Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Khi kiêu hãnh bị tổn thương

Hai Phán - Dân tiếp tục phải mang ơn Chính quyền, cùng sự đói, nghèo, hèn còn nhiều hơn. Tất cả chỉ vì khẩu hiệu “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, chính quyền do dân, vì dân! Nhưng Ngân hàng thì của “Nhà nước”; Kho bạc “Nhà nước”; ….Cũng chỉ tại vì các VIP chỉ dám nhận là “gác cửa”, là “đầy tớ” thật trung thành của dân mà thôi!...
*
LTG: Mấy ngày này, truyền thông trong và ngoài nước ngập lụt tin “Bin Laden bị tiêu diệt”, công lý được thực thi. Sự nổi tiếng của Bin Laden có lẽ không kém bất cứ một vị Tổng thống, Thủ tướng, Vua, Quốc vương … nào trong thế giới đương đại khi mà đang tồn tại “tiêu chuẩn kép” trong ứng xử quan hệ quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu xác nhận còn có thứ chủ nghĩa khác kinh sợ hơn, đáng sợ hơn cả chủ nghĩa khủng bố! Trong nước, gần đến ngày bầu cử quốc hội khoá 13 (22/5/2011) panô, áp phích tung bay phố phường cùng đài phường, xã liên tục đọc danh sách,  trích ngang các ứng cử viên. Niềm kiêu hãnh của nhiều nước, Việt Nam là như thế nào? Đã từng bị tổn thương chưa? Và có lối thoát gì không?
*
Cứ ngày mỗi ngày ngủ dậy là cả Hà nội cứ như có 1 lớp áo mới. Biển báo giao thông được cắm đêm qua, nhà cửa xây cất vội vàng qua đêm, phố xá lộn xộn, chật chội hơn, tắc đường kẹt xe nhiều hơn... Thành phố bụi hơn, mờ hơn, hạn chế tầm mắt hơn. Giá cả ngày qua ngày cứ nhích lên, đang bị “bàn tay vô hình” chi phối.
1. Lỗi à, tại sao nhỉ?
Có lẽ khi bàn về khung hình của xã hội, giật mình hiểu rằng số lượng lao động trẻ rất lớn, con trẻ bây giờ cao rất nhanh, to xác hơn, song không có nghĩa là trí tuệ đã hơn. Đúng là thời kỳ này đang sính phân tích mổ xẻ trẻ em có IQ cao, rồi là EQ nữa chứ, nào là cảm xúc thăng hoa.v.v và v.v.
Người lớn đã dệt 1 bức tranh song lại vấy bẩn chính nó. Tại 1 buổi lên lớp của giáo viên lớp 2, một trường tiểu học tại Hà Nội. Thầy giáo trẻ hỏi là các con hãy kể về 1 công việc các con đã làm tại gia đình? Gần năm chục em, giơ tay. Em thì kể là em lau nhà (!), em thì kể là vo gạo, nấu cơm; em thì kể là giặt quần áo; em thì rửa bát quét nhà, phụ bố mẹ.... Quá hay! Nghỉ giải lao, thầy giáo trẻ nhường chỗ cho cô giáo già vào lớp. Câu hỏi đầu tiên cô hỏi là “lớp chúng ta, có nhà con nào phải thuê ôsin không?” Gần năm chục cánh tay đấy lại giơ lên. Như thế đã rõ, trẻ em “như búp trên cành” của chúng ta đã nói dối. Đã lấy công việc của ôsin để tự nhận là của mình. Cay đắng hơn nữa khi mà chính bố mẹ chúng lại “hùa” vào cùng các con, trách móc trường lớp, giáo viên cho rằng nhà trường chưa thực hiện nghiêm “công ước về quyền của trẻ em” mà Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới ký công ước này. Trẻ em là tờ giấy trắng, hồn nhiên đã bị “bôi bẩn” ngay khi còn là lớp 2. Mà ai đang bôi bẩn chúng nó, chính là người lớn. Rồi lấy cái đạo của người lớn để giảng, để lên lớp, theo những “công cụ” có sẵn thì các em phản bác lại rằng “người lớn hãy thể hiện sự gương mẫu của mình trước đi”. Nhiều cơ quan đoàn thể, căn bệnh nói dối này còn “khủng”hơn nhiều. Sự liêm sỉ đâu còn nữa. Trí thức hoá lưu manh hay lưu manh hoá trí thức không còn trong truyện, trong phim mà nó đã bước ra ngoài đời, diễn rất nhanh, rất mạnh tại tất cả các cung bậc.
Nguyên gốc là dối trá, căn bệnh không mới, không quá khó phát hiện, ngày nay đang là thứ luật của hệ thống.
Về mặt xã hội, rõ ràng hiện nay ngôn từ của giới trẻ ngày một đơn điệu. Nguyên nhân là do giới trẻ ngày nay ít đọc sách hơn, thích games, internet, chatting hơn ... và đang được cổ vũ bởi văn hoá “tiêu xài, hưởng thụ và càng ít lý tưởng sống càng tốt”. Ai cũng biết là truyền thông sử dụng ngôn ngữ đơn âm sắc, giật tít hoặc ngắn hay sốc để dễ gây chú ý. Còn ngôn ngữ văn hoa, tu từ, lãng mạn ... thường hay thấy trong thơ, trong truyện, sử thi … dần dần ít xuất hiện hơn. Theo dõi báo chí thì được biết ở ta đang định đưa cả “hát sẩm” thành 1 thứ di sản phi vật thể(!?). Có lẽ ai đó đề xuất điều này đã bao giờ tự răn mình hay ngắm mình trước gương chưa. Hay đấy lại là 1 lời chứng, một “dự báo tương lai” khi sẽ có nhiều hơn thành phần “cái bang” hay “bần cố nông” thời hiện đại và “sẩm” sẽ là cứu cánh của họ(!?). Chúng ta sẽ chứng kiến sự mất mát rất lớn ngôn từ đa âm sắc của tiếng Việt vì thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay hiện (không hoặc chưa) nhận thức được.

2. Nhà nhà là “anh hùng”, là “tướng”, là “tiến sĩ”.
Nói ra điều này quả thật là đau lòng “cò con”. Khi phong tặng cho nhau, người ta tự tâng và đưa nhau lên với vô số danh hiệu. Làng “anh hùng”, nằm trong xã “anh hùng”, rồi xã lại nằm trong huyện “anh hùng”, huyện nằm trong tỉnh “anh hùng”. Còn nhớ anh hùng lực lượng vũ trang Dương Minh Ngọc[1], rồi gần đây là anh hùng Lý Đại Bàng [2]. Đại tá Lý Đại Bàng được coi “khắc tinh” của tội phạm ma tuý song anh đã chết đột tử. Nhiều người biết vì sao anh ấy chết như vậy. Còn “người đương thời” trên VTV3 Nguyễn Đình Chiến [3] thì bị phạt tù chung thân vì lừa đảo, phạm tội. Phải chăng hệ thống đánh giá xếp hạng khi ta phong tặng danh hiệu có vấn đề?
Tại lề trái, lề phải, sẽ phải đánh võng.
Thời “Tam quốc” bên Tàu có “Hán thọ đình hầu” Tào Mạnh Đức, tức Tào Thào. Được coi là “Gian hùng”, dối trên lừa dưới, xưng hùng xưng bá khắp thời Tam Quốc. Lưu Bị coi Tào Tháo là “giặc” của nhà Hán chứ không phải là con dân của nhà Hán. Ta thì có Vua Lê, Chúa Trịnh. Trịnh Kiểm lộng hành quyền ngang hoặc còn hơn vua, tự khắc đưa đến cái hoạ cho nước. Song dân ta vốn yêu hoà bình, đặc trưng của người nông dân thuộc “văn minh lúa nước” nên đã có sự lựa chọn của riêng mình. Cứ để cho con tạo Lịch sử xoay vần, hồi sau sẽ rõ. Ở ta lúc này, là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, “tập chung xung quanh Bộ Chính trị ĐCSVN”. Có lẽ chẳng cần nói ra, cũng tự hiểu ai đang là “vua Lê”, ai đang là “chúa Trịnh”.
Trong bài trước đây tôi có đề cập đến nạn phong “tướng”. Sau khi “ạ”, có được lon tướng, thì tình trạng tràn lan: “tinh tướng”; “tiểu tướng”; “bẩn tướng”; “ngu tướng”... Thật là lố khi hôm nay Giám đốc công an cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng quân sự cấp tỉnh “lon tướng” hơi bị nhiều. Không biết có ai thống kê được hết các loại tướng không?
Ai cũng nói về năng suất lao động là yếu tố chiến thắng các cuộc cách mạng. Lê-nin chỉ rõ: Suy cho cùng thì năng suất lao động là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho chế độ xã hội này chiến thắng chế độ xã hội khác.[4]. Tư thế lao động quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhiều nhà khoa học đã buộc phải “thay đổi suy nghĩ” khi tư thế lao động kiểu “nằm” mới có năng suất cao nhất(!), rồi “ngồi xổm” mới là thứ nhì, còn bét thì mới là đứng, là chống đẩy, là vai u thịt bắp....
Nếu Tướng thời bình trong lực lượng công an, quân đội nhiều thì trong quản lý hành chính nhà nước, nghiên cứu khoa học xã hội ... cũng cần nhắc lại là số lượng Tiến sĩ quá “khủng” trong 1 thời gian ngắn. Năm 2007 đã có 1 đề án 20.000 tiến sĩ khi đó nhiều người cho rằng, đấy chỉ là 1 ý tưởng lãng mạn, không hiện thực. Nhưng nay, thì còn hơn thế nữa. Chính phủ đã quyết [5] hiện thực hoá, sẽ có 20.000 TS trong thời gian tới bằng nhiều hình thức đào tạo với tốn phí tiền hàng chục ngàn tỷ VNĐ. Lý do là dân chúng ta cần có IQ cao, rồi EQ nữa vì suy cho cùng IQ sẽ quyết định “cao tốc”, “cất cánh” của đất nước khi Việt Nam cơ bản là nước công nghiệp năm 2020. Điều này đã được vị Đại biểu quốc hội “đáng kính” Trần Tiến Cảnh (khoá 12) kết luận: "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây". [6]. Xin miễn bình luận thêm.

3. Việt kiều, ông là ai?
Nhớ lại lịch sử năm 1945, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc sau này là cụ Hồ Chí Minh về nước từ 1941, để 4 năm sau làm cuộc “cách mạng giải phóng dân tộc”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Tua lại thời điểm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tháng 10/2010. Phải nói là năm ngoái, Hà Nội có vô số chương trình “hoành tràng” song chuyên gia thẩm định xác nhận “phần hội thì nhiều, lễ quá ít; hình thức rườm rà mà nội dung quá đơn điệu” thì “Nobel toán Học” GS. Ngô Bảo Châu, người đã có 20 năm tu nghiệp ở nước ngoài về đã giúp Hà Nội “có điểm sáng” nhân đại lễ 1000 năm. May quá, vì lúc đó GS. Ngô Bảo Châu (gốc Hà tây cũ) đã sáp nhập về Hà nội. Cũng may cho Hà Nội lúc đó, mới đầu định để lại 1000 hiện vật cho đời sau đã bị phá sản [7] chứ nếu không, không khéo đấy là điềm gở, là chứng cứ để con cháu đời sau nó chê cho không biết nữa. Lịch sử sẽ phán xét tất cả.

4. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa:
Khi người nước ngoài (đầu tư, thương mại cũng như du lịch) đến Việt Nam, họ rất bất ngờ vì sự hiều khách của Việt nam. Nhưng quá nhiều du khách khi sang Việt nam đã “một đến, thôi trở lại”. “Theo kinh nghiệm của bản thân tôi và qua những lần nói chuyện với du khách nước ngoài, chất lượng dịch vụ và sự thân thiện trong cung cách phục vụ ở VN còn chưa tốt. rồi, Tôi chắc rằng mỗi du khách đều có ít nhất vài lần gặp phải dịch vụ nghèo nàn và thái độ phục vụ kém ở Việt Nam”[8]Việt Nam có 87 triệu dân mà mới chỉ đón tiếp được 5 triệu khách, mà đa phần sẽ không quay lại thì có lẽ, khó nói tới việc hoành tráng được.
Với kinh tế thị trường XHCN thì đã có cuộc tranh luận “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” thật mạnh mẽ bên trong và hành lang Đại Hội đảng CSVN tháng 1.2011 vừa qua. Phát biểu tại phiên chính thức của Đại hội đảng CSVN khoá 11, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, UVTW Đảng khoá 10 ông Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Đảng vẫn xác định quan hệ đa sở hữu, có công có tư. Vậy bây giờ nói “công hữu tư liệu sản xuất” thì ai còn yên tâm đầu tư cho Việt Nam.” Nếu vẫn công hữu, ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà nước động viên họ đầu tư để làm gì.Ông Võ Hồng Phúc tự đưa ra câu trả lời: Để rồi sau thời kỳ quá độ “nuôi vỗ béo rồi thịt”, thì ai dám làm ai dám đầu tư.
Phải chăng sự tự hào “anh cả đỏ”, “con chim đầu đàn” của kinh tế Nhà nước không thể không bàn tại đấy? Lần nữa, lề phải đã đúng.

5. Từ lạm phát … đến cuộc sống của người dân.
Tháng 04/2011, chỉ số giá CPI tại Hà Nội là 3.28% và Tp. Hồ Chí Minh là 3.16% [9] Thử hình dung, tỷ lệ này đã gấp đôi so với “lãi suất tiết kiệm” / tháng của người dân gửi tại Ngân hàng. Có nghĩa, là ngủ dậy, tiền đã đội nón ra đi mà không biết.
Có lẽ quá nhiều sản phẩm cùng giá cả đang bị “ghìm cương” do chuẩn bị bầu cử 22/5. Sau ngày này, chắc chắn giá cả sẽ “thăng hoa” mặc dù quá nhiều lời nói của các VIP yêu cầu “kìm chế”. Nó đã bị tác động của chính sách tài khoá [10], chính sách tiền tệ lạc lõng và cao su từ hoạch định chính sách cho đến cơ chế thực thi, là “đóng van”, “mở nước”, chuyển đổi USD/VNĐ và ngược lại theo “biểu đồ đóng mở” của những thợ máy chuyên nghiệp, của các cơ quan có liên quan. Kết quả, dân sẽ chết chìm, rồi còn biết bấu víu vào đâu?
Tuy nhiên, vũ khí lạm phát là con đường ngắn nhất bào mòn của cải của dân chúng, khiến cho cuộc sống vốn độc lập thành phụ thuộc “đâu đó” nhiều hơn, từ vi mô cho đến vĩ mô, từ chiến thuật cho đến chiến lược. Điều này đang đi ngược lại với di huấn của cụ Hồ Chí Minh là“không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Tiếng Việt ta khá phong phú, song đang chứng kiến nhiều từ gốc Hán phát triển mạnh. Nhưng ta là ta, Tàu là Tàu. Ta khác Tàu ở 1 điểm quan trọng. Nếu như Trung quốc xác định “nước giàu, dân mạnh” thì ta đảo lại là “dân giàu, nước mạnh”. Cái khẩu hiệu này đã dẫn đến nhiều hệ luỵ của sự phát triển mà dễ quan sát nhất là nhiều cái “tôi”, thể diện cá nhân đặt trên tất cả, chưa rõ rồi tới đây sẽ đưa đất nước đến đâu? Nhiều người cho rằng, đó là sự “chệch hướng”, là lãng phí các nguồn lực phát triển đất nước. Sự đánh đổi của thế hệ, của thời gian, chi phí và thứ bậc của đất nước do những nguồn ấy, vốn đã hữu hạn thì nay đang bị bào mòn, trôi nổi.

6. Khi kiêu hãnh bị tổn thương.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập trong phát triển kinh tế như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng còn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó là thách thức vượt qua “bẫy thu nhập trung bình"[11]. Chúng ta đã nhìn thấy một sự thật, nền kinh tế ngày càng tụt hậu hơn. Lạm phát tại Việt Nam là do chủ động tạo ra hay ta hoàn toàn bị động? Có lẽ câu hỏi chịu khó suy nghĩ chút đỉnh cũng dễ tìm được trả lời rồi. Kết quả là dân tiếp tục phải mang ơn Chính quyền, cùng sự đói, nghèo, hèn còn nhiều hơn [12]. Tất cả chỉ vì khẩu hiệu “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, chính quyền do dân, vì dân! Nhưng Ngân hàng thì của “Nhà nước”; Kho bạc “Nhà nước”; ….Cũng chỉ tại vì các VIP chỉ dám nhận là “gác cửa”, là “đầy tớ” thật trung thành của dân mà thôi!
Sự thật là hiện nay có những biến động, xáo động về tâm lý của nhiều tầng lớp nhân dân chủ yếu là ở thành thị do kinh tế vô cùng khó khăn, nhà đất bất động sản cắt cổ, giá cả leo thang, việc làm ít, thất nghiệp và bán thất nghiệp cao, thu nhập thực tế bị giảm sút trông thấy. Một lần nữa, nền nông nghiệp Việt Nam lại “oằn vai”, là lính cứu hoả chữa cháy, là bệnh viện chữa thương cho đất nước, song cũng đã đến giới hạn nguy hiểm của mình. Dự trữ ngoại hối của đất nước chỉ khoảng 10 tỷ USD (quá giật mình), và "dự trữ ngoại tệ thấp như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm vì chỉ còn tương đương khoảng 5-6 tuần nhập khẩu, trong khi mức tối thiểu phải có là 12 tuần theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF"[13]. Nguyên nhân sâu xa đã được lý giải là đến từ những chính sách điều hành của chính phủ song dân “đầu trần, chân đất” khó mà hiểu được, do dân trí thấp và quan trí cũng có cao hơn bao nhiêu đâu. Người dân chỉ được giải thích, rồi báo đài cổ suý là do sự tham nhũng, là do sự vô liêm sỉ của quan chức đã lên đến cực đỉnh. Hẳn ai cũng đã nghe, đã thấy, đã chứng kiến khi ĐCSVN trả lời dứt khoát là chỉ đổi mới, cải cách kinh tế, nói “No” cải cách chính trị! Đó là thông điệp, là chuyên chính vô sản cho những ai ảo tưởng thì sẽ bị trừng phạt không thương tiếc. Sức mạnh của Đảng hiện nay về danh nghĩa thuộc về trên 3 triệu Đảng viên song quá nhiều vị trong số đó không hẳn tin Đảng vì họ đến với Đảng chỉ vì quyền, vì tiền, vì ban phát bổng lộc. Sức mạnh của Đảng đang nằm nơi niềm tin của quảng đại dân lao động, đặc biệt là nông dân tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong hàng ngũ Đảng viên hiện nay có không ít thành phần hủ hoá, lời nói bất mãn song phải hiểu rằng, nơi đại đa số dân lao động mới có niềm tin thật vững, sắt đá với Chế độ hiện nay. Đó là cái phúc. Đứng trước những biến cố của thế giới đương đại, mọi công việc của Việt Nam phải do chính người Việt tìm tòi, quyết định sao cho phù hợp hoàn cảnh và trình độ phát triển của đất nước. Và, Đảng đừng làm niềm tin của dân bị tổn thương!

HP, 4.5.2011
Hà Nội, trời trở lạnh bất thường khi đã sang hè. Đài phát thanh của các Phường, Xã đều liên tục thông tin chuẩn bị bầu cử quốc hội khoá 13 & hội đồng nhân dân các cấp.

Tài liệu tham khảo:
[1] Dương Minh Ngọc khóc hối hận vì đã tiếp tay cho Năm Cam. Đăng tại http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2003/04/3b9c66de/
[2] Vĩnh biệt đại bàng dũng mãnh. Đăng tại http://www.sggp.org.vn/xahoi/2010/4/223083/
[3] Người đương thời Nguyễn Đình Chiến bị phạt tù chung thân. Đăng tại http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/03/nguoi-duong-thoi-nguyen-dinh-chien-bi-phat-tu-chung-than/
[4] Làm gì để tăng năng suất lao động? Đăng tại http://tintuc.xalo.vn/00424000443/Lam_gi_de_tang_nang_suat_lao_dong_.html
[5] Phê duyệt đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ. Đăng tại http://www.voh.com.vn/news/NewsDetail.aspx?id=19513
[6] Lê Nhung, Các nước có IQ cao đều làm đường sắt cao tốc. Đăng tại http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Cac-nuoc-co-IQ-cao-deu-lam-duong-sat-cao-toc-914859/
[7] Phá sản đề án chôn 1.000 hiện vật cho ngàn năm. Đăng tại http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2010/03/3ba1a4bf/
[8] Trong mắt người nước ngoài, Để du khách trở lại Việt Nam. Đăng tại
[9] Diệu Hương, CPI tháng 4: Tp.HCM và Hà Nội đều “ngất ngưởng”. Đăng tại http://vneconomy.vn/20110420092136342P0C19/cpi-thang-4-tphcm-va-ha-noi-deu-ngat-nguong.htm
[10] Anh Quân, Gốc của lạm phát tại Việt Nam là chính sách tài khóa. Đăng tại  http://dantri.com.vn/c25/s76-477209/goc-cua-lam-phat-tai-viet-nam-la-chinh-sach-tai-khoa.htm
[11] Bảo Minh, Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam - Ưu tiên kiểm soát lạm phát. Đăng tại http://www.sggp.org.vn/kinhte/2011/5/256718/
[12] Hoàng Lam. Hơn 100.000 hộ dân Thanh Hóa thiếu đói. Đăng tại http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Tin-Tuc/188945/Hon-100000-ho-dan-Thanh-Hoa-thieu-doi.html
[13] Dự trữ ngoại hối của VN chỉ còn 10 tỷ USD. Đăng tại http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/02/110209_viet_forex_reserve.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét