, Sở đã lập đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý nhiều cây xăng ở các huyện Long Mỹ, Châu Thành và Phụng Hiệp găm hàng, bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa.
N.Đ.Mười - H.Phương - C.Nhân - T.T.Phong - T.Dũng - B.Vân
Mai Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét